Bản chất của giai cấp
“Khái niệm về giai cấp có liên quan đến sự phân biệt về mặt xã hội của các nhóm quần cư. Tuy nhiên, một định nghĩa dứt khoát lại đặt ra vấn đề hóc búa khác - đó là câu hỏi loại nhóm gì? Theo một nghĩa rộng nhất, một giai cấp là bất cứ một nhóm người nào đó trong dân số của một quốc gia có chung một đặc điểm có thể nhận biết được. Tất cả những người có đôi chân với cỡ giầy số 10B hợp thành một loại giai cấp. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà khái niệm giai cấp xã hội muốn nói đến.
Các tiêu chí hiện thực của một giai cấp xã hội là vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan. Các nhà duy kinh tế nhấn mạnh các tiêu chí khách quan của mối quan hệ với công cụ sản xuất, nghĩa là, có sở hữu hay không có sở hữu đất đai và tư bản. Đây là sự chọn lựa theo ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Max Weber đã đưa các tiêu chí kinh tế vào các phân tích về giai cấp, nhưng ông cũng bổ sung thêm vào đó bản chất của tiêu chuẩn bên ngoài của cuộc sống (chỉ quan hệ gián tiếp với sự sở hữu các phương tiện kinh tế), cùng với các cơ hội về văn hóa và giải trí. Các nhà xã hội học Mỹ, ảnh hưởng bởi tính linh hoạt hơn và không rõ ràng của các giai cấp trong xã hội chúng ta, lại chú trọng nhấn mạnh bản chất chủ quan của giai cấp. Không có các giai cấp xã hội, chúng chỉ là sản phẩm do tư tưởng con người đẻ ra thôi. Maclver tuyên bố:
Chúng ta sẽ gạt một cộng đồng nào đó ra khỏi phần còn lại của xã hội và gọi nó là giai cấp xã hội... chủ yếu là theo cái nghĩa của sự cách biệt xã hội. Một tính chất chủ quan như vậy chỉ bao hàm một qui luật của sự dị biệt khách quan, các mức thu nhập, sự khác nhau về nghề nghiệp, và v.v..., trong phạm vi xã hội. Nhưng những dị biệt này, không kể các trật tự cao thấp ưu liệt, không tạo nên những nhóm gắn bó với nhau. Chính cái ý thức về vị thế, được duy trình sức mạnh kinh tế, chính trị hay quyền lực thiêng liêng, và do các cuộc sống khác nhau với các biểu hiện văn hóa tùy theo các cuộc sống ấy làm cho các giai cấp cách xa nhau, gắn kết mỗi giai cấp, và phân chia toàn bộ xã hội thành nhiều tầng lớp.
Vì vậy, một giai cấp xã hội là một nhóm người trong một xã hội mà các thành viên của nó cùng giữ chung một số vị thế riêng biệt và, qua sự thể hiện các vai trò liên quan với các vị thế ấy, cùng phát triển một ý thức về những lợi ích giống nhau, đối chọi lại với các tính chất và lợi ích khác của những nhóm khác. Một giai cấp xã hội chỉ có thể tồn tại liên đới với các giai cấp xã hội khác. Một xã hội mà chỉ có một giai cấp duy nhất thì đó nhất thiết là một xã hội không giai cấp. Vả lại, nếu không có ý thức về giai cấp thì không có động lực cho hành động giai cấp; thế thì giai cấp sẽ không có ý nghĩa nào cả về mặt chức năng. Người ta phải hành động theo tính giai cấp nếu khái niệm về giai cấp có mang ý nghĩa về chức năng.
Rốt cuộc, có nhiều điều cho thấy một giai cấp không mang một ý nghĩa chức năng nào cả. Nó không được tổ chức theo chức năng. Các giai cấp tự chúng không phải là đoàn thể. Nhưng dĩ nhiên, có thể có các đoàn thể đại diện cho các lợi ích của những giai cấp cụ thể, như AFL-CIO đại diện cho những bộ phận nhất định của thợ thuyền công nghiệp ở Mỹ, hay Hội Quốc Gia các Nhà Sản Xuất đại diện cho một phần những nhà sở hữu công nghiệp và các nhà sản xuất. Ngay cả ở Nga, chỉ một bộ phận nhỏ những người vô sản được tổ chức trong phạm vi Đảng Cộng Sản và trong các đoàn thề trực thuộc đảng này.
Tần suất giai cấp trong xã hội sơ khai
Rõ ràng là có một tương quan tích cực và trực tiếp giữa trình độ phức tạp của nền văn hóa và sự hiện hữu của các giai cấp xã hội. Đa số các nền văn hóa cực kỳ đơn sơ không hội đủ yếu tố cần thiết để phân biệt giữa vai trò và chức năng giữa các thành viên, để xác lập thành các loại giai cấp. Những ngoại lệ đối với sự khái quát hóa này xảy ra chủ yếu trong những xã hội có chế độ nô lệ. Những cộng đồng người Eskimo, người đảo Andaman, Úc, Semang, Vedda, Great Basin Shoshone, Fuege, và người Bushmen châu Phi rõ ràng là không có giai cấp xã hội nào hết. Trong xã hội của những người này không có khả năng xảy ra sự tích lũy hàng hóa tư bản; mọi người đều có quyền ngang nhau trong việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, và không ai có quyền lực chính trị ở trên kẻ khác.
Thế cho nên, trong 101 nền văn hóa ở trình độ săn bắn và hái lượm trong công trình Khảo sát dân tộc học toàn thế giới, chỉ có một nền văn hóa được ghi nhận có hệ thống giai cấp giữa những người tự do. Tuy vậy, có hai mươi bảy nền văn hóa có chế độ nô lệ. Hai mươi nền văn hóa có sự khác biệt giàu nghèo nhưng lại không hình thành giai cấp xã hội. Nhưng có đến sáu mươi bảy nền văn hóa không có dấu hiệu phân biệt giai cấp xã hội trong bất kỳ hình thức nào (xin lặp lại, đây là đề cập đến những người tự do).
Ở đầu kia của cán cân phát triển, trong 117 nền văn hóa xây dựng trên nền nông nghiệp cày cấy, chỉ có chín nền văn hóa (8 phần trăm) không có sự phân biệt giai cấp, trong khi đó sáu mươi tám nền văn hóa (58 phần trăm) có ba hoặc hơn ba giai cấp, không kể thành phần nô lệ. Trong 189 xã hội nông nghiệp thâm canh được khảo sát, có 48 phần trăm không có giai cấp, và 8 phần trăm có những hệ thống giai cấp phức tạp.
Bảng 27 - 1: Tỉ lệ phần trăm tần số dị biệt xã hội của những người tự do (Không tính chế độ nô lệ) trong 565 nền văn hóa trên các vùng địa lý chính của thế giới
Vùng địa lý | Phần trăm của tất cả các bộ lạc trong mỗi vùng |
Không có sự phân biệt | Có chế độ lứa tuổi | Sự phân biệt giàu nghèo quan trọng | Hệ thống giai cấp phức tạp | Có giai cấp quí tộc |
Châu Phi | 36 | 14 | 10 | 12 | 28 |
Chung quanh Địa Trung Hải | 9 | 2 | 18 | 55 | 14 |
Âu - Á | 19 | 0 | 23 | 35 | 23 |
Các đảo trên Thái Bình Dương | 49 | 1 | 19 | 5 | 26 |
Bắc Mỹ | 57 | 3 | 20 | 6 | 14 |
Nam Mỹ | 63 | 4 | 8 | 7 | 17 |
Ghi chú: Những người da đỏ cháu Mỹ là những người theo chủ nghĩa bình quân triệt để nhất. Châu Phi nhấn mạnh sự phân định các lứa tuổi và giới quí tộc. Các nền văn hóa Địa Trung hải có tính phân biệt giai cấp. Vùng Âu - Á có tất cả các sự phân biệt nhưng không có phân định lứa tuổi.