Bản chất của tài sản
Tài sản có thể được sở hữu dưới nhiều dạng: tài sản cá nhân (của cải riêng), tài sản của nhóm (tài sản chung), hoặc của chung của xã hội (tài sản cộng đồng). Nó có thể cố định và không dịch chuyển được (bất động sản), hoặc có thể di chuyển. Tài sản có thể là vật chất cụ thể, hoặc có thể là một ý tưởng hoặc một phương cách hành động (phi vật thể). Tài sản có thể được hoán chuyển như quà biếu, đổi chác, mua bán, thừa kế, hoặc bị sung công, hoặc không thể được chuyển nhượng. Tài sản có thể được bảo vệ hay không được bảo vệ bằng luật pháp. Nhiều người quen nghĩ tài sản là các vật thể, trong khi vật thể đó chỉ là một yếu tố thực tại của tài sản. Bản chất thực sự của tài sán được nhận ra trong các tính chất của nó qua một định chế xã hội.
Tài sản: một sáng tạo mang tính xã hội
Tài sản trong ý nghĩa đầy đủ của nó là một mạng lưới các quan hệ xã hội có liên quan đến việc sử dụng một loại đối tượng nào đó (vật chất hay phi vật chất), mà một người hay một nhóm người được công khai hay ngấm ngầm thừa nhận có sự liên kết riêng biệt và giới hạn với nó.
Ta thử lấy một ví dụ minh họa, một mảnh đá được tạo hình cho tiện dụng như một lưỡi rìu nằm trên mặt đất trong nhiều năm không ai để ý. Nó không phải là tài sản. Nói theo thuật ngữ luật pháp, nó là một res nullius, một vật vô tích sự, không là gì cả. Một người dân bộ lạc ngẫu nhiên bắt gặp, nhặt lên và sử dụng nó như một lưỡi rìu cầm tay. Đây chỉ mới là một sự sở hữu. Nếu các tập quán xã hội của bộ lạc về quyền sở hữu: ai cũng có thể tùy thích chiếm làm của riêng một dụng cụ nào đó, thì đây đơn thuần chỉ là vấn đề sở hữu. Nhưng nếu phong tục của bộ lạc, những đồng bào của anh ta đều thừa nhận anh ta có quyền đặc biệt sở hữu mảnh đá đó, và tất cả những người khác có nghĩa vụ không được dùng nó hoặc giành lấy nó, bấy giờ mảnh đá đó là một tài sản. Mảnh đá không có gì thay đổi, nhưng mô thức xã hội đối với nó thì đã thay đổi. Những mối quan hệ xã hội đặc biệt đã biến đổi mảnh đá thành một tài sản. Như thế chúng ta có hai phương diện vật chất không thể giản lược: (1) cái vật thể đó, và (2) mạng lưới các quan hệ xã hội đã thiết lập một mối quan hệ về vị thế có giới hạn và đã xác định giữa những con người và vật thể đó.
Mối quan hệ giới hạn này thường được các luật gia và các nhà kinh tế gọi là quyền sử dụng riêng biệt. Nó riêng biệt đến mức độ không một ai khác không phải là người sở hữu, được phép sử dụng mà không có sự chấp thuận rõ ràng hay ngấm ngầm của sở hữu chủ. Tuy nhiên, quyền đó ít khi là tuyệt đối để người chủ sở hữu có thể sử dụng vật sở hữu tự do theo ý muốn của mình. Quyền sử dụng của anh ta có thể bị hạn chế ở một chừng mực nào đó, tùy theo các yêu cầu của xã hội. Dù vậy, xã hội, chứ không phải cá nhân, tạo ra và duy trì các định chế về tài sản. Điều này không có nghĩa là xã hội tạo nên vật thể đó. Điểm quan trọng là một vật thể chỉ trở thành tài sản khi mà các thành viên của xã hội nói chung đồng ý dành cho nó một thuộc tính tài sản, bằng cách tự hạn chế hành vi của mình đối với tài sản đó. Phải là như thế, vì kinh nghiệm xã hội đã đưa đến kết luận rằng các lợi ích xã hội phát xuất từ việc bảo đảm các quyền “riêng biệt” của các cá nhân và các nhóm người, đối với những loại vật thể nhất định do họ tạo ra hay thu được. Vì vậy, con người luôn luôn giới hạn chừng mực của sự riêng biệt phù hợp với quan niệm của họ về nhu cầu cho sự tốt lành trong xã hội. Tài sản - một sáng tạo của xã hội – do đó luôn luôn phải tuân theo mọi giới hạn của xã hội, ngay cả trong những xã hội tôn trọng quyền tự do cá nhân nhất. Bởi thế, khi các quan niệm xã hội thay đổi theo thời gian, nội dung cụ thể của các khái niệm về tài sản cũng thay đổi. Hình thức và nội dung của các ý niệm về tài sản không phải là sự thể hiện của bản năng bất biến, hay của bất cứ những qui luật tự nhiên nào được tưởng tượng ra. Tài sản tại nước Mỹ ngày nay không phải như vào giữa thế kỷ mười chín, cũng không phải như những gì có vào đầu thế kỷ hai mươi mốt.
Các khái niệm về tài sản của người Yurok
Lấy ví dụ về một phương cách mà theo đó tài sản được tạo thành, chúng ta có thể phân tích ngắn gọn quyền sở hữu một chiếc ca-nô của người Yurok ở California - họ là những con người rất cá nhân chủ nghĩa. Một người chủ ca-nô Yurok sở hữu trên danh nghĩa chiếc ca-nô của mình như một tài sản riêng tư. Ca-nô đó là của anh ta. Anh ta có hàng loạt quyền yêu cầu tất cả những người khác không được phá phách hay làm hư hỏng ca-nô của anh ta. Anh ta có đặc quyền sử dụng nó trên các thủy lộ công cộng. Anh ta không bị buộc phải bán hay đem nó cho ai. Tất cả những điều đó và dấu hiệu của các quyền riêng biệt của anh ta. Thế nhưng anh ta cũng có hàng loạt nghĩa vụ phải giới hạn các đặc quyền riêng biệt của mình. Chẳng hạn, nếu có ai trên sông kêu quá giang thì anh ta phải đáp ứng, bằng không người khách ấy có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại bằng một con sò ống (a dentalium shell). Mặt khác, nếu người chủ ca-nô vì giúp người khách mà bị thương hay tổn thất thì người khách cũng phải bồi thường thiệt hại. Bởi vậy, khi người chủ ca-nô đang chở khách giữa sông mà nhà anh ta trong làng bốc cháy thì người khách quá giang phải bồi thường.
Đây là điều Cook muốn nói đến khi bảo rằng ''ta thấy sự sở hữu... không phải chỉ bao gồm một số quyền hạn không hạn định theo nghĩa nghiêm ngặt hay những đòi hỏi chống lại một số người không giới hạn, mỗi người có một nghĩa vụ tương ứng, mà còn bao gồm nhiều loại đặc quyền, quyền hạn và những sự miễn trừ không xác định khác...''
Cuối cùng, chúng ta cũng phải ghi nhận sự tương quan giữa tài sản và luật pháp. Trong thế giới hiện đại có một sự kiện là một tỷ lệ rất lớn các điều luật của nhà nước được dành giải quyết những mối quan hệ giữa người chủ sở hữu và tài sản. Nhiều hoạt động của các tòa án và cảnh sát của chúng ta liên quan đến việc duy trì và thúc đẩy thực thi các quan hệ này. Nhà nước nuôi dưỡng và phát triển trên sự phức tạp của tài sản trong một nền văn minh kỹ nghệ hóa không đồng đều.
Nhưng nói rằng các quyền về tài sản "chỉ tồn tại vì được nhà nước công nhận và bảo vệ'' là bày tỏ một quan điểm thiển cận đáng ngạc nhiên. Các quyền về tài sản được thừa nhận một cách mặc nhiên và minh bạch và được ủng hộ bởi mọi hình thức chuẩn thuận của xã hội, dù hợp pháp hay không hợp pháp. Và trong trường hợp xã hội sơ khai, việc công nhận và ủng hộ các định chế tài sản, trên thực tế thường là bất hợp pháp hơn là hợp pháp. Ngay cả khi hợp pháp trong bản chất, luật pháp về tài sản thời sơ khai phần lớn rơi vào phạm vi luật tư và vận hành một cách độc lập với bộ máy nhà nước chính thức.