Tài liệu: Các phong cách nghệ thuật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nghệ thuật trang trí có thể mang tính biểu hiện, chẳng hạn, hoa văn hay hình dạng có thể mô tả chân dung của đối tượng nào đó
Các phong cách nghệ thuật

Nội dung

Các phong cách nghệ thuật

Nghệ thuật trang trí có thể mang tính biểu hiện, chẳng hạn, hoa văn hay hình dạng có thể mô tả chân dung của đối tượng nào đó. Sự trang trí có thể nhằm mục đích tượng trưng cho một vật thể có thực. Nếu sự biểu hiện đó là chân thực với nguyên mẫu thì người ta cho là nó có tính tự nhiên, như các hình vẽ trong hang động châu Âu, hay những hình người nhảy múa sinh động với tứ chi dài ngoằng và thân mình mỏng manh, và những chuyển động uyển chuyển theo sự hình dung của người Bushmen. Từ phong cách trong nghệ thuật biểu hiện có thể được nắm bắt nhanh chóng bằng cách so sánh sự biểu hiện có tính tự nhiên của những vũ công Ai Cập với sự biểu hiện trong các bức tranh của người Bushmen. Hình 19.5 cho chúng ta một ví dụ rất khác thường về phong cách trong nghệ thuật điêu khắc của người Zapotec ở Oaxaca, Mexico.

Cùng với những con người đó có thể là dấu ấn của chủ nghĩa tự nhiên. Từ ''phong cách”có nghĩa một sự tách ra khỏi chủ nghĩa tự nhiên tuyệt đối. Các nghệ sĩ luôn luôn sáng tác những tạo phẩm của mình ở một chừng mực nào đó. Ảnh tư liệu, cũng như các tấm ảnh chộp nhanh của hầu hết các tay chụp ảnh nghiệp dư, đều không phải là nghệ thuật. Nhưng với sự chọn lựa ánh sáng, bố cục ảnh, và sự chăm chút sửa chữa khuôn hình, thì việc chụp ảnh đã đạt gần đến mức độ nghệ thuật. Hình minh họa một mẫu vật giải phẫu trong sách giáo khoa là một thể hiện mang tính khoa học, song không thể là tác phẩm nghệ thuật. Phong cách hàm nghĩa một sự biến đổi được tiêu chuẩn hóa, có chọn lọc của một hình tượng có thật để tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ và một sự biểu hiện đặc thù nào đó. (Hình 19.6).

Phong cách trong nghệ thuật của miền Duyên hải Tây Bắc

Một trong những điểm đặc biệt nhất của các phong cách nghệ thuật cổ sơ là phong cách này xuất phát từ miền duyên hải Tây Bắc của Bắc Mỹ, và được minh họa trong các hang động và hình vẽ trên các loại mặt nạ, trên các cột vật tổ (totem), trên xương, trên những chiếc trống lắc những chiếc dĩa, thìa muỗng, canô, nhà, và trên nhiều vật khác. Sự cường điệu trong nghệ thuật biểu hiện không dẫn đến các mẫu hoa văn kỷ hà, nhưng đưa đến một sự phong-cách-hóa độc đáo mà trong đó hình dạng một cơ thể vẫn có thể được nhận ra, mặc dù nó đã bị biến điệu về kích thước và bố cục. Tất cá các vật thể nghệ thuật của miền duyên hải Tây Bắc nhằm các mục tiêu ứng dụng thiết thực, và do vậy, tính trang trí ít nhiều phụ thuộc công dụng của vật dụng được trang trí. Rõ ràng, đây tuyệt nhiên không phải là nền nghệ thuật tự do.

Các ảnh hưởng của sự phụ thuộc này trong nghệ thuật đối với món vật dụng là thú vị nhất. Có thể nói, người nghệ sĩ có được một diện tích trang trí mà anh ta phải phủ cho kín. Anh ta ghét các khoảng trống. Anh ta cũng mong muốn các chi tiết trang trí của mình thể hiện một ý nghĩa nào đó trong cuộc sống của động vật. Do vậy, anh ta buộc phải cắt, chặt, vặn vẹo các hình thể rồi lắp ráp các tạo vật của mình lại cho đầy các khoảng trống, bất kể là trên bề mặt một chiếc hộp, chén bát, mũ bằng gỗ, hay trên một chiếc trống lắc. Sự méo mó trở thành một dạng biểu hiện được dùng trong biếm họa. Nhưng đặc điểm thuần hoa văn cũng không triệt tiêu toàn bộ tính biểu hiện, những thôi thúc sáng tạo của người nghệ sĩ miền Duyên Hải Tây Bắc không mang tính thẩm mỹ thuần túy. Hình vật tổ, với đậm tính huyền thoại của thị tộc và nguồn gốc dòng dõi từ những tổ tiên động vật hào hùng, tràn ngập trong hầu hết tác tạo nghệ thuật của miền Duyên hải Tây Bắc. Nghệ thuật biểu hiện mô tả không chỉ một động vật, nhưng là một loài động vật tiêu biểu cho một số sự kiện có tính huyền thoại hoặc lịch sử trong bối cảnh xã hội của người nghệ sĩ. Điều hứng thú này trong nghệ thuật là đối trọng với khuynh hướng vẽ biếm họa phóng tay quá trớn. Phương pháp giúp mục đích này đạt được hiệu quả là sự tiêu chuẩn hóa thành những biểu tượng nhất định, bất biến căn cứ vào một trong vài đặc tính cơ thể đặc biệt và nổi bật của sinh vật tự nhiên được minh họa. Vậy thì, bất kể sự cách điệu, méo mó kỳ quái như thế nào đi nữa của các mẫu hoa văn trang trí lạ lùng hay trong sự bay bổng của trí tưởng tượng, thì thông điệp mà sự thể hiện của người nghệ sĩ muốn chuyển tải vẫn không thể bị mất đi bởi những hình dạng hoặc các đường nét vô nghĩa kia.

Những nét đặc biệt của loài hải ly là dễ được nhận thấy nhất trong nghệ thuật biểu hiện của miền Duyên hải Tây Bắc - chiếc đuôi vẫy bùn, dẹt, có vẩy và những chiếc răng bén ngọt. Những chi tiết này luôn luôn có mặt trong bất cứ hình ảnh mang tính nghệ thuật nào về loài hải ly. Trong hình 19.7 chúng ta thấy một cột vật tổ hình hải ly của người da đỏ Haida. Hình con hải ly có thể dễ dàng được nhận thấy qua hai chiếc răng cửa lớn và, do cột vật tổ được nhìn từ phía trước, chiếc đuôi được cuộn lên phía trước kẹp giữa hai chân, nếu không có chi tiết này thì cũng khó mà nhận ra được. Vì hải ly là loài vật chuyên cắn phá thân cây, cho nên nó thường, không phải là luôn luôn, được biểu hiện bằng hình thức một thân cây hoặc một khúc gỗ kẹp trong các vuốt chân. Một điểm quan trọng khác là hai vành tai nhô lên. Mặc dù người ta thấy sự cách điệu hóa của khuôn mặt hướng tới trước theo khuynh hướng mặt người (tất cả các sinh vật huyền thoại đều nói năng, suy nghĩ và hành động như con người), nhưng những cái tai nhô cao lên khỏi đầu là một bằng chứng cụ thể, riêng biệt, cho thấy hình tượng ở đây là một động vật, không phải con người.

Con gấu trong hình 19.7 nằm trọn trong một khung hoa văn hình vuông. Một lần nữa đôi tai xác định đó là một con vật. Răng là răng gấu, nhưng dấu hiệu quan trọng được nhận ra là những móng vuốt dài. Hãy chú ý chi tiết lưng con gấu, dường như được xẻ ra và căng rộng ra hai phía cho vừa vặn với khung hình vuông phẳng.

Ví dụ thú vị nhất về cách áp dụng phương pháp khéo léo này là cách xử lý việc biểu hiện loài cá mập trong hình 19.7. Các tính chất đặc biệt của con cá mập, đều thể hiện trên khuôn mặt, là (1) một cái miệng rộng, hai bên khóe miệng trễ xuống, (2) có nhiều răng bén, (3) các khe mang trên má, (4) mất to và tròn, và (5) một cái trán thuôn và cao trên đó có vẽ hai vòng tròn to giống hai con mắt và các khe mang tạo nên hình dạng một khuôn mặt giả. Do những nét đặc biệt này dễ nhìn thấy nhất từ phía trước, nên đầu cá mập không được vẽ theo dạng nhìn nghiêng. Dù vậy, thân cá phải được vẽ theo dạng nhìn nghiêng. Để đạt được sự đối xứng, người nghệ sĩ đã xẻ dọc con cá theo sống lưng, và căng hai phần sang bên phải và bên trái của đầu cá. Cái mà thoáng nhìn qua chúng ta thấy giống đôi cánh chính là phần bên phải và bên trái của thân mình con cá mập được kéo ra hai bên, các vây ngực được vẽ lớn hơn; và để giữ cho toàn bộ con cá mập nằm gọn trong khuôn hình trang trí hình chữ nhật, phần đuôi xẻ ra được quặt xuống và quay vào trong ở cả hai phần thân cá.

Như thế chúng ta thấy người nghệ sĩ miền Duyên hải Tây Bắc, với tài năng và sự tinh tế, đã bố cục và cân bằng niềm vui thích của người thợ săn với sự giải phẫu con vật, hứng thú nghệ thuật của anh ta trong mẫu trang trí, sự không ưa thích khoảng trống, và huyền thoại về vật tổ, vào trong một sự cách điệu nghệ thuật rất công phu. Trong cuộc đấu tranh giữa sự thể hiện tự nhiên và chủ nghĩa tượng trưng, không có bên nào thắng. Nghệ thuật miền Duyên hải Tây Bắc vừa mang tính biểu hiện tự nhiên vừa có tính tượng trưng.

Sự biến đổi của các phong cách

Khía cạnh thú vị của nghệ thuật cổ sơ là sự xuất hiện của nhiều phong cách nghệ thuật trong cùng một nền văn hóa, mỗi phong cách kết hợp với một phương diện cụ thể của nền văn hóa và không pha trộn với nhau. Trên sông Klamath, giữa những người da đỏ Yurok, những biểu hiện mang tính tự nhiên chủ nghĩa đầy rẫy trong các tác phẩm bằng gỗ, nhưng đây lại là điều cấm kỵ trong các loại sản phẩm đan dệt, nơi chỉ cho phép dùng các mẫu hoa văn kỷ hà. Tại sao vậy? Chủ nghĩa tự nhiên trong các mẫu hình đan dệt, theo niềm tin của họ, chắc chắn sẽ mang lại rủi ro, đặc biệt là những điều không tốt lành cho đôi mắt, như có lần đã xảy ra với một phụ nữ, theo như các mẩu chuyện ngồi lê đôi mách của các phụ nữ bản địa.[1]

Những tác phẩm điêu khắc thể hiện các vị thần trên quần đảo Cook cho thấy một sự tương phản giữa hai vật thể liên quan gần gũi với nhau. Những vị thần cá nhân, thuộc về những cá thể riêng biệt được thể hiện bằng những bức tượng nhỏ thô kệch nhưng cực kỳ hiện thực, được chạm khắc theo lối cách điệu cao với phong cách tự nhiên chủ nghĩa. Mặt kia, những thần linh tổ tiên của bộ lạc “chỉ được thể hiện bằng những tượng khắc gỗ mang tính trừu tượng cao, hầu hết đều không mang dáng dấp dễ nhận biết liên quan đến con người”[2]. Những vị thần của tập thể luôn luôn được cách điệu và mang tính trừu tượng cao (Hình 19.8). Những mảng lồi hình bướu xếp dọc theo thân, nếu được nhìn từ bên trái, thì chúng ta sẽ nhận ra đó là một loạt đầu và hình người mang tính quy ước rất cao.

Một ví dụ thú vị nhất về sự trừu tượng mang tính tượng trưng là việc thờ cúng các dụng cụ dùng trong nghi lễ, vì chúng thay mặt một vị thần là tổ nghề của những người thợ giỏi. Chiếc rìu lưỡi vòm được chế tác một cách tuyệt vời của quần đảo Cook (Hình 19.9) là vị thần tượng trưng cho công cụ cơ bản của họ. Họ thực sự thờ cúng (theo nghĩa đen) các dụng cụ do họ chế tác. Tuy nhiên, cư dân đảo Cook, dù tài năng nghề nghiệp của họ có pha màu sắc tôn giáo và ma thuật, biết rằng muốn làm tốt công việc thì phải có dụng cụ tốt, và họ cho rằng sự tô điểm trang trí không cần thiết chỉ tổ làm hỏng chức năng của vật dụng mà thôi. Bởi thế, dù công cụ và những vật dụng của họ được tạo tác rất chắc chắn, nhưng hiếm khi được trang trí tô điểm gì. Tất cả nỗ lực về trang trí được dành cho những tượng thần thánh.

Trong bối cảnh này, thiết nghĩ cũng nên đề cập đến sự am tường các hình thức (nghệ thuật) mang tính chức năng của người Micronesia. Chỉ dân tộc nào “biểu lộ được tính thẩm mỹ qua sự thành thạo kỹ năng nghề nghiệp và am hiểu mục đích chức năng thay vì chỉ đơn thuần là sự trang trí tỉ mẩn”[3], mới có thể tạo ra được một mẫu vật tân kỳ sắc sảo thanh thoát như chiếc đĩa bằng gỗ của người dân quần đảo Matty, như trong hình 19.10.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2581-02-633540459968251250/Nghe-thuat/Cac-phong-cach-nghe-thuat.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận