Tài liệu: Tóm lược

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Đặc điểm cơ bản của mọi nền văn hóa là phức hợp của những phương pháp sản xuất, tiêu thụ, và phân phối lương thực
Tóm lược

Nội dung

Tóm lược

Đặc điểm cơ bản của mọi nền văn hóa là phức hợp của những phương pháp sản xuất, tiêu thụ, và phân phối lương thực. Nhu cầu sinh lý thay thế những nguồn năng lượng đã tiêu thụ trong cơ thể con người, đã áp đặt lên mỗi xã hội một mệnh lệnh khẩn thiết là phải tổ chức nền văn hóa như thế nào để những nhu cầu về lương thực luôn ở mức tối thiểu, nếu muốn xã hội và nền văn hóa tiếp tục tồn tại. Bởi vậy, sự điều chỉnh về mặt sinh thái của một nền văn hóa đối với môi trường tự nhiên là yêu cầu cấp thiết và quan trọng hàng đấu. Do đó, những khu vực văn hóa của thế giới là những khu vực được phân chia và đánh giá theo các tiêu chuẩn phương kế sinh tồn và kỹ thuật tìm kiếm thực phẩm.

Những nền văn hóa sơ khai và đơn giản nhất của nhân loại là những nền văn hóa có phương cách sinh tồn chủ yếu dựa trên việc săn bắn và thu lượm - nền văn hóa của những người chỉ biết nhặt, lượm.

Hầu hết những người sơ khai thời đại đồ đá mới đều cùng sống trong những phức hợp văn hóa nông nghiệp. Việc chăn nuôi gia súc tượng trưng cho một sự điều chỉnh đặc biệt - phù hợp với nghề nông của những dân tộc chỉ đạt được những kỹ thuật nông nghiệp sơ khai, hoặc kết nối với nghề nông trong một nền kinh tế hỗn hợp - đối với môi trường tự nhiên.

Tất cả các dân tộc sơ khai đều tìm cách củng cố những phương pháp sản xuất lương thực hợp lý của mình bằng những hoạt động tâm linh thần bí hay tín ngưỡng. Những hoạt động có chức năng củng cố một cách tự nhiên cái cảm giác an toàn rằng nguồn tìm kiếm lương thực của họ sẽ không sụp đổ một cách thảm hại, và do vậy họ cũng giảm đi nỗi lo lắng đã và đang gặm nhấm tâm hồn họ về nguy cơ những phương tiện sinh tồn của họ sẽ một ngày nào để không còn đủ nữa. Nhiều hình thức cúng tế dù là tượng trưng hay bằng những hành động cụ thể được tổ chức nhằm mục đích tăng cường sự đoàn kết và hỗ tương lẫn nhau giữa các thành viên hay các thành phần trong một xã hội.

Mặc dù vẫn còn có ý kiến cho rằng việc thuần hóa các loài vật và canh tác các loại thực vật có khả năng được truyền bá từ Cựu lục địa qua Tân thế giới, nhưng rõ ràng loài vật duy nhất được thuần dưỡng trong những thời kỳ Tiền – châu Âu và được truyền từ Đông sang Tây bán cầu chỉ là loài chó. Vì những loài thực vật riêng biệt do các dân tộc thí dân châu Mỹ canh tác (có khả năng không kể đến cây bông) vốn hoàn toàn là những loại thực vật bản địa của Tân bán cầu, và cũng vì những kỹ thuật canh tác được sử dụng ở Tân thế giới hoàn toàn khác biệt với những kỹ thuật canh tác của Cựu lục địa, nên chúng ta có thể suy ra rằng nền nông nghiệp của Tân thế giới (và cũng do đó, các phức hợp văn hóa và kinh tế của Tân thế giới thời đại đồ đá mới) đã phát triển một cách độc lập, không chịu ảnh hưởng từ Cựu lục địa.

Tài liệu đọc thêm chọn lọc

1. De Schlippe, P.: ''Phương pháp canh tác chuyển đổi ở châu Phi: Hệ thống nông nghiệp của người Zande'' (Shifting Cultivation in Africa: The Zande System of Agriculture), ấn bản 1956. Một công trình nghiên cứu xây dựng trên ngành nhân chủng học và ngành nông học.

2. Forde, C.D.: ''Môi trường, Kinh tế và Xã hội" (Habitat, Economy, and Society), ấn bản 1937. Bao gồm những miêu tả cô đọng về những hoạt động sinh tồn của một số bộ lạc, cũng như mối quan hệ giữa những hoạt động này với cấu trúc xã hội của các bộ lạc đó. Đồng thời trình bày một tóm lược có tính so sánh giữa những vấn đề được đề cập.

3. Hill, W.W.: ''Những phương pháp canh tác nông nghiệp và săn bắn của thổ dân Navaho'' (The Agricultural and Hunting Methods of the Navaho Indians), trong tạp chí Nhân chủng học do trường đại học Yale xuất bản, số 18 năm 1938.

4. Malinowski, B.: ''Nền nông nghiệp và những ma thuật của người Coral'' (Coral Gardens and Their Magic), ấn bản 1938, chương 1. Một tác phẩm chi tiết và rất thuyết phục về sự tương quan hỗ tương giữa tổ chức xã hội, chủ nghĩa siêu nhiên và nền nông nghiệp của những người dân quần đảo Trobriand.

5. Richards, A. I.: "Đất đai, Con người và Chế độ dinh dưỡng ở miền Bắc Rhodesia'' (Land, Labour, and the Diet in Northern Rhodesia), ấn bản 1950. Một tác phẩm mô tả cách sống của bộ lạc Bemba (Rhodesia, một quốc gia Nam phi châu, ngày nay đổi tên là nước Nam Phi. - ND).

6. Steward, J. H.: ''Tổ chức xã hội và chính trị của các nhóm dân bản địa vùng Cao nguyên lòng chảo" (Basin Plateau Aboriginal Socialpolitical Groups), ấn bản 1938. Hệ sinh thái và phương kế sinh nhai của các dân tộc vùng sa mạc Đại lòng chảo (Great Basin).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2577-02-633536194317187500/Tim-kiem-luong-thuc/Tom-luoc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận