Lý thuyết Morgan về nhà ở và tổ chức xã hội
Quan hệ khăng khít và tế nhị giữa kiểu dáng nhà ở và sự biểu thị chức năng trong hành vi cá nhân, gia đình, thân tộc, cùng những phương diện tổng quát khác của xã hội và các cơ chế về kinh tế đã không được đếm xỉa đến trong các tác phẩm văn chương của ngành nhân chủng học và xã hội học. Hầu như suốt một thế kỷ qua, Lewis Henry Morgan đã đi tiên phong trong một công trình nghiên cứu về quan hệ giữa hình thức nhà ở và cuộc sống xã hội. Bằng một sự cảm nhận sâu sắc ông đã thấy được những mối quan hệ mật thiết đó, nhưng công trình của ông đã bị các định kiến của chính ông làm cho sai lạc. Nghiên cứu của ông về kiểu thức nhà ở và đời sống trong nhà đã bị lèo lái cho phù hợp với những giả định có sẵn, như kiểu gọt chân cho vừa giầy. Các giả định đó là: (1) Tộc họ (thị tộc) là một đơn vị của tổ chức xã hội và nhà nước, nền tảng căn bản của xã hội cổ xưa. (2) Do lòng hiếu khách sẵn sàng chia sẻ thức ăn và nhà ở là tính cách rất phổ biến trong cộng đồng người da đỏ ở Mỹ, cho nên từ đó dẫn đến qui luật mến khách áp dụng vào việc ăn ở chung thành từng đại gia đình. (3) “Những điều này và nhiều thực tế khác nữa của điều kiện xã hội đã khiến họ thể hiện chính mình trong kiến trúc”. Từ những tiền đề này Morgan đã nỗ lực chứng minh rằng nhà ở của người Iroquois, tức người da đỏ Pueblo, và của các bộ lạc ở vùng Tây Bắc là những biểu hiện của tính cộng đồng sơ khai. Những người Ojibwas mang nặng tính cá nhân sống riêng biệt mỗi nhà một gia đình nhỏ quả đã làm cho ông khá lúng túng. Rõ ràng là trong thế kỷ 19 người Ojibwas không hề có lối sống tập trung cộng đồng, nhưng Morgan cho rằng trong các thời đại xa xưa họ đã có lối sống như thế.
Nói tóm lại, Morgan có nắm bắt được một số điểm đúng nhưng cũng có không ít điểm sai lầm. Tổ chức xã hội và loại hình nhà ở có quan hệ với nhau. Việc coi trọng quan hệ thân tộc đưa đến khuynh hướng tập hợp những người thân thích sống chung dưới một mái nhà. Tuy vậy, đây không nhất thiết là một đơn vị mang tính cộng đồng. Có thể chỉ là một hộ chung sống với nhau thôi. Và thị tộc, như sau đây chúng ta sẽ thấy (Chương 24), không phải là đặc tính của những mức độ sơ khai hơn của xã hội loài người.
Sau đó ít lâu, Wilhelm Wundt đưa ra một thuyết khác về ảnh hưởng của loại hình nhà ở tác động lên các mô thức xã hội. Ông nhận xét rằng, một gia đình nhỏ (chỉ gồm vợ chồng và các con) cư ngụ trong một cái hang nhỏ hẹp phải sinh ra những thái độ và hành vi mang tính phân cách về mặt xã hội. Mặt khác, nhiều gia đình cư ngụ chung trong cùng một cái hang lớn sẽ có khuynh hướng tập hợp như một loại hình cộng đồng của tổ chức xã hội. Wundt cho rằng, kết quả từ mọi hình thức cư trú tiếp tục phản ánh sự tương phản căn bản giữa việc cư trú của đơn vị gia đình nhỏ và của tập hợp nhiều gia đình. Đối với Wundt, cuộc sống trong hang để lại ấn tượng không thể xóa nhòa được trên lịch sử xã hội, nhưng một sự tái tạo mang tính ước đoán như thế về tâm lý học thời tiền sử là không phù hợp với ngành nhân chủng học hiện đại.
Hang động
Hang động đã là nơi trú ngụ của con người từ sơ kỳ của thống Pleistocene. Nếu không quá ẩm thấp, chúng là chỗ nơi con người tránh thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, và sự dòm ngó của kẻ thù. Các nhà khảo cổ học không ngớt thăm dò, thám hiểm các hang động để tìm kiếm những dấu tích về con người thời cổ, khả năng phát hiện các di vật của con người trong các hang động là rất lớn. Không có bằng chứng nào cho thấy con người cổ xưa mang chứng bệnh sợ chỗ đông người, mà cũng chẳng có bằng chứng cụ thể nào hỗ trợ cho quan điểm của ngành phân tâm học cho rằng tổ tiên cổ xưa nhất của nhân loại thích ở trong hang, vì với sự kín đáo và tăm tối của các hang động yên ổn này, những con người hoang sơ đã tiếp tục duy trì được trong tiềm thức cái cảm giác không thể xóa bỏ được về sự an toàn mà con người đã có được trong lòng mẹ từ khi chưa ra đời. Bởi vì, thật ra, khi còn trong bụng mẹ, thai nhi không cảm nhận được môi trường nào khác ngoài cái môi trường hoàn hảo mà nó đang phát triển. Nếu hang động là sự điều chỉnh tốt cho các nhu cầu tâm lý mà con người nguyên thủy có thể tìm được, thì họ quả là những kẻ sống trong tâm trạng quá u sầu ảo não.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải mất công để thông cảm với họ. Mặc dù hang động đã cung cấp cho con người nơi cư trú tốt (và nếu có ai trong chúng ta thích sống trong các hang động tốt và sâu thì việc đó cũng có thể tái diễn), nhưng số lượng các hang động thì ít, mà dân số quá đông. Không bao giờ có đủ số hang động cho con người vào ở. Hơn nữa, việc ở hang cũng có những điều bất lợi rất lớn như ở trong những loại ấp trại. Có thể họ đã cảm thấy không thuận tiện khi cần lấy nước sinh hoạt hay chơi bời giải trí. Họ đã không đi lại được một cách tự do thoải mái, và kết cục là con người đã chuyển qua chọn các khuynh hướng sống du mục, là đặc tính của những người săn bắt và hái lượm. Hang động luôn luôn là những nơi không được sạch sẽ lành mạnh. Rác rưởi tích tụ, ẩm ướt thường xuyên, con người luôn phải đối mặt với chứng bệnh viêm và thấp khớp.
Ngay từ thời đồ đá cũ con người đã chọn nơi dựng trại ngoài trời, khi thời tiết thuận lợi, và nói chung, con người thích xây dựng cho mình những mái lều hay nhà ở, hơn là nằm cuộn mình trong những lỗ sâu dưới đất. Dù sao, các bà con họ hàng linh trưởng của chúng ta không thích ở trong hang. Mỗi cá thể trong số chúng đều ngủ ở chỗ cao cách xa mặt đất. Các loài dã nhân và đười ươi làm tổ trên mặt đất hoặc trên cây. Loài đười ươi làm tổ tốt nhất:
“Trước khi trời tối, con vật đứng thẳng người trên một chạc cây, một tay vịn giữ thăng bằng, tay kia gom các cành lá chung quanh lại, bẻ và bện quanh thân thể cho đến khi nó đứng giữa một vòng tròn bằng cành lá cao khoảng 45cm. Nó bẻ những cành lá nhỏ lót sàn cho chiếc tổ, sau đó tuốt lá cây làm đệm lót. Những chiếc lá này được nhét kín vào các kẽ hở. Cuối cùng, con đười ươi nằm xuống và bện những cành lá còn lại che lên phía trên mình như một mái vòm hoàn chỉnh”.
Các loại lều Che gió
Loài người không có các dạng nhà ở phổ biến chung, nhưng những ngôi nhà đơn sơ nhất của những người hái lượm thì không khác gì những chiếc tổ. Murdock mô tả những túp lều bình thường của người Tasmania như "những lều che gió sơ sài hình bán nguyệt, làm bằng những cành cây nhỏ hoặc những mảnh vỏ cây bện lại, và mặt khuất gió để trống.” Đây là một bản sao của túp lều che gió của người Shoshone dùng trong những cuộc di chuyển đây đó vào mùa hè. Thổ dân Patagonia túm tụm nhau trước những túp lều làm bằng da thú. Những ngôi nhà bằng cỏ hình tổ ong, gọi là wickiup, là dạng nhà ở cao cấp nhất mà người Shoshone có được để trú ngụ lâu dài.
Loại nhà wurley của người Arunta chẳng khác gì một chiếc lán sơ sài bằng cành lá xếp trên những cây đà nằm ngang được chống đỡ bằng những cái trụ cây chôn xuống đất cách nhau chừng 2 đến 3 mét. Trong những khu rừng rậm trên bán đảo Malay, người Pigmy da đen làm những chiếc lán bằng lá cọ xếp trên một cái sườn nhà rất giống kiểu nhà wurley. Còn chiếc lều của người Bushman ở châu Phi thì chỉ là một cái vòm nhẹ bằng cọng cây nhỏ lợp lá hoặc rơm, cao chưa tới 2 mét. (Hình 16.2)
Lều
Nhà cửa của những tộc người sơ khai nhất trong thời hiện đại vẫn không khác gì những chiếc tổ của những loài khỉ lớn. Chúng chẳng có giá trị gì và người ta sẵn sàng bỏ phế mà chẳng hề tiếc nuối cho nên cũng không được coi là tài sản thực sự. Tuy vậy, chúng vẫn là những nơi chốn dung thân. Các công trình bằng cây lá nhỏ bé này đã che mưa nắng cho phần lớn nhân loại trong các thời đại tiền -văn minh. Suốt những khu vực rộng lớn trong những khu rừng mưa nhiệt đới và những vùng rừng rú khác, nhà cửa hầu như đều làm bằng các loại cây gỗ, lợp lá. Chúng có thể có mái vòm hình bán cầu, như nhà wigwam bằng vỏ cây của người Ojibwa, hay túp lều của người Zulu và Hottentot ở Nam Phi, hoặc có hình chóp nón, chẳng hạn như kiểu nhà của người Shoshone ảnh hưởng từ kiểu nhà tipi của người da đỏ vùng Đại Bình Nguyên. Nhưng thông thường hơn hết, chúng có hình chữ nhật, cấu trúc đầu hồi được tạo thành bằng cách ghép hai mép lều lại với nhau, thành hình một loại lều trại. Tuy vậy, cấu trúc đầu hồi hầu như luôn luôn được nâng cao lên thành vách nhà. Bằng cách đơn giản như thế, thể tích bên trong, hay dung lượng không gian cư trú, được tăng lên mà không phải tốn thêm công sức. Dù vậy phần công sức bỏ thêm ra cũng khá lớn, cho nên ngoại trừ một số bộ lạc Mông Cổ, chỉ những người ở yên một chỗ lâu dài mới tạo nổi những ngôi nhà loại này. Điều này có nghĩa là những ngôi nhà như thế thường chỉ giới hạn trong số những người làm kính tế vườn, hoặc những người có thể trông cậy được nguồn cung cấp lương thực, chẳng hạn như nguồn cá có sẵn tại địa phương. Ở Indonesia với Melanesia, một lần nữa, ở Nam Mỹ, là loại nhà sàn để tránh côn trùng sâu bọ, nước lũ và sự ẩm thấp dai dẳng của mùa mưa cũng như để phòng chống cướp bóc (Hình 16.3). Trong những vùng duyên hải của các hòn đảo Melanesia, người ta thường xây dựng các loại nhà sàn trên vùng nước của các đầm phá, giống như những cư dân thời đồ đá mới sống trên các khu vực ao hồ ở Thụy Sĩ, xây cất nhà cửa ven bờ thủy phận Aipins - hạ.
Tường và mái của những ngôi nhà nguyên thủy được làm theo nhiều loại vật liệu khác nhau: băng tuyết, tranh lá, vỏ cây, thảm, da thú, nỉ dạ, bùn, gỗ, hoặc đá. Ở các vùng rừng núi nhiệt đới thì tranh lá và thảm là thông dụng hơn cả, nhưng ở Puget Sound người ta thường làm nhà bằng thảm để ở vào mùa hè. Ở vùng rừng (ôn đới) miền Đông, Bắc Mỹ, người ta ưa thích sử dụng các loại vỏ cây. Vào mùa hè, da thú lại thông dụng ở vùng Đại Bình Nguyên và trong cộng đồng cư dân Eskimo. Người Mông Cổ và những dân tộc liên quan đến văn hóa Á châu thì dùng nỉ cho mục đích giống như thảm hay da thú. Ở miền ôn đới hoặc miền cận Bắc cực, người ta làm nhà bằng đất bùn, khí hậu ở đây không có nhiều mưa để có thể biến những loại nhà này thành những vũng bùn quá nhanh (Hình 16.5).
Nhà làm bằng gỗ xẻ tập trung ở vùng duyên hải Tây Bắc của Bắc Mỹ và gần Siberia. Nhà bằng đá thì chỉ có những dân tộc cực kỳ thông minh tinh xảo thư người Maya, Aztecs, Inca v.v.. mới xây dựng nổi.
Nhà hang
Vì các lý do hiển nhiên, những kiến trúc bằng đá không hiện diện ở những vùng đất quá ẩm ướt. Loại nhà xây chìm một nửa trong đất có được hai cái lợi thế: (1) nhà dễ giữ ấm, và (2) có thể làm cho nhà rộng rãi mà không cần nâng tường cao lên. Lý do đầu tiên thuộc tác dụng về mặt chức năng, nhiều dân tộc sơ khai đã giải quyết được vấn đề độ cao của nhà ở khi họ bắt đầu xây cất nhà cao hơn mặt đất.
Những di chỉ các ngôi nhà cổ xưa nhất được biết có niên đại thuộc thời đại đồ đá giữa (khoảng 10 ngàn năm trước Công nguyên) tại Campigny ơ Pháp và một số nơi khác, là những hố nông mà chắc chắn ở phía trên là một công trình xây dựng nửa mái vòm.
Trong số những quần thể dân cư sơ khai của các thời kỳ gần đây, người ta nhận thấy vô số các dân tộc ở miền Tây của Bắc Mỹ và Bắc Á rất ưa thích xây cất loại nhà trên một hố chìm. Ngôi nhà trên hố chìm, theo sự miêu tả của Lewis và Clark, ngay phía dưới vùng Thung lũng sông Columbia, rất có thể là các loại nhà của người Campigny khoảng 14 ngàn năm trước.
Chúng chìm sâu xuống đất khoảng gần 2 mét, lợp bằng gỗ xẻ to và đắp lên trên một lớp đất dày hàng thước, có hình chóp nón. Lối đi xuống nhà là một chiếc thang thông qua một cái lỗ ở nóc nhà, nhằm hai mục đích, vừa là cửa ra vào, vừa là ống khói. Chúng tôi thấy căn nhà chỉ gồm một phòng hình tròn sáng sủa, đường kính khoảng gần 5 mét.
Một nhà du hành cũng mô tả với những lời gần đúng như thế về những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi của các bộ lạc Samoyed ở Siberia: "Họ sống trong những ngôi nhà nhỏ chìm một nửa dưới đất, với các phần trên hình tròn và không có cửa sổ. Ở giữa mái là một cái lỗ, khói và người trong nhà đều ra vào theo lối đó.
Ở đây chúng ta nhận thấy các đặc điểm văn hóa diễn ra song song trên hai châu lục riêng biệt. Dù vậy, trong trường hợp này, chúng không tiêu biểu cho những phát minh độc lập, vì sự phối hợp các dữ kiện bao hàm sự phân bố khảo cổ học và các chi tiết của cấu trúc cho thấy rõ dạng nhà ở này, vẫn thường được sử dụng ở Siberia vào Hậu kỳ Thống Pleistocene và vẫn duy trì mãi đến thế kỷ này trong những quần thể dân cư của văn hóa đánh bắt cá và định cư lâu dài trên vùng đất hoang vu lạnh lẽo đó, được những người di dân đầu tiên từ lục địa châu Á mang vào miền Tây của Bắc Mỹ rất sớm.
Làng người da đỏ: Sự phát triển của hình thức nhà cộng đồng
Từ ngôi nhà trên hố chìm đến những “building” căn hộ năm tầng của những người da đỏ Pueblo ở miền Tây Nam hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một khoảng cách thời gian trải dài qua một thiên niên kỷ.
Có ba khuôn mẫu văn hóa khảo các học thời tiền sử đã được phát hiện tại miền Tây Nam. Mẫu hình đầu tiên là Anasazi mà những người da đỏ Pueblo đang sinh sống hiện nay là một phần trong đó. Do sự phân định địa lý trên các vùng cao nguyên của bắc Carolina và New Mexico, cùng phía nam Utah và Colorado trong vùng Tứ Giác mà đôi khi khuôn mẫu này còn được gọi là văn hóa Cao nguyên. Không nên nhầm lẫn khuôn mẫu này với Vùng văn hóa cao nguyên của các nhà dân tộc học, vốn ở trên vùng Cao nguyên sông Columbia. Khuôn mẫu thứ hai là Hohokam, cũng được gọi là Văn hóa sa mạc, vì nó nằm ở trung tâm và phía nam sa mạc Arizona. Khuôn mẫu thứ ba là Mongollon - Mimbres, cũng được gọi là văn hóa miền núi, vì nó chạy theo cái vùng núi phía đông nam Arizona và tây nam New Mexico. Vào các giai đoạn đã biết và xa xưa nhất (khoảng 2000 năm trước), mỗi nền văn hóa này đều có những loại nhà nửa chìm nửa nổi, như một loại hình mà con người dùng để cư trú, nương thân. (Hình 16.6)
Sự tiến hóa của khuôn mẫu văn hóa Anasazi bắt đầu với điều được gọi là thời kỳ Người Đan Lát (từ năm 100 – 500 sau Công nguyên). Nhà của người Đan lát được xây dựng với những cây cột chôn nghiêng, các cành cây được trải nằm ngang tạo một mái vòm chung quanh và ở trên một cái hố tròn như chiếc dĩa, đường kính từ 3 đến 6 mét. Khung sườn nhà được trét bùn đất. Những ngôi nhà riêng biệt chụm lại thành từng nhóm nhà nhỏ, hoặc trong những hang cạn, hoặc ở ngoài trời.
Trong thời kỳ người Đan lát cải tiến tiếp sau đó (500 - 700 sau Công nguyên), loại nhà nửa chìm nửa nổi vẫn tiếp tục phổ biến. Thời này người ta dùng bốn hoặc năm cột để đỡ lấy một mái bằng. Lối vào nhà hoặc là theo lỗ thoát khói phía trên bếp lửa, hoặc là theo lối cửa nhô ra ở mặt phía nam của ngôi nhà. Một gờ thấp đắp bằng đất bùn ngăn cách phần phía nam khỏi nửa phía bắc của ngôi nhà. Tuy vậy, một đặc điểm mới đánh dấu giai đoạn này là bên trong cái kiến trúc mái bằng làm bằng thân cây và bùn đất này có được hai dãy phòng tiếp giáp nhau. Một số ngôi nhà loại này lại có hình bán nguyệt. Hai đường lối phát triển khác nhau về kiến trúc đã xuất hiện.
Trong thời kỳ của người Đan lát cải tiến, loại nhà nửa chìm nửa nổi được dùng làm nơi cúng tế và để ở. Những ngôi nhà nhiều phòng trên mặt đất dùng làm kho chứa. Về sau, vào các thời kỳ Pueblo (ở thành làng), loại nhà nửa chìm nửa nổi tiến hóa thành ra kiva, tức phòng hành lễ chìm dưới đất. Còn phần kho chứa gồm nhiều phòng trên mặt đất thì biến thành những ngôi nhà nhiều căn hộ, và do đặc điểm này mà người da đỏ Pueblo đã trở thành nổi tiếng. Từ năm 1000 đến 1300, trong thời kỳ Pueblo II, sự phát triển đạt đến cực điểm. Nhiều đô thị hang động nổi tiếng thuộc thời kỳ này gồm có Cliff Palace (Cung điện vách đá) ở công viên quốc gia Mesa Verde (Hình 16.7). Về những di chỉ ngoài trời thuộc thời kỳ này thì Pueblo Bonito ở Chaco Canyon bang New Mexieo là nổi tiếng nhất. Những kiến trúc này gồm hàng trăm căn phòng với tường xây bằng gạch vữa và thường cao đến bốn tầng. Những ngôi làng (pueblo) hiện đại chỉ là những phần thu nhỏ còn sót lại của cái Thời kỳ vĩ đại này.
Có một mối quan hệ mật thiết giữa những ngôi nhà cộng đồng của những người da đỏ Pueblo và mô thức chung của văn hóa Pueblo. Những ngôi làng (pueblo) trong Thời kỳ vĩ đại vừa là những thành lũy phòng vệ vừa là nơi để ở. Các bức tường ngang mặt đất của những khu làng ở nơi lộ thiên là những bề mặt phẳng lì, không có cửa hay cửa sổ gì cả. Để vào một ngôi nhà, người ta phải trèo lên mái và tụt xuống theo lỗ thông khói, giống như ở những loại nhà nửa chìm nửa nổi. Làng quay lưng lại với thế giới thù nghịch bên ngoài và luôn quay mặt vào bên trong, nơi khoảng sân thường diễn ra các cuộc nhảy múa trong các buổi lễ hội tưng bừng. Tòa nhà vĩ đại ấy tạo thành một toàn thể hợp nhất và hướng nội về mặt kiến trúc. Các thành viên trong làng bị buộc phải sống gần gũi thân cận với nhau, không chỉ với các thành viên trong một gia đình, mà với tất cả mọi gia đình. Tất cả các thị tộc chồng lên nhau thành một tập hợp to lớn. Sự chú trọng về tính tập thể trong cuộc sống của người Pueblo, nếu không vì một lý do nào khác thì đó là một tính cách bắt nguồn từ đặc tính nhà ở của họ đòi hỏi phải như vậy. Và dĩ nhiên, nhà ở của họ đã không thành hình như thế nếu họ không tự phát triển những giá trị tập thể. Thế nhưng cuộc sống quá thân cận đông đúc trong làng của người da đỏ Pueblo cũng dường như để lại dấu ấn của các hình thức đụng chạm mếch lòng nhau, đâm thọc sau lưng nhau, sợ hãi những trò yêu thuật, và chia bè kết cánh. “Bệnh tù túng kinh niên là sự chẩn đoán của W.W. Hill. “Bệnh tù túng” nảy sinh ra loại xung lực ly tâm hướng đến sự phá vỡ hình thức của Pueblo. Các cấu trúc lễ nghi tôn giáo vốn thâm nhập sâu sắc trong tâm thức người dân đã đối kháng một cách mãnh liệt với khuynh hướng này trong xã hội người Pueblo. Tuy vậy, trong bầu không khí chính trị, các tộc người Pueblo không phát triển được cho mình các cơ chế chính quyền, phối hợp một cách hợp lý quyền lực tập trung và sự uyển chuyển trong việc giải quyết các quyền lợi trái ngược nhau. Dĩ nhiên đây là một vấn đề trầm kha đối với một chánh quyền lành mạnh. Trong trường hợp người da đỏ Pueblo, hình thức nhà ở khép kín của họ làm tăng tính thêm khẩn thiết về nhu cầu tài năng trong lãnh vực chính trị.
Chúng tôi đồng ý với kết luận của Steward về các nền văn hóa của. Những người đan rổ rá thuộc giai đoạn Pueblo I: “Thật khó mà dung hòa được sự phân chia các làng đầu tiên thành những cụm nhà nhỏ với bất cứ một đơn vị xã hội nào hơn là một dòng họ hay một nhóm người”. cả steward và Titiev cho rằng một phong trào đoàn kết các thị tộc độc lập hoặc các nhóm người trong các giai đoạn Pucblo II đưa đến việc xây dựng các nhà cộng đồng. “Các nhóm nhỏ được phân chia một cách chính thức đều rất ô hợp, nhưng không mất đi tính nguyên vẹn về mặt xã hội và nghi thức lễ lạc”. Và bởi lẽ, những nhóm rời rạc lẻ tẻ trước kia không mất đi tính cách nguyên vẹn của phòng khi phải ép mình vào những đơn vị làng lớn hơn, cộng với sự bức bối do cuộc sống chung đụng quá gần gũi, sự va chạm sinh thù oán là điều vốn có của cuộc sống trong đời sống của người Pueblo. Các cuộc gây gổ liên tục dẫn đến sự tan vỡ của các Pueblo và việc xây dựng lên những khu cư trú mới. Hàng trăm pueblo sụp đổ như thế, biến miền Tây Nam thành một thiên đường của các nhà khảo cổ, và là những chứng tích phong phú của những cuộc đấu tranh lâu dài của người da đỏ Pueblo để điều chỉnh hình thức nhà ở của họ theo khuynh hướng bảo thủ về mặt xã hội,
Ở đầu chương này chúng tôi đã nhận xét rằng người Navaho không thể tiếp nhận kiểu nhà của người Pueblo, và họ cứ mãi là người Navaho trong tinh thần lẫn sinh hoạt. Chúng ta đã thấy được vài khía cạnh khó khăn mà chính người da đỏ Pueblo đã phái tính đến trong giải pháp cho vấn đề nhà ở của họ. Nhiều người ngạc nhiên tại sao người Navaho sau nhiều thế kỷ tiếp xúc với người Pueblo - trong những thế kỷ đó họ đã hấp thu hình tượng và nghệ thuật nghi lễ của người Pueblo - mà vẫn cứ chịu sống trong những ngôi nhà gỗ trét đất bùn khốn khổ như thế, nhất là sau một thời gian rất dài họ đã thấy được trước mắt mình những ngôi nhà kiểu mẫu xây bằng gạch vừa của người Pueblo. Câu trả lời có thể tìm thấy trong nỗ lực của người Navaho dành cho tổ chức xã hội của họ. Hình thức xã hội của người Navaho ngày nay rõ ràng là rất gần gũi với xã hội của Người đan rổ rá và các dân tộc đã sống trong thời kỳ Pueblo I, hơn là hình thức xã hội hiện đại của người da đỏ Pueblo. Các cộng đồng nhà ở cá thể bằng bùn đất phân tán rải rác của người Navaho không khác gì mấy với những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi của người Anasazi.
Loại nhà bằng đất của thổ dân da đỏ Vùng Bình Nguyên
Xa về hương đông bắc của vùng thung lũng bát ngát và hệ thống thoát nước của sông Missouri, là nơi những người dân định cư làm vườn tiến bộ (các bộ lạc ở làng của vùng bình nguyên: Mandan, Hidatsa, Arikara, Omaha, Pawnee) sống trong những cái được gọi là nhà bằng đất, vốn là sự phát triển đầy ấn tượng của ý tưởng nhà nửa chìm nửa nổi. Trong kiến trúc này, người ta cắm một cây gậy xuống đất, ở nơi người ta sẽ đặt bếp. Đầu cây được buộc một sợi dây bằng da sống dài từ 3 đến 10 mét (10 đến 30 feet), bằng sợi dây da này người ta vẽ một vòng tròn trên mặt đất. Người ta cào bỏ lớp đất mặt bên trong vòng tròn, nền nhà được đào xuống sâu khoảng 3 tấc. Bên trong vòng tròn người ta trồng những cây cột có chạc cao khoảng 3 mét, cách đều nhau khoảng 2,5 mét. Trên chạc của những cây cột này người ta gác những cây đà ngang. Ở giữa khoảng cách từ bếp đến vòng tròn của các cây cột người ta trồng thêm từ 4 đến 8 cây cột lớn nữa theo hình vuông hoặc hình tròn. Trên đầu những cây cột này là những cây đà ngang. Người ta cũng trồng cột làm cửa ra vào. Những bức vách bằng cọc cây chẻ cũng được dựng lên chống đỡ cho sườn nhà. Những thân gỗ dài và thuôn được xếp làm mái nhà. Phía trên bếp lửa chừa một lỗ thông khói chừng một mét. Các cành liễu được xếp nằm ngang trên mặt ngoài các bức vách và mái nhà, sau đó phủ thêm một lớp tranh hoặc cỏ dày, và cuối cùng tô lên một lớp bùn đất. Thế là bằng cách kết hợp thân cây, tranh, cỏ và bùn đất, người ta đã tạo dựng được một nơi trú ngụ thực sự không sợ mưa gió. Với người da đỏ Omaha, một ngôi nhà bằng đất như thế là cả một dinh cơ, một bằng chứng cụ thể cho tầm quan trọng về mặt xã hội của chủ nhân, “vì để làm được chỗ cư trú loại này đòi hỏi rất nhiều công sức, cho nên chỉ những kẻ siêng năng cần mẫn và tiện tặn mới có thể sở hữu được những ngôi nhà tầm cỡ này”. Những người khác sống trong những chiếc lều tipi. Thông thường một ngôi nhà đất như vậy chỉ có một gia đình cư trú, nhưng nếu có hai gia đình sống chung thì chia mỗi bên một nửa.
Những ngôi nhà chung sống nhiều gia đình của thể dân Jivaro và Iroquois
Những buildings xây dựng trong thời kỳ Pueblo Vĩ Đại có lẽ là những địa điểm cư trú cộng đồng. Nhiều khu vực trong vùng Đông Nam Á, Nam Mỹ, và vùng nội địa Neư Guinea đã xuất hiện những ngôi nhà cộng đồng thuộc nhiều loại khác nhau. Nhà của người Jivaro ở miền đông Ecuador, những thổ dân khét tiếng về việc cắt đầu kẻ thù sấy khô rút nhỏ lại cất giữ làm chiến lợi phẩm, là tiêu biểu cho loại hình này ở Nam Mỹ. Một đơn vị xã hội của người Jivaro là một nhóm gia đình theo phụ hệ sống chung một nhà. Một hộ như thế là hoàn toàn độc lập, tự cấp tự túc, và không phục dịch hầu hạ ai hết. Ngôi nhà tiêu biểu của người Jivaro dài khoảng 23 mét, rộng chừng 12 mét, có dạng hình cong e-lip với hai cạnh song song và hai đầu tròn. Các bức vách cao khoảng 3 mét làm bằng nẹp tre hoặc cọ bện theo chiều dọc, trên một khung sườn. Mái nhà lợp tranh ở mỗi đầu nhà có một cửa ra vào ghép bằng các tấm gỗ nặng mà mỗi lần vô ra phải nhấc lên đặt sang một bên. Những cánh cửa này cài then bên trong. Điều thú vị là sự phân biệt giới tính: một cửa ra vào dành riêng cho nam giới, còn cửa kia cho nữ giới. Bên trong nhà cũng chia làm hai nửa, một cho đàn ông, nửa kia cho phụ nữ. Mỗi người đàn ông trong nhà có một cái vạt để ngủ đặt sát vách trong phần nhà của nam giới. Mỗi phụ nữ cũng có một vạt riêng bên phần của họ. Những vạt để ngủ của phụ nữ có được các tấm phên chiếu che chắn, trong khi cánh đàn ông thì không cần có sự riêng tư đó. Như thế, việc sắp đặt bên trong ngôi nhà của người Jivaro là căn cứ theo giới tính. Mặc dù trong một ngôi nhà có vài gia đình sống chung, họ vẫn không phân chia không gian theo từng gia đình. Đáng tiếc là chúng ta không biết tí gì về các mối quan hệ giữa người này với người kia trong nhóm các gia đình sống chung ấy, hoặc cách họ xoay sở thế nào với đời sống sinh hoạt tình dục của họ.
Trong xã hội người Jivaro không có các thị tộc, làng xã, hoặc các hình thức tổ chức xã hội khác ngoài những khối nhà tập thể biệt lập, ngoài trừ một sự liên kết lỏng lẻo không theo một hình thức nhất định nào giữa năm hay sáu nhà sống tập thể như thế, dưới quyền một người chỉ huy chung về những điều liên quan đến lãnh vực tự vệ hay chiến đấu.
Trong những ngôi nhà dài của người da đỏ Iroquois, chúng ta phát hiện một tổ chức nội tại tiêu biểu hơn của các hộ gia đình sống chung một nhà. Cấu trúc ngôi nhà dài của người Iroquois có phần giống với loại chòi của người Quonset. Một mái nhà lợp bằng những miếng vỏ cây khô đặt lên trên các bức vách dựng đứng. Ngôi nhà có thể nới rộng ra hay thu hẹp lại chỉ đơn giản bằng cách thêm hoặc bớt một gian ở bất cứ đầu nào của nó. Cửa ra vào đặt ở hai đầu với một lối đi thông thống suốt ngôi nhà dài có đến gần 100 mét, nghĩa là bằng chiều dài của cả một sân bóng đá. Ở hai bên lối đi là các phòng ngủ khoáng 4 mét mỗi chiều, mở toang ra thông với lối đi giữa nhà, như cái hành lang dài của những phòng ngủ trong điện Tuileries. Murdock coi những căn phòng này như những căn hộ chung cư. Thực ra chúng trông giống những gian buồng. Cuối mỗi gian buồng có một cái sạp điều chỉnh được, mỗi bề rộng khoảng 2 mét, là chỗ ngủ đêm của mỗi cặp vợ chồng. Trên vách sau là kệ để vật dụng, và giữa hai gian buồng như thế là một phòng chứa đồ đạc. Cả hai đầu của dãy nhà cũng có các phòng chứa đồ như thế.
Ai sống trong khối nhà đồ sộ này, và họ thỏa thuận thu xếp với nhau thế nào? Mỗi khối nhà dài này “dưới quyền” những phụ nữ trực hệ hoặc có họ hàng như thế nào trong tộc? Chỉ huy trong mỗi ngôi nhà dài là một phụ nữ lớn tuổi có uy tín. Những gia đình sống trong nhà là các con gái của bà ta và chồng con họ. Số người cư trú trong nhà thường là gia đình các chị em gái và gia đình các cháu chắt của bà ta nữa. Tất cá phụ nữ trong nhà đều thuộc cùng một thị tộc, ít nhất là về mặt lý thuyết. Khối nhà dài mang tên và phù hiệu của dòng họ theo mẫu hệ, (riêng trường hợp bộ lạc Seneca có phần ngả theo nam giới). Đàn ông lấy vợ phải theo vợ về ở trong các ngôi nhà dài bên vợ, thế nhưng con trai của một bà mẹ có uy thế khi lấy một người vợ thuộc dòng dõi kém thế hơn có thể vẫn ở lại nhà mẹ mình. Vì người Iroquois có quyền nhận nuôi những kẻ địch bắt được để thay thế những thành viên của mình đã qua đời, cho nên trong nhà dài luôn luôn có vài người như thế.
Phụ nữ có thể bỏ chồng bất cứ khi nào. Người chồng bị vợ bỏ chẳng thể làm gì hơn là cuốn gói, xách đồ đạc ra khỏi nhà. Anh ta không có quyền hạn pháp lý nào để đòi con, đòi nhà gì cả.
Tổ chức xã hội của loại hình nhà dài Iroquois là chế độ mẫu hệ mẹ truyền con gái nối tiếp (xin xem phần thảo luận về gia đình trực hệ kết hợp, trang 470 - 471). Sự phân biệt trong nhà dài không căn cứ theo giới tính, như người Jivaro, mà theo tình trạng mỗi gia đình nhỏ. Mỗi người phụ nữ có gian buồng riêng cho họ với chồng và con cái. Về chuyện ăn uống thì vừa có tính gia đình chung, vừa có tính gia đình riêng. Mỗi gia đình nhỏ dùng chung một cái bếp với những người ở gian buồng đối diện. Mỗi cặp hai gia đình có chung một cái bếp đặt giữa lối đi thông giữa căn nhà dài.
Những căn nhà dài của người Iroquois có thể bao gồm cả một khối bà con thân thích trong dòng họ, nhưng chúng không làm nảy sinh những va chạm nặng nề như người da đỏ Pueblo tưởng. Sống gần nhau, nhưng toàn bộ ngôi làng không ở chung trong một khối nhà. Một làng gồm từ vài nhà đến nhiều nhà dài nằm trong vòng rào bảo vệ. Nhiều làng gộp lại thành một bộ lạc (trong khi với người Pueblo, mỗi làng thường tự nó là một bộ lạc). Chỉ cần sáu bộ lạc Iroquois cũng đủ để tạo thành đất nước Iroquois. Sự trung thành của người Iroquois không chỉ giới hạn trong phạm vi tộc họ trong nhà dài của họ. Hơn nữa, người Iroquois là những kẻ bành trướng hiếu chiến. Họ có thể giải tỏa những căng thẳng nội bộ bằng cách gây ra những cuộc chiến xâm lấn với những bộ tộc bên ngoài.
Dưới ảnh hưởng của những người thực dân da trắng, môi trường văn hóa của người Iroquois đã thay đổi ngay trên đất nước của họ, tổ chức nhà dài của họ bắt đầu tan vỡ, dẫn đến việc xây dựng những ngôi nhà bằng gỗ súc nhỏ hơn về kích thước, cho đến năm 1800 thì nhà dài không còn tồn tại nữa.
Ở Đông Nam Á, loại nhà dài cũng khá phổ biến và có khuynh hướng kết hợp nhiều thị tộc khác nhau. Nơi mà đơn vị làng được xây dựng trên căn bản yếu tố lãnh thổ hơn là trên sự ràng buộc dòng tộc, như ở Java và Philippines, mỗi gia đình có nhà riêng của họ. Việc cư trú tam tứ đại đồng đường cũng thường xảy ra. Morgan đã phát hiện một số bằng chứng về thực tế này. Nhưng những người cùng chung dòng dõi và thị tộc không phải bao giờ cũng sống chung trong những nhà dài, ngược lại có trường hợp những người không cùng chung dòng dõi hoặc thị tộc thì lại ở chung với nhau. Quan hệ dòng dõi là không phải là yếu tố quyết định.
Tổ hợp ấp trại của những chủ trại chăn nuôi người Phi châu
Những gia đình sống chung tam tứ đại đồng đường được mô tả trên đây là những người làm vườn sống trong rừng, nơi đầy rẫy các loại gỗ quí hiếm khác nhau, và vấn đề quan tâm duy nhất của họ là bảo vệ con người, chớ không phải, bảo vệ các loài súc vật và cuộc sống. Còn những chủ trại chăn nuôi gia súc Phi châu có một hình thức khác cho loại nhà phối hợp có nhiều gia đình chung sống. Trong môi trường sống của họ, vật liệu để xây dựng những công trình nhà ở lớn thường là rất hiếm, và nhu cầu chính của họ là bảo vệ cả con người lẫn súc vật khỏi những kẻ cướp bóc. Khu tổ hợp ấp trại bình thường của người Jie, mà chu kỳ mùa vụ của họ được đề cập trong một chương trước, có thể coi là một kiểu mẫu (Hình 16.8).
Thông thường, một tổ hợp ấp trại của người Jie cho một gia đình có 6 hay 8 người đàn ông cư trú, tất cả đều là con cháu của cùng một ông nội. Do đó, căn bản xã hội ở đây là chế độ phụ hệ (xem trang 476 - 477). Các gia đình đều theo chế độ đa thê (xem trang 462 - 464). Tất cả những người vợ và các con trai của gia trưởng, và vợ con của các đứa con ấy cùng sống chung trong khu tổ hợp nhà vườn - gồm từ ba mươi đến bốn mươi người tất cả. Toàn khu là một vòng rào bằng cọc nhọn và bụi cây kín bưng các khoảng trống ít ỏi là những lỗ hổng nhỏ chừng 3 tấc vuông. Bất cứ ai muốn vào cũng phái bò bốn chân, thò đầu vào lỗ hổng đó để nhận phải một cú đập chết người nếu sự xâm nhập không được hoan nghênh.
Bên trong là một loạt các khoảnh sân có rào bao quanh - mỗi khoảnh sân dành cho một phụ nữ đã lập gia đình. Trong khoảnh sân đó người phụ nữ có một chòi lá nhỏ không có cửa sổ, là nơi chỉ dùng để ngủ vào mùa mưa. Thời gian khác, mọi chuyện nấu nướng ăn ngủ đều thực hiện trong khoảnh sân lộ thiên, mặc dù mỗi người phụ nữ tự làm cho mình một cái chòi bếp với bốn mặt trống trơn. Trong mỗi mảnh sân của những người phụ nữ cũng có một ngôi nhà nhỏ dài cho các loại súc vật chưa trưởng thành, ngôi nhà này cũng được dùng làm nhà bếp trong trường hợp khẩn cấp, nếu trong sân không có sẵn một nhà bếp bình thường. Mỗi sân còn có ít nhất là hai cái bồ có trát vữa, đặt trên những cây cọc, như nhà sàn, để chứa ngũ cốc. Sân của mỗi người vợ là giang sơn riêng của bà ấy. Mặc dù các khoảnh sân của những bà vợ khác của cùng một ông chồng chung ở tiếp cận nhau, nhưng không hề có cửa thông qua nhau. Người ta buộc phải đi vào các chuồng quây nhốt súc vật rồi từ đó mới có ngõ đi qua một khoảnh sân khác. Chuồng quây súc vật và chuồng dê chiếm khoảng một nửa phần sân vườn bên trong của khu tổ hợp nhà vườn. Ở đây, ban đêm người ta gom súc vật lại, ngoại trừ vào mùa mưa chúng được nhốt trong các chuồng bên ngoài.
Khu tổ hợp ấp trại này là căn cứ của tập thể dòng họ, cùng thừa hưởng và sở hữu chung tất cả số gia súc. Khối đồng nhất của dòng họ đối lập lại phần còn lại của thế giới được tượng trưng rõ rệt và được tăng cường thêm bởi bản chất của tổ hợp ấp trại.