Tài liệu: Chuyện mua bán

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Điểm dị biệt cơ bản giữa việc mua bán và trao đổi quà tặng chính là chức năng của chúng. Với chuyện mua bán, điều quan trọng nằm ở ý nghĩa tái phân phối của nền kinh tế
Chuyện mua bán

Nội dung

Chuyện mua bán

Điểm dị biệt cơ bản giữa việc mua bán và trao đổi quà tặng chính là chức năng của chúng. Với chuyện mua bán, điều quan trọng nằm ở ý nghĩa tái phân phối của nền kinh tế. Trong chuyện trao đổi quà tặng, điều quan trọng là ở các quan hệ xã hội. Việc mua bán thì dựa vào và thúc đẩy các hoạt động tương tác xã hội, nhưng trọng tâm của việc mua bán là sự tái phân phối hàng hóa. Trao đổi quà tặng cũng tái phân phối hàng hóa, nhưng mối quan tâm chính yếu của việc này là các mối quan hệ có tính cách cá nhân.

Trong phạm vi các bộ lạc nhỏ ít có chuyện mua bán. Việc trao đổi quà tặng với nhau hầu như đã đáp ứng tất cả các nhu cầu của họ. Trình độ văn hóa cũng là một yếu tố có ảnh hưởng. Những nền văn hóa thô thiển, chưa có trình độ chuyên môn hóa cao trong lao động nên không cần có sự giao thương giữa các bộ lạc. Chủ yếu là những nền văn hóa trình độ cao, với lực lượng dân cư đông đúc mới có khả năng tạo ra sự chuyên môn hóa đáng kể bằng sự nỗ lực của các thành viên.

Lúc bấy giờ mới có được dịch vụ với sản phẩm để trao đổi và mua bán với nhau.

Tuy vậy, hầu như tất cả mọi xã hội lớn nhỏ đều tham gia vào hoạt động giao thương, hoặc là ở cấp độ bộ lạc hoặc là cấp độ quốc tế. Mỗi xã hội có những loại hàng hóa riêng biệt hoặc sở hữu những tài nguyên thiên nhiên, để từ đó cung cấp nguyên vật liệu mà những nơi khác không có. Ở New Guinea và Bắc Mỹ, những con sò nước mặn sống sâu trong đất liền hàng trăm dặm. Vào thời đại Đồ Đồng, loại kim khí đồng đỏ từ đảo Cyprus đã theo chân những người lái buôn tỏa đi khắp châu Âu. Sáp ong, đá lửa từ Grand-Pressigny nước Pháp được sử dụng khắp cả Tây Âu vào thời đồ đá mới. Những người dân các vùng nội địa quần đảo Melanesia mang rau quả ra bán cho những người ở vùng duyên hải và mua lại của những người này các loại tôm cá khác.

Sự chuyên môn hóa được xây dựng căn cứ trên phong tục tập quán, hơn là sự hạn chế của các nguồn tài nguyên đưa đến sự thúc đẩy một số lượng lớn việc trao đổi mua bán. Ở New Mexico, người phụ nữ thổ dân Sia chế tạo đồ gốm không chê vào đâu được. Trong khi đó, làng thổ dân Jemez cách đó chưa tới mười dặm trong nhiều thế kỷ chẳng chế tác được món đồ gốm nào, mặc dù ở cả hai nơi có rất nhiều đất sét. Ngày xưa người Jemez đem bắp (ngô) của mình đổi lấy đồ gốm của người Sia. Người Hopi đem bắp (ngô) đổi lấy da hoẵng và sơn của người Havasupai gần đó, hoặc lấy gỗ và len của người Navaho ở chung quanh (Hình 29 -1). Nhưng trong phạm vi bộ lạc người Hopi, chỉ có phụ nữ trong các làng trên khu vực Bình Sơn II đan các đồ đựng kiểu cuộn thừng; còn những người sống trên Bình Sơn III thì đan các loại đồ đựng bằng cây liễu gai. Chỉ riêng người ở Bình Sơn I sản xuất đồ gốm có sơn màu.

Người da đỏ Crow ở vùng Bình Nguyên trồng được thuốc lá. Họ có một tổ chức mang tính lễ nghi, đó là Hội thuốc lá, tập trung chú ý vào chuyện trồng thuốc lá như một thứ nghi lễ thiêng liêng. Dù vậy, không phải họ trồng loại cây có chứa chất nicotin này để sử dụng mà thông thường là để bán cho các bộ lạc khác.[1]

Ở miền Tây Melanesia, những người Massim miền Nam có những thuyền đi biển rất lớn không phải do họ tự đóng lấy mặc dù họ có thể làm được, nhưng họ mua chúng từ các bộ lạc ở khu vực Massim Bắc.

Trong phạm vi nhóm đảo nhỏ Trobriand, trình độ chuyên môn hóa tại địa phương rất cao. Chỉ có hai thị trấn sản xuất những chiếc đĩa bằng vỏ sò màu đỏ rất có giá trị dùng trong việc trao đổi loại kula (xem dưới). Người dân trên đảo Kayleula làm và bán các loại thuyền ca-nô cho cư dân trên nhóm đảo D’entrecasteaux ở phía Tây, và mua lại của những người này các loại họ trầu cau, bột cây cọ sago, đồ gốm và đồi mồi.

Về phía đông nhóm đảo Trobriand, thổ dân trên đảo Woodlark sản xuất một loại đá thuần chất màu xanh lục để đẽo dụng cụ và những món hàng chạm trổ bằng gỗ mun đẹp nhất trong vùng. Cả hai món hàng trên đều là những sản phẩm thương mại có giá trị cao.[2]

Sự trao đổi hàng hóa câm

Nhiều người bị xốc khi phát hiện có những thương nhân tiến hành trao đổi mua bán với các quốc gia thù địch (trong chiến tranh). Những người chỉ huy sáng suốt sẽ cân nhắc giữ lại các nhà máy của địch, vì thông qua cách thức buôn bán với các nước trung lập, người ta có thể tiếp tục đảm bảo (tiêu thụ) được những sản phẩm do những nhà máy đó sản xuất. Những quốc gia thù địch không phải là không cảm thấy có lợi khi để các lợi ích kinh tế lấn át những sự đối kháng (về chính trị hay tôn giáo).

Đây là nền tảng của hình thức trao đổi hàng hóa câm, hay việc buôn bán thầm lặng của những cộng đồng dân tộc sơ khai. Ví dụ, người lùn Semang ở Mã Lai đổi lâm sản để lấy hàng hóa của kẻ thù của họ là người Sakai. Trong cuộc trao đổi không bên nào thấy mặt bên nào. Người Semang để hàng hóa của họ ở một nơi quen thuộc. Khi người Sekai thấy có hàng, họ mang hàng đi và để lại đó những sản vật họ muốn trao đổi. Sau đó, những người Semang bé nhỏ sẽ đến lấy hàng của địch để lại và mang vào rừng sâu. Cũng theo cách tương tự, những người ở vùng núi Vedda ở Tích Lan (nay là Sri Lanka - ND) đổi thịt rừng cho những người thợ rèn Singhalese để lấy các mũi tên bằng sắt. Ban đêm họ mang thịt thú săn đến để trước nhà các thợ rèn, đêm hôm sau họ sẽ trở lại để lấy mũi tên.

Herodotus mô tả cách người xứ Carthage trao đổi hàng hoá với thổ dân vùng duyên hải tây bắc châu Phi. Người xứ Carthage mang hàng của họ xếp trên bờ biển rồi rút hết ra ngoài thuyền của mình đốt khói làm hiệu. Thổ dân ra lấy hàng và để lại vàng để đổi. Cả hai bên đều vừa ý, vì các thổ dân biết nếu những người đi buôn đường biển kia thấy không có lời lần sau họ sẽ không mang hàng đến nữa.[3] Hình thức trao đổi hàng hóa câm lặng hiện vẫn còn diễn ra nhiều nơi trên thế giới.

Một hình thức hiện đại của việc mua bán thầm lặng từng được thực hiện ở vùng núi Ozark, bang Arkansas (Mỹ) và những năm 1930, khi những người nấu rượu lậu bán một thứ whiskey nấu bằng bắp, gọi là “rượu gốc cây”. Để tránh gặp nhân viên thuế vụ trong khi giao dịch, người mua đặt một đồng đô-la ở một gốc cây qui ước nào đó. Trong đêm sẽ có người tới lấy tiền và để lại đó một can rượu. Sáng hôm sau người mua tới gốc cây mang rượu về. Người bán rượu lậu không ra mặt để tránh nguy cơ bị bắt.

Các loại chợ

Buôn bán công khai tự nhiên là thuận tiện hơn nhiều, và các dân tộc sơ khai cũng thường phát triển một cơ chế phong phú cho mục đích này. Ở Nigeria có nhiều thị trấn buôn bán sầm uất. Người nghệ nhân thổ dân từ các làng cách xa nhiều cây số mang hàng hóa của họ, những sản phẩm bằng đồng thau, đồ gốm, chiếu thảm, đồ đựng, đồ da, thực phẩm các loại đến những trung tâm buôn bán. Người của bộ lạc Kede ở phía bắc Nigeria làm nghề vận chuyển hàng hóa tiêu dùng trên sông Niger. Họ mang trái kola và dầu dừa lên miền bắc Nigeria, và mang về các loại quần áo, chiếu thảm, cá, gạo, ngựa, và bồ tạt từ các bộ lạc Hausa và Nupe.[4]

Ở châu Phi, nơi họp chợ thường được đặt dưới sự bảo vệ bằng bùa phép của một thủ lãnh thổ dân có quyền lực lớn, quyền lực siêu nhiên của ông mang lại “sự bình yên cho khu chợ” để các bộ lạc thù địch có thể đến buôn bán một cách an toàn. Các thủ lãnh thường cho thuộc hạ tuần tra, canh gác, cũng như tổ chức các phiên xét xử liên quan đến chợ búa trong khu vực địa phương của mình.

Bohannan chỉ ra rằng sinh hoạt chợ búa trong các nền kinh tế bộ lạc là chỉ “hời hợt bên ngoài”, nghĩa là, các chợ không phải là hình thức sinh hoạt kinh tế trọng yếu của xã hội, vì số người thực sự làm ăn sinh sống từ các hoạt động của chợ là không đáng kể. Chức năng kinh tế của chợ ở Phi châu chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh. Chợ là nơi để người ta gặp gỡ, trao đổi chuyện trò tâm sự, thông báo tin tức. Những người tổ chức trò chơi giải trí cũng lợi dụng chợ như các hội chợ ở Mỹ - vốn là những nơi thu hút khán giả chẳng mấy khó khăn. Và cũng giống như các hội chợ, chợ là những lễ lạc hội hè được dựng sẵn. Bohannan nhận thấy, “Ngày phiên chợ thường là một ngày tha hồ chè chén say sưa”[5].

Lễ hội Kula

Thực ra, cái hệ thống buôn bán phức tạp và thú vị trong thế giới sơ khai chưa được đề cập đến chính là lễ hội kula ở miền tây bắc Melanesia. Sự mô tả tường tận của Malinowski về hình thức lễ hội kula sẽ vẫn là một tác phẩm nghiên cứu kinh điển của bộ môn kinh tế dân tộc học trong nhiều năm nữa. Công cuộc kinh doanh kula là một phức hợp thương mại, phép thuật, trao đổi mang tính lễ nghi, du lịch nước ngoài, và tìm kiếm thú vui có liên quan đến nhiều bộ lạc ở cách xa nhau. Khuôn khổ cho toàn bộ tổ chức này thể hiện là sự trao đổi các vòng buộc cánh tay bằng vỏ sò/ốc trắng gọi là mwali (của đảo Trobriand) và những chuỗi đeo cổ dài xâu bằng vò sò/ốc đỏ gọi là soulava. Cuộc trao đổi được thực hiện giữa các bộ lạc và giữa người của các đảo. Soulava luôn luôn được trao đổi theo chiều kim đồng hồ, còn mwali thì ngược lại (Hình 29 - 2). Qui luật này không có ngoại lệ.

Mỗi thứ trong những món này trên đường luân chuyển của nó sẽ gặp các món của lớp bên kia, và liên tục được người ta đem các loại đồ vật ra đổi lấy chúng. Mỗi động thái di chuyển của các món hàng hóa Kula, mỗi chi tiết của những cuộc giao dịch đều cố định và được qui định bằng một loạt qui luật truyền thống và các qui ước khác, và một vài hành động trong phức hợp Kula được kèm theo nghi lễ ma thuật phức tạp hoặc những buổi lễ công cộng.

Trên mỗi hòn đảo và trong mỗi khu làng ít nhiều đều có đàn ông tham dự Kula - nghĩa là, nhận hàng hóa, giữ chúng trong một thời gian ngắn, rồi chuyển chúng sang người khác... Như thế không ai có thể chiếm giữ bất kỳ một món nào trong một thời gian lâu. Một cuộc giao dịch không chấm dứt mối quan hệ Kula, qui định là “một lần vào Kula thì ở luôn với Kula” và một tình bạn giữa hai người đàn ông sẽ kéo dài suốt đời họ...

Sự trao đổi mang tính nghi thức hai món vật là chính, làm nên khía cạnh nền tảng của Kula. Nhưng kèm theo, và được thực hiện bên dưới bề mặt của Kula, là một số lớn những hoạt động và các đặc điểm thứ cấp. Trong khi đứng bên nhau trao đổi vòng tay và vòng cổ có tính nghi lễ, những người thổ dân này thực hiện công việc buôn bán bình thường, trao đổi từ đảo này sang đảo khác một khối lượng rất lớn hàng hóa được nhập khẩu, cần thiết nhưng không thể tìm được tại địa phương.[6]

Không phải tất cả chuyện buôn bán của những dân tộc sơ khai đều là trao đổi trực tiếp hàng hóa lấy hàng hóa. Nhiều nơi trên thế giới người ta đã có các phương tiện khác nhau làm trung gian cho việc buôn bán. Vỏ sò là thứ được dùng làm tiền tệ phổ biến nhất: ốc anh vũ được dùng trong khu vực Thái Bình Dương và ở châu Phi; thổ dân da đỏ ở California dùng ốc răng (dentalium shells); chuỗi hột kết bằng một loại vỏ ốc hình ống gọi là Wampum beads được người da đỏ miền đông sử dụng, và người Hà Lan thời mới sang New York coi đó là thứ tiền mặt tốt. Sự du nhập loại tiền vỏ ốc kém chất lượng khiến năm 1650 hội đồng thành phố New Amsterdam ra quyết nghị qui định giá trao đổi của chuỗi vỏ ốc tốt là sáu (vỏ ốc) trắng và ba (vỏ ốc) đen bằng một đồng kẽm - stiver. Những xâu vỏ ốc kém chất lượng thì phải gồm tám trắng và ba đen. Lưỡi rìu bằng đá mài và bằng đồng thau cũng được dùng rộng rãi ở châu Âu vào cuối thời tiền sử. Ở quần đảo Solomon, người ta dùng heo gà làm tiền, còn ở Đông Phi gia súc lớn được dùng làm phương tiện trao đổi.

Nhiều nơi ở châu Phi người ta dùng lưỡi cuốc bằng sắt thay tiền, nhưng loại tiền tệ lạ lùng nhất trong tất cả tiền tệ thời sơ khai là những bánh xe bằng đá vôi to tướng ở đảo Yap trong vùng Tiểu Á Micronesia (Vùng phía tây Thái Bình Dương, gồm các đảo đông Philippines và bắc xích đạo - ND).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2591-02-633540706852001250/Tang-pham-thuong-mai-va-quyen-thua-ke/Chu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận