Tôn giáo và nghệ thuật
Tôn giáo và nghệ thuật không hoàn toàn cách biệt với nhau, thế nhưng vì những lý do có nguồn gốc rất sâu xa, chúng có sức hút mạnh mẽ với nhau.
Về bản chất, tôn giáo là chủ quan, là vấn đề tín ngưỡng. Tuy vậy, khái niệm về niềm tin dù luôn được che đậy kín đáo nhưng lại luôn luôn được diễn dịch bằng những hình thức lễ lạt công khai. Tôn giáo cần sự thể hiện khách quan, và nghệ thuật là một phương tiện trung gian có hiệu quả tuyệt vời. Bằng sự tô điểm mang tính nghệ thuật, những vật dụng linh tinh của tôn giáo và của các trò pháp thuật huyền bí có thể được nâng lên khỏi tầm những công cụ hoặc hoạt động bình thường, để mang tính chất bất thường vốn luôn kết hợp với những điều siêu nhiên - những sự vật thiêng liêng thần thánh.
Quan trọng hơn việc chăm chút các vật dụng tôn giáo là sự thể hiện các vị thần thánh. Thần thánh là những khái niệm mang tính tưởng tượng tồn tại trong tín ngưỡng. Nếu được biểu hiện thành một hình thức cụ thể, thì tín ngưỡng càng trở nên thật hơn và được tin tưởng nhiều hơn. Các tranh tượng thể hiện các khái niệm chủ quan về các thần thánh. Sự hiện diện của một vị thần trong một buổi lễ sẽ được nhiều người cảm nhận một cách trực tiếp hơn, nếu vị thần này hiện diện ở đó, trong hình dạng một tượng bằng gỗ hay bằng đá nhìn xuống các tín đồ. Nghệ thuật tôn giáo trực quan của bất cứ một dân tộc sơ khai nào cũng truyền đạt một cách bình dị mà không cần phải lên tiếng. Edmund Leach đã nói rất đúng như sau:
“Hình tượng có chủ đích để cho con người có thể cảm nhận. Hình tượng được tạo ra vì đám đông những người ngưỡng mộ, và nó sẽ được họ cảm nhận một cách hết sức bình thường. Người nghệ sĩ sơ khai làm việc vì đám người chiêm ngưỡng hợp lại từ các thành viên trong cộng đồng của ông ta, cùng thấm nhuần một truyền thống hoang đường huyễn hoặc như chính ông ta, và quen thuộc với cùng một môi trường của yếu tố vật chất và hoạt động nghi lễ; vì thế, người nghệ sĩ sơ khai có thể truyền đạt một cách vắn tắt; các biểu tượng cùng có chung ý nghĩa căn bản và chung mức độ mơ hồ đối với người nghệ sĩ cũng như với những người chiêm ngưỡng.”
Leach tiếp tục nhận xét rằng các nhà phê bình nghệ thuật châu Âu khi cố tìm hiểu nghệ thuật cổ xưa, bị buộc phải tập trung chỉ chú ý vào hình thức, mà không để ý đến ý nghĩa của nó. Nhà phê bình thường cố tình phớt lờ một cách vui vẻ cái nội dung tôn giáo và huyền bí của cái đối tượng mà anh ta đang cố công phân tích.
Mặt nạ và nghi lễ
Nghệ thuật điêu khắc cổ sơ mang tính tôn giáo nằm trong hình thức của các loại mặt nạ và hình tượng - tức là, các biểu tượng thần thánh. Nếu không có các nghệ sĩ thì hẳn không chuyện sùng bái tượng thần. Việc sử dụng mặt nạ để miêu tả các đấng siêu nhiên rất phổ biến trong các dân tộc sơ khai khắp nơi trên thế giới. Chỉ trong các dân tộc vùng quần đảo Polynesia và Micronesia trong Thái Bình Dương, vùng Bình Nguyên và vùng Đại Lòng chảo, ở Mỹ, là dễ nhận thấy sự vắng mặt, hoặc gần như thế, của các loại mặt nạ. Trong tôn giáo của người da đỏ vùng Bình Nguyên, các vị thánh không quan trọng mấy, nên các nghi thức lễ lạt cũng không được phát triển. Chẳng có gì phải cần đến mặt nạ. Ở Polynesia, mặc dù đền thờ chư thần được chăm chút và các vị thần được tạc tượng để thờ cúng, như chúng ta đã thấy ở quần đảo Cook, nhưng cũng không rõ vì lý do gì mà người dân ở đây không dùng đến mặt nạ.
Ở Bắc Mỹ, các loại mặt nạ của miền Duyên hải Tây Bắc rất phong phú và đa dạng mà chỉ một số khu vực của người Melanesia mới so sánh được. Nhiều loại mặt nạ của miền Duyên hải Tây Bắc, nhờ có bản lề và dây kéo nên các diễn viên đã thêm vào những bộ phận để điều khiển tạo ra các cử động, làm tăng hiệu quả kịch tính. Một số loại như mặt nạ đôi của Bella Coola được vẽ lại trong hình 19.11 có một mặt trong và một mặt ngoài để miêu tả hai tính chất (động vật và người) của những tổ tiên thời sơ khai. Những yếu tố quan trọng nhất phối hợp để tạo nên sự tinh vi kỳ lạ của mặt nạ miền Duyên hải Tây Bắc là (1) một tổ chức xã hội chú trọng đến tính tôn ti trật tự căn cứ một phần vào sự giáng hạ của những bậc tổ tiên khai sinh nòi giống, (2) công phu tỉ mỉ của vũ kịch mô tả hành động của các bậc anh hùng trong huyền thoại, (3) sự tinh thông và thành thạo các kỹ năng chạm khắc, và (4) một động lực sáng tạo mãnh liệt thúc đẩy thực hiện các ý tưởng và các hình ảnh trong tâm tưởng thành những biểu hiện khách quan.
Ở cuối miền đông lục địa của chúng ta, các loại mặt nạ của người da đỏ Iroquoi do Hội những người mặt giả gồm những người chuyên chữa bệnh chế tác và sử dụng, rất đa dạng và rất công phu không thua gì các loại mặt nạ của miền Duyên hải Tây Bắc, chúng mang dấu ấn của tính hiện thực trào phúng kỳ quái mà những người Iroquoi thiết kế nhằm mục đích xua đuổi tà ma (Hình 19.12). Bởi mục đích của mặt nạ là rất nghiêm túc, cho nên người ta không thể có ấn tượng rằng các nghệ sĩ đã chạm khắc chúng với một tinh thần hài hước được.
Một chiếc mặt nạ không nhất thiết phải là một tác phẩm nghệ thuật. Các mặt nạ rẻ tiền bán ở cửa hàng tạp hóa dành cho lễ hội Halloween thực sự cũng muốn thể hiện một ý nghĩa nào đó, và chắc chắn cũng gây ra cho bọn trẻ cảm giác lạnh xương sống và dựng tóc gáy, nhưng có điều chúng không phải là đối tượng khiến các nhà phê bình nghệ thuật phải bận tâm. Một vài loại mặt nạ của người Pueblo cũng có tính nghệ thuật cao, nhưng phần lớn thì không, vì chúng chẳng có gì khác hơn là nhưng chiếc ống chụp lên đầu như nhưng chiếc xô úp ngược vậy. Mặc dù mặc nạ Pueblo có thêm nhiều bộ phận phụ và được tô vẽ màu sắc, nhưng người Pueblo đã không chịu bỏ ra nhiều công sức hơn để tạo thành những mẫu mã, đường nét và màu sắc đặc sắc nào cả. Thổ dân miền Tây Nam không thích chạm khắc gỗ, cho nên không một mặt nạ nào của họ được làm bằng gỗ. Da thuộc (đôi khi là trái bầu hoặc trái liễu gai) là vật liệu thường dùng của họ - một phương tiện không phù hợp lắm với công đoạn đổ khuôn hay làm mẫu. Dù hoa văn gốm của người Pueblo đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao, nhưng trên các loại mặt nạ của họ chỉ có nhưng hoa văn kỷ hà thô thiển nhất. Như thế, mặc dù mặt nạ có tính nghi lễ quan trọng trong xã hội Pueblo, chúng vẫn không trở thành nhưng đối tượng thu hút niềm hứng thú sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ. Tất cả sự kích thích về mặt tư tưởng cho công việc nghệ thuật với mặt nạ đều đã sẵn, nhưng không giống như điều kiện văn hóa ở miền Duyên hải Tây Bắc, trong truyền thống văn hóa của người Pueblo không có sẵn một phương tiện kỹ thuật thích hợp nào cả: người thợ thủ công trong tôn giáo của người Pueblo đã chuyển hứng thú sáng tạo và thẩm mỹ của họ sang chỗ khác.
Nghề làm mặt nạ kết hợp với tín ngưỡng tôn giáo đã tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật phong phú ở châu Phi và quần đảo Melanesia, nhưng trong cả hai vùng đó, Melanesia dồi dào hơn cả. Bởi vậy, chúng ta sẽ thảo luận đôi chút về sản phẩm của họ. Ở châu Phi và Melanesia, việc thờ cúng và kính trọng linh hồn các bậc tổ tiên hiện rõ mồn một hầu như trong tất cả các loại tôn giáo ở các bộ lạc (Xem Chương 33). Đặc biệt ở Melanesia, mặt nạ tượng trưng cho các bậc tổ tiên, và được dùng trong những nghi lễ long trọng. Trên đảo New Ireland, mặt nạ được xem là phần thể hiện công phu nhất trong nghi lễ và nghệ thuật của tập quán malagan, một hệ thống lễ hội để tưởng nhớ những người mới qua đời.
Truyền thống bắt buộc thân nhân của nhưng kẻ đã qua đời phải thực hiện những buổi lễ này, nếu không tuân theo họ sẽ bị cười chê và không còn chỗ đứng trong xã hội; buổi lễ được tổ chức trọng thể, càng to lớn lộng lẫy chừng nào thì họ càng được tiếng tốt chừng đó. Quan điểm này là một động cơ mạnh mẽ khiến người ta phải cung ứng tối đa rượu thịt cho các buổi tiệc tùng, và sắm những mặt nạ được chạm khắc tinh vi và công phu nhất. Một số trong những tác phẩm chạm trổ này là những phù điêu được làm rất công phu, nhưng đa số là các loại mặt nạ. Được tô vẽ đủ các màu sắc: đỏ, vàng, xanh, và trắng, những chiếc mặt nạ ấy trông thật lạ mắt và rất ấn tượng (Hình 19.13). Những mặt nạ này hiển nhiên là tác phẩm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, được trả công hậu hĩ cho công việc mà họ phải thực hiện giữa bốn bức tường cao vây bọc thật kín đáo gần một một khu mộ táng của thị tộc, là nơi sẽ tổ chức lễ malagan. Các nhà điêu khắc phải làm việc ròng rã hàng năm trời trước khi tác phẩm của họ sẵn sàng được trưng bày cho công chúng xem và đưa vào sử dụng. Về phong cách, như Wingert đã nhận xét, phần chạm trổ căn bản, dù rất phức tạp, được bố cục rất tốt, trong khi phần hoa văn sơn phết bên ngoài thêm thắt quá nhiều thứ, trông rất dễ sợ.
Hình tượng trong nghệ thuật tôn giáo. Hình tượng là phương tiện truyền đạt phổ biến của các tôn giáo sơ khai ở châu Phi, Melanesia cũng như Polynesia và Trung Mỹ. Nghệ thuật chế tác tượng của châu Phi ảnh hưởng đáng kể đến các nghệ sĩ hiện đại của châu Âu. Đây là một nghệ thuật có một bản chất sinh động mà những nghệ sĩ theo trường phái cách tân luôn thiết tha theo đuổi. Một nghệ thuật biểu hiện những niềm hy vọng và cả những nỗi lo sợ của con người: làm cho con người phải khiếp sợ hoặc gây cho con người những niềm hân hoan vui sướng tùy theo cái bản chất của các vị thần linh mà tác phẩm nghệ thuật phản ảnh, và cũng từ hình tượng này con người hoặc trông cậy vào một sự giúp đỡ nào đó hoặc phải phủ phục run sợ trước chúng.
Đây là thực tế trong nghệ thuật điêu khắc của châu Phi cũng như của người Polynesian và Melanesian. Người nghệ sĩ gắn liền với tác phẩm của mình, và tác phẩm của họ lại gắn liền với lợi ích và hạnh phúc của dân tộc. Người nghệ sĩ hòa nhập với xã hội mình sống, đó cũng là mong ước của các nghệ sĩ hiện đại trong xã hội chúng ta ngày nay.
Khối lượng, sự chắc chắn, và vẻ bình dị trên bề mặt là những đặc điểm gây ấn tượng của nghệ thuật điêu khắc châu Phi, dù hình tượng điêu khắc thường không được lớn lắm. Những đặc tính ấy rất được ưa thích một phần do bản chất của vật liệu mà người nghệ nhân sử dụng, và phần khác do phong cách không thể mô phỏng được của họ. Vật liệu là gỗ cứng - gõ, loại vật liệu quí tộc của giới nghệ nhân, và lim, thứ gỗ cứng rất khó chế ngự. Chẳng một tay thợ đẽo gọt tầm thường nào làm nổi công việc tạo hình của một nhà điêu khắc trên thứ vật liệu như vậy. Gỗ có thớ rất nhuyễn, đòi hỏi được đánh bóng thật kĩ với các tông màu sậm bóng lưỡng. Màu da bóng loáng của người châu Phi luôn được phản ánh lên những pho tượng đã hoàn thành. Vật liệu dùng chế tác các tác phẩm liên quan đến chủ đề hôn lễ và chính bản thân chúng là những sản phẩm rất hoàn hảo.
Tượng điêu khắc của châu Phi có một đặc trưng là thiếu cân đối. Đầu pho tượng bao giờ cũng to lớn hơn phần thân mình. Đôi chân thì ngắn ngủn và chắc nịch. Toàn thể tác phẩm khai thác kỳ hết các giới hạn của khối vật liệu mà người nghệ sĩ sử dụng để tạo hình. Có thể nói người thợ tạc tượng gỗ ở châu Phi chẳng phải là một anh thợ làm đồ mộc. Vì anh ta không thể ráp được thêm cho pho tượng một mảnh gỗ rời, nhô ra ngoài, cho nên hai tay pho tượng luôn có vị trí sát vào thân hình. Hai chân tượng lại bị giới hạn trong phạm vi của khối vật liệu ban đầu. Những giới hạn như thế tạo thêm cảm giác một sự chắc chắn toát ra từ pho tượng. Sự chú ý tập trung vào chiếc đầu pho tượng, giảm bớt chiều dài phần thân hình, tứ chi đơn sơ - lùn và bè là phong cách chọn lựa bắt buộc của truyền thống nghệ thuật điêu khắc châu Phi.
Đối với những người được đào tạo về điêu khắc theo trường phái hiện thực Hy Lạp thì những nét phá cách trong các hình tượng điêu khắc châu Phi thoạt tiên làm cho họ bị “sốc” bởi sự kỳ quặc hay lố bịch của chúng. Nhưng lâu dần, những đường nét lập phương sắc cạnh trên các khuôn mặt, sự hòa hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận của bức tượng, tính đơn giản cơ bản trong sự tổng quát hóa hình dạng con người, lớp bề mặt tinh tế của tác phẩm... tất cả hợp lại tạo cho người xem một cảm quan thẩm mỹ và sự hòa hợp.
Thế nhưng sự đáp ứng về mặt cảm xúc của chúng ta chỉ là một phản ứng mang tính thẩm mỹ lạt lẽo, khó mà sánh được với ý nghĩa cảm xúc to lớn mà những pho tượng này mang lại cho người dân châu Phi. Người ngoại đạo xa lạ không bao giờ có thể cảm nhận được những ý nghĩa lớn lao đến từ những bức tượng thờ cúng trong ma chay tang lễ đối với cư dân bản địa. Hầu hết các loại hình tượng châu Phi là thể hiện các bậc tổ tiên đã chết, chúng được tạo nên để linh hồn người chết có chỗ nương tựa. Pho tượng, khi được linh hồn người đã chết nhập vào cư ngụ thì từ đó pho tượng trở thành một linh vật. Vì vậy, chúng không phải là những tác phẩm nghệ thuật dùng để trưng bày trong bảo tàng và càng không phải là đối tượng để ngắm nghía. Chúng là những nhân vật, hãy còn sống cùng với những năng lực sống động của nhân cách mà chúng đại diện - những năng lực siêu nhiên và đầy sức mạnh bởi vì nhân vật mà nó tượng trưng, đại diện không chỉ đơn thuần là con người mà đã trở thành thần thánh.