Tài liệu: Nguồn gốc của ngôn ngữ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Liệu việc phát hiện ra lửa hoặc chế tạo một cái rìu đá có đòi hỏi cần phải có ngôn ngữ?
Nguồn gốc của ngôn ngữ

Nội dung

Nguồn gốc của ngôn ngữ

Các bằng chứng hiển nhiên và hữu hình có thể lý giải những phỏng đoán đã được đúc kết về nguồn gốc của một nền văn hóa, nhưng có thể chúng ta chưa tìm ra một bằng chứng nào do con người để lại để có thể trả lời câu hỏi - khi nào và bằng cách nào ngôn ngữ đã đi vào cuộc sống của nhân loại? Liệu việc phát hiện ra lửa hoặc chế tạo một cái rìu đá có đòi hỏi cần phải có ngôn ngữ? Rõ ràng là không cần thiết, bởi vì xã hội và hành vi xã hội vẫn có thể xảy ra và hiện hữu mà không cần có ngôn ngữ. Nhưng sự phát triển các truyền thống theo thời gian đã chứng tỏ rằng, vượt lên trên những kiểu cách bắt chước hoặc sự diễn tả cảm xúc giản đơn, một số phương cách giao tiếp phức tạp dần dần trở nên rất cần thiết. Đầu thế kỷ này, khuynh hướng được ưa chuộng là tiêu tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ. Nhưng rồi vấn đề lại bị bỏ rơi nửa chừng, mãi cho đến thời gian hiện tại, vấn đề nguồn gốc của ngôn ngữ mới có các bước phát triển để trở thành những điều kiện tiên quyết trong việc nghiên cứu và thông hiểu các ngành sinh thái, xã hội, sinh lý học.[1] Quan trọng nhất, có lẽ là điều kiện tiên quyết đối với xã hội con người, về cái thực tế thời gian quá dài phải phụ thuộc của những người trẻ tuổi, và cũng như khuynh hướng chung sống thành nhóm (cộng đồng) của con người.

Nhưng liệu những con người đầu tiên hay những người tiền sử có thực sự biết nói? Khi những người vượn nhỏ bé phương Nam (Australopithecines – xem chương 9) ngồi lại với nhau, đập hoặc bẻ các ống xương để ăn và hút phần tủy bên trong, liệu họ có chia sẻ những ý nghĩ bằng lời nói? Ai có thể nói? Vẫn còn sự tranh luận: những tích sinh lý xuất phát từ những dấu vết của các hộp sọ hóa thạch của con người tiền sử, chứng minh có sự phát triển của những trung tâm ngôn ngữ của não bộ, là đáng tin cậy hay không? Nhưng dù con người cổ sơ có đạt đến một mức độ nào đó trong việc phát triển tiếng nói thì vẫn còn có những vấn đề khác được đặt ra như: liệu đây có phải đơn thuần là một sáng kiến và nó được phát kiến khi nào? Có lẽ sẽ chính xác khi kết luận rằng điều kiện tiên quyết dẫn đến sự xuất hiện của ngôn ngữ là hành vi của con người thay đổi tùy không gian và thời gian - trong đó, khi cuộc sống bầy đàn bắt đầu.

Sự phong phú của từ ngữ

Đã có một thời, người ta đánh giá theo lô-gích rằng một ngôn ngữ đang tồn tại là có thể cổ xưa hơn hoặc thuần nguyên hơn một ngôn ngữ khác. Nhận định này không phải lúc nào cũng đúng. Mỗi ngôn ngữ là một sản phẩm đã hoàn thành, tượng trưng cho một hệ thống hoàn hảo, trong đó mỗi một tiếng nói mang một ý nghĩa đầy đủ cho bất cứ tình huống hoặc sự vật nào của nhân loại. Những ý tưởng là một ngôn ngữ có thể diễn tả nằm trong một số phạm vì nào đó, tùy thuộc vào những lợi ích hoặc những quan tâm của xã hội mà trong đó ngôn ngữ này đang phát triển. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe một cuộc tranh luận về chủ nghĩa duy lý thực chứng hoặc về văn hóa nhân chủng học bằng tiếng Eskimo, nhưng như vậy đâu có nghĩa là những ý tưởng loại này không thể diễn đạt bằng tiếng Eskimo. Tương tự, một người Anh luôn phải sắp xếp lại những từ ngữ này nọ để truyền đạt một cách chính xác, tinh tế và tỉ mỉ những điều mà đôi khi người Eskimo có khả năng hiểu rõ và diễn đạt một cách dễ dàng. Chẳng có ngôn ngữ nào trong hơn 6000 ngôn ngữ đang có mặt trên thế giới được đánh giá là cổ xưa và thuần nguyên hơn cái nào.

Đôi khi, người ta thừa nhận rằng ngôn ngữ này phát triển hơn ngôn ngữ kia nếu nó có một kho từ vựng lớn hơn. Nhưng một trong những vấn đề nan giải nhất mà ngôn ngữ học phải đối mặt là việc định nghĩa chữ từ ngữ (word). Trong tiếng Anh, mạo từ “the” có phải là một từ? “the man” là một hay hai từ. Động từ “do” có thể xem như là một chữ, nhưng “does” hoặc “did” là gì? Trong trường hợp sau này, câu trả lời chắc chắn là sự biến đổi hình thái của một từ, nhưng từ sự biến đổi hình thái này lại phát sinh ra những câu hỏi xa hơn về ngôn ngữ và bản chất của nó. Những người nói tiếng Anh chỉ sử dụng một phần nhỏ nào đó trong cuốn từ điển, hoặc nói chính xác hơn là một phần nhỏ kho từ vựng tiếng Anh. Nhiều ngôn ngữ bất thành văn còn cần phải trau chuốt nhiều hơn nữa để có được những con chữ mà con người sử dụng trong các cuộc trò chuyện thông thường. Xét trên tiêu chí này, tiếng Anh là một ngôn ngữ đơn giản. Tiếng Ả Rập có hơn 1000 từ để chỉ “thanh gươm” và điều này hẳn phải mang đậm một ý nghĩa văn hóa hay biểu trưng nào đó của các xã hội Ả Rập; nếu nền văn hóa nặng về thơ ca, chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy có vô số những từ đồng nghĩa hoặc những hình ảnh đậm nét về thơ ca.

Các nhà nhân chủng học rất thích thú khi chỉ ra rằng người Eskimo có rất nhiều từ vựng để nói về tuyết, mỗi từ chỉ một trạng thái riêng biệt của tuyết: bông tuyết, tuyết khô mùa gió, tuyết cát, tuyết bột, tuyết ướt, tuyết gạch (dùng làm lều tuyết), băng… và đủ loại như vậy. Trên thực tế, chúng ta cỏ thể diễn tả những tình trạng khác nhau của tuyết bằng ngôn ngữ với những bổ nghĩa khác nhau, nhưng vấn đề là những người Eskimo - những người mà cuộc tồn sinh của họ phụ thuộc rất nhiều vào những hình thái của tuyết - không xem tuyết là hơi nước bị đông cứng hoặc “màn mỏng trắng xóa tuyệt đẹp buông xuống từ bầu trời trong một ngày lạnh lẽo”, mà chỉ là một loạt chất liệu khác nhau.

Các thị dân Mỹ không biết phân biệt giữa ba từ tuyết, mưa tuyết, hoặc bùn tuyết là ba phạm trù riêng biệt khác nhau để chỉ tình trạng kết đông của nước, bởi vì điều này xét ra không có ý nghĩa văn hóa hoặc lợi ích thiết thực đối với cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, từ khí môn thể thao trượt tuyết đầy khích động được du nhập và phổ biến rộng rãi ở Mỹ, thì trong kho từ vựng về tuyết của dân trượt tuyết lại có những từ phân biệt tương tự như người Eskimo, vay mượn từ ngôn ngữ Tyrol của người Áo, bởi vì rõ ràng hình thái của tuyết là rất quan trọng trong văn hóa trượt tuyết. Do vậy chúng ta lại nghe thấy các từ như pappschnee (tuyết nặng và khô), kornschnee (tuyết lúa, tan dưới ánh nắng mùa xuân và đông lại vào ban đêm), pulverschnee (tuyết bụi), fernschnee (tuyết đóng thành một lớp bên trên rộng và dễ vỡ), và...

Có một thí dụ tương tự trong cộng đồng văn hóa cưỡi ngựa của các chàng cao bồi xưa kia của chúng ta. Đối với hầu hết các thị dân miền Đông (nước Mỹ) thì con ngựa chỉ là con ngựa. Nhưng đối với dân cưỡi ngựa thì không đơn giản như vậy. Để phân biệt giới tính thì ngựa sẽ là con cái, con đực giống, con đực thiến...; để phân biệt về màu sắc thì ngựa sẽ là con xám, con nâu đỏ, con đốm, con lang, con bờm vàng, con mặt trắng.

Những ví dụ này muốn nêu ra nguyên tắc cơ bản là mỗi ngôn ngữ tìm mọi cách thích đáng để diễn tả những yêu cầu của nền văn hóa. Khi nền văn hóa phát triển thì ngôn ngữ cũng phát triển theo. Nếu hệ thống kiến thức và niềm tin hàm chứa trong nền văn hóa đòi hỏi sự diễn tả những tư tưởng trừu tượng mới mẻ, thì ngôn ngữ sẽ cung cấp những phương cách để đưa những tư tưởng này vào hiện thực mà không cần chú ý đến các ràng buộc cú pháp này nọ. Nếu một nền văn hóa nặng về văn chương hoa mỹ diễn thuyết, chuyện kể dân gian hoặc thơ ca thì những nhu cầu văn hóa này sẽ tìm ra cho mình một sự diễn đạt ngôn ngữ thích hợp với xu hướng này. Hiện tại không còn một ngôn ngữ nào quá đơn sơ ở mức bị hạn chế trong cách diễn đạt hoặc chỉ có thể diễn tả ý tưởng một ách rời rạc, nửa vời như trong buổi ban đầu trọ trẹ lên tiếng của nhân loại.

Trên thực tế, tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ châu Âu khác cùng song hành với một nền văn hóa mà trong đó có sự dị biệt lớn lao giữa chức năng và phạm vi hoạt động. Vì mỗi chuyên ngành có những từ ngữ chuyên môn riêng cho nên không ai có thể ôm đồm nguyên cả từ điển của một ngôn ngữ. Và mỗi nền văn hóa lại có những chuyên ngành riêng của mình, chuyên biệt hoặc không. Nếu ai đó vẫn còn có ý niệm rằng ngôn ngữ vốn trong sáng và không có khả năng diễn đạt những ý nghĩ hoặc tư tưởng phức tạp, đây là một ý niệm phổ thông trong thế kỷ mười chín và là một sai lầm cần phải đóng đinh và đóng thật chặt để chôn lấp nó đi. Đây là một sự lừa dối giống như vụ tung tin vịt của vị thuyền trưởng nổi tiếng John G. Bourke. Ngôn ngữ của thổ dân da đỏ Apache thiếu từ vựng đến độ họ phải thực hiện những cử chỉ và dấu hiệu để truyền đạt ý nghĩ với nhau và do vậy ban đêm họ không thể nói chuyện với nhau, trừ khi họ tụ tập chung quanh một đống lửa trại.

Chữ viết

Một số ngôn ngữ có chữ viết, một số không có. Thực ra, từ “cổ sơ hoặc nguyên thủy” (dùng trong ngôn ngữ học) đồng nghĩa với “không có chữ”. Nhưng khi nhà nhân chủng ngôn ngữ học chú ý đến các thành phần của ngôn ngữ, họ chỉ quan tâm đến hệ thống phát âm, hoặc chính xác hơn là hệ thống nói-nghe, cái được nói và cái được nghe. Chữ viết không mang một ý nghĩa sống còn đối với một ngôn ngữ. Tiếng Anh đâu có được viết tốt như tiếng Hoa. Khi được viết ra, tiếng anh phải dùng những mẫu tự La-tinh. Những hệ thống chữ viết là những phát kiến có nguồn gốc từ những thời đại khá ra xưa, có thể là ở thời đại đồ sắt và đồ đồng. Ngôn ngữ đã hiện diện từ trước, rất lâu trước đó. Chúng ta không nên nghĩ rằng một ngôn ngữ sẽ kém giá trị hoặc nhếch nhác, chẳng ra làm sao bởi vì nó không có chữ viết. Trái lại, ngôn ngữ không chữ viết thường phổ cập hơn và duy trì được một cách trung thực hơn truyền thống nói - sự đúng đắn và chính xác của tiếng nói, bởi vì giữa tiếng nói và chữ viết thường có một khoảng cách nhất định và khoảng cách này lại không đảm bảo sự trung thực giữa những ý nghĩ và tiếng nói. Cách sử dụng chữ viết trong tiếng Anh hiện nay dựa vào cách phát âm chỉ là một ngoại lệ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2450-02-633535409570781250/Van-hoa-va-ngon-ngu/Nguon-goc-cua-ngon-ng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận