Tập quán sinh nở
Điều kỳ lạ là hầu hết những lo âu về chuyện sinh nở chỉ có trước khi sinh, chứ không có trong thời điểm sinh nở. Những ma thuật, lễ lạc, và cấm kỵ này nọ chỉ có ảnh hưởng vào giai đoạn trước khi sinh, vì vậy, khi đến giờ lâm bồn thì những khó khăn về sinh sản được giải quyết một cách bình thường với một hiệu quả như chuyện đương nhiên, chẳng có gì ầm ĩ. Phần lớn công việc trong giờ phút sinh nở này chỉ là chuyện của phụ nữ. Dù vậy, nhiều bộ lạc vẫn bắt các đấng phu quân phải hỗ trợ, hoặc phải có mặt. Tuy nhiên, nói chung, người sản phụ thường vào buồng đẻ cùng với một hoặc hai thân nhân nữ lớn tuổi để phụ giúp. Các bà mụ chuyên môn được mời đến từ trong số những người này.
Một điều sai lầm được chấp nhận khá phổ biến là phụ nữ thời sơ khai sinh nở rất dễ. Có cả quan niệm mang tính nhân chủng học vẫn được duy trì cho rằng sự thuần hóa thú vật khiến chúng khó khăn hơn trong việc sinh đẻ, cũng vậy - tiến trình văn minh hóa của con người cũng làm cho việc sinh nở của các sản phụ hiện đại càng thêm khó khăn. Không có bao nhiêu bằng chứng đối với ý tưởng đơn giản này. Trái lại, có nhiều bằng không thực tế được ghi nhận cho thấy phụ nữ thời sơ khai thường phải chịu rất nhiều khó khăn đau đớn khi sinh con; chỉ riêng việc có vô số phép thuật ma quái được áp dụng nhằm giúp cho người sản phụ sinh đẻ dễ dàng hơn cũng là bằng chứng cho thấy người xưa sợ sinh khó đến mức độ như thế nào.
Trong thực tế, người sơ khai có nhiều phương thuốc cấp cứu đặc biệt dành cho một ca sinh khó bất thường. Trong những trường hợp sinh dễ thì ít khi cần đến sự trợ giúp của ma thuật, nhưng trong ca sinh cần phải kéo hài nhi ra cho nhanh thì phải tức tốc mời thầy lang nam hoặc nữ tới. Những người Cheyenne cho mời một thầy mo có pháp lực từ loài rái cá. Rái cá có trò thể thao vui nhộn là trượt bùn trên bờ sông. Đó là cách mà hài nhi phải làm theo để ''trượt'' ra đời, và một thầy lang rái cá có thể đỡ đẻ cho một đứa trẻ như thế - đó là cách nói của người Cheyenne.
Tục sản ông (đàn ông giả đẻ)
Một tập tục quái gở là sản ông, tức đàn ông giả vờ đẻ. Vào ngày sinh con, người mẹ thức dậy để chuẩn bị cho việc sinh nở của mình, trong khi người cha nằm vào giường như thể đang hồi sức sau khi sinh xong. Trong thời gian tự giam mình đó, ông ta phái kiêng cữ nhiều thứ. Tục này có lẽ được lý giải như là một sự hờn dỗi của người phụ nữ, đòi hỏi sự quan tâm chú ý của người đàn ông, phải đóng góp nỗ lực tượng trưng vào danh phận làm cha đứa trẻ, hoặc có lẽ đó là một dạng ma thuật hỗ trợ vào sự kiến tạo đứa trẻ trong thế giới quen thuộc này. Nhưng, như vài người cha trẻ nghĩ, chuyện đó có tốn hơi sức gì đâu. Có thể đó chỉ là một nỗ lực tượng trưng để xác nhận mình là cha của đứa trẻ thôi.
Đương nhiên, nhiều nền văn hóa không có tục sản ông này. Người Carib và các láng giềng khác của họ ở Nam Mỹ là những “sản ông” xuất sắc nhất. Có thể kể luôn cả người Ainu ở Nhật và người Trung Hoa vào thời Marco Polo, cùng với một số bộ lạc ở miền Nam Ấn Độ, và vùng núi phía Bắc bán đảo Iberian là nơi tục đàn ông giả đẻ vẫn tồn tại cho đến những ngày gần đây.
Theo những thổ dân người Shoshone chuyên ăn các loại hạt (tộc thổ dân chuyên đào bới và ăn các loại củ rễ thảo mộc - ND) thú nhận, thì ngày xưa họ cũng thực sự có tục đàn ông giả đẻ. Khi người sản phụ vào chòi đẻ, người cha đi đến một cái chòi do bà mẹ của anh ta làm riêng cho anh. Anh ta sẽ sống biệt lập tại đó trong năm ngày, cho đến khi cuống rốn đứa bé rụng. Anh phải chấp hành hết mọi sự kiêng cữ mà thông thường chỉ dành riêng cho các phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt. Chỉ được ăn ngũ cốc, kiêng cử thịt và canh. Vào ngày vợ sinh, mẹ anh sẽ đến gặp anh, và anh phải dùng cây ngải đắng tự chà xát khắp người. Nếu bà mẹ nói, “Mầy có con trai” anh sẽ đi xa vào tận núi là nơi dành cho việc săn bắn các loài thú nhỏ - nhưng anh không được săn bắn. Nếu bà mẹ bảo: ''Mầy có con gái'', thì anh đi xuống thung lũng là nơi mọc nhiều cỏ dại. Như thế nghĩa là anh ta liên kết đứa con mình về mặt ma thuật với nghề nghiệp tương lai của nó. Hết hạn năm ngày, anh tắm rửa, và khi săn được con thú đầu tiên thì anh ta phải mang tặng cho người khác.
Bốn trung tâm có “sản ông” ở rời rạc cách rất xa nhau (Đông Á, người Pyrenee, vùng Tây Bắc Nam Mỹ, và vùng Cao nguyên ở Bắc Mỹ) cho thấy sự phát triển độc lập và phức tạp của vai trò ngươi cha trong hoàn cảnh sinh nở khó khăn ở các khu vực này.