Bản chất của vai trò
Vai trò là một cách hành xử phức hợp theo tập quán liên kết với một vị thế nhất định. Willie rầu rĩ nhắc nhở Joe, “Khi tụi mình không đánh nhau thì hãy cư xử với nhau như các chiến sĩ”. Ở một chừng mực nào đó, mỗi con người đều tỏ ra là một kẻ diễn xuất màu mè điệu bộ, vì cuộc sống trong xã hội là một màn trình diễn các vai trò mà thôi.
Lời khuyên “Hãy sống như bản chất tự nhiên của chính mình” không hề mang nghĩa đen của những từ đó. Ý nghĩa thực sự của nó là: Hãy liệu mà kềm giữ cái ý thức về các vai trò mà bạn phải diễn”. Hành vi của một người là “tự nhiên” không mang tính trình diễn, chỉ khi nào anh ta hoàn toàn nhập vai với những vai trò của mình và không còn bận tâm hay băn khoăn điều gì nữa khi thực hiện những vai trò đó. Những trẻ sơ sinh trong những giờ đầu tiên của cuộc đời không phải mang lấy một vai trò nào như những điều kiện bổ sung cho các vị thế xã hội của chúng. Cho nên chẳng ai đặt nhiều kỳ vọng gì nơi chúng cả.
Vì mỗi con người có có nhiều vị thế cho nên họ cũng thể hiện nhiều vai trò. Một vị giáo sư đã có gia đình cư xử trong gia đình riêng tư (vai trò người cha) khác hẳn với cách ông cư xử khi đứng trên bục giảng (trong vai trò người thầy). Và nếu ông là một người lính cứu hỏa tình nguyện, hoặc trong một đội chữa lửa chuyên nghiệp có tính chất xã hội, thì ông lại hành động hoàn toàn khác nhau khi dấn thân vào những hoạt động "mê lửa”. Cho nên, vào những thời điểm khác nhau nổi bật lên những vai trò khác nhau. Có thể một số vai trò được thể hiện cùng một lúc, song mức độ hiệu quả không giống nhau. Nếu đứa con của vị giáo sư đến thăm lớp học của ông, giáo sư có thể hành xử vừa như một nhà giáo, và vừa như một người cha. Thế nhưng với tất cả sự nghiêm túc thì vai trò giáo sư được hành xử nổi bật nhất.
Đôi khi một số vai trò bị đình chỉ hoặc loại bỏ. Một người da đỏ Pueblo, trong khi canh tác trên đồng ruộng, vẫn giữ cái vai trò nhảy múa của một thành viên của xã hội Flint nay không còn sinh hoạt. Các vai trò của một người có thể được ví như kho quần áo của họ vậy để từ đó họ chọn lấy cho mình bộ trang phục thích hợp cho mỗi tình huống, với nhiều biến đổi nhanh chóng cần có những chiếc áo thích hợp. Do vậy mà các vai trò nhiều khi là âm thầm lặng lẽ trừ những lúc được lôi vào hoạt động.
Vị thế tuổi tác và vai trò
Các vị thế liên quan đến tuổi tác đều được tất cả các xã hội thừa nhận. Mức phổ quát tối thiểu cũng gồm có ít nhất là ba hạng người: trẻ con, người trưởng thành, và người già, hoặc tương ứng theo đó, những người chưa đủ chín chắn đó tham dự đầy đủ vào các hoạt động xã hội, những người đang nắm giữ các hoạt động chính yếu duy trì xã hội, và những người không còn hoạt động hay nắm giữ trách nhiệm trong xã hội. Nói chung, có rất nhiều vị thế về tuổi tác được nhìn nhận. Chẳng hạn, người Comanche công nhận năm bậc tuổi: trẻ thơ, thiếu niên, thiếu nữ hoặc “gái chưa/không chồng”, người lớn, và ông bà già. Mỗi hạng tuổi tác có cách gọi riêng biệt. Trẻ con có thể được đánh giá cao như là các đối tượng mong ước, nhưng chỉ căn cứ vào vị thế trẻ con thì chúng không bao giờ có được chút uy tín nào cả. Có một số ngoại lệ trong đó một số trẻ con có vị thế cao và có uy tín, mà đó luôn luôn là kết quả từ một yếu tố đặc biệt nào đó không phải do tuổi tác, như trường hợp một hoàng tử chỉ do sinh ra trong hoàng gia mà có danh hiệu đó, hoặc một trong hai kẻ sinh đôi được cho là có các phẩm chất siêu phàm (như trong xã hội những người Dahomean).
Thanh niên và những người trung niên hiếm khi được hưởng các vị thế về tuổi tác, mặc dù một số phẩm chất lỗi lạc với tiền bạc của cải của họ có thể mang lại cho họ tiếng tăm và địa vị. Dù sao, những người có tuổi ở khắp nơi đều được hưởng sự kính trọng và được ưu tiên là do những tính chất mà người ta dành cho họ, bởi họ là những người cao niên. Không phải hễ già cả là có uy tín đâu, uy tín đó là do sự khôn ngoan từng trải được tích lũy theo với tuổi tác - sự kết hợp của những phong tục tập quán xưa cũ với nhưng người xưa cũ. Như người ta thường nói về những người da đỏ Haida trên Đảo Queen Charlotte ở Duyên hải Tây Bắc: “Họ hết sức kính trọng người già, những lời khuyên bảo của người cao tuổi về mọi việc là cực kỳ quan trọng”.
Trong những xã hội ổn định, những kinh nghiệm tích lũy là rất quí giá. Thực sự những người nhiều tuổi hơn là nhìn xa hiểu rộng hơn những người kém tuổi, và những hiểu biết của họ rất có giá trị. Nhưng trong một nền văn hóa mà mọi thứ đều biến đổi xoành xoạch thì kiến thức tích lũy thường nhanh chóng trở nên lỗi thời. Những gì đã hay đã tốt khi người ta còn trẻ trung thì lúc họ về già, các giá trị đó có thể không còn như thế nữa. Than ôi; sự khôn ngoan căn cứ trên những kiến thức đã lỗi thời thì phỏng còn được ích lợi gì để người có tuổi cứ cố bám níu vào đó và xem như cội nguồn uy tín của mình.
Trong thế giới cổ xưa, người già là các bậc “trưởng thượng” trong chính trị và trong chính quyền, và những vị pháp sư cùng các tăng lữ trong xã hội chủ nghĩa siêu nhiên, và là chủ nhân ông của những tài sản của cải trong các hệ thống của các tổ chức kinh tế. Những thứ này là nguồn gốc của quyền lực. Khi những nguồn gốc đó dành cho nam giới hơn là cho các phận nữ nhi thì ông già có nhiều vị thế hơn bà 1ão. Trong các bộ lạc trồng trọt nông nghiệp thì địa vị người già vững vàng hơn là trong những bộ lạc săn bắn hái lượm, nhất là các bộ lạc ở vùng bắc cực và các vùng cận cực, nơi mà người già không thể tham dự vào bất cứ một hoạt động sản xuất chính yếu nào của bộ lạc. Nuôi nấng người già là một điều xa xỉ mà các xã hội phi nông nghiệp tự thấy không thể nào cáng đáng nổi, nhất là trong các thời kỳ đói kém. Tục giết người già thường phổ biến trong các cộng đồng người Eskimo. Người già có thể bị giam trong các hốc bằng băng đá và bỏ đói đến chết, hoặc họ có thể bị giết một cách tàn bạo hơn một khi chính họ muốn vậy. Tuy vậy, trong bảy mươi mốt xã hội được Simmons lập thành bảng nghiên cứu, chỉ có hai (đều là người Eskimo) giết bỏ người già một cách tàn bạo, bảy xã hội vất người già ra ngoài thiên nhiên khắc nghiệt cho họ chóng chết. Dù vậy, không phải trong bảy xã hội đó tất cả người già đều bị giết bỏ khi họ không còn sức lực nữa. Còn tùy vào từng cá nhân và từng hoàn cảnh.
Đa số các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng trong số các bộ lạc mà họ đến thăm thì người già đều được trọng vọng. Chỉ có những người Bushmen ở Nam Phi và người Witotos ở Nam Mỹ được cho là dứt khoát không tôn trọng người già. Tám trong số các bộ lạc được Simmons nghiên cứu là có tình trạng không kính trọng các bà già.
Nhóm đảo Andaman cho các nhà nhân chủng học một ví dụ thú vị về tuổi tác như một nhân tố quyết định về vị thế. Tình bà con thân quyến là điều rất quan trọng trong hầu hết các xã hội sơ khai, nhưng ở đây thì lại có phần lạt lẽo. Trái lại:
Những nghĩa vụ của người này đối với người kia ít được đặt nặng trên các liên hệ bà con theo hôn nhân hay ruột thịt, bằng theo tuổi tác và vị thế xã hội đáng kính của họ... Không có tập quán đặc biệt nào liên hệ đến việc cư xử với các loại quan hệ bà con thân thuộc. Theo đó chúng tôi thấy họ có rất ít từ để chỉ tình họ hàng, nhưng lại có rất nhiều những từ liên quan đến tuổi tác và các vị thế xã hội.
Người già có đặc quyền ăn nhiều thức ăn mà những người trẻ không có được. Dần đà, theo năm tháng, các món ăn bị cấm đối với tuổi trẻ được giảm dần đi cho đến khi người ta hoàn toàn trưởng thành, và được phép thưởng thức tất cả mọi thứ cao lương mỹ vị dành cho giới tính của mình. Người trẻ phải tuân phục những kẻ tuổi tác hơn mình trong mọi phương diện.
Ở Úc, cũng như tại quần đảo Andaman, chúng tôi gặp một số trong số những dân tộc sơ khai nhất mà chúng tôi đã biết, ở đó tuổi già có được ý nghĩa cao cả nhất - đến nỗi tổ chức xã hội của người Úc được gọi đùa là chế độ lão quyền (gerontocracy), hay “sự cai trị của các lão trượng” (rule of elders). Ưu thế nổi bật của những người đầu râu tóc bạc trong một nhóm dân bản địa của Úc, đã là nguyên nhân khai sinh ra một quan niệm trong thế kỷ thứ 19, cho rằng tình trạng của con người thời sơ khai là người trẻ chịu sự chế ngự và uy hiếp bởi một tộc trưởng hoặc một gia trưởng già nua. Dù sao, châu Úc cũng cho thấy một điều đặc biệt rõ nét về vị thế của tuổi tác theo một hình thức không phải là đặc tính phổ quát trong xã hội săn bắn hái lượm (trái ngược với những người Bushmen châu Phi và Shoshone châu Mỹ).
Vị thế giới tính và vai trò
Sự phân chia hai giới tính là một thực tế về sinh học theo đó vị thế về mặt văn hóa cũng được xác lập. Thế nhưng vấn đề cái gì là về mặt sinh học, còn cái nào về mặt văn hóa trong những dị biệt về giới tính của tất cả các hình thái sinh hoạt, lại chẳng được xác định một cách rõ ràng chắc chắn. Đúng là một số chức năng sinh lý có liên hệ đến giới tính. Phụ nữ sản sinh trứng, còn nam giới thì cho ra tinh trùng. Phụ nữ có những cơ quan sinh dục đặc biệt có chức năng nuôi dưỡng và ấp ủ trứng đã thụ tinh, còn đàn ông thì không. Phụ nữ có khả năng sinh nở; đàn ông thì không. Homo sapien (người thông minh) là một động vật lưỡng tính mà trong bản thân nó các vai trò sinh sản cơ bản đã được cố định về mặt sinh học. Chừng nào mà con trẻ vẫn còn do phụ nữ sinh ra thì vị thế khác biệt giữa đàn ông và đàn bà vẫn còn được nhìn nhận và phản ánh về mặt văn hóa. Cuộc cách mạng xã hội thật sự sẽ diễn ra khi nào mà các kỹ thuật sinh học trở nên hoàn chỉnh để có thể thực hiện được việc thụ thai và nuôi dưỡng phôi thai con người ngoài tử cung người mẹ. Nhưng ngày đó vẫn chưa tới. Vì vậy, mọi xã hội đều cắt đặt cho người nam và người nữ những vai trò khác nhau. Nhưng những dạng thức của các vai trò này biểu lộ một sự uyển chuyển đáng kể giữa các nền văn hóa khác nhau. Mỗi xã hội đều mong muốn nam giới và nữ giới hành xử theo cách khác nhau. Đàn ông làm thế này thì đàn bà phải làm thế khác.
Trong một làng người da đỏ ở San Ildefonso:
Có một sự phân biệt rạch ròi giữa công việc của nam giới với công việc của nữ giới và sự phân biệt trong thái độ của hai giới đối với công việc của nhau. Công việc của cánh đàn ông nói chung thiên về tính hợp tác. Vào mùa Xuân, cánh đàn ông đi đào mương dẫn nước: đồng ruộng có khuynh hướng như là một nhóm canh tác chung... Trái lại, trong giới phụ nữ, công việc có vẻ cạnh tranh nhau; phụ nữ hiếm khi có hoạt động nào được thực hiện theo nhóm. Về lý thuyết, phụ nữ giữ những vai trò tương đối thứ yếu. Giới mày râu San Ildefonso làm cả những công việc mà ở nơi khác thường là do phụ nữ đảm nhận. Phạm vi hoạt động đặc biệt của nam giới được gọi là “việc bên ngoài”. Theo truyền thống, họ đi săn, mặc áo bằng da thú do họ săn được, cắt da thú may thành những đôi giầy cho chính mình và cho giới phụ nữ, đan lát rổ rá, và tự dệt lấy những bộ trang phục lễ lạc cho mình. Đàn ông cày cấy ngoài ruộng, chăm nom vườn tược, trồng trọt và gặt hái, đi kiếm củi và mang vác chuyên chở về nhà. Trong làng, họ cất nhà, chăm sóc chỗ tế lễ, dọn dẹp sạch sẽ quảng trường của làng trước ngày lễ hội, và nhảy múa... Công việc của phụ nữ là “nội trợ”. Họ chăm sóc gia đình, xay bột, nấu ăn, nuôi dạy con cái. Họ chế tác và nung các loại đồ gốm, và nếu trong nhà không có đàn ông lo việc trang trí cho những sản phẩm gốm của họ thì họ tự vẽ vời lấy cũng được.
Về người Lesu ở Melanesia, Powder - maker viết: "Sự phân chia giới tính trong lao động quá rạch ròi và cứng nhắc đến nỗi thoạt đầu mới tiếp xúc, nhà nghiên cứu dân tộc học đã có ấn tượng rất mạnh mẽ. Đàn ông có loại công việc riêng cho mình, còn phụ nữ có loại công việc khác. Và một loại công việc thứ ba nữa thì được cả nam lẫn nữ thực hiện chung”. Sự phân công lao động được ghi nhận trong bảng 20 - 1.
Bảng 20-1: Sự phân công lao động theo giới tính ở Lesu, Melanesia
Nam | Nữ | Phối hợp |
Dọn đất làm vườn và làm hàng rào quanh vườn. Trồng cây Lấy bột sago (làm thức ăn) Câu cá Săn heo rừng và cáo Đốn củi, làm liga, lấy lá để nấu nướng. Làm (thịt) heo, cá và chuẩn bị sago để nấu. Chôn chuối xuống cát (để ủ chín). Xây dựng và sửa chữa nhà cửa. Làm mặt nạ, canô, malanggan, lưới đánh cá, lao (giáo), đồ trang sức. | Trồng khoai sọ, khoai từ, gieo hột giống, thu hoạch hoa màu và mang về nhà. Bắt cua ngoài gành rạng. Cho heo ăn Kéo nước Chuẩn bị khoai sọ, khoai từ để nấu. Quét dọn cửa nhà Mang vác những vật nặng, ngoài trừ cá và heo. | Bắt trùn biển, beta Đan rổ rá và chiếu thảm. Chăm nom con cái. Thuốc men và ma thuật. Làm “sơn” để trang điểm tóc. |
Nguồn: Theo H. Powdermaker
Mặc dù mỗi xã hội phân chia công việc nam giới và công việc nữ giới, nhưng công việc của giới mày râu trong xã hội này có thể là việc của giới quần thoa trong một xã hội khác. Như chúng ta nhận thấy những ví dụ rất rõ ở những tấm chăn của người da đỏ Navaho là do phụ nữ dệt, trong khi đó công việc kéo chỉ quay sợi và dệt vải thì lại là công việc chỉ dành cho các đấng tu mi trong xã hội của người Hopi láng giềng của họ. Ở Châu Mỹ vào thế kỷ 19, bọn con trai thì phải biết bơi mới đáng mặt nam nhi, còn con gái thì chẳng cần phải bơi lội làm gì, vậy mà với người da đỏ Yahgan ở Terra den Fuego thì phụ nữ mới là những nhà bơi lội. Với những người da đỏ Pueblo, việc vườn tược do cánh đàn ông đảm trách, còn với người Iroquois thì công việc săn bắn và chiến đấu mới là việc đàn ông, việc ruộng nương chỉ dành cho phụ nữ mà thôi. Với người da đỏ Maricopa ở miền nam bang Arizona, nghề gốm "hoàn toàn là một công việc của nữ giới, và là một nhiệm vụ phải thực hiện quanh năm". Dệt vải có lẽ là công việc của nam giới. Phụ nữ thu hái bông vải và cán sợi, mà việc trồng bông vải thì chỉ dành riêng cho nam giới mà thôi. Thế rồi cả anh cả ả sẽ phóng tay nhau kéo sợi!
Do những dữ kiện như thế, các nhà nhân chủng học thấy cần phản bác tất cả mọi sự khái quát hóa kiểu như phụ nữ là những nhà nội trợ “thiên bẩm hoặc cho rằng họ là những người bình yên thanh thản và mộ đạo hơn cánh mày râu. Nhưng các nhà nhân chủng học cũng xác định rằng trên khắp thế giới có những loại công việc và hoạt động thường dành cho nam giới, và những loại công việc khái dành cho nữ giới. Trong ba phần tư tất cả các xã hội, việc làm ra lương thực, kiếm nhiên liệu, xay giã ngũ cốc, chuẩn bị thực phẩm dự trữ, dệt vải, chế tác đồ gốm, đan lát rổ rá, và làm chiếu thảm là những việc dành cho phái yếu. Đây là những công việc mà, ngoại trừ việc đi kiếm lương thực, có thể thực hiện quanh quẩn bên nhà gần bếp núc và con cái. Săn bắn là việc của đàn ông trong 93% tổng số các xã hội, đánh cá trong 70%, và chăn thả gia súc trong 96%. Những công việc chủ yếu dành cho nam giới này đòi hỏi sự lưu động, sức lực, và sự hiểu biết thấu đáo địa hình của bộ lạc mình.
Theo quan điểm của ngành nhân chủng học, một số hành vi cụ thể liên hệ đến giới tính là có cơ sở về mặt sinh học, mặc dù vẫn chịu sự điều chỉnh của các yếu tố văn hóa trong một số chừng mực nào đó. Các vai trò trong bất cứ xã hội nào cũng có thể được quan sát nghiên cứu theo kinh nghiệm và được ghi nhận là tùy thuộc tính cách của dân tộc.
Kỹ năng tự nhiên và vị thế
Nếu kỹ năng là một niềm vui cho bất kỳ cá nhân nào thì một kỹ năng trong bất kỳ một chức năng nào được xã hội đánh giá cao, cũng mang lại uy tín và vị thế cho nhà chuyên môn. Nói chung, các dữ liệu nhân chủng học chứng minh cho điều giả định này.
Những xã hội đề cao binh nghiệp thường tán dương ca ngợi lòng dũng cảm. Những tay săn đầu người thuộc bộ lạc Jivaro đánh giá lòng dũng cảm của mình qua số thủ cấp sấy khô thu nhỏ mà họ có được trong bộ sưu tập cá nhân. Các nhà hiền triết Iceland không ngớt ca tụng danh tiếng của Gunnar, con người của “chiếc rìu chiến biết hát”, kẻ giết người quyền uy nhất trong nhân loại. Người Iroquois tưởng thưởng cho các chiến sĩ xuất sắc của mình bằng cách dành cho họ cơ hội kể lại những chiến tích oai hùng trước đám đông ngưỡng mộ, trong một cuộc khiêu vũ mừng chiến thắng, và mỗi vị chỉ huy trong chiến tranh đều được dành cho một cây cột chiến tranh để họ vẽ lại lên đó chiến tích của mình.
Ở vùng Đại Bình Nguyên, người ta xây dựng những hệ thống chi tiết ghi nhận các hành động đũng cảm để khuyến khích các Nam Hướng Đạo sinh xuất sắc.
Một cú đấm vào kẻ địch là một hành động dũng cảm theo nghĩa đen. Cưỡi ngựa hoặc chạy lao vào đám đông kẻ thù vẽ mình vằn vện đang gào thét và chạm được vào địch thủ, là hành động đứng đầu trong danh sách những chiến công anh dũng. Hành động đó có giá trị cao hơn là giết chết địch thủ, vì một người chết thì hết nguy hiểm. Phải rất can đảm mới có thể đánh trúng được địch thủ và bỏ chạy, chớ không phải để hạ thủ y. Điều này vô tình lại có lợi cho quân ta (tức quân Mỹ - ND) trong những trận chiến với người đa đỏ. Khi xung trận, chúng ta chiến đấu để được còn sống mà về chớ không phải để cho vui. Còn người thổ dân da đỏ lâm trận thì biểu dương tài bắn chính xác chớ không nhằm bắn chết kẻ bắn mình.
Giết một kẻ địch là dũng cảm, nhưng ngay trong hành động này cũng chia ra nhiều cấp độ anh dũng. Giết kẻ địch bằng dao, rìu, ngọn giáo, được xếp hạng cao hơn là giết bằng một mũi tên hay một phát súng. Những chiếc sọ người là vật kỷ niệm chiến thắng đáng mơ ước, nhưng dứt trận đánh nhau rồi mới đi chặt lấy đầu xác chết thì chẳng được coi là hành động dũng cảm gì. Cuộc sống trong trại của người da đỏ ở vùng Đại Bình Nguyên có cơ man nào là cơ hội, lễ hội, và đủ thứ dịp khác dành cho những kẻ dũng cảm kể lại chiến công của mình và nhận lấy sự tán thưởng của dân chúng. Những con người dũng cảm này trở thành những cấp chỉ huy trong chiến tranh.
Những người da đỏ Pueblo theo chủ nghĩa hòa bình cũng dành vị thế đặc biệt cho các chiến binh đã giết địch thủ và cắt lấy đầu. Nhưng đó không phải là một vị thế vinh quang. Trái lại, đó là vị thế của một con người ô trọc, phải được thanh tẩy qua một nghi lễ kết nạp vào Hội huynh đệ các chiến binh. Trong Thế chiến II, đàn ông trong làng người da đỏ Keresan ở New Mexico lên đường nhập ngũ được kêu gọi đừng đụng vào xác chết người Đức hoặc người Nhật, hoặc đừng nhặt lấy một vật kỷ niệm nào của kẻ địch, vì về sau có ai còn sống đâu mà biết cách làm lễ thanh tẩy cho họ được gia nhập huynh đệ các chiến binh. Họ sẽ phải chịu ô trọc và nguy hiểm suốt đời vì bị hoen ố bởi cái chết của kẻ địch.
Trên khắp thế giới, sự thành thạo thông thái trong lãnh vực quyền lực siêu nhiên mang lại vị thế cho những pháp sư hoặc các giáo sĩ - một vị thế mà trong mọi trường hợp đều mang lại ít nhiều uy vọng. Vị thế xã hội của những cầu thủ bóng đá được trọng vọng hay bị ghét bỏ là do nền văn hóa có hợp thức hóa họ hay khước từ công việc của họ (Do ở Mỹ, bóng đá không được nhiều người ưa thích như bóng bầu dục - ND). Có những phù thủy tốt, hoặc xấu xa, tài năng, hoặc vô tài bất tướng. Cách thử nghiệm được những người cổ sơ áp dụng là thực tiễn nhất: kẻ nào mà pháp thuật của họ có hiệu quả thì được kính trọng (được ca tụng hay bị sợ hãi tùy cách họ dùng pháp thuật ấy); kẻ nào phép tắc không ra sao thì bị miệt thị, khinh bỉ chứ chẳng có ai khen ngợi hay sợ hãi.
Người giỏi giang thành thạo trong nghề thủ công trong xã hội sơ khai có một vị thế cao trung bình, và thường được xếp dưới sự dũng cảm quân sự, quyền lực siêu nhiên, lãnh đạo chính trị, với sự quản lý và vận dụng tốt của cải. Trong số những dân tộc sơ khai được ghi nhận, người Polynesian rất trọng vọng sự lành nghề trong lãnh vực thủ công. Tuhunga hay người tài hoa nhất của bộ lạc Tonga ở Polynesia là kẻ được kính trọng tột bực, có thể người đó là một bậc thầy về hùng biện, về hiểu biết trong bộ lạc mình, về xây dựng nhà cửa, hay sản xuất canô. Chỉ cần có nhiều quyền năng siêu phàm - mana - (xem trang 607) là có thể trở thành một người vượt trội về bất cứ điều gì. Và tất cả người Polynesian đều rất ngưỡng mộ người có năng lực siêu phàm.
Những nghề nghiệp liên kết với các thứ bậc xã hội thấp kém ở châu Phi và Ấn Độ không mang lại vinh dự gì cho người hành nghề, dù có giỏi giang đến mấy. Một người thợ rèn Masai phải chịu phận ti tiện suốt đời không ngóc đầu lên nổi, vì nền văn hóa đã gán cho nghề thợ rèn thứ bậc cùng đinh hèn hạ trong xã hội.
Khi nhiều người trong cùng một giới tập hợp lại tạo thành một nhóm mang tính chất xã hội trong một quần chúng rộng lớn hơn ngay trong xã hội của họ, thì chúng ta có các đoàn thể (có người gọi là hội đoàn) hoặc các giai cấp.
Của cải và vị thế
Có những giới hạn nhất định về số lượng hàng hóa mà những kẻ quyên góp thực phẩm lưu động có thể mang theo người. Những người thuộc tầng lớp này không thể tích trữ tài sản của cải gì được, không có người nào giàu có nổi. Đối với những con người sơ khai và thấp kém, sở hữu tài sản không phải là một nhân tố có ý nghĩa quan trọng để xác định vị thế của con người. Tuy vậy, việc bố thí thực phẩm hoặc sản vật này nọ là một chuyện khác. Cần thức ăn là bản tính chung của hầu như tất cả những xã hội cổ xưa. Uy tín và quyền lãnh đạo rơi vào tay những thợ săn, tức những người có thức ăn để biếu, có da thú để ban phát, có cung tên để cho, và những người (đối với những thổ dân da đỏ vùng Đại Bình nguyên) có ngựa để chia sẻ với bạn bè, với khách từ xa đến, và với những người láng giềng nghèo khổ. Những người da đỏ vùng Đại Bình Nguyên được coi là những gia đình có mức sống cao, lều trại của họ được trang trí và chăm sóc tốt, những người đàn ông đàn bà cần cù luôn luôn chu toàn cho gia đình họ đầy đủ lương thực áo váy đẹp đẽ, nhưng trên hết, họ rất kính trọng những ai sẵn sàng bố thí của cải mình có. Của cải lưu chuyển mang lại uy thế danh vọng. Của cải tích trữ khư khư chỉ tổ rước lấy sự khinh bỉ. Đây là điều mà những người (da trắng - ND) đến định cư trên vùng biên cương của người da đỏ không thể hiểu được khi những người da đỏ lặng lẽ xuất hiện ở cửa lều của họ chìa tay xin bố thí.
Lễ tiệc khao vọng của người da đỏ Miền Duyên Hải Tây Bắc
Sự luân lưu của cải trong vùng duyên hải Tây Bắc được bảo đảm bằng potlatch - một thứ định chế phức tạp về lễ tiệc khao vọng kèm theo việc chủ nhân và thân nhân của chủ nhân lễ khao vọng tặng quà cho khách khứa thuộc các dòng tộc hoặc bộ lạc khác. Chức năng chính của việc khao vọng này là để xác lập vị thế của gia đình và của các cá nhân thành viên gia đình nhà chủ. Khách là người làm chứng chứng kiến chủ nhân tuyên bố những vị thế cụ thể nào đó của họ. Mặc dù việc tích trữ của cải là rất cần cho những lễ tiệc potlatch, nhưng những của cải đó không hề mang lại vị thế nào cho họ. Việc thụ hưởng các đặc quyền danh dự hợp pháp gắn liền với các danh hiệu và tước vị có thể cha truyền con nối chỉ có hiệu lực, khi vị chủ nhân của các đặc quyền đó tổ chức một lễ tiệc khao vọng để các danh hiệu và tước vị của mình được công chứng. Mang giữ một danh vị mà không được công chứng tại một lễ tiệc khao vọng là một điều sỉ nhục, và gọi ai bằng cái danh hiệu chưa được "rửa” của họ là một cách làm nhục họ.
Hồ sơ đã ghi nhận về một bữa tiệc khao của người Tsimshian diễn ra vào khoảng năm 1930 minh họa cái nguyên tắc xưa cũ cùng một số nét hiện đại. Đó là chuyện về tù trưởng bộ lạc Gitlan cùng với một thành viên của thị tộc Sói. Khi tù trưởng cũ của Gitlan là Gusgai'in qua đời, cháu của ông ta tuyên bố sẽ (làm lễ) thừa kế danh vị của bác mình vào một thời điểm sắp tới. Trước khi tổ chức cuộc lễ, anh ta cùng với một người của thị tộc Sói lèn chặt chiếc thuyền máy của họ giữa hai cọc của một chiếc cầu và khi nước ròng, thuyền không hạ xuống theo với mực nước được nên cả hai bị treo lơ lửng. Chỉ một việc này thôi cũng đủ khiến cho một tay đi thuyền cừ khôi phải thấy xấu hổ, và khi họ bị người ta châm chọc: “Tôi thấy một con Sói treo lơ lửng dưới cầu!” thì uy thế của tất cả người trong thị tộc Sói đều bị sứt mẻ.
Cần có một tiệc khao để vãn hồi vị thế của họ, thế là họ tổ chức bữa lễ tiệc truyền thống, bữa tiệc gia đình của Tuyết Sớm tưởng niệm công lao tù trưởng quá cố Gusgai'in mà danh vị của ông được truyền lại cho hậu duệ kế thừa. Vị tù trưởng quá cố này đã chết chìm dưới một con sông băng trong một cuộc đào thoát khỏi tay những kẻ thù đã bắt giữ ông, cho nên cái món thi vị một cú kháng cự (Nguyên văn tiếng Pháp: piè ce de résistance) của bữa tiệc trọng thể hôm nay là một thứ thức uống bản địa làm bằng tuyết trộn với mỡ olachen, trái dâu, và một loại táo chua. Tuy nhiên, để cho phù hợp với thời đại, trong bữa tiệc khao vọng này người ta dọn cả món cà-rem nữa. Trước mặt mỗi thực khách đã buông lời xúc phạm gia chủ là những dĩa kem to tú hụ không thể nào chén cho hết.
Châm chọc khách và lôi khách ra làm trò cười là một dạng khôi hài được ưa thích và rất được khách tán thưởng... Sau bữa tiệc và cuộc vui, vị tù trưởng (mới) đứng lên giải thích về lý do mang tính huyền thoại của bữa tiệc. Ông cám ơn khách đã đến chung vui, và tuyên bố rằng từ nay trở đi hễ giờ phút nào còn hơi sức ông sẽ nỗ lực thể hiện vị thế mà ông thừa kế của người bác đã quá cố. Tiếp đó, La'is, một trưởng lão trong thị tộc Sói, đứng lên nhân danh người phát ngôn của tù trưởng, nói rằng vì vị tù trưởng trước đã tuyên bố danh hiệu Gusgai'in trước công chúng, cho nên vị tù trưởng sau cũng tiếp nhận danh hiệu và địa vị đó. Người phát ngôn của các tù trưởng khách xác nhận quyền hạn và danh hiệu của tù trưởng Gusgai'in (mới) và hoan nghênh tù trưởng mới như một người anh em. Họ cũng tuyên bố rằng vụ việc về chiếc thuyền treo dưới cầu và những chuyện gièm pha khác từ nay cũng nên cho quên luôn đi. Trong các diễn từ người ta nhắc nhiều đến lịch sử của bộ lạc, và nói nhiều lời ngợi khen gia chủ cùng dòng họ ông ta.
Sau đó, người ta tặng quà là thực phẩm và khăn tay cho khách. Bữa tiệc chấm dứt bằng một màn nhảy múa.
Tiệc khao có mục đích xác nhận vị thế danh phận của chủ nhân, và nghi thức về chỗ ngồi, phục vụ thức ăn, phân phát quà biếu cũng nhằm trong mục đích đó đối với thực khách. Việc phát quà tuần tự theo thứ bậc địa vị thì ở đâu cũng giống nhau. Người có địa vị cao nhất được mời lên trước tiên để nhận phần, tiếp theo là thứ bậc thấp hơn. Vị thế của mỗi người tương ứng với nhau được tuân thủ rất chặt chẽ theo một thang bậc tước vị mà người đó đang giữ. Chỉ tổ chức tiệc khao đãi đằng không thôi thì chưa đủ để xác nhận danh vị của mình. Sự xác nhận thực sự có được là khi người đó đến dự và được mời lên nhận lấy phần quà tại một tiệc khao của người khác. Chỉ khi nào anh ta được chủ nhân mời lên theo lượt danh vị, trong đó có danh vị mà anh ta đảm nhiệm thì bấy giờ danh vị đó của anh ta mới thực là hợp lệ. Những tập tục tương tự như thế cũng áp dụng tại nhiều nơi ở Melanesia, ở đó các “ông to” cũng phải tổ chức những lễ tiệc khao vọng rất tốn kém với quà biếu là những con heo, hoặc các loại hàng hóa chính yếu dùng cho sản xuất. Để thăng tiến qua những cấp bậc khác nhau trong giới các vị tai to mặt lớn của quần đảo Banks thì cần phải trả những món chi phí cho lễ “rửa” rất nặng nề. Chỉ những kẻ giàu có nhất mới có thể mua được các thứ bậc cao nhất. Đúng như Lowie đã tóm tắt về các dữ kiện này:
Chỉ người giàu có mới có thể vươn tới được những cấp bậc cao nhất để có được tiếng tăm uy tín. Tuy nhiên, quan điểm của người bản địa là uy tín không nhằm vào việc tích trữ của cải, ngược lại người ta bày tỏ sự cao thượng của mình bằng cách tỏ ra coi thường của cải. Cho nên một người ở vị trí cao nhất trong giới của mình vẫn muốn gia tăng thanh thế hơn nữa bằng cách bày ra những cuộc vui xa xỉ kèm theo các lễ hội. Nếu không vậy, ông ta bị mang tiếng keo kiệt và do vậy uy tín cùng thế lực có thể tiêu tan.
Các thủ lĩnh Trobriand gom góp rất nhiều loại khoai từ do được cống nạp. Nhưng số lượng của cải đó được đem ra phục vụ công chúng cũng như các vị thủ lãnh khác giống như họ, tất cả cùng ăn uống cho kỳ hết trong những buổi tiệc.
Các nhà biện giải thời sơ khai không chú trọng đến việc quản lý của cải. Thế nhưng theo nguyên tắc nhân chủng học, có thể nói rằng chính sự quản lý của cải mới khiến người ta được xã hội coi trọng chớ không phải việc sở hữu chúng. Xã hội buộc người ta phải có lòng bác ái, hướng đến kẻ khác và làm điều lành. Nguyên tắc này thường bị phủ nhận một cách dễ dàng hơn trong nền văn minh hiện đại so với trong thế giới sơ khai.
Các vị thế về họ hàng, hôn nhân và vai trò
Hôn nhân là một hiện tượng phổ quát ở mọi cấp độ của sự phát triển văn hóa. Vì vậy, ở đâu cũng có các vị thế liên quan đến các tình trạng tiền hôn nhân, hôn nhân, và hậu hôn nhân. Do vai trò của chồng và vợ là cực kỳ quan trọng trong bất cứ xã hội nào, cho nên hôn nhân và gia đình là các chủ đề cần được xử lý đặc biệt trong các chương riêng (chương 22 và 23).
Quan hệ họ hàng bao hàm trong nó một hệ thống vị thế và vai trò có ý nghĩa căn bản trong tất cả mọi xã hội, nhất là trong những xã hội mà chúng ta gọi là sơ khai hay cổ xưa, vì thế vấn đề này cũng sẽ được phân tích trong những chương riêng (Chương 24 và 25).