Tài liệu: Cấu trúc xã hội

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Bây giờ chúng ta quay sang tổ chức xã hội và cái bộ phận của ngành nhân chủng học thường được gọi là nhân chủng học xã hội, tức sự nghiên cứu về cấu trúc xã hội cùng các mối liên hệ của nó
Cấu trúc xã hội

Nội dung

Cấu trúc xã hội

Bây giờ chúng ta quay sang tổ chức xã hội và cái bộ phận của ngành nhân chủng học thường được gọi là nhân chủng học xã hội, tức sự nghiên cứu về cấu trúc xã hội cùng các mối liên hệ của nó. Với cụm từ cấu trúc xã hội chúng ta muốn nói đến những cách mà theo đó các nhóm cá nhân được thiết lập và liên hệ với nhau trong một thực thể chức năng là xã hội. Nền văn hóa của mọi xã hội bao gồm những ''hướng dẫn'' theo nghĩa bóng đề ra những nhiệm vụ chính phải thực hiện; các chức vụ của những nhân vật chủ chốt, và phương hướng cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các nghĩa vụ phải thực hiện (như các giá trị) tạo nên điều mà Malinowski gọi là hiến chương của các định chế xã hội. Các chức vụ có thể được coi như là các vị thế xã hội. Các chỉ thị nhằm hoàn tất những phận sự khác nhau có thể gọi là vai trò.

Các hiến chương về định chế, các địa vị xã hội, và những vai trò xã hội có thể được minh định rõ ràng trong một nền văn hóa cụ thể, mà cũng có thể không. Hầu hết những điều đó thường không được rõ ràng cho lắm. Chúng thâm nhập, ẩn tàng trong phong tục tập quán hoặc trong những hoạt động đã trở nên bình thường. Tuy vậy, đa số vấn đề này đều được biểu lộ trong các nghi lễ, ca dao tục ngữ dân gian, chuyện thần thoại, tín điều tôn giáo, và trong luật pháp. Cho dù các qui chuẩn là bất thành văn hay được che đậy, hoặc được phát biểu công khai một cách bình thường thì người ta cũng có thể phát hiện, công bố, cũng như phân tích được chúng. Đây là nhiệm vụ của nhà nhân chủng xã hội học và các nhà khoa học khác chuyên nghiên cứu về hành vi của con người.

Các định chế xã bội

Một định chế là một hệ thống những thủ tục tập trung vào những lợi ích cốt lõi nhất định. Ví dụ, các định chế về kinh tế gồm những hành vi tiêu biểu tập trung vào việc sản xuất, phân phối, và việc sử dụng các loại hàng hóa tiêu dùng. Các định chế kinh tế bao gồm những hệ thống hành vi của việc sản xuất thực phẩm và tạo tác công cụ; trao đổi, mua bán, quyền ưu tiên, tặng vật và sự thừa hưởng; sử dụng, tích trữ và tiêu dùng; và sự sở hữu, sự chiếm hữu, cùng quyền thụ hưởng hoa lợi - tất cả mọi thứ chủ yếu nhắm vào sự sản xuất và sử dụng hàng hóa với dịch vụ. Các định chế hôn nhân chủ yếu nhắm vào sự thiết lập các quan hệ giữa những người khác phái, nhất là xác định việc kết hợp đôi lứa, sự nuôi dưỡng và hòa nhập văn hóa của giới trẻ, của các hoạt động kinh tế gia đình, việc thiết lập và duy trì sự tương hỗ giữa các nhóm người thân thuộc, và việc hợp pháp hóa quyền thừa kế. Các định chế tôn giáo chủ yếu nhắm tới việc xác định những lãnh vực siêu nhiên, hình thành các nghi lễ có hiệu quả để xử lý những vấn đề thuộc siêu nhiên, và biểu tượng của thực thể xã hội. Tất cả các định chế trong cùng một xã hội cùng đan xen chồng chéo lên nhau. Vì thế chúng ta đã nhấn mạnh ý ''chủ yếu nhắm vào'' trong khi nói đến các lợi ích hoặc mục tiêu chính của các loại định chế nhất định. Các định chế hoàn toàn không loại trừ nhau.

Hiến chương của các định chế. Hiến chương của một định chế chứa đựng những ''tuyên ngôn'' lý giải nguyên nhân và mục đích hiện hữu của định chế đó. Ví dụ, các chuyện thần thoại, truyền thuyết, và những phán định nhằm gán tính thiêng liêng và quyền lực cho những thứ được chọn lựa và những sự phó thác mà xã hội đã tạo ra; chúng cho biết tại sao những thứ đó phải như thế, và tại sao mọi người phải tuân phục các mục tiêu đã được đề ra.

Nhân sự của các định chế. Tất cả định chế đều có nhân sự. Các định chế cho thấy sự ổn định và trật tự đều do quá khứ truyền thống thiết lập nên; thế nhưng các định chế chỉ tồn tại trong các hoạt động hiện tại - trong hành vi của những con người thừa hành chức năng. Những nhóm người nắm giữ vai trò trong bất cứ một định chế nào đều tạo nên phần nhân sự cho định chế đó. Các nhóm người được tổ chức theo tinh thần định chế trong các xã hội thời kỳ chưa có chữ viết được coi là những nhóm thân thuộc (gia đình nhỏ, gia đình lớn, tộc họ, dòng dõi, thị tộc, dòng tộc, và những thành viên có chung một tiên tổ), hoặc các đoàn thể (các nhóm đồng trang lứa, hội tương tế, các giáo phái, các tập đoàn kinh doanh, các nhóm hợp tác làm ăn, bang hội, và tiểu bang). Nhân sự trong một đoàn thể gồm các thành viên và các chuyên gia (những người thừa hành và các viên chức).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2582-02-633540478986220000/Chuc-danh-va-vai-tro/Cau-truc-xa-hoi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận