Các loại hệ thống giai cấp
Bởi vì các giai cấp là một biểu hiện của những thái độ liên quan đến những dị biệt do vị thế và vai trò, các tính cách của các hệ thống giai cấp biểu lộ cho thấy những dị biệt quan trọng về chất lượng của một kiểu loại văn hóa này so với một kiểu loại văn hóa khác. Điều này có thể minh họa bằng sự khảo sát các mẫu xã hội chọn lọc có các loại hệ thống giai cấp khác nhau.
Người da đỏ vùng bình nguyên
Một loại ý thức mới lạ về giai cấp được ghi nhận trong cộng đồng những thổ dân da đỏ vùng Bình Nguyên. Grinnell đã viết:
Cấp bậc gia đình tồn tại trong cộng đồng những người Cheyenne cũng như trong nhiều cộng đồng thổ dân da đỏ khác, tùy thuộc vào sự đánh giá của những người giỏi nhất. Một gia đình tốt là gia đình sản sinh ra những người đàn ông dũng cảm, và những người đàn bà có nhận thức tốt, và là gia đình có nhiều hay ít của cải. Một người đàn ông dũng cảm và thành công là người đưa gia đình mình từ thứ bậc thấp lên thứ bậc rất cao; hoặc một thế hệ những người đàn ông không ra chi có thể làm cho gia đình bị suy đồi.
Nhưng không có sự cách biệt xã hội thực sự giữa các gia đình tốt và gia đình chưa tốt. Những người nghèo thay vì bị đẩy đến đường cùng, bị lâm cảnh nợ nần phải làm tôi tớ cho giai cấp thượng lưu thì trái lại họ có thể được hỗ trợ bởi vị tù trưởng, người thợ săn thành đạt và người chiếm được nhiều chiến lợi phẩm trong chiến tranh.
Các ý tưởng tương tự như vậy cũng hiện diện trong cộng đồng người Apache ở miền Tây, vốn là những kẻ phân biệt rất rõ rệt giữa giai cấp của người nghèo và người giàu. ''Những người có ít hoặc không có tài sản, không có khả năng hay khát vọng và năng lực để tích lũy của cải, và không có tiếng tăm gì trong xã hội đều được gọi là người nghèo; những người có được những thứ kể trên là người giàu. Người ta thương hại cảnh nghèo nàn, và những người giàu có thì được cho là nên rộng lượng bố thí. Vì người rộng lượng như thế sẽ nhận được cảm tình của công chúng và sự thương mến từ người nghèo vấn được coi là “những kẻ yếu đuối”
Ngoài các khái niệm căn bản về những dị biệt giai cấp, người da đỏ Kiowa ở vùng Bình Nguyên hình thành một ý niệm khác về thứ bậc của giai cấp. Có bốn giai cấp được công nhận chính thức là onde, ondegupa, koon, và dapom. Giai cấp onde chiếm khoảng một phần mười dân số, mà những ông chủ gia đình là những quí ông bánh bao bệ vệ trên lưng ngựa, giàu có và hào phóng, tự hào trong tác phong, tao nhã trong thái độ ứng xử và quan trọng trên hết là, đã lập những chiến công hiển hách. Giai cấp ondegupa là những nghệ nhân, người săn bắn, nhà chăn nuôi, và các thầy lang có tài năng, giàu có, và hào phóng, có hành vi và tư cách quí phái, nhưng không có chiến công. Giai cấp này chiếm một phần ba dân số trong bộ lạc. Giai cấp koon là hạng bình dân, không có gì xuất sắc trong chiến đấu hay trong các lãnh vực khác. Họ là những người nghèo khó sống với những người bà con tiếng tăm lừng lẫy. Giai cấp thấp chiếm một nửa dân số bộ lạc là giai cấp dapom. Họ chỉ đơn giản là những người cùng đinh. Ươn hèn và lười biếng, họ chỉ biết chôm chỉa trong làng xóm. Họ bị thân nhân xua đuổi. Họ gần như là thứ người bị xã hội ruồng bỏ. Họ sống bám vào sự rộng lượng của người giàu có; trộm cướp không bị coi là phạm pháp. Giai cấp dapom không bị trừng phạt hay trục xuất khỏi xã hội. Họ chỉ bị khinh miệt và lấy làm đau khổ vì đã sinh ra đời.
Thổ dân da đỏ vùng Duyên hải Tây Bắc
Chế độ giai cấp hiện diện rõ rệt hơn ở miền Duyên hải Tây Bắc của Bắc Mỹ, nơi mà trong mỗi bộ lạc đều tồn tại một sự phân biệt sâu sắc giữa người tự do và người nô lệ - những con người không may mắn thuộc các bộ lạc khác, đã bị bắt chước đó. Vào đầu thế kỷ mười chín, số nô lệ chiếm từ 10 đến 30 phần trăm dân số của các bộ lạc ở vùng Duyên hải Bắc Mỹ. Họ thực sự là một đẳng cấp bị áp bức, có nhiệm vụ đi săn bắn hoặc đánh cá, sản xuất thực phẩm cho các chủ nhân, làm các công việc lao lực trong làng, và làm phu bơi thuyền đi biển. Dù có đẳng cấp gì nơi bộ lạc quê nhà, khi trở thành tù binh nô lệ, họ chỉ còn là công cụ sản xuất trong bộ lạc của người chủ đã bắt được họ. Cũng như bất cứ thứ hàng hóa của cải nào, chẳng hạn như ca-nô hay đồng đỏ, có thể đem tiêu hủy trong một cuộc cuộc lễ hội linh đình, những kẻ nô lệ cũng có thể bị đem giết bỏ để tỏ ra chủ nhân không màng đến của cải giàu có.
Phần đông những người có thẩm quyền đã mô tả khối lượng những người tự do trong một xã hội vùng Duyên hải Tây Bắc là gồm có hai giai cấp: quí tộc và bình dân. Giới quí tộc là những người cùng với thê thiếp của họ giữ chức vụ tù trưởng cha truyền con nối, chức vụ được họ hợp thức hóa bằng các cuộc lễ hội bố thí linh đình. Do hầu hết các bộ lạc đều dành quyền thừa kế cho con trưởng, giới quí tộc chỉ bao gồm người con cả, trong khi các con thứ và các cháu họ (trong các xã hội theo chế độ mẫu hệ) đều thuộc giới bình dân. Người Tsimshian, theo như Jenness cho biết, là những người còn phân biệt gắt gao hơn nữa. Việc kết hôn giữa những người con cả của các gia đình cao cấp nhất là điều bắt buộc, cho nên những cuộc hôn nhân "hoàng tộc'' trong vòng giới quí tộc với nhau là những cuộc hôn nhân nội giao.
Drucker, người đã nghiên cứu trực tiếp văn hóa vùng Duyên hải Tây Bắc không đồng ý với những quan điểm nghịch lý về các giai cấp xã hội vùng Duyên hải Tây Bắc. Ông dứt khoát bảo lưu ý kiến của mình cho rằng không hề có giai cấp quí tộc tách rời giai cấp bình dân, càng ít có một hệ thống giai cấp gồm ba hay bốn thành phần. Điều ông đã thấy là mỗi xã hội không có đến hai giai cấp, mà chỉ là gồm một nhóm vị thế đầy đủ được xếp loại tương ứng, mỗi vị thế cho một cá nhân của nhóm. Ông lập luận rằng giữa hai vị thế cao và thấp có một số dị biệt về mức độ, chớ không phải về thứ hạng.
Không sao giải quyết được các mâu thuẫn nhất định trong những sự diễn dịch; sự mâu thuẫn này chỉ cho thấy một khái niệm mơ hồ về giai cấp trong một vài bối cảnh cụ thể nào đó. Điều này rất giống với tình thế đang tồn tại ở Mỹ, khi đa số người Mỹ cố tranh luận rằng xã hội không có giai cấp, thì cùng lúc đó Warner và các đồng sự của ông đang chăm chỉ phân chia chúng ta thành các giai cấp Siêu Cao, Trung Cao, Hạ Cao, Siêu Trung, Hạ Trung, Siêu Hạ, Hạ Hạ (giai cấp thấp nhất)
Người Aztec
Trong những cộng đồng có nền văn hóa cao ở Trung Mỹ và vùng Andes ở Nam Mỹ, sự phân chia giai cấp là rất cố định. Người Aztec trong những bước thăng trầm của họ từ một xã hội không có giai cấp, không bị phân cắt, với một nền văn hóa vật chất thô sơ trước năm 1300, đã phát triển đến một hình thái xã hội tiền văn minh có tổ chức cao cấp và phức tạp vào thế kỷ mười bốn. Khi người Tây Ban Nha đến vào năm 1518, thì họ đang nhanh chóng hình thành một giai cấp quí tộc phong kiến bắt nguồn từ chủ nghĩa xã hội thị tộc trước đó. Xã hội bấy giờ đã có hoàng gia, giới quí tộc giới bình dân, người tự do, giới vô sản, và những người nô lệ. Bộ phận dân chúng chủ chốt và đông đảo nhất của người Aztec là giới bình dân tự do; họ là thành viên của hai mươi thị tộc cát cứ riêng rẽ. Mỗi người đàn ông có gia đình đều được quyền canh tác trên mảnh đất do thị tộc phân bổ, và có một ngôi nhà mái bằng, xây bằng gạch không nung với phên vách trát đất sét, chỉ có một phòng bẩn thỉu. Anh ta có thể là một thợ thủ công chuyên nghiệp của một trong nhiều ngành sản xuất và thương mại. Anh ta được bảo đảm công việc làm thường xuyên và có nghĩa vụ về quân sự. Nhưng anh ta bị hạn chế bởi một đạo luật về chi tiêu, đạo luật dành quyền được mặc y phục bằng vải tốt, mang các loại đồ trang sức đắt tiền và làm các kiểu tóc sang trọng cho tầng lớp những người giàu có, các chiến binh xuất sắc và các viên chức. Tiêu đùng vượt quá cấp bậc của mình sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Các giai cấp trên ở Mexico không bận tâm với trào lưu của các kiểu cách hào nhoáng, mà những kẻ chơi nổi cứ mỗi hai hay ba năm phải thay mới một lần để giữ vị trí hàng đầu cho mình và cho đám công chúng bắt chước.
Những sự phân biệt giai cấp phân hóa các nhóm họ hàng bà con, vì một giai cấp của các vị thủ lãnh uy quyền được tuyển chọn trong tất cả các thị tộc. Họ hình thành một đẳng cấp có công trạng với nhiều thứ bậc khác nhau, nhưng không được cha truyền con nối, do chánh phủ ban bố như một phần thưởng suốt đời cho những chiến công xuất sắc, cho sự phục vụ trong chức vụ dân sự, trong cơ quan nhà nước trong vai trò của một kẻ do thám thương mại lưu động, hay cho một hình thức tín ngưỡng ngoại lệ nào đó. Họ mặc loại y phục riêng và đẹp đẽ, được thiết kế theo nghệ thuật Aztec. Họ sống trong các dinh thự ở thủ đô Tenochtitlan. Họ được kính trọng và sống cuộc sống sung túc tách biệt hẳn các đồng bào thuộc giai cấp bình dân trong thị tộc của mình. Về lý thuyết, những vùng đất đai rộng lớn xâm chiếm được mà họ được ban cho như phần thưởng cho công lao phục vụ của họ, không phải là tài sản thừa kế của gia đình. Sau khi người được tưởng thưởng chết đi, phần đất này sẽ được phân phối lại cho những người có công khác. Việc này luôn luôn được thi hành, nhưng do những sự thiên vị trong một tiến trình khó hiểu, các con trai của những người quí tộc luôn luôn được chỉ định thừa kế tước phong của cha họ. Sự thừa kế chức tước và đất phong như thế nhanh chóng dẫn đến sự hình thành một chế độ quí tộc thừa kế.
Bên trên các nhà quí tộc là dòng họ hoàng gia rực rỡ sung mãn; nhà vua, tlacatecutli, do một đại hội đồng các thủ lãnh bầu ra từ các thành viên trong hoàng tộc.
Xa tít bên dưới hoàng tộc và giới quí tộc là giới vô sản bất hạnh. Những người thuộc các bộ lạc khác mà tài sản đất đai bị chính quyền chiếm đoạt, và những người Aztec bị mất hết quyền lợi vì không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong thị tộc, gia nhập vào đám cu-li gầy gò vất vả lây lất ngoài các đường phố thủ đô hay trên những con đường khắp đất nước, hoặc họ phải làm thuê nơi điền trang của các lãnh chúa để sống vật vạ lây lất qua ngày. Sưu thuế phong kiến vơ vét, phần còn lại cho giới này chẳng được bao nhiêu.
Làm nô lệ là số phận hẩm hiu của những người Aztec túng quẫn không sao trang trải được các nhu cầu của cuộc sống. Cùng chung số phận như vậy là các tay trộm đạo, những kẻ không thể hoàn trả lại được những thứ mình đã trộm cũng trở thành nô lệ cho những người tự do nạn nhân của họ. Trẻ con bị cha mẹ cùng túng bán làm nô lệ, và ngay cả người lớn trong giai cấp vô sản cũng tự bán mình làm nô lệ. Nhiều nô lệ là các trẻ con trai gái được cống nộp từ những bộ lạc láng giềng bị chinh phục.
Xã hội của người da đỏ Aztec đã biến thành một xã hội bóc lột hình kim tự tháp, tồn tại đồng thời với thời kỳ huy hoàng của các nền văn minh Địa Trung Hải xa xưa. Tuy vậy, những người Aztec đã không đẩy những sự bất bình đẳng trong xã hội đến mức độ quá tàn nhẫn. Con cái của những người nô lệ sinh ra là người tự do (trong giới vô sản). Nô lệ không thể bị chủ giết hay đày đọa; họ còn có thể có được tài sản riêng (mặc dù không phải tất cả những người nô lệ đều có được cơ hội này); họ không thể bị chủ bán cho người khác, trừ khi chính họ ưng thuận; và nếu được ông chủ hay bà chủ kết hôn thì họ trở thành người tự do.
Người da đỏ Natcbez
Về phương Bắc, nơi hiện nay là thành phố Natchez, bang Mississippi, đang duyên dáng tọa lạc mà ngày trước một bộ lạc chuyên về nương rẫy đã sống ở đây, và đóng góp tính cách đặc trưng riêng biệt của họ vào những khái niệm về tôn giáo và giai cấp xã hội của Trung Mỹ. Đó là bộ lạc Natchez, một trong những thành viên xuất sắc của gia đình vĩ đại sử dụng ngôn ngữ Muskogean của miền Đông Nam.
Dân tộc Natchez là những người chuyên tâm thờ phụng thần mặt trời, và các thành phố của họ nổi bật với những kim tự tháp nhỏ ở mỗi đầu của quảng trường. Trên mỗi đỉnh kim tự tháp là một ngôi đền hay nơi ở của một lãnh đạo tăng sĩ. Mỗi buổi sáng “Mặt trời của các mặt trời” hoặc “Anh của mặt trời trên thiên đường”? một cụm từ dùng để tôn xưng nhà lãnh đạo, chào đón bậc tổ tiên lừng lẫy của ngài trước ngôi đền Mặt Trời. Ngọn lửa thiêng bất diệt của làng được chăm nom gìn giữ trong một ngôi đền khác.
Thành phần dân chúng, cũng giống như ở các vùng rừng rậm Đông Nam, được chia ra thành các bán phần. Điều không bình thường trong các bán phần người Natchez là các vị thế xã hội bất bình đẳng của họ. Sự tương nhượng lẫn nhau trong tổ chức kép đã bị bỏ qua để tôn vinh thành phần quí tộc. Kết quả dẫn một tình trạng quái gở trong tổ chức xã hội. Nguyên tắc về các lợi ích trong giới quí tộc đã đưa đến việc xé nhỏ tầng lớp quí tộc làm ba thành phần: các Mặt Trời, Quí tộc, và những người Danh giá. Về bán phần bình dân, họ chẳng có danh xưng khoa trương to tát nào. Tất cả họ là những người Hạ tiện (Stinkers). Nền văn hóa vật chất ốm yếu của người Natchez không cho phép những sự phô trương về kinh tế như hoàng gia và giới quí tộc bóc lột người Aztec, nhưng sự vượt trội của các tầng lớp Mặt Trời và Quí Tộc Natchez đã tô vẽ, làm méo mó tất cả thái độ hành vi ứng xử trong cuộc sống của bộ lạc.
Qui luật đáng kinh ngạc của người Natchez là những người Quí tộc phải kết hôn với người bên ngoài giai cấp của mình; họ không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải kết hôn với những người giai cấp hạ tiện. Một qui luật như thế thích hợp với nguyên tắc ngoại hôn của hình thức xã hội bán phần, nhưng rõ ràng không thích hợp với nguyên tắc biệt lập của giới quí tộc. Thực vậy, những người bài bác truyền thống tổ chức xã hội Natehez cho qui định đó là không có tính thực tế, vì trong thời gian vài thế hệ thì mọi người trong xã hội đều biến thành quí tộc hết! Sẽ xảy ra một tình huống như hài kịch, và cả hệ thống giai cấp sẽ tự nó xóa sổ. Nguyên nhân là vì tất cả những cuộc hôn nhân trong xã hội bán phần, ngoại trừ hôn nhân của những người trong giai cấp danh giá và người Hạ tiện, con cái sinh ra sẽ là người Quí tộc Số dân Hạ tiện không có người thay thế sẽ hao hụt dần và chẳng bao lâu là… hết Người hạ tiện!
Nếu chúng ta nhìn vào hệ thống lưu truyền dòng dõi của dân tộc này một cách chi tiết, chúng ta sẽ thấy rằng khi những người phụ nữ trong giới quí tộc lấy chồng, con cái họ sinh ra sẽ thuộc về cùng bán phần và thị tộc của người mẹ. Đàn ông quí tộc lấy vợ, thì địa vị con cái của họ bị hạ thấp một bậc. Do đó, nếu đàn ông trong giai cấp Mặt Trời kết hôn với phụ nữ người Hạ tiện, thì con cái của họ sẽ thành ra người của giai cấp Quý tộc. Khi những đứa con trai của giai cấp Quý tộc lấy vợ là người Hạ tiện, con cái của chúng trở thành người của giai cấp Danh giá. Khi đàn ông của giai cấp Danh giá kết hôn với phụ nữ Hạ tiện thì con cái họ sẽ rơi ra khỏi tầng lớp danh giá để trở thành ra người Hạ tiện bình thường (xem Bảng 27 - 2). Ảnh hưởng của hệ thống này làm cho con cái của giai cấp cao nhất bị hạ bậc dần dần thay vì nhảy vọt lên. Ở đây chúng ta nhận thấy một điều là một người ở giai cấp quí tộc cao hơn phải tiếp tục phân phối thành viên thừa của mình trở lại cho giai cấp bình dân để ngăn ngừa giai cấp quí tộc ngày càng phình ra quá khổ.
Qui luật ngoại hôn không được áp dụng cho giai cấp Hạ tiện. Nếu một người Hạ tiện không được một ai trong giai cấp trên kết hôn thì phải lấy một người trong giai cấp Hạ tiện của mình, và con cái của họ cũng sẽ có vị thế của người Hạ tiện. Không có cấp nào thấp hơn người Hạ tiện nữa.
Lập luận của Hart cho rằng hệ thống xã hội của người Natchez vốn tự hủy diệt là căn cứ trên giả định dân số của xã hội không thay đổi. Trái lại, Quimby đã kết hợp một cách hiệu quả các dữ liệu lịch sử và khảo cổ học để chứng minh, người Natchez đã thực sự cung cấp thêm người cho giai cấp Hạ tiện bằng sự thu hút đám tàn dân của các bộ lạc lân cận, đã bị kẻ thù đánh cho thất tán. Những ngoại nhân được chấp nhận vào xã hội luôn luôn bị xếp vào giai cấp Hạ tiện. Các lần khai quật của Quimby tại những di chỉ của người Natehez cho thấy nền văn hóa khảo cổ của người Natchez hình thành vào khoảng năm 1600. Quân Pháp đánh tan dân tộc Natchez trong ba cuộc chiến tranh vào giữa những năm 1716 và 1731, tiêu diệt hàng trăm người. Có gần năm trăm người Natchez bị bắt làm nô lệ ở Santo Domigo, trong khi số dân tàn dư được người Chickasaw và thuộc địa của Anh tại Nam Carolina cho nương náu. Rất có khả năng là hệ thống giai cấp độc đáo của người Natchez là một sự hoán chuyển xã hội được duy trì trong một thời gian ngắn bằng cách thu hút những dân số từ bên ngoài vào, mà tự nó không thể tồn tại lâu dài được. Giá trị xã hội còn lại của nó không phải là điều phủ định. Đây không phải là một hệ thống cổ xưa bởi thực tế là nó không xảy ra trong bất kỳ bộ lạc nào ở miền Đông Nam, những bộ lạc vốn có những nền tảng văn hóa tương tự.
Polynesia
Ở Polynesia, những danh từ thổ dân dùng để gọi sự phân biệt giai cấp có khuynh hướng nghi thức xã giao. Tất cả người Polynesia đểu công nhận có bốn giai cấp: quí tộc thiêng liêng, một tầng lớp quí tộc kế tiếp, một tầng lớp bình dân, và những người nô lệ. Giới quí tộc cho rằng mình được sinh ra trực tiếp từ một vị thần, còn những vị lãnh đạo giai cấp tăng lữ thì có những quyền lực siêu nhiên bẩm sinh. Trong thể chế dân chủ ở Samoa, quyền lực xã hội và chính trị của giới quí tộc bị hạn chế và phải chịu sự canh tác có tính cách cá nhân. Mặt khác ở Hawaii, Tonga, và Tahiti, trước khi người da trắng đến, hoàng tộc là rất thiêng liêng, đối với dân thường, làm cho vua chúa bị xúc động là điều tối kiêng kỵ. Trong những dịp hiếm hoi được tiếp xúc với thành viên của hoàng tộc, thường dân phải tỏ ra rụt rè khúm núm. Thân thích nhà vua được phong tước cấp đất là chuyện tự nhiên. Ở Tonga, thường dân phải thuê đất của các lãnh chúa địa phương và trả bằng hoa màu. Các lãnh chúa dâng nạp một số trong những của cái đó cho những lãnh tụ cao cấp hơn.
Ở Samoa, khi tính thần thánh không còn được coi trọng thì tiếp theo là sự quan tâm đến tài nghệ thủ công, vì vậy, trong toàn bộ khu vực các phường nghề có xu hướng không ưa chuộng những vai trò có tính chức năng do các giai cấp vua chúa nắm giữ.
Melanesia
Phía Tây và một số khu vực nội địa của vùng Melanesia là nơi cư trú của người Papua cổ sơ hơn, không có các giai cấp xã hội như thế. Trên các đảo miền Đông - các khu vực mà những người nói tiếng Melanesia chiếm đa số, sự phân chia giai cấp xã hội là một đặc điểm, tuy vậy vẫn có những bộ lạc không có giai cấp, chẳng hạn bộ lạc Dobu. Quyền cai trị người dân trên khắp vùng Melanesia thường nằm trong tay của một hội đồng trưởng lão của làng, nhưng thông thường vẫn hiện diện một giai cấp những lãnh chúa giàu có, có tiếng tăm về kinh tế, lễ lạc, và tôn giáo, nếu không phải là có tiếng tăm cả về chính trị.
Các lãnh chúa Melanesia hầu như luôn luôn là hậu duệ của một nhóm người nhập cư đã lòe bịp cư dân địa phương tin rằng họ có những quyền lực lớn lao và huyền bí, và họ nắm việc tổ chức các lễ cúng tế cầu phúc cầu an cho cộng đồng. Vì lý do đó, giai cấp các lãnh chúa được xưng tụng là thần thánh và có các đặc quyền đặc lợi tột bực. Các lãnh chúa cũng được người dân và cả chính họ tự cho là giai cấp của những người hào phóng và ưa chuộng nghi thức, và cũng là hình ảnh huy hoàng của dân tộc.
Fiji, nằm trên đường biên giới giữa Melanesia và Polynesia, là một điển hình khá tiêu biểu. Khoảng mười thế hệ trước đây, một nhóm chiến binh tiến lên đảo Lau. Có thể là họ đã xâm nhập bằng biện pháp vũ lực, thế nhưng ngày nay người ta thường nói là cư dân địa phương đón tiếp họ như những người khai hóa văn minh, những kẻ mang ánh sáng (rarama) tới cho những người đang sống trong tăm tối (mbutombuto).
Hệ thống thị tộc nguyên thủy của những người bản xứ đã được cải biến thành hệ thống đẳng cấp trong đó mỗi thị tộc có một quan hệ nhất định với mọi thị tộc khác. Các thị tộc hậu duệ của những người nhập cư họp thành giai cấp lãnh đạo (yavasu turanga), và những thị tộc hậu duệ của người bản xứ họp thành giai cấp nông dân (yavusa vanua). Qua hôn nhân với người bản xứ, con cái của những người mới đến cũng có được một số đất đai, nhưng trong trường hợp này giai cấp thống trị không tước đoạt đất đai của giai cấp thấp hơn. Các anh em con cái của những người trong giai cấp nông dân sở hữu hầu hết đất đai. Họ cũng thích thú với nghề nông và cũng được giai cấp lãnh đạo khen ngợi về tài nghệ đi thuyền, đánh cá, và các nghề thủ công.
Châu Phi
Ở châu Phi, mức độ khác biệt xã hội là từ nền dân chủ thuần nhất, với tiêu biểu là người Nuer, đến hình thức các nhà nước thuộc địa ô hợp với các hệ thống đẳng cấp chính thức. Chúng ta sẽ chọn vương quốc Ankole ở Uganda làm ví dụ về các xã hội phân chia thành nhiều tầng lớp ở Đông Phi.
Sự phân chia đẳng cấp căn bản ở Ankole là giữa những người chăn nuôi súc vật tự gọi mình là Bahima, và những người làm vườn rẫy được gọi là Bairu. Người Bahima /à những người da đen chăn nuôi súc vật dọc theo vùng thảo nguyên giữa Hồ Victoria ở phía đông và chuỗi núi non với sông hồ ở phía tây. Nguyên quán của họ có lẽ là ở Abyssinia dưới miền Nam. Về mặt văn hóa và chủng tộc, họ khác với những người làm vườn Bantu là những người tiền phong về nghề nghiệp này trong nước. Khi di chuyển về phía nam, người Bahima tỏ ra là những người chiến đấu can trường nhất so với người Bairu nói tiếng Bantu và đã phát triển các nhóm xã hội của họ với những mục đích chính trị và quân sự. Họ chinh phục và khuất phục người Bairu không mấy khó khăn, mặc dù người Bairu đông hơn họ gấp mười lần.
Họ đặt ra những điều luật bất khả vi phạm dành cho người Bairu:
1. Cấm tất cả người Bairu nuôi các súc vật sinh sản. Đúng là thỉnh thoảng người Bairu phải dâng nạp một con bò cái không đẻ và những con bê Đực để phục vụ cho người Muhima, nhưng bất cứ một Muhima nào bắt gặp một người Bairu nuôi những con bò cái sinh sản thì đều có quyền tịch thu những con vật ấy.
2. Trong khi tất cả đàn ông Bahima có thể được gọi vào phục vụ trong quân đội còn người Bairu bị tước toàn bộ vũ khí. Họ không thể hoạt động quân sự, và cơ hội nổi dậy của họ hầu như không thể thành công được.
3. Việc kết hôn giữa người Bahima và người Bairu là bị cấm. Ngoài sự cấm đoán này, lệnh cấm người Bairu nuôi súc vật sinh sản cũng đã là một trở ngại lớn. Không một cuộc hôn nhân nào hình thành hợp lệ mà không có sính lễ bằng gia súc, trong khi đó người Bairu lại không được phép nhận bò cái sinh sản, vì vậy người Bairu không có bò để làm sính lễ.
4. Người Bahima (nhất là các lãnh chúa) có quyền lấy con gái người Bairu làm thiếp, nhưng người Bairu thì không có được quyền này với con gái người Bahima.
5. Không một người Bairu nào được giữ những chức vụ chính trị cao. Nhiều lắm là họ có thể làm người thu thuế dưới quyền một người Muhima.
6. Tất cả người Bairu phải phục dịch và cống nộp cho các thủ lãnh Bahima, và những thủ lãnh này phân phối các sản phẩm nông nghiệp cùng những loại vật phẩm khác cho các đồng chí của mình. Người Bahima không hề muốn giết con ngỗng đang đẻ những quá trứng vàng cho họ, và vì vậy cá nhân Muhima bị cấm hành hạ, lạm dụng người Bairu. Khi bị một người Muhima không có thẩm quyền ngược đãi hoặc bóc lột vô cớ, người Bairu này có thể khiếu nại với một lãnh tụ người Bahima để đòi bồi thường.
7. Khi một Mwiru giết một Mwiru, thì giữa họ với nhau có quyền trả thù. Nhưng nếu một Muhima giết một Mwiru, luật pháp không cho phép thân nhân của người Bairu bị giết được trả thù. Nhiều nhất là họ có thể cầu xin với vua Bahima buộc thủ phạm phải bồi thường, và may mắn lắm thì phía nạn nhân mới được đền bù một chút gì đó. Nhưng nếu một Mwiru thấp kém mà dám giết một Muhima thì người Bahima sẽ giết y ngay.
Sự thống trị và bóc lột của người Bahima tại Banyankole là trực tiếp, không nương tay, và rất hiệu quả. Đó là một ví dụ vô tiền khoáng hậu về câu chuyện một dân tộc nông nghiệp định cư bị quan thầy kí sinh là dân du mục bóc lột thậm tệ.
Tuy nhiên, cấu trúc giai cấp không phải chuyện phân đôi đơn giản như chúng ta đã mô tả. Vương quốc Banyankole đâu phải tồn tại giữa thinh không, mà trong vùng còn các vương quốc Bahima và các bộ lạc nhỏ nữa. Mặc dù tự ý thức về chủng tộc, không phải là con dã thú Muhima không muốn tấn công những địch thủ Bahima. Để ngăn chặn chuyện này, vương quốc Ankole tiến hành chinh phục các láng giềng Bahima khác là những nhóm kết hợp với xã hội bộ lạc như là một giai cấp riêng biệt có nộp cống, gọi là Abatoro. Những người này có thể kết hôn với giai cấp chinh phục mình, và không bị tước nhiều quyền lợi hợp pháp.
Giai cấp thứ tư là Abambari. Việc cấm đoán kết hôn không bao giờ có thể ngăn cản được hôn nhân khác chủng tộc. Các quan hệ giữa người Bahima với vợ bé người Bairu sinh ra con cái ở giữa lưng chừng các đẳng cấp. Về mặt pháp lý, Abambari được xếp vào giai cấp người Bairu, cũng như hầu hết luật pháp của Mỹ đều xếp con lai giữa người da trắng và người da đen vào chung nhóm người da đen. Nhưng vì quyền lợi riêng, người cha Muhima thường tìm cách làm giảm nhẹ bớt ảnh hưởng của qui luật này. Những người không có con dòng chính để nối dõi thường nuôi con của vợ thứ làm người thừa tự. Như thế, giai cấp cai trị đã tự mình làm hỏng mất nỗ lực tự tách mình ra thành một giai cấp riêng biệt; trớ trêu nữa là, sự việc như thế xảy ra ngay trong những gia đình và dòng họ cao cấp nhất. Vì ngày nay, ngay trong nhóm quí tộc cai trị này người Bantu với thể hình da đen chiếm một tỉ lệ cao hơn hẳn so với trong số người du mục Bahima ở những vùng nông thôn xa xôi.
Cuối cùng là giai cấp Abahuku hay giai cấp nô lệ. Vì sự thuận lợi và hiệu quả của hệ trong bóc lột đối với người Bairu, cũng như các tiềm năng kinh tế không cho phép người ta nuôi nô lệ để sử dụng những dụng cụ và phương pháp nông nghiệp của người Bairu, cho nên chế độ nô lệ không phát triển rộng. Nô lệ là những người Bairu bị bắt trong những cuộc càn quét các vương quốc lân cận. Người Bairu ở Ankole không bao giờ phải làm nô lệ. Nô lệ được dùng trong các công việc lao lực trong các gia đình rất giàu có. Họ không bị sai làm những công việc trong vườn hay chăn dắt súc vật. Họ bị coi như đồ dùng hoặc của cải của các người chủ, người ta xẻo tai họ để phòng họ trốn thoát ra làm người Bairu bình thường.
Đẳng cấp
Đẳng cấp là kết quả của sự tăng cường nguyên tắc giai cấp. Đẳng cấp đóng báng các giai cấp xã hội bằng biện pháp nội hôn và thừa kế địa vị. Đó là phương cách mà nhóm trong trị ra sức giữ cho mình được tồn tại vĩnh viễn và bảo đảm cho con cháu địa vị ưu tiên nhất định trong cuộc sống. Theo lý thuyết, dù giỏi giang khôn khéo đến đâu cũng không một ai có thể thoát ra khỏi đẳng cấp của mình. Kroeber đã chỉ ra rằng đẳng cấp “giống như thị tộc ở chỗ nó là một nhóm nhỏ trong một toàn thể văn hóa và chính trị rộng lớn hơn, và ở chỗ nó điều chỉnh mọi cuộc hôn nhân”. Tuy vậy, nó khác thị tộc ở chỗ trong khi thị tộc theo chế độ ngoại hôn, các đẳng cấp chấp nhận qui luật nội hôn. Thị tộc thì thường (nhưng không phải là tuyệt đối) ít nhiều bình đẳng trong cấp bậc xã hội, trong khi đẳng cấp hoàn toàn phân chia vị thế xã hội cao thấp. Chính sự tồn tại của đẳng cấp đã gạt bỏ bất cứ một khái niệm nào về bình đẳng xã hội. Tình trạng “lưỡng đầu nan” của Mỹ là ở sự mâu thuẫn giữa một bên là theo hẳn lý tưởng Công giáo với tình huynh đệ và lý tưởng dân chủ trong sự bình đẳng chính trị giữa tất cả mọi người, và một bên là sự xuất hiện các đẳng cấp chủng tộc là kết quả của những cuộc chiến chinh phục người Da Đen và thổ dân Da Đỏ trước kia.