Tài liệu: Giao phối

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Giao phối là kết hai cá nhân khác giới tính thành một cặp do tác động của xung năng tính dục
Giao phối

Nội dung

Giao phối

Giao phối là kết hai cá nhân khác giới tính thành một cặp do tác động của xung năng tính dục. Đây là một hiện tượng tâm lý nổi bật, riêng biệt một cách cơ bản thuộc về bản chất. Với con người, hiện tượng đó rõ ràng là chịu ảnh hưởng bởi nhiều khuôn mẫu văn hóa khác nhau và ảnh hưởng đến các hình thái biểu hiện của nó. Mục đích của chương này là mô tả bản chất của những tác động về mặt văn hóa trong sự giao phối.

Giao phối hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn chứ không đơn thuần chỉ là sự giao hợp tình dục; một mức độ thường trực liên quan đến sự kết hợp của cặp giao phối. Tuy vậy, đừng lẫn lộn sự giao phối với hôn nhân, tuy trong việc giao phối cả hai người liên hệ với nhau rất gần gũi nhưng không phải là không tách rời nhau được (về mặt xã hội). Với loài vật, việc giao phối chỉ xảy ra trên bình diện thuần sinh học, không có ý nghĩa gì về mặt hôn nhân - tức không có nuột định chế hôn nhân. Ngược lại, có thể có những hình thức hôn nhân mà không có sự giao phối đi kèm.

Hôn nhân là một định chế xã hội hoàn toàn do nền văn hóa xác lập. Hôn nhân là một phức hợp của các tiêu chuẩn xã hội, nó định nghĩa và kiểm soát những quan hệ của một cặp vợ chồng đối với nhau, đối với thân quyến, con cái, và với xã hội nói chung. Phức hợp này xác định tất cả các quyền hạn, nghĩa vụ, sự miễn trừ, và vân vân, mà định chế đòi hỏi ở hai người là chồng vợ của nhau. Định chế này xác lập loại hình thức và những hoạt động của một sự kết hợp được gọi là gia đình.

Giao phối trước hôn nhân

Trái với những tập quán có phần khắt khe của chúng ta, một số xã hội cổ sơ chấp nhận những cuộc thử nghiệm tình dục trước hôn nhân mà không hề có sự ngăn cấm nào. Những điều ghi nhận được về các cư dân trên quần đảo Trobriand dưới đây có lẽ không phải là sự cường điệu: Thổ dân ở đây không hề biết đến trinh tiết là gì. Họ quan hệ tình dục với nhau ở độ tuổi còn quá non trẻ đến độ khó có thể tin được, và nhiều trò chơi tưởng là ngây thơ của thời niên thiếu nhưng không hề vô hại chút nào. Khi lớn lên, họ yêu đương và lang chạ tự do, dần dần đến chỗ gắn bó thường xuyên và đi đến hôn nhân với một người trong số những người họ đã dan díu.[1]

Bởi không hề có mặc cảm tội lỗi trong hoạt động tình dục tiền hôn nhân, như vốn thường có trong giới trẻ của chúng ta, sinh hoạt tình dục tiền hôn nhân của người sơ khai có lẽ có chức năng chuẩn bị cho những người trẻ sẵn sàng đi vào cuộc sống hôn nhân. Điều này có thể tạo ra một thử nghiệm sự tương thích thân mật giữa hai người giao hợp, với tất cả trách nhiệm về mặt xã hội và kinh tế, trước khi họ thực sự bước vào nghi thức cưới hỏi. Đây là nguyên tắc của Malinowski về chức năng xã hội trong hoạt động tình dục tiền hôn nhân.[2] Quả thật đáng nghi ngờ cái mục đích mà Malinowski đã nêu ra lại có thể được áp dụng trong một số xã hội, nhưng biết đâu được, một số xã hội, vì sự thờ ơ của họ trước những tác động của loại hoạt động như thế, có thể có khuynh hướng chấp nhận tính cách phóng túng của các xung năng sinh lý trước hôn nhân, bên ngoài giới hạn của các điều cấm kỵ về luân thường đạo lý. Dù ở bất kỳ mức độ nào, con người cũng không thể đề cao cái vai trò chức năng của loại kinh nghiệm tiền hôn nhân như một nhân tố trong việc chọn lựa giao phối trong rất nhiều xã hội sơ khai, mà ở đó các cậu trai cô gái chẳng có hiểu biết gì về người mình sắp lấy làm vợ hay chồng. Sau đây chúng ta sẽ thấy trong một xã hội sơ khai, tỉ lệ các cuộc hôn nhân có liên quan đến sự thỏa mãn về tình dục và sự tương thích cá nhân trên căn bản tình yêu lãng mạn là nhỏ nhoi đến chừng nào. Những xã hội cổ sơ quan tâm nhiều hơn đến (1) sự duy trì về mặt sinh học của tập thể, (2) sự duy trì của nền văn hóa và tính hiện thực về mặt xã hội của tập thể qua quá trình nuôi dưỡng và đào luyện của nhiều thế hệ liên tiếp, và (3), cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là con người đặc biệt quan tâm đến vị thế, tài sản và các bổng lộc ở hai bên gia tộc của những người được kết hợp trong cuộc hôn nhân.

Điểm cuối cùng được minh họa khá rõ ràng với các tập tục của người Ifugao ở Philippine, ở đó người ta chỉ cho phép các sinh hoạt tình dục tiền hôn nhân trong những thành viên thuộc các giai cấp cùng khổ - chẳng có lấy chút của cải hay tiếng tăm gì trong xã hội. Mỗi tối các cậu thanh niên thuộc giai cấp thấp hoặc giai cấp trung bình tụ họp vui chơi tại nhà một quả phụ, nơi dùng làm nhà trọ cho những thiếu nữ chưa chồng, vì theo phong tục, họ không được ngủ ở nhà mình. Đến khuya, các cậu tìm dịp ân ái với các cô gái ấy. Nhiều cuộc chung chạ như thế từ những nhà trọ khác nhau dẫn tới sự gắn bó thường xuyên với một cô gái nào đó - một dạng già nhân ngãi non vợ chồng và cuối cùng tiến đến hôn nhân chính thức, khi vô số quà tặng đã được trao đổi qua lại, hai gia đình mới tiến hành nghi lễ cưới xin.

Tuy nhiên, những người Ifugao ở giai cấp trên xử sự hoàn toàn khác, họ không cho phép con em mình kết hôn chỉ vì những chuyện yêu đương tình ái lăng nhăng như vậy. Xã hội người Ifugao sống trên căn bản nền nông nghiệp lúa nước, trên những thửa ruộng moi móc quanh chân núi bằng sức lao động cần cù của vô vàn thế hệ. Sở hữu những mảnh ruộng lúa nước là một truyền thống quí báu: đó là phương cách chính yếu để làm ra của cải, để có chút tiếng tăm, và có được vị thế của giai cấp trên - đó là mục tiêu ấp ủ của mỗi người Ifugao. Vì địa vị của gia đình được căn cứ trên tài sản sở hữu, cho nên hôn nhân là một công cụ hữu ích để gia tăng vị thế của thế hệ sau, bằng cách phối hợp hai nguồn của cải từ hai gia đình người chồng và người vợ. Đối với người Ifugao giai cấp trên, để cậu quí tử tới các nhà trọ ấy rước về một cô vợ hợp tính hợp tình mà không có lấy chút tài sản gì thì đúng là một thảm họa về mặt kinh tế. Để tránh một kết cục như vậy, con cái những người Ifugao giàu có đều được hứa hôn ngay từ thuở còn thơ ấu hoặc ngay cả khi còn trong bụng mẹ. Cuộc hôn nhân giao ước đó được cha mẹ hai bên dàn xếp, bảo đảm số ruộng đất và của cải khác sẽ được chuyển giao cho cô dâu và chú rể sau này. Suốt thời thơ ấu, hai đứa trẻ sẽ luân phiên sống ở nhà cha mẹ nhau cho đến tuổi thành niên, cặp vợ chồng mới sẽ làm nhà và ra riêng sau lễ cưới.[3]

Tình huống tương tự như thế cũng diễn ra ở Samoa và nhiều nơi khác ở Châu Đại Dương - nơi một số thanh niên được phép tự do giao phối, nhưng một số nơi khác thì không. Con trai con gái giai cấp bình dân hầu như được tự do sinh hoạt tình dục không bị cấm đoán gì cả, thế nhưng nếu con gái của một tiểu vương hay tù trưởng mà không giữ trinh tiết thì thật quả là một điều bất hạnh. Khi các sứ giả từ làng khác đến rước cô dâu về cho vương gia của họ, cô ta sẽ bị lột trần tại những buổi lễ phá trinh công cộng. Vào thời xa xưa, cô dâu (không còn trinh tiết) có thể bị một người thân là một phụ nữ trong gia đình giết chết.

Trong số những tộc thổ dân châu Mỹ ở vùng Đaịi Bình Nguyên chúng ta lại thấy việc không giữ trinh tiết trước hôn nhân là một chuyện bình thường (ngoại trừ người Cheyenne rất nghiêm khắc), nhưng những gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu giáo dục con gái họ rất kỹ về hành vi đạo đức. Những cô gái cho đến khi lấy chồng vẫn còn trinh trắng rất được kính trọng trong cộng đồng, và dĩ nhiên rất được chồng yêu mến. Điều có vẻ nghịch lý này thể hiện được nhiều hình thức trong rất nhiều xã hội, từ sơ khai đến văn minh. Chắc chắn điều này biểu lộ một sự xung đột giữa những quyền lợi và những giá trị. Những yếu tố quan trọng trong tình huống này bao gồm một mặt là khát vọng của cá nhân được thỏa mãn nhu cầu sinh lý giữa tuổi dậy thì và chế độ hôn nhân nghiêm ngặt, còn mặt khác thì muốn gia tăng giá trị tài sản được dành cho mình.

Những điều minh họa trên đây cho thấy các yếu tố kinh tế có ảnh hưởng nhất định đến việc áp đặt sự kiểm soát lên hoạt động tình dục tự do tiền hôn nhân. Điều này ngày càng tỏ ra có vai trò quan trọng trong sự phát triển của lịch sử nhân loại khi các xã hội ngày càng làm ra nhiều của cải hơn. Việc kiểm soát sự giao phối nhằm tác động vào sự kiểm soát của cải, dường như là một điều cần thiết của những con người văn minh, không giống chút nào với những con người sơ khai không có của cải gì. Sự giao phối trở thành một biểu lộ thô thiển của xung năng sinh học. Đồng thời nó gắn liền và dẫn đến sự phân bố và kiểm soát của cải.

Khi quyền lực quyết định của kinh tế đã dự phần mạnh mẽ thì những yếu tố liên quan khác cũng phải được nhìn nhận. Niềm tin tôn giáo đã thâm nhập rộng khắp mọi nơi. Nhưng nơi nào mà tình dục nắm quyền kiểm soát thì không thể đánh giá quá cao sức mạnh của tín ngưỡng được nữa. Cô công chúa người Polynesia phải sống một cuộc sống thâm cung kín cổng cao tường vì cô vốn thuộc về một quyền lực siêu nhiên, và do vậy cô ta trở thành một điều cấm kỵ đối với những con người phàm tục - không ai được đụng tới. Các trinh nữ người Inca được dâng hiến hầu hạ Thần Mặt Trời trong các nữ tu viện ở Cuzco, và phải giữ trinh tiết cho đến khi được gả cho một nhân vật quyền cao chức trọng, là người được nhận lãnh ân huệ từ vị á thần, đấng Thái Dương - vĩ đại thống lĩnh dân tộc Inca. Thành La Mã cũng sử dụng các trinh nữ của mình. Và những xã hội quân sự của người da đỏ Cheyenne thì mỗi xã hội đều có bốn trinh nữ được vinh dự hầu hạ trong các buổi hội lễ. Một cuộc sống thiên về khuynh hướng tình dục thường không phù hợp với nguyên tắc các tôn giáo.

Các pháp sư nói chung rất tán thành nguyên tắc này. Trừ khi họ phải chủ trì các lễ cúng tế cầu xin sinh con đẻ cái hoặc mùa màng phồn thịnh, hầu như tất cả họ tạm thời sống độc thân khi sắp phải giao tiếp với các quyền lực thần bí. Niềm tin cho rằng cơ thể người phụ nữ tự nó đã ẩn chứa một sức mạnh huyền bí có khả năng vĩ đại. Trong thế giới do con người thống trị này, sức mạnh độc đáo của nữ giới bị cho là tội lỗi và nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm đối với những quyền lực siêu hình của nam giới. Người ta cho rằng sự giao hợp sẽ khiến cho quyền lực siêu nhiên của nam giới bị lực âm của nữ giới làm cho ô uế. Khi niềm tin này tăng lên quá đáng đã dẫn tới chủ nghĩa khắc dục trong một số hệ thống thờ cúng thời Cổ Đại và thời kỳ đầu của đạo Cơ đốc sơ khai, một chủ nghĩa khổ hạnh còn tồn tại qua lối sống độc thân trong giới tăng lữ Công giáo, và sự nghi kỵ tình dục của những người Thanh giáo đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta. Một chủ nghĩa khắc dục gay gắt như thế là một ví dụ khác của nguyên tắc cách tân bị bóp méo, xuyên tạc trong nền văn hóa. Ngành xã hội học không đưa ra được bao nhiêu lý do thích đáng để cắt nghĩa sự tồn tại của hiện tượng này. Khoa điều trị tâm thần và ngành tâm lý học chỉ có thể viện dẫn ra nhiều trường hợp trục trặc chức năng như là hậu quả của tình trạng này - chứng loạn thần kinh, và các rối loạn khác của những nhân cách bị dồn nén.

Những hình thức phối hợp đa dạng của một hay nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập trên đây, cho thấy có khá nhiều xã hội cổ sơ đương thời cấm đoán hoặc ít nhất cũng ra sức kiểm soát hoạt động tình dục tiền hôn nhân trong giới trẻ. Trường hợp của những cư dân trên quần đảo Trobriand là thuộc thành phần thiểu số. Những xã hội cổ sơ có kiểm soát sự quan hệ tình dục tiền hôn nhân của giới thanh niên, phần lớn không phải do họ cảm thấy đó là tội lỗi, mà là, do các lợi ích kinh tế hay xã hội có tầm quan trọng hơn xu hướng tình dục. Tuy nhiên, trong mọi xã hội đều cấm quan hệ tình dục giữa anh chị em trong mọi lứa tuổi. Đây là một kết quả phổ biến của việc cấm kỵ giao hợp loạn luân.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2584-02-633540518096376250/Giao-phoi-va-hon-nhan/Giao-phoi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận