Tài liệu: Đất đai như một tài sản trong các nền văn hóa sơ khai

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đất đai là điều kiện thiết yếu cho sự sinh tồn của con người. Vì vậy, đất đai là đối tượng đơn giản quan trọng nhất của tài sản
Đất đai như một tài sản trong các nền văn hóa sơ khai

Nội dung

Đất đai như một tài sản trong các nền văn hóa sơ khai

Đất đai là điều kiện thiết yếu cho sự sinh tồn của con người. Vì vậy, đất đai là đối tượng đơn giản quan trọng nhất của tài sản. Tất cả mọi xã hội đều đặt nền tảng trên khái niệm đất đai[1], và phần lớn lương thực thực phẩm đều trực tiếp hay gián tiếp được sản xuất ra từ đất.

Việc chiếm dụng đất đai của những người săn bắn và hái lượm

Hầu hết các xã hội loài người đều đòi quyền sở hữu tài sản trong đất đai trong hình thức sở hữu cộng đồng. Người Úc, người Bushmen ở châu Phi, người Vedda ở Tích Lan, và người Tasmania đều nhìn nhận các biên giới tự nhiên được nhìn thấy rõ ràng, phân định lãnh thổ của từng nhóm địa phương. Mỗi nhóm đều thù ghét những kẻ không mời mà đến hoặc lén lút xâm phạm - thường dẫn đến phản ứng qua hình thức chiến tranh. Sự công nhận quyền cộng đồng chiếm hữu được nhận thấy trong tập quán của thổ dân châu Úc, theo đó nhóm bên này sai sứ giả đến nhóm bên kia xin phép được đi săn tìm những loại thực phẩm nhất định trên phần lãnh thổ của cộng đồng bên kia. Các trưởng lão trong bộ lạc có quyền chấp thuận hay bác bỏ lời yêu cầu.

Thêm vào những lý do rõ ràng có tính kinh tế của việc bộ lạc độc quyền sử dụng đất đai của mình, các bộ lạ người Úc còn có một quan hệ thần bí với đất đai. Đất đai là nơi gắn bó với tổ tiên đã mất; họ không thể bỏ đất mà đi nơi khác vì điều đó sẽ phá vỡ sự ràng buộc không thể thay đổi với các bậc tiền nhân, và họ cũng không muốn để những người lạ xen vào đất đai thiêng liêng của họ.

Việc chia sẻ đặc biệt các nguồn tài nguyên. Mặc dù những người da đỏ Shoshone ở vùng đại lòng chảo đồng nhất các nhóm địa phương với các vùng lãnh thổ quê quán của họ, nhưng họ vẫn được tự do qua lại các vùng lãnh thổ khác với một số điều kiện nhất định.

Steward cho ta một sự giải thích đáng khâm phục về tình huống này bằng các yếu tố sinh thái học. Sự biến đổi và tính bất định của các vụ mùa trái thông (pine-nut, trái của một loại thông có bột dùng làm lương thực - ND) và các loại hột cây rừng rất dồi dào trên những vùng đất được nhiều nhóm người khai thác chung thường thay đổi hàng năm. Khi một địa phương nào được mùa lớn, trái cây chín rất nhanh và mau rụng, dân trong vùng không thể thu hoạch hết. Cho nên khi thấy địa phương mình sắp được mùa, người ta loan tin cho những nơi thất mùa biết để họ có thể đến cùng thu hoạch. Steward viết ''Với những điều kiện như thế, việc sở hữu các nguồn lương thực thực vật này lại là một điều bất tiện đối với tất cả mọi người[2]. Dù sao, người Shoshone tuy làm chủ lãnh thổ nhưng cũng cho những người khác cùng chia sẻ nguồn lương thực trên đất của mình.

Ở Úc cũng có tập quán giống như vậy. Nhiều bộ lạc sống nhờ vào một loại trái cây gọi là bunya-bunya, mùa màng cũng bất thường như trái thông. Nhóm làm chủ vùng đất dự kiến trúng mùa lớn sẽ sai sứ giả mang những cây gậy tượng trưng lời mời hoặc gởi tín hiệu khói đến các nhóm khác, có khi cách xa hàng trăm dặm, mời họ đến cùng tham dự vụ thu hoạch. Trong bất kỳ trường hợp nào những người đi săn cũng không được xâm phạm đất đai kẻ khác, nhưng họ được đến thu hái trái cây đó thỏa thích trong vòng từ một tháng đến một tháng rưỡi. Có những trường hợp đã được ghi nhận là - hơn hai mươi bộ lạc nói nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng thu hoạch một cách thân thiện chung một mùa bunya-bunya.[3]

Với những người Eskimo, đất đai không hề có nghĩa là tài sản, cũng không một nhóm nào giành chủ quyền trên một vùng đất nào cả. Bất cứ cá nhân nào thuộc về bất kỳ một nhóm địa phương nào muốn đến săn bắn ở đâu tùy thích: ý tưởng hạn chế người khác đi kiếm lương thực là điều rất đáng ghê tởm đối với người Eskimo, ngoại trừ vài nhóm ở miền Tây Alaska là nơi chịu ảnh hưởng của tư tưởng sở hữu tài sản của người da đỏ vùng Duyên hải Tây Bắc.[4]

Mối quan tâm của người Eskimo là chính con thú săn. Họ không màng đến đất đai và cũng không có khái niệm về tài sản, mặc dù trên thực tế mỗi cộng đồng địa phương đều được xác định bằng vùng lãnh thổ mà họ sinh sống.

Những trường hợp ngoại lệ như trên cho thấy sự độc quyền riêng biệt về đất đai không phải là điều phổ biến. Tuy vậy, thực tế các bộ lạc săn bắn và hái lượm rộng lớn cùng làm chủ chung một vùng đất là hoàn toàn đúng. Bất cứ ai muốn săn ở đâu thì săn; theo như Neighbors đã có lần viết về người Comanche: ''Chưa hề có một sự tranh chấp nào giữa các (nhóm) bộ lạc về vùng đất săn bắn, toàn bộ đất đai là của chung.”[5]

Đất đai như tài sản chung hay tài sản cá nhân. Mặt khác, một vài dân tộc săn bắn có tập quán cùng sở hữu hoặc sở hữu cá nhân vùng săn bắn hoặc khu vực đánh cá. Đáng chú ý trong số này là các bộ lạc người Algonquia ở Canada và một số người da đỏ ở California và vùng Duyên hải Tây Bắc. Có một số tư liệu đáng kể về việc chiếm hữu đất đai của người Algonquia, bắt đầu là với báo cáo của Speck. ''Nhóm săn bắn cùng một gia đình là nền tảng của tổ chức xã hội người Algonquia,''[6] và được Cooper tóm lược và đánh giá vào năm 1939 như sau: Lãnh thổ của người Algonquia bị chia cắt thành những phần manh mún... mỗi ''gia đình'' tuyên bố sở hữu một phần đất... Có vẻ như quyền làm chủ vùng đất là của cá nhân hơn là của gia đình... Quyền săn bắn trên vùng đất đó là không thay đổi và tồn lại vĩnh viễn.[7]

Hải ly và rái cá, loại thú săn chính của họ, và loại sinh sống ở một chỗ chứ không thiên di. Không giống các loại thú lớn lang thang đây đó, những loại thú sống dưới nước này chỉ quanh quẩn gần khu vực hang ổ của chúng. Vì vậy, cá nhân các chủ đất dễ giữ gìn và bảo vệ con mồi của mình trong vùng đất riêng. Đặt bẫy thú trên đất của người khác mà không được chủ đất mời trước sẽ dẫn đến những cuộc trừng phạt tàn bạo - đổ máu hoặc bị ếm bùa ngải. Một thợ săn theo dấu một con mồi lớn như chồn hay gấu vào đất của người khác thì có thể giết con vật, nhưng phải thông báo và chia phần thịt cho chủ đất. Người Algonquia cấm người ngoài vào đất của mình hái trái cây, đánh cá, đào củ, hay lột vỏ cây, nhưng các bộ lạc khác thì không cấm. Người Têtes de Boule (Đầu tròn) ở miền đông Canada, theo nghiên cứu thực địa của Cooper, đây là khu vực mà có rất nhiều các loại trái cây mọng nước và cá. "ở đây chẳng thiếu thốn gì những thứ đó, và không ai cần giành chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên đó.''

Người Tungus ở Siberia cũng có quan niệm tương tự như vậy, dù các vùng đất săn bắn do các gia đình làm chủ chứ không phải do cá nhân. Người ta không nên săn bắn hay đặt bẫy trong những vùng đất của gia đình khác, dù được phép theo dấu con thú đã bị thương để giết nó. Người Kwakiutl ở bang Columbia thuộc Anh phân chia các vùng nước miền duyên hải thành những phần tài sản riêng tư để đánh cá. Người Yurok ở California chia những vùng đại dương thành các phần tài sản riêng, những kẻ xâm nhập cũng bị xua đuổi như vậy. Kroeber kể chuyện về một gia đình ''sở hữu'' một vùng biển cách bờ và cách nhà họ bốn dặm về mỗi hướng. Ai cũng có thể đánh cá trong vùng biển đó, nhưng phải nộp cho chủ nhân vùng biển những chiếc vây của các con sư tử biển mà họ bắt được trong vùng.[8]

Các nguyên tắc chung về sở hữu đất đai của những người săn bắn hái lượm. Những người săn bắn hái lượm và người đánh cá thường giành quyền làm chủ cộng đồng các vùng đất và vùng nước rộng lớn như là tài sản chung, không cho người ngoài khai thác "chủ quyền sở hữu'' của họ, ngoại trừ các thân hữu. Có một số trường hợp ngoại lệ được ghi nhận trong cộng đồng người Eskimo, họ hoàn toàn không có khái niệm về việc độc quyền sử dụng đất đai, và trong những cộng đồng người Algonquia cũng như các thổ dân vùng Duyên hải phía Tây thì cá nhân hoặc gia đình được phép sở hữu các vùng săn bắn và đánh cá.

Việc Chiếm dụng đất đai của những người chăn nuôi

Những cộng đồng chuyên chăn nuôi thì lại khét tiếng về thực tế “bất cần đất đai”[9]. Ví dụ như với người Comanche, những người chăn ngựa và săn thú, không có khái niệm nào về đất đai. ''Đất đai là thứ họ không bận tâm, không buồn giành quyền sở hữu dù là cá nhân, hay cộng đồng.'' Họ thả những đàn trâu khắp nơi, và đồng cỏ nuôi ngựa thì vô tận.

Ngay cả với những người mà các tài nguyên đồng cỏ có giới hạn, họ vẫn có xu hướng coi đồng cỏ chăn nuôi là đất chung. Dù vậy, cũng có các ngoại lệ đáng ghi nhận trong cộng đồng người Tungus chăn thả tuần lộc ở Siberia và người Kazak (người Nga gọi là Kirghiz để khỏi nhầm với người Cossack) ở Trung Á phía đông biển Caspian.

Mặc dù người Chukchi và người Samoyed, những láng giềng của người Tungus, không chia nhỏ các vùng đồng cỏ trong bộ lạc, người Tungus coi đồng cỏ chăn nuôi như tài sản chung của nhóm hợp tác và của thị tộc thông hôn với nhau, và nếu cần, dùng vũ lực xua đuổi các nhóm khác cùng các bầy súc vật của họ. Trong vài trường hợp, một lãnh thổ được phân chia ra cho các thị tộc. Vào những thời đại gần đây, các gia đình cá thể sử dụng các đồng cỏ chăn nuôi theo phong tục có phần nào độc quyền, bất chấp các ràng buộc của thị tộc.[10]

Các tập tục của người Kazak còn đặc biệt hơn nữa. Những tay kỵ mã tuyệt vời này sống với những đàn cừu đông đúc, một ít con dê và một vài con lạc đà. Cũng như trong nhiều nền kinh tế sơ khai, cuộc sống và tổ chức xã hội của họ rất thay đổi tùy theo mùa. Họ có tập quán sống mùa hạ ở những vùng đất thấp, nơi họ có thể mặc sức thả bầy thú mà họ chăn nuôi trong lãnh thổ của bộ lạc. Vào tháng Tư, các thành viên của từng hộ gia đình len lén chui ra khỏi ngôi nhà trú đông để lùa bầy thú của mình đến bãi chăn trước những kẻ khác. Vào giữa mùa hè, hạn hán rất gay gắt, rất cần lùa bầy thú từ bãi cỏ này sang bãi cỏ khác. Trong mùa này, không gia đình và thị tộc nào tuyên bố chủ quyền trên mảnh đất nào trong đất nước cả, vì sự phì nhiêu xanh tốt của các vùng cỏ chăn thả biến đổi rất nhiều từ năm này sang năm khác. Mùa đông đến, người ta cắm trại ở lại một nơi thuận tiện gần bãi chăn thả được bảo vệ tốt giữa vùng cây cối trong một thung lũng sông sâu. Mỗi nhóm dòng họ hay nhóm gia đình có những địa điểm chăn thả mùa đông được bảo vệ bằng các ranh giới tự nhiên, hay những gò đá và cọc rào.

Việc chiếm dụng đất đai của những người làm vườn rẫy

Làm vườn rẫy và nông nghiệp có những hoàn cảnh khác biệt với những gì chúng ta đã thảo luận. Những người hoàn toàn sống bằng vườn rẫy ít nhiều gắn bó với đất đai, cho nên việc họ quan tâm đến đất đai nhiều hơn cũng là một điều không lấy gì phải ngạc nhiên.

Đa số những người làm vườn rẫy thời sơ khai lao động cá thể hay theo dòng họ hoặc theo thị tộc, và một đôi khi theo đoàn thể, nhưng trên danh nghĩa phần đất rốt cuộc vẫn thường là của cộng đồng. Vì vậy cần phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa danh nghĩa của tài sản và quyền hưởng hoa lợi (usufruct), hay quyền sử dụng mà người sở hữu tài sản dành cho ai đó. Quyền hưởng dụng có thể là trọn đời, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều thế hệ, nhưng quyền kiểm soát tài sản đó thì vẫn nằm trong tay người chủ sở hữu tài sản. Đôi khi, sự khác nhau giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu là rất thực; nhưng có lúc dường như khái niệm này chỉ là ý tưởng hơn là thực tế.

Trong một số bộ lạc theo chế độ quân chủ ở Tây Phi, một loại hệ thống phong kiến hình thành phổ biến. Tất cả đất đai đều “thuộc quyền” thủ lãnh tối cao. Ông ta chia nó cho các thủ lãnh khác, và những người này phân bố lại cho các thị tộc, rồi người đứng đầu thị tộc phân ra thành những mảnh cá thể cho mỗi người làm vườn rẫy. Và những người canh tác làm ăn trên mảnh đất ấy phải trung thành với các cấp thủ lãnh mà trên hết là nhà vua. Họ phải phục vụ công ích, phải nộp thuế, và thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chừng nào họ còn trung thành và thực hiện tốt các nghĩa vụ, và chừng nào họ không phạm tội lỗi gì nghiêm trọng thì họ không bị trục xuất khỏi mảnh đất của mình. Đặc quyền sử dụng mảnh đất được truyền lại cho thế hệ sau trong gia đình. Tuy nhiên, họ không được phép chuyển nhượng hay bán miếng đất này ra ngoài phạm vi gia đình mà không có sự chấp thuận của các bậc trưởng thượng trong thị tộc. Thường thường, người ta đem gán hay bán một thành viên trong gia đình làm nô lệ để khỏi bị tước mất quyền sử dụng mảnh đất. Những người được chia đất thường được kêu gọi phục vụ lao động công ích, thực ra theo lý thuyết đó là những việc phục vụ nhà vua. Vì thế quyền sở hữu toàn bộ đất đai của nhà vua phần lớn chỉ có tính ý niệm. Ngôi vua hiện hữu như một biểu tượng của sự hợp nhất của cộng đồng, và quyền sở hữu đất đai của nhà vua được diễn đạt theo các điều khoản phù hợp với quan niệm đó.

Việc chiếm dụng đất đai ở Indonesia. Ở Indonesia, chúng tôi nhận thấy mối quan hệ giữa sự sở hữu cộng đồng và sở hữu cá nhân được phân định một cách rạch ròi trong những cộng đồng thổ dân trồng lúa nước. Trong các ngôi làng tự trị của những bộ lạc độc lập, tất cả đất đai đều thuộc của làng, đó là điều cốt lõi đối với những người có liên hệ với nhau trong thị tộc. Sự đoàn kết của một nhóm rất chặt chẽ và được biểu thị bằng sự sở hữu chung ngôi đền và những thánh tích. Các tổ tiên đã qua đời trong làng được an táng dưới lòng đất càng làm tăng thêm những tình cảm thiêng liêng của con người về sự thân thuộc với đất đai. Bất cứ thành viên nào trong cộng đồng cũng có thể sử dụng những phần đất bỏ hoang để canh tác tùy theo khả năng mình, miễn là có báo cho người trưởng tộc và được ông ta ừ cho một tiếng, và sau đó là một bữa lễ cúng tạ. Từ đó về sau, chỉ mình anh ta được phép canh tác phần đất đó bao lâu tùy ý, và không được bỏ hoang. Anh ta có quyền tiếp tục sử dụng miếng đất đó. Tuy nhiên, ở Indonesia, nếu đến mùa mà anh ta để đất hoang hóa, không chuẩn bị đất để canh tác, thì miếng đất của anh ta sẽ bị người khác giành lấy. Anh ta buộc phải hoặc là bắt tay vào việc canh tác, hoặc chịu mất đất. Tuy vậy, nói chung, dù bỏ miếng đất không sử dụng nữa, nó vẫn còn thuộc quyền sử dụng của anh ta cho đến khi nào nó hoàn toàn trở thành rừng. Lúc bấy giờ phần đất ấy lại trở về với sự sở hữu của làng như trước. Nếu anh ta có xây dựng đê điều trên phần đất đó thì phần đất vẫn còn thuộc về anh ta cho đến khi nào mọi dấu vết đê điều kia biến mất.

Anh ta có thể đem miếng đất đi cầm cố lấy tiền bạc hay hàng hóa, nhưng không bao giờ được phép bán đi, và chủ nợ cũng không được phép tịch biên để trừ nợ. Đất cũng không thể được chuyển nhượng. Đất đai vĩnh viễn là tài sản của cộng đồng.

Những người ngoài có thể được phép sử dụng đất bỏ hoang trong khu vục của cộng đồng bằng cách thỏa thuận trả tiền thuê đất cho người đứng đầu tại địa phương. Hợp đồng chỉ có thời hạn một năm, và phải gia hạn từng năm một. Tầm quan trọng của khả năng chuyển nhượng lâu dài hơn một đời người được người Đức công nhận vào thế kỷ trước (tức vào thế kỷ 19, vì giáo trình này được biên soạn trong thế kỷ 20 - ND) khi họ cấm bán đất cho người không phải là người tại địa phương, và giới hạn thời gian cho người châu Âu và những người ngoại quốc khác thuê đất.

Với những người dân làng mạc, quyền sử dụng trên đất được thừa kế trong phạm vi dòng họ gia đình, nhưng nếu dòng họ tuyệt tự đất sẽ trở lại thành đất hoang và phải đặt dưới sự tái phân phối của người trưởng làng: Một khía cạnh thú vị của mối quan hệ xã hội chặt chẽ giữa cộng đồng và đất đai, được nhìn thấy qua sự kiện một vụ án mạng bí ẩn trên đất của cộng đồng mà nạn nhân là một người ngoài cộng đồng. Nếu không tìm ra được thủ phạm thì cộng đồng sở hữu miếng đất ấy phải bồi thường cho thân nhân của nạn nhân. Dù sao, nạn nhân chết trên miếng đất này cho nên được coi là bị một người nào đó trong cộng đồng giết chết.[11]

Việc chiếm dụng đất của người Ifugao. Người Ifugao ở Philippines có một khuôn mẫu cơ bản tương tự như những điều ở Indonesia đã được mô tả khái quát ở trên. Tuy nhiên, người Ifugao là những người cực kỳ có tính cá thể và họ không tổ chức xã hội thành làng xã. Các mảnh ruộng bậc thang là thuộc sở hữu của các gia đình, với quyền sử dụng được cả con trai lẫn con gái thừa kế như một phần của hồi môn hay sính lễ của chúng. Họ, cả vợ lẫn chồng khẩn hoang trong các khu rừng ven núi làm rẫy trồng khoai lang, và rẫy của họ thuộc sở hữu của cả hai vợ chồng chừng nào họ còn canh tác trên đất ấy. Tuy vậy, đất rẫy trồng khoai bạc màu rất nhanh, nên sau vài năm phải bỏ hóa một thời gian cho đất phục hồi. Dù vậy, quyền sở hữu mảnh đất vẫn là của những người khai phá cho đến khi nào cây cối lại mọc lên rậm rạp như rừng.

Những rẫy bỏ hoang như thế có thể được người khác đến dọn dẹp để khai thác trở lại mà không cần có sự cho phép của chủ cũ; họ sẽ canh tác trong một số năm nhất định trước khi để cho đất nghỉ. Sau đó, người chủ ban đầu của miếng đất lại phục hồi quyền sở hữu của mình một lẫn nữa. Cách này chắc chắn là một sự canh giữ hợp lý chống lại những cường hào địa chủ lấy lại đất đang cần cho sản xuất.[12]

Qui luật gần đây buộc người ta phải trực tiếp canh tác trên đất của mình để duy trì quyền sở hữu trên phần đất đó, là một luật căn bản và tổng quát cho những người làm nương rẫy trên toàn thế giới. Điều này ngăn ngừa một cách hiệu quả những tệ nạn xã hội luôn ám ảnh con người, về việc chỉ một ít người giàu có thu vét hết đất đai vào tay mình trong khi người nông dân không còn đất canh tác.

Việc chiếm dụng đất của nguôi Hopi. Có thể nhân ra sự phát triển rộng rãi các nguyên tắc căn bản của việc sử dụng đất đai của người châu Phi và người Indonesia qua nhận xét của Titiev về người Hopi Pueblo ở Oraibi bang Arizona:

Người lãnh đạo cao nhất trong làng, theo lý thuyết là người làm chủ toàn bộ đất đai của làng; số đất này được phân chia cho các thị tộc sinh sống trong làng, và mỗi cá thể canh tác trên một phần đất nhất định của thị tộc. Thêm vào đó, có một phần đất rộng lớn khác không phân chia cho ai, người làng có thể canh tác trên một phần của chỗ đất đó với sự cho phépcủa trưởng làng. Trong một hệ thống như vậy, người ta không thể đổi chác hay bán đất, mà năm thì mười họa mới có việc trao đổi đất đai với nhau. Quyền sở hữu chỉ giới hạn trong việc sử dụng không thôi, nhưng quyền này được nhìn nhận rất thấu đáo, dù có người để đất của họ hoang hóa, cũng không ai có thể đến canh tác trên đất đó nếu không có sự cho phép đặc biệt của người chủ.[13]

Bãi chăn thả cừu, dê, trâu bò, và ngựa thì cả cộng đồng dùng chung. Tập quán của người Hopi cũng là đặc điểm chung của tất cả các làng người da đỏ ở New Mexico và Arizone.

Các nguyên tắc tổng quát về việc chiếm dụng đất của những người làm vườn rẫy. Những người làm vườn rẫy sơ khai trao quyền hưởng hoa lợi trên đất đai cho các cá nhân hoặc gia đình. Trong một số trường hợp, quyền sở hữu đất là của thị tộc, nhưng quyến sở hữu trên hết là của cộng đồng. Nhiều nơi ở châu Phi, chủ nghĩa cộng sản này biến thể thành một thứ quân chủ phong kiến, nhà vua tượng trưng cho khối đoàn kết cộng đồng. Đất không sử dụng là thuộc đất công, các cá nhân có thể khai thác với sự chấp thuận hay không cần sự chấp thuận của chính quyền tùy theo tập quán của bộ lạc.

Nói chung, các dân tộc sơ khai đều coi các tài nguyên về đất đai như tài sản cộng đồng. Theo nghĩa này, họ thiên về tính công xã hơn. Phần lớn những người chăn nuôi là những người cộng sản về phương diện đất đai, vì nhu cầu liên tục di chuyển đàn súc vật từ nơi này sang nơi khác nên họ không thể có được quyền sở hữu cá nhân đối với đất đai. Những người săn bắn hái lượm cũng ít có nhu cầu giành quyền sở hữu đất đai, vì đối với những người đi săn thì thú rừng sinh sống tự do khắp nơi, cho nên việc di chuyển từ nơi này nơi khác đuổi theo dấu con thú là mối quan tâm của họ.

Khi các con thú đáng giá tự do di chuyển theo thói quen, những dân tộc sơ khai như người Algonquia và người da đỏ miền Duyên hải Tây Bắc sẵn sàng vất bỏ chủ nghĩa cộng sản về đất đai để theo dấu con thú. Những con người hoang dã thời nguyên thủy không hề có bản chất cộng sản, chẳng qua họ đáp ứng thích nghi với các điều kiện sinh thái và kinh tế mà thôi.

Những lý thuyết về sự tiến hóa của xã hội cho rằng “chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy” là dặm đường đầu tiên trên lộ trình gập ghềnh của nhân loại để đạt được một vài nền tảng nào đó, cho đến khi sử dụng được những nguồn tài nguyên cơ bản của đất đai.

Những người xem các định chế về tài sản tư hữu là điều tự nhiên, đều dễ có khuynh hướng coi chủ nghĩa cộng sản là điều phổ biến trong cộng đồng con người sơ khai, như một bằng chứng của tính cách “tiến bộ” của các định chế về tài sản tư hữu. Họ viện lẽ chủ nghĩa cộng sản là đại diện của nhà nước sơ khai, và sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản hiện đại là một sự quay về với một tình trạng hoang sơ (tốt đẹp) cũ.

Do nhận thức lệch lạc, những người Mác-xít thấy chủ nghĩa cộng sản trong chuyện đất đai của các dân tộc sơ khai như một bằng chứng rằng chủ nghĩa cộng sản là ''thuộc về bản chất''- chuyện đương nhiên, và do đó nó là điều kiện thích hợp và hiển nhiên của toàn thể xã hội loài người.

Nhà nhân chủng học phải ghi nhận rằng, các tập quán về tài sản đất đai của các dân tộc sơ khai không phải là điều được cảm nhận để chứng minh cho bất kỳ một hình thức kinh tế riêng biệt nào trong nền văn minh hiện đại. Chúng chỉ minh chứng rằng con người có thể, và thực sự điều chỉnh được các định chế xã hội theo những nhu cầu đặc biệt của các phương cách mưu sinh và những nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2590-02-633540680495595000/Quyen-so-huu-hang-hoa-va-y-tuong/Dat-dai-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận