Phổ biến những đặc điểm văn hoá
Khi một nét hoặc một loạt các nét đặc biệt lan truyền trong một khu vực rộng lớn và được một số các bộ lạc khác nhau thực thi, chúng ta có khả năng đang phải đối đầu với nhiều tiềm năng có thể xảy ra về mặt lý thuyết. Mỗi bộ lạc hẳn có thể đã độc lập phát minh ra nét tương tự đó; hoặc một bộ lạc này có thể đã phát minh ra nét đặc trưng đó, và rồi phát minh này lan truyền qua những bộ lạc khác thông qua việc sao chép/vay mượn; hoặc nhiều bộ lạc có thể đã phát minh ra điều đó một cách riêng rẽ, và sau đó lan rộng trong vùng. Chúng ta có thể yên tâm nói rằng giả thuyết đầu tiên là không có khả năng xảy ra. Những khảo sát trong lịch sử cho thấy rằng tất cả dân tộc luôn vay mượn lẫn nhau. Ví dụ, chúng ta biết rằng người thổ dân da đỏ đã không phát minh việc thuần hoá ngựa, cũng không phát minh ra nghệ thuật cưỡi ngựa, dây da buộc quanh đầu ngựa, hàm thiếc, dây cương, yên ngựa, hoặc bất kỳ đồ trang bị nào khác của môn cưỡi ngựa. Tất cả những điều này đã được học hỏi từ người Tây Ban Nha, đầu tiên là những bộ lạc khu vực biên giới Tây Nam, những người sau đó đã truyền bá tất cả những điều này về phía bắc và phía đông. Một điều thú vị đáng chú ý là yên ngựa của các vùng miền Tây, có quả táo bằng sừng và lưng tựa sâu, sao chép từ yên ngựa của người Tây Ban Nha, cũng hệt như những yên ngựa của người thổ dân. Nhưng yên ngựa của các vùng miền đông được sao chép từ loại yên ngựa của người Anh xuất hiện lần đầu tiên trên Tân Thế Giới ở Bờ biển Đại Tây Dương. Yên ngựa quân đội McCelland là sự tổng hợp hai loại này.
Ngay cả những vấn đề đơn giản như đánh bóng da sống cũng có được do sự vay mượn. Theo Grinnell:
Thoạt đầu, khi phát hiện được loài trâu, người Cheyenne không biết cách thuộc da. Sau này, người Sioux ở bờ đông Missouri chỉ cho họ cách cắt da sống ra làm hai, thuộc da và khâu lại với nhau. Họ dùng những tấm da này để làm váy. Sau này, khi di chuyển đến vùng đồi Black Hills, người Kiowa và Comanche đã dạy họ cách thuộc những tấm da trâu thành một mảnh (không cần cắt làm hai), và cũng dạy họ dùng một loại hỗn hợp làm mềm da.
Truyền bá văn hóa vật chất
Nền văn hoá vật chất và những quá trình cơ khí hoá về công nghệ được vay mượn, trao đổi dễ dàng hơn so với những tư tưởng và quan niệm trừu tượng.
Không ai diễn đạt điều này ấn tượng hơn hai nhà truyền giáo của vùng Shipibo, thượng nguồn sông Amazon, cha Girbal và cha Marques, họ đã viết trong thư gởi về Trung tâm truyền giáo của mình vào năm 1792 như sau:
Thu về toàn bộ và dâng lên Chúa tất cả những người ngoại đạo này là những điều khẩn thiết, những điều chúng con đang cần và sẽ cần. Xin Chúa hãy gởi họ đến với chúng con; Chúa và Đức cha San Francois kính yêu của chúng con biết rõ điều này... Bạn sẽ tìm thấy một mảnh giấy ghi những thứ mà chúng tôi cần kèm theo lá thư của chúng tôi... 400 cái rìu, 600 kiếm ngắn lưỡi cong, 2000 dao thẳng, 1000 dao cong, 4 tạ sắt, 50 cân thép, 12 bó lưỡi câu cá nhỏ, 8000 cây kim, một hộp hạt trai giả, 500 viên đá lửa và que thép, 4 tá kéo, 2 tá vòng, 3000 cây thánh giá bằng đồng, 1000 tấm vải choàng để mặc cho những người trần truồng, một loạt các loại màu để sơn nhà thờ chúng ta, một tượng đức Mẹ thật sạch và vài món trang trí. Chúng tôi cũng cần hai bầu rượu bằng da thú dùng trong buổi tế lễ và để chữa dứt bệnh tiêu chảy với bệnh kiết lỵ cho những người chưa có đạo này.
Hai li mục Girbal và Marques đã nhận ra rằng nếu đã nhận những vật dụng kim loại này trước, thì những người nô dân Thời đại đồ đá này mới sẵn sàng quan tâm đến một tôn giáo mới.
Giá trị của những công cụ bằng sắt đã nhanh chóng được cảm nhận. Thuyền trưởng Cook người đã được người dân xứ Hawaii tôn thờ vào năm 1779, sau đó lại bị chính những người dân này giết chết khi ông cố thu hồi lại một trong những xuồng lớn của con tàu mình, những chiếu xuồng vốn đã bị đánh cắp và bị gỡ bỏ những phần kim loại. Ba mươi năm sau người dân đảo Hawaii quyết định từ bỏ quan niệm và hệ thống xã hội xưa cũ của mình và thay bằng nền văn hóa do các thủy thủ và các nhà truyền giáo mang đến; họ nhận thức rằng khía cạnh tư tưởng và vật chất của nền văn hóa đó đi đôi với nhau, và họ cần cả hai.
Hart và Pilling nói về người Tiwi ở Châu Úc như sau:
''… Lần đầu tiên được kéo ra khỏi tính cách hẹp hòi chống đối của mình do tính hiếu kỳ và sự thèm muốn sắt, hay những yếu tố tương tự như vậy, cũng đã khiến họ bị lôi cuốn đối với người Bồ Đào Nha trước đó một thế kỷ. Sắt cướp được từ những vụ đắm tàu, cây ghi mực nước và lều của những vị khách ngẫu nhiên đến đảo là không đủ. Người Tiwi khao khát một phương cách rộng rãi, bền vững hơn trong việc tìm kiếm kim loại. Đầu năm 1950, những người dân Tiwi già nhất kể rằng trong suốt những năm 1890, dân Tiwi bắt đầu cảm thấy cơ hội đang bỏ qua họ khi họ nhận thấy hết con tàu này đến con tàu khác ra vào cảng Darwin; do vậy dân trên đảo đi đến kết luận rằng họ muốn định cư ở châu Âu như Fort Dundas trước kia, vì chỉ bằng cách này họ mới có thể được đảm bảo một nguồn sắt 1iên tục''.
Xây dựng một nhà máy thép ở một quốc gia mới phát triển dễ hơn nhiều so với việc truyền bá hệ tư tưởng và các quá trình văn hóa chính trị dân chủ - một sự thật đơn giản lại chỉ được nhận ra một cách muộn màng bởi chính những người đã hy vọng quá nhiều, quá nhanh vào những chương trình hỗ trợ nước ngoài của người Mỹ.
Phổ biến văn hóa vô vụ lợi
Các cấu trúc văn hóa phức tạp vô vụ lợi cũng lan tỏa qua việc vay mượn. Trong khi dựng lại lịch sử của những nền văn hóa, người ta có thể phát hiện hai hay nhiều nền văn hóa thường có nhiều nét giống nhau. Các phân tích về nhân chủng học cho rằng những điểm giống nhau như vậy có thể là kết quả của việc truyền bá hơn là kết qua của một phát minh độc lập đặc biệt nếu nhóm đặc trưng đó không có những lý do vốn có để tồn tại như một phức hệ.
Tylor là người đầu tiên lập thành công thức và áp dụng nguyên tắc này trong một nghiên cứu về sự phổ biến của trò chơi pachisi trong các tộc thổ dân da đỏ Miền Đông vào châu Mỹ thời tiền sử, nơi mà môn chơi này xuất hiện giữa những người Aztecs như môn patolli và dưới nhiều hình thức khác giữa những dân tộc thổ dân khác. Tylor chứng minh mối quan hệ lịch sử giữa những hình thức Á và Mỹ của các trò chơi này bằng cách ''phân tích những hiện tượng này thành những yếu tố cấu thành, cho thấy chỉ có mối quan hệ rất nhỏ giữa chúng để có thể kết luận là chúng độc lập với nhau''.
Càng có nhiều yếu tố như vậy bao nhiêu thì việc tái diễn sự kết hợp càng khó xảy ra bấy nhiêu.
Kỹ thuật này có thể được áp dụng đối với bất kỳ khía cạnh nào của nền văn hóa, nhưng có một sự nhất quán đáng kể trong những chuyện kể có tính phức cảm và hoang đường lan truyền trên toàn thế giới.
Tác phẩm Văn học dân gian trong kinh Cựu ước của Frazer là một công trình nghiên cứu hấp dẫn và được nhiều người đọc, nói về những phân loại có so sánh những phức cảm hoang tưởng của Cựu Lục Địa. Để minh chứng việc áp dụng nguyên tắc phân tích sự truyền bá bằng ý nghĩa của sự tương đẳng nội tại giữa các đặc điểm, chúng tôi sẽ sử dụng ''Chuyện về Những con vật lang thang''.
Độc giả Những chuyện thần tiên của anh em nhà Grimm sẽ thấy câu chuyện này tương tự câu chuyện ''Những nhạc sĩ xứ Bremen''. Con lừa già, con chó săn mệt mỏi, con mèo bị ngược đãi, con gà trống sắp bị cho vô nồi, và những con vật già yếu bị bỏ rơi khác - tất cả tập hợp lại đi đến cổng thành Bremen để trở thành chung một biểu tượng là Stadtmusikantern. Màn đêm buông xuống khi chúng đi tiến sâu vào rừng.
Sau khi làm cho một toán cướp hoảng sợ phải rời khỏi túp lều, những con vật này tự nhiên như ở nhà, mỗi con tìm một nơi mình thích - mèo thì nằm trên nền trước lò sưởi, gà trống thì nằm trên rui, chó ở bậu cửa, lừa thì trên đống phân. Toán cướp phái một tên quay về do thám trong bóng tối. Nhưng khi tên này nhóm lửa lên, mèo nhảy xổ vào mặt hắn ta; chó cắn vào chân gã khi gã chạy trốn ra cửa; lừa đá gã một phát; và gà trống gáy vào cổ hắn ta. Những con vật yếu đuối và bị khinh rẻ này đã làm bọn cướp hoảng sợ chạy xa - những con người tượng trưng cho những kẻ chỉ chuyên thống trị và áp bức ''con người nhỏ bé'' - và sau đó, chúng sống no đủ, ấm cúng trong túp lều nhỏ, tít tận rừng sâu.
Ở Đông Nam châu Á và Nhật Bản, lại có một câu chuyện cổ tích như sau: Một quả trứng, một con bọ cạp, một cây kim, một cục phân và một cục vữa trấu (hay bất kỳ vật cứng, nặng nào đó) cùng tham gia một cuộc hành trình. Chúng vào căn nhà của một mụ phù thủy khi mụ vắng nhà, và âm mưu hãm hại mụ ấy, chúng tự sắp đặt mỗi đứa một chỗ khác nhau. Quả trứng nằm trên nền trước lò sưởi, bọ cạp trong bồn nước, cây kim trên sàn nhà, cục phân trên lối đi, và cục vữa trấu thì trên cửa. Buổi tối khi mụ phù thủy về đến nhà, đến lò sưởi để nhóm lửa thì quả trứng nảy lên vấy vào mặt. Khi bước tới bồn nước định rửa mặt, mụ ta bị con bọ cạp đốt. Hoảng sợ, mụ phù thủy chạy ra khỏi nhà, nhưng bị cây kim chích vào chân, trượt trên cục phân và té úp, và cục vữa trấu rơi xuống đầu giết chết mụ ta.
Trở lại câu chuyện “Những nhạc sĩ xứ Bremen''. Aarne đã có một kết luận hợp lý: "Những trùng hợp của các câu chuyện rất rõ ràng nên theo tôi, chúng ta có thể kết luận rằng các câu chuyện có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về căn nguyên''. Ông lần theo dấu vết câu chuyện đến Ấn Độ, miền nam nước Nga, đến miền trung Châu Âu, và rồi Đức, những nơi mà câu chuyện đã du nhập vào cuối thời Trung cổ. Bây giờ chúng ta hãy dõi qua vùng Duyên hải miền Tây Bắc Nam Mỹ.
Một câu chuyện của thổ dân vùng Duyên hải Tây Bắc cũng tương tự như vậy Câu chuyện ''Cuộc chiến của Raven chống lại Gió Phương Nam". Raven là anh hùng của nền văn hoá thần thoại vùng này, và Gió Phương Nam thường mang theo từ biển vào quá nhiều những cơn mưa.
Chuyện kể rằng Gió Phương Nam không ngừng thổi liên miên khiến tất cả sinh vật phải ẩn trong lều của mình. Không thể săn bắn, họ đói. Khói bay ngược vào ống khói và làm cay mắt mọi người. Cuối cùng Raven triệu tập Hội đồng chiến tranh Raven, đề nghị tấn công Vị thần Gió Phương Nam. Họ kiếm được một chiếc xuồng đặc biệt, và cả nhóm thực hiện cuộc hành trình đến nhà Gió Phương Nam. Xuồng cập vào bờ rất khó khăn vì Vị Thần Gió Phương Nam quá mạnh, cả nhóm gần như kiệt sức.
Nhưng ngay sau khi đổ bộ được lên bờ, theo lệnh của Raven, Halibut – Cá Bơn Lưỡi Ngựa, Flounder - Cá Bơn, Skate Cá Đuối (tất cả đều là cá bẹt da trơn) tự sắp xếp đứng ngoài bậc cửa nhà Gió Phương Nam. Red Cod - Cá Tuyết Đỏ và Wren - Cá Chim Hồng xông vào và nhất loạt tấn công Thần Gió (theo một bản khác thì Chuột đi vào nhà và cắn vào mũi Gió Phương Nam). Loạng choạng ra khỏi nhà, Thần Gió Phương Nam trượt lên Cá và té xuống bãi cát, nơi mà các con vật đang chờ, đánh vào đầu ông ta bằng gậy - cứng như cục vữa trấu hay móng guốc con lừa. Gió Phương Nam đành phải xuống nước thương thảo để cứu lấy mạng sống của mình - kết quả là bốn ngày trời tốt xen kẽ với bốn ngày trời xấu.
Tình tiết cơ bản ở đây là những con vật nhát gan đã chiến thắng những con người đầy quyền lực ngay trong chính căn nhà của họ, bằng cách kết hợp những năng lực vốn có nhỏ bé của mình để phủ nhận loài người, mặc dù cũng chính con người là tác giả của câu chuyện. Đây là câu chuyện những người bé nhỏ đã chiến thắng những người to lớn - những người định đoạt mạng sống của họ. Lời kêu gọi thoát khỏi sự đàn áp bất công rất rõ ràng. Tính cường điệu của chuyện kể cơ bản tạo ra sự hài hước. Câu chuyện thú vị rõ ràng đã được duy trì và truyền bá. Câu chuyện hấp dẫn vì nó đáp ứng được nhu cầu chung. Từ châu Á, lan truyền về hướng tây vào châu Âu rồi hướng đông bắc qua tây bắc Nam Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là hồi cuối của câu chuyện. Vào thời hậu Columbia, những biến thể của câu chuyện "Những nhạc sĩ xứ Bremen" đã được những người đánh bẫy thời xưa mang đến tận các tộc thổ dân miền đông; và ở vùng Bình Nguyên hoặc Rừng Rậm, những biến thể của chúng lại được phóng tác thành một câu chuyện hấp dẫn là "Buổi tiệc chiến tranh của rùa lớn''.
Như vậy, bằng khẩu ngữ, vượt qua bao rào cản ngôn ngữ, ''Câu chuyện những con vật lang thang” đã đi vòng quanh thế giới; thâm nhập vào Nam Mỹ từ Tây sang Đông, lan dọc khắp dãy núi rừng của vùng núi đồi phía Tây.
Thuốc lá cũng lan truyền từ Tân thế giới đến châu Âu và châu Phi, từ châu Âu đến Biển Nam và châu Á, đến Sibêri, từ đó lại thâm nhập vào Alaska trước khi đến tay người Eskimo ở miền Nam. Mặc dầu người thổ dân da đỏ chỉ cách loại thổ sản thuốc lá này 1.000 dặm, thuốc lá đã phải đi khoảng 15.000 dặm quanh thế giới trước khi người Eskimo có thói quen hút thuốc. Trong trường hợp này, yếu tố chính yếu được nhận thấy là sự khác biệt giữa việc vận chuyển hàng hóa lúc sơ khai bị giới hạn trong những địa phương thích hợp nào đó, so với sự giao thương rộng lớn của nền văn minh châu Âu đi cùng Cuộc cách mạng kỹ nghệ.
Hết đặc điểm này rồi đến đặc điểm kia đều có thể theo dấu qua từng trường hợp truyền bá hoặc dựa vào những dữ liệu lịch sử hoặc việc tái tạo bằng suy luận từ sự phân tích phương cách truyền bá của chúng.
Động lực truyền bá: những yếu tố chọn lọc. Sự truyền bá không phải là một quá trình đơn giản, thẳng tắp - nói một cách hình tượng, là một quá trình trong đó một dân tộc đã đem một ý tưởng đặt lên những chiếc bánh xe và lăn đẩy chúng đi chu du vòng quanh thế giới.
Mỗi một đặc trưng hoặc một phức hợp khi lan truyền từ xã hội này sang xã hội khác, phải đối diện với thử thách liệu có được những người tiếp nhận chấp nhận đưa vào nền văn hóa của họ hay không; và nếu được chấp nhận, thì có bị thay đổi về hình thái, cách sử dụng, ý nghĩa hoặc chức năng hay không? Không một dân tộc nào đón nhận một nét khác biệt, xa lạ mà không sửa đổi ít nhiều.
Số phận điệu múa mặt trời của thổ dân vùng Đồng Bằng minh chứng rõ điều này. Điệu múa này là một nghi thức phổ biến của hàng chục bộ lạc ở miền tây vùng Đồng Bằng: Đây là nghi thức công phu và phát triển nhất của người Arapaho và Cheyenne. Từ những bộ lạc này, theo những phân tích kinh điển của Spier, phức hệ văn hóa này đã được truyền ra khắp các bộ lạc du mục khác. Điểm chính ở đây là điệu múa cho thấy một sự nhất quán đáng chú ý của nó ở bất kỳ nơi nào nó xuất hiện. Hình thái cơ bản của vũ điệu rất phổ cập trong vùng nó đã truyền bá đến. Song một sự khác nhau đáng kể về nội dung đã xuất hiện giữa bộ lạc này và bộ lạc kia. Và như Spier quan sát, sự lựa chọn một cách có hệ thống đã được thực hiện.
Sự chọn lọc thường được thực hiện một cách tinh tế khiến chúng ta không thể thấy rõ được nét ảnh hưởng thuộc quá khứ. Tuy nhiên, một vài yếu tố quyết định hiển nhiên là hoàn toàn rõ ràng. Do vậy, hai nét đặc trưng của vũ điệu người dân Arapaho là việc sử dụng những bó thuốc và các vai đặc biệt được diễn - trong tình chiến binh huynh đệ - bởi một nhóm những người cổ vũ cho vũ điệu này. Vũ điệu vùng Wind River và Idaho Shoshones lại không liên quan gì đến những nét đặc trưng này. Đơn giản vì nền văn hoá giới hạn của người Shoshones không có những cộng đồng chiến đấu trong cấu trúc xã hội và chủ nhân những bó đuốc không phải là giới pháp sư. Người Shoshones gột bỏ nghi thức phức tạp này khỏi cấu trúc xã hội sơ sài của họ. Sau khi được sửa đổi, vũ điệu này trở thành một nghi thức rửa tội và cứu rỗi linh hồn, đem lại hạnh phúc cho toàn bộ lạc. Đối với người Utes họ hàng gần gũi của người Shoshones thì chức năng và ý nghĩa này hoàn toàn tương tự, mặc dầu những chi tiết đã biến đổi như để nhấn mạnh hơn về sự mơ mộng, ước ao.
Người Crow sử dụng vũ điệu này nhằm tạo ra sức mạnh chiến tranh chống lại những kẻ thù của họ. Trả thù là một động lực; một mảng da đầu là mục tiêu; một nhóm chiến đấu là việc kế tiếp.
Vũ điệu mặt trời của người Cheyenne đã và hãy còn mang ý nghĩa một nghi thức khôi phục thế giới. Theo quan niệm về thế giới của người Cheyenne, năng lượng vũ trụ đang tiếp tục bị sử dụng hết và hàng năm phải được nạp lại bằng những nghi lễ này. Mặc dầu vũ điệu này được hứa nguyện bởi một cá nhân, toàn nỗ lực khôi phục này nhằm vào phúc lợi của tất cả các thành niên trong bộ lạc.
Một trường hợp được ghi nhận lại là có lần một bộ lạc đã ''mượn'' vũ điệu này, thử một lần rồi bỏ luôn. Bị thôi thúc bởi ''vị cứu tinh'' của họ và cần "liều thuốc chiến tranh'', người Comanches cho ra lò một vũ điệu tạo ra cho họ cái khả năng không bị ảnh hưởng bởi súng đạn. Chẳng bao lâu sau, họ hoàn toàn bị thất trận. Nghi lễ này đã không hoàn thành được chức năng mong muốn, và không chắc gì phát triển thành bất kỳ một ý nghĩa nào đối với họ.
Vì vậy, chức năng và ý nghĩa của vũ điệu mặt trời này biến đổi khi nó được đưa vào nền văn hóa của bộ lạc này đến nền văn hoá của bộ lạc khác. Đối với những người săn trâu giữa thế kỷ XIX, thì chức năng chính lây lất qua mùa đông sẽ tụ họp lại vào đầu hè hòa nhập với nhau trước mùa săn trâu của cộng đồng. Đối với các cá nhân thì vũ điệu này có chức năng làm giảm thiểu sự lo lắng. Nó cũng diễn đạt một tính cách dễ phục tùng trong tiềm thức đối với thế giới siêu nhiên, qua việc tự đặt cho mình sự ham muốn mãnh liệt, sự khao khát và hy sinh đẫm máu nhằm thỏa mãn quyền lực tinh thần. Nhiệm vụ của nó là tạo thêm nhiều sức mạnh qua những ảo tưởng bằng cách cường điệu ước muốn được khơi gợi trong xã hội.
Ngày nay những vũ điệu mặt trời này chỉ diễn ra tại những khu vực dành riêng, đối mặt với tất cả những sức mạnh gây ra sự phân rã bao quanh, chức năng chủ yếu của chúng chỉ còn là tăng cường sự hợp nhất của bộ lạc. Kết quả có chọn lọc của hệ tư tưởng, hoặc ý nghĩa, về việc truyền bá và tái thể hiện văn hoá có thể thấy được nếu chúng ta xem nghi lễ ngày Bốn tháng Bảy của những người Crow và Cheyenne ngày nay. Trên những khu vực dành riêng cho người Crow, một đám đông tụ họp tại trường đua ngựa. Việc cá độ cũng phấn khích như những con ngựa được cưỡi bởi những người thổ dân gốc Crow rực rỡ trong y phục nài ngựa đầy màu sắc. Tiếng la ó ồn ào. Pháo bông đốt inh tai. Không có nhảy múa. Đối với những người Crow, vũ điệu này đã chết.
Tại khu vực dành riêng cho người Cheyenne cách đó vài dặm, một vũ điệu đã được nhảy múa liên tục bốn ngày. Các vũ công đã có phần mệt mỏi. Khán giả dự khán một cách yên lặng. Một tấm bảng ghi ngắn gọn: ''Xin giữ yên lặng. Cấm đốt pháo bông''. Tại sao có sự khác biệt như vậy giữa hai bộ lạc đều là người thổ dân vùng Đồng Bằng và đã quen biết nhau từ nhiều năm qua và hiện sống giáp giới nhau?
Rõ ràng cả hai nhóm đều đang làm lễ kỷ niệm ngày Bốn tháng Bảy và với tư cách là những công dân Hoa Kỳ, họ công nhận ngày này là một biểu tượng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mỗi nhóm đã tổng hợp lại một số yếu tố lễ tục quốc gia nhất định theo một cách thức riêng và tạo ra hai loại nghi lễ hoàn toàn khác nhau. Người Cheyenne, lâu nay đã đặt tầm quan trọng vào sự đổi mới thế giới và sự đoàn kết các nhóm, dường như không làm lễ kỷ niệm ngày khai sinh đất nước chúng ta nhiều như việc cố làm hồi sinh nó bằng nỗ lực bộ lạc của mình. Ý nghĩa cơ bản của vũ điệu này đã thay đổi không nhiều, mặc dầu hình thái của nó đã dần biến mất. Thời gian dành cho vũ điệu này đã đổi từ đầu tháng Sáu thành ngày Bốn tháng Bảy, biểu hiện sự hợp nhất các bộ lạc thành một xã hội mới và rộng lớn hơn. Những kỳ nghỉ của các trường học và thời gian biểu làm việc khiến ngày này trở thành một ngày thuận lợi và tự nhiên. Có lẽ việc chọn lựa ngày quốc khánh này cũng nói lên rằng những bộ lạc đã được đồng nhất hoá với xã hội rộng lớn này, họ mong muốn công bố tư cách hội viên của mình trong xã hội này và mong muốn góp phần gìn giữ xã hội được hùng mạnh và trường cửu.
Chức năng nguyên thủy trong vũ điệu mặt trời của người Crow – mong đem lại sự thành công trong việc săn da đầu - đã biến mất từ lâu. Ý nghĩa của điệu múa này quá chuyên biệt không cho phép việc chỉnh sửa lại cho thích hợp với những điều kiện hiện tại, và người Crow đã không tổ chức nhảy múa những vũ điệu này từ nhiều thập niên qua. Nhưng trò cờ bạc và đua ngựa, với những tiếng la hét ầm ĩ phụ họa, là những trò tiêu khiển của ngày xưa. Việc người Crow chộp lấy khía cạnh lễ hội của ngày Bốn và biến nó thành một lễ hội náo nhiệt là điều tự nhiên vì họ cũng muốn công bố tính đồng nhất của mình với xã hội Mỹ.
Điều thực tế nền tảng thuộc nhân chủng học này - trong sự chuyển dịch văn hóa, một nét đặc trưng hay một phức hệ sẽ được đánh giá và hoặc bị khước từ, hoặc được chấp nhận và chỉnh sửa, xét về mặt ý nghĩa nó mang đến với dân tộc tiếp nhận - là một việc khó khăn nhất để nhận thức và áp dụng đối với các nhà khai hóa chuyên nghiệp. Nguyên tắc này áp dụng cho các giáo viên, các tình nguyện viên Tổ chức hòa bình, các nhà lập chương trình phát triển kinh tế, các nhân viên làm việc cho tổ chức y tế cộng đồng và các nhà truyền giáo, là những đội ngũ có con số ngày càng tăng. Khi nguyên tắc này bị bỏ qua, tổn thất gây ra thường là rất lớn.
Cách đây hơn một trăm năm, một nhà truyền giáo thuộc Giáo hội Tân giáo thông thái và cũng không quá giáo điều đã chứng minh sự nhận thức đầy đủ của mình về lãnh vực chuyển giao văn hóa. Nhận thức được có khả năng xảy ra việc thổ dân dòng Tsimshian - những người mà ông đang truyền giáo - lý giải sai lệch lễ tục Cơ đốc giáo, ông đã bỏ qua lễ tục này trong những buổi hành lễ của mình. Tập tục ăn thịt đồng loại của thổ dân vùng Duyên hải Tây Bắc, mặc dầu có ý nghĩa hoàn toàn khác đối với các tộc thổ dân khác, lại giống như lễ ban thánh thể về hình thức và chức năng. Không chỉ về điểm này mà đối với nhiều điểm khác, Duncan - nhà truyền giáo đang được nói đến - đã rất cân nhắc khi loại trừ “nhiều điểm trong giáo lý Cơ đốc giáo (bất kỳ một kiểu nói, viết... trừu tượng nào) có khả năng gây hiểu lầm và nguy hiểm cho một người bản xứ, người mà chỉ có thể giải thích những tín điều mới dựa trên tín điều cũ.''
Dù có nhìn xa trông rộng đến đâu, con người ta không thể lường trước một số hậu quả của việc lý giải những hiện tượng mới dựa trên ý nghĩa cũ. Ví dụ, những người thuộc bộ lạc Dani vùng Thung lũng Balim ở miền tây Neư Guinea (Irian) là những kẻ có thói quen ăn thịt người. Những nhà truyền giáo người Mỹ đến vùng này vào thập niên 1950 đã nỗ lực ngăn chặn thói tục tệ hại này cùng với việc khai hóa và truyền đạo Cơ đốc. Khi những người Dani đã trở nên quen thuộc với việc ăn những thức ăn đóng hộp, họ nhanh chóng hiểu rằng một hộp thiếc có nhãn là hình những hột đậu thì có chứa đậu, có hình quả lê thì có chứa lê, và v.v... Khi một trong số những người vợ của các nhà truyền giáo sinh con, và những hộp đựng đồ ăn em bé của Gerber có nhãn là hình những em bé hồng hào khỏe mạnh, thì suy nghĩ trong đầu của người Dani về những thói quen ăn uống của những nhà truyền giáo người Mỹ là điều không cần phải suy đoán.
Nói chung, trong sự truyền bá và phát triển văn hóa, hình thái của một hay nhiều nét đặc trưng sẽ được giữ nguyên, ít nhất là vào lúc ban đầu. Nhưng ý nghĩa thì hầu như chắc chắn sẽ được thay đổi, và có thể ngay cả việc sử dụng và chức năng cũng có thể biến đổi. Vì vậy, khi một nhà thám hiểm đưa cho một người dân địa phương cái lõi một cuộn phim trống, người này sẽ vui sướng nhận lấy, đặt nó xuyên qua đường rạch trong dái tai và bước đi một cách kiêu hãnh, tự tin về sắc đẹp của mình. Hình thức cái lõi cuốn phim không thay đổi, nhưng cách sử dụng nó là cách sử dụng của một đồ vật trang điểm lỗ tai; mang ý nghĩa thẩm mỹ và có lẽ cũng có ma lực làm say mê. Và chức năng của nó là làm tăng uy thế và sự thỏa mãn về cái tôi của người dân bản xứ kia. Vì vậy lõi cuộn phim là có thể được chấp nhận về mặt văn hóa, bởi vì nó đã khớp với bối cảnh của nến văn hóa bản xứ một cách tích cực.
Những kết quả chọn lọc của những ý nghĩa tiêu cực. Những nét đặc trưng có ý nghĩa tích cực trong một nền văn hoá có thể bị cản trở khi truyền bá, vì những hình thức của chúng có thể đi đôi với những cách sử dụng, những ý nghĩa hoặc những chức năng đậm màu sắc tiêu cực đối với những nền văn hoá của những người có khả năng tiếp nhận.
Tại buổi họp của người Bắc Cheyenne bàn về tác dụng của loài cây xương rồng (cây xương rồng Mêxicô có thể chiết xuất bào chế thành chất metcalin, có tác dụng gây ra ảo giác - ND), tác giả đã có một lúc tình cờ bị thu hút bụi cây quyền trượng trang trí dùng trong nghi lễ. Dường như cây gậy được khắc hình những con bò rừng bison rất giống với những hình vẽ nghệ thuật trong hang động xứ Franco – Cantabrian. Đầu óc bị kích thích dữ dội. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, những hình ảnh được chạm khắc rõ ra là những cảnh người đấu bò và những con bò hung hãn. Cũng có hình con đại bàng Mêxicô đậu trên cây xương rồng, nhưng con rắn bị quặp trong móng vuốt con đại bàng đã bị ai dùng dao nạy ra. Black Wolf (Chó Sói Đen), tù trưởng lãnh đạo buổi họp về chất metcalin, giải thích rằng cây quyền trượng xuất xứ từ Mêxicô, và ông nhấn mạnh rằng con đại bàng là một loại thuốc quý. Người đấu bò đối đầu với con bò mộng gợi lên cái ảo-vọng-đang-tìm-kiếm của người thổ dân đang phải đương đầu với con bò rừng bison. Tuy nhiên, ông nói: "Những dân tộc dưới xuôi kia thờ cúng rắn, nhưng chúng tôi không vậy. Vì thế chúng tôi đã lấy những con rắn ra. Chúng tôi không thể đưa rắn vào trong những nghi lễ của mình''. Trên thực tế, người Cheyenne không chỉ đơn thuần có thái độ trung lập với rắn. Trong kho tàng chuyện thần thoại của họ, Rắn Mọc Sừng (hoặc Rắn Lông Chim) là một sinh vật mà họ luôn khiếp sợ và tìm cách tránh xa.
Barnett đã nêu chi tiết một số điều bị nhiều bộ lạc phía Bắc California loại bỏ. Khi kiểu tóc bồng bềnh của phụ nữ trở thành mốt, nó đã bị phản đối kịch liệt bởi vì người ta tin rằng kiểu tóc đó đem lại sự chết chóc. Áo nịt ngực cũng như kẹp tóc, thoạt tiên đã bị tẩy chay vì chúng giống áo giáp kim loại mỏng của các chiến binh và những chiếc đinh ghim bằng xương họ đã dùng kẹp tóc.
Ở một phạm vi lớn hơn, những nỗ lực của chính quyền Bỉ ở Congo, là chương trình giúp cho giống người lùn Pygmies trong cái vùng rừng rú có thể tự túc về kinh tế bằng cách khuyến khích họ học nghề nông, đã phải xóa bỏ toàn bộ ngay lập tức. Một số ít người Pygmies thử cố gắng ở những đồn điền ''kiểu mẫu'', và mặc dầu chứng tỏ mình có khả năng trồng trọt, nhưng kết quả là như trên vì ''họ đã thoái hoá về mặt xã hội và vật chất ở một tỷ lệ báo động, không còn ý thức trách nhiệm của cá nhân hoặc gia đình và đang chết dần vì bị say nắng và rối loạn tiêu hóa. Những điều này chỉ là triệu chứng; họ đang chết dần vì đã phải chấp nhận một cách sống mới hoàn toàn không có ý nghĩa. Tộc người Mbuti thì "hiểu rõ và xác định rằng một khi rời bỏ cuộc sống du mục họ sẽ không còn là người Mbuti nữa”.
Tương tự, mặc dầu ít quyết liệt hơn, ít lý lẽ hơn, nhưng đã một ngàn năm nay người Navaho từ chối liên hệ với người Pueblo để tiếp nhận phong cách kiến trúc của người Pueblo, dù phong cách này “hay hơn” về mặt kết cấu. Từ bỏ hogan, tức ngôi nhà nhỏ xây bằng đất của mình để thay thế bằng một căn hộ xây dựng kiểu Pueblo sẽ đòi hỏi kèm theo việc từ bỏ những giá trị căn bản mà người Navaho yêu quí: Kiểu nhà như vậy sẽ khiến họ không thể sống đúng cách của một người Navaho. Với tư cách một dân tộc, họ đã dũng cảm từ chối việc phải phủ nhận thân phận, tính cách dân tộc của mình chỉ vì một loại nhà ở tốt hơn.
Những ví dụ này chứng minh rằng những thành kiến tồn tại từ trước của những thành viên trong một xã hội tiếp nhận, sẽ làm dễ dàng hơn hoặc sẽ gây trở ngại khó khăn cho việc chấp nhận hoặc vay mượn bất kỳ một sự kiện văn hoá mới nào đó. Sự tương thích của một cách thức mới với những định đề căn bản và những hệ quả phát sinh nằm dưới nền văn hóa tiếp nhận, là một quan trọng có tính sống còn. Ngược lại, việc chấp nhận những sự việc rõ ràng có ý nghĩa chung chung nhưng đã được chứng minh có hiệu quả về kỹ thuật, ví dụ như sắt hoặc máy kéo, cuối cùng có thể dẫn đến sự phá vỡ những định đề và giá trị chưa bao giờ được giải quyết trước đó. Ví dụ việc phát triển thành công những tên lửa làm bệ phóng lên mặt trăng và giữa các hành tinh, rõ ràng tạo ra những kết quả không tưởng được về văn hoá cho tương lai. Tuy nhiên, chúng ta dường như hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận những cơ hội này như là ý nghĩa của một tương lai đầy hứa hẹn, để tiếp tục tiến bước vào vũ trụ.
Những hậu quả chọn lọc của sự vô cảm văn hóa. Việc chọn lọc những nét đặc trưng văn hóa theo tính tương thích của chúng, với một loạt định đề văn hóa riêng biệt và những giá trị văn hoá có liên quan không chỉ đưa đến sự phủ nhận có tính tiêu cực. Điều này cũng tạo ra việc không chuẩn thuận một cách vô tư những khả năng khác biệt có thể xảy ra do sự vô cảm. Một sự việc hoặc một tư tưởng có thể được nhận thấy hoặc phải đương đầu, tuy nhiên chưa chấp đã được vay mượn, phóng tác hoặc ngay cả được mong muốn. Có thể sự việc hoặc tư tưởng này gặp phải sự vô cảm của một dân tộc và họ không nhận ra sự hữu ích của nó; nó hoàn toàn không gây ra một tiếng vang nào cả. Họ quan tâm đến những sự việc hoặc những tư tưởng khác. Loren Eiseley đã nhận xét một cách sắc sảo về người Maya, những người có khả năng sáng tạo một ý niệm trừu tượng như là khái niệm về con số không, cộng thêm một ký hiệu tượng hình để mô tả ý niệm trừu tượng đó:
Những người đàn ông này có thể dự đoán về nhật, nguyệt thực dù chưa bao giờ học cách cân hay cách sử dụng xe để chuyên chở, mặc dầu những công cụ có bánh xe đã được sử dụng ở những vùng lân cận. Chẳng một ví dụ nào tốt hơn có thể sử dụng trong trường hợp này để cho thấy rằng, một xã hội có nhiều năng lực và chú tâm đến việc tận dụng những năng lực của mình thì những thành tựu trí tuệ của xã hội này sẽ tiến lên cùng với những động lực sâu xa của mình. Người Maya, tập trung trí tuệ vào môn toán kỳ diệu, một môn học kiểm soát cả thế giới loài người để nắm bắt thực tại dưới những hình dạng và dáng vẻ khác - cũng như những nền văn hoá khác trong đó có nền văn hoá của chúng ta.
Sự truyền bá tác nhân kích thích. Một loại truyền bá rất đặc biệt đã được Kroeber bàn luận dưới tiêu đề sự truyền bá tác nhân kích thích. việc này xuất hiện khi tư tưởng chung về một hoặc nhiều nét đặc trưng của một nền văn hóa, được chuyển từ một dân tộc này sang một dân tộc khác mà không phải truyền nội dung chi tiết thật sự. Nội dung khuôn mẫu này hầu như được phát minh toàn bộ bởi những kẻ vay mượn ý tưởng. Sequoya, người Cherokee là người phát minh ra bảng ký hiệu âm tiết mà những người Cherokee sử dụng để viết ngôn ngữ của dân tộc mình, nghĩ ra kiểu chữ viết khi tiếp xúc với người da trắng, nhưng ông đã không học viết tiếng Anh. Ông đã lấy một số mẫu tự trực tiếp từ tiếng Anh, sửa đổi một ít và tạo ra những mẫu tự khác. Tuy nhiên, những ký hiệu tiếng Anh của ông không có mối quan hệ gì với hệ thống ngữ âm tiếng Anh. Ông ta biến những thành những mẫu tự riêng của người Cherokee. Ông chỉ chộp lấy ý tưởng và không chọn hình thức chữ viết.
Sự truyền bá tác nhân kích thích là một quá trình đứng giữa sự phát minh độc lập và sự truyền bá đích thực ý thức về một nhu cầu hoặc một khả năng phát minh, được kích thích bằng sự tiếp xúc với một hoặc nhiều nét đặc trưng của một nguồn gốc xa lạ. Một dân tộc năng động, thiếu nét đặc trưng tiêu biểu cần thiết nào đó, thường có khuynh hướng nỗ lực tự mình phát minh ra một nét tương tự như nét đặc trưng tiêu biểu đó.
Sự biến đổi, phát triển và tiến hoá của văn hóa. Một nền văn hoá biến đổi khi có sự chỉnh sửa bất kỳ một khuôn mẫu đã được thiết lập trước đó trong những thành phần cấu thành. Sự biến đổi này có thể hoặc không thể kéo theo sự phát triển. Những tác phẩm nghệ thuật và cách sử dụng thường bị mất mà không có sự thay thế nào có thể có đầy đủ ý nghĩa về mặt chức năng tương tự. Khi những thành tố mới làm gia tăng mức độ phức tạp của toàn bộ hệ thống nền văn hóa, sự biến đổi sinh ra sự phát triển. Sự phát triển tốt hay xấu là vấn đề thuộc lãnh vực phê phán giá trị. Nói chung, trong cuộc hành trình vạn dặm của mình, các nền văn hóa thích nghi, hấp thụ những chủ thể chủ quan thành những chọn lọc tự nhiên, nên sự phát triển văn hóa là những kết quả xã hội thường có tính tích cực hơn là tiêu cực. Sự phát triển văn hóa luôn kéo dài và liên tục, dẫn đến sự tiến hóa văn hóa, đó là chủ đề của chương kế tiếp.
Sự tiếp biến văn hóa xảy ra khi một nền văn hóa phải trải qua những sự biến đổi mãnh liệt, theo chiều hướng thích hợp với một nền văn hóa khác mà từ đó nó đã vay mượn quá nhiều đặc điểm hoặc quá nhiều nguyên tắc. Sự tiếp biến văn hóa của xã hội mặc dù bị chỉnh sửa một cách mãnh liệt vẫn sửa được tính nhất quán riêng biệt của mình. Sự tiếp biến này chỉ được thêm vào mà không tiêu hóa ưu thế vượt trội có sẵn của xã hội.
Tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới đều đang ở trong quá trình của cơn lốc tiếp biến văn hóa với những lãnh vực kỹ thuật, quân sự, khoa học và chính trị của nền văn minh phương Tây. Mối liên quan giữa nhân chủng học với những quá trình kỳ diệu này được khảo sát ở chương cuối cuốn sách này.