Tài liệu: Cây xanh cũng có thể xây dựng nhà?

Tài liệu
Cây xanh cũng có thể xây dựng nhà?

Nội dung

CÂY XANH CŨNG CÓ THỂ XÂY DỰNG NHÀ?

 

Sau khi được khai thác về, gỗ hoặc tre, trúc lại tiếp tục được xử lí gia công để làm nguyên liệu xây nhà là cách làm truyền thống đã có từ xa xưa. Nhưng cây xanh đang sống có thể trở thành vật liệu để xây dựng lên những toà nhà cao tầng không?

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, tại Chicago Mỹ đã xây dựng một toà nhà hành chính to lớn, tráng lệ. Bên trong toà nhà không hề có tường gạch, cũng không có bức vách. Thay vì xây tường gạch, người ta đã trồng cây để ngăn chia các phòng với nhau, người ta đã gọi chúng một cách hình tượng là ''Bức tường màu xanh''. Vừa mới xuất hiện, ''Bức tường màu xanh'' đã được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Mọi người đã gọi kiểu kiến trúc không giống các kiểu kiến trúc thông thường này là “Kiến trúc thực vật”.

“Kiến trúc thực vật” còn được gọi là “Kiến trúc xanh”. Nó vốn có lịch sử lâu đời ở thời cổ đại, khi mùa đông đến, người ta đã cho cỏ mọc trên đỉnh ngôi nhà được làm từ các cành cây xếp lại, kết quả đã tạo ra được các nóc nhà có khả năng chống lạnh do có một lớp thực vật mọc tự nhiên, có thể giữ nhiệt ở trong phòng. Cư dân của bang New Mexico - Mỹ lấy những miếng đất sét có mang mầm cỏ ở dưới những lòng sông đã cạn nước đắp lên những bức tường và phần mái nhà, đợi cho cỏ ở trong đất mọc lên, rễ cây bám chặt vào nhau, như thế vừa tăng thêm độ vững chắc của công trình, lại trông rất đẹp mắt, mọi người đã ví nó là ''Ngôi nhà thảo nguyên''.

Thế nhưng, ''Kiến trúc thực vật'' hiện nay không phải là kết cấu cỏ và đất sét đơn giản như vậy, mà là lấy những cây gỗ đang sống để xây dựng nhà, nguyên liệu gỗ đã được thay thế bằng một cây gỗ đã được uốn nắn trong quá trình sinh trưởng để tạo nên rầm, cột, và tường. Phương pháp thi công của ''Kiến trúc thực vật'' không hề phức tạp, không cần đến các thiết bị máy móc thi công loại lớn. Phương pháp áp dụng hiện nay đại thể có hai phương pháp: một là “Phương pháp uốn cong”, tức là lợi dụng các loại cây gỗ có độ cong tự nhiên, khoét các lỗ hổng trên thân cây rồi lại để cho nó tiếp tục lớn lên; Phương pháp thứ hai là ''Phương pháp ghép nối”, tức là lấy hai cành cây bị thương ghép chúng lại với nhau tạo nên ''cành ghép''. Sử dụng hai phương pháp cơ bản này, các nhà kiến trúc sư thông minh có thể nghĩ ra rất nhiều các ý tưởng độc đáo, tạo nên các công trình mới lạ như các cổng vòm hành lang, cầu uốn, bình phong, tường bao, thậm chí có thể xây dựng nên cửa hàng, nhà ở và văn phòng làm việc từ các loại thực vật sống này. Sau khi xây dựng xong, “Những ngôi nhà thực vật sống này” sẽ có một diện mạo đẹp đẽ với hoa lá xanh tốt quanh năm, quả sai trĩu ngọt. Những người sống trong các ngôi nhà này sẽ có được cảm giác như đang được sống trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, khiến cho tinh thần được thư thái, giảm bớt căng thẳng lo âu.

''Kiến trúc thực vật'' kết cấu đơn giản, thi công thuận tiện, vật liệu sẵn có, giá thành lại rẻ, hơn nữa có thể kết hợp hài hòa không gian sống với môi trường tự nhiên, cũng có tác dụng giảm bớt tiếng ồn và ô nhiễm không khí, có thể hấp thụ được khí cacbonic và bụi. Loại kiến trúc mới lạ này trong tương lai sẽ được áp dụng rộng rãi ở công viên, vùng núi, vùng rừng rậm, vùng ngoại ô thành phố. Đặc biệt là tại các thành phố hiện nay đang trong tình trạng nhà cao tầng mọc lên như nấm, dân số đông đúc, không khí ô nhiễm, xây dựng được kiểu ''Kiến trúc thực vật'' này là một giải pháp tốt.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/210-26-633369397154531250/Khoa-hoc-cong-trinh/Cay-xanh-cung-co-the-x...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận