Những phát triển của thế kỷ hai mươi
Vào đầu thế kỷ, một biến cố quan trọng đối với ngành nhân chủng học là sự bất mãn phát sinh do tình trạng phụ thuộc lẫn nhau càng ngày càng tăng trong xã hội, tuy nhiên sự kiện này lại hấp dẫn những kế hoạch của các nhà tiến hóa văn hóa học. Đây là thế kỷ của các suy nghĩ khoa học, và rõ ràng khoa học không dung nạp được cái đại loại nhất hậu-nhân-chủng-học hoặc hậu-điều-trị. Sự phản ứng thoạt tiên xuất hiện trong tác phẩm của Franz Boas (1858-1942) và những người khác sau đó.
Franz Boas: phương pháp tái lặp lịch sử
Phản ứng của những người theo phái Boas đối với việc xác định quá trình tiến hóa bằng phương pháp suy đoán đã được chúng ta đề cập ở mức độ chừng mực trong chương 6 (trang 119). Thành quả lớn lao của phương pháp này đã đánh dấu sự mở đầu của một kỷ nguyên hiện đại của ngành nhân chủng học thường nghiệm, và kết liễu giai đoạn ba trăm năm triết-lý-lịch-sử của chủ nghĩa tiến hóa suy luận, và khởi đầu phát triển những phương pháp quan sát với ghi chép đáng tin cậy và khách quan trong các bộ môn như dân tộc học, vật lý nhân chủng học, khảo cổ học, và ngôn ngữ học. Chính Boas là người đề ra phương pháp thực tiễn để ghi lại những bản tường trình của những người cung cấp thông tin trong các xã hội sơ khai bằng chính ngôn ngữ của họ. Để hiện thực điều này, ông đã sáng chế ra hệ thống để ghi lại các ký âm và lập khuôn mẫu cho tất cả những chương trình giảng dạy về nhân chủng học ở Mỹ, những chương trình luôn đòi hỏi việc huấn luyện chuyên sâu về ngôn ngữ dành cho các sinh viên trình độ cao. Boas cũng thực hiện các công trình nghiên cứu về tất cả ngôn ngữ của thổ dân da đỏ, cũng như đề ra những kỹ thuật “hiện đại” để giảng dạy các ngoại ngữ (chú trọng cách sử dụng bản ngữ trong đàm thoại hơn là thuộc lòng bảng từ vụng và các qui tắc văn phạm). Ông nhấn mạnh việc báo cáo một cách chi tiết các quan sát thuộc lãnh vực dân tộc học, có được từ việc khảo sát tại hiện trường. Ông cũng phát triển những kỹ thuật thống kê để vận dụng theo chiều hướng tăng trưởng và phát triển những dữ liệu trong ngành nhân chủng vật lý học.
Boas sinh ra một năm trước khi cuốn Nguồn gốc các chủng loài được xuất bản. Ông đã học về ngành vật lý và toán học. Sở thích của ông là khoa học tự nhiên, nhưng mối quan tâm lại dành cho sự nghiên cứu về con người; ông đã đo đạc cơ thể con người với sự chính xác và nỗ lực ghi chép lại những điều như niềm tin, chuyện thần thoại, và các loại lễ lạc, cũng như những điều con người tự mô tả hay cảm nhận chính mình. Ông cũng cố gắng đột phá vào cái nội tâm của con người. Với sự thành thật, Kroeber đã nói: “Có lẽ sự đóng góp chính yếu nhất của Boas cho khoa học và nền văn minh, là đã xử lý những dữ liệu của nhân loại bằng một phương pháp khoa học chặt chẽ ở trên một mức độ mà trước đó chưa bao giờ đạt đến”.
Mục tiêu của Boas trong thời kỳ từ năm 1890 đến năm 1910 là biến đổi ngành nhân chủng học, từ tính chất suy đoán của những người theo thuyết tiến hóa sang sự quy nạp chính xác của ngành khoa học tự nhiên. Ông đã thành công không thể chối cãi trong mục tiêu này. Chúng tôi không cho rằng Boas đã tạo ra một ngành khoa học nhân chủng học, chúng tôi chỉ nói rằng ông đã chuyển cho các nhà nhân chủng học Mỹ cái định hướng cần có của một nhà khoa học bằng cách khắc phục những vấn đề của ngành nhân chủng học.
Phương pháp so sánh có kiểm soát và phân tích theo khu vực. Lập trường của Boas hoàn toàn không một chút tiêu cực. Ông giữ vững những qui luật phổ biến đã được phát hiện trước đó của nền văn hóa, nhưng nhấn mạnh rằng chúng phải được rút ra từ những thực tế đã được thu thập một cách cần cù và cẩn thận, chứ không phải từ phòng hội ý của các triết gia. Ông ghét cay ghét đắng sự khái quát hóa hấp tấp vội vàng – mà trong thời đó, hầu hết mọi sự đều là sự khái quát hóa. Boas đã đưa ra những phương pháp gồm có hai cách gọi là so sánh có kiểm soát và phân tích theo khu vực sự phát triển của những hình thức văn hóa, thông qua sự phân bố các đặc điểm trong phạm vi một khu vực văn hóa.
Thần thoại của người Tsimshian. Sự phát triển và việc áp dụng của những phương pháp kết hợp này được Boas trình bày vào năm 1916, khi công trình nghiên cứu của ông về chuyện thần thoại của người Tsimshian được xuất bản. Toàn bộ các câu chuyện thần thoại của người Tsimshian được đưa ra đầy đủ trong cuốn sách này, và sau đó chúng được xếp loại và phân tích để phơi bày một cách trần trụi những chủ đề cấu thành mà từ đó mỗi câu chuyện được xây dựng. Kế tiếp, sự phân bố của từng câu chuyện được đánh dấu trên một biểu đồ biểu thị toàn bộ khu vực văn hóa của miền duyên hải Tây Bắc (đây chính là ý niệm so sánh có kiểm soát: môi trường thường đồng nhất và các nền văn hóa cũng vậy). Những thành phần cấu thành của mỗi chuyện thần thoại khắp miền duyên hải Tây Bắc cũng được phân tích và đánh dấu trên biểu đồ. Từ những dữ liệu này, các bước phát triển và hình thành của các câu chuyện thần thoại được tái lập và con đường truyền bá của các thành phần cấu thành cũng được đánh dấu trên biểu đồ. Quá trình tiến hóa đặc biệt của các chuyện thần thoại trong phạm vi môi trường duyên hải miền Tây Bắc đã được vạch ra với độ chính xác tối đa mà con người có thể thực hiện được. Còn nữa, Boas đã tốn rất nhiều công sức khó nhọc để trình bày vấn đề các câu chuyện thần thoại đã được truyền bá từ lục địa này qua lục địa khác như thế nào, và bị biến đổi ra sao qua những phản ảnh trên thực tế của thổ dân Kwakiutl trên nền văn hóa của họ. Ông đã không cho rằng đó là sự đáp ứng thích nghi trong quá trình tiến hóa, nhưng bằng thực tế, ông đã chứng minh một cách kỹ lưỡng vấn đề như thế nào những hình thức văn hóa riêng biệt thích nghi với toàn bộ môi trường sống - cơ thể, văn hóa, và xã hội. Swanton cũng thực hiện một nghiên cứu song hành về sự phân bố của các thị tộc trong phạm vi khu vực duyên hải Tây Bắc.
Nghệ thuật miền duyên hải tây bắc. Boas cũng phân tích nghệ thuật miền duyên hải Tây Bắc, cũng như tất cả những lãnh vực khác của nền văn hóa, ông chú trọng xem xét mặt chức năng qua bối cảnh văn hóa đầy đủ của nó:
Phong cách nghệ thuật này được hiểu một cách trọn vẹn chỉ như một bộ phận không thể thiếu của cấu trúc văn hóa miền duyên hải Tây Bắc. Ý tưởng nền tảng ẩn tàng dưới những tư tưởng, những cảm xúc và những hoạt động của các bộ lạc này cái giá trị của vị thế cấp bậc, điều tạo ra cái tư cách để được sử dụng những đặc quyền, hầu hết các đặc quyền này được biểu hiện trong những hoạt động nghệ thuật, hoặc trong việc sử dụng các hình thức nghệ thuật.
Những mục tiêu của phương pháp luận Boas. Sự phản bác chính yếu của Boas đối với phương pháp luận của những người theo thuyết tiến hóa là: phương pháp này đã tách xé những đặc điểm ra khỏi bối cảnh và xây dựng các nền văn hóa, mà hoàn toàn không quan tâm xem chúng như là những toàn thể đầy đủ ý nghĩa. Sự phản bác này cũng được Malinowski và Radcliffe-Brown lặp lại một cách dứt khoát và quyết liệt sau này.
Chuyện thần thoại, nghệ thuật, nền văn hóa hữu hình, việc tổ chức các lễ lạt, và tổ chức chính quyền - tất cả những điều này được nghiên cứu theo chiều sâu, trong bối cảnh, trong phạm vi khu vực văn hóa; những sự phân bố cũng được đánh dấu trên biểu đồ để xác định những biểu hiện nào là đặc tính phổ biến trong khu vực, những đặc điểm nào là đặc biệt, và ở đâu những nền văn hóa phức tạp nhất hiện diện. Có như vậy, người ta mới có thể nói lên một vài điều gì đó về những quá trình (lịch sử) phát triển của nền văn hóa trong khu vực và trong những điều kiện mà nền văn hóa hiện diện. Boas không đi xa hơn nữa. Khi điều này đã được thực hiện ở một số khu vực, cũng là lúc để so sánh các kết quả giữa các khu vực, để xem xét liệu sự khái quát hóa ở những mức độ cao hơn với cái giá trị thường nghiệm (mắt thấy tai nghe) có phù hợp với nhau hay không. Boas không phải là một người trẻ tuổi hấp tấp vội vàng, nhưng ông cũng sẵn sàng gạt bỏ ngay những gì cần gạt bỏ.
Các cộng sự và những người ủng hộ Boas trong nửa thập kỷ đầu thế kỷ này đã mở rộng việc nghiên cứu trong một chương trình của riêng họ. Từ trung tâm của mình thuộc bộ phận nhân chủng trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên ở New York, Clark Wissler (1870-1947) đã liên tục tổ chức hết đoàn thám hiểm này đến đoàn thám hiểm khác, để thu thập những dữ liệu dân tộc học về các hội đoàn chiến binh và vũ điệu mặt trời của các tộc thổ dân vùng Bình Nguyên. Lowie đã đưa các kết quả thu lượm được về các hội đoàn chiến binh vào cái “cối xay phân tích” của mình, trong khi đó Leslie Spier cũng thực hiện điều tương tự với điệu vũ mặt trời.
Dường như, những biểu thị này của phương pháp Boas tỏ ra chỉ quan tâm đến việc tái lập những mảnh vụn lịch sử của các nền văn hóa. Phương pháp này thường bỏ qua, không nhận ra rằng sự quan tâm nghiên cứu không chỉ tập trung vào yếu tố niên đại, mà còn phải quan tâm đến những động cơ thúc đẩy trong tiến trình văn hóa: vũ điệu mặt trời đã được tiếp nhận như thế nào và được tái biểu lộ ra sao để phù hợp với các mục đích và các cứu cánh (của cộng đồng), những quan điểm đặc biệt, và những hình thức văn hóa của mỗi xã hội - và những gì chúng cùng có chung với nhau? Một lần nữa, cần phải nói rõ, mục tiêu của phương pháp này là nhằm xác định những chi tiết của sự thích nghi văn hóa, không dưới dạng một công thức khái quát phổ biến, mà dưới tính đa dạng muôn sắc muôn màu của các nền văn hóa thực tại trong những bối cảnh môi trường riêng biệt.
Để tóm tắt, là những lời của Boas:
Vậy thì, tóm lại, phương pháp mà chúng tôi đang cố gắng phát triển được đặt trên nền tảng của sự nghiên cứu về những biến đổi các động cơ thúc đẩy trong xã hội có thể quan sát được ngay thời điểm đó. Chúng tôi phải kiềm chế không cố gắng giải quyết vấn đề nền tảng đó trong sự phát triển chung của nền văn minh cho đến khi chúng tôi có thể làm sáng tỏ trước mắt chúng tôi những tiến trình đang vận hành… nếu nhìn về lãnh vực pháp luật, chúng tôi nhận thấy rằng luật pháp gắn liền với những tác động tâm lý, tâm lý, và những điều kiện xã hội, chứ không phải là những trình tự thành tựu văn hóa.
Thuyết chức năng và cấu trúc xã hội
Ở Đức và áo, một lý thuyết nhân chủng học về sự truyền bá các nền văn hóa trên quy mô rộng đã phát triển như là một thuyết tiến hóa nhân chủng thứ hai. Dưới sự dẫn dắt của linh mục Wilheim Schmidt, lý thuyết này đã đơm hoa nở nhụy trong nhiều thập niên (từ 1910 đến 1940), nhưng có rất ít ảnh hưởng đối với sự phát triển chung các lý thuyết và phương pháp của ngành nhân chủng học và biến mất vào thời Thế Chiến Thứ Hai (hoặc ít ra là trong thời gian hiện tại). Việc đề cập đến Kulturkreislehre (lý thuyết về phức hệ văn hóa) bị loại bỏ ở đây, và cũng sẽ chịu chung số phận là các lý thuyết về sự truyền bá của các tác gia người Anh như Elliot Smith và W.J. Perry, những người đã đề cao các trình tự truyền bá bằng sự suy luận, hoàn toàn không dựa vào hay đưa ra một phương pháp thực tiễn nào.
Ở Anh, sự phản bác thuyết tiến hóa xuất hiện như một sự phủ nhận toàn bộ việc xem lịch sử văn hóa như là một đối tượng nghiên cứu của ngành nhân chủng học; đại diện cho phong trào này, Bronislaw Malinowski (1884-1942) và A.R. Radcliffe - Brown (1881-1955) đã thiết lập một cách tiếp cận mới cho ngành nhân chủng học, nhấn mạnh rằng các nền văn hóa cũng là các hệ thống xã hội. Một cách tiêu cực, họ cho rằng, tệ hại nhất là những nghiên cứu về quá trình tiến hóa của lịch sử và văn hóa là vô tích sự: có quá ít những thực tế có thể kiểm chứng và sử dụng được, và do vậy cũng không có những dữ liệu về niên đại trong thời tiền sử ngoại trừ những dữ liệu khảo cổ chưa xứng đáng để một ngành khoa học nhân chủng sử dụng. Họ cho rằng việc tái hiện lịch sử là một sự lãng phí thời gian trên qui mô chiến lược của ngành nhân chủng học, cho nên tốt nhất, những kết quả phong phú hơn có thể thu lượm được bằng cách chú tâm vào những xã hội hiện đang tồn tại, những xã hội có thể quan sát được qua hành động. Tại sao phải căng thẳng cực nhọc như Boas với một phương pháp như vậy, trong khi nó chỉ sinh ra cái mà Kroeber đã gọi là “sự so sánh vô ích”, bởi vì “Nó không nói, và cũng không cố gắng nói được, tại sao các sự việc lại xảy ra như vậy trong xã hội”
Tiến xa hơn nữa, họ nhấn mạnh rằng để thấy được các xã hội đã vận hành như một hệ thống toàn thể ra sao; người ta phải hiểu biết nhiều hơn nữa về những vấn nạn như xã hội thực hiện những cái gì và những gì được sử dụng cho sự quan sát có kiểm chứng. Họ đã có lý trong quan điểm này; “khoản tiền phải trả” cho việc khảo sát về mặt chức năng quả thật phong phú hơn so với khoản có được do việc tái lập lịch sử trong thời hoàng kim của phái Boas.
Đóng góp cơ bản của Durkheim. Vị tiền bối của những người theo thuyết chức năng như Malinowski và Radcliffe-Brown, và cũng là vị tổ sư thông thái của ngành nhân chủng xã hội Anh quốc sau này, nói cụ thể là nhà khoa học xã hội người Pháp Emile Durkheim (1858-1917). Durkheim và Boas là những người cùng thời, và cả hai đều đã đưa ra một đường hướng mới cho ngành nhân chủng học vào thời điểm chuyển mình của thế kỷ. Ảnh hưởng của Boas trực tiếp hơn và kéo dài suốt ba thập niên đầu của thế kỷ; ảnh hưởng của Durkheim phát triển chậm hơn, nhưng từ năm 1930 ảnh hưởng này mới bắt đầu tăng trưởng một cách rõ rệt.
Durkheim là một nhà xã hội học chuyên nghiệp hơn là một nhà nhân chủng học. Cũng như Boas, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp nghiêm túc và thực tế tai nghe mắt thấy, để xây dựng một nền tảng khoa học nhằm mục đích nhận thức về xã hội. Nhưng khác với Boas, Durkheim không tự mình tham dự vào hoặc đóng góp cho sự phát triển của các cuộc nghiên cứu tại hiện trường của ngành dân tộc học. Tuy nhiên, ông đã tiếp nhận với sự nhiệt tình những đóng góp cho ngành nhân chủng học trên tờ báo có ảnh hưởng rất lớn của ông ta Année sociologique (1898-1914). Tác phẩm duy nhất được thừa nhận viết về nhân chủng học của Durkheim, Những hình thức cơ bản của đời sống tôn giáo là một tác phẩm kém thành công so với những bài phân tích về tính độc lập trong xã hội trong cuốn Phân công lao động, cũng như việc phát triển ý niệm “thực thể xã hội liên quan với sự đồng nhất tập thể”, đặc biệt trong tác phẩm nghiên cứu có tựa đề Tự tử.
Durkheim nhấn mạnh rằng những thực tế xã hội phải được giải thích trong những giới hạn của xã hội và không được viện dẫn đến tâm lý học hoặc sinh học. Đối với Durkheim, tôn giáo không phải là một hiện tượng tâm lý mà chỉ là hiện tượng xã hội, biểu lộ những lợi ích hoặc mối quan tâm của xã hội. Khi nghiên cứu về tôn giáo, đối tượng chính yếu phải tìm kiếm chính và nguồn gốc của tôn giáo, và nguồn gốc này không nằm trong những giấc mơ hay trong những nỗi lo âu của con người, mà trong những gì nó tác động đến xã hội. Ông lập luận, chức năng của một định chế xã hội là mối liên quan giữa nó với cơ cấu xã hội, xã hội như là một thực thể. Khái niệm “chức năng là điều kiện tiên quyết để duy trì xã hội” đã được trình bày ở đầu cuốn sách này (trang 37-38), xuất phát từ ý niệm của Durkheim về những nhu cầu của cơ cấu xã hội. Ý niệm về chức năng xã hội có thể được triển khai bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên đây là cách Malinowski, Radcliffe-Brown và những người ủng hộ các ông thực hiện.
Lý thuyết và phương pháp của Malinowski. Đóng góp to lớn của Malinowski là khuôn mẫu mà ông đã thiết lập cho công tác khảo sát hiện trường của ngành dân tộc học. Là một công dân Áo gốc Ba Lan, khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, ông bị “giam giữ” và phải sống cùng với những người dân quần đảo Trobriand trong suốt thời gian chiến tranh. Mặc dù được đào tạo như là một nhà toán học ở Ba Lan, nhưng chủ đề dân tộc và nhân chủng học mới là niềm đam mê tự nhiên của Malinowski, và chính đời sống của các dân tộc đang tồn tại đã lôi cuốn ông. Đó là những điều ông tìm kiếm, và cũng là những điều ông thuật lại. Cần phải nhắc lại rằng, ông là nhà nhân chủng học đầu tiên quả quyết rằng chính cái mà dân tộc làm (dù có có vẻ tầm thường hay không thích hợp như thế nào thì cũng không phải là vấn đề) là cái mà nhà dân tộc học phải ghi vào trong sổ tay của mình. Cái mà họ nói họ làm cũng quan trọng cần phải ghi lại, để cho chắc chắn, nhưng điều này không được xem là tượng trưng cho nền văn hóa của họ trên thực tế. Chứng cứ là cái gì mà người làm việc tại hiện trường có thể thấy; những người cung cấp thông tin chỉ được kể lại những câu chuyện thần thoại hay nêu ra các vai trò, vị thế nhưng không được khái quát hóa các phong tục tập quán, ngoại trừ khi việc này biểu thị những loại thái độ nào đó.
Bên cạnh việc quan sát và báo cáo, cương lĩnh của Malinowski là “giả định theo lý thuyết là toàn bộ dữ kiện của hiện trường dưới sự giám sát của người làm việc tại hiện trường dù thế nào đi nữa phải khớp với nhau và có ý nghĩa”
Ông biện luận: “Chẳng có những cái gì đại loại như vậy tồn tại”. Mỗi lãnh vực của nền văn hóa đều mang cái ý nghĩa chức năng trong ma trận của mình. Nhiệm vụ của nhà nhân chủng xã hội học là, bằng kỹ năng cần thiết của mình, phân tích cắt xẻ nền văn hóa để khám phá được sự vận hành của nó: “Cái nỗ lực tinh thần thực, sự, cái công việc thực sự khó khăn vất vả không phải là “nắm bắt những thực tế mà là phải khơi gợi ra sự liên quan của những thực tế này và hệ thống”.
Ba hình thức biểu hiện của chức năng. Với ý định đi sâu hơn những gì mà chúng tôi đã trình bày trong phấn dẫn nhập ngắn gọn ở chương 2, ở đây cũng cần xác định rằng lý thuyết và phương pháp của Malinowski đã đề cập đến chức năng như là một nguyên tắc tổ chức vận hành ở ba cấp độ: (1) tác động của một phong tục hoặc một định chế đối với những phong tục hoặc định chế khác trong phạm vi nền văn hóa, (2) các tác động từ việc đạt đến mục tiêu của một thói quen được xem như là những mục tiêu đã được các thành viên của xã hội xác định, và (3) bộ phận giữ vai trò một phong tục hay một định chế kích thích sự kết dính (tính đoàn kết) xã hội, cũng như duy trì sự tiên tục của một cách sống có sẵn trong một môi trường sống nhất định (điều kiện chức năng tiên quyết để duy trì xã hội đã trình bày ở chương 2). Dù cho một nhà nhân chủng học đã đồng nhất một cách chính xác các chức năng của những đặc điểm văn hóa với những định chế, thì đây vẫn là một vấn đề tế nhị cần phải xem xét. Dù không có được phương thức lý luận rõ ràng trong thuyết chức năng, nhưng người ta vẫn thường có thể minh chứng được những tác động hỗ tương giữa những lãnh vực khác nhau của một nền văn hóa. Các xã hội trở thành những thực thể sống động, đầy cảm xúc vả sôi nổi dưới phương pháp phân tích và làm việc tại hiện trường của Malinowski. Dù không có những cánh cửa sổ lịch sử, những gì đã chìm vào chiều sâu của thời gian cũng có thể tìm lại bằng cách tìm hiểu về tâm lý của xã hội qua những xã hội đang tồn tại. Tính chất tuyệt vời của các công trình nghiên cứu tại hiện trường do Malinowski thực hiện, đã dạy cho các sinh viên ở Anh và Mỹ, là bằng chứng của sự tiến bộ quan trọng đã thực hiện trong những phương pháp nhân chủng học nằm ở các tác nhân kích thích. Malinowski đã tìm ra cách để đưa ra những câu trả lời minh bạch cho những người luôn muốn biết: “Tại sao”
Radcliffe-Brown và thuyết cấu trúc. Phép loại suy phối hợp trong thuyết chức năng của Radcliffe-Brown đã được trình bày ở phần trước, và được chúng tôi nhắc lại ở đây. Radeliffe-Brown và những nhà nhân chủng xã hội học Anh quốc kế tiếp như E.E. Evans-Pritchard, Meyer Fortes, Max Gluckman, và Raymond Firth xuất phát từ quan điểm của thuyết chức năng để quan tâm đến lãnh vực cơ cấu xã hội, tiêu điểm chính của các nhà nhân chủng xã hội học Anh và một số nhà nhân chủng xã hội học người Mỹ từ năm 1940. Thuyết chức năng không bị loại bỏ, đúng hơn nó đã được hấp thu và trở thành một lãnh vực ẩn tàng trong đa số các nhà nhân chủng văn hóa học người Anh, Pháp và Mỹ. Trong đoạn mở đầu của chương 20, chúng tôi đã định nghĩa cơ cấu xã hội là “những cách thức mà các cộng đồng và các cá thể được tổ chức và liên quan với nhau trong cái thực thể thức năng là xã hội (Chương 20 đến chương 31 là những phần tập trung quan tâm đến lãnh vực cấu trúc xã hội). Từ năm 1935 đến nay, hàng chục công trình nghiên cứu xuất sắc về cấu trúc của các hệ thống xã hội, đã xuất hiện nổi bật từ những cuộc nghiên cứu hiện trường kéo dài vả rất công phu.
Ba đặc điểm có tính tiêu cực của các công trình nghiên cứu Anh quốc về cơ cấu xã hội là: (1) chúng vẫn tiếp tục xu hướng chống lại lịch sử của Malinowski và Radcliffe-Brown. (2) chúng vẫn tuân theo Durkheim rất giáo điều trong việc từ chối không sử dụng những lý thuyết tâm lý học và những khái niệm giải thích các hình thức xã hội riêng biệt trong bất kỳ xã hội nào, và (3) chúng xem xét các dữ kiện của mình trong những phạm vi của chi một cơ cấu liên quan có giới hạn và có thể so sánh được.
Các công trình nghiên cứu dân tộc - lịch sử học
Tại Mỹ, lịch sử được dẫn chứng bằng tư liệu và kết hợp với nhân chủng học trong một vài công trình nghiên cứu nhỏ về các bộ lạc thổ dân châu Mỹ, theo cách thức trình bày một cách trung thực bản chất lịch sử của những hình thức cấu trúc. Nguyên mẫu đầu tiên trong tác phẩm của Felix Keesing nói về người Menominee, những người đã di dân từ Michigan đến miền trung Wisconsin trong thế kỷ mười tám, và hệ thống xã hội của họ được nhận thức hoàn toàn chỉ nhờ vào ánh sáng của những tác động lịch sử sâu sắc đã vận hành trong lãnh vực thuộc địa. Công trình nghiên cứu của Oscar Lewis, “Tác động của việc buôn bán da thú trong nền văn hóa Người Chân Đen” là một công trình nghiên cứu về dân tộc-lịch sử học hiện đại và mẫu mực khác, đối nghịch lại với chủ trương tái lập lịch sử. Ở châu Mỹ, khi các nhà nhân chủng học đến được hiện trường thì mỗi nền văn hóa sơ khai mà họ nghiên cứu sau này đều đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và bị thay đổi trong một vài phương diện nào đó bởi sự hiện diện của những người buôn bán và những cuộc chiến tranh thực dân (đây là thực tế của tất cả mọi khu vực trên toàn thế giới). Không thể bỏ qua khía cạnh lịch sử nếu muốn có một nhận thức đúng đắn và toàn diện về những nền văn hóa trên. Các nhà nhân chủng học hiện nay hoàn toàn nhận thức được điều này và không dám bỏ qua cái chiều thời gian của lịch sử; tuy nhiên, đối với các nhà nhân chủng học, lịch sử sở dĩ cần được nghiên cứu không chỉ vì lợi ích tự thân của nó, mà bởi nó có thể soi rọi lên những quá trình thích nghi văn hóa cũng như những hình thức của hiện tại.
Từ năm 1947, một biến cố xuất phát từ thực tế đã góp phần làm cho các nhà nhân chủng học quan tâm hơn đến khía cạnh lịch sử. Quyết định của quốc hội Hoa Kỳ năm 1946 thiết lập một ủy ban đặc biệt giải quyết các Khiếu Kiện của các Dân Tộc Thổ Dân, có nhiệm vụ tiếp nhận và phân xử tất cả các khiếu kiện của các bộ lạc đòi đền bù cho những vùng đất mà họ đã bị xua đuổi khỏi đó một cách không phù hợp hay trái với Hiệp ước Thỏa Thuận, hoặc những vùng đất đã bị nhượng lại cho nước Mỹ một cách không công bằng và không được đền bù thỏa đáng, sự kiện này đã lôi kéo một số nhà nhân chủng học Mỹ vào việc nghiên cứu lãnh vực lịch sử dân tộc học và là những nhân chứng thông thái đứng về phía chính quyền hoặc phía các bộ lạc khiếu kiện. Còn nhiều lãnh vực khác chứ không phải chi riêng lịch sử bị liên quan. Trong trường hợp khiếu kiện của thổ dân người Ute liên quan đến phần lớn đất dai trong vùng Utah và Đông Nevada, các nhà nhân chủng học phía người Ute đã cung cấp hơn một ngàn tài liệu lịch sử để làm bằng chứng. Phán quyết chính thức đã được đưa ra, tuy nhiên lại một phán quyết chỉ có tính khái niệm và kinh nghiệm: “Trước khi người da trắng đến, liệu người Ute có một khái niệm của chính mình về quyền sở hữu đất đai trong phạm vi ý nghĩa luật pháp?” Câu trả lời dành cho câu hỏi trên đối với chính quyền Mỹ hoặc người Ute đáng giá từ 25 đến 100 triệu đô-la. Ngành nhân chủng lịch sử học đâu chỉ đơn thuần là một nhà nghiên cứu về quá khứ.
Nghiên cứu về văn hóa và nhân cách
Sự phát triển của lý thuyết tổng quan sử dụng để nghiên cứu mối tương quan giữa nền văn hóa và sự phát triển nhân cách, cũng như tác động phản hồi của các mẫu hình nhân cách lên các định chế văn hóa đã được chúng tôi đề cập ở chương 4. Bản chất của các tác phẩm của Malinowski, Mead, Benedict, Dubois, Kardiner, Linton, Whiting và Child, và nhiều người khác nữa không cần phải nhắc lại ở đây. Về phương diện lịch sử, thật thú vị khi nhận ra rằng trong khi chỉ có nhà ngôn ngữ học Edward Sapir đưa ra được nhiều tác nhân kích thích đối với lợi ích tâm lý của cá thể trong những xã hội sơ khai, thì Benedict và những người khác - những nhà nhân chủng học được huấn luyện theo trường phái Boas - như Benedict và Mead đã có những công trình nghiên cứu về văn hóa và nhân cách, như sự thúc đẩy và sự khởi đầu về mặt lý thuyết và làm cho văn hóa và nhân cách trở thành mối quan tâm chính yếu của các nhà nhân chủng văn hóa học từ năm 1930 đến năm 1950.
Hiện tại, sự kích động to lớn phát sinh trong những năm của thập niên 1930 do sự quy kết giữa vấn đề tâm lý- nhân cách với những vấn đề của ngành nhân chủng học đã lắng xuống, nhưng cho đến khi mà nhân chủng học chưa từ bỏ việc nghiên cứu về nhân loại để nghiên cứu cái lãnh vực văn hóa học không có tính người, hoặc xem cấu trúc xã hội như những sự vật riêng (sui generis) thì việc nghiên cứu về văn hóa và nhân cách vẫn còn mang lại những phần thưởng phong phú, trong phạm vi những lợi ích và những áp dụng hữu ích trong cả hai lãnh vực điều trị tâm lý với các chương trình phát triển văn hóa.
Phương pháp so sánh tương quan các nền văn hóa
Năm 1937, một nguồn cung cấp tư liệu nghiên cứu rất quan trọng đã được thiết lập khi G.P. Murdock khởi xướng phong trào Khảo sát so sánh các nền văn hóa tại đại học Yale. Công cuộc khảo sát được tổ chức như sự phân loại và xếp đặt lại những dữ kiện thuộc lãnh vực dân tộc học. Các dữ kiện được lập danh mục theo cách mà bất kỳ ai muốn tìm điều gì đã được ghi lại thành bất cứ đặc điểm văn hóa nào, có thể chọn ngay tấm thẻ mang khóa danh chỉ mục về chủ đề mà họ quan tâm. Mỗi tấm thẻ là một phiên bản tóm tắt những nội dung cốt lõi về những gì đã được viết về chủ đề đó trong một cuốn sánh hay một bài báo nào đó. Các nền văn hóa liên quan trong cuộc khảo sát tượng trưng cho tất cả khu vực địa lý trên toàn thế giới và tất cả các cấp độ phát triển. Hồ sơ được sắp xếp qui về một đầu mối, ví dụ như một lục địa là một nguồn đầu mối dẫn đến các bộ lạc... Giá trị của cuộc Khảo sát so sánh các nền văn hóa tại đại học Yale, là những cuộc khảo sát tương tự thực hiện sau đó trong một dự án giữa các trường đại học, mang tên Hồ sơ địa lý các mối quan hệ của nhân loại.
Do bản chất thực sự của chúng, các hồ sơ này lại cần đến phương pháp thống kê để kiểm những các giả thuyết nhân chủng học. Một đặc điểm văn hóa đặc biệt thường tương đối dễ xác định hiện diện hay không hiện diện trong một nền văn hóa nào đó. Nếu sự xác định này được thực hiện bằng cách đem đối chiếu một đặc điểm trong tất cả các nền văn hóa, tần số xuất hiện tương đối của đặc điểm đó có thể được xác định một cách nhanh chóng. Và tần số này giúp đưa ra một sự diễn đạt chính xác hơn về tần số xuất hiện thay thế cho các từ “hiếm, ít khi”, “thường”, hoặc “phổ biến”, và điều này là đặc trưng lâu đời của những sự khái quát hóa trong ngành nhân chủng học.
Trong bất kỳ nền khoa học nào, các mối liên hệ thường có giá trị hơn các tần số xuất hiện riêng lẻ, và đây là địa hạt mà các hệ số thống kê về các mối tương quan có thể trở nên hữu dụng. Liệu sự tổ chức của chế độ mẫu hệ có tương quan với nền văn hóa nông nghiệp hay không? Liệu tục làm dâu liên hệ với dòng dõi theo chế độ phụ hệ? Với tục của hồi môn? Với nghề chăn nuôi gia súc? Các nhà nhân chủng văn hóa học đã nhiều năm tự bằng lòng chỉ trông cậy vào khả năng ghi nhớ càng nhiều càng tốt các dữ kiện dân tộc học, hoặc trên cơ sở của những gì mà họ có thể thiết lập thành công thức các mối quan hệ trong những giả thuyết có tính thăm dò. Khi một giả thuyết được đưa ra, các nhà nhân chủng học phải lục lọi lại trong trí nhớ của họ để xem liệu họ có thể nghĩ đến những trường hợp trái ngược, đặc biệt là từ các bộ lạc mà họ đã hiểu biết rành rẽ. Nếu không có quá nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng, giả thuyết sẽ đứng vững, ít nhất sẽ được chấp nhận vào thời điểm đó. Đây là phương pháp phản biện bằng trường hợp quyết định, hiện nay vẫn là phương pháp kiểm chứng ưa thích của đa số các nhà nhân chủng học. Hiển nhiên, phương pháp này có những yếu điểm của nó. Bởi lẽ, ngay cả một nhà dân tộc học đọc-nhiều-hiểu-rộng có thể ghi nhớ trong đầu mình được bao nhiêu dữ kiện của biết bao nhiêu nền văn hóa?
Phương pháp nghiên cứu cấu trúc văn hóa bằng thống kê của Murdock. Năm 1941, Murdock đã thiết lập một bảng kê những mục cần kiểm tra của những dữ kiện có ý nghĩa về gia đình, mối quan hệ họ hàng, những cộng đồng địa phương, và các hành vi tính dục. Những dữ liệu rút ra từ tám mươi lăm bộ lạc trong Các Hồ Sơ về Những Hồ Sơ Địa Lý Các Mối Quan Hệ của Nhân Loại được ghi vào bảng kê và được biểu hiện là có (+) hoặc không (-) cho một đặc điểm đã định. Các bảng kê dữ liệu giống nhau cũng được thực hiện cho 165 xã hội bổ sung chưa có trong Hồ Sơ. Sau đó Murdock tiến đến các bảng dữ liệu của 250 nền văn hóa. Bằng cách đếm số lần hiện diện hay không của từng đặc điểm như là một đơn vị tích cực hoặc tiêu cực, Murdock thiết lập những bảng gồm bốn ô cho một số lớn những cặp đặc điểm, trên cơ sở các hệ số tương quan có thể tính toán được. Chẳng hạn như, tục vừa ở rể vừa làm đâu (tục qui định sau khi cưới, hai vợ không phải luân phiên ở với gia đình bên người vợ hay người chồng trong một thời gian nhất định nào đó - ND) được ghép với cách xưng hô theo quan - hệ - họ - hàng – dạng - thế - hệ bằng sự phân biệt giữa người mẹ, cô và dì trong cùng một giới hạn quan hệ, đã cho ra các tần số sau:
Tục vừa làm dâu vừa ở rể
| Không (-) | Có (+) |
Hàng 1: có (+), kiểu thế hệ | 9 | 33 |
Hàng 2: không (-), dạng m, fsi, msi | 33 | 187 |
Việc áp dụng các hệ số Yule của công thức kết hợp (một công thức được Murdock sử dụng) cho ra một chỉ số Q (chỉ số tương quan) là +.65 cùng một trị số bình phương của .0010 (X2) cấp độ tin cậy trong ý nghĩa thống kê.
Sự tương quan của năm cộng đồng khác về những phạm vi quan hệ họ hàng tổng quát liên kết với tục cư trú hai bên họ hàng nằm trong giới hạn từ +.64 đến +.75. Như vậy, định lý tục vừa ở rể vừa làm dâu có khuynh hướng gắn liền với cách xưng hô trong quan hệ họ hàng kiểu dạng thế hệ được công nhận có giá trị. Nó biến đổi từ một giả thiết hoặc một định lý thành một quy luật.
Nhiều giả thuyết tiêu chuẩn đã được Murdock và một số người khác kiểm chứng lại bằng phương pháp này. Một số được công nhận có giá trị, một số khác bị bác bỏ một cách quyết liệt; đối với nhiều người, những kết quả của phương pháp thống kê là không có tính thuyết phục. Việc khai triển thêm phương pháp này của Whiting và Child, với những kỹ thuật được cải tiến để huấn luyện và hình thành nhân cách cho con trẻ, cũng đã được bàn luận trong chương 4, từ trang 65 đến 67. Bất chấp những hạn chế khắt khe thuộc phương pháp luận, phương pháp kiểm chứng các giả thuyết nhân chủng học bằng cách so sánh giữa các nền văn hóa của Murdock và Whiting đã nhanh chóng có được một nền tảng vừng chắc và sẽ tiếp tục phát triển ở tầm mức quan trọng hơn trong thời gian sắp đến.
Mẫu hình dân tộc học toàn thế giới của Murdock. Một mẫu hình phải tượng trưng một cách đáng tin cậy cho tổng thể nếu các kết quả thống kê của công trình nghiên cứu không bị bóp méo, làm cho sai lạc một cách nguy hiểm. Để kiểm tra độ tin cậy của mô hình được sử dụng trong cuốn sách, Murdock phải tính toán lại những chỉ số liên hệ của các định đề chính yếu đã qua kiểm chứng trong công trình Những Hồ sơ địa lý các mối quan hệ của nhân loại. Khi kiểm tra lại, ông sử dụng hai mẫu hình mới của các nền văn hóa: một mẫu hình “hoàn toàn không chọn lọc” và mẫu hình kia gồm đúng chính xác các con số của các nền văn hóa trong từng khu vực chủ yếu của thế giới. Các kết quả thống kê khá khác biệt trong mỗi cuộc kiểm chứng đến độ Murdock xét thấy cần phải chọn một mẫu hình lớn hơn có thể tượng trưng cho nhiều kiểu hình văn hóa và nhiều khu vực hơn. Sản phẩm ra đời là Mô hình dân tộc toàn thế giới của 585 nền văn hóa được mã hóa theo những lãnh vực như sinh kế, các kiểu hình cộng đồng, tổ chức quan hệ họ hàng, chế độ hôn nhân, cách xưng hô trong quan hệ họ hàng, chế độ cư trú, các giai cấp xã hội, hệ thống chính trị, tất cả được chính Murdock phân loại. Các loại phiếu đục lỗ dùng cho máy tính của hãng IBM và các chỉ số tương quan khả thi của các dữ kiện so sánh hiện tại, đã được thiết lập thành bảng biểu trong loại sách kim chỉ nam của Coult và Habenstein mà chúng tôi đã một đôi lần trích dẫn trong những phần thảo luận về cấu trúc xã hội trong suốt cuốn sách này. Những dữ liệu bổ sung tiếp tục được Murdock đưa thêm vào hàng năm trong Bản đồ địa lý các dân tộc toàn thế giới, phần phụ bản của tạp chí Dân Tộc Học, một tạp chí chuyên nghiệp được xuất bản định kỳ do Murdock chủ biên.
Phương pháp thống kê bằng cách kiểm chứng những tương quan giữa các nền văn hóa không phải là một phương pháp độc quyền trong công tác nghiên cứu của ngành nhân chủng học, tuy cũng được kỳ vọng là sẽ thay thế cho loại hình nghiên cứu không sử dụng số liệu. Nhưng cho đến khi nào, phương pháp này vẫn còn có thể khắc phục được những khó khăn về mặt kỹ thuật, để hoàn thành việc định danh chỉ mục những yếu tố bị biến đổi một cách tinh tế trong nền văn hóa thì nó vẫn có triển vọng mang lại càng ngày càng nhiều lợi ích hơn cho ngành nhân chủng học.
Khảo cổ học, nhân chủng bọc tự nhiên và áp dụng ngành nhân chủng học
Chúng tôi tin rằng, những khuynh hướng có ý nghĩa cũng như những khám phá trong ngành khảo cổ học và nhân chủng học tự nhiên thế kỷ hai mươi, đã được trình bày đầy đủ trong phần II và III. Cuộc đại suy thoái của những năm thập niên 1930, đã kích thích sự quan tâm việc áp dụng những lợi ích của ngành nhân chủng học ớ Mỹ, để tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề của quốc gia. Bộ Thuộc Địa của đế quốc Anh cũng đã cần đến sự trợ lực của ngành nhân chủng học trong việc điều hành các xứ thuộc địa Phi châu của mình. Từ thế chiến thứ hai, cuộc chạy đua hiện đại hóa các xã hội bộ lạc - ngày xưa là các xứ sở thuộc địa lệ thuộc, nay là các quốc gia mới mẻ - đã tạo ra sự thúc bách việc áp dụng thực tiễn những kiến thức và lý thuyết nhân chủng học. Một số lãnh vực của nhiệm vụ đầy thúc bách này sẽ được đề cập trong chương kế tiếp, khi chúng ta xem xét cái thời gian đã trôi qua của thế giới sơ khai, cũng như những gì mà nó báo trước cho ngành nhân chủng học và cả cho nhân loại.