Vải bằng vỏ cây
Ở những vùng nhiệt đới như Indonesia, Châu Đại Dương, Trung Phi, và Nam Mỹ, các loại chỉ tước từ vỏ cây được dùng tương đương như len. Nguyên tắc để làm ra nỉ và vải từ vỏ cây cũng giống nhau. Người ta làm ra vải bằng cách ép cho các sợi vỏ cây dính luôn sát vào nhau. Tuy nhiên, sự phân bố địa lý và các phân tích cho thấy việc làm ra vải từ vỏ cây được phát minh độc lập, không phát xuất từ nghề làm nỉ, và ngược lại.
Đến nay chưa có một nghiên cứu so sánh một cách đầy đủ về các kỹ thuật làm vải từ vỏ cây của các khu vực trên toàn thế giới.[1] Nhưng nói chung, tiến trình làm vải từ vỏ cây ở đâu cũng gần như nhau. Vỏ lụa của một loại cây thích hợp, chẳng hạn cây dâu giấy (được trồng ở Polynesia cho mục đích làm vải) được tước lấy vỏ, nạo rồi dùng chày và thớt gỗ đập cho vỏ tơi ra. Trong quá trình chuẩn bị có thể đem vỏ cây ngâm nước, hoặc không cần ngâm nước cũng được. Không có giới hạn về khổ vải, vì mỗi mảnh vải có thể được nối dính vào nhau.
Người Indonesia và Polynesia trang trí loại vải tapa làm từ vỏ cây dâu giấy này bằng cách dùng con dấu gỗ để in lên mặt vải, những hoa văn bằng thuốc nhuộm màu nâu chế từ thực vật. Những hoa văn kiểu này của người Polynesia từng có thời là ''mốt'' được ưa chuộng của các loại trang phục thể thao và quần áo mặc trong nhà ở Mỹ.