Tài liệu: Con người có y phục

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thế nên, chúng ta có thể kết luận rằng việc cắt may y phục đã không được coi là một trong những nghệ thuật của con người
Con người có y phục

Nội dung

Con người có y phục

Thế nên, chúng ta có thể kết luận rằng việc cắt may y phục đã không được coi là một trong những nghệ thuật của con người. Hầu hết loài người, kể cả những dân tộc có trình độ văn minh tinh tế như người Hi Lạp và La Mã, cũng phát triển tốt đẹp mà không cần đến nghệ thuật may mặc. Một đặc tính chung của việc may mặc là khâu vá, làm cho y phục vừa vặn với thân hình, tầm vóc cơ thể. Ngay ý tưởng cắt may đã có nghĩa là làm cho ''vừa", và ''may cắt khéo" là làm cho y phục vừa hợp với thân hình thay vì là rộng hay chật hơn. Ở các miền khí hậu ôn đới và miền địa cực việc may cắt y phục ôm vừa thân người là rất có lợi. Quần áo được cắt may ôm sát cơ thể càng làm tăng hiệu quả cách nhiệt, vì chúng ngăn không cho gió lạnh lọt vào đến thân người. Trong những khu rừng mưa nhiệt đới hoặc trên những sa mạc khô hạn, cái lợi điểm của loại quần áo ôm sát thân người lại trở thành điểm bất lợi.

Vì vậy, hai yếu tố phối hợp lại để giới hạn sự phổ biến loại y phục may cắt thời tiền - Columbo trong phạm vi châu Âu, Bắc Á, và nửa phía Bắc của Bắc Mỹ là: (1) sự điều chỉnh có chọn lọc cho phù hợp với các yếu tố khí hậu và (2) việc may cắt y phục là một kỹ thuật tiên tiến mà những cư dân ở Fuego, chắc chắn là đã có dùng quần áo ấm, đã không phát minh ra.

Những cải tiến về văn hóa tự bản thân không mang lại ích lợi tương ứng và được biểu lộ qua ảnh hưởng yếu ớt của việc truyền bá y phục, cách ăn mặc của người châu Âu cho người Yahgan. Cooper viết về họ như sau:

Theo chúng tôi, y phục của người Yahgan là cực kỳ không phù hợp với các điều kiện thời tiết - vào mùa đông nhiệt độ thường xuống dưới không độ, gió mạnh, thường xuyên có tuyết rơi, mưa đá, và mưa lạnh - nhưng dường như y phục kiểu châu Âu khiến họ yếu ớt đi, và với tình trạng sức khỏe tương đối tốt đẹp của họ từ trước cho đến lúc bấy giờ, thì có lẽ y phục của họ đã thích nghi hoàn toàn và hợp lý với môi trường.[1]

Trong trường hợp này, chúng ta nhận thấy rằng y phục của họ dường như không có vẻ gì là thích nghi một cách hợp lý cho lắm (mà chúng thực ra cũng không thích hợp), như chúng buộc phải là như vậy trong một điều kiện môi trường tự nhiên, riêng biệt nào đó. Các điều chỉnh thường mang tính sinh học hơn là tính văn hóa. Sự du nhập của loại y phục cắt may kiểu châu Âu và nhiều nhân tố khác là một sự biến cải về văn hóa đã làm thay đổi toàn thể môi trường của người Yahgan, gây xáo trộn một cách tai hại sự cân bằng sinh học giữa họ và thế giới tự nhiên. Sự tuyệt chủng không thể tránh được rõ ràng là đã giáng vào họ.

Dĩ nhiên, đây là một hậu quả thông thường của sự giao tiếp văn hóa khi những con người hết sức sơ khai phát hiện môi trường của mình không còn ổn định trước, các nhân tố xâm nhập phát xuất từ một nền văn hóa xa lạ, cao hơn, và được du nhập một cách đột ngột.

Sự truyền bá việc cắt may y phục

Trở lại với vấn đề về sự phổ biến của y phục cắt may, người ta nhận ra nó có nguồn gốc từ các dân tộc vùng cực và cận Bắc cực ở Siberia, Bắc Mỹ, và người Trung Hoa cổ. Sự phổ biến của việc cắt may y phục ở Bắc Mỹ, như Wissler chỉ ra[2], trong cùng phạm vi sự phân bố của việc chăn nuôi loài tuần lộc ở châu Á, sự kết hợp có cùng phạm vi phân bố với những khu vực có loài hươu sừng tấm. Đáng lẽ người da đỏ ở vùng Duyên hải phía Tây Bắc đã dễ dàng nắm được kỹ thuật cắt may (họ đã khâu những cái hộp lại với nhau), nhưng trên thực tế họ đã không làm được. Tuy vậy, những người săn bò tót ở vùng Đại Bình Nguyên lại tinh thông kỹ thuật này; họ đã may được những chiếc sơ mi và áo dài lụng thụng theo kiểu áo poncho cải biến.

Việc cắt may y phục thực sự đã được những người Eskimo và người thổ dân da đỏ sống trong những khu vực rừng rậm Canada thực hiện. Loại áo bành tô được ráp thêm hai tay áo, và cả cổ áo. Y phục của người Eskimo với mặt lông da thú hướng vào bên trong, còn lớp da bên ngoài được nhuộm màu và trang trí, không chỉ có công dụng về mặt chức năng mà còn về mặt thẩm mỹ nữa.

Việc phổ biến kỹ thuật cắt may y phục trong thời tiền sử đặt ra cho chúng ta một số vấn đề mà đến nay vẫn chưa được giải quyết. Có phải kỹ thuật ấy đã được truyền bá từ nền văn minh Trung Quốc cổ đại đến các cư dân man dã Siberia, rồi từ đó truyền sang phía đông và phía tây? Hay chính những người chế tác da thú ở miền Bắc Á đã phát triển kỹ thuật ấy và từ đó nó được du nhập vào Trung Hoa?

Sự truyền bá sang phía tây vào châu Âu thực sự chỉ xảy ra nhiều thế kỷ sau các cuộc chinh phục của Caesar. Và cuối cùng, do sự phá vỡ đường biên giới cắt các nước châu Âu trong các giai đoạn lịch sử cận đại, khi y phục cắt may trở thành một biểu tượng của người châu Âu đi chinh phục, thì con người ở khắp mọi nơi trên thế giới đã khoác lên cơ thể họ những bộ “đồ tây”. Chiếc xà-rông xinh xắn của cư dân Polynesia làm bằng vỏ lụa tách ra từ một loại cây đã nhường chỗ cho chiếc áo dài không có thắt lưng theo kiểu của các giáo sĩ. Thế nhưng khi “văn minh hóa” người Polynesia khỏi chiếc xà-rông, những con người hiện đại chúng ta đã kịp tước lấy vẻ đẹp của chiếc xà rông ấy để đem về gán cho áo váy của chính mình.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2580-02-633536292157343750/Y-phuc-va-trang-suc/Con-nguoi-co-y-phuc.h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận