Định nghĩa về chủng tộc
Trước tiên chúng ta cần phải xác lập chính xác ''chủng tộc'' có ý nghĩa là gì trên phương diện khoa học. Nên nhớ rằng, thoạt tiên thuật ngữ này chỉ là khái niệm thuộc phạm trù phân loại về sinh học. Và đây chỉ là phương pháp để phân loại các phụ chủng loài người thành những đơn vị nhỏ hơn căn cứ trên đặc điểm sinh học đã được xác định. Định nghĩa của ngành nhân chủng học về ''chủng tộc'' mà chúng ta sẽ sử dụng là: Một chủng tộc là một quần thể dân cư từ bẩm sinh đã có đầy đủ những yếu tố di truyền tổng hợp và biểu lộ thành đặc điểm cơ thể.
Có bốn thành phần đáng chú ý trong định nghĩa này: (1) quần thể dân cư, (2) bẩm sinh, (3) yếu tố đi truyền, (4) các đặc điểm cơ thể. Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát từng thành phần.
Những quần cư
Ở chương 7, chúng ta đã định nghĩa ''quần thể là một nhóm cá thể có thể quan sát được và kết nối với nhau bằng một số nguyên tắc chung''.
Chủng tộc hình thành theo yếu tố địa lý. Khi nói về chủng tộc, theo ý nghĩa thông thường nhất chúng ta thường nghĩ đến một quần thể dân cư gồm một tập hợp những người đã sinh sống với nhau từ xưa cho đến nay, trong một phạm vi lớn hơn ở một lục địa nào đó hay một khu vực rộng lớn của lục địa. Những quần thể như vậy thường có khuynh hướng sống biệt lập, vì vậy họ thường chỉ có một nguồn gốc tổ tiên chung và chỉ giữa họ với nhau chứ không chia xẻ nguồn gốc với bất kỳ quần thể nào của các lục địa khác. Ngược lại, sẽ không có gì đặc thù trong tổng hợp di truyền để họ được xem là một chủng tộc riêng biệt. Tuy nhiên, dù có những biến động di trú lớn xảy ra với các dân tộc, vẫn có các quần thể dân cư giữ được nguồn gốc gien của mình (tổng hợp đi truyền). Vì vậy, chúng ta luôn dễ dàng nhận ra nguồn gốc chủng tộc Caucasoid của những dân tộc hiện nay ở khắp Bắc Phi, Úc và New Zealand, dù họ đã từng định cư ở những nơi này từ năm 1600 và phát triển thành những quần thể khác nhau. Tương tự, các dân tộc chủng Negro vùng sa mạc Sahara ở Nam Phi được nhận dạng và phân loại từ lâu vì yếu tố địa lý đặc biệt của họ. Và chủng tộc Mông Cổ của châu Á cũng vậy, rõ ràng chỉ có sự kết hợp theo tính cách cục bộ lục địa.
Quần thể thổ dân châu Mỹ có đặc điểm giống với chủng Mông Cổ đến độ, theo một số phân loại về chủng tộc cũ, họ được xếp thành một phụ chủng trong chủng này. Cách phân loại phổ biến cũ căn cứ vào màu da trắng, đen, vàng, đỏ hoặc nâu lại nối kết các ''chủng tộc'' này thành một hay nhiều khối trong một lục địa rộng lớn hơn. Các chủng tộc da nâu cư ngụ ở quần đảo Indonesia và phía đông trung tâm Thái Bình Dương là một thí dụ về cách phân loại này.
Cách phân chia chủng tộc “lạc hậu” này là một quan niệm thô thiển, chỉ căn cứ trên một vài sự kiện thực tế. Việc những quần thể dân cư chiếm ngụ một lục địa hay một khu vực địa lý riêng biệt khác thường dẫn đến hậu quả lâu dài sau này, họ đã sinh sôi nảy nở và phát triển những dị biệt di truyền qua những tiến trình vận động như sự biến đổi di truyền, sàng lọc tự nhiên, xu hướng di truyền và sự lai tạp chủng tộc.
Trong nhân chủng học hiện nay, những chủng tộc như vậy được gọi là những chủng tộc hình thành theo địa lý (geographical races). Như vậy, một chủng tộc hình thành theo địa lý là một quần thể nhân loại sinh sống trong một khu vực lục địa hay một dãy quần đảo, trong một thời gian dài đủ để phát triển một tổng hợp di truyền của riêng mình và khác biệt với những yếu tố di truyền của các quần thể dân cư các lục địa khác.
Cách phân loại các chủng tộc theo yếu tố địa lý được trình bày từ trang 277 đến trang 280.
Các chủng tộc địa phương. Trong phạm vi một lục địa, có thể có những rào cản ngăn ngừa sự pha tạp chủng tộc trong quần thể cư dân. Chẳng hạn như, dân tộc khu vực Bắc Baltic chỉ sinh sôi nẩy nở giữa chính họ với nhau thay vì với dân tộc vùng vành đai Địa Trung Hải phía Nam châu Âu. Có thể xem như họ là những tiểu quần thể, định cư trên những khu vực rộng lớn trong phạm vi một lục địa hay một quần đảo. Thực tế này lại dẫn đến một cách phân loại ở mức độ chi tiết hơn về các chủng tộc ví dụ như dân vùng Nordic, vùng Alpine vùng Địa Trung Hải thuộc chủ nô Caucasoid. Một số nhà nhân chủng học tự nhiên lại còn đẩy những phân tích đi xa hơn và phân biệt thành những chủng tộc địa phương khác nhau dù chỉ trong một khu vực địa phương như khu vực Balkan chẳng hạn, hay chỉ bằng một số đặc điểm chủng của cơ thể, ví dụ như khi chỉ phát hiện một hình dáng hộp sọ bất thường mà họ gọi là “bánh mì ngọt” họ vội vàng gán cho hóa thạch này một cái tên mới là "chủng tộc Armenoid". Dân vùng Basques ở dãy núi Pyrenees là một thí dụ điển hình về chủng tộc địa phương. Chưa có sự đồng thuận nào về số lượng các chủng tộc địa phương có thể xác định được trên toàn thế giới. Garn và Coon là những người đầu tiên thiết lập phương pháp tính tương đối để phân tích và phân loại chủng tộc, đã đề nghị con số khả dĩ là ba mươi cho các chủng tộc địa phương trên toàn thế giới.
Các Chủng tộc hình thành theo các tiểu khu vục địa lý. Chúng ta vẫn có thể xác định được những quần thể dân cư nhỏ bé sống hoàn toàn biệt lập, sinh nở hạn chế với nhau và có những đặc điểm di truyền "không giống ai, hoàn toàn khác biệt với những quần thể nhân loại khác. Những thí dụ về thực tế này đều rõ ràng, minh bạch và không vấp phải sự bất đồng ý kiến nào, thí dụ như trường hợp những lớp con cháu hậu duệ của những người nổi loạn trên tàu Bounty, họ là những người đã sống trong sự cô lập tuyệt đối trên đảo Pitcairn từ năm 1788 đến năm 1808 và rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài từ đó đến nay. Những cư dân miền núi của bang Kentucky, phía Nam những bộ tộc Appalache là một thí dụ khác, và dân địa cực Eskimo vùng tây bắc đảo Greenland - những người sống cô lập và chẳng biết bất kỳ một quần thể dân cư nào khác ở bất kỳ nơi nào khác, là ví dụ thứ ba.
Bao nhiêu chủng tộc của nhân loại còn tồn tại đến ngày nay? Hiện tại, dựa theo những giới hạn phân loại có sẵn và những tiêu chuẩn để xác định các quần thể dân cư đang được sử dụng, thật khó có câu trả lời dứt kho và nhiều hay là ít.
Ý nghĩa của tính bẩm sinh
Những người cùng chung một chủng tộc thường giống nhau trong một số đặc điểm cơ thể vì họ sở hữu cùng một số gien chung mà những quần thể dân cư khác không có, hoặc có nhưng số lượng lại nhiều hơn hoặc ít hơn. Các loại gien này được phân truyền qua việc giao phối thuần chủng giữa chính những người cùng chủng hoặc việc giao phối tạp chủng trong phạm vi quần thể. Mỗi quần thể dân cư sở hữu một nguồn dự trữ gien, và nguồn dự trữ gien này không hoàn toàn giống nhau giữa các quần thể dân cư. Tính bẩm sinh là kết quả của sự tách biệt cô lập và sự biến đổi trong giới hạn. Sự cô lập giữa những con người với nhau thường có nguyên nhân do địa lý hoặc khoảng cách xã hội.
Không gian và những yếu tố địa văn là tác nhân cơ bản của sự di truyền bẩm sinh. Những người thổ dân Bắc Mỹ rõ ràng không thể giao phối với những thổ dân châu Úc vì khoảng cách 12.000 dặm đại dương ngăn cách. Khi nhìn về con số tồn tại chỉ vài trăm người của dân vùng địa cực Eskimo, chúng ta mới nhận ra mức độ hạn chế hẹp hòi của sự sinh sôi nẩy nở thuần chủng của họ như thế nào. Trong thực tế, ở các bộ lạc sơ khai nhỏ bé, và đây cũng là thực trạng của hầu hết các nhóm bộ lạc, người nào cũng là bà con họ hàng với những người còn lại.
Sự cô lập về mặt xã hội là do con người tạo ra và hiện diện dưới hình thức của những quy luật hoặc các thông lệ, dùng để ngăn cản hay cấm đoán tình trạng hôn phối dị chủng (hoặc hôn phối trực hệ, đồng huyết thống) giữa các quần thể dân cư hay giữa các nhóm xã hội và đồng thời lại khuyến khích hay bắt buộc tình trạng hôn phối đồng chủng. Bất kỳ loại thông lệ nào của xã hội cũng đều nhằm mục đích vừa ngăn cản một hình thức tương tác nào đó giữa các quần thể và cũng vừa thiết lập sự ngăn cách về mặt xã hội, và do đó tạo ra sự di truyền bẩm sinh. Chẳng hạn như, việc thí nghiệm nội giao (phối giống lai tạp - ND) giữa các loài súc vật để tạo ra một tiểu chủng cho loài súc vật đó cũng bị hạn chế ở mức độ nghiêm ngặt (sẽ bị chế tài hoặc hình phạt nếu vi phạm những luật lệ và nguyên tắc đã qui định). Điều này sẽ được xem xét sâu hơn trong chương 22, luật Ưu tiên hợp chủng.
Biến thiên về địa lý và xã hội có thể là nguyên nhân gây ra sự tan rã của chủng tộc, trong khi đó sự cô lập về địa lý hay xã hội có thể là nguồn gốc phát sinh những chủng tộc mới.
Những đặc điểm riêng biệt của cơ thể
''Những gì thực sự tạo ra một cấu thành thực tế gồm những đặc điểm riêng biệt của cơ thể?'' là một câu hỏi gây ra nhiều vấn nạn nhất. Đặc điểm nào cần được xem xét một cách chính thức và đặc điểm nào cần phải loại bỏ?
Hiển nhiên, có những đặc điểm đơn lẻ diễn ra trùng lắp ở nhiều chủng tộc khác nhau. Chẳng hạn như chỉ có chủng tộc Negro là có một hình thức môi (trề) đặc biệt, và điều này cũng có nghĩa là các chủng tộc còn lại đều có hình thức môi bình thường. Tóc đen phân biệt chủng Negro với chủng Nordic tóc vàng, nhưng đâu có phân biệt chủng này với vô số người chủng Mongoloid. Như vậy, chủng ta nhận thấy rằng bất kỳ một trong các đặc điểm cơ thể được xem là đặc tính của một chủng tộc nếu cũng hiện diện ở các chủng tộc khác, thì đặc điểm này tự nó chẳng mang một ý nghĩa tiêu cực hay tích cực nào cả. Bất kỳ gợi ý nào cho rằng sự hiện diện của một đặc điểm đơn lẻ nào đó ở hai chủng tộc khác nhau đều chỉ ra mối quan hệ di truyền giữa hai chủng tộc đó đều không hợp lý và cần phải bác bỏ. Ví dụ như chúng ta không thể xem một vài người chủng Melanesian có chiếc mũi loại "Semitic'' (có lẽ là loại mũi hếch) là chủng nguồn gốc tổ tiên Semitic với người Negro châu Đại Dương được (Ocean Negroes). Mặt khác, cũng không ai dám phủ nhận rằng loại mũi này không phải là một đặc trưng quan trọng trong tập hợp những đặc điểm riêng biệt cấu thành tính cách của mỗi con người trong quần thể.
Toàn bộ các đặc điểm đan xen và kết nối với nhau tạo thành những đặc trưng của chủng tộc. Tuy nhiên, hiếm có cá nhân nào có được đầy đủ tất cả những đặc điểm biểu trưng cho tính cách của chủng tộc. Vì mục đích diễn giải hay minh họa, chúng ta có thể nói một chủng tộc nào đó có hai mươi lăm đặc điểm trong cấu thành đặc tính riêng biệt của họ, nhưng điều này không hàm ý rằng mỗi cá nhân thuộc chủng tộc này đều và phải có đủ hai mươi lăm đặc điểm trên.
Ví dụ như, người Thụy Điển là một dân tộc đồng nhất với những đặc điểm cơ thể khác thường như sau: tóc nâu vàng nhạt, mắt xanh, da trắng, đầu dài, và vân vân... Năm 1898, Retzius và Furst qua việc đo đạc kích thước của 45.000 chàng lính mới nhập ngũ của quân đội Thụy Điển đã phát hiện ra rằng chỉ có 11% có đủ các đặc điểm cấu thành tính cách riêng biệt của chủng Nordic, 29% có đủ các đặc điểm khác ngoại trừ đặc điểm là họ có một cái đầu tròn. Một vài năm trước đây, một bức tượng đã được điêu khắc phỏng theo kích cỡ trung bình của cơ thể của các sinh viên đại học Harvard. Nhưng trên thực tế chỉ có tỉ lệ 1 trong 1024 sinh viên hội đủ những đặc điểm của cái mô hình tưởng tượng kia.
Như vậy, từ đó chúng ta có nên kết luận đặc tính cấu thành do những đặc điểm được gán cho một chủng tộc chỉ là những mô thức lý tưởng, chỉ có trong tưởng tượng và hiếm khi có được ở bất kỳ cá nhân nào? Những người muốn rũ bỏ khái niệm ''chủng tộc đã có câu trả lời: ''Dĩ nhiên''.
Những người có thành kiến về chủng tộc luôn luôn có sẵn trong đầu những người điển hình của từng chủng tộc. Đối với họ, một mô thức chủng tộc cụ thể là một mô thức hội đủ các đặc điểm cấu thành tính cách của chủng tộc đó. Khi một cá nhân thuộc một chủng tộc nào thể hiện một hay nhiều đặc điểm tiêu biểu trong những hình ảnh những người điển hình này, họ cũng bỏ qua sự hiện diện của các đặc điểm không tiêu biểu và đồng thời gán ép những đặc điểm tiêu biểu (không chắc gì có thực) lên cá nhân đang bị xem xét. Điều chỉnh những nhận thức sai lầm trên là một nhiệm vụ khó khăn của ngành tâm lý xã hội học. Người quan sát theo khuynh hướng khoa học thường không mắc phải những sai lầm như trên, vì họ hiểu rằng chủng tộc chỉ là một khái niệm được xác định theo phương pháp thống kê dựa trên cơ sở cứ liệu sinh vật học.
Tần số phân bố của các đặc điểm biến đổi. Qua phương pháp thống kê, bất cứ một sinh viên của ngành sinh vật học cơ bản cũng đều biết rằng tất cả những đặc điểm hình thái đều có thể thay đổi. Mỗi đặc điểm lại giới hạn trong phạm vi biến đổi của chính mình và những biến đổi lại tụ hội quanh một quy chuẩn hay một điều kiện nào đó, và những hình thức biến đổi cuối cùng càng ít đi khi chúng càng xa quy chuẩn hay điều kiện của mình. Trong các đồ thị thống kê về tần số phân bố, các biến đổi thường có đang hình cong parabol, với những chỉ số điều kiện nằm ở hai trục tung và trục hoành. (Hình 2.3, trang 40, chương 2:. Con người, văn hóa và xã hội, tiểu mục. “Các qui chuẩn và khuôn mẫu hành vi)”. Trong trường hợp này các nhà nhân chủng học tự nhiên thường sử dụng đặc tính đặc biệt của cơ thể như là điều kiện của nhóm cá thể. Theo Hooton, chiều cao trung bình tự nhiên của người Ainu là 157,9 cm (5 feet, 3 inches), người da đen Negrito là 150cm (4 feet, 9 inches), người da đen vùng sông Nile - Nilotic Negro - từ 175 đến 180 cm (5 feet 10 inches đến 6 feet) và người Nordic Bắc Âu là 172 cm (5 feet, 8,8 inches). Theo những số liệu trên, chúng ta có thể nói rằng các chủng tộc Ainu và Negrito là người lùn và các chủng tộc Nilotic Negro và Nordic là người cao.
Trong các nghiên cứu chuyên môn và chi tiết hơn, các nhà nhân chủng học tự nhiên thường đưa ra phạm vi toàn diện của sự phân bố kèm theo những hệ số lệch.
Hình 13.1 minh họa theo cách so sánh các sự phân bố về lãnh vực chiều cao tương đối của các nữ sinh viên dân tộc Navaho và Mỹ da trắng (trong độ tuổi từ mười sáu đến hai mươi bốn, tuổi trung bình là hai mươi). Những cứ liệu so sánh này cho thấy có sự trùng lắp trong những phạm vi phân bố giữa hai nhóm. Một số thiếu nữ Navaho cao hơn một số cô gái da trắng. Tuy nhiên, có đến 5% các cô gái Navaho lại thấp hơn 150 cm (4 feet, 9 inches), trong khi đó không một thiếu nữ da trắng nào thấp hơn mức này. Mặt khác, 28% các cô gái da trắng cao hơn 164 cm (5 feet 4 inches), và không có cô Navaho nào vượt qua chiều cao này.
Chiều cao trung bình của các cô gái Navaho. là chẵn 5 feet (155,6 cm), sai số cho phép (Probable Error - P.E) là ± 2,81, độ lệch tiêu chuẩn (Standard Deviation – S.D) là 41,70 ± 1,99. Trong khi đó số liệu của các cô gái da trắng lần lượt là 5 feet - 3 inches (162,805 cm), P.E. = ± 3,75 và S.D. = 55,59 ± 2,65.
Cô gái Navaho cao nhất là 1.640 mm và lùn nhất là 1.420 mm. Trong nhóm các cô da trắng, cao nhất là 1.760 mm và lùn nhất là 1.520 mm, phạm vi biến thiên chiều cao của các cô gái Navaho là 7 inches 3/4 (7,75 in = 220 mm) và của các cô da trắng là 9 inches 3/4 (9,75 in = 240 mm).
Có thể nhận ra rằng sự cách biệt về chiều cao trung bình giữa hai nhóm vào khoảng 3 inches (118,2 mm) và như vậy có sự khác biệt về chiều cao trung bình này và độ biến thiên chiều cao (2 inches = 78,8 mm) giữa cao nhất và lùn nhất trong hai nhóm.
Khuynh hướng mới nhất của các nhà nhân chủng học là chú trọng vào các đặc điểm đơn lẻ, các nhóm thường có những mức độ na ná giống nhau hơn là những thành viên xa xôi trong cùng một nhóm. Đây hoàn toàn là thực tế có thực có thể giúp chúng ta cảnh giác trước những luận điệu quá khích về những dị biệt giữa các chủng tộc, nhưng điều này cũng không hoàn toàn phủ nhận ý nghĩa của những dị biệt đã được kiểm nghiệm và công nhận thành những chuẩn mực thông thường.
Sự phân bố về vóc dáng chiều cao giữa các dân tộc như Pygmy của quốc gia Congo, người Nhật và người Nilotic Negro cao lêu khêu cũng cho thấy chiều cao cơ thể là một đặc tính chủng tộc cụ thể và hình tượng nhất. Trong thí dụ minh họa ở hình 13.2, chúng ta nhận thấy tuyệt đối không có phạm vi trùng lắp giữa hai chủng Pygmy và Nilotic, người Nhật cũng tách biệt với hai chủng trên một cách rõ ràng.
Tần số phân bố theo nhóm máu. Ngành nhân chủng tự nhiên theo truyền thống chỉ chú tâm đến hình thái bên ngoài. Và như vậy, rõ ràng họ chỉ lưu qua trên bề mặt của vấn đề, bởi vì chủng tộc bị điều chỉnh bởi tính di truyền, và đồng thời hình thái bên ngoài khôn biểu lộ được sự tổng hợp di truyền thực sự của đa số các cá thể trong một thời điểm nhất định nào đó. Như Washburn từng bình luận: “Họ chỉ xoay quanh với việc sắp xếp những kết quả của quá trình tiến hóa”. Ngày nay, việc áp dụng các nguyên lý di truyền để nghiên cứu về chủng tộc đã giúp chúng ta có thể sắc xếp các kết quả tiến hóa một cách chính xác hơn, và quan trọng hơn nữa là giúp chúng ta hiểu biết một cách đầy đủ và sâu sắc hơn vấn đề ''các chủng tộc đã phát triển như thế nào và tại sao?''.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến bộ quan trọng nhất đã đạt được chính là việc nhận dạng các loại gien trong từng nhóm máu và qua đó, áp dụng vào việc nghiên cứu sự phân bố những quần thể dân cư.
Có lẽ hầu hết mọi người đều đã quen thuộc với sự hiện diện của các nhóm máu O, A, B, hoặc AB. Máu được phân loại dựa trên đặc tính của phản ứng đông kết, nghĩa là huyết cầu tố (tức hồng huyết cầu) có đông kết lại hay không khi máu được pha trộn với một loại máu lạ. Hai nhóm máu A và B được phân lập trước tiên và là những sinh kháng thể A và B. Nhóm máu O có tính miễn kháng đối với hai loại sinh kháng thể trên; vì vậy thường được dùng để truyền cho bất kì loại máu cơ bản nào khác (những người, có nhóm máu O là những người trao tặng quảng đại). Nhóm máu A chỉ truyền được cho nhóm A và AB, nhưng không truyền được cho B. Tương tự, nhóm máu B chỉ truyền cho nhóm B và AB, nhưng không truyền được cho A.
Không bao lâu sau khi các nhóm máu được phát hiện, người ta khảo sát được rằng các tần số xuất hiện của bốn nhóm máu chính có tỉ lệ không giống nhau ở các nhóm chủng tộc điển hình. Đầu tiên, kết quả ở các quần thể dân cư châu Âu là các tỉ lệ sau: 40 đến 50% thuộc nhóm máu O, 30 đến 40% thuộc nhóm máu A, 8 đến 12% thuộc nhóm B và từ 1 đến 6% thuộc nhóm AB. Ở một vài bộ lạc thổ dân châu Mỹ thì lại có một sự tương phản rõ rệt: hầu hết thuộc nhóm máu O một số ít thuộc A, và hầu như không có nhóm B và AB. Ví dụ như bộ tộc Utes - 98% /à O, 2% A và hoàn toàn vắng bóng những người thuộc nhóm B và AB. Trường hợp này, rõ ràng là một dị biệt về tính di truyền giữa các quần thể. Đối với người Mông Cổ, những mẫu máu được gởi đi thử nghiệm cũng cho kết quả là khoảng 30% cho các nhóm O, A và B, tỉ lệ nhỏ còn lại là của nhóm AB. Các nhóm dân cư địa phương thuộc phạm vi những quần thể dân cư trong một địa bàn rộng lớn hơn, cũng có sự phân bố các nhóm máu thay đổi đến một mức độ giới hạn nào đó, nhưng những dị biệt vẫn không thể vượt qua các giới hạn đã xác định ở những quần thể chính yếu.
Lợi điểm khi sử dụng các nhóm máu như là những tiêu chuẩn di truyền của chủng tộc là do chúng là những đặc điểm đơn lẻ. Có nghĩa là, một nhóm máu hoặc có hoặc không hiện diện trong một cá nhân. Không có tình trạng nhập nhằng như ở màu da, ví dụ như da màu “ôliu” cũng không thay đổi liên tục như chiều cao cơ thể. Vì vậy, sự phân bố gien trong quần thể dân cư có thể tính toán được một cách chính xác thông qua số lượng của nhóm máu, và những phân bố này cũng thay đổi theo từng quần thể.
Ngoài các nhóm máu cổ điển, vô số ngưng kết tố khác cũng đã được phát hiện. Các ngưng kết tố này bao gồm các nhóm M và N, các Rh dương tính và âm tính, cũng như nhiều phụ nhóm khác: Lewis, Lutheran, Kell, Duffy, Kidd...
Các sinh kháng thể nhóm A lại được phân ra thành hai tiểu nhóm A1 và A2 và nếu đi sâu hơn, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các chủng ở châu Á, các quần đảo và thổ dân châu Mỹ thuộc nhóm A2, các chủng châu Úc lại thuộc nhóm A1.
Nhóm có ghen Rh- (âm) chiếm tỉ lệ 15% ở người châu Âu và hoàn toàn không hiện diện ở các chủng tộc châu Á, Úc, các quần đảo Thái Bình Dương và thổ dân châu Mỹ. Mặc dù, hiện nay các thử nghiệm vẫn còn đang được tiếp tục xúc tiến với những chủng thổ dân châu Mỹ này để tìm kiếm những người có nhóm Rh, nhưng kết quả vẫn là con số không. Vì vậy, một lần nữa mối quan hệ giữa chủng Mông Cổ và thổ dân châu Mỹ dường như lại... được xác nhận.
Ngoài các nhóm máu, không có tiến bộ nào quan trọng và đáng kể hơn về phương pháp xác định và cách ly các loại gien để sử dụng trong công tác phân loại các chủng tộc. Một loại gien đặc biệt và thú vị có khả năng giúp xác định và nhận thức được mùi vị cay đắng trong phenylthiocarbamide (PTC).
Bảng 13.1: Tóm lược phân bố hệ thống các nhóm máu chính giữa các chủng tộc
hình thành từ yếu tố địa lý
Hệ thống các nhóm máu các gien đẳng vị được đặt trong các ngoặc đơn | Miêu tả các kiểu tấn số xuất hiện |
A, B, O (kẻ cả A1 và A2) | Nhóm O là nhóm phổ thông nhất, hơn 50% cá thể trong các quần thể dân cư của nhân loại mang nhóm máu này. Nhóm B hầu như không hiện diện ở các chủng thổ dân châu Mỹ và châu Úc và có tỉ là khá hơn ở châu Âu (15%), và đạt tỉ lệ 40% ở châu Phi, châu Á và Ấn Độ. Nhóm đẳng vị A2 hầu như chỉ giới hạn ở châu Âu. |
MNS, U (Hoặc Su) | Các chủng thổ dân châu Mỹ hầu như độc quyền nhóm M. Tại châu Úc phổ biến nhất là nhóm N và không có nhóm MS hay NS. Nhóm U + rất hiếm và hầu như chỉ giới hạn ở châu Phi. |
Rh (R1, R2, R0, R', R.....) | Các cá nhân mang nhóm Rh - rất ít và chỉ có khoảng 15% người châu Âu có nhóm máu này. Các nhóm đẳng vị của Rh + như R1, R2, R0... chủ yếu chỉ xuất hiện ở châu Phi và có tỉ lệ đến 70%. |
Duffy (Fya, Fyb, Fy) | Đa số thổ dân Úc và chủng Polynesia cũng như từ 90 đến 99% các chủng châu Á mang nhóm Duffy + (Fya). Và đây cũng là nhóm máu của 90% dân Ấn Độ, 85 - 90% thổ dân châu Mỹ, 65% dân Anh và Mỹ, và 27% dân Mỹ da đen. Nhóm Fya có tỉ lệ rất thấp ở châu Phi, nhưng Fy lại rất phổ biến (hơn 80%) |
Diego (Dia, Dib) | Nhóm Diego + (Dia) rất hạn chế ở châu Á và các thổ dân châu Mỹ (từ 2-20%) và không hiện diện ở châu Âu, châu Phi, Úc, Tiểu Á và dân Polynesia cũng như Eskimo. |
Kidd (Jka, Jkb) | Nhóm Kidd + (Jka) phổ biến nhất trong miền Tây Phi và các người da đen Mỹ (hơn 90%), tỉ lệ ở thổ dân vùng Bắc Mỹ là từ 70 - 90%, người châu Âu, khoảng 70% và ở Trung Hoa thì kém phổ biến hơn một ít (50 - 55%). |
Theo quy luật Mendelian, các gien đẳng vị về khả năng vị giác (ký hiệu là T) được di truyền như là một gien trội so với các gien đẳng vị khác (không phải là gien vị giác, ký hiệu là t). Bảy mươi phần trăm người Mỹ là những người có vị giác tinh tế, 30% còn lại không được như vậy. Về phương diện tần số gien, điều này có nghĩa là 55% quần thể dân cư Mỹ mang nhóm gien t. Cũng trong phạm vi này, tỉ lệ người Navaho có vị giác tinh tế là 98%. Và do vậy, tần số xuất hiện của gien t trong chủng Navaho là căn bậc hai của trị số 0,2 tức 14%. Đây rõ ràng cũng là một biểu hiện có ý nghĩa về sự dị biệt giữa các chủng tộc. Mặc dù các quần thể dân cư chưa được khảo sát đầy đủ về lãnh vực gien vị giác T và t, nhưng theo Boyd thì ''các kết quả có được từ loại gien vị giác này cũng có giá trị tương tự các yếu tố đã được chứng nghiệm trước đây như nhóm máu Rh - hay A2 chẳng hạn, cụ thể như các quần thể dân cư châu Âu có khuynh hướng khá khác biệt rõ ràng với những quần thể chủng Mông Cổ. Về phía các chủng tộc châu Phi, chúng ta chưa có các thông tin đầy đủ về cả hai lãnh vực này.
Tóm lại, về cơ bản, tần số gien của các nhóm máu và gien PTC là không giống nhau, Boyd cho rằng hiện tại có năm chủng tộc chính căn cứ theo những đặc điểm cơ thể (kiểu hình thái). Đó là các chủng tộc Caucasoid, Negroid, Mongoloid, Thổ dân châu Mỹ và Australoid. Chủng thổ dân châu Mỹ và chủng Mông Cổ có những đặc điểm nối kết gần gũi với nhau, nhưng ngưng kết tố nhóm máu B hiện diện ở chủng Mông Cổ và hoàn toàn không có mặt ở chủng Thổ dân châu Mỹ lại chứng tỏ rằng kể từ khi di dân đến Tân thế giới các chủng thổ dân này đã hội đủ những dị biệt chủng tộc để có thể được xếp thành một chủng tộc riêng lẻ.