Đồ trang sức và sự trang sức
Mỹ phẩm và nữ trang
Bình thường mỗi năm người Mỹ chi tiêu hàng tỷ đôla cho mỹ phẩm. Không phải con người sơ khai mà chính là con người bình thường trong mỗi chúng ta gây ra cái chuyện có vẻ hoang phí này. Theo quan điểm khắc kỷ thì cái đẹp do mỹ phẩm mang lại là giả tạo và thấp kém. Thế nhưng, nước hoa, son phấn, sắc màu và các chất tổng hợp làm biến đổi cấu trúc bề mặt, cùng màu da, cảm giác, và mùi hương của mặt ngoài cơ thể con người đều không mang tính sơ khai, cũng chẳng phải là văn minh gì. Chúng là những đáp ứng có tính phổ cập về mặt văn hóa đối với cái nhu cầu cơ bản của con người - được người khác ưa thích, mến mộ. Chúng được dùng để tăng thêm cường độ kích thích cho sự hiện diện thể xác của một con người trước xúc giác, khứu giác, thị giác, và có lẽ kể cả vị giác của những người khác. Những người khác đó thường là người khác phái, nhưng cũng không chỉ là những người khác phái thôi đâu. Nếu cá tính là giá trị kích thích về mặt xã hội của mỗi cá nhân, thì mỹ phẩm có giá trị tăng cường cho cá tính.
Tô vẽ cơ thể
Phấn hồng là thứ mỹ phẩm được dùng phổ biến nhất vì hai lý do: (1) thổ chu (hay oxit sắt) có ở nhiều nơi, và dễ cung ứng được ngay, và (2) màu đỏ là màu nguyên thủy với bước sóng dài nhất mà mắt người dễ nhìn thấy, có giá trị kích thích tự nhiên cao nhất. Khi được trộn với mỡ bôi lên da thứ mỹ phẩm này có thể vô hại. Các màu được ưa thích khác là vàng, đen, xanh nước biển, và trắng.
Đối với người nguyên thủy, việc tô vẽ màu sắc trên thân thể phần lớn chỉ giới hạn trong một số trường hợp đặc biệt. Dĩ nhiên, những trường hợp đó thường là các dịp nghi lễ và cúng tế. Những cơ hội như thế là rất đặc biệt, nên việc vẽ màu sắc trên thân người thường có ý nghĩa biến đổi một cá nhân từ một người bình thường thành một biểu tượng khác thường nào đó. Hình vẽ liên quan đến chủ đề chiến tranh thường liên kết với một năng lực huyền bí, ít nhắm vào việc hù dọa kẻ thù hơn là giúp nâng đỡ tinh thần cho con người nhút nhát mang hình vẽ ấy. Bởi thế, tập quán sử dụng mỹ phẩm nguyên thủy thường mang những giá trị có tính cách tượng trưng.
Xăm mình
Sự bất cập của vẽ hình trên cơ thể và của mỹ phẩm, như bất cứ người phụ nữ nào cũng biết, là không giữ chúng được lâu. Giải pháp mà nhiều người tìm đến là xăm mình. Ở Bắc Mỹ người ta thấy hình thức xăm mình thô thiển nơi người Eskimo, tiếp tục đi dần xuống vùng duyên hải phía Tây, và vào Nam Mỹ. Tuy nhiên, hai trung tâm lớn nhất của nghệ thuật này là Polynesia và Nhật. Điều thú vị là vị thế xã hội đi kèm với trò xăm mình ở Polynesia và ở thế giới văn minh là trái ngược nhau. Giữa người Mỹ, giới lính tráng và thủy thủ cấp hàm thấp, giới bốc xếp ở các bến cảng, và những người lao động phổ thông thường là những người xăm mình nhiều nhất. Những người trong giai cấp thượng lưu thì coi trò xăm mình là hạ cấp. Nhưng trong các tầng lớp thấp, hình xăm trên cơ thể là biểu trưng cho nam tính và sự mạnh mẽ. Ở polynesia, người có địa vị xã hội càng cao thì thân thể họ càng phủ đầy hình xăm. Hình xăm chằng chịt trên mặt, trùm cả thân hình, lan khắp tứ chi, và trong một vài trường hợp quá ''bốc'', người ta xăm cả trên lưỡi. Tiến trình thực hiện hình xăm kéo dài lâu lắc và đau đớn, nhưng bù lại phấn thưởng về mặt xã hội luôn xứng đáng với sự chịu đựng đã bỏ ra.(Hình 18.4).
Một hình xăm được thực hiện bằng cách dùng kim châm vào da có tẩm một loại thuốc nhuộm không bao giờ phai màu - thường là màu than đen. Thực tế này lại gây khó khăn cho người Phi châu và Úc châu vì họ chưa phát minh được thuốc nhuộm màu trắng để xăm mình. Ở châu Phi và châu Úc, người ta tìm được giải pháp là rạch da thay vì châm kim. Sau đó người ta bôi tro, hoặc bột đá, hay chất gây ngứa nào đó vào vết thương, để tạo các mô sẹo. Thế là hàng loạt sẹo lồi nổi lên thành các mẫu hình luôn được thấy rõ.
Ở miền Trung châu Úc, việc tạo sẹo như thế được coi là một phần trong những nghi thức bắt đầu tuổi thanh niên của một đứa con trai. Mẫu hình xăm chỉ đơn giản là những đường rạch song song trên ngực và trên lưng, nhưng chúng là tuyệt đối cần thiết để chứng tỏ sự trưởng thành, vì vậy trong cuộc sống về sau các cá nhân tự nguyện lặp lại thủ tục này để giữ cho các vết sẹo luôn được to hơn và mới hơn.
Ở châu Phi, việc tạo sẹo trên cơ thể đối với người Congo và Bantu thường là một phần của nghi thức công nhận người đến tuổi thành niên. Trong một số trường hợp, các mẫu hình xăm thường là các mẫu hình họa kỷ hà rất chi tiết.
Trong các hội huynh đệ truyền thống của người Đức, sinh viên và nhân viên các trường đại học thường rất coi trọng các cuộc đấu sẹo vốn được đánh giá là rất quan trọng về mặt giới tính. Vết thương nào không mưng mủ và không để lại vết sẹo rõ ràng sẽ bị coi là thua cuộc. Những cuộc thách đấu cũng quan trọng không kém là những cuộc đấu - tự lãnh - sẹo, những người chưa có vết sẹo nào dùng dao lam tự rạch da mình rồi xát muối vào vết thương để tạo ấn tượng với kẻ khác rằng họ cũng đang mang những vết sẹo danh dự.
Trang điểm bằng cách cắt xẻo hoặc làm biến dạng cơ thể
Xăm mình và tạo vết sẹo là những cách trang điểm nhân tạo duy nhất mà con người buộc cơ thể của mình phải gánh chịu. Còn việc xâu lỗ qua thành mũi, lưỡi, hay vành tai để xỏ các khúc xương, lông chim, vỏ sò, mảnh gỗ, hay các vật trang sức bằng kim loại cũng được nhiều dân tộc áp dụng từ thuở sơ khai hoang dã hoặc trong những xã hội văn minh tiên tiến nhất. Chỉ mới gần đây thôi, việc phát minh chiếc vít và kẹp hoa tai đã giúp cho phụ nữ Mỹ tránh khỏi việc xỏ lỗ tai, và vành tai không xỏ lỗ vẫn là chỗ thuận tiện để đeo lủng lẳng các loại trang sức dễ thương.
Người Inca, ở Nam Mỹ, và người Baganda, trong số những dân tộc khác ở châu Phi, căng rộng dần cái lỗ trên dái tai họ để mắc vào đó những chiếc dĩa mỏng có đường kính từ một tấc rưỡi đến hai tấc! Tầng lớp quí tộc Inca thì mang những chiếc dĩa bằng vàng. Phụ nữ Baganda, với chiếc dĩa căng môi to đùng, là hình ảnh rất quen thuộc với những khán giả của những màn trình diễn xiếc. Việc tách rời các khớp xương cổ và kéo cho chiếc cổ dài ra bằng cách đeo vào cổ những chiếc vòng bằng đồng thau chồng lên nhau như phụ nữ Myanmar, là một sự tự làm biến dạng cơ thể quen thuộc khác.
Sự biến dạng xương sọ được coi là một dấu hiệu của vẻ đẹp theo quan niệm của nhiều bộ lạc da đỏ ở Tây Bắc nước Mỹ (chẳng hạn, những người - đầu - bẹt "Flatheads'' ở Idaho), người Inca, và nhiều tộc người khác ở vùng Andes; những người này buộc vào đầu đứa trẻ từ lúc còn nằm nôi một tấm ván ép vào vùng trán, làm cho trán đứa trẻ lõm vào và xương chẩm nhô cao lên. Người ta còn dùng vải quấn quanh đầu để tạo được những cái đầu dài nhằng.
Cắt bao qui đầu và cắt nội bì bộ phận sinh dục thì không phải nhằm để trang điểm hay làm đẹp gì cả, mà chỉ là những cuộc phẫu thuật mang tính cách thần bí và để xác định thân phận xã hội. Một đằng là cắt bỏ bao qui đầu dương vật; đằng kia là rọc lớp da và niệu đạo theo chiều dọc bộ phận sinh dục nam. Với những người ở miền Trung châu Úc, những cuộc phẫu thuật loại này, mà hậu quả thường rất thảm khốc, tượng trưng cho nam tính trong một xã hội tôn sùng nam giới và do nam giới thống lãnh. Cũng giống như việc tạo sẹo những cuộc phẫu thuật này không hề vì mục đích thẩm mỹ, được thực hiện nơi các bé trai như một phần nghi thức bắt đầu tuổi trưởng thành, mà dụng cụ phẫu thuật là những con dao chế tác bằng đá lửa. Hầu hết các bộ lạc châu Phi cũng tiến hành cắt da qui đầu ở tuổi thành niên với những lý do tương tự. Cắt bao qui đầu lã một dấu hiệu xác định thân phận có tính bắt buộc đối với nam giới theo đạo Hồi, và người theo chính thống giáo Do Thái.
Tục cà răng hoặc nhổ bỏ răng cửa được áp dụng rải rác từ châu Úc sang Melanesia, Indonesia, và vào đến Phi châu. Người châu Âu thời tiền sử và người da đỏ châu Mỹ không theo tục này. Trong tất cả những tập tục về trang điểm mà con người tự đặt ra cho bản thân mình có lẽ đây là tục lệ điên rồ quái gở nhất. Tạo vết sẹo, xăm mình, và cắt da qui đầu có thể gây đau đớn, nhưng ngoài việc dễ khiến cho người ta bỏ mạng vì nhiễm trùng, chúng không gây tổn hại đến sức khỏe của cơ thể. Còn việc tự ý phá hủy răng mình sẽ gây tổn thương cho sức khỏe ở một mức độ nhất định nào đó.
Vậy mà, theo như những điều được chúng ta thảo luận ở đây, những tổn thất về mặt cơ thể được đền bù lại bằng những giá trị xã hội. Tinh thần vượt trên vật chất. Những sự thỏa mãn về mặt tâm lý dù không hợp lý thì chẳng chết chóc gì, miễn là các yêu cầu căn bản đã được đáp ứng. Công nghiệp thời trang và đồ trang sức, các hãng mỹ phẩm, các nhà cung cấp hàng hóa, và các chuyên gia thẩm mỹ có thể yên chí là dịch vụ của họ rất có tương lai - một tương lai còn kéo dài mãi đến chừng nào nhân loại vẫn còn tồn tại.