Tài liệu: Hệ thống quan hệ họ hàng của người Mỹ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hệ thống quan hệ họ hàng của chúng ta là theo kiểu loại của người Eskimo. Chúng ta gộp chung các anh chị em họ, nhưng phân biệt họ với anh chị em ruột
Hệ thống quan hệ họ hàng của người Mỹ

Nội dung

Hệ thống quan hệ họ hàng của người Mỹ

Hệ thống quan hệ họ hàng của chúng ta là theo kiểu loại của người Eskimo. Chúng ta gộp chung các anh chị em họ, nhưng phân biệt họ với anh chị em ruột. Bởi không có dòng họ và thị tộc, chúng ta không chú trọng nhấn mạnh đến tính trực tuyến ngoại trừ trong phạm vi các gia đình hôn nhân sơ cấp và thứ cấp. Những gia đình này - với đặc tính giới hạn loại trừ của những từ như “cha”, “mẹ”, “anh/em trai”, “chị/em gái con trai”, “con gái”, những người này thực sự thuộc về hai gia-đình-do-hôn-nhân, được tách hẳn ra khỏi khối bà con họ hàng.[1]

Chế độ một vợ một chồng phản ánh trong những từ “cha”, “mẹ”, “chồng”, và “vợ” chỉ có thể sử dụng để chỉ vào một người duy nhất trong hệ thống họ hàng. Khi những từ này được dùng trong hệ thống giáo hội, chúng ngụ ý và gợi ý những cách hành xử nhất định như trong vòng họ hàng thân thuộc, nhưng không một ai hiểu lầm chúng có ý nghĩa giống như mối quan hệ có tính di truyền. Chúng ta cũng có thể nhận ra điều này trong lời khẩn cầu một sự trợ giúp có tình quan hệ bà con của người hành khất khi ông ta thốt lên: “Người anh em ơi, có thể cho tôi xin một hào được không?”

Một điều thực sự đặc biệt thể hiện trong cách xưng hô quan hệ họ hàng của chúng ta là có rất nhiều từ phụ thêm để gọi “cha”, “mẹ”, “chồng”, và “vợ”. Để gọi “cha” ngoài từ chính là “father”, người Mỹ có thêm những từ “dad”', “daddy”, “pop”, “pa”, “old man” (ông già), “boss” (chủ nhân ông), “pater” (bố), và “governor” (đấng thống trị), tuy nhiên, không từ nào trong số này mang đầy đủ nghĩa kính trọng như từ “father”. Cách sử dụng những từ này biến đổi theo vai trò quyền lực mà các con cái nhìn thấy nơi người cha của chúng trong một gia đình cụ thể, và những từ đó phản ánh bản chất uyển chuyển của mẫu gia đình người Mỹ. Nói chung, từ “daddy” được bọn trẻ con thích dùng hơn, và khi lớn lên bọn con trai thôi không dùng từ đó nữa, nhưng những đứa con gái thì vẫn còn dùng rất lâu về sau. Quan hệ cha và con trai trở nên dè dặt và trịnh trọng hơn, trong khi có nhiều bằng chứng cho phép suy ra rằng việc con gái vẫn tiếp tục dùng từ “daddy” biểu lộ sự kéo dài ảnh hưởng thời thơ ấu giữa cha và con gái.

Một chuỗi từ được dùng song song với từ “mother” (mẹ): “mom”, “mommy”, “mummy”, “ma”, “ma ma”, “mater” và “old woman” (bà lão). Nhiều tính cách có ý nghĩa vai trò được gán cho những từ gọi “mẹ” này, tương tự như với những từ gọi “cha”. Khi lớn lên, cả con trai lẫn con gái có xu hướng chuyển đổi việc sử dụng những từ gọi mẹ không chính thức sang dùng từ chính thức “mother”. Nói cách khác, bọn con trai không còn dùng những từ tương tự từ “mother” để gọi mẹ như kiểu các con gái tiếp tục gọi cha bằng “daddy”[2].

Tất cả những người bà con qua quan hệ hôn nhân đều được phân biệt bằng cách dùng thêm tiếp tố ''in law'' (theo pháp luật). Tuy nhiên, chúng ta cũng thường dùng một biện pháp gọi cha mẹ bằng tên con (teknonymy) để làm nhẹ bớt từ “in law” khi nói với mẹ chồng hay mẹ vợ và cha chồng hay cha vợ của chúng ta. Đây là cách chúng ta tự đồng dạng mình với con cái để gọi cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ của mình là “ông bà nội” hay “ông bà ngoại”. Những người đó là thân thích trực hệ của con cái chúng ta, và bằng cách gọi giả đó, chúng ta kéo họ vào nhóm gia đình trực hệ của mình.

Ngoại trừ có phần nhấn mạnh về ngôn ngữ dành cho dòng cha qua chế độ phụ hệ, mà các kết quả nặng tính quan điểm hơn là tính cơ cấu hay hành vi, hệ thống của chúng ta có tính đa phương và đối xứng. Chúng ta coi tất cả những nhánh bà con mở rộng từ dòng họ trực hệ của mình là quan trọng (hoặc không quan trọng) như nhau. Sự khác biệt ở tầm quan trọng là hậu quả xuất phát từ sự ưa thích hay mất cảm tình của cá nhân, chớ không phải là hậu quả của bất kỳ một sự chủ ý có tính hệ thống. Tình trạng thiếu gắn bó có tính cơ cấu bên ngoài phạm vi gia đình trong dòng dõi trực hệ của hệ thống quan hệ họ hàng của chúng ta phản ảnh vai trò yếu ớt mà các nhóm họ hàng thể hiện trong xã hội. Chúng ta coi trọng tính độc lập của những đơn vị gia đình hôn nhân riêng lẻ. Hầu hết những vấn đề rắc rối của chúng ta liên quan đến hôn nhân và gia đình đều trực tiếp hay gián tiếp nảy sinh từ thực tế này. Sở dĩ có mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là vì con cái phải phát triển độc lập để có thể tự xây dựng những gia đình riêng độc lập về kinh tế.

Hành vi bất thường của tuổi thanh niên làm cho người lớn lo ngại hay vui vẻ có thể phát xuất từ sự bất an của đứa trẻ trai hay gái trong giai đoạn chuyển tiếp, từ những sự ràng buộc của gia đình sơ cấp nơi nó sinh ra đến gia đình hôn nhân thứ cấp mà không bao lâu nữa cậu ta hay cô ta sẽ phải xây dựng. Sự bất an trong tuổi già là số phận của nhiều bậc cha mẹ mà gia đình hôn nhân thứ cấp của họ đã mất mát, họ chỉ còn trơ trọi lại một mình. Khi một người trong số họ qua đời, người còn lại cảm thấy lúng túng hoang mang, không biết bám víu vào đâu. Những nhà dưỡng lão dành cho người già cả và những điều luật đãi ngộ dành cho người cao niên là những biện pháp xã hội giúp làm giảm nhẹ những khó khăn của những người này.

Vị thế quan hệ họ hàng bên ngoài gia đình không giúp tạo lập cho trẻ con có được nhiều mối quan hệ xã hội. Trẻ con được ném vào sự cạnh tranh công khai để tìm lấy vị thế xã hội; một số gặt hái được thành công và danh vọng, số khác chỉ gặp thất bại và sự bất an.

Hôn nhân ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ căn cứ chủ yếu vào sự ràng buộc của tình yêu và lòng quí mến, vì không có tình trạng kết đôi ưu tiên gán ghép trong vòng họ hàng để giải quyết vấn đề phối ngẫu, cũng không có sự kiểm soát của gia đình trong việc hôn nhân như ở châu Á và ở Pháp. Đây chỉ là vài hệ quả của hệ thống họ hàng cởi mở lỏng lẻo của chúng ta.

Những lợi ích của hệ thống này phát xuất từ quyền tự do hành động của cá nhân trong những quan hệ kinh tế và xã hội: tự do chọn bạn bè trong hay ngoài phạm vi họ hàng, tự do kết hôn, tự do chọn nghề nghiệp, và tự do sống ở đâu tùy ý mà không có bất kỳ ràng buộc trở ngại nào do vị thế họ hàng gây ra. Ở Mỹ ngày nay, con người tự ý kết hôn với nhau, gắn bó hay tan vỡ tùy thuộc vào khả năng khắc phục những khó khăn trong cái hệ thống quan hệ họ hàng lỏng lẻo này, cũng như tùy vào khả năng vận dụng những quyền tự do trong một xã hội cơ động và đang thay đổi quá nhanh chóng này. Những cỗ máy ly dị sẵn sàng nghiền nát những kẻ thất bại, trong khi đó các sinh viên đại học đang đổ xô theo học các khóa học xã hội học về hôn nhân và gia đình.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2587-02-633540617523251250/He-thong-ho-toc-va-cach-xung-ho/He-thong-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận