Bản chất chức năng của văn hóa
Thực tế, mỗi nền văn hóa được tạo thành bởi vô số đặc điểm được chọn lọc và hợp thành một hệ thống tổng thể, nghĩa là tất cả các thành phần đều có một quan hệ riêng biệt với cái tổng thể. Mỗi thành phần có thể có hình thái riêng của nó, chẳng hạn như, một chiếc cung, một chiếc ca-nô, một cái lọ, cách tổ chức đời sống vợ chồng, tiến trình luật pháp. Tuy nhiên, không có yếu tố nào là vô nghĩa hoặc đứng như một thực thể biệt lập được. Mỗi cái đều diễn đạt vai trò của mình để góp phần trong toàn bộ dòng chảy cuộc sống. Phương cách mà thành phần này và tất cả các thành phần khác liên hệ với nhau, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau hình thành nên cấu trúc của nền văn hóa. Sự tham gia của từng thành phần tạo thành hệ thống văn hóa tổng thể chính là chức năng của nó tương phản với hình thức của nó.
Do đó, một cái cung chẳng hạn, hình thức của nó có thể diễn tả bằng sự đo lường hoặc bằng ảnh chụp, lại có thể có chức năng làm thoả mãn các nhu cầu như tìm kiếm thực phẩm hoặc để tự vệ, là biểu tượng lễ nghi trong hệ thống tôn giáo hay chính quyền. Để hiểu được tất cả các chức năng của cái cung trong bất cứ một nền văn hóa nào các nhà nhân chủng học cần phải nắm bắt được tất cả những mối quan hệ của nó với mọi lãnh vực liên quan trong nền văn hóa đó. Nhà nhân chủng học phải thực hiện việc này đến từng đơn vị văn hóa để cuối cùng thấy được tất cả mọi đơn vị đã vận hành như thế nào để duy trì cái tổng thể cách sống của cộng đồng dân cư mà mình đang nghiên cứu.
Một tập tục lạ khi mới được du nhập có thể chẳng có ý nghĩa gì và không thể hiểu nổi hoặc có vẻ như ngoại lai kỳ cục. Nhưng có thể tập quán này dần trở thành có ý nghĩa một cách khoa học, do khả năng tự điều chỉnh thích hợp với khung cảnh văn hoá của các mối tương quan với những nguyên lý văn hóa cơ bản của những người du nhập nó hoặc trong khuôn khổ chức năng của nó trong cái hệ thống mà nó là một thành phần. Chẳng bao lâu, có thể nó không còn là một tập tục kỳ lạ nữa mà là một hành động xã hội có ý nghĩa, phù hợp mãi mãi với cái hệ thống hoặc cái cấu trúc mà nó đã trở thành một thành phần.
Thuyết chức năng luôn coi trọng những động lực đang hoạt động trong một nền văn hóa. Thuyết này quan tâm đến khá nhiều vấn đề hơn là chỉ diễn giải các thói quen và tập quán
A.R. Radcliffe-Brown là người tiêu biểu của thuyết chức năng và đã đóng góp khá nhiều cho sự phát triển của thuyết này, với phép loại suy trong sinh vật học, ông đã làm rõ hơn lý thuyết của mình như sau:
“Một cơ thể sinh vật là một tập hợp các tế bào và những dòng lưu chất được xếp đặt trong mối quan hệ hỗ tương lẫn nhau, không như là một tổng số mà là một tổng thể hợp nhất. Đối với các nhà hóa – sinh, đó là một hệ thống hợp nhất của những phân tử phức tạp. Một hệ thống kết hợp mà trong đó những đơn vị được kết hợp là cấu trúc hữu cơ…Cơ thể không là cấu trúc, nó là một tập hợp những đơn vị (các tế bào hoặc các phân tử) xếp đặt thành một cấu trúc nghĩa là trong tập hợp các mối quan hệ, cơ thể sinh vật có một cấu trúc. Hai con vật trưởng thành cùng chung một chủng loại và cùng giới tính đương nhiên có những đơn vị giống nhau, kết hợp lại thành một cấu trúc như nhau. Như vậy, cấu trúc phải được định nghĩa là một tập hợp những mối tương quan giữa các thực thể… Cơ thể sinh vật, trong suốt cuộc sống của mình, dù không duy trì được tính đồng nhất trọn vẹn cho từng thành phần cấu tạo nhưng vẫn duy trì một vài tính liên tục cho cấu trúc…Có những thời kỳ những tế bào cấu tạo không duy trì được nguyên trạng. Nhưng sự sắp xếp cấu trúc của các đơn vị cấu tạo cơ thể lại có khả năng duy trì được nguyên trạng. Cuộc sống của một cơ thể sinh vật được quan niệm như là việc thực hiện chức năng của các tính hoạt động này lại mang một chức năng”.
Các chức năng của mỗi thành phần được thể hiện qua những đóng góp của chúng, thành phần tạo nên việc duy trì của quá trình sinh tồn của toàn bộ cơ thể. Vì vậy nó đồng hành với nền văn hóa. Các chức năng của từng tập quán, từng thể chế được nhận ra trong những đóng góp riêng biệt của chúng trong nhiệm vụ duy trì lối sống, đó là toàn bộ nền văn hóa.
Malinowski đã nhấn mạnh rằng tính tương quan hỗ tương gia tất cả các thành phần của một nền văn hóa có nghĩa là sự biến thể của bất kỳ một thành phần đơn lẻ nào cũng chắc chắn sẽ sản sinh ra những biến thể thứ cấp trong các thành phần khác. Các nhà truyền giáo với các viên chức chính quyền của các chương trình trợ giúp và phát triển kỹ thuật thường bỏ sót nguyên tắc đơn giản này và các nỗ lực của họ đôi khi chỉ mang lại những kết quả không dự kiến được và không được như mong muốn. Ngay cả với sự cảm nhận sáng suốt nhất, chúng ta cũng cảm thấy cực kỳ khó khăn để dự kiến các hậu quả xã hội sau cùng phát sinh từ sự biến đổi văn hóa.
Các thành phần của nền văn hóa
Các nền văn hóa được tạo bởi các qui chuẩn về hành vi và các phong tục - tập quán. Đôi khi, chúng được xem như là những yếu tố văn hóa, kết hợp với nhau thành những phức hợp văn hóa. Các phức hợp lại tạo ra những định chế. Các qui chuẩn có thể được phân loại theo phạm vi áp dụng đối với từng thành phần của một cộng đồng xã hội, cụ thể như các phổ cập, các sàng lọc và những đặc trưng. Tất cả các khái niệm trên được sử dụng để phân tích một nền văn hóa.
Các qui chuẩn hành vi và việc lầy làm khuôn mẫu
Hành vi văn hóa được tổ chức và khuôn mẫu hóa. Hành vi văn hóa thông thường không do ngẫu nhiên một lần mà lặp đi lặp lại và bền vững một cách rõ ràng. Hành vi văn hóa chính là phong tục tập quán. Vì chữ “tập quán – phong tục” có quá chiều ý nghĩa thông tục, và đó là lý do vì sao các nhà khoa học xã hội thích gọi chúng và qui chế thay vì tập quán - phong tục. Một qui chuẩn là một hành vi mẫu và mang tính bình quân do một cộng đồng xã hội biểu lộ.
Theo thống kế, qui chuẩn vừa là bình quân vừa có tần số cao nhất trong một tổng thể có nhiều biến số. Nếu sự biến đổi được quan sát trong một vài loại hành vi nào đó về một thành phần cộng đồng dân cư, thì việc tính số lần biến đổi có thể xảy ra trong một mẫu có sẵn. Những biến đổi ấy có thể lên xuống liên tục hàng loạt phù hợp với các mức độ giống nhau của chúng cũng như phù hợp với những dạng khác nhau ở trình độ tột đỉnh. Đó là sự biến thiên của tính hay biến đổi trong hành vi. Tiếp theo, một số lớp hành vi xảy ra được vẽ thành sơ đồ theo sự biến thiên của tính hay thay đổi. Điều đó cho biết sự phân bố thường xuyên. Rồi những sự phân bố thường xuyên đó có thể biểu diễn bằng một biểu đồ mà biến thiên của sự phân bố như là tuyến phát triển cơ bản của nó và như là phạm vi tác động thường xuyên đối với mỗi cái ưu tú sản sinh ra một đường cong phân bố thường xuyên (hình 2-3).
Trong hầu hết các tình trạng, cái đường cong thể hiện một điểm cao với một đường dốc toả ra hai bên. Đây là đường cong hình quả chuông. Trong một vài tình huống, sự biến đổi từ một điểm cao đổ dốc chỉ một chiều đi xuống. Đó là đường cong J (hình 2-4). Một qui chuẩn là một đường biểu diễn thống kê của cả phạm vi tác động thông thường nhất gọi là phương thức, cái phạm vi tác động bình quân gọi là phương tiện, còn cái phạm vi tác động bình thường gọi là cái chiết trung.
Phong tục tập quán là những qui chuẩn xã hội có thể xác định được bằng biểu mẫu thống kê. Đây là công việc đã trở nên thông thường và phổ biến. Khi có thể, các phân tích về hành vi xã hội nên xây dựng theo phương cách thống kê. Tuy nhiên, các kinh nghiệm về nhân chủng học cho thấy việc nghiên cứu tất cả các loại hành vi một cách nghiêm ngặt theo phương thức thống kê thường không thể làm được. Vì vậy, khi mô tả một phong tục, nhà nhân chủng học thường chú ý đến sự vật gì xuất hiện như là một hành vi mẫu. Chỉ trong vài trường hợp rất hiếm hoi nhà nhân chủng học mới làm cái công việc đo đếm, thống kê tất cả các hành vi liên quan, trong một quãng thời gian xác định nào đó để đi đến những số liệu chính xác. Một sự chính xác như vậy quả là mong muốn lý tưởng, nhưng trong những tình huống đã được xác định thì vừa thực tế lại vừa không thực tế. Những qui tắc hiện đại của ngành nhân chủng học cứ nhất định phải quan sát các hành vi khi nào có thể, dù chúng đã được miêu tả trước đó. Tuy nhiên, đôi khi lại không thể quan sát được những hành vi dù đã được ghi nhận vi chúng có thể đã biến mất hoặc là một bí mật cần giữ kín, hay có thể do người nghiên cứu không có mặt đúng lúc sự việc xảy ra. Vì vậy, để biết được một thói quen có phải là khuôn mẫu hay không, chúng ta thường phải nghe người ta nói về chúng. Họ thường nói rằng đó là những gì họ “luôn làm”, “thường làm” hoặc “phải làm”.
Các yếu tố Văn hoá, các phức hợp văn hoá và các định chế văn hóa
Một yếu tố văn hóa là một khuôn mẫu hành vi (hoặc là sản phẩm vật chất của hành vi đó) và là đơn vị thấp nhất trong thứ bậc văn hóa. Các nhà nhân chủng học thường đề cập đến các phức hợp văn hóa. Phức hợp là các khuôn mẫu liên hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn như các hành động nhảy múa riêng lẻ kết hợp chung với nhau thành một vũ khúc. Các động tác săn bắn tạo thành một cuộc săn bắn. Các hoạt động của việc huấn luyện trẻ con tạo thành phức hợp chăm sóc trẻ con. Các phức hợp đan xen với nhau trên những mối tương quan của những lợi ích căn bản trong đời sống xã hội được gọi là các định chế. Thí dụ, những gì liên quan đến các hoạt động sinh kế, việc sản xuất hoặc phân phối hàng hóa tập họp lại thành những định chế kinh tế. Những gì liên quan đến việc nối dõi tông đường gọi là định chế họ tộc.
Cái phổ cập, việc sàng lọc và cái đặc trưng
Các qui chuẩn là những gì có thể áp dụng với tất cả mọi thành viên của một xã hội, chẳng hạn như việc sử dụng nĩa trong các xã hội phương Tây là cái phổ cập. Mặc dù, một vài loại hành vi nào đó là cần thiết đối với mọi người trong xã hội, nhưng hầu hết các nền văn hóa chỉ cho phép ở một mức độ nào đó, phải có sự chọn lọc giữa các qui chuẩn tùy theo từng tình huống riêng biệt. Và điều này chính là việc sàng lọc. Vì thế, nếu bạn là một sinh viên bạn có thể đi xe bốn ngựa, thắt nơ con bướm hoặc không thắt nơ, còn một thổ dân Da đỏ Cheyenne có thể có một chọn lựa cá nhân trong việc sử dụng hoặc cái cung với mũi tên, hay cây giáo, hoặc cây gậy, miễn sao với nó anh ta “hạ” được con quạ. Mỗi thứ là một qui chuẩn, nhưng không cái nào mà không bao hàm cái kia trong một tổng thể văn hóa.
Những nét bị hạn chế đối với một nhóm nhỏ đặc thù và các đặc trưng, chẳng hạn như những điều cấm kỵ đặc biệt mà các nam bác sĩ hoặc các ông thợ chuyên làm tóc cho quý bà đã có chồng buộc phải tuân thủ.
Những đặc trưng của một nhóm các thể được các thành phần khác của xã hội biết đến, nhưng họ không sử dụng vì chúng không phải là khuôn mẫu hành vi của họ. Nhiều người Mỹ trưởng thành biết cách chào của các hướng đạo sinh và họ cũng từng là hướng đạo sinh, nhưng họ không sử dụng kiểu cách đó để chào hỏi nhau khi họ không còn ở trong tổ chức này. Tuy nhiên, trong một xã hội phức hợp, hầu hết mọi người ít biết đến các đặc trưng không liên quan đến đời sống của họ. Có những đặc trưng lại đòi hỏi những kỹ năng độc đáo hoặc các khóa huấn luyện khắc nghiệt mà chỉ một số ít người là có khả năng đáp ứng, hay có thể các đặc trưng này là những bí mật, hoặc các thông tin cần che giấu và giữ kín trong một vòng tròn khép kín vì các lợi ích có thể phát sinh từ sự bí mật này. Kết quả là không một cá nhân nào có thể cảm nhận và tự biểu lộ đầy đủ tất cả yếu tố văn hóa của xã hội. Điều này cũng có nghĩa là không một nhà nhân chủng học nào, dù là tận tâm nhất, có thể chú giải - dù chỉ bằng lời chứ không cần báo cáo thuyết trình - tất cả các khía cạnh của bất kỳ nền văn hóa nào, ngay cả những điều đơn giản nhất mà con người đã từng biết đến. Tuy vậy, thực tế này lại cung cấp câu trả lời cho một câu hỏi thường được đặt ra: “Làm sao có thể nói về nền văn hóa Mỹ khi có sự khác biệt rất rõ về văn hóa giữa những người dân New York và những người miền núi Kentucky? - giữa những người Ý vùng Hạ Manhattan và những người gốc Scandinavia ở Minnesota? - giữa những người Mỹ thành thị ở Vermont và những nông dân gốc Tây Ban Nha ở Monterey?”. Những điều phổ cập đã được tất cả những người Mỹ chia sẻ thành những yếu tố chung ràng buộc và hòa nhập với nhau trong nền văn hóa và xã hội Mỹ. Các đặc trưng của những cộng đồng ở các địa phương khác nhau, hoặc của những tầng lớp kinh tế xã hội khác nhau đơn thuần chỉ là các yếu tố khác biệt nội tại.
Sức mạnh kết dính của một xã hội thể hiện phần nào qua cái tỉ lệ tương đối giữa những cái phổ cập và những cái đặc trưng. Bất cứ sự phân tích nào về một xã hội và các nền văn hóa của xã hội đó đều cần thiết phải dựa trên sự rõ ràng và sự chân thực, không bao giờ tổng quát hóa những qui chuẩn của một nhóm thứ cấp làm cái chung về xã hội như một tổng thể, trừ khi những qui chuẩn này đã được khảo sát kỹ lưỡng và được công nhận cũng là đặc trưng của tổng thể. Những người Mỹ sống ở bờ Tây sông Hudson và phía bắc Long Island Sound đều có thể cảm nhận được cái ý nghĩa của điều này khi họ nhớ lại những cảm tưởng của mình về các tác giả châu Âu, những người đã viết về nước mỹ sau khi viếng thăm thành phố New york.