Tài liệu: Con người không y phục

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Với những người phục sức đơn sơ hoặc không mặc gì cả, thì cũng không có gì mâu thuẫn với những điều vừa nói trên
Con người không y phục

Nội dung

Con người không y phục

Với những người phục sức đơn sơ hoặc không mặc gì cả, thì cũng không có gì mâu thuẫn với những điều vừa nói trên. Con người đôi khi không quần và cũng chẳng áo, nhưng bao giờ cũng tìm cách trang hoàng tô điểm cho cơ thể của họ. Dù chỉ đóng khố hay che đậy chỗ kín bằng một mảnh nhỏ gì đó, chắc chắn con người vẫn có những đồ vật trang sức trên mũi, trên vành tai hay trên môi, hoặc những hình xăm, những vết rạch trên da, hoặc vẽ mặt vằn vện, uốn quăn cả mái tóc, hay cạo trọc cả cái đầu, nhuộm răng đen, hoặc nhổ phứt chúng đi, hoặc có thể chỉ cà răng đến một mức độ nào đó.

Ý thức về sự e thẹn

E thẹn chỉ đơn thuần là một thói quen chứ không phải là một bản năng. Sự lúng túng hay khó chịu mà con người ta cảm nhận mỗi khi e thẹn vì bị quấy rầy hay bị đụng chạm, là một sự rối loạn thông thường về bệnh lý thần kinh của một phần lớn các bộ phận thuộc hệ thần kinh hoặc cơ thể, bị kích thích bởi một tình huống hành vi trái ngược gay gắt với những gì mà từ lâu ăn sâu bám rễ trong bản thân họ. Và dĩ nhiên, còn có nhiều yếu tố khác nữa chứ không chỉ đơn thuần một yếu tố thói quen trong toàn bộ tình huống. Con Người còn bị nhồi nhét vào đầu óc cái ý tưởng rằng bất cứ sự từ bỏ một khuôn mẫu tập quán có sẵn nào, cũng sẽ phải nhận lấy những hình phạt từ xã hội hay từ những quyền lực siêu nhiên. Nhận thức về các hậu quả khốc liệt do việc không tuân thủ các tập quán cũng tạo ra sự sợ hãi và lo âu, và càng làm méo mó thêm những cảm quan về tính thiếu ý thức hổ thẹn. Chẳng hạn, mãi đến năm 1936, những người đàn ông lớn tuổi thuộc bộ lạc thổ dân Comanche ở Bắc Mỹ vẫn còn thấy cực kỳ khó chịu và xấu hổ khi đi ra khỏi nhà mà không có chiếc khố trên người, mặc dù họ đã ăn mặc đầy đủ áo sơ mi và quần sóc.

Một câu chuyện thường được các nhà nhân chủng học đề cập đến là chuyện về Nam tước von Nordenskiold. Trong chuyến đi đến vùng Amazon, Nam tước đã mua những món mà một phụ nữ Botocudo đang đùng để trang điểm trên mặt. Người phụ nữ hoàn toàn khỏa thân theo tập quán bộ lạc, thản nhiên đứng trước mặt ông không chút e thẹn. Đề nghị trao đổi của ông quá hấp dẫn khó cưỡng lại được, cuối cùng người phụ nữ phải tháo các vật đeo trên môi mình ra trao cho ông. Chính việc bị tước mất món vật thiết thân của mình khiến người phụ nữ cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ và đã bỏ chạy biến vào rừng. Rõ ràng, sự gắn bó thân thiết giữa một Botocudo như một con người và vật botocudo như một món vật trang sức khiến cho một người không còn đồ vật trang sức trở nên không còn là một con người - Botocudo nữa.[1]

Những tình huống như thế cho thấy rõ rằng việc sử dụng y phục không hề xuất phát từ tính e thẹn bẩm sinh; và tính e thẹn là kết quả của tập quán ăn mặc y phục hoặc từ thói quen trang điểm cho cơ thể và các bộ phận của cơ thể.

Trong những xã hội dân tộc sơ khai, việc dùng hay không dùng y phục là ít nhiều có tính chức năng, dù không phải hoàn toàn là như thế. Những người sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới có khuynh hướng phục sức ở mức tối thiểu. Điều này là đúng ở châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Nói chung, đàn ông mang một vật có tác dụng che đậy hạ bộ, một thứ gì đó treo phía trước để che chắn hay đỡ lấy bộ phận sinh dục. Không cần thiết phải tìm kiếm những nguyên nhân huyền bí và cao xa cho việc sử dụng rộng rãi cách ăn mặc này, như nhà nhân chủng học Waitz[2], và sau ông là Sumner[3], đã làm. Các khái niệm về sự che chở thần bí bộ phận sinh dục nam khỏi các sự quấy nhiễu của tà ma có thể chỉ là những luận điểm thứ yếu. Rõ ràng là, sự che đậy hớ hênh bằng những chiếc vỏ ốc lóng lánh, những trái bầu khô, vỏ cây, da thú, vải vóc, hay lá cỏ là không phải để đánh lạc hướng sự chú ý mà chỉ khiến nó thêm hấp dẫn sự chú ý thôi.

Thay cho một cái bọc bằng vật cứng, người ta dùng một miếng da, lá cỏ, hay mảnh vải như miếng ''tạp dề'' nhỏ mang phía trước hạ bộ, hoặc cả phía trước lẫn phía sau, hoặc mang giữa háng và treo từ phía trên eo hông. Loại trang phục này thường được cả nam lẫn nữ sử dụng. Đó là trang phục căn bản, và thường là trang phục duy nhất của hầu hết những dân tộc sơ khai.

Việc sử dụng áo thụng

Khi cần giữ ấm cơ thể, người ta phải sử dụng thêm những thứ khác nữa. Hấu hết các chủng tộc loài người đều tương đối ít lông, nên họ cần có một sự cách nhiệt nhân tạo. Chính vì vậy mà chúng ta lột da và tất cả những gì có phủ lông của các loài thú vật. Kẻ đặt bẫy thì lột lấy da con thú rồi đem đi thuộc, người thợ may cắt may thành áo, và quí bà sang trọng mang cái lớp da thú ấy ra bên ngoài lớp da thực của mình mỗi khi quí bà muốn đi du hí vào những ngày đông tháng rét. Len cũng được thu hoạch từ thân thể loài cừu, mà không cần phải dùng biện pháp giết chóc.

Thổ dân Shoshone ở châu Mỹ bện những chiếc áo dài bằng da thỏ, giống như những Người Đan Rổ Rá thời tiền sử Người Bushmen ở châu Phi tự chế tác cho mình những tấm áo khoác bằng da thú. Người Yahgan ở quấn đảo Tierra del Fuego mang trên người những tấm choàng nhổ bé bằng da hải cẩu, da rái cá biển, hay da chồn. Đó là thứ trang phục duy nhất của họ chống lại cái lạnh khắc nghiệt của khí hậu miền cận Nam cực. Những người phụ nữ có thêm mảnh da nhỏ che hạ bộ. Người Ona cư trú trong cùng khu vực, và những người Tehuelche lân cận mang những tấm áo choàng dài hơn và rộng hơn. Người Tasmania không có loại áo khoác riêng biệt cho mình. Đàn ông thì quấn và buộc quanh vai và tay chân bằng những mảnh da lông thú đủ loại Phần đông người Tasmania, cũng như dân Fuego, bôi mỡ và thổ chu khắp người để không lạnh. Cư dân miền Trung Úc khác với đặc điểm của những người săn bắt và hái lượm ở các vùng ôn đới ở chỗ họ không có áo khoác. Có vẻ như họ không bao giờ nghĩ đến việc dùng da lông thú làm y phục. Với đàn ông, chùm tua che đậy hạ bộ một cách hớ hênh, treo lủng lẳng từ chiếc thắt lưng bện bằng tóc người, và những dải băng quấn trên cánh tay bện bằng da lông thú là đã đủ cho họ rồi. Còn phụ nữ thì với một xâu chuỗi hột đeo quanh cổ đã được coi là có y phục tươm tất.

Một lần nữa khi hướng sự chú ý của mình vào vùng Nam Mỹ, chúng ta sẽ thấy rằng cư dân vùng Patagonia và thổ dân da đỏ vùng Gran Chaco mặc áo măng-tô bằng da lông thú để chống lại thời tiết khắc nghiệt. Loại áo poncho dệt bằng len của thổ dân da đỏ vùng Andes rõ ràng là sự tô điểm thêm mang tính chất văn hóa từ loại y phục sơ khai này.

Ở Bắc Mỹ, chiếc áo dài bằng da bò của dân da đỏ vùng Đại Bình Nguyên cũng là một dạng tấm choàng không tay, rộng hơn, về sau được thay bằng tấm chăn (mền) của những người phải ngược xuôi buôn bán, mà cho đến nay vẫn là biểu tượng của người da đỏ thủ cựu; "người da đỏ trùm chăn'' là những người còn bám níu theo những kiểu cách xưa cũ. Ngay cả trong những khu rừng loang lổ ở mạn đông bắc, chiếc áo choàng khoác hờ này là món y phục chủ yếu vào mùa đông, ngoài những chiếc xà cạp bó cẳng chân và loại giày bằng da mềm. Ở các bang miền đông nam, thổ dân, ngoài chiếc khố ra, luôn để mình trần. Khi cái lạnh từ miền bắc tràn về, họ cũng khoác lên người chiếc áo choàng rộng, hay tấm choàng bằng da lông thú.[4]

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2580-02-633536291446875000/Y-phuc-va-trang-suc/Con-nguoi-khong-y-phu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận