Việc đặt tên và giới thiệu con
Chỉ mỗi sự kiện sinh nở không thôi thì nhất thiết chưa thể hoàn tất được sự chuyển tiếp đứa trẻ từ một phôi thai thành một thành viên của cộng đồng. Nhiều người thấy cần phải có một nghi thức giới thiệu đứa con với mọi người và với vong linh những người khuất mặt. Nhiều người cho rằng người sản phụ và con phải sống cách ly với mọi người cho đến khi thực hiện xong nghi thức này. Người mẹ bị ô uế bởi máu huyết trong khi sinh, và bởi những nguồn lực nguy hiểm của kỳ sinh nở. Điều này được cho là chủ nghĩa duy lý của người sơ khai. Dĩ nhiên, trong thực tế, có dịp cho người mẹ được nghỉ ngơi cũng là điều tốt.
Sự cách ly hậu sản
Trong xã hội người Hopi, người mẹ và đứa con mới sinh mặc dù vẫn được người thân chăm nom thăm viếng nhưng vẫn phải sống cách ly trong hai mươi ngày. Vào ngày thứ hai mươi, người mẹ, người cha, và đứa trẻ được tắm rửa nhiều lần. Các thân nhân của mỗi thị tộc cho đứa trẻ ít nhất một các tên có liên quan đến thị tộc của nhau.
Khi mặt trời mọc, người ta mang đứa trẻ ra ngoài trời đưa lên trước Thần Thái Dương, và báo với vị thần tất cả các tên của đứa bé.
Người sản phụ Shoshone và con cách ly lâu hơn - đến bốn mươi ngày. Cái chòi đẻ do người mẹ của sản phụ dựng lên cách xa nhà họ. Sau khi sinh năm ngày thì đứa bé rụng rốn, chòi được rời về gần nhà hơn. Tất cả những kiêng cữ đều phải được áp dụng nghiêm nhặt như với người cha đứa bé. Thêm vào đó, mỗi ngày, bà ngoại đứa bé làm một chiếc giường cỏ cho con gái nằm, dưới giường có đặt than hồng cho ấm. (Ngày nay người ta chuyển qua dùng những chai nước nóng). Suốt ngày, người mẹ dệt vải và làm các công việc lặt vặt không ngơi tay. Không có mấy bạn bè đến thăm hỏi. Sau sáu tuần, hai mẹ con được sum họp lại với dân làng.
Còn đứa trẻ con người da đỏ Omaha thì được giới thiệu cho tiếp xúc với cả vũ trụ vào ngày thứ tám sau khi sinh, trong một nghi lễ truyền thống luôn luôn do một vị tu sĩ thuộc một phân hệ thị tộc thực hiện. Vào ngày thứ tám, người ta cho mời vị tu sĩ. Khi đến nơi, ông ta sẽ ngồi ngay ở cửa lều nơi ngươi sản phụ đã sinh nở. Cánh tay phải của ông đưa lên cao, lòng bàn tay ngửa lên, ông cao giọng đọc bài kinh cầu nguyện tốt lành sau đây, giọng ông ngân nga vang rền như cho cả thế giới cùng nghe:
Hỡi Các vị thần Mặt Trời, Trăng, Sao, tất cả các Thần đang ngự trị trên trời
Cầu xin các ngài hãy nghe tôi
Trong thế giới của các ngài vừa sinh ra một mầm sống mới
Tôi khẩn cầu các ngài vui lòng hãy giúp cho con đường của cháu được trơn tru bằng phẳng, để cháu có thể lên đến đỉnh của ngọn đồi đầu tiên
Hỡi các Thần Gió, Mây, Mưa và Sương Mù, tất cả quỉ Thần đang ngự trị trong không gian
Cầu xin các ngài hãy nghe tôi
Trong thế giới của các ngài vừa sinh ra một mầm sống mới
Tôi khẩn cầu các ngài vui lòng
Hãy giúp cho con đường của cháu được trơn tru bằng phẳng, để cháu có thể lên đến đỉnh của ngọn đồi thứ hai
Hỡi các Thần Núi Đồi, Thung Lũng, Sông, Suối, Hồ, Ao, Cây, Cỏ, tất cả các Thần trên trái đất
Cầu xin các ngài hãy nghe tôi
Trong thế giới của các ngài vừa sinh ra một mầm sống mới
Tôi khẩn cầu các ngài vui lòng
Hãy giúp cho con đường của cháu được trơn tru bằng phẳng, để cháu có thể lên đến đỉnh của ngọn đồi thứ ba
Hỡi các Thần Chim Muông lớn nhỏ đang bay lượn trong không trung
Hỡi các Thần Muông Thú lớn nhỏ đang sống trong rừng
Hỡi các Thần Côn Trùng đang bò trong cỏ và đang chui lủi trong bòng đất
Cầu xin các ngài hãy nghe tôi
Trong thế giới của các ngài vừa sinh ra một mầm sống mới
Tôi khẩn cầu các ngài vui lòng
Hãy giúp cho con đường của cháu được trơn tru bằng phẳng, để cháu có thể lên đến đỉnh của ngọn đồi thứ tư
Hỡi tất cả các đấng ở trên trời, tất cả các ngài của Không Trung và của Trái Đất
Cầu xin các ngài hãy nghe tôi
Trong thế giới của các ngài vừa sinh ra một mầm sống mới
Tôi khẩn cầu các ngài vui lòng
Hãy giúp cho con đường của cháu được trơn tru bằng phẳng, để cháu có thể vượt qua được cả bốn ngọn đồi.
Thế nhưng ngay cả nghi lễ này cũng chưa đủ cho đứa bé trở thành một thành viên của bộ lạc, vì chỉ đến khi đứa trẻ biết đi mới có thể qua hết thời kỳ chuyển tiếp. Khi đó đứa trẻ phải qua một “lễ trở thành nhi đồng trong lễ này nó bỏ tên con nít ngày trước, và được mang một đôi giày da mềm mới. Giày da của trẻ con bao giờ cũng có một lỗ thủng dưới đế, để khi có ma quỉ đến bắt đi, nó có thể trả lời: tôi không thể đi xa được với đôi giầy mòn vẹt thế này?”. Giày trẻ con mà không có lỗ dưới đế tức là chuẩn bị cho một chuyến du hành trong đời, và đó sẽ là một chuyến đi xa.
Người Ashanti ở Phi châu cũng có những khái niệm tương tự như vậy. Chỉ tám ngày sau khi sinh đứa trẻ mới được làm lễ đặt tên và giới thiệu với mọi người. Từ lúc đó nó đã trở thành một con người thực sự. Nếu đứa trẻ chết trước ngày đó, thi thể bé bỏng của nó sẽ bị vất bừa ra đống rác, vì người ta tin rằng nó chỉ là cái vỏ của một con ma trẻ con mà mẹ nó cũng là một con ma của thế giới ma quỉ, và đã giao nó cho người mẹ đang sống một thời gian trong khi bà mẹ ma bận đi chơi nơi này nơi khác. Đi chơi về, bà mẹ ma ấy đòi lại con mình.
Xa xuống phía Nam châu Phi, một đứa trẻ Swazi bị cho là “đồ vật” cho đến khi được ba tháng tuổi. Nó không có tên, và không thể được những người đàn ông chăm sóc, và nếu bị chết có thể là nó không được chính thức than khóc tiếc thương. Tình trạng yếu ớt và dễ bị tử vong của đứa bé được mặc nhiên nhìn nhận (tử suất của trẻ con cao kinh khủng), và cha mẹ nó phải thực hiện đủ thứ nghi lễ cúng bái cho đứa bé được tai qua nạn khỏi trước những hiểm nguy từ thú vật, con người và cả thiên nhiên. Vào tháng thứ ba, đứa bé được đem ra dưới ánh trăng (trước mặt trăng) và giới thiệu một cách tượng trưng với thế giới vạn vật. Lúc đó, đứa bé (từ một “đồ vật”) được gia nhập vào “hạng mục” con người, và được cho một cái tên, cái tên đó được hát lên cho chính đứa bé nghe trong một bài hát ru đầu tiên.
Không phải tất cả các xã hội đều thực hiện những nghi lễ trình diện con, nhưng hầu hết các xã hội, kể cả xã hội chúng ta, với lễ rửa tội và đặt tên thánh, cũng là hình thức tương tự vậy. Hầu như tất cả xã hội đều cách ly hai mẹ con sản phụ trong một thời gian dài ngắn khác nhau, từ vài ngày đến vài tháng. Điều ngẫu nhiên là việc đặt tên là một tập quán phổ biến của con người. Trái với điều Shakespeare nghĩ, trong một cái tên chứa đựng rất nhiều điều. (Shakespeare: “Có gì trong một cái tên nhỉ? Gọi một đóa hoa hồng bằng bất cứ tên gì thì nó cũng tỏa ra một thứ hương thơm đó mà thôi" - Kịch Romeo and Juliet, Màn II cảnh 2-ghi chú của ND). Cái tên tượng trưng cho nhân cách của một người và thường biểu thị một vài khía cạnh về vị thế hay địa vị xã hội của người đó. Lễ đặt tên cho trẻ thường thực hiện vào cuối thời gian cách ly, thường là do một thân nhân gần gũi đảm nhận; nếu không, chính người mẹ sẽ quyết định con mình sẽ được gọi bằng tên gì. Người ta thường thích đặt những tên có liên hệ đến sự may mắn hay những điều tốt đẹp. Vì thế, người Menominee nếu cứ đau ốm quanh năm thì họ sẽ vất bỏ những cái tên ban đầu hy vọng một tên mới sẽ mang lại sức khỏe tốt lành cho họ. Trong nhiều xã hội sơ khai, người ta thường đổi tên hoặc lấy thêm tên mới trong suốt quãng đời của mình, vì cho rằng những tên mới biểu thị những vị thế mới.