Tài liệu: Các thuyết sơ khai về sự thụ thai

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chu kỳ cuộc sống bắt đầu bằng sự thụ thai. Thế nhưng không một dân tộc cổ sơ nào có được hiểu biết chính xác và có tính khoa học về bản chất của sự thụ thai
Các thuyết sơ khai về sự thụ thai

Nội dung

Các thuyết sơ khai về sự thụ thai

Chu kỳ cuộc sống bắt đầu bằng sự thụ thai. Thế nhưng không một dân tộc cổ sơ nào có được hiểu biết chính xác và có tính khoa học về bản chất của sự thụ thai. Thực tế này chẳng phải là kết quả của chuyện tị hiềm xấu hổ gì cả, mà chỉ là sự ngu dốt hay không hiểu biết mà thôi. Dù sao, ngay cả con người văn minh cũng chỉ mới có được sự hiểu biết cặn kẽ về ngành di truyền học trong vài trăm năm gần đây, và ngay trong xã hội chúng ta hiện giờ cũng vẫn còn vô vàn những chuyện nói nhăng nói cuội về chuyện sinh đẻ.

Tuy nhiên, đa số các dân tộc sơ khai có đủ sáng suốt để nhận thức được tính nhân quả của sự việc để liên kết hành động giao hợp với sự thụ thai. Một số dân tộc khá tinh tế có thể nhận ra rằng tinh dịch của đàn ông giữ một vai trò di truyền các thế hệ đời sống. Thế nhưng, ngay cá con người sơ khai cận đại nhất vẫn chỉ có thể có được cái quan niệm ngây thơ rằng người nam gieo hột giống sang cho người nữ nuôi dưỡng.

Có vô số ghi nhận về các quan niệm huyền bí đầy rẫy trong thế giới cổ sơ. Niềm tin phổ thông nhất cho rằng một đứa trẻ là sự đầu thai của linh hồn một tiền nhân nào đó, chui vào bụng người mẹ để lại được tái sinh[1]. Ở Úc, niềm tin này đã được nâng lên thành một chủ thuyết mạnh mẽ đến nỗi những người bản địa gạt bỏ bất kỳ một sự liên hệ nào giữa hoạt động tình dục và sự thụ thai khác, với quan niệm rằng trước hết dạ con của phụ nữ phải được mở ra cho linh hồn của tiền nhân chui vào.

Chức năng sinh lý của sự làm của

Thoạt tiên, các nhà nhân chủng học xem sự phủ nhận về mặt chức năng sinh lý đối với tư cách làm cha của thổ dân Châu Úc có một giá trị đương nhiên nào đó. Còn các nhà nhân chủng học hiện đại thì coi đó như một sự ức chế văn hóa về một thực tế có thể nhận thức được, mà mục đích là tiếp tục duy trì các học thuyết lỗi thời của hệ thống xã hội[2]. Thờ phượng tổ tiên và thờ cúng vật tổ là những chủ đề quan trọng trong nền văn hóa của thổ dân châu Úc. Sự tiếp tục tồn tại của nhóm người chủ trương thờ cúng vật tổ được nuôi dưỡng bởi học thuyết về sự đầu thai luân hồi. Vì vậy, thuyết giảng sự thật về mặt sinh lý học của tư cách làm cha thì có khác gì làm chuyện phá hoại, lật đổ các định chế thiêng liêng trong đời sống xã hội thổ dân Úc - rõ ràng là không có tinh thần dân Úc chút nào cả!

Cư dân đảo Trobriand theo chế độ mẫu hệ (xem trang 470) cho rằng người nam không có vai trò gì trong sự thụ thai ấy chẳng qua linh hồn của một tiền nhân trong thị tộc đã qua đời (được gọi là baloma) chui vào bụng người phụ nữ khi người ấy đang lội bì bõm trong vịnh. Linh hồn đó lớn lên thành đứa trẻ. Còn người Dobu ở gần đó thì cho là cư dân trên đảo Trobriand chỉ nói điêu thôi, vì theo họ tinh dịch của đàn ông chính là nước dừa do con người tiết ra, khi vào cơ thể phụ nữ nó làm cho máu trong bụng họ cô lại thành một phôi thai. Thật là một quan niệm đáng buồn. Trong quá khứ đã có rất nhiều lời qua tiếng lại giận dữ về vấn đề gây tranh cãi này khi người Dobu và người đáo Trobriand chạm mặt nhau, bây giờ thì họ đã khôn khéo tránh đụng chạm đến vấn đề này. Những người Dobu tháp tùng Fortune đã giận dữ nhục mạ ông trong lần ông đến thăm nhóm đảo Trobiand, vì đã moi móc vấn đề này ra[3]. Vì vậy, không phải không có lý do khi thỉnh thoảng ngành nhân chủng học bị gọi là “ngành nghiên cứu những nền văn hóa thô lỗ bởi những con người thô lỗ”.

Quan niệm của người Dobu cho rằng trẻ con là do những hòn máu đông lại cũng được nhiều dân tộc sơ khai khác ở rải rác khắp nơi trên thế giới chia sẻ. Họ viện lý do từ sự kiện ai cũng biết là trong thời kỳ thai nghén người phụ nữ không có kinh nữa. Họ nói, máu đang đông kết lại để hình thành nên đứa trẻ đã làm cho việc xuất kinh hàng tháng của người phụ nữ ngưng lại.

Thai nghén

Sự sống bắt đầu từ sự thụ thai, và sự thụ thai dẫn đến việc mang thai. Bất kể là họ tưởng tượng việc thụ thai xảy ra như thế nào, tất cả người sơ khai đều nhận định việc mang thai theo các hình thức sinh lý có thể nhận thấy được. Người ta nhận thấy có một số dạng biến đổi bên ngoài về mặt sinh học nơi các bà mẹ ở tất cả các chủng tộc. Điều dễ thấy hơn nơi họ là sự căng nở của vú và núm vú, sự tiết sữa non, ngưng kinh nguyệt, sự căng nở bụng dưới, và hay ói mửa.

Theo những điều ít ỏi về vấn đề này do các nhà nhân chủng học viết ra thì hầu hết các dân tộc đều chú ý đến một hoặc hai triệu chứng như là dấu hiệu của các biến cố đang xảy ra, mặc dù có thể là họ có ghi nhận tất cả các triệu chứng ấy. Mất kinh là dấu hiệu được nhận biết phổ biến. Một số lớn các bộ lạc còn tính trước được cả việc đứa bé chào đời sau mười tháng âm lịch.

Một số bộ lạc ở châu Đại Dương và châu Phi chú ý sự thay đổi trên cặp nhũ hoa. Bộ lạc Arunta ở Úc, Pukapuka ở Polynesia, và nhiều bộ lạc khác ghi nhận dấu hiệu bần thần nôn oẹ vào buổi sáng. Những người khác cho biết một dấu hiệu đáng kể nữa là “ăn uống không biết ngon, và thấy người bần thần rũ rượi”[4]

Những điểu kiêng cữ trước khi sinh nở

Việc mang thai là triệu chứng đi trước việc sinh nở. Bởi vậy, tự nó đã là một tình trạng khủng hoảng hoặc là một giai đoạn mở đầu của thời kỳ khủng hoảng của việc sinh con. Đa số các dân tộc sơ khai coi thời kỳ tắt kinh như một sự nhẹ nhõm, giải tỏa mọi lo âu. Những điều lo âu chủ yếu của họ là (1) sợ thai nhi không phát triển tốt, (2) sợ sẩy thai, và (3) sợ sinh khó. Những kiêng cữ khác và cấm đoán khi có thai là nhằm giải trừ hết những điều lo sợ đó.

Thế cho nên Ray đã ghi nhận về người da đỏ Sanpoil ở Washington như sau: khi phụ nữ có thai, chồng của họ không được ăn cá hồi, nếu không kiêng thì đứa nhỏ trong bụng sẽ vùng vẫy như con cá còn sống vậy. Họ không được ăn thịt thỏ, nếu vi phạm chân cẳng đứa bé sau này sẽ rất yếu ớt. Họ cũng không được ăn thịt “gà mái gáy” nếu không đứa con sẽ bị còi cọc không lớn nổi. Thêm vào đó người mẹ tương lai phải dậy sớm, trước khi mặt trời mọc, suốt ngày không được ngủ, phải bơi trong nước lạnh, đi bộ và chạy, và (vào thời hiện đại) phải cưỡi ngựa để tạo thêm sức mạnh chống chọi sự thử thách sắp tới.[5]

Có lẽ phải xác nhận lại nhiều lần với các bà mẹ hiện đại và khuyên bảo các đức ông chồng phải hiểu thêm rằng, việc thích ăn những thứ thức ăn nặng hay cầu kỳ trong khi có mang chẳng phải là những ý thích bất chợt xuẩn ngốc gì cả. Nhiều dân tộc sơ khai nhận thấy phụ nữ mang thai thường thèm ăn những thứ thật kỳ quặc. Tuy vậy, Ford ghi nhận rằng dường như không có loại thức ăn đặc biệt nào được người ta thèm muốn cả[6]. con người muốn có sự đa dạng. Còn điều gì là nền tảng của sự thèm muốn này thì có lẽ chúng ta chưa biết được.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2583-02-633540486829188750/Chu-ky-doi-song/Cac-thuyet-so-khai-ve-su-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận