Cấp độ của những kỹ thuật sinh tồn
Trong phần I, khi theo dõi quá trình tiến hóa của con người và nền văn hóa, chúng ta đã biết rằng suốt Thời đại đồ đá con người đã sinh sống bằng hình thức hái lượm và săn bắt. Sau đó không lâu, khi Thống Pleistocene chấm dứt, loài người đã vững vàng ở trạng thái Con người thông minh biết suy nghĩ rồi nhanh chóng chuyển sang hình thức săn bắn và tập trung tìm kiếm lương thực, để từ đó là nền nông nghiệp sơ khai của Thời đại đồ đá mới, kế tiếp là Thời đại đồ đồng/hoặc Đồ sắt với nền nông nghiệp thâm canh. Quá trình này cho thấy rằng một số quần thể dân cư đã thích nghi về mặt sinh thái đối với đời sống nông nghiệp. Quá trình này không chỉ đơn thuần là tình trạng tiền hay hậu nền nông nghiệp mà như là một cách sống, một khả năng chọn lựa và sẽ chuyển biến khi những điều kiện tự nhiên với xã hội mở ra những hướng đi mới và thỏa đáng hơn để con người tiếp tục dấn bước trên con đường mưu sinh cũng như tồn tại của mình.
Từng cấp độ kỹ thuật sinh tồn có những đặc điểm riêng biệt và được sắp xếp từ thấp đến cao theo thứ tự thời gian trong quá trình tiến hóa và mức độ phức tạp của sự hòa nhập văn hóa như sau:
4. Nền nông nghiệp thâm canh và cuộc sống nông thôn.
3. Nền nông nghiệp sơ khai và đời sống thôn dã.
2. Săn bắn và tập trung tìm kiếm lương thực.
1. Săn bắn và hái lượm thức ăn.
Khi Colombus mở toang cánh cửa của mọi miền thế giới và nền văn minh châu Âu truyền bá đến khắp mọi nơi trên thế giới, những di dân rời bỏ châu Âu và những khu vực Địa Trung Hải hãy còn ở trong tình trạng của ba cấp độ sinh tồn đầu tiên. Những người dân tộc Lapps (thuộc khu vực Bắc Scandinavia, Phần Lan và bán đảo Kola miền Bắc Nga - ND) đã là những người chuyên chăn nuôi tuần lộc. Khắp miền Bắc Siberia, những người thợ săn tộc Samoyed và Yukaghir tập hợp thành một vành đai ven rìa những cánh rừng, trong khi đó người Gilyak ở miền duyên hải đông bắc là một bộ lạc gồm những thợ săn và ngu dân. Châu Phi lúc đó, ngoại trừ những người Bushmen, người Pygmy và một vài nhóm dân tộc sống rải rác khác, cũng toàn là những người trồng trọt để tìm kiếm miếng ăn với cuộc sống nông thôn hoang dã. Tất cả người Indonesia, chỉ ngoại trừ một vài nhóm nhỏ, đều là nông dân và những người làm vườn.
Nền nông nghiệp của Cựu lục địa đã hình thành được một sự phân bố địa lý kéo dài liên tục từ châu Âu và Địa Trung Hải qua những miền rừng rậm của Bắc Phi, lan xuống Ấn Độ, Đông Nam Á và khắp Thái Bình Dương, chỉ ngoại trừ châu Úc và miền Tasmania.
Tại Bắc Mỹ, trên khắp tất cả các thảo nguyên và các bộ lạc của miền rừng núi phía Nam Đại Hồ và lưu vực sông Lawrence là những vùng của các loại bắp, đậu và bí. Các dân tộc thổ dân miền Tây Nam là những người làm vườn và trồng bắp thâm canh.
Ngay trong vùng Đại bình nguyên, những người dân làng có cuộc sống định cư đã biết lợi dụng những nơi thấp nhất của dòng sông để canh tác và chỉ có một ít bộ lạc chuyên về săn bắn ở những vùng thượng nguồn xa xôi. Hình thức săn bắn và tập trung tìm kiếm là đặc trưng của vùng California, vùng lòng chảo sa mạc, các vùng rừng rú của Canada và những vùng cựu bắc mênh mông của người Eskimo. Texas và miền bắc Mexico hầu như là lãnh địa của những người tập trung săn lùng thực phẩm, phần còn lại của Trung và Nam Mỹ theo hình thức nông nghiệp thâm canh, ngoại trừ những khu vực cựu nam lục địa - nơi mà sự hiện diện của những người săn bắt và hái lượm được kể như là một sự bổ khuyết của những trường hợp ngoại lệ. Trong suốt thế kỷ mười chín, những kỹ thuật canh tác của Thời đại đồ đá mới và Thời đại đồ sắt đã được truyền bá khắp thế giới. Từ việc khảo sát những di vật còn lại trong 565 nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới, giáo sư G.P. Murdoek đã thiết lập một bảng biểu để cho thấy rằng có 235 (41%) xã hội đạt đến trình độ nền nông nghiệp phát triển, 117 (20%) xã hội biết sử dụng cày. Điều này có nghĩa là 61%, gần như hai phần ba xã hội đã đồng hóa việc trồng trọt các loại cây trái để sản xuất lương thực như là phương kế sinh tồn chính yếu của mình. Chỉ có 6% (33) xã hội vẫn còn trong tình trạng tập trung săn lùng thực phẩm, điều này cũng cho thấy rằng khi con người đã đạt đến trình độ thuần hóa các loài thực vật, thì hình thức tập trung săn lùng và tìm kiếm thực phẩm chỉ tồn tại trong những dân tộc sống ở những khu vực ngoại biên. Bảy mươi chín xã hội tức 13% là xã hội của những người nông dân hoang đã, 101 tức 18% là xã hội của người săn bắn. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng những dân tộc chưa phát triển và sơ khai nhất chính là những người làm vườn, hoặc cao hơn là những nông dân đã đôi phần tiến bộ.
Dù các kỹ thuật sinh tồn không được phân biệt theo hạng loại, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh đến tính độc nhất của từng kỹ thuật. Tất cả những tiềm lực sản xuất lương thực đều pha trộn với nhau để đạt mức độ hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn. Những người làm vườn cũng có thể săn bắn hay đánh cá. Những người nông dân đôi khi cũng cướp bóc hoặc dùng lúa mì để trao đổi lấy các loại thịt.
Ngay cả trong một xã hội công nghiệp thời đại nguyên tử như những xã hội của chúng ta, cũng bao gồm đủ các hình thức nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi hoặc săn bắn trong phạm vi vận hành của mình. Khi chúng ta xác định một phương kế sinh tồn của một dân tộc là nông nghiệp hay chăn nuôi, có nghĩa là phương kế sinh tồn này là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu và nổi trội nhất.
Bảng 15.1: Cấp độ những phương kế sinh tồn trong 565 nền văn hóa, phân bố theo lục địa
Kỹ thuật sinh tồn | Châu Phi | Địa Trung Hải | Châu Á | Các quần đảo Thái Bình Dương | Bắc Mỹ | Nam Mỹ | Tổng cộng |
Nông nghiệp cày cấy | 0 | 49 | 54 | 14 | 0 | 0 | 117 |
Nông nghiệp chăn nuôi | 23 | 27 | 16 | 0 | 8 | 5 | 79 |
Nông nghiệp phát triển | 82 | 2 | 5 | 58 | 42 | 46 | 235 |
Tập trung săn lùng và tìm kiếm | 2 | 0 | 0 | 15 | 5 | 11 | 33 |
Săn bắn và hái lượm | 9 | 0 | 10 | 12 | 55 | 15 | 101 |
Lưu ý: Các nền văn hóa châu Á và Địa Trung Hải chủ yếu dựa trên nền nông nghiệp cày cấy, các xã hội Phi châu là nông nghiệp phát triển (làm vườn và chăn nuôi), các quần đảo Thái Bình Dương cũng như Nam Mỹ thì nổi bật là nền văn hóa làm vườn. Trong khi đó Bắc Mỹ là những xã hội nghiêng về săn bắn và làm vườn. Nguồn A.D. Coult và R.W. Havenstein: “Cross Tabulations of Murdock’s World Ethnographic Sample”, trang 32.
Săn bắt và hái lượm
Những người chuyên săn bắn cũng phần nào phụ thuộc vào các hoại hoa quả, đậu, rễ cây để hoàn thiện cái thực đơn ăn uống của mình. Nhưng họ khác với những người khỉ biết hái lượm vì phần đông họ là những người có thói quen ăn thịt. Con người, từ bản chất là loài động vật ăn tạp. Đây là đặc điểm riêng biệt và nổi bật nhất để phân biệt con người với những loài họ hàng ăn chay của mình, các loài vượn và khỉ. Quá trình tiến triển của thói quen ăn thịt đã diễn ra trong quá trình phát triển tiến hóa từ thời chủng người australopithecine.
Nếu không có sự hỗ trợ của các loại công cụ, con người khó mà hạ gục được các nạn nhân súc vật của mình. Trong hầu hết các cuộc săn bắn, con người đều phải nhờ cậy vào những phương tiện mà họ đã sáng chế để hạ các con mồi. Họ dùng đủ các loại vũ khí như dùi cui, giáo mác, lao, cung tên, bẫy, hầm hố, lưới, lưỡi câu, rìu, dao găm và cả thuốc độc để hạ cho được mục tiêu của mình. Họ còn nhờ sự trợ giúp của các loài chó, ngựa, lạc đà và đôi khi sử dụng cả thuyền bè. Dù dùng phương tiện gì, kỹ thuật săn bắn cũng là những kỹ thuật tấn công (bắn, phóng lao, đập bằng dùi cui, chặt bằng rìu, đâm, đặt bẫy, đánh lưới, đầu độc) Bắn (bằng cung tên) là kỹ thuật phổ biến và được những người sơ khai ưa chuộng nhất và có thể là phương pháp tồn tại sau cùng trong lịch sử thời tiền sử của loài người. Mãi đến thời Hậu kỳ đồ đá cũ hoặc thời Sơ kỳ đồ đá mới, con người vẫn chưa sáng chế ra cung tên. Người Neandertal có những công cụ như dùi cui, giáo, và rìu. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy họ biết sử dụng các loại bẫy, lưới và các loại bẫy hầm hố, hầu như họ chỉ sáng chế được các loại phương tiện thô sơ. Và cũng không có cách gì để biết họ có sử dụng các loại thuốc độc một cách có ý thức hay không.
Vì là một loại vũ khí hữu hiệu, nên đến thế kỷ mười bảy cung tên đã được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi trên thế giới. Những phương tiện dùng để trá hình hay ngụy trang cũng được sử dụng một cách rất thông minh trong một số bộ lạc. Người Bushmen là những bậc thầy nghệ sĩ trong nghệ thuật vẽ hóa trang các cung thủ của họ để đánh lừa những chú đà điểu ngờ nghệch. Các thổ dân da đỏ miền Tây lại có thói quen khoác lên người một lớp da linh dương để tiếp cận loài vật nhanh nhẹn và nhút nhát này. Người Cheyenne thì bắn vào cánh của các con đại bàng bằng cách ẩn mình trong một cái hố được ngụy trang ở trên một lớp cỏ, từ trong hố họ chậm rãi quơ qua quơ lại một chiếc gậy buộc sẵn ở đầu một mảnh vải. Động tác này gây ra sự tò mò của loài chim vua, nó thận trọng lượn thấp dần cho đến khi người đi săn có thể buông ra một mũi tên vừa tầm nhắm vào đôi cánh của chúng.
Trong những khu rừng rậm của Malaysia, Nam Mỹ và miền Đông Nam nước Mỹ, loại vũ khí được ưa chuộng để săn các loài thú nhỏ và chim chóc là loại ống thổi, bắn ra những viên đạn hay đầu mũi tên. Mức độ rậm rạp của rừng già hạn chế không cho phép sử dụng các loại vũ khí có tầm bắn xa, vì vậy những loại lao hoặc phi tiêu thường tỏ ra hữu hiệu hơn, đặc biệt là ở Indonesia và Đông Nam Á - các loại vũ khí này thường được tẩm thêm thuốc độc.
Trình tự lễ nghi cúng tế của nghề săn bắn. Việc săn bắn những loài thú lớn thường không phải là một vấn đề thuần túy kỹ thuật. Việc cúng tế hoặc làm phép được xem là quan trọng hơn tất cả mọi sự và nhằm để kích thích tinh thần cũng như tăng cường sức mạnh cho người đi săn, người đang lo lắng vì sự an toàn bản thân và nỗi sợ hãi thất bại. Những bức tranh vẽ trong hang động của người Cro-Magnan dù không lời nhưng vẫn là chứng cứ hùng hồn của thực tế trên. Các bức tranh thường vẽ hình những loài thú vật bị thương, thân thể cắm đầy những mũi lao. Chúng ta không biết được những hình thức cúng tế nào và ý nghĩa hiệu lực của chúng như thế so với các hình vẽ điêu khắc của người Cro-Magnon. Nhưng một người thổ dân Winnebago (lãnh tụ Sấm Rền trong hồi ký của ông ta) đã nói như sau về một ngọn đồi rất linh thiêng ở bang Wisconsin, ở đó có một cái hang mà hai mươi linh hồn, được gọi là ''những - linh - hồn - than - khóc - như - trẻ - con trú ngụ.
Cha tôi đã điều khiển được họ, khi muốn ban phước cho một người nào đó ông cầm cung tên trong tay, dẫn người đó đi vòng quanh ngọn đồi và sau đó vào lều (nghĩa là vào trong ngọn đồi) ở đó ông tìm kiếm một cột đá, ngồi xuống cách cây cột khoảng một tầm tay và bắt đầu vẽ hình ảnh của một số loài vật khác nhau. Cha tôi chỉ có một mũi tên, nhưng đó là một mũi tên linh thiêng. Sau đó, ông bắt đầu vừa nhảy múa vừa ca hát quanh cột đá và cuối cùng, dừng lại, dựa vào cột đá để thở. Sau cùng ông rảo quanh và bắn vào cột đá, và khi ông nhìn vào hòn đá, nó bỗng biến thành con nai với cặp sừng to bự, gục chết dưới chân ông... Cha tôi và người thợ săn nổi tiếng và anh tôi mong ước được giống như ông.
Nghề săn cá voi của người Eskimo và một số tộc thổ dân vùng bờ biển Tây Bắc chắc chắn là một trong những thành tựu đầy tính dũng cảm và khéo léo nhất về kỹ năng tấn công trong nghề săn bắn. Để củng cố những kỹ năng săn bắn, tạo sự thừa nhận của xã hội đối với người đi săn tài giỏi, những người dân xứ Alaska không xem việc săn bắn cá voi là một hoạt động săn bắn thuần túy mà là một lễ nghi có tính tôn giáo và thần bí mà bắt buộc phải tuân thủ.
Những phân tích của Lantis về tục Cúng tế cá voi của người dân Alaska cho thấy tục này là một phức hệ bao gồm những mặc định mang đầy đủ ý nghĩa về các lãnh vực kỹ thuật, kinh tế, chính trị xã hội, thần bí và tôn giáo. Tục Cúng tế cá voi chỉ là một trong nhiều thí dụ khác làm cho chúng ta phải chú ý khi quan sát những phương kế hoạt động sinh tồn hiện tại của nhân loại. Như vậy, bên cạnh những hoạt động săn bắn hiện đại, nghề săn cá voi còn liên quan đến kỹ năng sử dụng thuyền, mái chèo, mũi lao, dây nhợ và các loại phao, bè để định vị, theo dõi, tấn công, giết và mang con quái vật khổng lồ của biển cả này lên bờ - tất cả đều được thực hiện trong một mạng lưới phức tạp đan xen bởi những hành vi và những niềm tin thần bí, bao gồm những yếu tố đáng chú ý sau:
1. Người đứng đầu đoàn thủy thủ săn bắt cá voi cũng là người đứng đầu của bộ tộc địa phương. Quyền lãnh đạo nhóm săn được đồng hóa với quyền lãnh đạo xã hội.
2. Việc phân phối các bộ phận của con cá đánh bắt được thường dựa theo phong tục tập quán phù hợp với vai trò được giao, chẳng hạn như chủ thuyền, người phóng lao, và một số người giữ những quyền lợi đặc biệt khác.
3. Việc kết nạp một thành viên vào hệ thống săn bắn và cúng tế là một giai đoạn dài và khó khăn, trong đó những thợ săn học việc trẻ tuổi phải học những nghi lễ cúng tế và các bài hát tế tụng.
4. Khi chưa tới mùa săn, các lá bùa đặc biệt đảm bảo sự may mắn dùng trong những cuộc săn được cất giấu một cách bí mật trong các hang động. Nơi cất dấu (hang động) và cách sử dụng các lá bùa là những bí mật cha truyền con nối.
5. Những bài hát về cá voi, là những tài sản vô hình và huyền bí được mọi người ca hát vang lên.
6. Mùa săn cá voi là một mùa của lễ hội cúng tế và kiêng cữ. Những người tham gia hội săn phải sống cách ly với ngôi làng chính, không được tắm rửa, ngủ ngoài trời (ở vùng cực bắc Alaska) và không được ăn thịt sống.
7. Các thợ săn cá voi phải tiết dục trước và trong suốt thời gian hoạt động săn bắn.
8. Tất cả mọi người còn ở lại trong làng không được làm việc và ngủ trong suốt thời gian diễn ra cuộc săn.
9. Vợ của người chỉ huy cuộc săn phải ở nhà, không được nói năng và ăn uống “để lôi kéo con cá voi về phía bà ta”.
10. Thi hài hay các bộ phận của các thợ săn quá cố được mang theo tàu để sử dụng cho nghi lễ chuẩn bị cho cuộc săn.
11. Tất cả mọi thiết bị và đồ nghề phải được sửa chữa và lau chùi sạch sẽ trước khi mùa săn bắt đầu, nếu không cá voi sẽ cảm thấy bị xúc phạm.
12. Vợ của người đứng đầu toán săn sẽ cho cá voi uống một ly nước tượng trưng ngay sau khi cá voi được kéo lên bờ.
13. Khi xẻ thịt cá voi, một số bộ phận sẽ dành cho việc cúng tế, và những lễ nghi đặc biệt được tiến hành ngay để trả linh hồn của cá voi trở về biển cả và để biển cả không nổi giận. Những bộ phận này được ném xuống biển và xem như là thức ăn hiến tế cho biển cả, không được gây ồn ào náo động trong buổi hành lễ.
14. Thời gian tổ chức tang lễ cho cá voi cũng kéo dài giống như tang lễ của một con người (từ 3 đến 5 ngày).
Tất cả những điều trên đây chỉ là một bức phác họa sơ lược về phức hợp cúng tế cá voi, nhưng dù sao chúng cũng biểu lộ cho chúng ta thấy rằng có nhiều điều phức tạp tiềm ẩn trong hoạt động săn bắn chứ không đơn thuần chỉ là việc theo dõi rình mò và giết chết một con vật.
Săn bắn và tập trung tìm kiếm lương thực
Việc tập trung tìm kiếm lương thực khác với việc thu nhặt, hái lượm ở mức độ phụ thuộc vào các loại hạt, hoa quả và củ rễ hoang. Thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào các loài thực vật hoang dã để bổ sung cho chế độ ăn uống nặng về thịt, những người săn lùng lại nhờ vào việc săn bắn để bổ sung cho thực đơn ăn chay nặng về cây trái hoa quả của mình, tuy nhiên họ vẫn là những người chưa biết thuần hóa các loài thực vật.
Để minh họa những kỹ thuật sinh tồn của một nhóm dân cư săn bắn và săn lùng thức ăn, chúng ta có thể miêu tả các hoạt động bất kỳ bộ lạc nào của chủng thổ dân châu Úc, hoặc người Tasmania, Semang, Andaman, Islander, hoặc người Pygmy và Bushmen của châu Phi. Bất kỳ bộ lạc nào trong vô số bộ lạc vùng California, hoặc một trong ba bộ lạc chính của xứ Tierra del Fuego đều cũng như vậy. Tuy nhiên, ở đây chúng ta sử dụng tộc Shoshone của vùng Đại lòng chảo làm thí dụ.
Người Shoshone. Năm 1860, Abbé Domenech đã ghi nhận về người Shoshone của vùng Đại lòng chảo như sau: “tùy theo mùa, họ lang thang từ nơi này qua nơi kia để tìm kiếm và đào bới các loại củ, rễ khốn khổ - là nguồn lương thực chính yếu của họ, bởi vì ở cái xứ này, các loại thú vật cũng rất hiếm hoi” và cũng do những hoạt động chuyên đào bới củ rễ này, dân Shoshone được các bang miền Tây gọi là ''bọn ăn rễ cây". Steward đã liệt kê được hơn một trăm các loại hạt, củ, rễ mà người Shoshone sử dụng như thực phẩm. Các loại rễ được đào lên bằng một loại thuổng đào thô sơ. Hạt thì thu lượm bằng cách sử dụng một gậy đập hình cánh quạt, đập cho các loại hạt rơi xuống một cái thúng hoặc rổ bên dưới. Hạt hoa hướng dương là loại hạt ngon lành nhất trong tất cả các loại hạt mà vùng đất sa mạc có thể cung cấp. Nếu nướng sơ một chút và sau đó xay bằng cối đá, hạt hướng dương sẽ biến thành một loại bột nhão chứa dầu mà theo người Shoshone thì "có mùi vị bơ đậu''. Trong những khu vực của những người Hzkandika Shoshone (thung lũng Bannock, bang Idaho) bơ đậu là loại quà tặng được ưa chuộng nhất. Tất cả làm gợi nhớ những ký ức về một thuở xa xưa. Các loại hạt và quả thông cũng đóng một vai trò quan trọng trong xã hội kinh tế của các bộ tộc Shoshone khác nhau, cùng với những hậu quả kèm theo mà chúng ta sẽ xem xét trong Bộ luật sở hữu đất đai (chương 28).
Môi trường bị tận dụng không chỉ vì các loại củ, rễ, hạt mà còn vì các loại côn trùng, một loại thực phẩm được xem như là của trời cho. Những cuộc săn châu chấu tập thể được tổ chức đều đặn. Một cuộc săn thành công có thể lưới được vô số châu chấu, sau khi được nướng lên chúng là những bữa tiệc thừa mứa, no nê.
Loài kiến cũng là một loại cao lương mỹ vị rất được ưa chuộng, vì mùi vị cay đặc biệt của chúng khi được nấu nướng một cách thích hợp. Vào tháng Ba, khi các con kiến vừa mới qua khỏi giai đoạn ấu trùng và chưa có khả năng di chuyển, ngay cả một phụ nữ cũng có thể xúc vào chiếc giỏ hình vỏ sò của mình nguyên một tổ kiến. Và chúng được chế biến thành nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng món nổi tiếng nhất và ngon nhất được gọi là món khai vị của người Shoshone (Shoshone antipasto)
Các loại gặm nhấm nhỏ bé cũng bị đánh bắt bằng các loại bẫy thô sơ. Việc săn thỏ được tổ chức dưới dạng săn tập thể qui mô lớn và dưới quyền chỉ huy của một trưởng phường săn. Các loại cạm bẫy đã đặt để xong, những người đi săn bắt đầu đánh trống hoặc hò hét khuấy động để xua con mồi về hướng các cạm bẫy. Và từ đó, xuất hiện những loại áo choàng bện bằng lông thỏ để dùng trong mùa đông. Loài linh dương thỉnh thoảng bị săn bắn theo cách này, nhưng người đi săn còn phải ngụy trang bằng cách khoác lên một lớp da linh dương và phải có những phép quyến dụ hay cò mồi kỳ bí khác. Một hàng rào các bụi cây cũng có thể dùng thay thế cho các loại lưới bẫy trong cuộc săn thỏ.
Hươu nai, cừu núi, và sơn dương đôi khi từng con bị săn đuổi riêng lẻ bởi những thợ săn khỏe mạnh và tài giỏi nhất. Người thợ săn kiên nhẫn có thể theo đuổi liên tục hai ngày liền một con nai hoặc cừu cho đến khi con mồi kiệt lực và ở trong tầm tán xạ của anh ta. Điều này có vẻ như là một nỗ lực khó tin và chúng ta chỉ có thể đánh giá được động cơ thúc đẩy của nỗ lực này khi trích dẫn những điều mà Lewis và Clark viết về tình trạng thèm khát thịt của người Shoshone. Sáng thứ sáu ngày 16 tháng Tám năm 1805, sau khi một toán thợ săn Shoshone hạ được một con nai và khi các thủy thủ người Shoshone của Clark đang xẻ thịt con mồi, một đoàn rồng rắn người Shoshone đổ xô đến.
… Tất cả nhào xuống ngựa và tranh nhau chạy nháo nhào đến như những con chó đói; giành giật và cắt xé bất cứ bộ phận nào họ chạm đến và ngay tức khắc ngốn ngấu; người thì lá gan, kẻ thì quả cật, tóm lại không một bộ phận nào dù gớm ghiếc và dơ dáy đến đâu thoát khỏi bọn họ.
Cái kiểu ăn uống man rợ này vẫn thường được những người Shoshone cùng làm việc với chúng tôi nhắc nhớ lại vào năm 1934.
Cách săn hươu nai của người Shoshone cũng giống như cách săn của những thổ dân Tarahumara mà Bennett và Zingg mô tả sau:
Việc săn bắn, kể cả việc săn đuổi theo dấu loài hươu nai thường kéo dài cả hai ngày trời, không bao giờ ít hơn một ngày. Người thợ săn Tarahumara liên tục theo dõi sự di chuyển của con mồi. Chỉ thỉnh thoảng anh ta mới thoáng thấy con mồi, nhưng bằng khả năng kỳ bí phi thường, anh ta có thể đọc và theo dõi các dấu vết không bao giờ sai sót. Anh ta săn đuổi con mồi cho đến khi nó hoàn toàn gục xuống vì kiệt sức.
Nỗi lo sợ chết đói luôn ám ảnh người Shoshone. Cũng như người Eskimo, đôi khi họ cũng phải sử dụng một phương cách tuyệt vọng cuối cùng là ăn thịt đồng loại. Nhưng những kẻ ăn thịt người luôn luôn bị người khác sợ hãi và căm ghét và đôi khi còn bị xử tử nữa.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu vì những nhận xét trên mà kết luận rằng tất cả những người Shoshone đều là những người không biết ''kén cá chọn canh''. Họ không bao giờ ăn thịt loài chó, cả chó nhà và chó sói, bởi vì trong truyền thuyết văn hóa của họ - chó sói là một vị anh hùng siêu nhiên, là em của thần Sói, Thượng Đế tối cao của người Shoshone. Giết một con sói hay anh em họ hàng của nó là loài chó nhà là điều không thể tưởng tượng nổi, ăn thịt chúng lại càng không thể. Năm 1934 những người Shoshone đương thời bất đắc dĩ phải ăn thịt số cừu thặng dư của người Navaho do chính quyền gởi đến để cứu trợ. Lột da cừu cũng giống như lột da chó vậy.
Thông thường, những người đi thu lượm thức ăn tất nhiên là những người có cuộc sống du mục. Họ phải đi khắp những khu vực rộng lớn mới tìm kiếm đủ lương thực duy trì cuộc sống. Nhưng một băng nhóm nào đó có thể có khuynh hướng ở lại trong phạm vi lãnh thổ quen thuộc của mình vì (1) ở đó họ biết có một nguồn nước và một loài vật nào đó đảm bảo đủ lương thực và nước uống cho cuộc sống; (2) tất cả các nhóm đều đã biết tích trữ lương thực; (3) có thể họ đã biết cách gìn giữ nguồn lương thực; (4) sự đi chuyển, ở một mức độ nào đó đã trở thành những cản trở cho việc sở hữu những của cải vật chất; (5) ý niệm tư hữu đã trở nên phổ biến và thông dụng với tất cả mọi người; có sự ngầm thỏa thuận giữa các nhóm quần thể về quyền sở hữu đất đai của từng nhóm, trừ phi có sự xáo trộn do chiến tranh hay tình trạng di dân.
Nền nông nghiệp thâm canh
Mưa và mùa khí hậu hình thành những khuôn mẫu cơ bản của các nền nông nghiệp sơ khai bên ngoài các khu rừng mưa nhiệt đới. Con người đã phát triển được bốn phức hợp mùa vụ chính. Hai phức hợp cơ bản thích nghi với những vùng đất cao và sự biến đổi thời tiết theo mùa vụ; hai phức hợp còn lại thích nghi với những vùng rừng mưa nhiệt. Mỗi loại phức hợp đều hiện điện ở cựu lục địa và Tân thế giới. Như vậy, luôn có một nền nông nghiệp kết hợp đa dạng và thích hợp hiện diện trong tất cả các loại môi trường, ngoại trừ những môi trường quá lạnh hay quá khô hạn không phù hợp với sự thâm canh các loại thảo mộc.
Trong phức hợp nông nghiệp mùa vụ và chuyên về các loại cây tinh bột ở các vùng cao Cựu lục địa thời đồ đá mới, con người đã tập trung ở đây các loại lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, lanh, kê, chủng loại cây này được gieo cấy nào thùa thu, tăng trưởng thân cành và lá trong thời tiết lạnh và trưởng thành, chín tới trong thời tiết ấm áp của những ngày dài mùa hè. Những sự thích nghi với khí hậu làm cho các loại thực vật này dễ dàng lan truyền đến những vùng Tây Bắc châu Âu. Ở châu Âu, ngay trong những vùng đất có điều kiện khí hậu lạnh và ẩm ướt giống như giai đoạn khởi đầu sự sống trên trái đất, mùa vụ vẫn bắt đầu vào mùa xuân và thời gian trưởng thành, chín tới vẫn diễn ra trong những ngày dài giữa mùa hè. Ở cựu lục địa các loại Cây ngũ cốc được gieo trồng một cách đại trà. Trong khi đó, ở Tân thế giới việc canh tác lại có tính nhỏ lẻ, rải rác trên núi đồi.
Những khu vực đấm lầy của Cựu lục địa là những trung tâm canh tác và phát triển của cây lúa và những loại cây có củ như khoai lang, khoai sọ,... Những vùng đất khô ráo của Tân thế giới, các loại thực vật được trồng theo mùa là bắp, đậu, bí và khu vực núi Andes là khoai tây. Sắn được trồng và phát triển trong những khu vực nhiệt đới ẩm ướt của Tân thế giới.
Nền nông nghiệp rừng: kỹ thuật cắt rạch và đốt. Chúng ta có thể bị bất ngờ khi biết rằng những vùng cao nguyên rừng thưa lại là nơi xuất phát, nguồn gốc của nghề nông. Việc phát quang những khu rừng là công việc đầy nặng nhọc và thoạt tiên, dường như nó chỉ là một ý nghĩ thô thiển cho rằng công việc này có mục đích mở rộng đất đai và đưa những vào sử dụng một cách hữu ích hơn. Tuy nhiên, khi xem xét các nguồn gốc của nghề nông, có hai yếu tố thực tế chứng tỏ quan điểm trên là không chính xác. Các sa mạc luôn luôn khan nước, ngay cả những nơi đất là một lớp tơi xốp. Các chứng tích khảo cổ không ủng hộ giả thuyết cho rằng nghề nông xuất phát từ ''những ốc đảo được tưới tiêu" nằm trong phạm vi những thung lũng lưu vực khô cằn có mặt ở cả Cựu lục địa và Tân thế giới. Con người không thể canh tác trên những cánh đồng cỏ khi chưa sở hữu và chưa biết sử dụng những loại cày bừa thích hợp. Ngay cả những người khai hoang của thời đại chúng ta cũng tránh né những cánh đồng cỏ rậm rịt, cho đến khi phát minh được các loại cày phá cỏ chuyên dụng (cũng cách nay không bao lâu). Những vùng đất sản xuất ngũ cốc tốt nhất trên thế giới là những cánh đồng cỏ thảo nguyên của Mỹ và Nga, và sở dĩ chúng được như vậy là do những điều kiện tối tân và hiện đại trong ngành nông nghiệp của hai nước này. Những cánh rừng mưa nhiệt đới co thể phù hợp với nghề nông của những con người sơ khai, nhưng lại không dẫn đến những nỗ lực thuần hóa các loại thực vật hoặc cây trồng. Các chứng tích khảo cổ và những thực tế sinh học không cho thấy có việc thuần hóa các loại thực vật rừng.
Khai hoang rừng để canh tác là một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức và rõ ràng không phải là loại công việc dành cho những người làm biếng. Tuy nhiên, đối với những bộ tộc không bị thời gian thúc ép và chỉ với những dụng cụ thô sơ, việc khai hoang được họ thực hiện một cách hữu hiệu bằng ''phương pháp cắt rạch và đốt''. Từng cây một bị lột vỏ, một vòng tròn quanh thân các đến lớp phát sinh gỗ. Tiếp theo là cây sẽ chết. Những cây chết sẽ bị đốt hoặc cứ để đứng như vậy. Các cành cây trụi lá không còn phủ bóng lên mặt đất nữa. Các nền đất được dọn dẹp sạch cỏ của khu rừng nguyên sinh là những lớp đất mùn màu mỡ đầy chất dinh dưỡng, và những người làm nông chỉ còn công việc đơn giản là trồng trọt giữa và quanh những gốc cây chết. Những gốc cây chỉ thực sự gây trở ngại cho những nông dân, khi họ tiến lên trình độ biết sử dụng cày bừa.
Việc canh tác loài lúa khô ở đảo Borneo, được người Siang Dyak áp dụng ở Trung Borneo và cũng là những phương pháp điển hình của hình thức canh tác loại lúa khô. Mỗi người lựa chọn một sườn đồi để phát quang và trồng trọt. Nếu là một sườn đồi mới, người nông dân sẽ phải dần chặt bỏ cây cối từ thấp lên cao, những cây ở phía trên cao sẽ bị kéo ngã đổ theo khi bị va chạm với những cây bị hạ ở phía dưới thấp hơn. Tất cả đều được tỉa cành, cắt thành từng đoạn ngắn, phơi khô và sau vài tuần là đốt bỏ. Trong tất cả các công đoạn này, anh ta thường được những người láng giềng giúp sức, và sau đó sẽ đến lượt anh ta sẽ giúp đỡ lại họ. Những người cùng làm việc chung như vậy thường chia sẻ chung với nhau vài ly rượu gạo vào giờ ăn trưa, hoặc khi hoàn thành một công đoạn nào đó của công việc chung.
Người ta dùng những cây gậy nhọn đầu để xăm những cái lỗ trên mặt đất và gieo vào đó vài ba hạt giống. Thỉnh thoảng cũng phải làm cỏ, nhưng đây quả là công việc cực nhọc và buồn nản, vì vậy sau hai hay ba năm canh tác những người nông dân thời sơ khai này thường thích chuyển qua khai hoang một cánh đồng mới. Ở Borneo, nền văn hóa hãy còn rất sơ khai và những cộng đồng dân cư cũng rất nhỏ bé, cho nên đất vẫn đủ và thích hợp với cách thức canh tác và sử dụng đất đai này.
Việc canh tác cây bắp của người Maya. Những nền văn hóa phát triển cao và rực rỡ cũng không chắc đem lại sự đảm bảo an toàn về lương thực cho những quần thể dân cư lớn. Hệ thống canh tác theo nương rẫy (milpa system) của người Maya hiện nay vẫn còn tồn tại về cơ bản cũng giống như hệ thống ku, kaingin hoặc jhum của người dân đảo Borneo. Trong tác phẩm ''Nền văn minh của người Maya'', J.R. Thompson đã ghi nhận như sau:
Hệ thống nông nghiệp của người Maya rất sơ khai. Đất canh tác thường do đốt phá rừng và cũng khô cằn. Sau những cơn mưa đầu mùa, những người gieo hạt, với một cây gậy nhọn đầu và một bị hạt giống, đi ngang rồi đi dọc trên cánh đồng, xăm từng cái lỗ theo từng bước chân và thảy vào đó những hạt bắp giống... Cánh đồng cũng bị bỏ hoang khi kết thúc vụ mùa, và năm tới người ta lại tìm đến một mảnh đất mới để tiếp tục khai hoang và gieo trồng. Cùng với tình trạng gia tăng đột biến dân số, tình hình chắc chắn đã xảy ra là - người Maya càng ngày càng phải đi xa hơn để tìm kiếm những cánh đồng nguyên sinh khác. Những cánh đồng đã bị cạn kiệt ở gần nơi sinh sống hơn cũng được gieo cấy trở lại sau những chu kỳ hồi phục càng lúc càng ngắn dần. Trong những thời kỳ mà sản lượng lương thực sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khu vực và phải đối diện với nạn di cư và nạn đói, con người thường phải quay trở lại những cánh đồng cũ.
Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ đề cập đến một trong các giả thuyết giải thích về sự suy tàn và tình trạng hoang phế của những trung tâm thị tứ thuộc Đế quốc Maya cũ (từ năm 32 đến năm 890, sau Công nguyên). Morle cho rằng phương pháp canh tác rạch cắt và đốt phá quá đáng của những người Maya cổ xưa đã dẫn đến hậu quả là sự bành trướng và xâm lấn của những cánh đồng cỏ, biến những khu rừng mưa nhiệt đới phía Nam Yucatan thành những thảo nguyên bất trị và toàn cỏ. Chỉ với những loại dụng cụ đào lỗ tra hạt thô sơ, người Maya để không thể làm gì với những lớp cỏ và họ nghĩ đó cũng là hậu quả tự nhiên từ những nô lực của họ, và sau cùng họ buộc phải rời bỏ thành phố của mình. Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại của Thompson căn cứ trên một số yếu tố trực tiếp thay vì xem xét hậu quả về mặt thổ nhưỡng và thảm thực vật của phương pháp canh tác bằng nương rẫy. Những thành phố cổ của người Maya không phải là những trung tâm thị tứ đông đúc dân cư mà là những trung tâm tôn giáo và pháp luật, được chu cấp và nuôi sống bởi những nông trại nương rẫy bố trí cách xa hàng dặm và phân tán chung quanh, chứ không tập trung bên trong những bức tường thành lũy như ở châu Âu. Một khuôn mẫu như thế này luôn đòi hỏi kèm theo trạng thái bình yên của xã hội. Và có thể những xáo trộn do chiến tranh gây ra sự mất quân bình trong xã hội vào khoảng năm 900 sau Công nguyên đã đưa đến tình trạng hoang phế của các trung tâm thị tứ phía Nam Yucatan. Dù cho giải thích theo cách nào thì những nền văn hóa dù phát triển cao vẫn ở trong tình trạng bất ổn, nếu cơ sở của nền nông nghiệp là hệ thống canh tác bằng phương pháp chặt phá và đốt bỏ.
Nền nông nghiệp lúa nước. Việc làm thủy lợi và tưới tiêu lúa nước có lẽ đã phát triển ở Ấn Độ vào khoảng ba ngàn năm trước hoặc lâu hơn nữa, và từ đó lan truyền qua Trung Hoa, Đông Nam Á, và phía Tây Indonesia. Trước khi lúa nước xâm nhập vào Indonesia thì các loại khoai lang, khoai sọ, kê là những lương thực chủ yếu của khu vực này. Ở những đảo trung tâm Indonesia (phía đông đảo Lesser Sundas và phía nam đảo Moluccas), cây bắp được đưa vào những thời kỳ sau khi Columbus phát hiện ra Tân Thế Giới, đã thay thế lúa nước trong vai trò lương thực chủ lực, nhưng trong những khu vực Cực Đông - nơi mà người Indonesia pha trộn với người Melanesia thì cây cọ sago lại nắm giữ vai trò thượng phong (cây sago - một loại cây cọ, vỏ xốp của loại cây này cho một loại bột dùng để làm bánh pu-đing, hoặc được chế biến thành dạng những viên bột màu trắng, có thể ăn ngay không cần chế biến - ND).
Việc canh tác lúa nước đòi hỏi phải kiểm soát được nguồn nước cũng như hệ thống tưới tiêu, những công việc cần và đòi hỏi sự kết hợp giữa toàn thể quần thể dân cư và xã hội. Việc xây dựng và duy trì những hệ thống này là rất nặng nề. Một số khu vực đông dân cư nhất thế giới là những khu vực phương Đông với những xã - hội - lúa - nước.
Việc tổ chức kinh tế của những nền văn hóa thủy lợi là quá phức tạp mà chúng ta chưa tiện phân tích ở đây. Barton đã cho chúng ta một công trình nghiên cứu rất hữu ích về người Ifugao của nước Philippines, và qua đó chúng ta có thể liên tưởng đến, hoặc cũng như Linton đã công bố những điều chỉnh vật chất cụ thể mà xã hội buộc phải chấp nhận, khi chuyển đổi từ một nền văn hóa lúa khô sơ khai qua những kỹ thuật canh tác lúa nước, như trường hợp của quốc đảo Madagascar.
Nền nông nghiệp rừng: phức hợp cây sắn. Việ c người thổ dân vùng Amazon sử dụng sắn làm thức ăn cơ bản cho thấy một hành vi thật sự khôn khéo và tài tình của con người để thích nghi với môi trường sống. Loại sắn ngọt, mọc hoang có sản lượng tương đối kém. Những loại sắn được thuần hóa cho sản lượng lớn hơn nhưng lại chứa nhiều acid prussic, rất độc. Vì vậy, phải qua một quá trình tinh lọc khá phức tạp để biến những củ sắn thành tinh bột hay các loại bánh mì có thể ăn được. Các củ sắn sau khi được đào lên, được xắt thành lát và cho lên men để giải phóng một phần các độc tố. Kế tiếp là giai đoạn nghiền và ép hay phơi khô. Cuối cùng là công đoạn xay thành bột và sấy để loại bỏ hoàn toàn những độc tố còn lại. Bấy giờ, người ta mới có thể có được loại bánh mì sắn an toàn.
Ở miền Trung Brazil, người Kuikuru đã phát triển và canh tác mười một loại sắn khác nhau, tất cả đều có độc tố. Tuy nhiên, theo đánh giá của Robert Carneiro, người đã có những phân tích rất sâu sắc về hệ thống canh tác và ẩm thực này thì sắn chiếm tỉ lệ từ 80 đến 85% trong thực đơn dinh dưỡng của người Kuikuru. Như chúng ta đã từng đề cập, những khu rừng mưa rõ ràng rất thích hợp với nghề nông. Trước năm 1900, con người ở đây vẫn còn dùng các loại rìu đá và hàm của cá hổ (piranha) để chặt và đốn hạ cây cối Thời đó, họ đã sử dụng và mua bán trao đổi qua lại các loại rìu tân tiến hơn, các loại dao rựa hoặc các loại mác. Mặc dù sau nửa năm là có thể thu hoạch, nhưng các loại cây sắn có thể được cho tăng trưởng trong một năm rưỡi để đạt đến sản lượng thu hoạch tối đa. Từ những làng mạc cố định của mình, người Kuikuru chỉ canh tác khoảng 95 trong số 13.500 mẫu rừng mưa chung quanh. Hàng ngày, những người đàn ông chỉ bỏ ra khoảng hai giờ cho việc đồng áng và độ một giờ rưỡi cho việc câu, đánh bắt cá. Thời gian từ 10 đến 12 tiếng còn lại là dành cho việc nhảy múa, đánh vật, tha thẩn, hoặc các trò tiêu khiển khác. Không có áp lực về dân số và cũng chẳng có lý do cấp thiết nào để cày sâu cuốc bẫm hơn nữa. Carneiro nhấn mạnh rằng đơn thuần khả năng sản xuất lương thực thặng dư không đủ đóng vai trò động cơ thúc đẩy những hoạt động sản xuất và những phát kiến mới mẽ trên những lãnh vực khác của nền văn hóa, cũng như sự bành trướng các phạm vi và tính phức tạp của phức hợp văn hóa này.
Ở một mức độ thực tế cao hơn, những thủ thuật trong nghề săn bắn và những kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp lại pha trộn, đan xen với nhau thành những phức hợp có tính tâm linh thần bí hay nặng về tín ngưỡng. Nghề nông so với nghề săn bắn đã tiết kiệm thời gian, công sức và cung cấp cho con người một sản lượng lương thực lớn hơn, nhưng đồng thời cũng dẫn đến tình trạng gia tăng dân số với những hậu quả trực tiếp. (1) Cơ may thành công trong việc thu hoạch lương thực lớn hơn và (2) những điều siêu tự nhiên được tô vẽ, thêm mắm dặm muối thành sự trợ giúp siêu nhiên đảm bảo sự thành công của vụ mùa. Trong những xã hội đó, thầy cúng hoặc pháp sư đã một thời thống trị và hiện nay các chuyên viên của Tổ chức lương nông Liên hiệp quốc vẫn đang phải ''đánh vật'' với vấn đề làm thế nào để tăng trưởng sản xuất lương thực cho nhân loại một cách tốt nhất.
Nghề Chăn nuôi
Tất cả mọi người làm nghề nông đều nuôi một vài loài súc vật nào đó, có thể họ dùng chúng để ăn thịt hoặc không. Thực ra, việc những ông chủ trang trại thuở sơ khai không ăn thịt những loài vật nuôi là thực tế thông thường và Lowie đã nhận xét như sau: ''Những nguyên nhân chính không phải là những nguyên nhân thiết thực''. Do những nguyên nhân về tình cảm hay tinh thần, những con vật đã được thuần hóa thường được xem hoặc là thú không hoặc là loài vật linh thiêng. Tuy nhiên, trong một vài xã hội nào đó các loài như heo, dê và chó dù được kiêng cử không ăn thịt, cũng không hoàn toàn không có ích lợi về mặt kinh tế như người ta thường lầm tưởng. Chẳng hạn như Hambly đã ghi nhận về loài dê ở Phi châu như sau: “dê là loài có mặt và cũng hầu như chẳng được ngó ngàng gì đến ở châu Phi, người ta chẳng dùng chúng để vắt sữa hay ăn thịt. Chúng tự tìm thức ăn, và là loài ăn tạp - ăn được hầu hết bất kỳ loại thực vật rau lá mà chúng tìm thấy, người ta chẳng tốn kém gì khi nuôi loài nầy”. Hambly đã quên không nhấn mạnh tính ăn tạp của loài dê, dê thực sự là “kẻ dọn dẹp và tiêu thụ các loại rác rưởi”. Loài heo và chó cũng vậy, và Ashley và Montagu cho rằng cũng vì lý do thực tế này mà loài người đã thuần hóa và nuôi dưỡng loài chó từ Thời đại đồ đá mới.
Về thực tế những người sơ khai nhất không biết hoặc không quen với việc nuôi khoảng nửa tá gia súc (như chúng ta hiện nay), dường như đã dẫn Lowie đến kết luận sau:
Những lợi ích thiết thực và thông thường mà các gia súc có thể mang lại là: (1) thịt và máu dùng làm thức ăn; (2) da với nhiều công dụng khác nhau; (3) lông dùng trong việc dệt may các loại len hay nỉ; (4) sản xuất bơ hay sữa; (5) chuyên chở và kéo những vật cồng kềnh, nặng; (6) dùng để cưỡi.
Người Trung Hoa không vắt sữa gia súc và họ không ăn những sản phẩm dạng bơ sữa hay phó mát (mặc dù họ không phản đối việc dùng thịt bò làm thức ăn). Người Đông Phi xem bò cái là loài vật linh thiêng, đặc biệt là những con bò rừng và cũng theo đó rất kiêng kị sữa bò. Người Phi châu, vì những thiên kiến có sẵn với sữa bò nên hầu như không biết cách làm pho mát và cũng ít khi ăn bơ, họ chỉ dùng bơ như các loại dầu bôi trên tóc hay trên cơ thể. Họ chỉ ăn thịt bò trong những dịp hiếm hoi và đặc biệt. Phụ nữ có thể vất vả mang vác nặng nhọc, trong khi đó súc vật lại không được sử dụng để chuyên chở hay kéo những vật dụng nặng. Người dân bản địa những khu vực Đông Phi phía Nam Abyssinia hoàn toàn không biết sử dụng súc vật để cưỡi hay di chuyển. Vì vậy, cùng với tục tôn sùng bò cái là một đặc tính nổ trội của các nền văn hóa Đông Phi, công suất sử dụng loài bò ở đây còn rất thấp so với tất cả tiềm năng mà loài gia súc này có thể mang lại.
Trường hợp sử dụng ngựa trong xã hội chúng ta là một tình trạng trái ngược hẳn với thực tế trên. Chúng ta dùng ngựa để cưỡi, thồ chở vật dụng, nhưng chúng ta cũng nuôi dưỡng và chăm sóc chúng. Chúng ta không ăn thịt hay vắt sữa ngựa. Năm 1943, thị trưởng thành phố New York đã tuyên bố rằng ''ăn thịt ngựa là vô đạo đức và thiếu văn minh và với những nguyên tắc đạo đức có phần hơi hẹp hòi và cực đoan này, ông ta đã ra lệnh cấm bán thịt ngựa dù đó chỉ là một biện pháp tạm thời để giảm nhẹ tình trạng khan hiếm thịt trong thời gian chiến tranh.
Chăn nuôi thực ra là một sự điều chỉnh những yếu tố sinh thái của những người sơ khai đã phần nào tiến xa trong nấc thang tiến hóa của loài người. Những cư dân của rừng rậm không thể trở thành những người chăn nuôi, cũng như những người sống trong sa mạc hay đồng cỏ khó lòng trở thành những người làm nông. Con người luôn cố gắng hòa nhập vào những khu vực có thể ở và sinh sống được trên địa cầu. Trong những khu vực đồng cỏ và thảo nguyên và với trình độ kinh tế phát triển thấp, con người chỉ có thể là những người săn bắn và tập trung tìm kiếm thức ăn. Tiến lên trình độ cao hơn, họ trở thành những người chăn nuôi. Và cũng chỉ đến khi nền văn minh tiến đến việc phát minh và sử dụng các loại cày, những người nông dân mới có khả năng sống và thích nghi với những vùng bán sơn địa khô cằn.
Nghề chăn nuôi ở châu Phi. Chăn nuôi là một phức hợp kinh tế nổi bật của châu Á và châu Phi. Nghề chăn nuôi bao trùm toàn bộ sa mạc Sahara và khu vực phía đông các nước Ả - Rập, tập trung vào hai loài lạc đà và ngựa. Miền Bắc Sudan và hầu hết khu vực Đông Phi ngành chăn nuôi lại kết hợp với nền văn hóa cày cuốc, trong khi đó ở cực Nam người Hottentot và người Herero chỉ số nhờ cậy vào đàn gia súc. Những đại thảo nguyên của châu Á kéo dài từ các bờ phía Đông biển Caspian đến tận những vùng biên giới Trung Quốc, từ dã Himalaya kéo lên những vùng địa cực mênh mông là môi trường thuận tiện của những dân tộc chuyên về chăn nuôi như Kazak, Tartar, Altai, Kalmuck, và Mông Cổ.
Ở Ấn Độ, bò cái là loài vật thiêng liêng, nhưng ở Đông Phi loài vật này là trái tim và cốt lõi của cuộc sống. Gia súc không tượng trưng cho tài sản, chúng chính là tài sản. Elizabeth Marshal Thomas đã viết về xã hội người Dodoth của Đông Phi - đàn ông là những người chăn nuôi và đàn bà chuyên canh tác cây kê - như sau:
Đối với người Dodoth, gia súc chính là mạch máu của cuộc sống. Chúng không chỉ là tài sản mà còn là nền tảng của nền kinh tế và của sự ổn định xã hội, là nguồn gốc của tất cả những ràng buộc giữa con người với con người... Họ vắt sữa bò cái, uống sữa hàng ngày, khuấy sữa lên thành bơ, pha chế sữa với nước đái bò thành phó mát mặn. Bò đực thì trích huyết... Họ uống huyết sống sau khi dùng tay khuấy tan những cục huyết bầm, hoặc trộn với bột kê xanh và nấu thành loại bánh tráng miệng pudding vừa ngon vừa bổ dưỡng. Da bò dùng làm chăn, chiếu hay quần áo. Phân dùng chăm bón cây cối. Nước tiểu được xem là chất vô trùng dùng để rửa tay, lau chùi dụng cụ, thuộc da, trộn với sữa để làm bánh,... Miếng ăn đầu đời của một đứa bé khi mới lọt lòng là một giọt bơ. Bởi từ đó, đứa bé sẽ luôn quây quần với đàn gia súc; cả ngày lẫn đêm mũi luôn ngập tràn hương vị gia súc, tai luôn ngân vang những âm thanh sống động của gia súc; và khi chết, nếu chết tại nhà, thân xác sẽ được quấn trong một lớp da bò, chôn trong lớp đất mềm mại của bãi chăn nuôi.
Đoạn văn trên chỉ chuyển tải một phần nhỏ ý nghĩa của gia súc đối với người chăn nuôi châu Phi, nhưng cũng đã lột tả được cái tình cảm và cảm xúc mãnh liệt của con người đối với đàn gia súc, mặc dù được viết bởi một “người ngoại đạo”, người không thể có những xúc cảm thật sự như những người chăn nuôi Phi châu kia. Một sự phức tạp khác: việc trao đổi gia súc trong các cuộc hôn lễ sẽ được chúng ta đề cập đến ở trang 443 và 444 trong một thí dụ về bộ lạc người Nuer.
Việc di chuyển gia súc lên các vùng cao. Mưa cũng gây nên sự thay đổi thời tiết theo từng mùa và buộc những người chăn nuôi gia súc cứ nửa năm phải di chuyển đàn gia súc lên các vùng cao. P.H. Gulliver mô tả hoạt động này của bộ lạc Jie, láng giềng của người Dodoth như sau:
Chu kỳ của hoạt động chăn nuôi có thể tóm tắt như sau: vào giữa mùa mưa, các cụm trại chăn nuôi được dựng trong những khu vực phía Đông, thời điểm đó ở các nơi này những lớp cỏ mới đã mọc xanh tươi trở lại và nước cũng tràn đầy trong các ao hồ hay các dòng suối. Lều trại dựng rải rác khắp khu vực. Đây là thời điểm đàn bò căng đầy sữa và sản lượng sữa cung cấp đang ở đỉnh cao nhất. Khi mùa khô hạn bắt đầu, nguồn nước và cỏ cũng nhanh chóng cạn kiệt, các lều trại được dỡ ra và di chuyển về hướng Tây. Không phải các lều trại đều di chuyển cùng một lúc với nhau, thời điểm và hướng di chuyển là trách nhiệm hoàn toàn của từng chủ trại chăn nuôi, tùy theo sự lượng định tình hình của riêng từng người. Ban đầu, những nguồn nước khu vực phía Tây còn đầy đủ để cho phép dựng nên các cụm lều trại rải rác khắp khu vực, nhưng khi các cơn mưa giảm dần, các nguồn nước cũng trở nên khô cạn và các trại buộc phải đổ dồn về một trong khoảng nửa tá địa điểm luôn luôn có nước, cho đến hết thời gian còn lại của mùa. Việc chọn lựa địa điểm có nguồn nước thường trực là vấn đề mà các ông chủ đàn gia súc phải quyết định, và họ thường có khuynh hướng chọn những địa điểm gần như giống nhau hoặc gần địa điểm các năm trước. Tuy nhiên, nếu địa điểm đó đã trở nên quá đông đúc hay vì những lý do riêng tư nào đó, họ cũng có thể quyết định thay đổi, chuyển qua một địa điểm khác. Khi mùa mưa năm sau bắt đầu trở lại, các đồng cỏ đã xanh tươi và nguồn nước dồi dào trở lại, các lều trại lại mọc lên khắp những khu vực phía Đông. Và tiếp theo lại là những cuộc di chuyển ngược về phía Tây khi những cơn mưa ít dần đi.
Ở Tân Thế Giới, người Navaho chỉ trở thành những người biết chăn nuôi thực sự trong thời cận đại khi họ đã quen thuộc với loài cừu của người Tây Ban Nha. Vào thế kỷ mười chín, trong những vùng bình nguyên phía Nam, người Comanche đã tiến đến tình trạng biết chăn nuôi, nhưng không phải là những người chăn nuôi chuyên nghiệp. Những đàn ngựa đông hàng ngàn con, nhưng thỉnh thoảng mới bị giết để lấy thịt, và không bao giờ bị vắt sữa. Họ hầu. như chỉ dùng ngựa để cưỡi và trao đổi, mua bán và là biểu tượng đầy uy thế của sự chiến thắng và thành công trong các cuộc chiến. Người và con ngựa yêu quí của họ được đồng hóa với nhau, vì vậy giết một con vật như vậy cũng có nghĩa là sát nhân. Người giết ngựa sẽ bị giết để báo thù, giống như người ta báo thù cho cái chết của một người anh em vậy.