Tài liệu: Campuchia - Thành phố Siêm Riệp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Siêm Riệp là một thành phố nhỏ với những đường phố hẹp, nhiều cây xanh.
Campuchia - Thành phố Siêm Riệp

Nội dung

Thành phố Siêm Riệp

Siêm Riệp là một thành phố nhỏ với những đường phố hẹp, nhiều cây xanh. Hầu hết các du khách từ Pháp, Nhật và các nước phương Tây đều tìm đến Siêm Riệp thông qua các hoạt động truyền thông được tổ chức một cách chuyên nghiệp. ''Muốn hiểu về Camphuchia hãy đến Siêm Riệp - nơi có cả dấu ấn quá khứ của vương triều Khmer, lẫn hình ảnh của một Campuchia hiện tại và tương lai''.

Siêu Riệt từng là kinh đô của vương quốc Khme trong nhiều thế kỷ. Từ thế kỷ XIII, Siêm Riệp bị chiếm đóng và tàn phá. Kinh đô của vương quốc bị thiêu trụi. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc bằng đá thì hầu như vẫn nguyên vẹn. Trong số đó tiêu biểu là Ăngkor Thom và Ăngkor Wat.

Siêm Riệp còn là tên một con sông nhỏ, chạy qua trung tâm thành phố đổ vào Tonle Sáp.

Theo thống kê của báo Phnom Penh Post, lượng khách du lịch nước ngoài trong năm 2005 vào Campuchia là 1 triệu lượt, tăng so với năm trước là 30%. Trong đó, khoảng 70% khách đến Campuchia là đi Siêm Riệp để thăm Ăngkor. Những con số này đã nói lên sự thành công của Campuchia trong việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua Siêm Riệp. Một Ăngkor kỳ vĩ nhưng cũng đã từng bị lãng quên hàng trăm năm. Từ thế kỷ XIV, khi chiến tranh kết thúc, Ăngkor đã bị quên lãng và bị phủ kín bởi những cánh rừng già đại ngàn.

Mãi đến năm 1860, một người Pháp thích phiêu lưu mạo hiểm là ông Hessi Mouhot đã phát hiện thấy những công trình này. Từ đó đến nay, đã có hàng trăm nhà khảo cổ học trên thế giới tìm đến đây để tiếp tục khám phá những bí ẩn của những lăng tẩm đền đài.

Đây là quê hương của một quần thể kiến trúc vĩ đại - thánh đường Ăngkor - một di sản  văn hóa không chỉ của Campuchia mà của toàn nhân loại. Đến đây du khách sẽ được lạc vào một thế giới của những điều huyền bí và vẻ đẹp mê hồn của những đền đài rực rỡ, những chạm khắc tinh vi - kết quả của bàn tay tài hoa và óc sáng tạo vĩ đại của người Khmer trong một thời kì lịch sử.

Nền văn minh Ăngkor hình thành và phát triển trong suốt bảy thế kỉ, trải qua 27 đời vua. Hưng thịnh nhất là khoảng thế kỉ IX đến thế kỉ XIII. Kinh đô Ăngkor nằm ở vùng đất phì nhiêu phía Bắc Biển Hồ (hồ Tonle Sáp), do vua Jayavacman II chọn đặt sau khi đánh bại quân Java giành độc lập cho đất nước.

Kinh đô Ăngkor nằm cách thủ đô phnôm Pênh của nước Campuchia hiện nay khoảng 240 km về phía Tây Bắc. Rất nhiều thành quách, đền đài, cung điện nằm rải rác trên vùng đất rộng tới 45 km2, trong đó những di tích quan trọng nhất còn lại đến nay là ''đền núi'' Ăngkor Vat và đền thành Ăngkor Thom (trước đây được gọi là Đế Thiên và Đế Thích).

Ở vùng này về phía Đông và Tây có hai hồ nước nhân tạo cung cấp nước trồng trọt và  sinh hoạt của nhân dân (hồ Baray Tây và hồ Baray Đông). Các hồ đều rất rộng và được xây dựng vững chắc (hình chữ nhật rộng 1.800 mét, dài 7.000 mét, sâu trung bình 3 mét), lượng nước dữ trữ tới 40 triệu m3).

Đền Preah Ko

Thời kì mở đầu của nghệ thuật Ăngkor được tính từ thời vua Indravacman (877-889) với công trình Preah Ko xây dựng năm 879 để tưởng niệm vị vua tiền bối Jayavanman II cùng với tổ tiên của mình. Nằm trên hai cấp nền và hai vòng tường bao, tổng thể kiến trúc gồm sáu tháp gạch với các trang trí chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Java, một số họa tiết được phát triển từ nghệ thuật đền đài ở Kulên (đã bị đổ nát) nhưng được làm tinh vi hơn.

Đền núi Ba Kong

Đền núi vũ trụ Ba Kong (ở Roluos) do vua Indravacman xây dựng vào năm 881 thể hiện rõ ý tưởng loại đền này trong thần thoại Ấn Độ. Đây thực sự là một quả núi nhân tạo bằng sa thạch, ngoài tầng bệ lớn hình chữ nhật (115 x 150m) còn có năm tầng đế tháp (đế dưới 56 x 67m, đế trên cùng 20 x 18m). Tháp chính có hình bông sen được tạo hình cân đối và đẹp mắt, nhiều đền tháp về sau được phát triển từ cấu trúc này.

Đền Prerup

Đền Prerup gắn liền với sự kiện trở lại định đô ở Ăngkor. Sau một thời gian định đô ở Koh Ker vào thời vua Jayavacman IV, đến năm 952 vua Rajandravacman (944-968) đã dời đô trở  lai Ăngkor. Ông tiến hành mở rộng vương quốc và cho xây một đền tháp lớn vào năm 961: đền Prerup. Công trình đồ sộ được cấu trúc hình kim tự tháp ba bậc mặt bằng vuông (bậc dưới 50 x 50m, bậc trên 35 x 35m), trên cùng là năm ngọn tháp gạch. Các phía đều có hệ thống bậc đi lớn và có các kiến trúc ''cổng phòng'' (gopu- ra). Đền Prerup được coi là loại đền núi khá hoàn chỉnh và là bước chuẩn bị cho giai đoạn cổ điển của kiến trúc Ăngkor với đỉnh cao là khu đền Ăngkor Vát.

Đền núi Takeo

Thời kì triều đại Mặt trời kéo dài từ cuối thế kỉ X sang đầu thế kỉ XI, cùng với triều đại vua Suryavacman I (1002-1049) uy lực xã hội và chính trị của nước Khmer đã đạt tới đỉnh cao.

Kiến trúc quan trọng của thời kì này là ngôi đền núi Takeo với năm tầng bệ được xây từ cuối triều vua Jayavacman V (968-1001) và kết thúc vào triều vua Suryavacman I. Kiến trúc ngôi đền này là bước chuyển tiếp vào thời kì cổ điển của nghệ thuật Khmer.

Đền Banteay Srei

Banteay Srei là tác phẩm đặc sắc nhất về kiến trúc và điêu khắc Khmer vào thế kỉ X. Công trình cũng được xem là đỉnh cao của nghệ thuật Đông Nam Á. Người phụ trách xây dựng công trình này là một tu sĩ Bàlamôn tên là Yajnavaraha.

Quần thể kiến trúc này nằm trong ba vòng tường thành và ba lớp cổng phòng (gopura). Xen giữa lớp tường bao giữa và ngoài cùng là hồ nước lớn. Các công trình đều được xây bằng sa thạch màu hồng tạo nên một không gian xinh xắn, ấm cúng và thanh thoát.

Nằm tách biệt về phía Đông Bắc (cách trung tâm Ăngkor 20 km) Banteay Srei luôn hấp dẫn khách tới tham quan bởi trình độ điêu luyện trong sự kết hợp kiến trúc và điêu khắc. Quy mô không lớn nhưng cách tạo khối cân đối gây ấn tượng đồ sộ. Kiến trúc Banteay Srei là bước chuyển tiếp từ ''tiền Ăngkor'' với kiến trúc gạch sang thời Ăngkor với kiến trúc đá. Các hình chạm khắc dày đặc diễn đạt các đề tài của sử thi Ramayana với độ tinh xảo được ví như chạm khắc trên đồ trang sức.

Ăngkor Vát

Ăngkor Vát có nghĩa là ''đền của kinh đô'' được xây dựng từ năm 1113 đến năm 1152 dưới triều vua Suryavacman II (1112-1152). Là một vị vua giỏi về chính trị, quân sự, ông cũng là người có tài trong lĩnh vực xây dựng công trình và nghệ thuật kiến trúc. Ăngkor Vát chính là biểu hiện rực rỡ của thời kì nghệ thuật này.

Đây là bước phát triển cao của loại ''đền núi'' nhằm mô phỏng quả núi vũ trụ Mêru, nơi ngự trị của thần linh. Đền Ăngkor Vát phục vụ việc thờ thần-vua, công trình vừa có chức năng đền thờ vừa có chức năng là lăng mộ.

Ăngkor Vát là quần thề kiến trúc lớn nhất trong các đền đài ở Campuchia, và cũng thuộc loại kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn nhất của thế giới.

Dù là chuyện thần thoại bắt đầu từ đời xưa và không có bằng chứng nào cho thấy mức chính xác của nó, nhưng có thể sự tích núi Mêru trong Ấn Độ giáo đã có một mối liên quan nào đó đến hình thức những ngôi đền Ăngkor.

Câu chuyện thần thoại bắt đầu bằng một tình yêu. Đó là một tình yêu của thần Hinđu khác hẳn với người nhà Phật vốn sống ''chay tịnh'' đánh dấu bằng một cuộc hôn phối tốt đẹp giữa Indra (thần Sấm, thần Sét và vua của các thần) với một bà hoàng sắc nước hương trời ở nơi trần thế. Và kết quả, một hoàng tử không ai đọ nổi về vẻ đẹp và lòng tốt tên là Preah Két Mealea, đã ra đời. Vì được sinh ra trong lòng hoàng hậu nên Preah Két Mealea đã trở thành hoàng tử kế vị ngôi vua ở Indraprast. Indra mang cậu lên trời sống trên núi Mêru, đỉnh núi cao nhất.

Kết quả là chốn đào nguyên đầy tiện nghi và thơ mộng với những cung điện tường xây bằng vàng mười và những vòm mái khảm dát vô số kim cương và ngọc quý, với những nàng tiên xinh đẹp nhảy múa ca hát chẳng bao giờ dứt làm cho vị hoàng tử trẻ không muốn trở về nơi hạ giới nữa. Nhưng các thần không bằng lòng cho con của một người trần sống với mình và đòi Indra trả hoàng tử về hạ giới. Không còn cách nào khác, thần Indra đã phải đem chú bé xuống hạ giới. Đã quen với cuộc sống trên thiên giới, Preah Két Mealea cảm thấy buồn bã trong cung điện của vua cha và xin thần Indra cho mình lên trời. Nhưng điều đó là không thể và Indra đã phải hứa cho con mình một công trình kiến trúc và một điều kiện sống tương tự như trên ở dưới trần thế. Thần Indra đã sai một vị ''kiến trúc sư'' vĩ đại của các thần là Preah Pisnuka xây ngay trên mặt đất cho hoàng tử một lâu đài tráng lệ và giống hệt lâu đài của thần Indra trên thượng giới. Trong một đêm các thần đã xây dựng xong tòa lâu đài - đó chính là Ăngkor Vát. Ngày nay, trên các phiến đá ở Ăngkor Vát người ta còn thấy những lỗ tròn dấu tay bê đá của các thần.

Có thể có một mối liên hệ nào đó giữa hình thức kiến trúc Ăngkor Vát và cảnh quan chốn nhà trời linh thiêng trên đây chăng? Vì nó cũng có tầm cỡ vô cùng hùng vĩ, và có năm đỉnh tháp cao giống như năm đỉnh của ngọn núi Mêru. Ở đấy trên những tường đá khác đầy những nàng ápxara, những vũ nữ hết sức xinh đẹp mang sứ mệnh quan trọng là ''dùng sắc đẹp của mình để gợi nhớ lại cho người trần những niềm vui thiên giới''.

Về vẻ đường bệ nguy nga của Ăngkor Vát, nhà văn Thép Mới trong bài Tôi đã đến Ăngkor dưới cờ năm tháp đã tả như sau:''Đền chính là đá xếp cao tựa núi, một khối đá cao 65 mét, hình tháp vươn theo ba tầng. Nhưng đá ở đây sống động tình người, mỗi tấc vuông đá đều có trang trí hoa văn chạm trổ tinh vi từ chân tường chân cột đến trần bằng đá. Những song cửa sổ tiện bằng đá để lọt ánh sáng vào cho người xem ngắm nhìn cơ man nào là công trình nghệ thuật. Đặc biệt hầu như góc nào cũng gặp những tượng vũ nữ ápxara nổi tiếng mình trần với bộ ngực đá được thời gian và bàn tay du khách vuốt ve nhiều làm cho láng bóng. Nhưng quả là duy nhất trên đời; hành lang bao quanh tầng thứ nhất là cả một viện bảo tàng nghệ thuật vĩ đại. Mỗi bức tường là pho truyện thần thoại kể bằng nét điêu khắc đá. Tất cả có tám bức chạm trổ nổi khổng lồ cao hai thước, bốn bức dài bốn chín mét, bốn bức khác dài đến gần một trăm mét, toàn bộ là một ngàn hai trăm mét vuông điêu khắc đá. Bốn góc mái đền thượng là bốn tháp giống nhau, chính giữa đỉnh đầu của núi đền Ăngkor Vát là toà tháp chính cao hơn những tháp xung quanh đến chục mét. Nắng mưa tại cho đá một màu hồng hun trong nắng gắt. Mỗi toà tháp với mười bậc thang tạo nguyên khối đá ghép tròn trông y như một món quà khổng lồ.

 Ăngkor Vát, bên cạnh những thành công về tạo dáng chung (xiluét) bố cục mặt bằng chung cho đến tổ hợp các hình khối đơn thể tất cả đều đạt đến sự thống nhất cao độ như do một bàn tay làm ra.

Trên những bức tượng của Ăngkor Vát, có tới trên hai ngàn những ápxara hay Đêvatta,  những vũ nữ bằng đá. Họ trẻ trung, thon thả, đầy sức sống, nửa người phía trên để trần, phô bày vẻ đẹp thể chất cân xứng, đeo đầy những vòng quý, tay cầm những bông hoa rừng nhiệt đới đầu đội những mũ miện kết bông hoa và châu báu. Họ mơ mộng trong một thế giới tinh thần kì lạ với một nụ cười dịu nhẹ toả lan trên khuôn mặt, nhẹ đến nỗi rất khó nhận ra.

Không giống nhau một chút nào, những vũ nữ này đứng riêng rẽ hoặc thành từng nhóm ba, bốn, năm người một, gợi lên một cảm giác trong trẻo và vô tư. Đó là một vẻ đẹp khác với vẻ đẹp của những pho tượng vũ nữ rừng rực sức sống ở Khagiurahô mà bút pháp điêu luyện của người tạc lại nhằm vào miêu tả cuộc sống ham muốn hưởng thụ của người đời.

Chính vì vậy mà tập quán ve vuốt những pho tượng ở Ăngkor làm cho nó bóng lên và sẫm màu sôcôla, là một tập quán tôn giáo vốn có từ xưa và có lẽ ít nhiều dính đáng đến việc cầu may.

Tổng thể Ăngkor Vát bố cục kiểu sân trong nâng lên ba cấp như kiểu kim tháp có bậc, nên nội  thất quần thể có thể được thụ cảm từ những sân trong với những góc nhìn hết sức đa dạng. Những hành lang ba lớp này, ở mỗi cạnh của nó đều có cổng vào ở giữa cạnh, nhưng riêng lối vào phía Tây được chú ý nhấn mạnh nhiều hơn.

Từ cửa chính đi vào, người ta thấy trải rộng trước mắt một hệ đền nhiều cột hình thành nên bốn cái sân trong nhỏ, nhưng không gian rất phong phú. Qua khỏi hành lang thứ hai, có hai điện nhỏ rất đẹp, và giải pháp kiến trúc này như nhắc lại cách giải quyết hai thư viện đã thấy ở hai bên cầu. Ở đây có những ápxara điêu khắc đẹp nhất tượng trưng cho phong cách cổ điển Ăngkor.

Tiếp theo là chủ đề chính của công trình: hệ thống tháp cao nhất với bốn tháp xung quanh và một tháp ở giữa mà muốn lên được từ phía Tây, người ta phải sứ dụng ba hệ bậc cấp rất dốc. Vì những tháp này là nơi ở của thần thánh chứ không phải nơi tập trung đông đảo những con chiên như ở nhà thờ châu Âu, cho nên bố cục hình dáng chung của đơn thể tháp là tinh vi còn nội thất đơn thể thì đơn giản, không có đặc điểm gì nổi bật

Những ápxara điêu khắc tinh tuý nhất tập trung ở những không gian phía sau bên trong quần thể, còn những điêu khắc phía ngoài thì có vẻ đa dạng hơn về mặt đề tài: những mộng mị và truyền thuyết, những trận đánh và cuộc sống thực tiễn, hình ảnh hội hè, diễu hành, thần, vua, chim muông quỷ quái...

Ở các bức tường hành lang điêu khắc ngoài cùng có những trang trí hết sức công phu. Hành lang phía Tây thể hiện những cảnh rút ra từ những bản trường ca Hinđu: Maha Bharati và Ramayana. Tường hành lang phía Đông miêu tả sự tích chiến trận vì biển sữa - loại nước cam lồ làm cho người ta trường sinh bất tử. Còn ở phía Nam là những tác phẩm điêu khắc giá trị nhất như cảnh thiên đường và địa ngục.

Trang trí của ngôi đền phong phú đến mức làm cho con người choáng ngợp. Đó là một mục đích quan trọng của những người xây dựng. Vì ngôi đền bản thân đã được thần thánh cao độ.

Đá để xây dựng Ăngkor Vát lấy từ những ngọn núi Kulên ở cách đó 40 km. Công việc này cực nhọc một cách khủng khiếp có thể đã được giao cho đông đảo nô lệ tiến hành. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật từ bố cục kiến trúc đến điêu khắc đá, hết sức giá trị thì có lẽ không thể do những bàn tay không có tự do làm ra được, mà phải là kết quả lao động tự giác của những con người được giải phóng ít ra là ở một mức độ nhất định. Điều đó nói  lên sự sáng tạo kì diệu của con người đương thời

Khách đến tham quan đền đi vào từ phía Tây, sau khi qua cầu trên hồ nước sẽ vào đường chính đài 230 mét để tới cổng đền. Hai bên đường có hàng lan can đá với hình rắn thần Naga khổng lồ gợi ấn tượng linh thiêng và thần bí. Qua cổng đền, đi tiếp một đoạn đường thứ hai lát đá rộng 9,5 mét, dài 350 mét để vào đền, hai bên đường cũng có lan can đá hình rắn Naga. Khoảng cách từ cổng tới đền gấp đôi chiều rộng của đền, tạo được tầm nhìn phù hợp quy luật thị giác, cho phép du khách tiếp cận toàn cảnh đền với góc nhìn đẹp nhất.

Các bộ phận chính của đền có kích thước phù hợp với ''tỉ lệ vàng'': tầng đế cao 6 mét, tầng giữa cao 13 mét (6+7) và tháp chính cao 42 mét (6 x 7). Độ cao các lớp công trình tăng dần theo tỉ lệ 6/13/42 mét tạo ấn tượng hài hòa của một không gian hùng vĩ.

Muốn đi thăm hết ngôi đền du khách phải đi qua ba tầng hành lang và từ hành lang có thể đi vào 398 gian phòng. Hành lang tầng dưới cùng bao quanh hình chữ nhật 215m x 187m,  được trang trí bằng tượng các vật thiêng như sư tử và rắn Naga bảy đầu, xen với các bức chạm nổi trên đá diễn tả các cảnh tượng trong thần thoại hay cảnh các cuộc chiến hào hùng do nhà vua chỉ huy. Các bức chạm khắc cao 2 mét, dài từ 5 mét đến 100 mét, diện tích được chạm khắc lên tới 1.200 mét.

Ý tưởng về kiến trúc ''đền núi'' đã có từ buổi khởi đầu của nghệ thuật Ăngkor. Nhưng những đền núi lúc đầu còn thô sơ, chỉ là sự liên kết của một vài ngôi tháp đặt trên một quả đồi. Dần dần các bộ phận cấu thành ngôi đền núi đã hoàn thiện hơn, cho đến khi đền Ăngkor Vát được hoàn thành thì mô hình đền núi đặc trưng của nghệ thuật Khmer đã đạt tới mức độ thăng hoa của nghệ thuật kiến trúc.

Từ nền tầng tháp trên cùng vươn lên trời cao năm ngọn tháp vĩ đại và rực rỡ như những nụ cười tỏa sáng trong không gian. Không chỉ có hình dáng đẹp mà những điêu khắc trang trí trên tháp cũng là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ. Hình ảnh cả ngọn tháp Ăngkor Vát được lấy làm hình tượng trên quốc kì Campuchia như biểu tượng của niềm kiêu hãnh về một nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử nhân loại.

Thành Ăngkor

Nằm ở trung tâm di tích cổ Ăngkor Vát thành “Great Ăngkor” hay còn gọi là ''Thành Thông Vương”. Năm 802 sau CN Jayaraman thứ 2 định đô ở nơi đây, gọi là Vương triều Ăngkor. Năm 1181, Jayaraman thứ 7 đã sửa chữa thành này và đã thay tường cũ của nó bằng tường đá. Toàn bộ thành từ trong thành Ăngkor hình vuông, với diện tích khoảng 9 km2. Tổng chiều dài của tường thành dài khoảng 13 km, cao 7 m, dày 6m. Tổng cộng thành này có 5 cửa, bên trên các cửa đều có khắc tượng đầu Bồ tát. Trong đó cửa Nam Đại và cửa lớn còn được bảo lưu hoàn chỉnh nhất trong thành cổ Ăngkor, nó là một cửa do tượng Phật đá 4 mặt cấu tạo thành. Phía trước cửa có một dãy tượng Phật rất sống động, những pho tượng này ôm lấy một con long xà, có 7 đầu, tượng trưng cho Hoàng thất. Ở giữa thành Ăngkor là đền chùa Bamao, ở giữa ngôi đền chùa này là một quần thể kiến trúc được tạo nên bởi 16 tháp bảo liên kết với nhau. Tòa tháp bảo cao nhất là tòa tháp hình tròn mạ vàng, cao 45m, thân tháp được khắc đá. ở giữa Bắc ngôi đền chùa này có một quảng trường lớn, nghe trước đây từng là nơi Quốc vương tổ chức các buổi họp. Bên trong ngôi đền chùa có trên 200 pho tượng mặt lớn được khắc chạm trên tháp. Tương truyền rằng đây là tượng mặt của Quốc Vương. Hai bên cửa thành mỗi bên lại có một pho tượng thần khắc bằng đá, mỗi pho tượng này đều mọc lên 3 cái đầu. Ngoài ra, còn có rất nhiều Phật đường như Hoàng cung, Quảng trường lớn, đinh quan văn võ và đền Ba phương. Toàn bộ khu thành du được bố trí sắp đặt rất hợp lí, đường phố rộng thoáng.

Hang động Ăngkor Vát

Nằm ở góc Đông Nam thành Ăngkor, nó còn có tên khác nữa là ''đền Ăngkor'' nó được xây dựng vào khoảng từ năm 1112-1201 sau CN. Đây là phần mộ của vua Sujayraman thứ 2. Ăngkor Vát được tổ hợp bởi hơn 1.000 công trình kiến trúc, nhưng hiện nay chỉ còn giữ lại được mấy chục công trình kiến trúc. Những công trình kiến trúc này hoàn toàn được xây bằng đá, giữa các khe nối không hề có khe mạch rõ ràng. Tổng chiều dài của hang động Ăngkor Vát này dài 1.500, rộng 1.300 mét, có một con sông bảo bệ thành rộng 190 mét. Nó được xây dựng trên nền móng 3 tầng, bên trên tường hành lang của nền móng tầng thứ nhất được bài trí đầy những bức phù điêu, chủ yếu là miêu tả cảnh chiến tranh và những câu chuyện thần thoại Ấn Độ. Trên Động Môn của tầng thứ hai có khắc hơn 1.500 pho tượng Phật nhỏ. Trên tầng thứ ba mỗi góc đều có một tháp Phật, ở giữa có một tháp Phật lớn. Tháp Phật ở giữa cao 65 mét. Tương truyền rằng vương triều Ăngkor tổng cộng đã huy động trên 15 triệu người và rất nhiều voi lớn, họ đã vận dụng kĩ thuật kiến trúc cao siêu và mất hơn 80 năm nữa có thể xây dựng nên Ăngkor Vát. Ăngkor Vát là một trong 7 kì tích lớn của thế giới, nó là tinh hoa của quần thể kiến trúc Ăngkor, nhắc đến Ăngkor và Campuchia là người ta nhắc đến Ăngkor Vát.

Ăngkor Thom và đền Bayon

Sau Ăngkor Vát, đỉnh cao và niềm tự hào cuối cùng của kỉ nguyên Ăngkor là thành Ăngkor Thom với đền Bayon.

Đầu thế kỉ XIII, nhà vua Phật giáo Giayavacman VII (1181-1220) xây dựng toà thành Ăngkor Thom rộng 900 héc ta với 5 cổng vào. Người ta có thể đến kinh thành này bằng tàu thuyền trên những kênh rạch, hoặc bằng đường bộ.

Ăngkor Thom có nghĩa là “kinh đô lớn”, là khu tập trung khá dày đặc các đền đài do vua Jayavacman VII (1181-1201) xây dựng. Khu vực này có hình vuông 3.000 x 3.000 mét, có tường thành cao 7 mét vây quanh, bên ngoài có hai lớp hào nước bảo vệ. Bốn mặt tường thành đều có cổng lớn ở chính giữa hướng về bốn phương Đông-Tây-Nam-Bắc. Riêng mặt phía Đông có thêm cổng thứ hai (dịch về phía Bắc một chút) dẫn thẳng tới hoàng cung mang tên cổng ''Thắng lợi'', giữ vai trò như một Khải hoàn môn chào đón các đoàn quân chiến thắng trở về. Giữa tâm của Ăngkor Thom là đền núi Bayon, công trình gây ấn tượng nhất của kiến trúc Ăngkor.

Bayon

Cuộc tấn công và tàn phá Ăngkor của quân đội Chàm đã góp phần làm lay chuyển tới tận gốc rễ những truyền thống Ấn Độ giáo vốn từng làm sống động nền văn minh Khmer thời kì Ăngkor. Do chỉ lo xây dựng đền đài miếu mạo không quan tâm đến đời sống của nhân dân, nên sau cuộc tấn công của người Chàm, đất nước của người Khmer theo lời bia kí đến Bantay Chnar, dã chìm đắm trong vực thảm tai họa. Đất nước khi đó cần một vị cứu tinh. Và vị cứu tinh ấy cũng đã xuất hiện: đó là Jayavacman VII.

Sau khi đánh đuổi quân Chàm và lên ngôi năm 1181, Jayavacman VII đã cho làm lại Ăngkor. Ông cho dựng một đô thành mới là Ăngkor Thom. Đô thành này trùm lên thành phố mà Ydayadityavacman II dựng quanh đền Bà Phuôn. Jayavacman VII còn cho đào một hào nước dài 4 km và rộng 100 mét và làm một tường thành bằng đá để bảo vệ đô thành. Từ tường thành có 5 cửa trổ ra: 4 cửa ở bốn trục và một cửa phụ ở phía Đông ''khải hoàn môn''. Bên trên các cửa ra vào là các tháo có hình mặt người. Trung tâm đô thành là đền Bayon. Chỗ ở của vua nằm chếch về phía Bắc. Trong thành, nhà vua còn cho dựng nhiều đền miếu khác như: Banteay Kdei, Ta Prahm, Prea Khan, Neak Pan. ..

Các công trình đầu tiên của vua Jayavacman VII đều phỏng theo phong cách Ăngkor Vát.  Tuy nhiên, hai công trình kiến trúc độc đáo: tháp mặt người và lan can tượng người vật chất hóa chủ đề ''khuấy biển sữa'' tìm thuốc trường sinh. Đóng góp độc đáo của Jayavacman VII là xu hướng biểu tượng hoành tráng. Các đề tài tôn giáo đều được thể hiện ra bằng kiến trúc trên nền trời.

Chủ đề ''khuấy biển sữa'' được Jayavacman VII tạo ra với một tầm vóc khổng lồ. Ở hai bên đường đi vào Ăngkor Thom là 54 pho tượng lớn ôm ngang mình con rắn vĩ đại, lưng quay về phía đô thành; bên trái là các thần, bên phải là các quỷ. Cảnh khuấy biển sữa diễn ra quanh trục núi Meru mà Bayon là trung tâm. Đại dương được thể hiện cụ thể qua hình ảnh hào nước bao quanh đô thành. Hình ảnh khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh phần nào biểu hiện ước muốn và việc làm của vua Jayavacman VII. Hình ảnh các thần ngả người về phía sau vì gắng sức, đường cong của thân rắn vút lên trời khiến cho cảnh tượng thật mạnh mẽ và hùng tráng. Hình ảnh khuấy biển sữa trở thành một trong những sáng tạo kì lạ nhất của nghệ thuật Khmer.

Trung tâm của quần thể kiến trúc Ăngkor Thom và cũng là tác phẩm kì lạ nhất của Jayavacman VII là đền Bayon - một hình ảnh tuyệt vời nhất về nghệ thuật biểu tượng Khmer.

Con đường dẫn đến Bayon dựng ở trung tâm kinh thành được đặt những hàng tượng lớn ở hai bên: những vị thần khổng lồ. Điểm cuối của con đường đá và điểm khởi đầu của toà thành là một cửa lớn đường đá kiểu tháp có xu hướng vươn lên chiều cao. Ngoài Bayon là công trình vĩ đại nhất, ở đây còn có công viên nhiệt đới với 82 loại cây quý và một sân thềm trang trí nhiều voi đá, gọi là Thềm voi.

Bayon là một trong những niềm kinh ngạc lớn nhất của thế giới nghệ thuật. Nó phóng khoáng hơn Ăngkor Vát, bay theo chiều cao với một sức mạnh lớn hơn, nhưng khối tích thì nhỏ hơn Ăngkor Vát.

Bình đồ bố cục chính trải ra theo hình chữ thập. Sau đó người ta chặn các góc ngoài bằng các hành lang hình thước thợ để tạo thành một hình đồ chữ nhật (80m x 57m). Bố cục này lại được bao quanh bởi một hành lang bên ngoài rộng hơn (160m x 25m).

Vẫn bố cục theo kiểu kim tự tháp ba tầng có nền cao dần lên, hai tầng ngoài cùng có hành lang kín được trang trí các bức tượng chạm khắc trên đá, chu vi chỉ khoảng 600 mét nhưng kiểu tổ hợp của Bayon rất đa dạng và linh hoạt. Điểm đáng chú ý nhất là hệ thống tháo tháp tạo mặt người của Bayon. Tất cả những tháp lô xô vây xung quanh gần như đối xứng trục quanh tháp lớn trung tâm, có đường kính 25 mét và cao vượt lên 43 mét so với mặt đất.

Bayon gồm 54 toà tháp, với 216 mặt Phật, lô nhô như một rừng đá, tạo nên ấn tượng vừa linh thiêng vừa hùng vĩ của ngôi đền. Mỗi toà tháp có bốn mặt người, cao từ 1,8 đến 215 mét, nhìn ra bốn hướng. Đó là những tháp đá tạc mặt người với ''nụ cười Ăngkor'' nổi tiếng.

Các mặt người trên tháp đã vật chất hóa sự có mặt ở mọi nơi của vị vua thần linh phóng tầm mắt ra toàn vương quốc. Nhưng một giả thuyết khác khá hấp dẫn và lí thú cho rằng, hàng ngàn nụ cười Bayon huyền bí là biểu trưng cho sự mầu nhiệm của Sravasti. Theo Phật thoại, để chứng minh cho phép màu vĩ đại của mình, Đức Phật đã phóng mình lên không trung rồi hóa ra thành hàng nghìn Đức Phật lấp lánh ánh lửa, xoay quanh như một vòng sao. Chỉ trừ xây dựng một kiến trúc xoay quanh trục, người ta không thấy có cảnh nào hữu hiệu hơn để thể hiện hình ảnh trên. Bayon đã thành công trong việc mô tả bằng kiến trúc hình ảnh kì diệu về Đức Phật.

Những mặt người bằng đá lạnh lùng và huyền bí nhìn thấu khắp nơi, hao hao giống như khuôn mặt của Jayavacman VII, nói lên sự chuyển đổi của một quan niệm tín ngưỡng. Trước Bayon người ta tin vào trời, vua, còn đến Bayon, người ta nặng về sùng bái vua, mà ít tin vào trời.

Toàn bộ đền Bayon cao 43 mét. Trong điện thờ chính có một pho tượng Phật trầm tư, đây cũng chính là chân dung của vua Jayavacman VII. Các tháp bao quanh đều có tượng chân dung các quan đại thần của vua.

Cũng như Ăngkor Vát, mặt tường bên trong của các hành lang Bayon đều được trang trí bằng rất nhiều bức phù điêu. Bên cạnh cái choáng ngợp, hùng vĩ tuyệt trần gây ra cho con người, người ta còn thấy rất rõ cái chân chất của đời sống dân gian trong điêu khắc. Bên cạnh những cảnh đánh nhau là những cảnh sinh hoạt gia đình đầm ấm, cảnh người mẹ nựng con, vợ chồng âu yếm nhau, cảnh nấu cơm, bán cá, chọi gà... Tất cả những cảnh đời thường đó được các nhà điêu khắc thể hiện thật sống động và cụ thể. Đã có nhà nghiên cứu phải thốt lên rằng, Bayon là cả một bộ bách khoa bằng đá đồ sộ về cuộc sống thường ngày của người dân Khmer thời xưa.

Cũng cảnh đời thường nhưng các phù điêu trên tường hồi lang phía trong lại chủ yếu mô tả cuộc sống cung đình. Ta có thể thấy ở đây cảnh các vũ nữ đang nhảy múa, các ca sĩ đang hát, cảnh vua thiết triều, cảnh vua đang cưỡi voi đi ra ngoài thành...

Các hình phù điêu của Bayon cho ta thấy được đời sống văn hóa xã hội của người Khmer một cách đầy đủ và toàn diện. Trước mắt chúng ta lần lượt hiện ra nào cảnh làm ăn, vui chơi giải trí của dân chúng, nào cảnh trận chiến xưa, nào các cảnh sinh hoạt trong triều đình, nào là các vũ khí chiến tranh, các vật dụng hàng ngày, nào là các kiểu trang phục của vua quan đến dân chúng, từ hình ảnh những người lính trận đến các nàng vũ nữ...

Chỉ ở tầng trên cùng, phù điêu Bayon mới mang nội dung tôn giáo. Dọc các tường hồi lang tầng ba là những phù điêu thể hiện các tích Phật hoặc các hình thiên nữ Apxara.

Khác với điêu khắc ở Ăngkor Vát ca ngợi sự say mê vinh quang thắng lợi trong chiến tranh của nhà vua, chủ đề trang trí ở Bayon có phần nào ca ngợi cuộc sống hoà bình, chống lại sự tàn bạo của chiến tranh. Có thể là do tính tình hiền dịu của bà hoàng trẻ đẹp Giayaragia Đêvi đã ảnh hưởng phần nào đến ''bút pháp'' nghệ thuật của Jayavacman VII, chồng bà. Hai người lấy nhau từ những năm còn rất trẻ và bia đá gần hoàng cung đã ghi lại nỗi đau đớn của Giayaragia Đêvi mỗi khi thấy chồng xuất chinh như sau: ''Bà cảm thấy như bị ngập chìm trong một đại dương bất hạnh và khóc như mưa''.

Kiến trúc của Bayon vốn rất phóng khoáng, tinh tế, nó phần nào thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ, vì nó có thể đã được ra đời trên cơ sở cảm hứng của một tầng lớp nghệ sĩ xuất thân từ quần chúng hoặc gắn bó với quần chúng một cách chặt chẽ.

Không chỉ có phù điêu, ở Bayon còn có rất nhiều tượng tròn. Đó là những tượng chân dung Jayavacman VII, tượng các quan đại thần của triều đình, tượng Đức Phật và các bồ tát... Cùng với phù điêu, tượng tròn ở Bayon, đặc biệt là các chân dung đã góp phần quan trọng tạo ra một phong cách độc đáo như kiến trúc, phong cách Bayon.

Công phu, tiền của và tài trí của người dân Campuchia đổ ra để làm Bayon thật ghê gớm. Lao động sáng tạo của những người xây dựng và chạm khắc đền Bayon đã vượt quá mọi sự tưởng tượng. Theo tính toán của một nhà nghiên cứu mĩ thuật người Pháp B.P.Grôsliê, để chạm khắc tất cả những hình bằng đá ở Bayon phải cần đến 1.000 nhà điêu khắc giỏi làm việc cần mẫn trong 20 năm. Quả thật sự sáng tạo của người dân Khmer quả là không nhỏ.

Cũng như Ăngkor Vát, Bayon xưa lộng lẫy, rực rỡ vàng son chứ không chỉ toàn bằng đá như hiện nay. Các dấu vết còn lưu lại cho biết các chi tiết kiến trúc đá, các hình điêu khắc đã được sơn thếp hoặc dát, mạ bằng vàng bạc và đá quý. Một bia kí có ghi lại rằng: chỉ để trang trí cho những hình vua có ở Bayon thôi đã phải dùng đến 5 tấn vàng, 5 tấn bạc và 40 nghìn viên đá quý.

Ở bốn mặt tường thành Ăngkor Thom là những sáng tạo độc đáo về kiến trúc cổng. Hòa cùng các tháp tượng trên đền Bayon giữa trung tâm Ăngkor Thom, tháp tượng bốn mặt Phật trên cổng thành như mở rộng tầm nhìn Đức Phật ra bốn phương trời. Hai bên lối vào trước cổng đền có lan can chạm hình các vị thần (bên trái) và qủy (bên phải) nối nhau ôm thân rắn thần. Các hình chạm khắc cùng mang ý tưởng của chủ đề thần thoại ''khuấy biển sữa lấy thuốc trường sinh''.

Tuy cố chứng tỏ như một vị cứu tinh cho đất nước, nhưng Jayavacman VII vẫn bước theo vết của các vua trước đó dồn hết sức vào để xây dựng dền chùa. Trong gần 40 năm trị vì, Jayavacman VII đã sử dụng cho đền chùa một số lượng đá nhiều hơn của tất cả các vị vua tiền bối Ăngkor đã dùng cộng lại. Vì thế mà sự suy vong vẫn cứ như những dòng suối ngầm âm thầm phá vỡ và làm sụp đổ cả một vương triều hùng mạnh. Do phải bỏ quá nhiều công sức và tiền của vào việc xây dựng đền đài, do thờ ơ đối với các công trình thủy lợi, nên sức dân ngày càng hao mòn, ngân khố ngày càng cạn kiệt. Các hồ nước trở thành sình lầy tù đọng, các công trình thuỷ lợi do vậy mà biến thành ổ của những dịch bệnh. Đất dai trở nên cằn cỗi. Và sự tàn lụi của Ăngkor như là một điều tất yếu.

Ăngkor sụp đổ ngay sau khi Bayon được xây dựng xong. Tuy vậy, đền Bayon cũng đã bùng lên tươi tắn như một thời điểm huy hoàng rực rỡ nhất của lịch sử kiến trúc và nghệ thuật Khmer. Nhưng tiếc thay, nó ánh lên thật rực rỡ mê hồn để rồi chìm vào bóng đêm. Sau Bayon không một đền núi nào được xây dựng. Cùng với sự lụi tàn của kiến trúc đền núi, tôn giáo thờ thần vua cũng mất dần và nhường chỗ cho Phật giáo Theravada. Sau Bayon, cái bóng Ăngkor cũng tàn lụi luôn.

Con người tuy bỏ đi, thời đại và thời thế có đổi thay, nhưng Bayon - một công trình kiến trúc kì lạ nhất và cũng lãng mạn nhất của dân tộc Khmer - vẫn trường tồn cùng nhân loại như một bài ca sáng chói về sức sáng tạo vĩ đại của con người.

Nhìn lại thế giới văn minh Ăngkor, con người thấy tin tưởng ở mình hơn, thấy những bàn tay và khối óc ham mê sáng tạo của con  người quả là có sức mạnh kì diệu. Một nền nghệ thuật vĩ đại đã có những tác phẩm lớn như vậy dù đã bị tổn thất bởi chiến tranh liên miên, bị phá hoại bởi một thế lực phản động nhất thời nào đó hay bị mai một bởi thiên nhiên nhiệt đới khắc nghiệt không có lí do gì không thể được hồi sinh.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2949-02-633558850497031250/Cac-thanh-pho-du-lich-o-Campuchia/Thanh-p...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận