Công cụ bằng gỗ
Trong Chương 10, chúng ta đã xác định được rằng con người thời đồ đá cũ dùng cả gỗ và đá để làm ra các loại đồ tạo tác. Việc xác định này căn cứ vào sự suy luận từ các nền văn hóa sơ khai gần đây hơn là từ các bằng chứng trực tiếp của ngành khảo cổ học. Gỗ thì dễ hư hỏng, nhưng người nguyên thủy thường dùng gỗ. Người Eskimo ít dùng gỗ hơn những dân tộc khác, lý do chỉ đơn giản là tại những khu vực địa cực các loài thực vật không thể sinh trưởng được. Người da đỏ miền Duyên hải Tây Bắc rất khéo léo trong việc sử dụng loại gỗ tuyết tùng, vốn dễ chế biến và từ đó đã phát kiến vô vàn công dụng của các loại gỗ khác. Danh mục các phát minh về gỗ của miền Duyên hải Tây Bắc bao gồm các loại nhà làm bằng gỗ xẻ, các cột totem, cán rìu, thuyền canh, bơi chèo, chày vồ, cung, tên, mũ và áo giáp, chén, bát, thìa muỗng, rương hòm, trống lắc, gậy, và mặt nạ chạm trổ sơn phết đủ hình dạng.
Người Da Đỏ sống trong rừng miền Đông thích dùng vỏ cây phong làm thuyền, canô, rương hòm, và làm nhà. Người da đỏ Pueblo không mấy khi dùng gỗ, vì họ rất giỏi nghề làm đồ gốm, thích đồ dùng làm bằng đất sét, và nhà ở bằng đá và gạch không nung. Các bộ lạc vùng nhiệt đới châu Phi, châu Đại Dương, và Nam Mỹ, sinh sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới có rất nhiều gỗ cho nên chỉ dùng gỗ thôi. Cái chày vồ bằng gỗ của người Polynesian là một biến thể từ chiếc dùi cui của những cư dân hang động.
Cái khoan
Một công dụng thông dụng, chính yếu và không thể bỏ qua của gỗ là việc tạo ra lửa. Gỗ đã được dùng rộng rãi như lột phương tiện tạo lửa ở khắp nơi trên thế giới. Bằng cách dùi một lỗ trên cây gỗ và đặt bùi nhùi khô vào đó, sự ma sát sẽ tạo ra đủ nhiệt để phát ra lửa. Người ta vận dụng đủ cách, dùi bằng tay, kéo bằng dây da, bằng cung, hay dùng phương pháp bơm. Dùi cây gỗ để ấy lửa là biện pháp đơn giản, nhưng không hiệu quá lắm. "Phương pháp cây gậy và đường rãnh'' theo như Tylor đặt tên, là cách dùng một mảnh ván có đường rãnh ở giữa đặt nằm trên mặt đất và một cây gậy có đầu tà. Bằng cách chà xát đầu gậy lui tới trên đường rãnh của mảnh ván với một sức ép mạnh, nhiệt phát ra do sự ma sát sẽ bén lửa - cách này được dùng chủ yếu ở Polynesia. Ở Indonesia, người ta thích dùng một dạng khác là cưa lửa hơn. Theo phương pháp này, người ta cưa một khúc tre thật nhanh, mùn cưa sẽ bắt lửa.
Từ thời đại đồ đá mới, những con người sơ khai nhất đã biết cách khoan vào các loại đá cứng. Những chiếc khoan chỉ là các que gậy hoặc ống bằng gỗ được vò giữa hai bàn tay hoặc bằng phương tiện cơ học nào đó. Cát ướt có tác dụng cắt. Nhưng hãy nghĩ xem phải cần đến bao nhiêu que gỗ để khoan được 2-inches (5 cm) vào đá ba-dan? Mặc dù việc vò chiếc cần mang mũi khoan giữa hai bàn tay rõ ràng là kỹ thuật khoan cổ xưa và sơ khai nhất, nhưng có thể con người thời đại đồ đá mới đã nghĩ ra cách kéo mũi khoan bằng một cái cung, vì thời ấy họ đã có cung tên rồi. Vào các thời Hậu kỳ đồ đá mới về sau, họ cũng đã sản xuất được những lưỡi rìu đá mài với các lỗ khoan có tra cán. Tuy nhiên, vào các thời kỳ hiện đại, việc khoan bằng tay được phổ biến rộng rãi hơn khoan bằng cách sử dụng các cánh cung, nhất là với những dân tộc đã biết sử dụng cung tên; vì thế không nhất thiết hình thức này tự động dẫn tới hình thức kia. Cái mẹo trong việc khoan bằng cung, như bất cứ một hướng đạo sinh nào đã qua một cuộc thử thách làm ra lửa bằng cách khoan ma sát cũng biết, là quấn một vòng dây cung qua cần khoan, một tay nắm chặt mấu giữ đầu trên của cần khoan, tay kia kéo cần cung tới lui như người ta chơi đàn xen-lô. Người Eskimo ngậm mấu giữ cần khoan trong miệng thay vì cầm bằng tay, và dùng một sợi dây da để kéo cần khoan theo nguyên tắc như cây cung, nhưng không có cánh cung. Hai tay người khoan cầm hai đầu sợi dây da kéo qua kéo lại. Cách cải biến hay nhất là cái khoan bơm. Bằng cách quấn vòng dây vào cần khoan rồi ấn thanh ngang xuống, tức quay tròn tác động vào khoan. Quán tính tạo ra do bánh tròn bằng đá hoặc bằng gốm tự động quấn vòng dây trở lại. Một cái nhấn khác sẽ giữ cho cần khoan tiếp tục quay.