Tài liệu: Nghi lễ tuổi dậy thì và vị thế chuyển tiếp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Biến cố thứ hai trong chu kỳ cuộc sống là sự trưởng thành hoặc tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì, cũng như sự ra đời, là biểu thị một sự biến đổi căn cơ tình trạng sinh học của cá nhân
Nghi lễ tuổi dậy thì và vị thế chuyển tiếp

Nội dung

Nghi lễ tuổi dậy thì và vị thế chuyển tiếp

Biến cố thứ hai trong chu kỳ cuộc sống là sự trưởng thành hoặc tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì, cũng như sự ra đời, là biểu thị một sự biến đổi căn cơ tình trạng sinh học của cá nhân. Đó là lúc phát triển đầy đủ của các đặc tính sinh dục thứ cấp, và là điểm trưởng thành trọn vẹn trong chức năng của cơ quan sinh dục. Tuổi dậy thì là sự bừng sáng của thời thanh niên và là buổi bình minh của tuổi trường thành - người lớn.

Với cả con trai và con gái, tuổi dậy thì không phải là một biến chuyển đột ngột, nhưng là một sự gia tăng phát triển kéo dài từ lúc mười một tuổi cho đến khi mười sáu tuổi. Lông trên cơ thể con trai không phải mọc dài ra ngay trong một sớm một chiều; dây thanh quản của chúng dài ra, tiếng nói khàn đi, không phải là chuyện xảy ra trong chốc lát; và đôi vai nở rộng ra là một quá trình phát triển của tuổi thanh niên, cũng như hoạt động của tinh hoàn và sản xuất ra tinh dịch với đầy đủ các thành phần cần thiết (cho việc giao hợp và truyền giống - ND).

Về nữ giới, tuổi dậy thì đến cùng với những biến đổi rất mạnh mẽ, bao gồm sự phát triển lông trên cơ thể, mông nở lớn, gia tăng các mô mỡ dưới da (nhất là ở mông và nhũ hoa) và sự phát triển của cơ quan sinh dục, tất cá những biến chuyển đó diễn ra trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, mỗi lúc đặt biệt chỉ phát triển một chức năng. Những kỳ kinh nguyệt đầu tiên biểu lộ dấu hiệu đã hoàn toàn đạt đến tuổi dậy thì của phái nữ.

Định nghĩa về mặt văn hóa của tuổi dậy thì

Sự chuyển tiếp từ tuổi thanh niên sang tuổi trưởng thành là một hiện tượng sinh học. Thế nhưng, đối với con người thì đó còn là một sự chuyển tiếp về mặt xã hội học. Vì vị thế xã hội là một định nghĩa mang tính văn hóa, cho nên đối với nhiều người, tuổi thanh niên là một vấn đề mang tính văn hóa hơn là có tính sinh học. Điều cần quan tâm đầu tiên là trong một vài nền văn hóa người ta đối xử với thanh niên rất tùy tiện[1]. Thứ nhì là trong một số xã hội, người ta thực hiện nghi lễ cho giới tính này hay giới tính kia, hoặc cho cả hai, và trong hầu hết các nền văn hóa thì người ta chỉ chú trọng nhất vào các nghi lễ cho tuổi thanh niên của con trai. Điều thứ ba là những nghi lễ dành cho tuổi dậy thì không nhất thiết trùng hợp với sự dậy thì về mặt sinh học. Những nghi lễ này được thực hiện khi, về mặt xã hội, có khi đứa trẻ mới qua tuổi nhi đồng và bước ngay vào tuổi trưởng thành.

Đối với người Alorese ở những vùng Đông Ấn Độ, nguyên tắc này được biểu thị một cách long trọng. Đối với con trai, bước vào thời kỳ trướng thành là một quá trình tốn kém dài đằng đẵng đòi hỏi nhiều nỗ lực về kinh tế. Vì vậy, và do không có một tổ chức hội đoàn của nam giới, và không có hội kín, cho nên không có nghi lễ chuyển tiếp không có sự kết nạp vào bộ lạc. Thay vào đó, “... đến tuổi mười sáu, con trai bắt đầu để tóc dài. Lúc này chúng phục sức và trang bị theo nam giới: gươm, khiên, giỏ cau, thắt lưng rộng bản, cung, lược, và lông chim cài đầu. Giới phụ nữ chế nhạo, và chọc quê những thứ thêm thắt cho ra vẻ trai tráng một cách vô bổ của chúng”[2]. Bọn con trai cũng cà những chiếc răng nanh mòn nhẵn xuống chỉ còn một nửa, và cũng bắt đầu nhuộm răng đen.

Người Polynesian, nói chung, thực thi nguyên tắc này một cách gắt gao hơn. Gifford kể:

Sở dĩ ở đây không có những thứ được gọi là nghi lễ hội nhập cho con trai bước vào thời kỳ trưởng thành là vì con trai đã rời những người phụ nữ để gia nhập vào giới đàn ông từ khi mới cai sữa, là lúc người ta mang đến cho chúng những thứ thức ăn mà khi ăn chúng phải tránh xa phụ nữ. Một đứa trẻ Polynesia trở thành đàn ông khi chúng ăn những thức ăn của đàn ông, chớ không phải từ khi chúng đến tuổi thanh niên.[3]

Tục tạo sẹo trên khắp cơ thể của giới con trai được hầu hết các tộc Polynesian ở ngoài phạm vi New Zealand áp dụng, tuy nhiên cuộc “tùng xẻo” được thực hiện bất kỳ lúc nào, có thể ngay từ tuổi bé thơ. Chỉ cần hoàn tất trước khi lấy vợ (hôn nhân) là được.

Trong các bộ lạc chiến binh trên vùng Đại Bình Nguyên và ở miền Đông thuộc Bắc Mỹ người ta không cử hành nghi lễ dậy thì, nhưng vào tuổi thanh niên, những người trẻ tuổi được tham dự những lễ đón nhận thánh linh để có được sức mạnh siêu nhiên rất cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp. Tuy vậy, những đêm cầu nguyện này cũng do người lớn thực hiện, cho nên không thể nói họ có sự quan tâm nào dành cho tuổi dậy thì. Tuổi thành niên của con gái bị đối xử một cách hời hợt hơn. Mặc dù tất cả các bộ lạc đều có những hình thức cách ly những người phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt, nhưng người ta không làm điều gì với những thiếu nữ có kinh nguyệt lần đầu tiên, ngoại trừ trong xã hội người Cheyenne - người cha của cô gái đứng ngay tại cửa lều của mình, hãnh diện tuyên bố lớn cái tin sốt dẻo đó cho cả trại cùng biết và mừng sự trưởng thành của con gái ông bằng cách tặng một con ngựa tốt cho một lão già nghèo khổ nào đó.

Con người Shoshone ở miền Bắc và vài dân tộc ở Cao nguyên Columbia thì coi dịp này là một biến cố thực sự của đời con gái. Cô gái Shoshone dậy thì chỉ bị cách ly trong những ngày kinh nguyệt, nhưng phải làm việc không ngơi tay để khỏi trở thành một phụ nữ lười biếng. “Bất kỳ những gì cô làm đều là việc để đời cả”. Cô không được ăn thịt, và không được gãi, trừ khi cô dùng một cái que đặc biệt. Khi dứt kỳ cách ly đầu tiên, cô được người mẹ mang đến cho những quần áo mới - những chiếc áo váy phụ nữ.

Thái độ của người Shoshone miền Bắc thì lại chẳng có gì giống với những láng giềng ở phía Bắc, thổ dân người Carrier. Theo Benedict kể: “Sự ghê sợ hãi hùng của họ đối với tuổi dậy thì của một cô gái là lên đến cực điểm. Suốt giai đoạn ba hay bốn năm cách ly của cô gái được họ gọi là “cuộc chôn sống”... Bản thân cô gái đang gặp nguy hiểm, và cô cũng là một nguồn nguy hiểm đối với mọi người khác.”[4]

Trong những xã hội như các xã hội ở châu Phi và châu Úc, dân tộc của cả hai nơi đều rất quan tâm đến các mức độ tuổi tác (xem chương 26), những nghi lễ dành cho tuổi thanh niên trở nên một thứ nghi lễ “kết nạp vào bộ lạc” đúng nghĩa. Điều này là đặc biệt chính xác ở những nơi mà các hội kín của nam giới có vai trò hết sức quan trọng. Kết quả là, những nghi lễ thành nhân của con trai cũng được tiến hành ở nhiều khu vực miền đông Melanesia.

Những nghi lễ trên đảo Andaman

Chúng ta có thể trích dẫn từ tư liệu của Radcliff Brown về những cư dân da đen trên đảo Andaman, như một ví dụ về các loại hình thức đầy kịch tính của những nghi lễ tuổi dậy thì. Những con người thấp bé này không có hội kín hay các loại hội gì khác, nhưng họ rất chú trọng đến vị thế tuổi tác. Để được ghi nhận và chấp nhận là người trưởng thành, mỗi cậu trai cô gái phải tham dự một số buổi lễ nhất định. Bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, cả con trai lẫn con gái đều phải lần lượt tạo trên khắp cơ thể  mình những vết sẹo nhỏ bằng cách cắt rạch vào da “để giúp cho con người mạnh mẽ”, nhưng cực điểm là vào tuổi dậy thì, việc thực hiện như sau: khi có dấu hiệu kinh nguyệt lần đầu tiên, cô gái được người mẹ và các thân nhân phụ nữ quét khắp người. Ta phải nói ngay rằng, cái tục quét người của dân Andaman này chẳng phải bày tỏ sự đau khổ buồn phiền gì mà chỉ là nhằm đánh dấu một dịp quan trọng. Sau đó, cô gái lao xuống biển tắm trong hai tiếng đồng hồ - một hành động của nghi lễ thanh tẩy - tiếp theo cô được trang điểm cho thanh lịch bằng các lá dứa dại và đất sét.

Được phủ khắp người bằng lá như thế, cô gái phải ngồi trên hai chân gấp lại theo kiểu quì bệt, hai tay khoanh lễ, trong một túp lều dành riêng cho mình... Cô gái ngồi như thế trong ba ngày. Mỗi buổi sáng, cô rời lều xuống biển tắm trong một giờ. Sau ba ngày, cô hội nhập lại với cuộc sống của dân làng. Trong một tháng tiếp theo, sáng nào cô cũng phải ra tắm biển vào lúc bình minh[5].

Khi bè bạn và thân nhân của một cậu con trai thấy rằng cậu đã đủ lớn để được cắt thẹo trên lưng, người ta tổ chức một cuộc nhảy múa suốt đêm cho tới sáng hôm sau. Cậu bé quì mọp xuống, chống hai khuỷu tay xuống đất phía trước mặt, một ông lão cầm một chiếc nanh heo đã được mài bén cắt vào lưng cậu bé hàng loạt nhát. Mỗi vết cắt đều nằm ngang xếp thành ba cột dọc, mỗi cột chừng 20 hay 30 vết cắt. Sau khi được cắt xong, cậu bé ngồi dậy, được người ta dùng lửa hơ lên lưng cậu cho đến khi máu ngừng cháy. Trong suốt quá trình thực hiện nghi thức này và nhiều giờ sau đó, cậu bé phải tuyệt đối giữ im lặng, không một tiếng rên rỉ.[6]

Ngay sau những nghi lễ dành cho tuổi dậy thì, cả trai và gái đều phải kiêng cữ một số thức ăn. Những thứ bị kiêng cữ này sẽ được giải bỏ dần dần theo sau những nghi lễ trong vài năm tiếp theo. Nếu chưa chấm dứt xong hết những điều kiêng cử đó thì không một cậu trai hay cô gái nào được xem như là người đã trưởng thành.

Nếu nhìn toàn bộ chu kỳ nghi lễ này là một thực thể, mà nó đúng là như thế, thì chúng ta lại nhận thấy rằng những nghi lễ dành cho tuổi thanh niên không hề gắn kết chặt chẽ lắm với hiện tượng sinh học như là một sự kiện xã hội có liên quan mật thiết với lãnh vực sinh học.

Các nghi lễ của người Tây Phi

Lễ kết nạp thành viên xã hội (một thứ nghi lễ chứng nhận tuổi thành nhân, như lễ gia quan- lễ đội mũ- của người Trung Quốc ngày xưa. - ND) của người Tây Phi thường là cực kỳ phức tạp và rất ấn tượng. Với người Kpelle ở Liberia, nơi mà sự kết nạp có nghĩa là vào một hội kín huynh đệ gọi là Poro. Gibbs viết:

Khi một cậu bé vào khu Poro cậu ta được huấn luyện và truyền dạy những kiến thức của bộ lạc: làm ruộng nương, làm nhà, làm các nghề thủ công, sử dụng các loại thuốc, nhảy múa, chiến tranh, lịch sử, cách cư xử với phụ nữ, và cách hành xử trước mặt những người trường thượng. Những sự thử thách về mặt thể xác, sự bắt nạt, và việc đề ra các hình phạt nặng nề không chỉ làm cho cậu bé học tốt hơn mà còn giúp cậu biết tiếp nhận sâu sắc sự tuân phục uy quyền, vì đó thực sự là uy quyền.

Khi một cậu trai làm lễ khai tâm để gia nhập Poro và phải đi vào vùng đất rùng rậm Poro đó thì người ta nói cậu ta đã bị namu “ăn” rồi. Khi từ trong khu đất đó trở ra cậu đã nhận được một loi laa, một cái “tên rừng rậm” mới mà từ đó trở đi người ta phải sẽ gọi cậu bằng cái tên đó. Con người trước khi nhận lễ thành nhân đã chết. Một con người mới đã được sinh ra thay chỗ của cậu. Vị thế mới và sự tái sinh của cậu cũng thể hiện rành rành qua những vết sẹo cắt trên lưng và ngực, những dấu vết mà mọi người đều cho là vết răng của Đấng vĩ đại mang mặt nạ để lại khi ngài buông thả cậu ra trong cuộc tái sinh. Người ta cũng tiến hành cắt da qui đầu cho từng cá nhân trước khi một cậu bé trở thành một thành viên được kết nạp của xã hội.[7]

Cách ly và “giết” một thành viên mới gia nhập là một tập quán phổ biến rộng rãi, tượng trưng sự chấm dứt vị thế cũ của anh ta. Tuy không thực hiện một cách cụ thể như họ (những người dân châu Phi - ND), nhưng các hội nhóm sinh viên trong các trường đại học hoặc các hội kín của giới đàn ông trong xã hội chúng ta cũng dùng cách bắt nạt (thành viên mới) để hành xử chức năng xã hội tương tự. Ma cũ ăn hiếp ma mới[8] là một quá trình làm cho thoái hóa và tiêu diệt bản ngã anh ta. Khi bản ngã cũ bị tiêu diệt rồi, anh ta sẵn sàng tiếp nhận nghi thức kết nạp chính thức, và trở thành một “người mới” trong các cấp bậc được xưng tụng. Lấy một ví dụ khác từ một xã hội Tây phương, khi các trung sĩ trong quân đội hành hạ và bắt nạt các cậu tân binh, không có nghĩa là do họ tàn bạo hay ác dâm (sadistic), cũng không phải là  họ cần đánh tan sự thất vọng cá nhân của người lính. Mặc dù các ông trung sĩ ấy không biết gì hết về bất cứ một nguyên tắc nào của ngành nhân chủng học chuyên nghiên cứu về chức năng, nhưng họ biết rằng những tân binh phải được rèn tập, và cho vào một nghi thức chuyển tiếp nhanh. Ngay với hành động cần thiết đầu tiên và bất hạnh chính là sự hủy diệt những cung cách và các tư tưởng của cuộc sống dân sự: “Bây giờ cậu ở trong quân đội rồi”. Cách “dằn mặt” này có nghĩa là sự giết chết tính dân sự và viên trung sĩ nhất kia là một tay “đao phủ”. Hoàn tất phần huấn luyện căn bản có nghĩa là hồi phục với một vị thế mới - Một G.I.

Sự hành hạ trong các nghi lễ của tuổi dậy thì trong các bộ lạc ở Úc châu và Phi châu đạt đến cực điểm của sự tàn nhẫn. Thế nhưng bên dưới những cái tàn bạo đó vẫn thấy có một sự duy lý có tính chức năng. Ở Úc, tục cắt bao qui đầu và rạch xẻo bộ phận sinh dục, những cuộc phẫu thuật đau đớn và nguy hiểm được thực hiện một cách tàn nhẫn với những con dao bằng đá, không gì khác hơn là những hành động tượng trưng mang ý nghĩa sự trọn vẹn về mặt xã hội và tình dục của những người nam trong một loại xã hội không đếm xỉa đến phụ nữ và ức chế họ về mặt văn hóa.

Trong tất cả các trường hợp, sự chuyển tiếp là một một sự chuyển đổi đề tài chính từ trạng thái hạn chế và chưa phát triển của tuổi ấu thơ sang trạng thái trưởng thành, nhằm cung cấp sự khôn ngoan và đặc quyền của một con người trường thành, chín chắn. Vì thế sự chết và hồi sinh là chủ đề quanh đi quẩn lại của những nghi lễ của tuổi dậy thì: cái chết có nghĩa là sự hủy diệt của nhân cách thời thơ ấu, còn hồi phục có nghĩa là con người ấy sống lại với cộng đồng trong một vị thế mới với những vai trò mới. Cậu bé đã rút mình vào ngôi trường huấn luyện nhập môn ẩn giấu trong các khu đất hoang vu, tránh khỏi con mắt của phụ nữ và những cậu bé vị thành niên khác được coi là đã "chết Khi trở lại với trại, với cộng đồng, cậu ta đã được cắt da qui đầu, đã được mổ xẻ nơi bộ phận sinh dục, đã được cắt sẹo, với vài chiếc răng được nhổ bỏ, và với những hiểu biết mới về các chuyện huyền thoại vật tổ (totem), lúc này cậu ta đã là một con người mới.

Mối quan hệ của nghi lễ tuổi dậy thì với các hình thái xã bội

Trở thành một người đàn ông hay một người đàn bà có nghĩa là tìm được vị trí của mình trong hệ thống xã hội. Điều này còn có nghĩa là chấp nhận các vị thế kế thừa và chiếm được những vị thế mà mình có thể đạt được một cách thích hợp. Về mặt tâm lý điều đó có nghĩa là chịu nhận lấy sự nhận dạng chính mình đủ để liên hệ với hệ thống xã hội mà mình sinh hoạt và thể hiện chức năng của mình trong đó. Nó có nghĩa là trước hết mình tự ràng buộc mình vào nhóm thân tộc họ hàng, hay theo cách khác, vào những đơn vị xã hội bên ngoài vòng họ hàng thân thích. Vì mọi xã hội đều rộng lớn hơn cái hạt nhân gia đình cho nên dù trong bất kỳ trường hợp nào, ở một chừng mực nào đó, cũng nhất thiết phải tách cá nhân ra khỏi cái gia đình đã sinh trưởng ra anh ta.

Yếu tố của sự độc lập xã hội. Yehudi Cohen phân ra hai loại xã hội: (1) Những xã hội huấn luyện tính độc lập xã hội, tức là những xã hội mà trong đó sự nương tựa và tin cậy chỉ trong phạm vi gia đình hạt nhân, và (2) những xã hội mà trong đó trẻ con được giáo dục phụ thuộc lẫn nhau trong mối liên hệ với xã hội, tức là sự nương tựa và tin cậy trong phạm vi họ hàng thân thích rộng hơn, chẳng hạng dòng họ hay thị tộc (xem Chương 24). Sự so sánh căn cứ trên dữ liệu từ sáu mươi lăm xã hội cho thấy xã hội loại 2 chiếm đa số lấn áp (36 đối 1), có áp dụng các nghi lễ thành nhân như một phần của tiến trình hội nhập xã hội. Trong số những xã hội loại 1 theo mẫu của Cohen, tỷ lệ chỉ là 10 có lễ thành nhân đối với 18 không thực hiện nghi lễ này[9]. Những xã hội dạy dỗ về sự gắn bó nhân thân với gia đình thì dùng các phương tiện khác hơn là những kỹ thuật kết nạp thành viên.

Tập tục cắt bao qui đầu trong tương quan với các đặc tính văn hóa. Whiting cùng các đồng sự của ông đã dành nhiều nỗ lực trong một nghiên cứu về những lý do đưa tới việc cắt bao qui đầu như một phần của các nghi lễ chuyển tiếp. Họ phát hiện rằng, việc cắt bao qui đầu của các cậu con trai như một phần của các nghi lễ thành nhân có mối liên quan mạnh mẽ đến ba hiện tượng văn hóa: (1) phong tục cho trẻ sơ sinh ngủ chung với mẹ trong khi người cha ngủ riêng; (2) tục cấm đoán quan hệ tình dục giữa cha mẹ trong vòng một năm hoặc lâu hơn sau khi sinh con và (3) tình trạng làm dâu. Hai tập tục trên đưa đến sự gắn bó tình mẫu tử rất mạnh mẽ, cái thứ ba làm tăng thêm sự khẳng định quyết liệt sự liên hệ của họ hàng bên nội với nhân thân của đứa trẻ. Do đó, người ta áp dụng các biện pháp hành hạ nghiêm khắc trong nghi lễ thành nhân nhằm bứt đứa trẻ ra khỏi mối dây liên hệ tình mẫu tử để chuyển giao đứa trẻ về lại với thế giới đàn ông[10].

Một điều thú vị với ngành dân tộc học là tục cắt bao qui đầu chỉ có trong các thổ dân châu Phi và ở các dân tộc hải đảo Thái Bình Dương. Nói chung, tục này không được áp dụng trong khu vực giao tiếp Á - Âu, và tuyệt nhiên không hiện diện ở Bắc và Nam Mỹ[11].




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2583-02-633540507279813750/Chu-ky-doi-song/Nghi-le-tuoi-day-thi-va-v...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận