Tài liệu: Chế độ giao phối ưu tiên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Gia đình là một yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong cấu trúc xã hội của tất cả các xã hội
Chế độ giao phối ưu tiên

Nội dung

Chế độ giao phối ưu tiên

Gia đình là một yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong cấu trúc xã hội của tất cả các xã hội; văn hóa không chỉ xác định người nào ta không được kết hôn mà còn đi xa hơn thế, chỉ định những người nào, các giai cấp nào mà ta nên hay phải kết hôn với họ. Những giới hạn này tạo nên các qui luật về sự ưu tiên giao phối. Mỗi loại ưu tiên kết đôi có những nguyên nhân chức năng riêng và vì thế phải được giải thích riêng rẽ. Hơn nữa, việc thực hiện và ảnh hưởng của bất kỳ một loại ưu tiên kết đôi nhất định nào, cũng có thể là rất khác biệt trong những bối cảnh văn hóa khác nhau. Cho nên những sự giải thích về tính chất chính xác của các yêu cầu trong mỗi nền văn hóa, nếu phải làm một sự phân tích chính xác, là rất cần thiết. Việc này là vượt ngoài thẩm quyền của phần nhập môn nhân chủng học của chúng tôi, nhưng các tính chất đặc trưng của các hình thức ưu tiên kết đôi có thể qui lại một cách đây đủ thành những nguyên tắc tổng quát.

Qui luật nội hôn

Nội hôn (endogamy) là hình thức trái ngược đối với chế độ ngoại hôn. Đó là một qui luật xã hội buộc người ta chỉ được kết hôn với một người trong một cộng đồng văn hóa mà mình là một thành viên. Qui luật nội hôn ít phổ biến hơn qui luật ngoại hôn. Khác với ngoại hôn, qui luật nội hôn không áp dụng vào một loại xã hội đặc biệt cụ thể nào. Dù vậy, tính chất nội hôn cũng được nhận ra trong nhiều xã hội, mặc dù qui luật của nó là không thành văn và không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nội hôn thường được thể hiện dưới dạng một khuynh hướng, chứ không thực sự là một yêu cầu. Qui luật này cũng có thể được áp dụng vào bất cứ một nhóm xã hội nào. Tuy vậy, sự thảo luận về các cấm kỵ tội loạn luân đã cho thấy, do áp dụng qui luật ngoại hôn mà qui luật nội giao không xảy ra trong gia đình và thị tộc. Các qui luật ngoại hôn và nội hôn là trái ngược nhau, cho nên không thể cùng lúc áp dụng vào cùng một nhóm xã hội. Bên trong các nhóm nội hôn luôn luôn phải có ít nhất hai tiểu nhóm ngoại hôn.

Hệ thống nội hôn nổi tiếng nhất thế giới là tổ chức đẳng cấp ở Ấn Độ, với trên dưới hai ngàn giai cấp và tiểu giai cấp trong đó hôn nhân giữa người của giai cấp này với người của giai cấp khác là bị cấm, vì người ta cho rằng kết hôn với người giai cấp thấp hơn là làm ô uế cho người ở giai cấp trên. Bản hiến pháp mới của Ấn Độ muốn thi hành các nguyên tắc bình đẳng dân chủ và tinh thần nhân ái huynh đệ của Gandhi, xóa bỏ đẳng cấp và các qui luật nội hôn của đẳng cấp, nhưng cũng giống như sự hòa nhập chủng tộc ở Mỹ, Ấn Độ còn phải mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa để đạt đến lý tưởng của Gandhi[1].

Ở Sudan, có vô số bộ lạc mà trong đó qui luật nội giao theo đắng cấp rất phổ biến. Trong cộng đồng người Masai ở Đông Phi, giới thợ kim loại tập họp lại thành một đẳng cấp nghề nghiệp cùng đinh chịu sự thống trị của đẳng cấp chiến sĩ. Người của mỗi đẳng cấp chỉ kết hôn với người cùng đẳng cấp với mình. Người Ruanda láng giềng của họ chia ra nhiều đẳng cấp - đẳng cấp quí tộc cao lêu khêu, nắm quyền cai trị và nghề chăn nuôi - họ vẫn là những kẻ chinh phục gốc người ngoại quốc từ phương Bắc tới - người Hutu sống bằng nương rẫy, và người săn bắn Twa thấp bé. Thỉnh thoảng một người Tussi trong đẳng cấp cai trị có thể kết hôn với một phụ nữ Hutu, nếu anh ta quá sa sút không thể kiếm được một người vợ trong cùng đẳng cấp với mình. Nhưng không một người Tussi hay Hutu nào chịu hạ mình kết hôn với một người Twa[2]. Chương 27 sẽ giải thích chi tiết hơn một số cấu trúc đẳng cấp ở một số khu vực trên thế giới.

Trong khi các đẳng cấp thực thi qui luật nội hôn một cách quyết liệt, thì các giai cấp xã hội cũng có khuynh hướng tương tự mà không cần đưa ra các qui luật rõ ràng. Chúng ta rất quen thuộc với các hình thức rất tinh vi trong lãnh vực này. Điều này bắt nguồn từ sự mong muốn duy trì các phẩm chất riêng biệt và lòng tự tôn của cộng đồng hay của giai cấp. Hôn nhân qua lại giữa các cộng đồng là một cách san đều các đặc điểm văn hóa và chủng tộc, làm mất dần đi những đặc tính cá biệt. Những cộng đồng hướng nội bảo thủ thường mơ hồ cảm thấy các giá trị của họ là quá lớn lao không thể từ bỏ để mở hướng cho việc gỡ bỏ cái rào cản của qui luật nội hôn.

Người Do Thái Chính thống có thể không kết hôn với người không phải Do Thái để khỏi chịu sự trừng phạt của giáo hội và gia đình, rồi tiếp đó còn phải thực hiện các nghi lễ khóc than người chết. Những qui định cấm đoán cũng được đặt ra để ngăn cấm việc kết hôn giữa người Công giáo và người-không-công-giáo. Các hình thức đặc biệt của qui luật nội giao diễn ra trong các dân tộc sơ khai, bao gồm nội giao trong một làng như của người da đỏ Bella Coola miền duyên hải Tây Bắc và đặc biệt nội hôn trong một dòng họ của nhiều xã hội Hồi giáo ở Trung Đông, Pakistan, và Ấn Độ, những nơi áp dụng chế độ hôn nhân giữa anh em chú bác.

Hôn nhân giữa anh chị em chú bác. Một thanh niên kết hôn với con gái của người bác hay chú ruột mình là một ngoại lệ đặc thù trong các cộng đồng thị tộc và dòng họ theo chế độ ngoại hôn. Sự kiện này có nguồn gốc phát xuất từ những người Semite được đề cập trong kinh thánh, là những người theo chế độ phụ hệ, sống bằng nghề chăn nuôi gia súc, và được củng cố bởi những tín đồ Hồi giáo (một tôn giáo do Muhammed thành lập vào thế kỷ thứ bảy) và về sau lan truyền sang những người Hồi giáo Pakistan và Ấn Độ. Hôn nhân giữa anh chị em chú bác là một hình thức hôn nhân ưu tiên, và có lúc là điều bắt buộc, đòi hỏi người ta phải chọn một người vợ trong vòng thân thích. Kinh Cựu Ước, bản King James (câu 36:8-9) viết: “Và mỗi người con gái được hưởng thừa kế trong bất cứ một chi phái nào trong các con cái Israel, phải làm vợ trong gia đình [theo dòng cha] của một chi phái của cha mình, như thế mọi con cái Israel đều có thể hưởng được sự thừa kế của tổ phụ. Không được chuyển quyền thừa kế từ chi phái này sang chi phái khác (Nguyên văn tiếng Anh: “And every daughter that possesseth an inheritance in anh tribe of the children of israel, shall be wife unto one of the family [patrilineage] of the tribe of her father, that the children of Israel may enjoy every man of the inheritance of his fathers. Neither shall the inheritance remove from one tribe to another tribe.”

Và thế là khi Jacob theo lời cha là Isaac, không lấy ai trong số các con gái của Canaan làm vợ, mà lấy con gái của cậu ruột mình, tức là lấy theo dòng cha của chính ông ta. Việc Leah và Rachel là anh em cô cậu là chuyện ngẫu nhiên. Có thể nhận ra ý nghĩa của sự kiện nếu lần theo dấu tổ tiên của Jacob và của vợ ông ta ngược đến Terah và đến các con trai ông ta là Abraham và Nahor. Abraham là ông nội của Jacob, thông qua Isaac. Các bà vợ của Jacob là Leah và Rachel là hậu duệ trực hệ của Tra qua Nahor, Bethuel, và Laban. Jacob lấy con gái của cháu nội của em trai của ông nội ông ta (his father’s father’s brother’s son's son's daughter) - tất cả đều là các thành viên trong cùng một dòng dõi phát xuất từ Terah (Gen. 11:27)

Trong một số cộng đồng người Ả-Rập, một người đàn ông có toàn quyền kết hôn với con gái của chú hay bác ruột của mình; một cô gái bắt buộc phải kết hôn với con trai của chú hay bác mình, trừ phi anh ta từ bỏ quyền ưu tiên đó để cưới người khác. Và khi từ bỏ quyền ưu tiên kết hôn với người chị hay em chú bác này, chàng trai này được quyền đòi người ta đền bù cho mình một số của cải hay tiền bạc. Hơn nữa, nếu người con gái lấy một người chồng khác mà không được những người anh em chú bác của mình cho phép, thì người anh em họ của cô có quyền giết cô hoặc giết cha cô, tức là chú hay bác của anh ta, nếu ông ta là người dàn xếp cuộc hôn nhân trái luật đó. Ở Pakistan, từ chối chấp nhận một cuộc hôn nhân như thế thường đưa đến hậu quả xung đột nghiêm trọng giữa các anh chị em. Leach hoàn toàn có lý khi cho rằng luật Hồi giáo chỉ định các quyền rộng rãi cho con gái hưởng thừa kế là đi ngược lại nguyên tắc phụ hệ, và chế độ hôn nhân giữa anh chị em chú bác nhằm mục đích cho con gái cũng được chia phần tài sản trong phạm vi dòng họ[3]. R. F. Spencer, Murphy và Kasdan[4] cho rằng hôn nhân giữa các anh chị em chú bác là một hậu quả của tổ chức chính trị thấp kém của các cộng đồng chuyên chăn nuôi thú vật và đánh giết nhau, không có lấy một quyền lực trung ương của bộ lạc, họ cần lùa tất cả sức người và các đàn súc vật ra chống lại các cuộc tấn công của những dòng họ địa phương cạnh tranh nhau. Bằng cách kết hôn qua lại với nhau trong cùng cộng đồng, họ củng cố được khối đoàn kết của các lực lượng chiến đấu nam giới.

Barth chỉ ra minh chứng rằng trong cộng đồng những người Kurd đã phát triển một cấu trúc chính trị phong kiến cùng với cơ cấu theo quan hệ dòng họ, thường không xảy ra các cuộc hôn nhân giữa anh chị em chú bác. Ở những nơi có đủ các thể loại định chế kinh tế chính trị hỗ trợ cho cấu trúc dòng họ của người Ả-Rập, thì hôn nhân giữa anh chị em chú bác không còn nhiều ý nghĩa về mặt chức năng, và trên thực tế là cũng ít khi xảy ra[5]. Báo cáo của Patai cho thấy với những cộng đồng người Ả -Rập sống trong các thành phố hiện đại, vấn đề dòng họ đã ngày càng mất dần ý nghĩa, hôn nhân giữa anh chị em chú bác giờ chỉ còn là phong tục tàn dư, vì các lý do hàm ý chức năng tồn tại của nó nay không còn nữa.

Sự tồn tại dai dẳng và mạnh mẽ của tục kết hôn giữa anh chị em chú bác trong những cộng đồng Hồi giáo củng cố nguyên tắc cho rằng, sự cấm kỵ loạn luân không mang tính sinh học trong bản chất. Khi có những lý do thúc bách cho các cuộc hôn nhân trong cùng một cộng đồng thân thuộc về mặt văn hóa, họ có thể vứt bỏ ngay cả những khuynh hướng ngoại hôn bình thường.

Hôn nhân giữa anh chị em cô cậu

Hôn nhân giữa anh chị em cô cậu hoàn toàn không phải là chuyện bất thường năm thì mười thuở. Đó là một dạng hôn nhân ưu tiên, hoặc thậm chí là bắt buộc hầu như trong tất cả các bộ lạc ở miền Bắc và miền Trung châu Úc, và nhiều nơi ở Melanesia. Nhiều người ở châu Á bị buộc phải lấy nhau giữa các anh chị em cô cậu, như những người Trung Hoa thời xưa. Người Phi châu, ngoại trừ người Sudan, cũng theo tập tục này. Mặt khác, người Polynesia lại chẳng quan tâm đến chuyện này, ngoại trừ những thổ dân ở Tonga có tiếp xúc với người Fiji ở Melanesia. Trong cộng đồng thổ dân châu Mỹ, hôn nhân giữa anh chị em cô cậu xảy ra ở California, và vùng Đại Bình Nguyên, cũng như rải rác trong những cộng đồng người Algonquin ở miền Đông Bắc.

Trong 565 mẫu xã hội của Murdock, có những báo cáo rất chi tiết về hôn nhân giữa anh chị em cô cậu của 492 nền văn hóa. 377 trong số này, tức gần bằng bốn phần năm, chọn ưu tiên hôn nhân giữa anh chị em cô cậu, trong khi một phần năm còn lại thì cấm. Trong số những xã hội có xảy ra hình thức hôn nhân giữa anh chị em cô cậu thì có 313, hoặc 82 phần trăm, cho phép con trai được kết hôn hoặc với con gái của dì (em gái của mẹ) hoặc với con gái của cô (em gái của cha). Họ thực hiện hôn nhân giữa anh chị em cô cậu theo lối song phương (bilateral) hay đối xứng (symmetrical). Sáu mươi bốn nền văn hóa trong số mẫu xã hội được khảo sát giới hạn hôn nhân giữa anh chị em cô cậu chỉ trong một dạng anh em họ. Loại hôn nhân ưu tiên đó là đơn phương hoặc không đối xứng: chỉ hướng về một bên. Trong dạng này, bốn mươi tám trường hợp là theo bên đàng mẹ, nghĩa là, người con trai kết hôn với con gái của chị/em gái của mẹ (con của dì ruột mình) (Hình 22-2, phần trên), chỉ có mười sáu phần trăm theo bên đàng cha, nghĩa là, người con trai kết hôn với con gái của chị/em gái của cha (con gái của cô ruột mình) (Hình 22-2, phần dưới).

Các lý giải về hôn nhân giữa anh chị em cô cậu. Tại sao người ta lại có khuynh hướng ưa thích loại hôn nhân giữa anh chị em họ, nhất là giữa anh chị em cô cậu? Và tại sao trong hôn nhân giữa anh chị em cô cậu người ta lại thường thích hình thức đối xứng hơn bất đối xứng? Tại sao người ta thích cưới con gái của dì làm vợ theo tỉ lệ ba lần nhiều hơn là cưới con gái của cô? Chỉ có thể giải đáp những câu hỏi này căn cứ theo các dạng tổ chức quan hệ họ hàng cụ thể của những bộ lạc được đề cập. Có hai thuyết chính lý giải hiện tượng hôn nhân giữa anh chị em cô cậu. Thuyết thứ nhất là Lý thuyết của Lévi-Strauss về trao đổi hôn nhân; thuyết thứ hai là Lý thuyết của Homans-Schneider về vị trí của quyền lực pháp lý.

Thuyết Lévi-Strauss. - Nhà nhân chủng học xuất sắc người Pháp Claude Lévi- Strauss lập luận rằng sở dĩ có hôn nhân giữa anh chị em cô cậu là vì, nó gia tăng sự hòa nhập xã hội thông qua cách qui tắc hóa sự tương thuộc (interdependence) của cộng đồng trong việc trao đổi phụ nữ với nhau[6]. Lévi-Strauss dựa vào thuyết của người tiền bối là Emile Durkheim (1858 - 1917) để cho rằng, quá trình phát triển của xã hội loài người đòi hỏi sự chuyên môn hóa và phân công lao động; rằng sự chuyên môn hóa cần có sự ổn định của tình trạng tương thuộc lẫn nhau, nếu không xã hội sẽ tan vỡ. Chức năng cơ bản của việc trao đổi là tăng cường thêm tính tương thuộc và sự thống nhất xã hội. Theo Lévi-Strauss, phụ nữ là thứ hàng hóa hiếm và rất qúi. Vì thế, trao đổi phụ nữ là điều quan trọng hàng đầu trong cách thể hiện sự tương thuộc. Trong hôn nhân giữa anh chị em cô cậu theo song phương hay đối xứng, phụ nữ được trao đổi theo tất cả mọi chiều hướng qua lại; như thế có thể ràng buộc các nhóm có liên quan vào với nhau chặt chẽ hơn, song không tạo được một nguyên tắc hòa nhập mạnh mẽ. Lévi-Strauss chứng minh rằng hôn nhân giữa anh chị em họ về đằng mẹ trong một xã hội mẫu hệ dẫn đến kết quả nhóm A trao phụ nữ của họ cho nhóm B, nhóm này lại trao phụ nữ của họ cho nhóm C, rồi nhóm C trao cho nhóm A.

Ba nhóm này tạo thành một xã hội liên kết trong một vòng tròn chặt chẽ với nhau (Hình 22-3)[7]. Điều này cho ta thấy hôn nhân giữa anh chị em họ về đàng mẹ là theo một nguyên tắc, hoặc một sự bắt buộc, hơn là chỉ theo ý thích. Lévi-Strauss lý luận rằng hôn nhân giữa anh chị em họ về đàng mẹ trong những xã hội theo chế độ mẫu hệ là phương cách tốt nhất để tạo lập sự đoàn kết xã hội.

Thuyết Homans - Schneider. Từ những năm 1950, giữa các chuyên gia về ngành nhân chủng xã hội học đã có những cuộc tranh luận về tính hợp lý của thuyết Lévi-Strauss. Tuy nhiên, các lý lẽ nêu ra là quá thiên về kỹ thuật, không thể đề cập đến trong một giáo trình nhập môn. Tuy vậy, một lý thuyết khác căn cứ trên sự kiện các cuộc hôn nhân với con gái của anh/em trai của mẹ (con của cậu) cũng xảy ra nhiều gấp ba lần như hôn nhân với con gái của em gái của cha (con của cô) và những cuộc hôn nhân đó cho thấy một sự tương liên tích cực (chỉ số phi = 0.181 - phi Ø chữ cái Hy-Lạp, thường dùng để biểu thị đường kính, nhưng ở đây dùng để chỉ tần số xuất hiện của hình thức hôn nhân tương quan với cấu trúc xã hội - ND) với sự hiện hữu của các nhóm con cái thuộc dòng cha. Homans và Schneider chỉ ra rằng trong những xã hội như thế, cha là người nắm giữ quyền lực, trong khi cậu (anh/em của mẹ) chỉ như người bạn có tuổi, người hỗ trợ, cố vấn của đứa con trai (của người cha). Người con trai đó với vợ (và con gái của cậu) là một biểu hiện của mối quan hệ về mặt tình cảm này với người cậu, vốn là người thân thích chớ không phải là một thành viên trong nhóm thân tộc bên cha.[8]

Thuyết của Lévi-Strauss được xây dựng trên tiền đề cho rằng các nhu cầu đoàn kết xã hội làm nảy sinh hôn nhân giữa các anh chị em cô cậu không đối xứng (một lý lẽ mang tính cơ cấu). Thuyết của Homans Schneider xây dựng trên tiền đề cho rằng quá trình cư trú, tổ chức quan hệ họ hàng, và vị thế quyền lực sản sinh ra những tác động tâm lý có thể đưa đến những loại hình hôn nhân đặc biệt giữa anh chị em cô cậu. Hai quan điểm bày tỏ sự dị biệt giữa ngành nhân chủng xã hội học theo trường phái Anh-Pháp, và ngành nhân chủng học Mỹ theo định hướng văn hóa và tính cách, như chúng từng tồn tại từ 1940 đến 1965.

Quan hệ do hôn nhân, tục thay thế người, và hôn nhân nối dây

Phổ biến hơn các qui luật tổng quát về chế độ ngoại hôn là các qui luật về hôn nhân ưu tiên, vốn đưa hôn nhân ngoại hôn vào giữa những anh em bạn rể (anh em cột chèo) và chị em bạn dâu, do đó được gọi là “hôn nhân cột chèo” (affinal marriage), hoặc hôn nhân giữa những người trở thành bà con qua quan hệ hôn nhân (marriages to relatives through marriage). Việc xác định những cuộc hôn nhân đó là “hôn nhân thông qua quan hệ hôn nhân”, như các nhà nhân chủng học Anh và Mỹ vẫn thường làm, là nhấn mạnh vào hình thức của cuộc hôn nhân. Các nhà nhân chủng học Hà Lan, những người chú trọng vào tầm quan trọng về phương diện chức năng của những cuộc hôn nhân đó, gọi chúng là hôn nhân thế người hay hôn nhân nối dây, vì chức năng của chúng là tiếp tục mở rộng mối quan hệ giữa hai nhóm thân tộc của hai thành viên kết hôn đầu tiên, để giữ cho con cái của cuộc hôn nhân đầu tiên đó vẫn là trong gia tộc. (Thực ra “nối dây” là một khái niệm Việt Nam chỉ một tập tục hôn nhân của những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhưng nó cũng mô tả chính xác hiện tượng xã hội được đề cập ở đây, trong lúc thuật ngữ tiếng Anh gọi là “hôn nhân liên tục”, continuation marriage, không được chính xác lắm - ND)

Tục nối dây phía nhà chồng. Cuộc hôn nhân của một phụ nữ với anh hai em trai của chồng, thường được gọi là hôn nhân nối dây phía nhà chồng (levirate), là một tục rất phổ biến đối với nhiều dân tộc trên thế giới. Với một hình thức nối dây đơn giản, cuộc hôn nhân này diễn ra sau khi người chồng qua đời, người quả phụ được “thừa kế” bởi anh hoặc em trai của người quá cố. Trong trường hợp “nối dây dưới” chỉ người em trai được quyền “thừa kế” chị dâu của mình. Tập tục này diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, trong nhiều cộng đồng dân tộc ở nhiều cấp độ văn hóa khác nhau. Những thổ dân châu Úc còn sống trong tình trạng sơ khai coi đó là một qui luật; những người Do Thái cổ trong Kinh Thánh đã chấp nhận tục này; và những người Inca văn minh thì giao quyền thừa hưởng tất cả những người vợ thứ của người anh qua đời cho em trai của mình, hoặc có thể cho các con trai của ông ta(!). Người vợ cả của một người Inca không bao giờ tái hôn. Người quả phụ này sẽ được nhà nước hỗ trợ, với một trợ cấp quả phụ do một hệ thống an sinh xã hội rất hoàn chỉnh chu cấp.

Người thanh niên khi “tiếp nhận người chị dâu góa bụa của mình có muốn vậy hay không một phần tùy thuộc vào tính cách của hai người, nhưng cũng tùy thuộc vào những yếu tố quyết định của văn hóa. Đối với một người thừa kế Comanche, anh ta coi sự tiếp nhận này là một đặc quyền và đặc thế, nhất là nếu anh không từ bỏ đặc quyền thừa kế này thì người quả phụ không được lấy một người chồng khác. Mà muốn lấy chồng khác thì phải đền bù một số của cải cho chú em - một hoặc hai con ngựa, hoặc có thể là vài tấm chăn. Ngoài ra, không có sự chọn lựa nào khác cho người góa phụ. Dù muốn hay không, người góa phụ ấy cũng thuộc về anh ta. Gia đình bên phía chị cũng có quyền đòi hỏi đối với anh ta không kém những gì anh ta đòi hỏi đối với chị. Gia đình bên anh ta cũng có tiếng nói, như trong trường hợp một người Shoshone vào năm 1933 đã bị buộc phải ly dị người vợ do chính anh ta chọn, để lấy vợ của người anh vừa qua đời. Phong tục buộc anh phải giữ lại người góa phụ ấy trong gia đình mình, trong khi luật pháp ở Idaho lại không cho phép người ta có hai vợ.

Mục đích của tục nối dây bên chồng không phải là khó hiểu. Nó duy trì tính liên tục của sự nối kết giữa hai nhóm tộc họ do cuộc hôn nhân đầu tiên tạo nên. Đó là một sự thể hiện của đặc tính liên kết nhóm của hôn nhân, theo đó thân nhân của người chồng quá cố có quyền lợi và quyền hạn ngăn cản người quả phụ rời bỏ nhóm của mình. Người phụ nữ không chỉ có bổn phận với người chồng mà mình đã kết hôn, mà còn có bổn phận với thân nhân của chồng nữa. Một điều cũng không kém quan trọng nên biết là, trong xã hội cổ sơ, nếu gia đình tan vỡ thì con cái thường theo mẹ, con cái không bị thất tán vào nhóm phía bên cha. Mặt khác, gia đình người phụ nữ cũng đòi hỏi phía bên nhà người chồng quá cố phải cho người em thay thế để duy trì sự nối kết giữa hai gia đình. Tình thế là một sự trao đổi có qua có lại, cân bằng với nhau.

Tục nối dây phía nhà vợ. Trong tục nối dây bên phía nhà chồng thì một người anh hay em còn sống tiếp nhận vị trí của người cha trong gia đình vừa qua đời, còn trong tục nối dây bên phía nhà vợ thì chị hoặc em gái phải thế chỗ người vợ đã chết. Vì vậy, trong tục nối dây bên vợ, người chồng được/phải kết hôn với chị hoặc em gái của người vợ đã chết của mình. Nhìn từ góc độ người phụ nữ, đây là trường hợp một em gái kết hôn với chồng của chị mình.

Tục nối dây bên vợ và tục nối dây bên chồng cùng song hành tồn tại với nhau, cái này bổ sung cho cái kia. Tập tục này được áp dụng hầu như trong tất cả các bộ lạc ở Bắc Mỹ, bên ngoài khu vực người da đỏ Pueblo, và phổ biến rộng rãi khắp thế giới.

Có một sự lầm lẫn thông thường nên chú ý, là người ta hay lẫn lộn tục nối dây phía bên vợ (sororate) với tục thường được dân gian gọi một cách trào phúng là “hoa thơm đánh cả cụm”, (sororal polygyny), một người cùng lúc lấy cả hai hay nhiều chị em gái. Trong tục nối dây phía bên vợ, mỗi lần người đàn ông chỉ kết hôn với một người thôi. Còn trong tục “hoa thơm đánh cả cụm” này người chồng không cần phải chờ vợ chết mới kết hôn thêm với em gái của vợ. Chỉ cần cô nàng vừa đủ tuổi là anh ta đã cưới ngay rồi.

Hôn nhân nối dây mở rộng (thay thế). Trong một vài xã hội, nếu người anh em hay chị em trong gia đình không kịp thay thế cho người chồng hay người vợ đã chết, và nếu không có một anh chị em họ nào ngang hàng để thay thế, người ta phải đưa người già hơn thuộc thế hệ trước hoặc người nhỏ hơn thuộc thế hệ sau để thay thế. Điều này dẫn đến những chuyện kỳ cục như (1) một người đàn ông sẽ lấy con gái của em trai của vợ mình (tức cháu gọi bằng dượng), (2) một phụ nữ phải lấy người chồng của em gái của cha mình (tức chồng của cô, gọi bằng dượng), và (3) một phụ nữ phải lấy con trai của em gái của chồng mình (xem Hình 22-4). Cuộc hôn nhân của con gái của em trai của vợ là một sự mở rộng của nguyên tắc nối dây về phía bên vợ đến một thế hệ khác. Những sự mở rộng như thế chỉ có trong những xã hội mà ở đó người ta theo nguyên tắc con cái thuộc chung một dòng, và mỗi loại hôn nhân liên quan mật thiết với một loại chế độ một dòng (unilinealism) đang được áp dụng.

Do vậy, trong hệ thống về dòng họ bên cha, một cô gái đương nhiên thuộc về cùng một thị tộc như chị/em gái của cha cô (tức là người cô). Cô có danh phận là người của cùng thị tộc với người cô của mình, và thần phận cá nhân của cô chìm mất trong danh phận chung. Cô thay mặt cho nhóm thuộc dòng bên phía cha tiếp tục nối dây trong cuộc liên minh hôn nhân.

Mặt khác, trong một hệ thống theo bên dòng mẹ, một đứa con trai đương nhiên thuộc về cùng một thị tộc với anh/em trai của mẹ (tức người cậu). Đứa trẻ có cùng danh phận thị tộc với người cậu, và thân phận cá nhân của nó bị chìm mất trong danh phận chung của nhóm thân tộc bên phía mẹ. Đứa trẻ trai này đại diện cho nhóm dòng mẹ tiếp tục nối dây trong cuộc liên minh hôn nhân (xem hệ thống quan hệ họ hàng của người Crow, trang 491 - 492).

Hôn nhân với các thân nhân nối dây mở rộng là điều ít phổ biến; chỉ một ít xã hội còn vướng mắc với tục này. Nhưng trong một hệ thống dòng họ mạnh mẽ có xu hướng tổng quát hóa nguyên tắc về danh phận thị tộc, những cuộc hôn nhân như thế là hợp logic.[9]




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2584-02-633540520620438750/Giao-phoi-va-hon-nhan/Che-do-giao-phoi-uu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận