Tư tưởng tiến hóa trong thế kỷ XVIII và XIX
Những nhà duy lý đã nhanh chóng xem thường và bác bỏ cái ý niệm thông thường đã được một số nhà thần học đưa ra: những người hoang dã là những con người dã bị thoái hóa từ một tình trạng nguyên thủy hoàn mỹ và khỏe mạnh. Ý tưởng này chỉ là sự mở rộng đơn giản của học thuyết Sự Suy tàn của Con người. Những học giả vĩ đại và sáng suốt của thế kỷ mười tám lại suy nghĩ ngược lại. Họ tin rằng sự tiến bộ của nhân loại được thúc đẩy về hướng chân - thiện - mỹ với những bước đi rất rõ ràng, những bước đi thấm đẫm nhiệt tình hướng về những viễn cảnh trong tương lai của sự thăng hoa một cách có hệ thống của nhân loại. Đối với họ, những con người hoang dã mới vừa phát hiện trong thời đại hôm nay chỉ là những con người sơ khai, vì những nguyên nhân nào đó đã tụt lại phía sau trong quá trình leo lên chiếc thang tiến hóa của nhân loại.
Quan điểm của thế kỷ mười tám và mười chín về sự tiến hóa xã hội đã được các sử gia và các triết gia sử học phát triển và được sử gia, cũng là nhà truyền giáo người Scotland, William Robertson (chương 35) phát biểu một cách có hệ thống lần đầu vào năm 1777 như sau: ''Trên tất cả mọi nơi của trái đất này, sự tiến bộ của con người hầu như đều giống nhau; và chúng ta có thể lần theo dấu vết từ công việc đầu tiên của con người trong cuộc sống hoang sơ đầy những ngu ngơ đơn giản nhất, đến khi con người đạt đến những trình độ về công nghiệp, mỹ thuật cũng như sự tao nhã của một xã hội tinh tế ngày nay". Tại Pháp, tất cả các triết gia như montesquieu, Voltaire, Condorcet, Comte đều đã thiết lập những hệ tư tưởng từ trước năm 1835. Và cũng từ đó, ngược lại với niềm tin thông tục, việc thiết lập và công thức hóa các nguyên tắc tiến hóa trong những lãnh vực xã hội học và nhân chủng học không còn rập khuôn theo học thuyết tiến hóa của Darwin nữa. Tại Anh, Herbert Spencer cũng đã xác định một cách rõ ràng và công thức hóa luận đề của mình về nguyên tắc tiến hóa một vài năm trước khi Darwin công bố kiệt tác của mình. Thật ra, tất cả các kiến thức khoa học của thời kỳ này đều đổ xô về thuyết tiến hóa. Spencer không chỉ bị ảnh hưởng của những người đi trước trong lãnh vực triết học xã hội, mà còn chịu ảnh hưởng từ các công trình của nhà Tế bào học người Đức Von Baer và nhà địa chất học Lyell. Từ ''Tiểu luận về dân số” (Essay on Population) của Malthus, Spencer đã triển khai thành nguyên tắc "sinh tồn thích ứng''. Cũng vậy, Darwin cũng bị kích thích từ bài tiểu luận này như ông ta đã thừa nhận:
Tháng 10 năm 1838... Trong lúc tiêu khiển tôi tình cờ đọc được bài ''Malthus bàn về Dân số'', và cũng là lúc tôi đang chuẩn bị rất kỹ để tìm hiểu về chủ đề cạnh tranh để sinh tồn... Bài tiểu luận ngay tức khắc đã gây ấn tượng đối với tôi, có những trường hợp mà những biến đổi phù hợp có khuynh hướng bảo tồn, phát triển và ngược lại những biến đổi không phù hợp đưa đến sự hủy diệt. Kết quả và sự hình thành những chủng loài mới.
Darwin cảm thấy cần phải có một vài nguyên tắc nào đó để giải thích những thực tế sinh học mà ông đã cảm nhận từ lâu; một cách ngẫu nhiên ông đã đọc được những tư tưởng gần như tương đồng của Malthus và tổng hợp với những tư tưởng của mình để đưa ra một phát minh về tư tưởng lớn nhất của thời đại. Trước khi sự kiện này xảy ra, Malthus - từ một bài tiểu luận của Benjamin Franklin - cũng đã tìm được niềm cổ vũ quan trọng cho lý thuyết của mình về sự tái sinh khả năng, cũng như hậu quả của sự cạnh tranh sinh tồn của các giống loài.
Thuyết tiến hóa trực bệ của thế kỷ XIX
Mục tiêu của những người theo thuyết tiến hóa văn hóa thế kỷ mười chín là phủ một lớp da thịt lên bộ xương của thời tiền sử, bộ xương mà các nhà khảo cổ học châu Âu đã cần mẫn đào xới lên từ lòng đất. Những con người thời xa xưa đã tổ chức cuộc sống ra sao cũng như những gì thay đổi trong nền văn hóa của xã hội đi cùng với sự phát triển kỹ thuật và công nghệ?
Lewis Henry Morgan (1818-1881) đã phản ứng với những kiến thức mắt thấy tai nghe của mình về giống thổ dân da đỏ Iroquois giống như cái kiểu mà nhà truyền giáo dòng Jesuit người Pháp, Lafiteau đã phản ứng từ một trăm năm trước. Lafiteau (1681-1746) đã tìm thấy trong xã hội của các tộc thổ dân châu Mỹ cái manh mối để từ đó có thể phăng ra, tìm hiểu những nền văn hóa cổ xưa khi ông viết tác phẩm So sánh các phong tục của những người hoang dã châu Mỹ với các phong tục thời Cổ Đại.
Morgan đã cũng có một quan điểm tương tự trong tác phẩm Xã hội cổ đại, hay Khảo sát về những phạm vi tiến bộ của con người trong thời hoang dã, từ tình trạng man dã đến nền văn minh. Luận điểm của Morgan được tóm lược trong những dòng sau:
Như vậy, chúng ta khởi đầu với thổ dân của châu Úc và quần đảo Poiynesia, tiếp theo là các bộ lạc thổ dân châu Mỹ rồi kết thúc với người Hy Lạp và người La Mã, là những dân tộc có thể thỏa mãn điều kiện như là một minh họa đầy đủ nhất về sáu giai đoạn chính trong sự tiến bộ của nhân loại, toàn bộ những trải nghiệm lịch sử chung của họ có thể xem như hình ảnh tiêu biểu của gia đình nhân loại từ thời Trung Cổ hoang dã đến lúc chấm dứt nền văn minh cổ đại... Từ nghệ thuật, thể chế và cách sống đều cơ bản đồng nhất với nhau trong những tình trạng như nhau trên khắp tất cả châu lục, những hình thức cổ xưa của các thể chế chủ yếu về gia đình của người Hy Lạp và La Mã ngày nay vẫn có thể nhìn thấy được trong những thể chế tương ứng của những thổ dân châu Mỹ... Sự kiện thực tế này hình thành nên một phần chứng cứ đang được tích lũy nhằm chứng tỏ rằng... quá trình diễn biến và tính chất của sự phát triển của họ đã được xác định trước cũng như bị gò bó trong những giới hạn hẹp hòi của sự bất đồng, với những luận lý tự nhiên và những hạn chế cần thiết đối với sức mạnh của trí tuệ con người.
Thực chất của sự tiến hóa trực hệ được Morgan tóm lược như sau: (1) Văn hóa tiến triển theo những giai đoạn kế tiếp nhau, và những giai đoạn này (2) giống nhau một cách cơ bản trên tất cả mọi nơi của thế giới, từ đó (3) suy ra rằng thứ tự của các giai đoạn là chắc chắn xảy ra (vì đã được xác định trước) và nội dung của chúng bị giới hạn vì (4) những quy trình tinh thần của tất cả mọi con người đều giống nhau trên toàn thế giới (có nghĩa là, có một sự đồng nhất về tinh thần, tâm linh trong nhân loại). Nói cách khác, khi phải đối mặt với những điều kiện của giai đoạn A, con người dù ở đâu trên thế giới nảy cũng phản ứng bằng cách sáng tạo ra những hình thái văn hóa của giai đoạn B, và sự phản ứng với những hình thái văn hóa này lại sản sinh ra giai đoạn C, và cứ như vậy hết thời đại này đến thời đại khác. Sự khác biệt duy nhất chính là tỷ lệ tốc độ mà con người bước đi từ giai đoạn này qua giai đoạn khác. (Xem chương 35 với nhiều tranh luận chi tiết hơn).
Ngài Edward Burnett Tylor (1832-1917), một người Anh theo thuyết tiến hóa của thời kỳ đó đã đưa ra một tập hợp những ý tưởng súc tích và ngắn gọn hơn Morgan. Năm 1888, ông ta đã viết:
Những thể chế của con người được phân tầng một cách rõ rệt giống như cấu tạo trái đất mà họ đang sống vậy. Chúng kế tục nhau hết lớp này đến lớp kia trong hàng loạt những tầng lớp cấu tạo của địa cầu, giống như chủng tộc và ngôn ngữ không phụ thuộc với những gì có vẻ như là những dị biệt do con người tạo ra và có thể đối chiếu được, nhưng chúng lại được nhào nặn bởi bản chất giống nhau của nhân loại, cái bản chất đã và đang hành xử xuyên suốt những điều kiện không ngừng thay đổi từ sự hoang dã, man rợ cho đến cuộc sống văn minh hôm nay.
Khái niệm về sự tiến hóa này được gọi là thuyết tiến hóa trực hệ, bởi vì thuyết này nhấn mạnh vào một quy trình diễn biến thẳng thắn của sự phát triển trong tất cả mọi xã hội. Khái niệm này còn được gọi là thuyết song hành, vì cho rằng tất cả mọi xã hội dù bị biệt lập hoàn toàn với các xã hội khác vẫn phải trải qua những giai đoạn song song trong sự tiến hóa.
Morgan đã cố gắng xác định những gì xảy ra cùng với sự tiến triển của công nghệ, quyền sở hữu, quan hệ họ hàng và cơ cấu chính trị. Tylor lại tập trung vào chủ đề tôn giáo. Giữa những người theo chủ thuyết tiến hóa văn hóa thì Bachofen, McLennan, Lang, Frazer, Westermarck, Brinton và Haddon lại đứng ra như là những người chủ xướng.
Sự tiết hóa trong chủ thuyết Cộng Sản
Về lãnh vực triết học chính trị, Karl Marx là người chịu ảnh hưởng sâu xa nhất luận điểm về tiến hóa của Morgan. Marx cùng với người bạn chí cốt của mình, Friedrich Engels, đã tìm được chiếc chìa khóa để bước vào lịch sử khi đang nghiên cứu về những tộc thổ dân châu Mỹ. Dựa trên những ghi chú và ý tưởng của Marx, Engels đã viết tác phẩm mang tựa đề Về nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu, và nhà nước dưới quan điểm khảo sát của Lewis Henry Morgan. Marx và Engels đã sử dụng sự sắp xếp theo hệ thống của Morgan trong thuyết tiến hóa trực hệ như là một khung sườn để thiết lập nên sự miêu tả việc nối kết giữa quyền tư hữu, chế độ gia trưởng một vợ một chồng, và chính quyền như là những định chế có tính bóc lột, mà lý thuyết của họ cho rằng phải chịu trách nhiệm về sự bóc lột đối với người lao động và việc hạ thấp nhân phẩm người phụ nữ. Đây là công việc mà Morgan đã dày công xây dựng và thuyết tiến hóa văn hóa như là một giáo điều chính thức trong suy nghĩ của người cộng sản, cũng như đã trở thành đặc điểm tiêu biểu và rộng rãi về tinh thần dân tộc Nga đến tận ngày nay. Ngòi bút của Engels đã biến đổi thuyết tiến hóa văn hóa thế kỷ mười chín thành một thứ vũ khí lý tưởng làm gia tăng tốc độ sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, cũng như hứa hẹn khúc khải hoàn ca của một xã hội Cộng sản Vô Sản như là một giai đoạn kế tiếp hợp lý và không thể tránh khỏi trong quy trình tiến hóa văn hóa. Sự tiến triển của chủ nghĩa này đã có bước đột biến với Tuyên ngôn Đảng Cộng sản.