Tài liệu: Chọi trâu

Tài liệu
Chọi trâu

Nội dung

CHỌI TRÂU

a. Mục đích: Nhằm rèn luyện phát triển sức mạnh tay, rèn luyện sự thông minh, khéo léo. Giáo dục tinh thần thượng võ, nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.

b. Chuẩn bị: Trên sân chơi, chia các em chơi thành hai nhóm có số người bằng nhau đứng thành hai hàng. Giữa hai nhóm vẽ 2-3 vòng tròn đường kính 1 m. Trong mỗi vòng tròn kẻ một đường kính chia vòng tròn làm hai phần cho hai em khi vào thi đấu đứng chờ lệnh.

 c. Cách chơi: Khi có lệnh của người hướng dẫn, các em ở trong vòng thi đấu đặt hai tay lên vai nhau và đẩy nhau. Em nào đẩy lùi được đối phương ra khỏi vòng là thắng cuộc,  ghi được một điểm cho tổ (hoặc đội) của mình và vòng đó coi như kết thúc cuộc chơi. Vòng nào không phân biệt được sự thắng thua trong 30 giây thì trò chơi lại bắt đầu lần khác. Mỗi đợt được đẩy ba lần ai thắng hai là được cuộc.

d. Luật chơi.

- Khi nắm vai nhau để đẩy không được dùng sức mạnh để bóp vai làm cho đối phương đau.

- Không được dùng tay kéo giật cho đối phương ngã.

- Người hướng dẫn nêu tên trò chơi và kể cho các em nghe câu chuyện tóm tắt như sau:

Ở  nước ta, tại một số nơi trong các dịp hội hè thường tổ chức Chọi  trâu như Chọi trâu Bạch Lưu (huyện Lập Thạch),ở Chu Hóa, Phù Ninh (huyện Phong Châu), Hoàng Cương (huyện Thanh Hòa) tỉnh Vĩnh Phú, Chọi trâu đây được coi là một trò vui bên cạnh những trò vui khác. Có nơi Chọi trâu đã trở thành tục lệ, có sức thu hút khán giả cả một vùng rộng lớn và có một lịch sử lâu đời như hội Chọi trâu vùng ven biển Đồ Sơn thành phố Hải Phòng. Về tục này Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: ''Ở chân núi Đồ Sơn, huyện Nghi Dương có đền Thủy thần. Tương truyền có người bản thổ đi qua, đêm đêm thấy hai con trâu chọi nhau dưới đền, nên hằng năm đến ngày 10-8 có tục Chọi trâu để tế thần”. Nhân dân đây có câu ca:

Dù ai buôn bán đi đâu

Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mồng mười tháng tám thì về chọi trâu.

Chọi trâu chỉ diễn ra một ngày, nhưng việc chuẩn bị lại hết sức chu đáo vì đây là sự việc “Sự thần”. Làng phải lo ba việc giao cho các giáp thực hiện: Mua, nuôi và luyện  trâu. Việc tìm mua trâu, nuôi trâu để chọi là rất công phu và khắt khe. Trước năm 1945, Đồ Sơn là tổng gồm 3 xã. Đồ Sơn có 6 giáp; Đồ Hải có 6 giáp; Ngọc Xuyên có 2 giáp tổng cộng là 14 giáp. Lệ định là mỗi giáp phải có một trâu dự hội. Song đến ngày hội (10-8) thì chỉ có 6 con được vào cuộc. Như vậy phải có vòng tuyển chọn (đấu loại) từ các giáp. Vòng 1 diễn ra vào trung tuần tháng 5, vòng 2 vào ngày 8-6. Ngày hội chính là ngày 10-8. Trò chơi Chọi trâu giúp chúng ta  biết đến một lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Việt.

 

Chọi Trâu

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/334-26-633353839283672500/Nhom-tro-choi-ren-luyen-suc-manh-kheo-leo/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận