Bản chất của địa vị hay vị thế
Địa vị của mỗi cá nhân là vị trí xã hội của mỗi người trong tương quan với những thành viên khác trong cộng đồng, được xác định bởi một hoặc một nhóm các thuộc tính nhất định, hay một tập hợp tổng quát tất cả các thuộc tính của cá nhân đó. Bởi thế, mọi người cùng lúc có nhiều vị thế. Theo một nghĩa hẹp và cụ thể, một người có bao nhiêu đặc tính riêng về mặt văn hóa được công nhận thì anh ta có bấy nhiêu vị thế. Các đặc tính đó là tuổi tác, giới tính, vóc dáng cơ thể, và các kinh nghiệm xã hội cùng thành phần xuất thân. Ở cấp độ trừu tượng tiếp theo, cá nhân đó có thêm nhiều vị thế được công nhận rộng rãi phát xuất từ việc họ có được những tố chất đặc biệt, chẳng hạn, sự khôn ngoan, tính can đảm, lòng nhân hậu, tính quảng đại, và ngay cả tính nết tạo nên tính cách tiêu biểu của một tù trưởng chuyên về trị an người da đỏ vùng Đại Bình Nguyên.
Cuối cùng, mỗi người có thể có được một loại vị thế chung chung nào đó mà người ta gọi là địa vị xã hội. Loại vị thế cuối cùng này đòi hỏi người ta thể hiện lại những đặc tính dễ nhận thấy của nhiều cá nhân. Vị thế phụ thuộc một số các tiêu chuẩn hiển nhiên để xếp loại các tính cách cá nhân vào một khối giai cấp ô hợp. Trái lại, loại vị thế thứ nhất đòi hỏi kiến thức của nhiều thuộc tính cá nhân, và do đó khiến người ta chú ý nhiều hơn đến sự không nhất quán trong nhân cách của con người đó.
Chính vì vậy, phải nhớ rằng vị thế hay địa vị xã hội của con người có thể rất cụ thể mà cũng có thể rất chung chung, và có nhiều mức độ khác nhau trong sự khái quát hóa.
Đẳng cấp của vị thế: Cấp bậc
Hệ thống về vị thế hay về địa vị của mỗi xã hội cũng liên quan đến một số lượng cấp bậc nhất định. Nhưng, nên để ý rằng, địa vị và cấp bậc là hai thứ khác nhau chứ không hề là một. “Vị thế” hay địa vị là một khái niệm trung tính chỉ mang nghĩa tư thế. ''Cấp bậc'' chỉ tình trạng đẳng cấp - cao hơn hay thấp hơn so với những địa vị của kẻ khác. Trật tự cấp bậc của một xã hội là hệ thống của sự phân tầng vị thế trong xã hội đó. Một vị thế cao là vị thế có uy tín, nghĩa là, nhận được sự tôn trọng, sự kính nể, sự quy phục và tuân thủ từ các vị thế thấp hơn. Uy tín được diễn dịch sang hành động có nghĩa là quyền lực - khả năng tác động hoặc hướng dẫn hành vi của kẻ khác. Một vị thế thấp hơn thì không có được nhiều uy tín, không có được nhiều quyền lực và khả năng tác động đến người khác.
Lãnh vực của trật tự cấp bậc là rộng hay hẹp tùy thuộc vào những dị biệt trong các cơ cấu quyền lực do văn hóa tạo nên. Trong những xã hội dân chủ hái lượm đơn giản, chẳng hạn như xã hội của người Eskimo, thì lãnh vực đó khá hẹp. Còn trong những xã hội có tổ chức thành giai cấp phức tạp như xã hội của những người Dahomean (hiện chiếm 3/5 trong tổng dân số hơn 6 triệu của Cộng hòa Benin, trước là vương quốc Dahomey, ở Tây Phi - ND), thì có sự cách biệt vô cùng lớn giữa một kẻ nô lệ với vị vua chúa.
Vị thế kế thừa và vị thế thành đạt
Mỗi cá nhân đạt đến các vị thế của mình theo nhiều cách khác nhau. Những vị thế có thể đạt được bằng cách tranh đua trong việc nắm giữ tất các vai trò có liên kết với các vị thế khác nhau. Các vị thế như thế, theo thuật ngữ do Linton đề xướng, gọi là vị thế thành đạt (achieved). Còn Maclver thì gọi chúng là các định tố chức năng (functional determinant) của các vị trí xã hội. Các vị thế khác được trao cho những cá nhân có các tính chất bẩm sinh về mặt sinh học, chẳng hạn do giới tính, tuổi tác, chủng tộc, hoặc do các mối quan hệ xã hội có từ trước khi cá nhân đó ra đời, ví dụ kế thừa đương nhiên các vị thế của cha mẹ hoặc thân nhân của họ. Những vị thế này được cá nhân kế thừa trong hệ thống xã hội của họ, và họ không thể làm gì được để tránh né hoặc thay đổi chúng. Điều quan trọng nên chú ý là các vị thế thành đạt chỉ đạt được bằng cách nắm vừng các vai trò của mình trước hết. Như Barton đã quan sát người Kalinga ở miền Bắc đảo Luzon: “Sự thăng tiến đến cấp bậc và quyền lực trong cộng đồng là một tiến trình vươn lên dần dần, mà theo đó người ta nắm được quyền lực trước khi thứ bậc của họ được dân chúng nhìn nhận”. Khi vai trò đã được nắm giữ vững vàng thì vị thế sẽ từ đó nảy sinh. Một thợ săn bậc thầy phải làm chủ kỹ năng săn bắn trước đã.
Mặt khác, trong trường hợp các vị thế kế thừa, thì vị thế đến trước, còn các vai trò chức vụ sẽ được nắm lấy sau như một hệ quả tất yếu. Cũng có thể kế thừa vị thế mà không cần phải nắm giữ vai trò chức vụ gì. Vẫn có những vua chúa ăn may chẳng ra vua chúa, những loại quý tộc ti tiện, và những mệnh phụ chẳng ra thể thống gì.
Sự phân biệt của vị thế kế thừa căn cứ trên tuổi tác, giới tính, tình trạng tiền hôn nhân, thai sản, và quan hệ bà con là những căn bản phổ biến trong cơ cấu xã hội loài người.
Các tiêu chuẩn của vị thế thành đạt đầy rẫy trong tất cả các xã hội là những thứ căn cứ trên kỹ năng, sự lành nghề (tất cả mọi dân tộc đều chế tạo ra công cụ) chủ nghĩa siêu nhiên (tất cả mọi dân tộc đều có những người chuyên môn về lãnh vực tôn giáo-pháp thuật), tình trạng hôn nhân, sự phồn sinh (mắn đẻ, nhiều con cái), và khả năng lãnh đạo về chính trị.
Các vị thế kế thừa ít phổ quát gồm những chức vụ xác định đẳng cấp, tính siêu nhiên thừa kế, tài sản thừa kế, và sự đạt được thừa kế các bổng lộc cùng những thứ linh tinh khác về tôn giáo và xã hội, và sự kế thừa vị thế chính trị (tức là vương quyền).
Các vị thế thành đạt ít phổ quát gồm những thứ căn cứ trên các kỹ năng săn bắn, kỹ năng chơi các trò chơi và nhảy múa, sự dũng cảm và kỹ năng chiến đấu, kỹ năng săn đầu người, khả năng kể chuyện, sở hữu hoặc được phân chia tài sản, sự cắt xẻo thân thể, và là thành viên trong nhiều hội đoàn chuyên môn. (Danh sách này là toàn diện).
Tính quan trọng về mặt chức năng của tất cả những vị thế khác nhau này là ở chỗ, chúng hạn chế và tác động vào trình độ cùng chiều hướng của sự tham gia văn hóa với cách thức cũng như số lượng của sự giao tiếp cho các cá nhân và đoàn nhóm. Không một người nào có dịp biểu lộ hết tất cả đặc tính hành xử văn hóa của mình, bởi một lý do là không một người nào có được hết tất cả các vị thế trong xã hội của họ.
Trong một nền văn hóa càng có nhiều vị thế thành đạt có thể đạt được, thì càng có nhiều cơ hội cho đông đủ tất cả các thành viên được tham dự (ít ra thì cũng là có thể tham dự). Các vị thế kế thừa càng mở rộng và cứng nhắc bao nhiêu thì các vai trò đòi hỏi tính văn hóa của cá nhân càng bị đè nén bấy nhiêu.
Các nền văn hóa chú trọng vào những vị thế thành đạt được đánh dấu bằng tính lưu động nội tại, sự năng nổ của xã hội, và (nói chung) tính cạnh tranh và chủ nghĩa cá nhân. Người ta chú trọng vào sự tự thỏa mãn và tự khẳng định. Cái được của xã hội là một năng suất cực kỳ to lớn, vì những con người có khả năng không bị ngăn cản thi thố năng lực rất hiệu quả của mình để đạt lấy những gì họ có đủ tài năng để có được. Trái lại, đẳng cấp và các hệ thống giai cấp cứng nhắc là rất phung phí về mặt xã hội, vì chúng giao vai trò chức vụ cho những kẻ hoàn toàn không phù hợp, trong khi đó chúng lại ngăn cản những người có tài năng.
Mặt khác, mặt lợi ích của các hệ thống xã hội chú trọng vào các vị thế kế thừa là các thành viên có vị thế trong xã hội không cần phải lo âu hay bị rơi vào tình trạng căng thẳng quá đáng. Tính thiếu an toàn trong cạnh tranh cũng giảm hẳn đi. Người ta cũng không còn phải lo sợ thất bại trong việc tranh đoạt một vị thế nhiều người mong muốn.
Tuy nhiên, khi các hệ thống vị thế kế thừa bắt đầu mất đi quyền lực của chúng, và những con người có vị thế xã hội yếu kém khởi sự mong muốn đạt được các vị thế thành đạt, sự thất vọng của họ, và tâm trạng lo âu của những kẻ nắm giữ các vị thế kế thừa đang bị đe dọa trở nên gay gắt không thể làm ngơ, đã đưa đến những quan hệ liên chủng tộc trong một số bộ phận của dân chúng Mỹ ngày nay.