Có cà phê “ngon” giống như rượu “ngon” không?
Việc đánh giá hương vị cà phê thường là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, người ta cũng nhất trí một số ''loại ngon'', như cà phê Blue Mountain (Núi xanh) nổi tiếng được sản xuất từ giống typica thuộc loài C. arabica ở Jamaica: với hương thơm dịu còn mùi quả, nó được bán tới hơn 150 euro một kilogam! Giá đắt này phản ánh sự hiếm có cũng như chất lượng đặc biệt của nó; chất lượng này liên quan với hàng loạt yếu tố như thổ nhưỡng, giống và kỹ thuật xử lý. Vì cà phê ngon đòi hỏi loại cà phê xanh không chê vào đâu được: chỉ cần lẫn một ít hạt xấu cũng đủ làm hỏng cả thu hoạch! Chẳng hạn, hạt còn non, thiếu đường và quá giàu axit clorogenic khiến cà phê uống bị se và chát. Phương pháp xử lý quả cà phê sau thu hoạch cũng tham gia vào thành phần hóa học của hạt cà phê xanh, tức là chất lượng của cà phê uống. Người ta vẫn còn chưa hiểu rõ vì sao quả cà phê được xử lý bằng phương pháp ẩm tạo ra loại cà phê dịu hơn, nghĩa là ít đắng và chua hơn, so với quả đã được phơi nắng. Tóm lại, ba ''nhà'': nhà sản xuất, nhà buôn và nhà chế biến (rang, xay...) đều can thiệp ở mức độ khác nhau vào chất lượng cà phê, cho nên khó đánh giá ''thổ địa'' của cây cà phê.