Tài liệu: Các phương cách lấy vợ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Như vậy, chúng ta đã biết khá nhiều về việc một người có thể kết hôn với ai, và không thế kết hôn với ai. Câu hỏi tiếp theo là: Làm thế nào người ta có được vợ?
Các phương cách lấy vợ

Nội dung

Các phương cách lấy vợ

Như vậy, chúng ta đã biết khá nhiều về việc một người có thể kết hôn với ai, và không thế kết hôn với ai. Câu hỏi tiếp theo là: Làm thế nào người ta có được vợ?

Rất ít xã hội để cho các cá nhân được tự định liệu việc hôn nhân của chính họ. Tập quán gần giống như vô chính phủ của người Mỹ trong lãnh vực này là một ngoại lệ, mặc dù xu hướng này đang gia tăng một cách dễ nhận thấy ở nhiều nơi trên thế giới, như các chất xít của “tính hiện đại” đang ăn mòn dần các ràng buộc của quan hệ họ hàng xưa cũ. Hầu hết các cuộc hôn nhân hoặc là do gia đình hai bên xếp đặt, hoặc được sự chấp nhận của gia đình.

Vì lý do đó, để hiểu được về tất cả các chế độ hôn nhân, đặc biệt là chế độ hôn nhân thời sơ khai, cần phải hiểu được nguyên tắc căn bản này: Hôn nhân tạo ra một liên minh giữa hai nhóm thân tộc, trong đó cặp vợ chồng liên quan chỉ là một móc nối dễ thấy nhất mà thôi. Trước sau gì mọi người cũng biết rằng khi một người cưới ''một và chỉ một người vợ duy nhất'', thì không phải anh ta chỉ cưới riêng người vợ đó mà là cưới tất cả thân nhân của người vợ nữa. Dĩ nhiên, về phần các cô dâu cũng biết rõ tương tự như thế.

Bất kể một thanh niên đang háo hức có thể cảm nhận ra sao, hôn nhân là điều không chỉ liên quan đến hai vợ chồng trong cuộc mà thôi. Nói chung, xã hội có quyền lợi trong việc này và trong những gì phát xuất từ đó. Hai gia đình chủ yếu trong cuộc hôn nhân có quyền lợi trực tiếp từ nhiều thứ phát sinh từ đó. Vì vậy, trong bảy phương cách chính thức để có được một người vợ, thì chỉ có hai cách (cướp vợ, và vợ theo không) không dính dáng nhiều lắm đến sự tham dự tích cực của các nhóm thân tộc hai bên cô dâu và chú rể. Bảy phương cách đó là: (1) mua vợ bằng của sính lễ, (2) bằng cách lao động ở rể, (3) bằng cách trao đổi tặng phẩm, (4) bằng cách bắt hay cướp vợ, (5) bằng hình thức thừa kế, (6) bằng dụ dỗ theo không, và (7), bằng cách làm con nuôi.

Dùng của cải để cưới vợ

Trong thế giới cổ sơ việc dùng các thứ hàng hóa có giá trị để chính thức đổi lấy những đứa con mà một người phụ nữ có thể sinh ra cho mình là một điều bình thường, hoặc gần như bình thường. Cách này, có chỗ gọi “dùng của sính lễ” được áp dụng phổ biến trong 303/434 bộ lạc được khảo sát và ghi nhận trong một thống kê của các nhà nhân chủng học người Anh Hobhouse, Wheeler, và Ginsberg[1]. Nghiên cứu của Murdock cho thấy việc dùng của sính lễ để đổi lấy vợ xảy ra trong gần một nửa các nền văn hóa[2]. Đó là một việc bình thường ở châu Phi[3], và là một tập tục áp dụng phổ biến trong các bộ lạc theo chế độ phụ hệ ở Indonesia, và diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Không nên cho rằng việc bỏ tiền của ra mua một phụ nữ có nghĩa phụ nữ chỉ là những nô lệ thấp kém được bày bán tại những cuộc bán đấu giá ở một ''phiên chợ hôn nhân" - như một thứ hàng hóa bẩn thỉu. Định chế này, dù sao cũng nhuốm một chút màu sắc thương mại; một gia đình gồm năm con gái và một con trai, chỉ cần phải kiếm một cô dâu cho đứa con trai thôi, là cũng dễ thở và khá giả về mặt kinh tế hơn, so với một gia đình có một con gái với năm cậu con trai cần phải kiếm vợ. Nhưng phụ nữ không phải là những món hàng trôi nổi ngoài chợ trời.

Việc mua dâu bằng của sính lễ không có nghĩa là danh giá, quyền lợi, quyền hạn hay sức lao động của phụ nữ nhất thiết phải là cao hay thấp gì cả. Mà điều đó thực sự có nghĩa là phụ nữ có giá trị như mọi thành viên trong nhóm thân tộc. Giá trị của phụ nữ trong các hình thức mua dâu bằng sính lễ được xác định bằng sự phối hợp các vị thế xã hội và kinh tế của gia đình chú rể cân bằng với vị thế đó của gia đình cô dâu. Trong một số trường hợp, phẩm chất của cô dâu và chú rể cũng là các nhân tố có giá trị xem xét.

Danh giá của người phụ nữ có chồng là tùy thuộc trực tiếp vào số của cải sính lễ mà gia đình cô nhận được. Ở Đông Phi, một phụ nữ trị giá bằng hai mươi con bò thì nhất định là có lợi thế hơn trong bất kỳ một cuộc tranh cãi nào, so với một phụ nữ chỉ được người ta trả giá chỉ bằng mười con bò. Trong những cộng đồng người Yurok ở California điều này là rất chắc chắn, đến nỗi địa vị xã hội và giá đền mạng của một người đàn ông tuyệt đối được xác định bằng cái giá của sính lễ mà người ta đã trả để cưới mẹ anh ta.

Của sính lễ có lẽ phần nào đền bù sự mất đi một cô con gái trong nhóm thân tộc, nhưng sự đền bù lớn hơn là cho việc mất đi cái quyền sở hữu những đứa con mà sau này cô gái ấy sẽ sinh ra. Hai dữ kiện sau làm cho vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Sự chuyển nhượng của sính lễ liên quan chặt chẽ với các hệ thống xã hội theo chế độ phụ hệ và cặp vợ chồng mới phải sống với họ hàng chú rể. Quay lại với các dữ liệu đối chiếu của Murdock, chúng ta thấy trong 217 xã hội đòi hỏi của sính lễ, trừ 18 xã hội, tất cả đều có tình trạng làm dâu của người vợ. Một trong mười tám xã hội không có tình trạng làm dâu và chỉ có sáu xã hội có tình trạng ở rể[4]. Rõ ràng là, trong dòng họ nhà gái, việc không có được những đứa con mà người phụ nữ có thể sinh ra là một điều phải được đền bù bằng vật chất có giá trị tương ứng. Nhưng ngoài điều này ra, có những trường hợp chế độ làm dâu có xu hướng làm phát sinh một cách mạnh mẽ chế độ phụ hệ. Mặc dù người vợ không trở thành một thành viên trong dòng họ của chồng, (nghĩa là không mang họ nhà chồng - ND), nhưng con cái của cô ta là người thuộc dòng họ nhà chồng. Bởi vậy, trong những xã hội theo chế độ phụ hệ, mỗi cuộc hôn nhân có nghĩa là dòng họ bên đàng gái bị mất (cho phía nhà trai) tất cả con cái mà người phụ nữ đi lấy chồng có thể sinh ra. Vì sự hy sinh này, họ muốn nhận được một sự bù đắp.

Giữa các nhóm họ hàng theo dòng cha và việc mua dâu bằng của sính lễ cho thấy một tương liên âm - 0.112.

Có thể nói trong sự trao đổi này, bên nhà gái từ bỏ quyền hạn đối với thế hệ sau đó, hơn là đối với chính cô dâu; việc đòi hỏi của sính lễ là ngầm bảo đảm sự sinh sản con đàn cháu đống của cô dâu về sau, mà đó mới là một phần của sự chuyển nhượng. Chính vì thế ở châu Phi người ta thường đòi hỏi rằng nếu người vợ mà họ mua về không sinh đẻ gì được, thì gia đình đàng gái phả đền cho họ bằng cách đưa cô em gái sang thay thế, mà bên đàng trai không phải trả thêm của cải gì. Nếu không, bên nhà gái phải hoàn trả của sính lễ lại cho nhà trai. Tuy nhiên, điều này thường gặp khó khăn, vì có thể là bên nhà gái đã đem những của cải đó đầu tư vào việc mua dâu cho con trai họ rồi, không còn gì để mà trả. Vậy là, theo một số báo cáo cho thấy, (ví dụ với người Thong) nhà gái bị buộc phải đem cô con dâu mà họ mới mua về cho con trai để gán sang cho chú rể, thay cho cô con gái lớn vô sinh của họ. Nhà trai cũng có những đòi hỏi tương tự như thế với nhà gái, nếu cô con dâu mà họ đã nạp sính lễ để mua về bỏ trốn.

Việc thiết lập các quyền hạn pháp lý. Báo cáo của Linton về người Vezo Sakalava ở Madagasca cho thấy trong chuyện nạp sính lễ của họ, thực ra có sự thiết lập các quyền có hiệu lực về mặt luật pháp đối với con cái của những người này. Trong trường hợp vợ chồng ly dị, nhà gái không trả lại những súc vật mà nhà trai đã giao trong của sính lễ, và việc đưa người khác thay thế người vợ bị ly dị cũng không được xã hội chấp nhận. Người vợ đã ly dị có thể tái hôn, nhưng phải được người chồng cũ cho phép. Sẽ có một thỏa thuận giữa người vợ và người chồng mới sắp cưới về việc những đứa con mà họ sắp sinh ra với nhau (giới hạn là ba đứa) phải được chuyển nhượng cho người chồng thứ nhất, vì đó là người đã nạp của sính lễ cho gia đình nàng để được cưới nàng trước kia. Người phụ nữ sẽ nuôi con cho đến khi chúng dứt sữa, từ thời điểm này trở đi chúng được chuyển giao cho người chồng thứ nhất và trở thành con cái hợp pháp của ông ta, về sau được thừa kế gia tài (của người cha ''pháp lý''), mà không cần phải qua thủ tục nhận con nuôi[5]. Những điều này minh họa một nguyên tắc cơ bản khác mà sau đây chúng ta sẽ đề cập với nhiều chi tiết: Trong cộng đồng những dân tộc sơ khai, vai trò làm cha về mặt pháp lý thường có nhiều ý nghĩa hơn là làm cha về mặt sinh học. Một điều khá tinh tế của người Sakalava là mặc dù theo pháp lý một người chồng ly dị có thể đòi lại của sính lễ, nhưng do tính quảng đại người ta thường không tán thành chuyện đó. Vì làm như vậy là coi giá trị vật chất cao hơn giá trị con người. Một kẻ như thế, có thể bị đánh giá là người coi súc vật quan trọng hơn con cái.

Cuối cùng, với người Bevenda ở Nam Phi và một số bộ lạc khác, nếu của sính lễ được giao từng phần kiểu trả góp, thì các đứa con sẽ không được giao cho phía dòng họ nhà chồng, cho đến khi nào bên này nộp xong hết của sính lễ còn thiếu.

Một điều lắc léo thú vị khác về chuyện nộp của sính lễ để được nhận con, được ghi nhận trong cộng đồng những người Dahomey ở Tây Phi. Tại đây, một người vợ có thể thu xếp kiếm cho chồng một cô vợ hai để sinh con cho chồng. Những đứa con do người vợ hai này sinh ra sẽ gọi người vợ cả là ''cha'', vì đó là người đã nộp của sính lễ để rước mẹ chúng về[6]. Sự kiện này có vẻ đưa nguyên tắc làm cha về mặt xã hội đi hơi xa, nhưng như thế đâu phải là không hợp lôgic? Tập tục này không phải là không phổ biến, dưới dạng này hay dạng khác, trong các bộ lạc theo chế độ phụ hệ ở châu Phi.

Của sính lễ như một định chế xã hội là điều không thể cảm nhận được nếu không quan sát những tác động có tính chức năng của nó, nối kết những mối quan hệ trong hệ thống quan hệ họ hàng mở rộng đến qui mô xã hội. Các cộng đồng xã hội thường đối chọi, tranh chấp, gây gổ, và thậm chí đánh lẫn nhau. Hôn nhân giữa các cộng đồng giúp kềm chế các xu hướng xung đột, trong chiều hướng này hôn nhân có tác động xoa dịu nhưng phải cần thêm nhiều nỗ lực khác nữa để đạt được sự cố kết cần thiết. Sính lễ liên quan đến một số những người thân thích trong mạng lưới các trách nhiệm về kinh tế và các điều được kỳ vọng. Một bên không những chỉ đơn thuần là người chồng, và bên kia là cha mẹ của cô dâu cũng được lôi kéo vào cuộc.

Việc phân chia gia súc trong chế độ hôn nhân của người Nuer. Để minh họa những lãnh vực kinh tế xã hội phức tạp và lễ nghi rườm rà của tục nạp của sính lễ, có lẽ chúng ta nên đến với người Nuer, một bộ lạc chuyên chăn nuôi gia súc sinh sống trên các chi lưu thượng nguồn của sông Nile Trắng. Tại đây, mỗi cuộc hôn nhân đòi hỏi phải nạp bốn mươi đầu gia súc. Hai mươi trong số này được chuyển cho các thành viên của gia đình chính của cô dâu, mười con cho thân nhân bên cha, và mười con cho thân nhân bên mẹ. Sự phân phối được thực hiện như sau (xem Hình 22-5)

1. Gia đình chính của cô dâu: Cho cha của cô dâu (a), tám con, cụ thể là ba con bò cái, mỗi con kèm theo con bê của nó, và hai con bò đực; cho anh hay em trai khác mẹ (b), hai con bò cái; cho người anh hay em trai cùng một mẹ (c) hai bò đực ba bò cái, và một bò cái có bê con (bảy con); cho mẹ cô dâu (d), một bò cái và một bê con, cùng với một bò tơ.

2. Các anh em của cha cô dâu: cho người anh cùng mẹ của cha cô dâu (e), một bò cái và bê của nó, thêm một bê và một bò đực (bốn con); cho em trai cùng mẹ của cha cô dâu (f), một bò cái và một bò đực; cho em gái của cha cô dâu (g), một bò tơ; cho người anh em khác mẹ của cha cô dâu (h), một bò cái và con của nó, và một bò đực.

3. Anh em của mẹ cô dâu: cho anh cùng mẹ của mẹ cô dâu (i), một bò cái và con bê của nó, một bò cái nữa và một bò đực; cho em trai cùng mẹ của mẹ cô dâu (j), một bò cái và một con của nó; cho chị hoặc em gái của mẹ cô dâu (k), một bò tơ; cho một người anh hay em khác mẹ của cô dâu (l), một bò cái và con bê của nó, và một bò đực[7].

Thêm vào các quyền cụ thể được chia bò này, mỗi thành viên bên dòng họ cha cô dâu, ngay cả những người bà con xa lắc xa lơ chung một đầu ông tổ từ sáu hay bảy đời trước cũng đòi cho được một món quà nho nhỏ từ thân nhân của chú rể. Người ta có thể nhân danh vong hồn tổ tiên của cô dâu, nhân danh bạn nối khố của cha cô dâu, bạn học của cha cô dâu, nhân danh chiếc lò sưởi của cha cô dâu, hay nhân danh vị tư tế làm lễ cầu cho cô dâu sinh năm đẻ bảy, vân vân để đòi những món quà đặc biệt như một con gia súc, chẳng hạn.

Bao nhiêu đó đủ cho thấy giá trị của một tài sản sính lễ lớn đến chừng nào.

Lao động ở rể

Một cách lấy được vợ rẻ hơn, nhưng cũng không phải là dễ dàng, và cũng có được các quyền hạn đối với các con của nàng là làm lụng cho nhà vợ. Jacob phải làm việc quần quật bảy năm mới xin được bàn tay của Rachel, cộng thêm bảy năm nữa cho Leah, người không nằm trong sự mặc cả của anh ta (chuyện kể trong Kinh Thánh - ND). Trong các bộ lại người Chukchi, Koryak, và Yukaghir ở Siberia, phục vụ (cho nhà) cô dâu để được vợ là một tập tục bình thường. Tục này dường như thay thế cho tục nạp của sính lễ là cách mà ngày xưa người ta phải thực hiện mới có được vợ.

Nhiều bộ lạc ở rải rác khắp thế giới đòi hỏi chú rể phục vụ tại gia đình cô dâu như cái giá mà chú rể phải trả để được vợ (77 trong số 565 nền văn hóa)[8]. Nhiều bộ lạc trong số này không chịu hình thức thay thế nào khác, nhưng ở một số bộ lạc khác, lao động ở rể có thể được thay thế bằng của sính lễ, cũng tương tự như một anh chàng lang thang nhận rửa bát trong quán ăn để trừ tiền bữa ăn.

Bổn phận một chú rể phải phục vụ cho cha mẹ vợ có thể là một trách nhiệm lâu dài. Mặc dù những người da đỏ Comanche không đòi hỏi lao động ở rể ngay, nhưng người con rể săn bắn được con thú nào thì phải mang đến biếu mẹ vợ một phần thịt. Đây là lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ muốn gả con gái cho những chàng thợ săn. Một người con rể không nhất thiết phải làm thế, nhưng có làm thế mới chứng tỏ là một chàng rể tốt, ngược lại thì đúng là một thằng rể chẳng ra chi. Phần thưởng cho một chàng rể tốt có thể là cô em vợ để chàng cưới làm vợ hai. Không có thịt cho mẹ vợ thì đừng hòng có được cô em thứ hai.

Trao đổi tặng phẩm

Trong những nền văn hóa mà con cái không thuộc vào một dòng họ hàng nào nhất định (nghĩa là con cái thuộc cả hai bên) thì có thể là không có sính lễ (chỉ số Phi = 0.349). Người ta trao đổi quà tặng có giá trị tương đương qua lại với nhau. Khi có những cuộc trao đổi tặng phẩm có giá trị tương đương nhau thì không ai từ chối cuộc hôn nhân. Đây là trường hợp của người da đỏ Cheyenne. Một chàng trai phải lòng một cô gái nào đó sẽ về nói cho gia đình mình biết. Nếu thấy sự chọn lựa của cậu là thích hợp, không chỉ riêng về các phẩm chất của cô gái, mà cả tính cách của gia đình cô, gia đình cậu sẽ chọn những thứ của cải tốt nhất để mang tặng nhà cô gái. Những của cải này được chất cẩn thận lên một con ngựa. Người ta nhờ một lão bà có uy tín dắt con ngựa đến lều của người anh cả của cô gái. Bà lão loan báo để cho tất cả mọi người trong trại đều có thể nhìn thấy sính lễ, trong khi bà đi vào nhà bày tỏ lời cầu hôn cho chàng trai. Người anh cả của nhà gái mời các anh em họ tham dự một buổi họp gia đình; nếu quyết định nhận lời cuộc cầu hôn họ sẽ dỡ hàng hóa trên lưng ngựa xuống để phân chia với nhau, người anh cả lấy con ngựa. Sau đó tất cả trở về ngay nhà riêng của mình để tìm xem có thứ gì có thể làm quà tặng trả lại. Ngày hôm sau, mỗi người sẽ mang đến một món quà có giá trị tương đương với món quà mình đã được nhận. Cùng lúc đó, người ta trang điểm cho cô dâu, khi mọi thứ đã sẵn sàng, người ta đặt cô dâu lên lưng một con ngựa tốt, quà biếu được xếp lên một con ngựa khác, rồi người ta mời bà lão đến đưa cô dâu và con ngựa chở quà đến lều chú rể. Tại đây cô được cả gia đình nhà trai đón tiếp, và những món tặng phẩm theo cô đến được phân chia cho mọi người phù hợp với giá trị những tặng phẩm mà họ đã tặng cho nhà gái. Tính về giá trị thương mại, những tặng phẩm này có giá chính xác bằng giá món quà họ đã trao tặng trước đó.

 

Có lẽ chúng ta có thể hiểu rõ hơn chức năng xã hội của tập tục đó khi chúng ta nhìn lại thói quen trao đổi quà tặng trong dịp Giáng Sinh của mình. Việc gởi và nhận quà này khiến chúng ta hao phí rất nhiều tâm lực và gặp không ít phiền hà, và kết quả thì thường là thất vọng. Chúng ta thường nhận được vô số những thứ chẳng biết dùng vào chỗ nào. Dù vậy, trong việc trao và nhận quà này, chúng ta tái khẳng định tình bằng hữu và những mối quan hệ
mà chúng ta đánh giá cao hoặc chúng ta mong muốn có.

Một số người trong chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức trong việc trao đổi những món quà tượng trưng với bạn bè và thân thích, một việc vốn đã trở thành tập quán trong nền văn hóa của chúng ta, có thể bị xốc khi biết rằng việc trao đổi tặng phẩm tương đương với nhau trong hôn nhân thực ra cũng là tục lệ hiếm có. Chỉ có 12 trong 565 nền văn hóa áp dụng tục lệ này. Sự kiện tục lệ là một tương quan âm với các xã hội theo dòng cha (chỉ số Phi: - 0.014) và theo dòng mẹ (chỉ số Phi = - 0.007) càng củng cố quan điểm cho rằng của sính lễ là đền bù cho sự mất mát các quyền pháp định đối với các đứa con mà người mẹ sẽ sinh ra trong cuộc hôn nhân. (Dù sao, do tục trao đổi tặng phẩm không xảy ra phổ biến, các tương quan Phi ghi nhận ở đây là không có ý nghĩa cao lắm về mặt thống kê).

Tục cướp vợ

Các tiểu thuyết gia và những người lãng mạn kể chuyện thời kỳ con người còn ăn lông ở lỗ, những người đàn ông thường dùng chày vồ nện cho người yêu của mình một vố bất tỉnh rồi túm tóc lôi xềnh xệch về hang làm vợ. Đây là quan điểm mộng mị của trường phái “tóm lấy những đứa còn trẻ, đối xử thô bạo với chúng, và không cần nói gì với chúng cả”. Vào thời ngành nhân chủng học còn non trẻ, người ta nghiêm túc cho rằng cái điều tưởng tượng quái gở đó đúng là phương cách cổ sơ nhất mà những con người sơ khai áp dụng để kiếm vợ. Đúng là hôn nhân kiểu bắt vợ là tiền đề đầu tiên đặt căn bản cho lý thuyết về cách mạng xã hội do nhà nhân chủng học Scotland, J. F. McLennan đề xướng 100 năm trước[9]. Các cuộc thử thách và những trận chiến giả của các chàng rể ứng viên trong mỗi cuộc hôn nhân được cho là những gì tượng trưng còn sót lại của những cuộc hỗn chiến đi kèm với việc bắt cóc người đẹp thời thượng cổ.

Chuyện bắt vợ tuy khá khôi hài nhưng quả là chuyện có thực và không phải là không phổ biến. Khi một thanh niên người Bushman và cô dâu của anh ta làm lễ thành hôn, tất cả dân làng tập họp lại để tham dự tiệc cưới. Vào giữa bữa tiệc, chú rể bèn tóm lấy cô dâu. Đây là dấu hiệu cho thân nhân cô dâu chụp lấy những cây gậy chọt lỗ, vật dụng dùng chọt lỗ tra hạt giống trên đồng, để đánh chú rể. Một cuộc chiến nho nhỏ diễn ra giữa các khách khứa trong khi chú rể liên tục bị ăn đòn. Nếu chú rể vẫn giữ chặt được cô dâu thì hôn lễ của chú thành công, bằng không, bị đòn đau quá mà sẩy tay xổng mất cô dâu thì thôi, chú đành mất vợ[10].

Người Bahima ở châu Phi thì đặt cô dâu vào một cuộc kéo co giữa thị tộc phía cô dâu và thị tộc của chú rể, thường thì bên chú rể thắng. Sau khi thắng cuộc kéo co, một đám bạn bè thân thiết của chú rể quấn cô dâu trong một tấm da bò và vác chạy để những bạn bè khác và họ hàng cô dâu rượt theo[11].

Những cuộc vui náo nhiệt trong các lễ cưới của chúng ta ngày nay và cô dâu chú rể cũng chạy thoát trong màn khói xe, rõ ràng là có cùng nguồn gốc của tập tục đó. Nếu chúng không phải là tàn dư của tục bắt vợ thì là gì? Ngành nhân chủng học hiện nay thiên về một sự giải thích nặng tính chức năng và lịch sử. Thực ra, nên coi đó là sự thể hiện tượng trưng của lòng thù địch bị dồn nén giữa hai nhà thông gia. Đúng là họ liên minh với nhau trong hôn nhân, nhưng thường thì sự liên minh chỉ xảy ra khi có sự tồn tại của những dị biệt. Sự liên minh bao giờ cũng là một biện pháp hợp tác tương phản. Các quyền lợi chung phải chi phối được mọi liên minh, bằng không liên minh không thể thành hình được. Thế nhưng dù muốn dù không người ta vẫn cảm nhận được những sự đổi nghịch. Bên đàng gái không ưa sự xâm nhập trọn vẹn của chú rể tương lai vào gia đình mình, và họ được dành cho một cơ hội có tính nghi lễ để nhẹ nhàng tỏ cho chú rể biết. Bằng cách này, người ta trút bỏ lòng thù địch. Cũng có thể bằng cách này, mọi đánh giá cho rằng chàng rể quê mùa không xứng đáng với cô con gái cành vàng lá ngọc của mình được xua tan bằng cách buộc chú rể phải chứng tỏ giá trị bản thân.

Tất cả những điều này không phải để xác quyết rằng không hề có loại hôn nhân bắt vợ. Loại hôn nhân đó quả là có tồn tại. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận nó không bao giờ có thể là một biện pháp phổ biến trong bất cứ một giai đoạn phát triển nào của lịch sử loài người. Mà thật ra, nó chỉ là một phương cách bổ sung giúp người ta lấy được vợ. Lợi thế của biện pháp này là không tốn kém, và có tính phiêu lưu mạo hiểm. Mặt khác, những bất lợi của nó, ngoài những rủi ro, là khá nặng nề. Vì hôn nhân là một cuộc liên minh giữa các nhóm thân tộc, bắt vợ không mang lại thuận lợi nào phát xuất từ một sự liên minh như thế. Không một thân nhân nào bên vợ ủng hộ chú rể và chịu chia phần tài sản của họ cho chú rể. Thế nên, người bắt vợ phải chịu thiệt thòi, so với người cưới vợ với sự thỏa thuận giữa hai bên. Con cái của người bắt vợ sẽ không có được vị thế mà nhà vợ có thể dành cho chúng, và nếu vợ anh ta là người của một bộ lạc khác chủng tộc thì con cái anh ta sẽ không được nuôi dạy theo truyền thống văn hóa thuần túy của anh ta.

Các chiến binh da đỏ ở vùng Bình Nguyên, cũng giống như những người đàn ông của bất cứ một bộ lạc sơ khai nào thường bắt phụ nữ từ các bộ lạc khác dòng giống đem về làm vợ. Có nhiều quốc gia coi phụ nữ là chiến lợi phẩm hay phần thưởng hợp pháp của chiến tranh. Tuy nhiên, trừ khi thật là nghèo khổ, người ta luôn ưu tiên cưới vợ là người trong cùng bộ lạc theo cách bình thường như mọi người khác. Những người vợ dị tộc bắt được chỉ là những người vợ phụ thêm vào gia đình anh ta mà thôi: họ là những người tì thiếp hoặc người lao dịch cho gia đình vợ cả của anh. Ở đây địa vị của người phụ nữ bị bắt này gần với địa vị một nô lệ hơn là một người vợ thật sự.

Chúng ta thấy chuyện bắt cóc phụ nữ luôn luôn là nguyên do của nhiều cuộc chiến tranh và hủy diệt tàn khốc. Nàng Helen thành Troy có lẽ là một nguyên nhân đưa đến cuộc chiến tranh nổi tiếng nhất, nhưng trong số những nguyên nhân xuất phát từ phái đẹp này, nàng Helen không phải là người đầu tiên, và cũng không phải là người cuối cùng.

Tục thừa kế

Tục thừa kế người quả phụ trong tập tục nối dây về phía nhà chồng và quyền thừa kế của con dĩ nhiên là một dạng hôn nhân cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, ngoài những điều đã nói từ trước, ở đây chúng ta không có gì cần nói thêm, ngoại trừ ghi nhận thêm rằng các bộ lạc Palvic và Bura ở miền bắc Nigeria cho phép người ta được thừa kế các bà vợ của ông nội.

Tục thừa kế của người con. Chúng ta nên chú ý đến tập tục của người Inca cho phép người anh hay em trai hoặc người con trai được thừa hưởng các bà vợ bé của người đã chết. Được biết tục kế thừa những người vợ của cha, mà không ai trong đó là mẹ ruột của mình, được áp dụng trong cộng đồng những người Carib ở Nam Mỹ và một số bộ lạc ở Phi châu. Hiển nhiên là tục thừa kế vợ của cha chỉ có ở những dân tộc theo chế độ đa thê. Tục lệ này có mục đích giữ những người phụ nữ lại cho một gia đình.

Tục theo không

Lấy vợ theo không là một hình thức van xả an toàn (cho các chế độ hôn nhân chính thức khắc nghiệt và gò bó). Đó là một trong những hình thức văn hóa có tính tiết kiệm và có chức năng mở ra một lối thoát phụ khả dĩ từ phong tục chính thức. Như chúng ta đã thấy, hôn nhân không hề dành cho những người trong cuộc một sự chọn lựa theo ý mình. Có những cấm kỵ loạn luân và ngoại hôn; có những giới hạn trong ưu tiên kết hôn, và có những thành kiến của những thành viên trong gia đình buộc phải tuân thủ. Nhưng mặt khác lại cũng có tình yêu. Chẳng có bao nhiêu người có được thứ tình yêu lãng mạn như người Mỹ. Trong tính đa cảm của cá nhân mình, chúng ta ca tụng lý tưởng hôn nhân đặt căn bản trên tình yêu - một thứ phản ứng tâm sinh lý bí hiểm. Mặc dù, nhiều nền văn hóa sơ khai không chú trọng lắm vấn đề tình yêu trong hôn nhân (mà quả thực, quá nhiều dân tộc hoàn toàn chẳng quan tâm gì vấn đề này cả), nhưng sự thật là tất cả con người thời sơ khai cũng có những tình cảm yêu thương mơ mộng và cả sự ác cảm.

Có những chứng cứ cho thấy, trong xã hội nào cũng có tình trạng gái bỏ nhà theo trai. Khi sự từ chối của gia đình và xã hội ngăn cản một khát vọng hôn nhân cháy bỏng, hoặc khi một người bị ép uổng tình duyên với kẻ mình không yêu thương hoặc chán ghét, thì việc trốn theo tiếng gọi của tình yêu là một lối thoát. Nếu có những bộ lạc đặt ra những yêu cầu đối với các thân nhân bề trên trong gia đình: phải tìm kiếm sự bằng lòng ưng ý của những người trẻ tuổi mà họ thu xếp vào cuộc hôn nhân, chắc chắn đó chỉ là một thiểu số hiếm hoi của toàn thể nhân loại. Chính vì vậy, con người nói chung cần có giải pháp tự mình đi theo tiếng gọi của con tim.

Sự tồn tại của một qui luật chính thống dĩ nhiên không có nghĩa là nó phải luôn luôn được tuân thủ. Cánh đàn ông người Cheyenne có quyền hợp pháp định đoạt hôn nhân cho các chị em gái theo ý mình. Nhưng như Calf Woman nói: ''Những người anh hoặc em trai nhân hậu luôn luôn tìm hiểu tâm tư tình cảm của chị hoặc em gái mình trước khi hứa gả họ cho bất cứ ai.

Thật không dễ có được cái nhìn bao quát về tình trạng của hôn nhân theo không. Trong trường hợp người Cheyenne, cặp vợ chồng theo không rốt cuộc được nhìn nhận là một cuộc hôn nhân, và được hợp thức hóa bằng cách trao đổi quà tặng giữa hai bên chỉ khi nào cô gái bỏ theo người tình trước khi bị anh hay em trai hứa gả cho một người đàn ông khác. Nếu trước đó cô gái đã được hứa gả cho người khác thì là chuyện khác rồi. Trong một vài trường hợp, người anh hoặc em trai có chị hoặc em gái bỏ theo trai sau khi được hứa hôn cho người khác, đã phải tự sát[12].

Nhiều khu vực trong vùng Thái Bình Dương, ý nghĩa văn hóa nảy sinh từ sự theo không trở thành một phương cách bình thường để trai gái lấy nhau. Đây cũng là tình trạng của một số bộ lạc ở châu Phi. Theo báo cáo của Howitt[13], sự theo không là một cách minh chứng cho tính phi lý trong các qui định hôn nhân quá sức ngặt nghèo của bộ lạc người Kurnai. Những qui định rộng rãi về ngoại hôn phối hợp với những qui định hẹp hòi về việc kết đôi cục bộ (nghĩa là sự phối ngẫu bắt buộc phải thực hiện trong phạm vi một nhóm người cụ thể) bó hẹp một cách khắt khe diện chọn lựa hợp lệ. Những người già cả thống trị xã hội và được ưu tiên chọn lấy những cô gái trẻ. Người ta còn kiểm soát gắt gao đến nỗi một thanh niên khó mà tìm được một cô gái mà anh được phép cưới làm vợ. May mắn cho người Kurnai, họ tạo ra những qui định giả vờ cho những nguyên tắc này. Hầu hết những vợ chồng trẻ là những cặp trốn theo không, và theo tập quán, những thầy lang là người giúp họ trốn thoát. Rồi sao? Toàn thể công dân đứng đắn (hầu hết là những người kết hôn với nhau bằng cách này) tỏ ra cực kỳ giận dữ. Người ta lập ra những đội kiểm tra để chủ trì công lý xã hội. Các cặp tình nhân trốn vào một nơi trú ẩn hoặc một nhà dành cho người điên truyền thống. Nếu bị bắt, họ sẽ bị đánh đập tàn nhẫn hoặc có thể bị giết. Tuy vậy, khi vào được nơi trú ẩn hoặc nhà của người điên thì coi như đã được an toàn. Họ ở lại đó cho đến khi sinh con. Họ có thể trở về nhà để chỉ bị mắng nhiếc hoặc bị xử đánh đòn và sau đó được công nhận lấy nhau hợp pháp.

Làm con nuôi

Ở Indonesia và ở Nhật Bản ngày nay, một người đàn ông có thể có được vợ bằng cách được nhận vào làm con nuôi trong gia đình vợ[14]. Người ta đặt ra một phương cách giúp cho những gia đình dù không có con trai vẫn có thể duy trì dòng dõi. Bằng cách hư cấu về luật pháp (legal fiction), theo đó người con rể trở thành ''con trai'' của gia đình nhà vợ, và con cái của anh sẽ thuộc về dòng dõi nhà vợ, chứ không phải thuộc về anh. Khía cạnh kỳ cục của phương cách này là cô đâu thì trở thành ''em gái'' của chú rể. Người ta cần phải nhắm mắt làm ngơ trước cái điều trái lôgic này, bởi vì nếu không hóa ra anh em loạn luân hay sao? Mục đích biện minh cho phương tiện, và chú rể trở thành “con trai” của cha vợ với mục đích kiếm con cháu nối dõi tông đường.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2584-02-633540521451532500/Giao-phoi-va-hon-nhan/Cac-phuong-cach-lay...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận