Khả năng sáng tạo văn hóa
Làm sao con người, con vật trở thành con người - con người nhân bản, người tinh khôn? Đây là một quá trình kéo dài và liên tục đáp ứng đối với những tình trạng của môi trường sống, trong đó những tiến trình sinh học của chọn lọc tự nhiên, vận hành dựa trên các biến đổi di truyền trong các cơ thể sống tạo ra sự tiến hóa hữu cơ hoặc sinh học. Một triệu năm hoặc trước đó nữa, con người đã khác biệt với loài vật rất nhiều, đến bây giờ nhìn lại quá khứ chúng ta nhận ra rằng con người là biểu trưng cho một hình thái cuộc sống mới mẻ. Một đặc điểm của sự khác biệt này là sự phát triển đạt đến hoàn thiện của hệ thần kinh, đặc biệt là bộ não, đến mức độ con người không chỉ có thể nhìn, ngửi, hành động, mà hơn thế nữa còn đúc kết những kinh nghiệm sống rộng lớn của mình một cách biểu trưng. Con người đạt được khả năng suy nghĩ và nói. Con người có thể hiểu được các sự vật và các tình trạng mà không cần phải trực tiếp trải nghiệm, chỉ cần dàn dựng trong hệ thần kinh của mình. Con người đã học được cách truyền đạt kinh nghiệm cho chính mình và đến những người khác thông qua những miêu tả mang tính biểu trưng mà chúng ta thường gọi là “khái niệm”, “tư tưởng”, “chữ viết”, “con vật” trở nên suy tư. Và suy nghĩ có nghĩa là con người bắt đầu một quá trình tự-tổ-chức. Con người bắt đầu “thấy” cái thế giới chung quanh mình không chỉ bằng những tác động trực tiếp trước mắt mà còn bằng những gì mà con người “hồi tưởng”, không chỉ thông qua các thói quen có điều kiện mà còn thông qua các biểu trưng của ngôn ngữ đối với những trải nghiệm trong quá khứ. Con người đạt đến khả năng dự đoán hoặc vạch kế hoạch cho tương lai từ những trải nghiệm này. Con người có khả năng sáng tạo cái chưa từng xảy ra hoặc có thể không bao giờ xảy ra. Và như vậy con người là sinh vật biết tư duy[1].
Cùng với sự phát triển khả năng suy nghĩ của bộ não, sinh vật có khả năng sáng tạo này con người cũng mở rộng phạm vi hoạt động cơ thể cũng như các quá trình mang tính sinh học. Nhưng cái quan trọng nhất nằm ở trình độ tổ chức một số những động tác tương đối nhỏ thành những tổ hợp rộng lớn khác nhau. Như vậy, con người có khá năng “sáng tạo” những hành vi mới mẻ.
Như là kết quả của sự tiến hoá sinh học, con người đạt được khả năng sản sinh ra văn hóa trên quy mô rộng lớn và đến lượt mình con người lại trở thành những sản phẩm của nền văn hóa của mình. Văn hóa, giống như cuộc sống, đã bắt đầu một cách đơn sơ và nhỏ bé. Và cũng giống như cuộc sống, văn hóa dần dần phát triển và chịu biến dạng càng ngày càng lớn trong cái dòng liên tục không thể bị đứt đoạn đã có từ xa xưa.
Các cấp độ của hiện tượng thiên nhiên
Cấp độ đầu tiên của hiện tượng thiên nhiên về hình thái tiến hóa bao gồm cả chất vô cơ đã có mặt trên trái đất và trong vũ trụ. Rồi bổ sung một vài cái mới làm cho cuộc sống xuất hiện. Chất vô cơ biến thành chất hữu cơ và như vậy là đạt đến một cấp độ mới của cái hiện tượng thiên nhiên. Không ai có thể nhầm lẫn một thực tế là: giữa vật hữu cơ với chất vô cơ chỉ khác nhau về loại, mặc dù tất cả các vật hữu cơ đều bao gồm những yếu tố vô cơ.
Tiến hóa hữu cơ diễn ra khá lâu, những dạng sống chắc chắn đã phát triển hệ thống thần kinh sau lần tiến hóa thứ ba thì mới thiết lập được một trật tự mới: Tinh thần - hữu cơ. Chúng ta đã nhận ra cái khác biệt căn bản giữa vật-sống và một sự-vật-không-có-cuộc-sống nên chúng ta cũng thấy rằng một con vật có xúc cảm khác với những sự vật vô cảm xúc: vi khuẩn, cỏ cây, đa bào hoặc đơn bào động vật.
Như vậy chúng ta đã đến với hiện tượng văn hóa, sản phẩm sau cùng và phức tạp nhất của quá trình tiến hóa. Tương tự như trong hai cấp độ trước, có cái gì mới mẻ đã bổ sung vào cái đã có sẵn. Con người xuyên qua cái ngưỡng cửa sản sinh ra văn hóa; và thế là một cấp độ hiện tượng cao hơn đã đến với con người. Trong khi dựa vào tính hữu cơ và tính tâm linh, có nghĩa là chấp nhận con người vừa là hữu cơ vừa là tinh thần - hữu cơ văn hóa[2].
Cái lộ trình tình cờ và thú vị của trình tự các cấp độ hiện tượng cũng chính là thứ tự mang tính lịch sử về quá trình phát triển của các ngành khoa học. Thiên văn học, vật lý học, hóa học và địa chất học liên quan chủ yếu đến chất vô cơ ở cấp độ thấp nhất của hiện tượng, là chất cổ xưa nhất và cũng được khai thác ở mức độ cao nhất trong các ngành khoa học. Động vật học, sinh vật học, sinh lý học là những ngành khoa học đặc biệt quan tâm nghiên cứu những chất hữu cơ tiếp sau chất vô cơ để làm hiện ra và tiến gần đến sự trưởng thành của con người. Tâm lý học và các ngành khoa học xã hội xuất hiện sau cùng của hiện tượng thiên nhiên. Trong số những ngành khoa học non trẻ này, nhân chủng học là ngành khoa học xuất hiện muộn nhất và nhờ vậy là một ngành khoa học đầy đủ lông cánh nhất. Ưu thế của các cấp độ thấp hơn của các hiện tượng hình như là một điều kiện tiên quyết cần thiết đối với nhận thức khoa học về sự hiện hữu của các cấp độ cao hơn[3]. Hy vọng rằng trong một thế kỷ tới tâm lý học và nhân chủng học có thể tiến đến sự thật về những thế hệ tiền nhân xa xưa của nhân loại chính xác hơn.
Bảng 1-2: Cấp độ hiện tượng tự nhiên và các ngành khoa học tương ứng
Cấp độ hiện tượng
Đối tượng vật chất của hiện tượng
Cấp độ tương ứng của các khoa học
I. Vô cơ
Vật chất của trái đất và vũ trụ
Thiên văn học, vật lý, hóa học, địa chất học.
II. Hữu cơ
Loài vật không cảm giác, cỏ cây, metazoa, protozoa.
Sinh lý học, thực vật học, động vật học, hóa học hữu cơ.
III. Tinh thần - hữu cơ
Loài vật có cảm xúc.
Tâm lý học, tâm – sinh lý học, thần kinh học.
IV. Tinh thần - hữu cơ văn hóa.
Con người
Nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học xã hội, chính trị học, kinh tế, luật, ngôn ngữ, âm nhạc…