Văn hóa như là thực thể hay là vật kiến tạo
Những nền văn hóa thực sự hiện hữu hay chúng chỉ hiện hữu trong tưởng tượng của những nhà khoa học xã hội? Đây chính là câu hỏi của thuyết nhận thức luận (epistemology) (tiếng Hy Lạp: episteme - kiến thức + logos – tranh luận) hoặc là bản chất của tri thức. Cái tổng thể văn hóa hay nền văn hoá của một xã hội là một khái niệm trừu tượng cao cấp. Chưa một ai từng nhìn thấy hoặc cảm nghiệm một nền văn hóa trong trạng thái nguyên vẹn của nó. Khi chúng ta nói về một nền văn hóa, chúng ta nói như thể nó là một thực thể rõ ràng ngăn nắp có thể sờ nắm, đo đếm, cắt xén, trên thực tế mỗi nền văn hóa lại đan xen với các nền văn hóa khác tại những điểm giao thoa giữa các xã hội.
Sự kiến tạo nền văn hóa
Các nền văn hóa luôn biến đổi và luôn được điều chỉnh. Trong ngành nhân chủng học, chúng ta có thể điều tra khảo sát một xã hội bằng một chuyến đi thực địa kéo dài trong một thời gian, rồi sau đó viết một chuyên khảo mô tả nền văn hóa của xã hội đó. Khi làm như vậy, chúng ta tạm thời xác định những nét chính của đặc điểm các hành vi mà chúng ta nhận thức và ghi nhớ được mặc dù hầu hết chúng đã xảy ra ở một thời điểm cố định nào đó. Cứ như là chúng ta đã dừng một cuộc đột kích, với một tàu con thoi siêu tốc để thu được một tấm hình bất chợt của một hoạt động còn đang tiếp diễn. Chúng ta cô đọng những nét chính của một hành động thành một khoảnh khắc, đó là điều mà Linton gọi là kiến tạo nền văn hóa. Đây là một quan điểm đánh đồng tất cả những miêu tả của hành vi mẫu với nhau, mà trong mỗi các cách thức điển hình hay tiêu biểu, thật sự là một phạm vi biến đổi của hành vi tạo ra trong các thành viên của một xã hội bởi một kích thích sẵn có.
Nền văn hóa thực
Như vậy, có thể nhận thấy rằng trong ngành nhân chủng học - cái mà chúng ta quan tâm là nền văn hóa được kiến tạo hơn là nền văn hóa thực. Phương pháp suy luận chính xác và khoa học cho phép chúng ta sử dụng nền văn hóa được kiến tạo tượng trưng cho nền văn hóa thực. Trong nền văn hóa thực, tất cả mọi thành viên trong xã hội suy nghĩ và làm việc trên tất cả mọi lãnh vực hoạt động thực tế của dòng đời, ngoại trừ những hành vi thực sự do tư chất. Tuy nhiên, không ai có thể cảm nhận được toàn bộ nền văn hóa thực. Con người chỉ nhận thức được một phần nào nền văn hóa thực khi nó được các nhà nhân chủng học, các triết gia hoặc các nhà văn xếp đặt và chuyển tải thành những hình thái có thể hiểu được. Điều này cũng giải thích vì sao những thông tin cơ bản khác nhau về cùng một xã hội, cùng một nền văn hóa có thể được trình bày chính xác bởi nhiều phóng viên khác nhau. Tính xác thực chẳng bao giờ hiện ra trần trụi được bởi luôn luôn phải qua cái quá trình chế biến của tri thức con người. Các kiến thức khoa học về văn hóa không bao giờ cho chúng ta cái văn hóa thực, mà chỉ là nền văn hóa được kiến tạo càng gần gũi nền văn hóa thực bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu - nhờ vào những phương pháp tiên tiến và đáng tin cậy nhất sử dụng trong các công tác nghiên cứu của ngành nhân chủng học.
Nền văn hoa lý tưởng
Nền văn hóa lý tưởng bao gồm những tiêu chuẩn hành vi chỉ được diễn tả bằng lời của một dân tộc và có thể hoặc không thể chuyển thành một hành vi bình thường. Các qui chuẩn lý tưởng thường được sàng lọc và diễn tả bằng phúc lợi nhóm; nhưng chúng cũng thường bị xâm phạm khi lợi ích cá nhân gây ra chiều hướng hành động khác hoặc cả khi ẩn tàng hay che giấu những giá trị kích thích các hành vi trái ngược.
Một ví dụ đáng chú ý về sự mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích riêng tư được Malinowski tường thuật khi khảo sát tình trạng loạn luân trong các bộ lạc vùng đảo Trobriand:
“Nếu điều tra vấn đề xảy ra giữa những người đảo Trobriand, bạn sẽ nhận ra rằng… những người dân bản xứ đều tỏ ra ghê sợ cái ý tưởng vi phạm các luật lệ của chế độ ngoại hôn của họ. Họ tin rằng những đau buồn, bệnh tật và ngay cả cái chết có thể phát sinh từ việc làm tình với người trong dòng tộc…[Nhưng] từ quan điểm của người bản địa có tư tưởng tự do, thì suwasova (sự xâm phạm chế độ ngoại hôn) thực ra chỉ là những dạng dị biệt và màu mè của sự hoang dâm vô độ mà thôi. Hầu hết những người được hỏi không những chỉ thừa nhận mà thực sự còn khoe khoang rằng họ đã vi phạm điều cấm kỵ hoặc còn ngoại tình nữa (kaylasi); còn nhiều trường hợp cụ thể khác, đã được kiểm chứng kỹ lưỡng trong báo cáo của tôi.”
Những người bản địa cố gắng xoay xở để thoát ra khỏi tình trạng cấm đoán này, tránh biến chúng thành những vụ tai tiếng trong cộng đồng, và họ tin rằng nếu một người có được bùa ngải riêng của mình với những “hệ thống ma thuật” thì họ coi như được đảm bảo miễn nhiễm đối với các đe đọa bệnh tật. Một phân đoạn của nền văn hóa cung cấp các phương tiện đối với sự tiến bộ của phân đoạn khác. Việc duy trì sự tồn tại của thị tộc là một lợi ích xã hội được cổ xúy một cách ồn ào. Nhưng giao hợp với một anh chị em họ hàng đích thực là một trò giải trí do động cơ cá nhân, nó là một tập tục chân chất.
Một xung đột tương tự giữa các qui chuẩn cũng xảy ra trong xã hội người Comanches, nơi mà người ta cưới các cô gái trẻ cho các ông già. Họ cho rằng, thật là lý tưởng khi mỗi cặp vợ chồng thương yêu và tôn trọng lẫn nhau - đặc biệt là các cô gái đối với chồng mình. Trên thực tế, một số đáng kể các bà vợ trẻ lãng mạn đã bỏ trốn theo các chiến binh trẻ tuổi dũng cảm. Điều này là phạm luật - và luật pháp đứng về phía các ông chồng. Thực tế thường xảy ra là các ông chồng người Comanches thường kiện đòi bồi thường thiệt hại và có quyền giết, hoặc ít nhất là cắt mũi người vợ phản bội. Theo luật pháp, điều này là đặc quyền của các ông chồng bị cắm sừng. Nhưng có một đặc điểm thú vị là những cô vợ trốn chạy với người tình của mình là một kẻ lẩn tránh pháp luật, cùng theo với họ thường là một số phần tử chống đối, và do vậy họ được giúp đỡ và xúi giục để chống lại và nhạo báng các qui chuẩn đã được thừa nhận lâu đời trong bộ lạc. Đó là một thói quen nhóm vi phạm luật lệ. Ở đây chúng ta không bàn đến những kẽ hở trong lý tưởng về nền dân chủ của chính chúng ta và những thói quen của chúng ta phủ nhận chúng, mặc dù chúng là những điểm rất tế nhị. Bởi vì, những sự việc đại loại như vậy - sự hiện diện của kẽ hở giữa ý nghĩ và việc làm, giữa lý tưởng và hành động chẳng bao lâu - các nhà khoa học xã hội hiện thực sẽ xem như một qui chuẩn hành vi thực tế.