Tài liệu: Các kiểu loại hệ thống quan hệ họ hàng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một điều đáng nói là theo lý thuyết, con số các hệ thống quan hệ họ hàng khác nhau có thể là rất lớn, nhưng các xã hội phân loại quan hệ họ hàng theo thững cách cơ bản tương tự như nhau
Các kiểu loại hệ thống quan hệ họ hàng

Nội dung

Các kiểu loại hệ thống quan hệ họ hàng

Một điều đáng nói là theo lý thuyết, con số các hệ thống quan hệ họ hàng khác nhau có thể là rất lớn, nhưng các xã hội phân loại quan hệ họ hàng theo thững cách cơ bản tương tự như nhau, cho nên con số các loại hệ thống họ hàng thực sự tồn tại là khá nhỏ.

Việc phân loại các hệ thống quan hệ họ hàng làm lộ ra tất cả những vấn đề phiền toái thông thường trong việc chọn các tiêu chuẩn đã được bàn đến trong một chương trước (trang 129- 132). Như khi phân loại các chủng tộc, kết quả là có ít đi hoặc nhiều hơn nữa một vài chủng loại, tùy theo tính chất và số lượng tiêu chuẩn được dùng.[1] Những tiêu chuẩn quan trọng nhất được các nhà nhân chủng học áp dụng để phân loại tổng quát hệ thống danh xưng trong mối quan hệ họ hàng là thuộc hai hạng: (1) cấp độ sáp nhập và phân đôi của bà con trực hệ và bàng hệ trong thế hệ của cha mẹ, và (2) cấp độ sáp nhập và phân đôi của bà con bàng hệ trong chính thế hệ của Ego, bản thân đương sự - người nói.[2]

Các hệ thống quan hệ họ hàng căn cứ trên việc phân loại thế hệ của mẹ

Việc sử dụng tiêu chuẩn phân loại bà con trực hệ và bàng hệ ở cấp thế hệ cha mẹ sẽ dẫn đến bốn loại hệ thống họ hàng: (1) theo thế hệ, (2) theo trực hệ, (3) sáp nhập hai nhánh, và (4) hai nhánh bàng hệ.

Các hệ thống thế hệ. Loại hệ thống này chú trọng đến sự sáp nhập của tất cả các thân nhân của một cấp thế hệ nhất định. Như thế, mẹ, chị em gái của mẹ, và chị em gái của cha đều được gộp chung vào một từ danh xưng. Với cha, anh em trai của cha, và anh em trai của mẹ cũng vậy.

Các hệ thống trục hệ. Hệ thống trực hệ chú trọng nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa các thân nhân trực tiếp phía trên và các thân nhân trực tiếp phía dưới Ego, tách biệt khỏi những người bàng hệ. Do đó, mẹ khác với chị em gái của mẹ và chị em gái của cha là những người mà tiếng Anh gọi chung là “aunt” (dì và cô). Điều này cũng áp dụng về phía cha và những người bàng hệ mà tiếng Anh gọi chung là "uncle'' (chú hoặc bác). Các hệ thống trực hệ cũng liên kết với các hệ thống bàng hệ của các nhóm trong dòng họ. Các hệ thống sáp nhập hai nhánh. Các hệ thống trực hệ của những chi phía dưới có xu hướng sinh ra các hệ thống sáp nhập hai nhánh trong cách xưng hô, như sẽ được giải thích trong việc phân tích cách xưng hô của người Crow ở dưới. Anh em trai của cha được nhập chung vào với cha, trong khi cả hai được tách riêng ra khỏi anh em trai của mẹ. Nhưng theo một cách khác, cha và các anh em trai bên dòng cha được sáp nhập, còn người cậu bên dòng mẹ thì tách riêng ra. Cũng giống như thế, mẹ và dì được gộp lại, còn cô (bên dòng cha) thì tách ra. Các thành viên của hai nhóm trong dòng họ đều được tách rời nhau.

Các hệ thống bàng hệ phân đôi. Trong loại hệ thống này, tất cả những người bà con bàng hệ trong thế hệ của cha mẹ đều phân đôi hay tách biệt ra. Cha, anh em trai của cha, và anh em trai của mẹ được gọi bằng những từ riêng biệt, cũng như về phía mẹ, các chị em gái của mẹ, và chị em gái của cha. Không có tương quan đáng kể giữa danh xưng bàng hệ phân đôi với bất cứ một hệ thống đặc biệt nào của các nhóm trong dòng họ, cũng không có một lý thuyết đầy đủ nào để lý giải sự phổ biến của phương pháp phân loại khá đặc biệt này.

Tần suất tương đối của các hệ thống căn cứ trên sự phân loại Của thế hệ cha mẹ. Bốn mươi bốn phần trăm các hệ thống họ hàng trong công trình Khảo sát dân tộc học toàn thế giới là thuộc loại sáp nhập phân đôi. Sự kiện này xảy ra là do hầu hết các hệ thống dòng dõi đều là đơn tuyến và tự động đặt các anh em trai của cha với anh em trai của mẹ vào những nhóm khác nhau trong dòng họ. Danh xưng của hệ thống sáp nhập phân đôi phản ánh dữ kiện đơn giản này.

Các hệ thống họ hàng thuộc loại tổng quát đi theo với các hệ thống song phương và xảy ra với tỉ lệ 30 phần trăm trường hợp. Các hệ thống song phương không tách riêng thân nhân của cha và của mẹ, các danh xưng tổng quát cũng vậy.

Các hệ thống trực hệ, chiếm tỉ lệ 17 phần trăm trường hợp, kết hợp chặt chẽ với sự hiện diện của các hệ thống song phương.

Các kiểu loại bàng hệ - phân đôi là khá hiếm (9 phần trăm), không tương quan với một kiểu loại dòng dõi cụ thể nào, và chưa được giải thích đầy đủ.

Các hệ thống quan hệ họ hàng căn cứ trên sự phân loại anh chị em họ

Việc sử dụng tiêu chí sáp nhập và tách riêng các anh chị em ruột, anh chị em họ cô cậu, và anh chị em họ chú bác sẽ cho những kết quả tường tận hơn là các phân tích chỉ căn cứ trên danh xưng thế hệ cha mẹ. Vì thế, Murdock đã triển khai một loại hình các hệ thống quan hệ họ hàng căn cứ theo các tiêu chí này.

Cách phân loại của Murdock đặt ra sáu loại hệ thống quan hệ họ hàng có lưu ý đến những sự dị biệt hoặc thiếu sự dị biệt trong các đanh xưng dành cho anh chị em họ. Đó là: (1) Người Hawai, (2) Người Eskimo, (3) Người Iroquois, (4) Người Crow, (5) Người Omaha, và (6) Người Sudan. Những hệ thống này thực sự cũng giống như các hệ thống kiểu loại thế hệ, như có nhận ra trong Bảng 25-1, ngoại trừ kiểu loại sáp nhập phân đôi được cải biến của người Crow, người Iroquois, và người Omaha.

Ghi chú: Kiểu loại thế hệ của người Hawaii sáp nhập tất cả cha mẹ và tất cả anh chị em họ, loại trực hệ Eskimo phân biệt cha mẹ và các anh em với những người bàng hệ, ba hệ thống sáp nhập - phân đôi nhập chung cha mẹ với những người bàng hệ cùng giới tính và nhập chung anh chị em chú bác với anh chị em ruột trong khi tách riêng anh chị em cô cậu, loại bàng hệ phân đôi của người Sudan phân riêng tất cả thân thích của cha mẹ và anh chị em cô cậu

(ý nghĩa của các ký hiệu và chữ viết tắt: [=] = các loại sáp nhập, # = phân biệt hay phân đôi, XCos = anh chị em cô cậu,. ||Cos = anh chị em chú bác, Sib = anh chị em ruột, Fa = Cha, Mo : Mẹ Br = Anh em trai, Si = Chị em gái ND)

Hệ thống của người Hawaii. Hệ thống này cũng tương tự như hệ thống kiểu loại thế hệ. Vì tập trung vào sự tương đương thế hệ, hệ thống của người Hawai không có sự phân biệt nào giữa anh chị em họ và anh chị em ruột, tất cả đều thuộc vào chung một loại họ hàng.

Hệ thống của người Eskimo. Hệ thống của người Eskimo không đưa ra sự phân biệt giữa anh em cô cậu và anh em chú bác, nhưng tách riêng anh chị em họ ra khỏi anh chị em ruột. Sự tập trung của hệ thống này nhấn mạnh vào chuỗi trực tiếp của các gia-đình-do-hôn-nhân. Hệ thống của người Eskimo tương tự như tất cả những hệ thống của cộng đồng người nói tiếng Anh, vì đây là hệ thống được sử dụng trong nền văn hóa Anh-Mỹ.

Hệ thống của người Iroquois. Trong hệ thống danh xưng của người Iroquois, anh chị em ruột và anh chị em chú bác cùng một giới tính thường được gọi bằng một tên gọi chung, trong khi các anh chị em cô cậu thì được phân biệt bằng một danh xưng riêng. Cách xưng hô của người Iroquois hầu như không tồn tại trong các bộ lạc được tổ chức theo hình thức song phương. Hệ thống này tương quan yếu ớt (phi = 0.135)[3] với các nhóm dòng dõi theo chế độ mẫu hệ và các nhóm dòng dõi lưỡng tuyến, và xuất hiện như một sản phẩm của một hệ thống mẫu hệ lưỡng tuyến, và xuất hiện như một sản phẩm của một hệ thống mẫu hệ yếu ớt, với tập tục ở rể trong tổ chức xã hội.

Hệ thống của người Crow. Hệ thống của người Crow đặt nền tảng trên cấu trúc xã hội bao gồm các dòng họ hoặc thị tộc mẫu hệ đã phát triển mạnh mẽ.

Trong danh xưng anh chị em họ, các anh chị em cô cậu được tách rời nhau ra (nghĩa là, có tên gọi riêng cho con trai hay con gái của chị em gái của cha, và con trai hay con gái của anh hay em trai của mẹ); những tên gọi này cũng khác biệt với tên gọi dành cho anh chị em cô cậu và anh chị em ruột. Nhưng các anh chị em cô cậu của cha mẹ thì được sáp nhập vào với cha hoặc với em gái của cha, tùy theo giới tính.

Chính trong sự sáp nhập cuối cùng này danh xưng của con gái của em gái của cha với người cô (paternal aunt) - ý nghĩa của dòng họ trở nên rõ rệt nhất. Hocart chỉ ra cho ta thấy các nhà nhân chủng học trước kia hệ đã bị vướng vào những khái niệm sai lầm về quan hệ họ hàng như thế nào khi họ tưởng các danh xưng có tính phân loại như từ "cha" là mang nghĩa cha mở rộng. Do đó, Lowie mới dịch từ birupxe của người da đỏ Crow là ''cha''. Birupxe là một từ vừa dùng để gọi cha của Ego, vừa gọi anh em trai của cha, và con trai của chị em gái của cha nữa (khi Ego là nam). Hiểu một cách đúng đắn thì từ đó không hề có nghĩa là “cha” mà là “người đàn ông trong dòng họ hay thị tộc theo chế độ mẫu hệ của cha tôi”. Với cùng lý do như thế, từ để gọi chị hay em gái của cha của Ego có nghĩa là người phụ nữ trong dòng họ hay thị tộc theo chế độ mẫu hệ của cha tôi. Từ để gọi ''mẹ'' thì có nghĩa là ''người phụ nữ lấy một người đàn ông trong dòng họ hay thị tộc theo chế độ mẫu hệ của tôi". Hình 25-2 minh họa điều này rõ nhất. Vì cha, anh em trai của cha, con trai của chị em gái của cha, và con trai của con gái của chị em gái của mẹ đều được gộp vào một từ xưng hô chung như những thành viên của cùng một dòng họ mẹ, cho nên mẹ của Ego đều được tất cả những người đó gọi là “vợ”. Bà có thể kết hôn với bất cứ người nào trong số đó, như một hình thức hôn nhân thứ cấp của những người có quan hệ họ hàng qua hôn nhân. Vì vậy, tục nối dây với em chồng và con trai của chị em gái của chồng là những hình thức ưu tiên trong những hệ thống hôn nhân liên quan đến các hệ thống dòng dõi hoàn toàn theo chế độ mẫu hệ, và thể hiện trong danh xưng của người Crow. Trái lại, một người đàn ông có thể kết hôn với vợ của anh em trai của mẹ (tức là vợ của cậu). Ảnh hưởng của tất cả những điều này trong cách xưng hô của anh em họ là các anh em cô cậu về dòng cha đều được gọi chung bằng một từ dùng để gọi cha, và anh em cô cậu bên dòng mẹ, vì các con cái của người phụ nữ mà Ego gọi là “vợ” đều được gọi chung bằng một từ để gọi con trai hay con gái. Tuy nhiên, nên chú ý rằng mặc dù hôn nhân giữa những người bà con thứ cấp này là được cho phép, nhưng chúng không được coi là những cuộc hôn nhân được ưu tiên trong tất cả các xã hội có cách xưng hô họ hàng kiểu của người Crow.

Hệ thống của người Omaha. Hệ thống của người Omaha là mặt tương ứng của chế độ phụ hệ trong hệ thống của người Crow. Mẹ và các chị em cô cậu bên mẹ (con gái của anh em trai của mẹ) đều được gộp chung vào một danh xưng có nghĩa "thành viên nữ trong dòng cha hay trong thị tộc theo chế độ phụ hệ của mẹ tôi". Con gái của chị em gái của cha (chị em con cô cậu bên dòng cha) được nhập chung vào với con gái của chị em gái dưới một danh xưng có nghĩa là “con gái của một người nữ trong dòng cha hoặc thị tộc theo chế độ phụ hệ của cha tôi”.

Hệ thống của người Sudan. Loại hệ thống này trái ngược với hệ thống của người Hawaii ở chỗ các danh xưng nhấn mạnh việc tách riêng hoặc miêu tả cụ thể. Kết quả là có danh xưng riêng cho từng loại anh chị em họ, anh chị em ruột, và các cô dì, chú bác, các cháu trai, cháu gái.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2587-02-633540616806532500/He-thong-ho-toc-va-cach-xung-ho/Cac-kieu-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận