Nghề gốm
Chế tác các loại đồ gốm sứ là một trong những thành tựu lớn trong cuộc sống sơ khai. Con Người thời đồ đá cũ chưa bao giờ đạt được kỹ thuật này, vì mãi đến thời đại đồ đá giữa nghề gốm mới được phát minh. Những người di dân đầu tiên đến châu Mỹ đã rời khỏi châu Á trước khi kỹ thuật làm đồ gốm truyền đến Siberia. Không có một mảnh gốm vỡ nào trong những phát hiện khảo cổ tiền sử trên châu lục này. Mãi đến thời kỳ đan lát cải tiến (500 - 700 năm sau công nguyên) những dân tộc thuộc nền văn hóa Anasazi, những người trở nên rất thành thạo trong nghề gốm sau này, mới bắt đầu chế tác được những chiếc bình gốm đầu tiên.
Ở Trung Mỹ và miền núi Andes, nghề gốm thời cổ đã bắt đầu sớm hơn. Rất có thể là nghề gốm được phát sinh độc lập tại một nơi nào đó trong khu vực, rồi từ đó truyền bá sang những nơi khác ở Tân thế giới. Những người ở Patagonia và Terre den Fuege không bao giờ biết được phát minh này, trong khi những người đan lát ở California và người Shoshone chẳng thấy cần thiết phải bắt chước những người láng giềng Tây Nam của mình. Người da đỏ ở vùng Duyên Hải Tây Bắc bằng lòng với đồ đan lát và các loại thùng gỗ của mình, còn người da đỏ trong các cánh rừng Canada thì dùng đồ đạc làm bằng vỏ cây.
Tất cả các dân tộc ở châu Phi cũng có chế tác một số loại đồ gốm, nhưng nghề gốm của họ không được chú ý cho lắm như một ngành thủ công mỹ nghệ trên lục địa này, nơi mà cư dân bản địa chỉ ham thích các nghề gỗ, kim loại, và dệt.
Nghệ thuật gốm sứ mở rộng sang châu Á qua Indonesia, đi vào Thái Bình Dương. Các loại đồ gốm sứ có giá trị được chế tạo tại Melanesla và Guam, nhưng với nhiều người Micronesia và người Polynesia thì nghệ thuật gốm sứ của họ đã bị thất truyền. Người Polynesia dùng loại hố đá để nấu nướng.
Nói chung, ngoại trừ sự cách biệt nói trên, bản đồ phân bố của ngành tạo tác đồ gốm thời sơ khai cũng giống như sự phân bố của nghề canh tác nông nghiệp. Những dân tộc chuyên săn bắt và hái lượm bì gạt ra bên lề các trung tâm phát minh nghề gốm, chỉ học được nghề này qua sự truyền bá lại, hoặc do cuộc sống du mục, nên họ không muốn dùng đồ gốm vì quá cồng kềnh.
Các kỹ thuật chế tác gốm
Một người thợ gốm nguyên thủy ngay cả khi chế tác một sản phẩm đơn sơ nhất cũng phải hoàn thành tất sáu bước:
1. Anh ta phải biết nơi nào có đất sét tốt. Độc giả khi còn nhỏ, ắt hẳn đã có dịp hăm hở nặn ít nhất một món đồ gì đó bằng đất sét, và khi phơi khô thì nó bị vỡ ra. Đất sét là một loại đá bị phân hủy, có chứa silicat nhôm hydrat với nhiều mức độ tạp chất khác nhau. Các tỷ lệ tương đối của silicat và oxit nhôm cộng với tính chất và khối lượng tạp chất sẽ quyết định phẩm chất của loại đất sét được sử dụng trong việc chế tác món đồ gốm.
2. Đất sét phải được chuẩn bị kỹ: (a) Hầu hết thợ gốm thời sơ khai đều trước hết phơi khô đất sét, rồi tán nhuyễn để sàng lọc và loại bỏ những phần quá thô. Đó là cách tạo đất sét mịn. (b) Thành phần hóa học của đất sét được điều chỉnh bằng cách trộn thêm chất phụ gia, có thể là bột vỏ sò, mica, thạch anh, cát, hoặc ngay cả mảnh gốm vỡ tán nhuyễn. Các chất phụ gia làm cho đất sét dễ tạo hình và bám dính. Nó cũng giúp sản phẩm không bị nứt vỡ khi khô. Các mẫu vật khảo cổ cho thấy những người thợ gốm thời đại đồ đá mới chưa biết trộn thêm các chất phụ gia nhân tạo vào nguyên liệu đất sét của họ. (c) Đất sét phải được nhào ướt đến mức độ dẻo thích hợp.
3. Tiếp theo, đất sét được tạo hình thành các loại chén bát bình vại...
4. Tạo hình xong, sản phẩm còn tươi này sẽ được hong gió cho khô.
5. Người ta thêm hình trang trí, nếu có, vào món đồ trước hay sau khi phơi, tùy theo tính chất của sự trang trí. Món đồ có thể được tráng men vào thời điểm này.
6. Bước cuối cùng, cũng là bước quan trọng nhất, là nung sản phẩm.
Các bước 3, 5, và 6 cần được bàn thêm một số chi tiết. Có ba phương pháp có thể áp dụng trong việc tạo hình sản phẩm đều được những người thời sơ khai nắm vững. Phương pháp ít được dùng nhất, nhưng có lẽ cũ xưa nhất, là đắp đất sét lên một cái rổ rá hay một trái bầu như một cái khuôn, cái khuôn này sẽ cháy đi khi sản phẩm được nung. Cách này vừa tốn công sức vừa phí mất những cái rổ rá làm khuôn. Hai phương pháp sau là làm khuôn bằng một khối đất sét cứng, hoặc lăn đất sét dài ra như một sợi dây bện rồi quấn lại như một con rắn dài. Với cách nào cũng có thể thực hiện với hoặc không cần bàn xoa và vật đỡ. Và theo phương pháp nào cũng có thể dùng hoặc không cần dùng bàn xoay của thợ gốm.
Bàn xoay của thợ gốm không nhất thiết phải có hình tròn. Đó có thể là một mặt phẳng hình vuông - hoặc bát giác cũng được. Nhưng nó phải theo đúng nguyên tắc bánh tròn, nghĩa là một mặt phẳng xoay trên một cái trục. Không một người da đỏ nào ở châu Mỹ, hoặc những người Maya, Inca hay Aztec thông thái nào phát hiện được nguyên tắc này cả. Thế cho nên, tất cả thợ gốm sứ của châu Mỹ đều không biết sử dụng bàn xoay.
Ở Cựu lục địa, bàn xoay được phát minh từ Ai Cập khoảng năm ngàn năm trước và được truyền bá khắp châu Âu rồi sang phía Đông qua ngã Ấn Độ trong thời đại Đồ Đồng. Dùng bàn xoay, khối đất sét được đặt tại trung tâm ngay phía trên trục xoay, và trong hai bàn tay của người thợ lành nghề, khối đất xoay tròn lớn dần lên thành một chiếc bình như một phép lạ.
Làm gốm theo cách cuộn thừng, trước hết phải đặt một cục đất sét làm đế. Người da đỏ Pueblo bắt đầu làm phần đáy trên một cái khay hoặc trên một cái bát gốm vừa làm chỗ tựa vừa làm đế xoay. Những dân tộc khác dùng một phiến đá phẳng hoặc một mảnh gỗ. Nếu vật đang làm là một cái bình lớn, khi làm được một nửa chiều cao, người ta phải để cho nó khô để đạt đủ độ cứng và duy trì được hình thể đã tạo ra. Khi toàn bộ chiếc bình đã khô dẻo như da, người thợ dùng ngón tay hoặc viên đá kềm phía mặt trong, và chà vuốt cho láng mặt ngoài.
Những món đồ dùng trong nhà bằng gốm da nhăn do người da đỏ Pueblo chế tác rất hấp dẫn. Thay vì xóa bỏ dấu thừng trên mặt món đồ, họ lại nhấn cho hằn lên vết tròn bên ngoài. Một phương pháp trang trí sơ khai hơn nữa là dùng một thanh gỗ có quấn dây thừng vỗ nhẹ vào thành bình tạo nên một bề mặt giống như mặt vải dệt.
Ở châu Âu trong thời đại đồ đá mới, loại hoa văn dây thừng được bố trí thành từng chuỗi ngang được người Đức gọi là Schnurkeramik. Đợt đồ gốm tuyệt vời khác trong thời đại đồ đá mới của châu Âu mang từng dải hoa văn khắc chìm hoặc dấu chấm, được gọi là Bandkeramik. Những nghệ nhân tài hoa sáng tạo những cách trang trí với lớp men bên ngoài, tranh vẽ, hoặc phương pháp nung và chạm khắc. Lớp áo bên ngoài là một lớp sét lỏng rất mịn, khi nung lên sẽ tạo cho sản phẩm một bề mặt láng mướt. Dùng đất sét với nhiều thành phần kết cấu khác nhau là yếu tố chính làm cho màu sắc bên ngoài của sản phẩm khác nhau. Các họa tiết trang trí được vẽ trước khi sản phẩm được nung lên trong lửa. Khi nung lên, các hình vẽ sẽ đổi màu.
Tất cả đồ gốm sứ thời nguyên thủy đều được đốt hoặc hơ trên lửa, nhưng chưa cần có một lò nung cho công đoạn này và cũng không mấy người thợ gốm hồi bấy giờ có lò nung. Cứ mỗi lần người ta chất lửa đốt vài món đồ để tiết kiệm công sức lao động. Sản phẩm chỉ đơn giản được xếp chồng lên nhau (những món dưới cùng được đặt trên những tảng đá) và phủ lên trên bằng cây gỗ hoặc phân súc vật khô, nếu có sẵn. Các loại vật liệu này tạo ra ngọn lửa rất nóng, mặc dù không cần dùng ống bễ để thổi, nhiệt độ có thể đạt đến từ 650 đến hơn 9000C. (1200 đến 17000F).
Nếu người thợ muốn men gốm có màu kem hoặc màu vàng sẫm, nâu, cam, hoặc đỏ, anh ta không cần phải kìm chế hay che chắn ngọn lửa. Anh ta biết rằng không khí tạo ra các màu sắc đó, tùy theo tính chất hóa học của đất sét. Tất cả những vật liệu dễ cháy trong đất sét đều được oxit-hóa. Nếu muốn có gốm màu đen, anh ta sẽ dùng cỏ ướt, than bùn ướt và củi tươi hoặc phân bột phủ lên lửa. Khí oxy trong đất sét bị xua hết ra ngoài, các-bon tích tụ lại bởi khói khiến gốm có màu đen.
Rất ít người thợ gốm sứ thời sơ khai biết cách tráng men cho các sản phẩm gốm. Việc tráng men được thực hiện bằng cách áo bên ngoài một lớp hình vẽ làm bằng oxit chì, si-lic, hoặc các dung dịch muối. Gặp nhiệt độ cao, chúng tan chảy ra tạo thành một lớp men bóng loáng.
Hầu như không một người sơ khai nào đạt đến bước kỹ thuật cuối cùng của nghề gốm (làm ra gốm sứ). Kỹ thuật này do người Trung Hoa phát minh, phát triển đến một trình độ nghệ thuật cao, và người châu Âu bắt chước. Đồ sứ là loại gốm rất mỏng làm bằng đất sét trắng (cao lanh), được nung chảy ở nhiệt độ rất cao.