Canada và Thế chiến thứ I
Chính quyền Bảo thủ mới do Robert Laird Borden cầm đầu đã có nhiệm vụ liên minh với Anh Quốc trong Thế chiến thứ I. Cuộc xâm lược của Đức vào Bỉ năm 1914 đã khơi dậy tình cảm thống nhất của nhân dân Canada và đòi hỏi nước này phải tham gia vào cuộc xung đột. Binh đoàn Canada đầu tiên, với 33.000 quân, đã đến Anh Quốc chẳng bao lâu sau khi cuộc chiến bùng nổ vào năm 1914, và binh đoàn này cũng đã chiến đấu ở lục địa vài tháng sau đó trong trận chiến thứ hai tại Ypres. Năm 1916 Canada có 4 sư đoàn, với thêm sư đoàn thứ năm làm quân tăng viện. Bốn sư đoàn của quân đoàn Canada đã có tiếng về lực lượng chiến đấu của mình.
Trước khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1918, đã có hơn 619.000 sĩ quan và binh lính nhập ngũ, kể cả 22.000 người phục vụ trong không lực hoàng gia Anh. Đã có hơn 60.000 người Canada tử trận hoặc chết sau khi bị thương, một con số nặng nề so với dân số của đất nước này. Trên 66 triệu quả đạn pháo đã được chế tạo trong các nhà máy của Canada. Tổng số nợ quốc gia đã gia tăng từ 544 triệu Đô la vào năm 1914 lên gần 2,5 tỉ Đô la năm 1919, với hầu hết số tiền là nợ do chiến tranh.
Trong các trận chiến ở Pháp và Bỉ, Canada đã có những đóng góp đáng kể vào chiến thắng sau cùng. Họ đã đối đầu một cách dũng cảm với các cuộc tấn công bằng hơi độc trong cuộc chiến thứ hai ở Ypres năm 1915. Những trận mà lực lượng Canada tạo được sự ngưỡng mộ của Đồng minh gồm có trận núi Sorrel (1916), trận Somme (1916) và trận đỉnh Vimy. Riêng chiến thắng ở đỉnh Passchendaele vào mùa Thu năm 1917 Canada đã phải trả giá với 16.000 người thương vong.
CANADA GIỮA HAI THẾ CHIẾN
Khi Borden về hứa vào năm 1920, Arthur Meighen thay thế chức thủ tướng. Cuộc bầu cử năm 1921 lại đưa đảng Tự do trở lại chính trường với người cầm đầu mới là William Lon Mackenzie King. Vì chính quyền có số lượng người ít ỏi nên phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các thành viên đảng Cấp tiến.
Thập kỷ 1920 được đánh dấu bởi sự tăng trương về kinh doanh. Những tiến bộ về kỹ thuật và công nghiệp đã nâng mức sống của người dân lên. Đến năm 1929 việc sản xuất công nghiệp bắt đầu chậm lại một cách đáng kể. Tháng 10 năm đó thị trường chứng khoán phá sản báo trước cho tình trạng thất nghiệp và sự suy sụp tài chính ở Canada, cũng như các nơi khác trên thế giới. Bị thất cử trong cuộc bầu cử năm 1930, King phải nhường ghế cho đảng Bảo thủ dưới trướng của Richard Bedford Bennettt. Bennett phải đối đầu với cuộc Đại Suy thoái. Ông ta đã không đương đầu được với cuộc khủng hoảng, thêm vào đó là trận hạn hán nghiêm trọng ở các vùng thảo nguyên đã làm cho Canada phải truất phế đảng Bảo thủ. Cuộc bầu cử năm 1935 đã đưa đảng Tự do trở lại chính trường, và đảng này đã giữ yên vị trí liên tục trong suốt 22 năm sau đó.
KHỐI THỊNH VƯỢNG CHUNG
Thời gian giữa hai cuộc thế chiến đã đưa Canada đến tình trạng độc lập trong Khối Thịnh vượng chung của Anh Quốc. Thủ tướng Borden đã được đưa vào Nội các Chiến tranh Đế quốc ở Luân Đôn. Trong Hội nghị Đế quốc năm 1917 ông đã đưa ra nghị quyết là Canada phải được công nhận là một quốc gia tự trị trong khối thịnh vượng chung của đế quốc, Canada đã cử đại biểu đến cả Hội nghị Hòa bình và Hội Quốc liên. Hội nghị Đế quốc năm 1926 đã thông qua bản Tuyên ngôn Bình đẳng, trong đó nêu rõ rằng Vương quốc Anh và các nước tự trị đã trở thành những cộng đồng tự trị trong Đế quốc Anh, có địa vị bình đẳng với nhau và không lệ thuộc vào nhau . Những quốc gia này thống nhất trong bổn phận chung đối với Nữ hoàng, và liên kết một cách tự do thành các thành viên của Khối Thịnh vượng chung. Những nghị quyết này đã được quốc hội Anh củng cố vào năm 1931 trong Đạo luật Westmenster.