Xã hội nông dân
Suốt thế kỷ mười tám và mười chín, nạn diệt chủng là số phận chung của nhiều bộ lạc khác nhau. Trong thế kỷ hai mươi và hai mươi mốt, chắc chắn rằng hầu hết các cộng đồng bộ lạc cũng sẽ tiến dần đến tình trạng văn minh, ngoại trừ trường hợp của những dân tộc sống ở những vùng ngoại biên hẻo lánh như người Bushmen của Phi châu, thà chịu diệt chủng chứ không thể hội nhập vào thế giới hậu văn minh. Khi các quần thể dân cư này, dù sẽ được nuôi dưỡng trong bầu sữa của một phức hợp công nghiệp siêu đô thị và trong quá trình biến đổi từ cách sống bộ lạc đến cách sống nông dân, họ vẫn duy trì trong một giới hạn chừng mực nào đó tính đồng nhất của cộng đồng.
Một xã hội nông dân là một xã hội cấp thấp trong bảng phân cấp các loại xã hội, đó là một xã hội tiền kỹ nghệ hoặc chỉ kỹ nghệ hóa một phần. Nó còn được tiêu biểu rõ nét hơn với những đặc điểm sau: nông nghiệp có tính gia đình trên những mảnh đất nhỏ do chính mình sở hữu, hoặc những nghề nghiệp thôn dã giản đơn khác dẫn đến một lối sống khiêm tốn giản dị; gia đình là đơn vị xã hội trung tâm và quan trọng nhất; vị thế xã hội thấp; sự phụ thuộc kinh lễ thay đổi ở nhiều mức độ khác nhau với những trung tâm thành thị; nền văn hóa đơn giản; và gắn liền với đất đai, cộng đồng địa phương và truyền thống.[1]
Các xã hội nông dân là những cộng đồng nhỏ thuộc thế giới sơ khai đã chuyển biến thành những đơn vị văn hóa thuộc các vùng ngoại vi hẻo lánh của các nền văn minh. Vị trí phát triển của chúng là giữa xã hội bộ lạc và xã hội kỹ nghệ thành thị, ở một mức độ nhất định nào đó, cùng chia sẻ những đặc điểm của hai loại xã hội này.
Ở châu Âu, các xã hội nông dân đang biến mất rất nhanh. Trong một giới hạn thấp hơn, đây cũng là một thực tế của nước Nga. Ở châu Á, châu Phi, khu vực Trung và Nam Mỹ tình trạng tan rã của hình thức bộ lạc cũng đang có những bước phi nước đại. Tình trạng đô thị hóa đang lan rộng, và những con người bộ lạc đang trở thành những nông dân. Từ nay đến cuối thế kỷ hai mươi (E. A. Hoebel tái bản lần thứ ba cuốn sách này vào năm 1966 - ND), việc nghiên cứu tại hiện trường các cộng đồng nông dân sẽ là mối quan tâm nhiều ý nghĩa của các nhà nhân chủng xã hội học. Những nền văn hóa nông dân có thể tồn tại trong những vùng ngoại biên hẻo lánh trong nhiều thế kỷ tương lai và tiếp tục lôi cuốn sự quan tâm chú ý của các nhà nhân chủng học. Tuy nhiên, ngay bây giờ, yêu cầu cấp thiết từng năm của các nhà nhân chủng học là phải nghiên cứu nhiều hơn nữa về các nhóm bộ lạc đang tồn tại, trước khi quá muộn.
Hiện tại, mối quan tâm hiện thời đang càng lúc càng tăng của các nhà nhân chủng học về việc nghiên cứu những phức hệ văn hóa, cũng sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ nhanh chóng chiếm vị trí hàng đầu trong tương lai. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến không những cái lộ trình đã qua của thế giới sơ khai, mà còn chứng kiến sự tan rã của chính bản thân các nền văn minh - nền văn minh đồng nghĩa với nền văn hóa của các thành phố.