CÁC VỆ TINH PHÍA NGOÀI
Đã phát hiện được Thiên Vương tinh có tất cả 15 vệ tinh. Hệ thống vệ tinh này nằm trên mặt phẳng xích đạo của hành tinh, tức là gần như vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của nó (giống như một đồng xu lăn trên mặt bàn, hoặc như chiếc bánh xe trong một tiết mục biểu diễn xiếc trong công viên). Vào cuối thế kỷ XX Thiên Vương tinh hướng cực của nó về phía Trái Đất và cái nhìn của người quan sát trên mặt đất hướng gần như thành một góc vuông với mặt phẳng quỹ đạo của các vệ tinh.Hai vệ tinh xa nhất là Ôbêrôn và Titania, do Hecsen phát hiện, nằm cách xa hành tinh 582,6 và 435,8 triệu kilômet. Chúng gần như là hai thiên thể sinh đôi. Đó là những vệ tinh lớn nhất của sao Thiên Vương, có đường kính tương ứng là 1520 km và l580 km. Vệ tinh nằm ở bên ngoài là Ôbêrôn có bề mặt băng cổ xưa bị đào xói ngổn ngang thành các crate thiên thạch. Bằng chứng của các đứt gãy kiến tạo lớn và các vận động địa chất trên đó rất ít. Trên vệ tinh Titania ngoài vô số các crate còn có cả mạng lưới các đứt gãy kiến tạo lớn và dấu hiệu của các hiện tượng núi lửa cổ xưa.
Hai vệ tinh tiếp theo là Umbrien và Arien do nhà thiên văn học người Anh Uyliam Latxen phát hiện vào năm 1851 bằng một chiếc kính viễn vọng công suất lớn do ông dựng trên đảo Manta. Hai vệ tinh này cũng có kích thước gần như nhau: Umbrien có đường kính 1170 km, quay quanh sao Thiên Vương ở khoảng cách 265000 kilômet; Arien có đường kính 1160 km, chuyển động theo một quỹ đạo có bán kính 191000 kilômet. Umbrien là vệ tinh tối nhất của hệ thống Thiên Vương tinh, chỉ phản chiếu cả thảy 19 % ánh sáng chiếu vào nó, với bề mặt biến dạng chằng chịt crate. Arien là vệ tinh sáng nhất, phản chiếu 40% ánh sáng Mặt Trời.
Trên bề mặt của nó còn in rõ dấu vết của các vận động địa chất trên phạm vi lớn và những dấu hiệu hoạt động núi lửa cổ xưa. Các crate lớn hầu như không có trên bề mặt còn trẻ của vệ tinh Arien.
Vào năm 1948 nhà thiên văn học người Mỹ là Giêradơ Cuipơ tần đầu tiên quan sát thấy vệ tinh thứ năm của sao Thiên Vương là Miranđa. Vệ tinh này nằm cách hành tinh 130000 kilômet. Đó là một vệ tinh nhỏ (đường kính 470 km) với các dấu vết kỳ thú nhất của một quá khứ địa chất dữ dội đến không ngờ.
Trạm thăm dò ''Voyager -2'' vào tháng 1 năm 1986 đã gửi về Trái Đất các hình ảnh tuyệt vời của Miranđa với độ phân giải đến 1 kilômet. Theo những bức ảnh đó, các nhà chuyên môn đã tạo dựng hình ảnh lập thế của phần địa hình kỳ dị của nó, trên đó nổi lên những vùng địa hình rãnh luống rộng bao la giống như những thửa ruộng đang cày xới. Nơi có các luống đất chụm lại thành một góc có tên không chính thức là ''các rui hình chữ V'' (chevron). Tại rìa vùng đó, ở phần cực nam có một vách đúng cao 15 km. Không thể hiểu được năng lượng cho hoạt động địa chất của Miranđa lấy từ đâu.
Việc đặt tên cho các vệ tinh của sao Thiên Vương đã mở đầu cho sự từ bỏ truyền thống thần thoại Hy Lạp – La Mã. Số là vào thời điểm phát hiện ra chúng tên con cái của vị thần Hy Lạp Uranut (Uranus, tên gọi của sao Thiên Vương trong các ngôn ngữ phương Tây) là các titan và những người khổng lồ đã được
đặt cho các vệ tinh của sao Thổ. Vì vậy để tôn vinh các nhân vật trong hài kịch ''Giấc mộng đêm hè'' của Uyliam Sêcxpia, Hecsen đã gọi các vệ tinh của sao Thiên Vương là Ôbêrôn và Titania. Cái tên Umbrien được lấy từ bản trường ca của Alêcxanđơ Pôp (Alexander Pope), còn các trường hợp khác truyền thống của Sêcxpia đã chiến thắng: Arien và Miranđa là các nhân vật trong vở kịch ''Bão táp''.