Tài liệu: Những người theo thuyết tiến hóa thế kỷ mười chín

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong nửa đầu thế kỷ mười chín, bộ môn khảo cổ học đã tiến nhanh hơn dân tộc học. Nhưng sau đó, năm 1860, ngành dân tộc học đột nhiên bước vào giai đoạn bùng phát với một sự sinh động mãnh liệt và không bao giờ giảm cường độ
Những người theo thuyết tiến hóa thế kỷ mười chín

Nội dung

Những người theo thuyết tiến hóa thế kỷ mười chín

Trong nửa đầu thế kỷ mười chín, bộ môn khảo cổ học đã tiến nhanh hơn dân tộc học. Nhưng sau đó, năm 1860, ngành dân tộc học đột nhiên bước vào giai đoạn bùng phát với một sự sinh động mãnh liệt và không bao giờ giảm cường độ.[1]

Những nhân vật vĩ đại trong sự nghiệp khai sinh và phát triển ngành nhân chủng học giữa khoảng thời gian từ 1860 đến 1900, đầu tiên và lỗi lạc nhất là những người theo thuyết tiến hóa như Sir Edward Tylor, Sir Henry Maine, Sir James Frazer của Anh; Lewis Henry Morgan của Mỹ; và Johann Bachofen của Thụy Sĩ.[2] Cũng có một số ít người khác giữ vai trò có ý nghĩa tượng trưng, nhưng cũng là những người tạo nên sự phát triển chính yếu cho những năm đầu tiên. Thuyết duy linh của Tylor đã được chúng ta thảo luận một cách ngắn gọn trong chương 32 từ trang 605 đến trang 608, và những cốt lõi trong thuyết tiến hóa của Morgan cũng đã được bàn qua trong chương 6, trang 119-120. Tương tự, một vài lãnh vực liên quan đến tư tưởng nhân chủng học của Darwin cũng được trình bày trong chương 8, trang 151-152. Tuy nhiên, tất cả đều cần được trình bày một cách đầy đủ hơn trong chương này, chương bàn về lịch sử phát triển ngành nhân chủng học, và ngay bây giờ chúng ta hãy xem xét vai trò của họ một cách kỹ càng và đầy đủ hơn.

“Nguồn gốc các chủng loài” của Darwin

Như đã đề cập trong phần II, cuốn “Nguồn gốc các chủng loài” (1859) không đơn thuần chỉ có ý nghĩa là một cuốn sách về nhân chủng học, nhưng rõ ràng nó còn là một công trình có một ảnh hưởng sâu sắc và càng ngày càng không ngừng tăng lên trong lãnh vực nhân chủng học. Tác phẩm này củng cố vị trí tự nhiên của con người trong thế giới sinh vật và làm vững mạnh hơn định đề Bodin: con người không phải là một thiên thần sa ngã và các xã hội sơ khai không phải là những tàn dư thoái hóa của một thời đại hoàng kim tưởng tượng. Tác phẩm này khẳng định cái định đề của Thế Kỷ ánh Sáng cho rằng nhân loại đang tranh đấu để tiến lên từ một tình trạng cổ xưa lạc hậu. Nguồn gốc các chủng loài đã kiến lập cái dòng liên tục của tất cả mọi sự sống vả chứng minh sự sàng lọc tự nhiên đã vận hành như thế nào đối với các hậu quả của các biến đổi di truyền, để đáp ứng những biến cải trong các hình thức sống, những hình thức cũng phải trải qua từ quá trình hình thành loài đến quá trình phân hủy. Mặc dù, Darwin dành phần giải thích về quá trình tiến hóa của con người trong một cuốn sách thứ hai, Nguồn gốc của Nhân loại (1871), nhưng cuốn Nguồn gốc các chủng loài cũng đủ để xác định một cách rõ ràng rằng con người là sản phẩm của một quá trình tiến hóa sinh học, cũng như công nghệ, nghệ thuật và xã hội là sản phẩm của quá trình tiến hóa văn hóa. Dù ngay cả Robertson cũng đã hài lòng chấp nhận câu chuyện trong kinh thánh về Genesis như là “điều tin chắc không thể sai”, nhưng sau Darwin điều này sẽ không bao giờ lại là sự thực đối với bất cứ nhà nhân chủng học có danh tiếng nào. Ông ta đã làm cho tác phẩm có thể tiến lên phía trước, song song với sự phát triển của ngành nhân chủng văn hóa học bằng những nghiên cứu về thời tiền sử và các phân tích về động vật học. Các bước tiến này và các thành quả của chúng đã được trình bày trong phần II và phần III, và sẽ không cần phải xem xét lại ở đây nữa.

Từ tất cả những gì đã được đề cập, có thể nhận ra quá rõ ràng rằng Darwin đã không cung cấp được cái ý niệm về sự tiến hóa văn hóa và ông cũng không được xem là người khởi đầu đợt bùng phát vĩ đại của ngành nhân chủng học trong các thập niên tiếp theo sau tác phẩm Nguồn gốc các chủng loài. Bastian, Morgan, Maine, và Tylor cũng đã rất xuất sắc với các công trình của mình, khi tác phẩm “làm nên thời đại” của Darwin xuất hiện. Morgan và Tylor rõ ràng đã dựa vào Robertson (mặc dù không có điều gì biểu hiện để nhận định như vậy), và ngay cả Darwin, như chúng ta đã thấy, cũng qui cái nguồn cảm hứng của mình là từ Thomas Malthus (1766-1834), người đã trích dẫn rất nhiều điều của Robertson trong tác-phẩm-ba-tập Những tiểu luận về nguyên tắc quần thể dân trong lần xuất bản thứ hai (1803). Dù sao, động cơ của Darwin rõ ràng cũng là động tác đẩy nhanh việc nêu rõ một cách chi tiết cái quá trình mà xã hội con người đã tiến hóa như thế nào. Nhưng trong cuộc hành trình dài đăng đẳng, đối với ngành nhân chủng điều có tính quan trọng hơn nhiều là lập luận của Darwin về con người: con người là đối tượng chính yếu và quan trọng nhất của ngành khoa học tự nhiên. Chính thực tế này đã tạo ra cho ngành nhân chủng học một vị thế mạnh mẽ trong việc phát triển các bảo tàng lịch sử tự nhiên, và các bảo tàng này lại giúp biến đổi ngành nhân chủng văn hóa học từ ngành triết lý lịch sử lỏng lẻo thành một khoa học thường nghiệm hợp lý và chặt chẽ.

Lewis Henry Morgan

Morgan và Tylor là hai người nổi trội hơn cả trong số những người theo thuyết tiến hóa văn hóa của thế kỷ mười chín. Trong hai người, Morgan được xem là người trước tiên và đã có những đóng góp to lớn. Các nhà nhân chủng học thường thích nói và thuật lại câu chuyện sau về Morgan: làm sao một người trẻ tuổi, theo sự gợi ý của bạn bè, đã biến cải cái xã hội từ chương của mình thành cái Tân Liên Bang của người Iroquois; một người Gordian Knot (Bảo Thủ Cực Đoan) thành một người Iroquoi thực sự, Ely Parker (người sau này trở thành tướng lãnh trong quân đội liên minh) và Đại Tù Trưởng của Liên Minh các dân tộc Iroquoi), và vì vậy trở thành một nhà dân tộc học; và đồng thời làm thế nào ông ta đã sản sinh ra một công trình nghiên cứu về bộ lạc Iroquoi rất kinh điển và chuyên nghiệp như vậy vào năm 1851[3]; làm sao ông ta đã khám phá lại cách xưng hô phân cấp trong hệ thống họ hàng của người Iroquoi. Ông ta đã gởi các bản thăm dò ý kiến súc tích ý nghĩa về vấn đề họ hàng đến khắp mọi nơi trên thế giới như thế nào để tìm kiếm những dữ liệu tương đồng, những dữ liệu mà sau này ông ta đã trình bày trong tác phẩm đồ sộ của mình Những hệ thống họ hàng trong gia đình nhân loại (1861), để khởi động niềm đam mê của các nhà nhân chủng học đương thời - nghiên cứu về những hệ thống họ hàng và cấu trúc xã hội; và như thế nào, đồng thời ông ta đã chuyển qua các giao dịch hợp pháp trong nghề thầu khoán, tạo được cho mình một cơ đồ nho nhỏ trong nghề xây dựng đường xe lửa và khai thác mỏ, rồi sau đó lại từ bỏ nghề luật và thương mại để trở thành một nhà dân tộc học chuyên nghiệp; làm sao ông ta đã truyền bá những giải thích của mình về những hệ thống phân cấp họ hàng như những tồn tại của tổ chức xã hội trong những thời kỳ xa xưa, và tất cả đều trở thành tác phẩm miêu tả đầy sức thuyết phục về quá trình tiến hóa mang tên Xã hội cổ đại, hoặc những khảo sát về dòng dõi qua tiến trình tiến bộ của nhân loại từ tình trạng man rợ đến man dã và văn minh (1877); Và cuối cùng như thế nào “với một cơ may kỳ lạ”, như Lowie gọi, cuốn Xã hội cổ đại đã lôi cuốn sự chú ý của Marx và Engels, và họ đã biến nó thành một “sách thánh” chứa đựng nhiều giáo điều của tư tưởng Cộng Sản - một vị trí mà đến nay tác phẩm này vẫn còn chiếm lĩnh. (xem trang 1l7-118).[4]

Các giai đoạn tiến hóa. Trung tâm cốt lõi của tư tưởng tiến hóa của Morgan được trình bày ở các trang trên. Cũng cần phải nhắc lại rằng Morgan đã dùng ba giai đoạn tiến hóa của Robertson và chi tiết hóa chúng bằng cách chia mỗi giai đoạn man rợ và man dã thành ba tiểu giai đoạn (bậc thấp, bậc trung gian, bậc cao). Ông ta đã xác định những đặc điểm kỹ thuật cũng như phân tích sự đồng nhất của từng giai đoạn kế tiếp nhau:

1. Bậc thấp của giai đoạn man rợ tiêu biểu cho trạng thái chuyển dịch từ loài vượn thành con người, trước khi lửa và lời nói được sử dụng. Không một quần thể dân cư nào tượng trưng cho giai đoạn này còn tồn tại.

2. Bậc trung gian của giai đoạn man rợ được đánh dấu bằng các đặc điểm như sự phát triển của tiếng nói, việc sử dụng lửa và sinh kế là săn bắn và đánh bắt cá. Các dân tộc thổ dân châu Úc là những đại biểu đương thời của giai đoạn này.

3. Bậc cao của giai đoạn man rợ (được phân biệt bằng sự phát minh ra cung tên, và theo hệ thống sắp xếp của Morgan, được tượng trưng bởi người Polynesia (một ý tưởng quá sai lầm, các nguyên nhân sẽ được thảo luận bên dưới)

4. Bậc thấp của giai đoạn man dã được tiêu biểu bằng việc phát minh và sử dụng gốm sứ của người Iroquoi được Morgan sử dụng làm thí dụ minh họa cho giai đoạn này.

5. Bậc trung gian của giai đoạn man dã được đánh dấu bằng sự thuần hóa các loài thực vật và động vật ở Cựu Lục Địa, việc thủy lợi tưới tiêu, và kiểu kiến trúc bằng các loại gạch sống ở Tân Thế Giới; thổ dân da đỏ Pueblo và những nền văn hóa phát triển cao của Mexico và Peru chẳng hạn, tượng trưng cho giai đoạn này.

6. Bậc cao của giai đoạn man dã khởi đầu với việc sử dụng các loại dụng cụ và vũ khí bằng sắt, như người Hy-lạp thời Homere.

7. Tình trạng văn minh là khi con người phát minh được chữ viết. Giai đoạn văn minh được chia thành hai giai đoạn là cổ đại và hiện đại.

Tác phẩm Xã hội cổ đại của Morgan về cơ bản là một nỗ lực nhằm chỉ rõ những chi tiết của các lãnh vực chọn lọc của nền văn hóa theo từng cấp độ. Morgan đã viết: “Từng thời kỳ của các thời kỳ này có một nền văn hóa riêng biệt và biểu lộ một cách sống đặc biệt nhiều hơn hoặc ít hơn và duy nhất của mình”[5].

Sự tiến hóa của quan hệ họ hàng. Mối quan tâm chính yếu của Morgan là quan hệ họ hàng, và do vậy nỗ lực lớn nhất của ông là thiết lập lại quá trình tiến hóa của việc tổ chức mối quan hệ họ hàng. Khi làm như vậy, ông đã nắm bắt được cái nền tảng của nền văn hóa sơ khai. Lý thuyết tiến hóa của thế kỷ mười chín bị gọi là “lý luận nửa vời”, nghĩa là lập luận không tới nơi tới chốn. Lý thuyết này vận hành một cách lỏng lẻo và không có tính phê phán chính xác từ một số giả định tổng quát để thiết lập những chi tiết có cơ sở hợp lý. Về mối quan hệ họ hàng, Morgan và những người khác khởi đầu với định đề rằng, những sinh vật không phải là con người đều ở trong trạng thái hỗn tạp và do đó những chuyển biến đầu tiên của người nguyên thủy là không thể xác định, phân loại được. Các xã hội văn minh cao (ví dụ như châu Âu) đều theo chế độ một vợ một chồng và việc giao phối bị hạn chế một cách khắt khe bởi các điều cấm kỵ về tội loạn luận; do đó, khi quá trình tiến hóa xảy ra qua những biến cải tuần tự, việc giao phối cũng trải qua một loạt những bước kế tiếp nhau trong đó phạm vi những cá nhân mà một người có thể giao phối hoặc cưới làm vợ (hay làm chồng) cũng luôn luôn rất giới hạn. Quá trình tiến hóa của việc giao phối là từ tình trạng lang chạ hỗn tạp đến chế độ một vợ một chồng; Ví dụ như, phần III của cuốn Xã hội cổ đại đã vạch rõ ra cái lộ trình được giả định là quá trình tiến hóa của chế độ hôn phối.

Sự lang chạ tình dục bừa bãi. Giai đoạn của sự lang chạ hỗn tạp trong sinh hoạt tính dục là giai đoạn hoàn toàn có tính giả thuyết; không một xã hội nào mà con người quan sát được hay biết đến cho phép điều này. Việc cấm kỵ tội loạn luân là điều phổ biến có tính toàn cầu.

Điều cấm kỵ giữa cha mẹ và con cái. Morgan đã nhấn mạnh, những hạn chế trước tiên về mặt tính dục xuất hiện khi việc giao phối giữa cha mẹ và con đẻ bị cấm đoán. Điều này hiện vẫn còn tồn tại vì có những nhóm dân cư địa phương mà trong đó đàn ông và đàn bà cùng một thế hệ có thể giao phối với nhau một cách thoải mái, tùy theo ý muốn. Các cách xưng hô trong họ hàng cũng phát sinh từ đặc điểm này, và mặc dù chính điều kiện tổ chức xã hội của con người (điều kiện mà ông khẳng định là đã nổi bật trong cấp độ trước giai đoạn trung gian của tình trạng man rợ) cũng không thể khảo sát được, Morgan phản bác lại rằng ông đã tìm được bằng chứng sống về điều này qua cách xưng hô giữa các thế hệ của người Malaysia. Ông nói: Bởi vì những đàn ông và phụ nữ ở hàng cha mẹ được cho là đã có giao hợp với nhau cho nên họ được xếp chung vào cùng một hạng duy nhất, chỉ phân biệt với nhau bằng một tiếp đầu ngữ chỉ giới tính; tất cả anh em, chị em, và những người cùng một thế hệ đều có thể giao hợp với nhau; và do vậy, đối với họ chỉ có một thuật ngữ để chỉ mối quan hệ họ hàng. Tất cả những đứa con có thể đã được sinh ra bởi bất kỳ người đàn ông nào đó có cùng một thế hệ, và do vậy mọi người trong thế hệ dưới đều được gọi bằng một từ như nhau. Morgan hoàn toàn quan tâm đến cái thực tế rằng người Hawaii, những người mà ông sử dụng cho thí dụ điển hình này, dù tự do và dễ dãi trong các hoạt động tình dục nhưng dường như không cho phép sự giao hợp giữa các thế hệ khác nhau. Nhưng theo lý thuyết của ông, họ phải làm như vậy trong một quá -khứ-không-quá -xa, và dù những hình thức xã hội của họ đã biến đổi, cách xưng hô trong họ hàng vẫn rơi rớt lại phía sau như một dấu vết của giai đoạn man dã. Do vậy, người Hawaii, với một nền văn hóa sơ khai quá phức tạp bị xếp ở bậc thang áp chót trong chiếc thang tiến hóa của nhân loại. (sự thật là họ không có được một nền kỹ nghệ đồ gốm, chỉ trừ phi ngành nghệ thuật này đã biến mất trong những cuộc di dân xuyên đại dương đến những quần đảo núi lửa hoặc san hô, những nơi mà các loại đất sét dùng làm đồ gốm rất hiếm hoặc không có). Morgan đã đầu hàng một cách quá dễ dàng sự chuyên chế, thiếu lập luận trong lý thuyết của mình.

Điều cấm kỵ giữa anh chị em. Trở lại với những tiến trình của Morgan, hạn chế thứ ba cho sự lang chạ hỗn tạp được cho rằng đã xuất hiện khi con người cổ đại phát hiện những hậu quả ưu sinh (hậu quả gây ra những khuyết tật, rối loạn trong cơ thể và tinh thần con người - ND) của việc anh chị em giao hợp với nhau, và cấm đoán điều này. Tuy nhiên, ngày nay vẫn có những cộng đồng trong đó các anh chị em sống cuộc sống hôn nhân tập thể và cùng nhau chia sẻ một nhóm các bà vợ. Các chị hay em gái phải kết hôn với người thuộc tập thể khác. Và như vậy, sự phân nhánh tách đôi bắt đầu xuất hiện trong dòng dõi; nghĩa là những đứa con của người anh hình thành một nhóm dòng dõi, và những đứa con của người chị (hay em gái) hình thành một nhóm khác. Những nguồn gốc dòng dõi lần đầu tiên xuất hiện, và do những đứa con, về mặt sinh học, phần đông giống với người mẹ nhiều hơn người cha nên Morgan quả quyết rằng những thị tộc đầu tiên là những thị tộc theo chế độ mẫu hệ. Trái ngược với tình trạng trước đó - những nguồn tài nguyên vật chất đã được tất cả các thành viên trong cộng đồng san sẻ với nhau theo một hình thức của chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy - khởi đầu của nguyên tắc thừa kế trực hệ đã thay thế quyền sở hữu chung của tất cả cộng, đồng bằng quyền sở hữu liên kết trong chế độ thị tộc mẫu hệ. Một cách xưng hô mới thay thế cho kiểu xưng hô của người Hawaii, tùy theo những mối quan hệ họ hàng mới mẻ. Cách xưng hô trong những hệ thống phân-đôi-đã-pha-trộn như kiểu người Iroquoi, cũng tiến hóa giúp phân biệt những đứa con của người anh hay của chị em gái. Tất cả các điều này xảy ra trước tiên trong giai đoạn tiền và giữa thời kỳ man dã.

Hôn nhân kết đôi và chế độ một vợ một chồng. Khuynh hướng hôn nhân kết đôi được cho là xuất hiện vào cuối giai đoạn man dã. Người vợ, bây giờ, thuộc về chỉ một người đàn ông, mặc dù người đàn ông có thể có nhiều vợ. Morgan không giải thích vì sao chế độ hôn nhân này xuất hiện, nhưng chỉ nói rằng, khi đã được thiết lập và truyền bá là con người nhận thấy chế độ này là cái tốt hơn và thích hợp hơn.

Cho đến khi nào mà nghề nông vẫn còn chiếm ưu thế trong sinh kế của loài người thì hệ thống chế độ mẫu hệ vẫn có thể tiếp tục tồn tại. Nói cách khác, súc vật chăn nuôi được đồng hóa và gắn bó chặt chẽ với người đàn ông. Morgan tin rằng việc chăn nuôi gia súc là một hình thức sinh sau đẻ muộn, và ông cũng nhận thấy hình thức này gắn bó chặt chẽ với nguồn gốc phụ hệ. Ông nghĩ, bởi vì những nền văn minh cổ đại đều theo chế độ phụ hệ, nên những hệ thống dòng dõi trực hệ trước kia có lẽ là thuộc chế độ mẫu hệ. (Đây là một thí dụ điển hình của kiểu lý luận nửa vời). Vì vậy, dù không có bằng chứng nào khác, cuộc sống nông thôn và chế độ phụ hệ được xếp ở một vị trí sau trong biểu đồ tiến hóa của nhân loại. Sự chuyển đổi từ chế độ mẫu hệ qua chế độ phụ hệ xảy ra vì người đàn ông, cũng giống như những cổ đông, không muộn chuyển đàn gia súc của mình cho những đứa con của các chị em gái, những người mà họ cảm thấy ít thương mến hơn những đứa con của mình. Trong những nguyên tắc đơn giản của Friedrich Engels - người phổ cập hóa lý thuyết của Morgan - có câu sau: “quyền của người mẹ phải bị đạp đổ và đã bị đạp đổ”, trong một cuộc cách mạng chỉ bởi “cái bản án đơn giản” - “một trong những điều quyết định nhất mà nhân loại đã trải qua” - một cuộc cách mạng phát động “cuộc chiến lịch sử của thế giới đánh bại giống cái”[6]. Phụ nữ và những đứa con trở thành tài sản của các đức ông chồng. Quyền lực của người cha được thiết lập trong patria potestas (quyền sở hữu của người cha-tiếng La-Tinh-ND), như chúng ta đã biết trong chế độ La - Mã. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng tiếp theo sau như là một phương tiện, để củng cố sự chiếm hữu tài sản bằng những dòng họ nguồn gốc giới hạn. Nền văn minh đã ra đời.

Cuốn Xã hội cổ đại của Morgan cũng vạch ra quá trình tiến hóa của sự chiếm hữu tài sản và trạng thái của các biểu lộ song hành liên quan đến những biến đổi trong quá trình, nhưng chúng ta không đủ không gian và thời gian để theo đuổi những vấn đề trên trong cuốn sách này. Bản chất của thuyết tiến hóa văn hóa có lẽ cũng đã rõ ràng qua những điều đã được trình bày.

Phê bình lý thuyết của Morgan. Về mặt tích cực, Morgan đã hoàn toàn đúng trong cái giả định cơ bản của mình rằng nền văn hóa tiến hóa không từ cái gì cả. Ông cũng vững tin vào lý lẽ của mình khi chấp nhận những tiến trình suy ra từ các chứng liệu khảo cổ học: giai đoạn săn bắt và hái lượm được tiếp nối bằng giai đoạn thuần hóa các loài thực và động vật, giai đoạn tiền đồ gốm được tiếp nối với giai đoạn đồ gốm, thời kỳ của cung tên đi trước thời đại đồ sắt, và chữ viết xuất hiện sau cùng trong lịch sử văn hóa. Những điều này là những diễn tả rất đơn giản về những gì chúng ta đã đề cập khá chi tiết, dù rằng theo một cách khái quát trong phần II.

Tái lập quá trình tiến hóa của sự tổ chức xã hội là một vấn đề khó khăn khác, phải lần theo những phát triển tổng quan trong lãnh vực văn hóa vật chất, tuy nhiên, đây lại là điều quan tâm duy nhất của Morgan. Ông là một nhà dân tộc học chứ không phải là một nhà khảo cổ. Ngay cả những người theo thuyết tiến hóa văn hóa cũng không có bằng chứng vững chắc, để chỉ ra cho người nghiên cứu điều gì là có giá trị trong quá trình tiến hóa sinh học. Vấn đề mà nhà tiến hóa văn hóa phải đối mặt là trái ngược với vấn đề mà nhà tiến hóa sinh học phải đối đầu, những người sau có được các hóa thạch như những chứng liệu cụ thể, trong khi nhà tiến hóa văn hóa chỉ có những dấu vết mỏng manh thuộc lãnh vực vật chất của nền văn hóa mà các nhà khảo cổ cung  cấp (thường không quá 1 phần trăm trong toàn bộ lãnh vực vật chất của nền văn hóa của một cộng đồng). Một hóa thạch của một bộ phận cơ thể có thể biểu lộ rất nhiều điều về toàn bộ cuộc sống nguyên thủy, so với các chứng tích khảo cổ có thể biểu lộ về cuộc-sống-một-thời-nào-đó trong nền văn hóa vô hình.

Vì vậy, các nhà tiến hóa văn hóa như Morgan buộc phải chọn cách tái lập bằng suy luận các khuôn mẫu văn hóa, những cấu trúc xã hội liên quan với từng giai đoạn tiến hóa. Công cụ chính của họ chỉ là phương pháp suy luận loại suy yếu ớt, và nếu họ càng cố gắng đưa ra những kết quả rõ ràng cụ thể thì càng dễ dàng phá hỏng sản phẩm của mình bấy nhiêu. Quả thật vô cùng khó khăn để đưa ra những chi tiết thực chất cho một lý thuyết về quá trình tiến hóa chung. Morgan đã xây dựng cho mình một hệ thống về sự tiến hóa đồng thời của các lãnh vực như công nghệ sử dụng trong cách kiếm sống, mối quan hệ họ hàng, tài sản và tổ chức chính quyền. Trong tất cả những lãnh vực nêu trên, chỉ có lãnh vực đầu tiên - công nghệ sử dụng trong cách kiếm sống - mà chứng tích khảo cổ có thể cung cấp những ý nghĩa có giá trị, và các phần thảo luận của chúng tôi ở phần II đã xác định những gì là giới hạn mà ngày nay chúng ta đã biết. Thật vậy, Lafitau đã xác lập cái nguyên tắc cho rằng các xã hội sơ khai đương đại có thể soi rọi ánh sáng lên những xã hội thời tiền sử, nhưng “soi rọi lên” chỉ là một điều gì đó chứ không phải là việc xác lập được những chi tiết có giá trị và kế tục nhau, trong quá trình tiến hóa của các lãnh vực phi vật chất trong nền văn hóa[7].

 E.B. Tylor và J.G. Frazer quá trình tiến hóa của tôn giáo

Morgan chỉ bàn sơ qua và không xem tôn giáo là đối tượng nghiên cứu về sự tiến hóa, tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, ông đã biểu lộ sự thận trọng (về vấn đề tôn giáo) trong khi đề cập đến mối quan hệ họ hàng. Morgan đã viết:

Sự phát triển của các tư tưởng tôn giáo bị bao bọc bởi những khó khăn nội tại và có lẽ không bao giờ đạt đến một sự giải thích toàn mỹ. Tôn giáo đề cập quá nhiều đến cái bản chất tưởng tượng và nhạy cảm, và do đó, với những yếu tố mơ hồ như vậy trong kho tri thức của mình, tất cả các tôn giáo sơ khai, ở một chừng mực nào đó, là không thể hiểu được[8].

Morgan đã chứng tỏ mình có lý khi nghi ngờ điểm đầu tiên: không thể xác lập một tiến trình tiến hóa tổng quát có giá trị nào đối với các hình thức tôn giáo. Nhưng ông đã sai ở điểm thứ hai, vì tất cả các tôn giáo có thể hiểu được một cách minh bạch và rõ ràng, nếu nắm được những nguyên tắc về tính tương đối trong văn hóa và nhận thức được các nguyên lý cơ bản, mà từ đó các tôn giáo xa lạ được xây dựng.

Bất chấp Morgan, sáu năm trước (1871), Tylor đã cho xuất bản bộ sách hai tập vĩ đại của mình, tác phẩm toàn tâm nghiên cứu về quá trình phát triển và tiến hóa của tôn giáo và văn hóa, và Frazer tiếp bước với bộ sách kinh điển mười hai tập về những phát triển của tôn giáo và pháp thuật[9]. Các nét chính trong lý thuyết của Tylor về quá trình tiến hóa của tôn giáo là sự ra đời của thuyết duy linh và khái niệm linh hồn, thông qua việc thờ cúng ma quỷ và tổ tiên, qua bản chất của việc thờ cúng, và qua các việc này lại dấn đến các tôn giáo đa thần hay đơn thần, như chúng ta đã xem xét trong chương 32. Trách nhiệm của Frazer, như ông đã tự đặt ra cho chính bản thân, là lần theo nguồn gốc của các hình thức tôn giáo và pháp thuật. Con đường mà Frazer vạch ra một phần nào khác biệt với những gì được Tylor trình bày.

Frazer nhận định rằng cả tôn giáo và ma thuật là những phương tiện (mà con người sử dụng) để khiển dụng các sức mạnh của thiên nhiên, nhưng ông cho rằng con người thời sơ khai thoạt tiên đã sáng kiến ra pháp thuật trong quá trình tiến hóa văn hóa sớm sủa nhất, sau đó mới chuyển qua niềm tin tôn giáo khi kinh nghiệm đã dạy cho họ biết được sự kém cỏi của pháp thuật trong vai trò của một phương tiện để đạt đến những cứu cánh. Lý thuyết của Frazer hoàn toàn nặng về tâm lý học, và ông đã sử dụng phương pháp suy tưởng mà ông tin rằng những con người sơ khai cũng phải nghĩ như vậy trong những thời đại mơ hồ, đã chìm vào quá khứ. (Max Gluckman nói với chúng tôi rằng đây là phương pháp mà Radcliffe-Brown gọi là phương pháp “nếu-tôi-là-con-ngựa” trong công tác tái lập quá trình, phương pháp mà người nông dân sử dụng để tìm kiếm con ngựa bị thất lạc của mình. Trước khi bắt đầu một cuộc tìm kiếm chưa rõ mục tiêu họ cào cào cái đầu của mình, nhai một vài cọng rơm rồi hỏi “Nào, bây giờ giả sử mình là con ngựa, mình sẽ đi đâu nhỉ?”[10]. Do vậy, Frazer đã viết:

… Về một câu trả lời đã mặc nhiên công nhận một lý thuyết về sự phát triển trí tuệ bằng cách đặt ra những bản thang-biểu-thời-gian trong đó cùng tồn tại [các yếu tố ma thuật, tôn giáo, và khoa học]. Ông đã vạch ra những giai đoạn trên cái thang biểu bằng cách tưởng tượng ông sẽ lý luận như thế nào nếu chính ông ở đó: đầu tiên, nghĩ rằng ông có thể khiển dụng được thiên nhiên bằng cách liên kết bản thân như những tiền nhân đó cùng những điều giống như sau-biến-cố [thuật đồng cảm]; sau đó tìm cách thoát khỏi tình trạng ê chề vì bị tan vỡ ảo tưởng [pháp thuật thực sự không hiệu lực] chuyển qua niềm tin rằng các quyền năng vẫn có ở đó nhưng ngoài tầm với của ông ấy [tôn giáo]; và sau nữa, để tránh khỏi sự thất vọng sâu xa hơn, lần này với tôn giáo, để chấp nhận một sự bình thường và sự bất biến không thể thay đổi trong thiên nhiên mà con người có thể tự mình tận dụng, ông ta đã chịu khuất phục cái quy luật tất yếu [khoa học].[11]

Lý thuyết tiến hóa trong tác phẩm Nhánh cây bằng vàng là một giấc mơ trí tuệ chẳng có một chút thực tế nào trong cái hình thức của mình, tuy nhiên cuốn sách thực sự là một kho báu kiến thức kinh điển và dân tộc học, một bản tóm tắt có sức lôi cuốn về những hành động kỳ lạ và những niềm tin đồng bóng, vừa sơ khai vừa kinh điển, được viết bằng văn phong tiếng Anh chính quy và tao nhã. Một cuốn sách dù đáng để nhiều thế hệ sau nữa tìm đọc, nhưng vẫn chưa thể đánh giá là một phương pháp hay là một lý thuyết.

Henry Maine: từ vị thế đến khế ước

Maine là một nhà tiến hóa văn hóa học giới hạn những tác phẩm lý thuyết của mình trong chủ đề sự tiến hóa của luật pháp. Ông là một nhà sử học chuyên sâu về luật pháp và cũng là một lý thuyết gia về lý thuyết tiến hóa, người có thể sử dụng ngay cả những dữ liệu chắp vá rời rạc của bất kỳ xã hội sơ khai nào hãy đang còn tồn tại. Những nguồn dữ liệu so sánh của Maine phần lớn hầu như giới hạn trong cộng đồng Hy Lạp và La Mã, dù ông cũng đã tích tụ kiến thức của mình một phần từ cộng đồng làng mạc của Ấn Độ. Giá trị của Maine đối với ngành nhân chủng học không nằm trong hàng loạt tác phẩm đặc sắc của ông về những giai đoạn tiến hóa của pháp luật; lý thuyết của Main từ lâu đã tỏ ra không có thực chất và thậm chí còn hão huyền hơn cá lý thuyết của Morgan.[12]

Những kiểu mẫu lý tưởng như là các cực đối kháng. Ngày nay, Maine được đánh giá cao, vì đã thiết lập cách sử dụng những kiểu hình tưởng của xã hội và những định chế cực đối kháng phục vụ cho những mục tiêu có tính phân tích so sánh trong ngành khoa học xã hội. Trong cuốn Luật pháp thời cổ đại (1861), ông đã lập công thức cho sự tương phản trong phạm vi giữa những xã hội sơ khai và xã hội cổ đại. Trong đó, những mối quan hệ xã hội bị chi phối bởi vị thế, ngược lại với những xã hội “tiến bộ” - những mối quan hệ xã hội được xác định chủ yếu bằng khế ước. Vị thế có nghĩa là thân thế do mối quan hệ họ hàng của một người đã định sẵn cho người đó một vị trí pháp lý. Khế ước nghĩa là các vị trí pháp lý phát sinh từ sự đồng thuận tự do giữa các cá thể. Sự tương phản giữa hai điều trên chính là những nghĩa vụ và những sự đồng nhất một bên tập trung vào cộng đồng dòng dõi gia đình, một bên tập trung vào cá nhân.

Hiện nay, điều này cũng chính là sự dị biệt chính yếu về cấu trúc và chức năng giữa những nền văn minh chưa phát triển của phương Đông và những nền văn minh kỹ nghệ của phương Tây. Maine không chỉ rút ra những chi tiết tương phản mà còn cố gắng nối kết hại cực đối kháng thành một kiểu hình tiến hóa, cũng như Morgan đã từng thực hiện. Ông đưa vào đó cái chiều thời gian và diễn đạt thành một công thức nổi tiếng: “... cho đến nay, sự vận động tiến lên của những xã hội tiến bộ chính là xu hướng chuyển biến từ Vị Thế thành Khế Ước”[13]. Maine cũng đối chiếu cái thế thống trị giữa loại dân luật của những xã hội sơ khai và loại hình luật của các xã hội văn minh. Sự phân tích của Maine về chức năng sử dụng những điều tưởng tượng về luật pháp và tính công bằng vô tư để mang lại sự thay đổi mà không đưa đến sự phá hủy cấu trúc xã hội không được chúng tôi xem xét ở đây, mặc dù cũng rất quan trọng. Đối với các sinh viên khoa xã hội học, chúng tôi cũng lưu ý rằng lý thuyết tương phản của Ferdinand Tonnies trong tác phẩm Gemeinschaft vs Gesellschaft là bắt nguồn từ Maine, và tương tự là lập luận của Emile Durkheim về sự tương phản giữa các cộng đồng có khuynh hướng đoàn kết “một cách máy móc” và những xã hội có sự đoàn kết “hữu cơ - có tổ chức”. Ý niệm “thể liên tục dân-gian-đô-thị” của Robert Redfield cũng vay mượn trực tiếp từ truyền thống phương pháp luận của Maine, trong mô hình cực đối kháng được liên kết bằng một giai đoạn trung gian của các kiểu hình chuyển dịch. Maine vẫn tồn tại vì ông ta là người đầu tiên tạo ra những công cụ cơ bản cho những nhà khoa học xã hội hiện đại.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2619-02-633541308413876250/Nhan-chung-hoc-Phat-trien-phuong-phap-va-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận