Chủ nghĩa tượng trưng trong nghệ thuật
Một biểu tượng là một hiện tượng hay sự việc bất kỳ nào đó thay thế cho ý nghĩa của một hiện tượng hay sự việc khác trong hệ tượng tư tưởng của một nền văn hóa. Biểu tượng được nhận biết một cách gắn bó với vật, hay sự vật được tượng trưng về mặt ý nghĩa mà nó gợi ra.
Một đặc tính tổng quát của các biểu tượng là tính không thể nhầm lẫn của chúng. Dù ở bất cứ hình thức nào, các biểu tượng đều có tính công khai và minh bạch, người ta có thể nhận ra chúng bằng thị giác, xúc giác hoặc khứu và vị giác. Chúng cô đọng cả những sự việc trừu tượng thành những sự vật cụ thể, được phân định rạch ròi. Trong khi những con chữ là biểu tượng của âm thanh, những biểu tượng trong nghệ thuật được tạo thành do sự kết hợp của đường nét, màu sắc, bố cục, hình thức và âm thanh tượng trưng cho những sự vật cụ thể hay những sự việc trừu tượng. Chúng cũng hàm chứa những tính chất rõ ràng về phương diện thẩm mỹ.
Nghệ thuật tượng trưng là cực đối nghịch với sự thể hiện theo phong cách tự nhiên. Sự cách điệu và qui ước hóa là những hình thức trung gian. Trong nghệ thuật qui ước, quá trình chọn lọc và tinh giản những chi tiết đã tiến đến mức độ mà sự trình bày và biểu hiện trở thành có tính tượng trưng hơn là hiện thực, mặc dù sự tương đồng để có thể nhận ra đối tượng gốc vẫn được duy trì.
Sự tiến triển của nghệ thuật tượng trưng
Mối liên hệ phát sinh giữa chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, từ lâu đã lôi cuốn sự quan tâm của các nhà nhân chủng học. Vào cuối thế kỷ mười chín, mối liên hệ này lại đặt ra những vấn đề cơ bản, làm cho các tác giả như Balfour, Haddon, và Holmes phải hao tâm tổn trí rất nhiều. Mối quan tâm hiện nay của ngành nhân chủng học chỉ nhắm đến những chức năng về mặt tâm lý xã hội, hơn là quá trình tiến triển của chủ nghĩa tượng trưng, tuy vậy, căn nguyên của chủ nghĩa tượng trưng vẫn là một chủ đề văn hóa quan trọng.
Các chi tiết trang trí kỷ hà của những nghệ sĩ thời sơ khai hiếm khi không mang một ý nghĩa nào đó; chúng luôn luôn là biểu trưng cho một suy nghĩ hay một cảm nhận có ý thức nào đó. Nhưng mức độ ý thức cao hay thấp và ý nghĩa của các biểu tượng cũng ít nhiều được tiêu chuẩn hóa, tùy theo từng người và nền văn hóa mà người ấy sống. Theo công trình nghiên cứu trước đây của Kroeber, đối với người Arapaho thì những khuôn mẫu hình hạt có những giá trị biểu trưng riêng, được trình bày ở hình 19.16. Một vài khuôn mẫu có thể mang nhiều giá trị biểu trưng khác nhau, có thể biểu hiện một cách khác nhau tùy theo bối cảnh và ý định của người nghệ sĩ thực hiện. Hình thoi đơn giản này có thể là biểu tượng của một ngôi sao, nhưng cũng có thể tượng trưng cho một lỗ rốn, một con mắt, một cái hồ, một con người, một chỗ trâu đằm, hoặc là phần bên trong của một chiếc lều tipi. Nhân tố con người hiện rõ trong chủ nghĩa tượng trưng đến nỗi những thổ dân trung thực luôn từ chối không diễn giải ý nghĩa của tác phẩm liên quan đến người khác, bởi vì họ cho rằng có thể họ không thể hiểu được ý định và mục đích của người nghệ sĩ liên quan. Tuy nhiên, ngày nay, những người thổ dân - khi đã dính vào việc mua bán luôn sẵn sàng đưa ra những lời giải thích lém lĩnh hoặc bí ẩn cho những người da trắng có ý định tìm hiểu ý nghĩa của các biểu tượng. Vì rõ ràng, đây là một phần không thể thiếu của việc mua bán.
Trường phái tượng trưng liên tưởng có thể xuất phát từ hai hướng. Các biểu tượng dạng hình như đường chéo hay gợn sóng... có thể chỉ là kết quả của việc vẽ, viết nguệch ngoạc, hoặc là những hạn chế cố hữu về mặt kỹ thuật nhằm gợi lên một ý tưởng liên quan với hình thức của biểu tượng; chẳng hạn như những dấu mực trong phương pháp kiểm nghiệm Rorschach có thể làm người ta liên tưởng đến nhiều sự việc khác nhau. Hoặc là ngược lại, người nghệ sĩ có thể trình bày một sự vật nào đó một cách chân thật, tự nhiên. Rồi sau đó, hình thức tự nhiên này được các nghệ sĩ đi sau chuyển hóa thành biểu tượng qui ước.
Một trong những biểu lộ rõ ràng nhất của qui trình thứ hai nêu trên là những đồ họa trang trí trên gốm thời Tiền Columbus của người Chiriqui nước Panama, được Holmes đưa ra xem xét và thảo luận. Trong số các mẫu họa tiết được Holmes xem xét, mẫu cá sấu là lôi cuốn và hấp dẫn nhất. Trong hình 19.17, một số mẫu họa tiết cá sấu được sắp xếp cho thấy mức độ tiến bộ của sự trừu tượng hóa những hình thức diễn tả cách điệu.
Các hình vẽ phía dưới bên phải của hình 19.17 cho thấy mức độ trừu tượng hóa đã dần phát triển trong biểu tượng chỉ một con cá sấu; từ những nét vẽ nguệch ngoạc khó lòng có thể cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một con cá sấu, đã tiến dần lên thành hình ảnh một con cá sấu cụ thể.
Phần phía dưới bên phải là hình vẽ một con cá sấu giương mõm, đuôi và những cái chấm là những chiếc vảy. Bên dưới nó là hình vẽ qui ước một con cá sấu hầu như rất khó nhận dạng, còn dưới nó là một vật trừu tượng loằng ngoằng khó mà nói được đó là biểu tượng một con cá sấu nếu không có thêm các chi tiết hiện thực để so sánh. Dưới cùng là một hình dạng cong cong giản dị phác hình một con cá sấu đang được đơn giản hóa dần dần qua sự trừu tượng tượng trưng để chỉ còn là một đường cong và một chấm. Biểu tượng “cá sấu” được lồng vào khung tròn phía dưới cuối bên trái rõ ràng là đã được trừu tượng hóa từ loại hình cá sấu được khắc trong khung hình thang phía trên. Để lồng con cá sấu này vào cho vừa diện tích dành cho nó, người nghệ sĩ đã phải bề cúp cái đuôi xuống, và phần chót đuôi được uốn cong vào trong. Đầu cá được xoay vào cho vừa với chỗ trũng do cái lưng oằn của con vật tạo ra. Các chi và những hình móc câu của các vảy trên gáy tạo thành ba đơn vị gắn vào nhau.
Mặc dù cái hình xoắn ốc nằm trong vòng tròn chẳng giống cá sấu tí nào, nhưng chắc chắn là nó phát khởi từ ý tưởng về con cá sấu được thể hiện ở trên. Có một loại đồ gốm mà bình thường được trang trí bằng hình cá sấu, cùng có chung dáng đuôi quặp vào. Mẫu hình gồm ba u lồi hình bán nguyệt (không nhiều hơn hay ít hơn), như con cá sấu có ba nhóm chân và vảy cổ hình bán nguyệt; và vòng phía trong của đường xoắn ốc tương ứng với cái vòng móc câu của chiếc mũi cá sấu. Phần trông giống như nét vẽ nguệch ngoạc hình kỷ hà là biểu tượng mang ý nghĩa từ sự thể hiện được kiểu thức hóa hình dạng một con vật có thật.
Holmes hoàn toàn tin tưởng rằng trong trường hợp này của người Chiriqui, những hình thức biểu tượng đã diễn ra theo một quá trình tiến triển rõ ràng từ hiện thực đến qui ước và sau cùng là trừu tượng. Một số quan điểm phê bình, phản đối giả thuyết này vì cho rằng giả thuyết này chỉ bao hàm một chuỗi sự kiện không vững chắc và Holmes cũng không đưa ra được bằng chứng nào về sự hiện diện của các hình thức hiện thực của thời đó. Từ một vài trường hợp đã biết, Boas và một số tác giả khác đã chỉ ra rằng quá trình tiến triển của một phong cách nghệ thuật là đi từ những hình tượng kỷ hà đến sự hiện thực, chưa có sự biện minh hoặc lý giải nào để thừa nhận cái ưu thế thắng của những hình thức tự nhiên, trừ phi có những chứng cứ địa chất hoặc lịch sử nói lên được chuỗi tiến trình đó.
Trên thực tế, trong khi không có bằng chứng trực tiếp nào về chuỗi trình tự về những mẫu họa tiết của người Chiriqui thì khả năng xuất phát của chúng từ những phác họa có tính hiện thực lại cao hơn so với trường hợp ngược lại.