Các yếu tố quyết định nhân cách
Nhân cách là sản phẩm của nhiều yếu tương tác lẫn nhau và những yếu tố này có thể phân thành bốn loại chính sau:
1. Các đặc điểm thể trạng của cá nhân (cơ thể, tinh thần, hệ thống nội tiết, thể hình,v.v...)
2. Bản chất của môi trường vật chất sống của cá nhân.
3. Nềnvăn hóa mà trong đó cá nhân là một thành phần.
4. Những trải nghiệm hoặc lịch sử mang tính cá nhân độc đáo, thuộc tư chất, đặc thù về tâm sinh lý.
Những thành phần này hòa quyện với nhau tạo thành nhân cách của từng con người.
Các đặc điểm thể trạng
Mặc dù không có yếu tố nào là quan trọng nhất, nhưng các yếu tố hiển nhiên nhất trong việc định hình nhân cách là những khả năng thể chất và tinh thần mà mỗi cá nhân có được do thiên phú từ lúc chào đời. Đây là những đặc điểm riêng biệt và thường được cho là “thừa hường” hoặc “bẩm sinh”, mặc dù những nhãn hiệu này tự chúng đã dẫn đến sự sai lạc và đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau. Tóm lại những yếu tố này là sự cấu thành thân thể, trí thông minh, cấu trúc hệ thần kinh, có dị tật hay không và những điều đại loại như vậy.
Những yếu tố hình thái dễ nhận thấy như chiều cao, trọng lượng, và nhân dạng bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách con người. Nhân cách của một người lùn hoặc nhỏ con không thể giống với nhân cách của một người cao lớn được. Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhớ rằng những ý nghĩa xã hội về đặc điểm vật chất tiêu biểu được định hình từ nền văn hóa. Trong nền văn hóa phương Tây, những người cao lớn thường được cho là có ưu thế hơn trong các mối quan hệ cần đến sự thuyết phục, phục tùng. Các nền văn hóa khác nhau thường gắn những nghĩa rất khác nhau và riêng biệt của mình về những thuộc tính vật chất, chẳng hạn như khái niệm về kích thước lớn - hơn - trung - bình.
Để minh chứng cho quan điểm này, chúng ta hãy đối chiếu việc xác định diện mạo giữa những người có họ hàng phía bên nội trong xã hội chúng ta và xã hội người dân xứ đảo Trobriand. Trong nền văn hóa của chúng ta, tất cá mọi đứa bé mới sinh đều được những người bà con hoặc bạn bè thận trọng xem xét coi nó giống ai: mẹ, cha, cô, chú hoặc ông bà? Chúng ta thực sự có một ám ảnh phải tìm ra những nét giống nhau với những người họ hàng. Những điểm đồng nhất với bà con phía mẹ, cũng như những bản sao nào đó của bà con phía người cha phải hiện diện nơi đứa bé. Nếu những nét tiêu biểu cụ thể là hoàn toàn đồng nhất với nét tiêu biểu của phía bên này hoặc bên kia, sự đánh giá tương ứng cho mỗi trường hợp được đưa ra và vai trò tiếp theo về hành vi đạo đức có thể ảnh hưởng rõ ràng lên phía bên này hoặc phía bên kia được xác lập.
Ngược lại, trong xã hội Trobriand, những tín điều của nền văn hóa cho rằng một đứa bé không thể nào giống người mẹ hay người bà con nào khác - chỉ cần có dấu vết giống là cũng gây ra cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, sự giống người cha luôn luôn cần phải khẳng định và cố mà khẳng định dù có phải giả vờ. Những nét riêng biệt vật chất cụ thể của người cha chứ không phải là của người mẹ thuộc về nhân cách đương nhiên được truyền sang đứa trẻ. (Dĩ nhiên, trên thực tế rất nhiều đặc điểm tiêu biểu của người mẹ cũng được truyền sang những đứa trẻ thông qua học hỏi hoặc sự chung đụng trong cuộc sống).
Một thói quen kỳ quặc của người Trobriand là niềm xác tín: những người anh em ruột thịt thì không bao giờ giống nhau. Đã có lần, nhân khi một số người Trobriand nhận xét một nhóm anh em giống với cha họ như thế nào, Malinowski gợi ý rằng nếu theo niềm xác tín này thì những người anh em này vì không thể giống nhau nên mỗi người phải giống một người nào khác, không phải là người cha. Những người dân bản xứ này đã không giấu giếm một phản ứng thô lỗ với một “nhận xét vụng về'' như vậy. Trong trường hợp này, việc suy luận theo phương pháp tam đoạn luận rõ ràng không thể đối chọi với một nhận thức văn hóa đã bị đóng khung. Theo quan điểm nhận thức của người Trobriand, chỉ có người điên mới thấy anh em ruột thịt là giống nhau.
Rất có khả năng là một vài loại tính khí và một vài loại thể trạng nào đó thường có khuynh hướng kết hợp với nhau. Như ý tưởng ẩn dụ thành niềm tin trong bài ca dân gian sau của chúng ta:
Phải chi mình là một người mập mạp,
Đầu mượt mà nhẵn bóng, đêm ngủ ngáy o o,
Đây như Yon Cassius gầy gò đói kém;
Nghĩ ngợi nhiều, con người của hiểm nguy.
Tóc đỏ có tính khí nóng nảy, tóc vàng thường hay chóng mặt, người mập thường vui tính. Nhưng có thực sự như vậy không? Trong số các nhà nhân chủng học, các giáo sư Earnest Hooton và william Sheldon là những người đã lãnh đạo các cuộc thử nghiệm khoa học về vấn đề này trong một sự nỗ lực mạnh mẽ Hooton đã đo và xếp loại những tù nhân Mỹ, sau đó so sánh những đặc điểm cơ thể của họ với những người không phạm tội. Từ những phát hiện của mình, ông đi đến một kết luận rằng mỗi loại tầm vóc cơ thể tiêu biểu nào đó đều liên hệ đến một dạng tội phạm tương ứng. Sheldon có một đóng góp quan trọng với việc phát triển phương pháp chụp ảnh đồ họa, trong đó đối tượng đứng trước một bảng nền kẻ ô vuông; các số đo liên quan từ tấm hình cho phép phân loại cơ thể cá nhân đó một cách tương đối dễ dàng. Từ những cố gắng của Sheldon, một số thành tựu khác như thang điểm xếp loại tính khí tương ứng với từng loại thể trạng tiêu biểu cũng được xác lập.
Phương pháp trên hầu như chỉ đủ để xác định những mối tương quan tâm sinh lý cho từng loại thể trạng đã được phân loại riêng biệt. Tuy vậy, dù đã có những lỗ lực dũng cảm của Hootons và Sheldon, những vấn đề kỹ thuật của phương pháp này về phương diện chứng minh theo khoa học vẫn chưa được xác lập một cách đầy đủ; để cho phép chúng ta có thể kết luận với một mức độ đáng tin cậy có những tương quan đến từng chi tiết như vậy (giữa thể trạng và các dạng tội phạm). Không một học giả nào dám gán ghép những tương quan này với những biến đổi văn hóa quan trọng như tầng lớp xã hội, cộng đồng chủng tộc, công ăn việc làm, thu nhập, hoặc chế độ ăn uống trong các công trình nghiên cứu của mình và do vậy không đánh giá được một cách trung thực và rõ ràng một số những biến đổi cụ thể của xã hội.
Theo quan điểm thông thường, khoa chủng tộc sinh vật học được lập ra để tìm kiếm và ghi nhận những gì được cho là tiêu biểu, đặc trưng về tâm sinh lý và hành vi của những chủng tộc khác nhau. Nhưng quan điểm này lại mâu thuẫn với khoa tâm lý học và nhân chủng học (xem chương 14), các nhà nhân chủng học chuyên về lãnh vực văn hóa và nhân cách không xem đây là một phạm vi đáng nghiên cứu riêng biệt.
Môi trường vật chất tự nhiên là một yếu tố trong sự hình thành nhân cách
Các nhà nhân chủng địa lý học thế kỷ XIX đã cố gắng giải thích các đặc trưng dân tộc theo yếu tố môi trường vật chất tự nhiên. Cư dân miền núi thường nặng tính cá nhân và thô lỗ, những người ở vùng khí hậu ôn hòa thì có óc sáng tạo và năng động, cư dân của vùng nhiệt đới lại có phần lười biếng nhưng phát triển sớm về giới tính và đại loại với một bảng liệt kê dài dặc những phân loại nổi bật khác. Những công trình địa lý nhân chủng đầu tiên của các nhà nhân chủng học thế kỷ XIX thường tỏ ra nông cạn và kém chất lượng nên ít nhiều đã bị đào thải, chẳng hạn như quan niệm chủng tộc là yếu tố cơ bản để xác định những đặc trưng tiêu biểu của tâm sinh lý và hành vi.
Tuy nhiên, có một thực tế là những thành phần chứa đựng trong thực phẩm hoặc chế độ ăn uống hằng ngày, có thể ảnh hưởng đến hệ thống tuyến nội tiết của toàn bộ các dân tộc. Một dân tộc phải thích ứng trong môi trường hoặc địa cực băng giá, hoặc sa mạc hoang vắng, hoặc vùng rừng rậm nhiều mưa cũng là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng. Những điều kiện khác biệt về độ cao và áp lực không khí cũng không phải là không có những ảnh hưởng nhất định lên nhân cách. Vì vậy, những vấn để quan trọng trên không được bỏ qua và cũng như sự sáng tạo của giáo sư John Whiting khi tìm kiếm mối tương quan nhân quả giữa những hành động truyền giống của con đực với chế độ đa thê và khí hậu là một thí dụ rõ ràng về tầm quan trọng của yếu tố môi trường.
Những yếu tố văn hóa định hình nhân cách
Những định tố văn hóa dựng lên những khuôn mẫu và những giới hạn cho các hành vi bình thường trong bất kỳ xã hội nào. Theo như cách nói của Miller và Dollard, văn hóa là “… một sự thừa nhận về ý đồ còn rối rắm của con người, về những hình thức khen thưởng và về những trách nhiệm cần được khen thưởng”. Sự vận hành của những yếu tố quyết định (định tố) cũng như sự phản hồi của chúng ảnh hưởng đến những phản ứng của nhân cách, và ngược lại là chủ đề của phần còn lại của chương này.
Những đặc điểm về tư chất đối với kinh nghiệm cá nhân
Mỗi cá nhân có một lịch sử cá nhân duy nhất. Không phải tất cả mọi lãnh vực trong một nền văn hóa của xã hội đều mở ra đồng đều trước tất cả mọi người, những dị biệt về tình trạng bản thân (thân phận) cũng có nghĩa là những dị biệt trong những tình huống xã hội và trong kinh nghiệm cá nhân. Những điều này có nghĩa là có những dị biệt giữa vai trò của bản thân và nhân cách. Tuy nhiên, có một thực tế quan trọng hơn nữa là những người có tình trạng bản thân giống nhau - như những cặp sinh đôi – không bao giờ có những trải nghiệm sống như nhau. Người mẹ có thể yêu đứa này hơn đứa kia; có thể đứa bé này bị bỏng ngón tay nhưng đứa kia thì không. Người phụ nữ này có thể gặp một tai nạn ô tô, nhưng người kia không gặp. Đứa trẻ này bị rớt xuống sông nhưng đứa kia lại không. Chưa có hai cá nhân nào có chung những cảnh ngộ trải nghiệm giống nhau trong xã hội, dù là những cặp song sinh hoàn toàn giống nhau. Từ những phân tích tâm lý chúng ta biết được rằng những ngẫu nhiên lịch sử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều hướng phát triển nhân cách.
Nền văn hóa có khuynh hướng tiêu chuẩn hóa các loại nhân cách bằng cách chuyển hóa kinh nghiệm của tất cả cá nhân vào chung một dòng chảy rộng lớn hơn. Nhưng cuộc sống được tạo thành bởi quá nhiều cảnh ngộ, vô vàn tình huống và cũng bởi vô số trải nghiệm phức tạp khác nhau, cho nên một sự tiêu chuẩn hóa tuyệt đối có thể không bao giờ thực hiện được.
Một phân loại toàn diện những yếu tố quyết định hình thành nhân cách
Vì vậy nhân cách được hiểu là một tổng hợp những hành vi của:
1. Cấu thành vật chất tự nhiên của một cá nhân (bao gồm hệ thần kinh và các tuyến cơ thể).
2. Đặc tính sinh lý hóa của môi trường.
3. Những khuôn mẫu của nền văn hóa.
4. Những tính cách chủ quan về sự vật, các phản ứng, toàn bộ lịch sử của cá nhân trong quan hệ với tha nhân hay sự vật. Bốn phạm trù này xuất phát từ căn bản của các cấp độ trật tự tự nhiên và tính chất của kinh nghiệm cá nhân.
Sự phức tạp vô cùng của các yếu tố tương tác cân nhau - dù được thông hiểu một cách lý tưởng, dù có thể có được qua sự cố gắng tưởng tượng tất cả các bước đi của quá trình tích tụ dữ liệu sống của chỉ một con người - cũng không nói lên được điều gì về bất cứ một mẫu hình tượng trưng nào trong xã hội. Nhận định trên là cơ sở vừa dùng để giải thích, vừa phân loại các định tố dưới dạng các tiêu chuẩn theo cấp độ phổ quát trong cuộc sống nhân loại. Bốn phạm trù được xây dựng dựa trên nguyên tắc này là:
1. Tính phổ quát - những định tố này phải tương đối bất biến trong tất cả nhân loại bất chấp các yếu tố khác như môi trường, văn hóa và dòng giống.
2. Tính cộng đồng - những định tố này phải tương đối bất biến và duy nhất đối với tất cả mọi thành phần của xã hội và không bị những thành phần của xã hội khác phản đối.
3. Vai trò - những định tố này phải được liên kết với các tình trạng bản thân cá nhân khác nhau trong xã hội.
4. Tư chất cá nhân - những định tố này là đặc thù chỉ có ở cá nhân đó, được tạo thành hoặc do lịch sử cá nhân mà có.
Tổng hợp những định tố này với bốn yếu tố được xây dựng từ cấp độ của trật tự tự nhiên, chúng ta có mười lăm cấu thành chủ yếu của nhân cách (Bảng 4-1)
Bảng 4-1: Những cấu thành của nhân cách
Các định tố xây dựng theo cấp độ trật từ tự nhiên | Các định tố xây dựng theo mức độ phổ quát trong thế giới con người |
Tính phổ quát | Tính cộng đồng | Vai trò | Bản chất cá nhân |
Văn hóa | Cấm kỵ giao hợp cùng huyết thống, hệ thống họ hàng, của cải, ma thuật, tôn giáo, nhà ở, tính toán thời gian… | Hình thức đặc thù của họ hàng, niềm tin về ma thuật và tôn giáo… | Những vai trò văn hóa đặc biệt khác nhau của các cộng đồng khác nhau trong xã hội. | |
Xã hội | Đời sống cộng đồng, nuôi dạy con cái… | Mức độ, sự phân bố và mật độ dân cư… | Các nhóm bạn bè, câu lạc bộ, hội đoàn… | Những trải nghiệm ngẫu nhiên trong các mối quan hệ xã hội. |
Thể trạng | Sinh đẻ, chết, đói, khát, tác động trao đổi chất, cấu trúc cơ-xương, xu hướng cơ bản… | Các biến đổi nòi giống theo các đặc điểm phổ cập, điều kiện y tế của cộng đồng… | Các dị biệt về tuổi tác và giới tính, giai cấp và đẳng cấp theo dòng tộc. | Các dị tật cá nhân về hình dáng, diện mạo, các tuyến nội tiết.. |
Môi trường tự nhiên | Áp lực không khí, trọng lực, trái đất, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, mây, gió, nước, lượng mưa… | Khí hậu địa phương, địa hình đời sống thực và động vật, các nguồn nguyên liệu thiên nhiên. | Quyền hành xử, sử dụng tài sản hoặc hàng hóa vật chất của các cộng đồng khác nhau. | Các ảnh hưởng khác thường của mưa bão, lụt lội, sấm sét và các hiện tượng thiên nhiên khác. |
Sự hợp nhất này còn định hướng phương thức để xác định được “các nhân cách của cộng đồng”. Như vậy những định tố có tính phổ cập khi đưa vào cuộc sống nhân loại sẽ sản sinh ra trên toàn thế giới một điều được gọi là “bản chất nhân loại”. Những đặc điểm có tính cộng đồng lại dẫn đến các loại đặc thù của xã hội và quốc gia. Những yếu tố có tính cách vai trò lại đúc kết thành những nhân cách riêng biệt của từng lứa tuổi khác nhau, giới tính, công ăn việc làm, giai cấp, địa vị khác nhau trong xã hội. Những yếu tố thuộc tư chất cá nhân lại đảm bảo cho tính độc nhất của mỗi cá nhân trong cuộc sống.