Văn hóa và sự duy trì xã hội
Các nền văn hóa phát triển như là những hồi đáp từ những vấn đề của đời sống cá nhân hoặc cộng đồng. Mặt tích cực của cuộc sống cá nhân với cộng đồng là gìn giữ sự sống và duy trì những hình thái sinh vật, từ đó tạo ra một số lượng đầy đủ và cần thiết những chủng loài có thể tồn sinh cho đến khi sản sinh ra một thế hệ kế tiếp. Vì vậy, những hình thái của cuộc sống gắn liền với khả năng sinh tồn và liên quan đến những môi trường mà chúng đã sống qua trong thời quá khứ. Như vậy, một mặt - văn hóa là sự hội tụ toàn bộ những phương thức của nhu cầu sinh tồn của các cá nhân. Bởi sự lệ thuộc lâu dài của trẻ con nên một sự ổn định xã hội và mối quan hệ cộng đồng là điều kiện sinh học tiên quyết cho sự tiếp nối của giống loài. Những nền văn hóa đã cung cấp cho từng cá nhân con người các phương thức để họ đi săn, đánh bắt cá, làm ra lửa và công cụ, để tự vệ, để liên lạc với những thành viên khác trong xã hội, chữa trị các bệnh tật, xoa dịu những âu lo và sợ hãi. Ngoài ra, văn hóa còn mang lại cho cá nhân những phương thức để đáp ứng các nhu cầu: ăn uống, nương tựa lẫn nhau, an toàn, duy trì nòi giống (tình dục), nghỉ ngơi, và cả sự bí mật của tâm linh.
Các xã hội, để tồn tại cũng có những nhu cầu cần được nền văn hóa đáp ứng. Những nhu cầu này được xác định là các điều kiện chức năng tiên quyết cho sự tồn sinh và tiếp nối của xã hội. Nhà nhân chủng học John W. Bennett và nhà xã hội học Melvin M. Tumin đã nêu ra sáu điều kiện tiên quyết sau:
1. Duy trì chức năng sinh học của thành viên trong cộng đồng.
2. Sinh sản những thành viên mới cho cộng đồng.
3. Xã hội hóa các thành viên mới thành những người trưởng thành có chức năng.
4. Sản xuất và phân phối hàng hóa với dịch vụ cần thiết cho đời sống.
5. Duy trì trật tự trong cộng đồng và trật tự giữa cộng đồng với các cộng đồng khác.
6. Xác định “ý nghĩa của đời sống” duy trì động lực sinh tồn, và khuyến khích những hoạt động cần thiết cho sự sinh tồn.
Do đó mỗi hệ thống văn hóa bao gồm những phương cách được xây dựng để cung cấp các nhu cầu xã hội như thực phẩm, chỗ ở, sức khỏe và cách tổ chức quan hệ giới tính, phát triển văn hóa cho cá nhân, kinh tế, kỹ thuật, thương mại, chính quyền và luật pháp, chiến tranh hoặc phòng vệ, và một thế giới quan có ý nghĩa và hữu dụng. (Phân IV của sách này được bố cục để bàn về những định chế này).
Tuy vậy, một dân tộc không những cần phải biết thực hiện những việc trên như thế nào mà quan trọng là họ phải tìm thấy được niềm vui, sự hài lòng khi thực hiện những việc phải làm này. Con người phải muốn ăn, uống, làm tình. Động cơ của cấp độ này rõ ràng và có tính sinh lý cơ bản cho nên về phương diện này xã hội cũng không cần phải khơi gợi một cam kết, hứa hẹn nào đối với những thành viên của mình. Vì vậy các ban thưởng cho việc sinh đẻ và giáo dưỡng những đứa con rất ít khi là những ban thưởng trực tiếp rõ ràng, tuy nhiên công việc này lại đòi hỏi một sự dự tính chân xác đầy tính văn hóa. Không làm thì luôn dễ hơn là phải làm. Làm việc để kiếm đủ thức ăn là một phản ứng tự nhiên của con vật để phòng khi thiếu đói. Nhưng nếu mọi người được khuyến khích làm việc để thoả mãn những nhu cầu phát sinh và tự ban thưởng cho mình và là trách nhiệm xã hội, thì buộc phải có những sự ban thưởng mang tính đặc biệt. Mỗi xã hội phải biết cách phân phát những tưởng thưởng như thế nào để những nhân công của mình có thể làm việc và tiếp tục làm việc.
Các nền văn hóa biến đổi theo tính cách của các phương sách mang tính định chế mà chính chúng đã cung ứng cho sự tồn sinh của xã hội. Những đặc điểm không hoặc kém hiệu quả trong việc đáp ứng những điều kiện tiên quyết về chức năng sẽ làm giảm sút khả năng sinh tồn của một xã hội. Mặc dù tính tương đối trong văn hóa cho chúng ta biết rằng mỗi phong tục hoặc tục lệ được chuẩn thuận hay không là do nội dung văn hóa của chính nó, chứ không phải là trên cơ sở phán xét đạo đức: tốt hay xấu, trên thực tế con người thường chỉ cần biết loại đặc điểm này hoặc loại kia có nhiều hơn hoặc ít công dụng hơn trong việc phục vụ hay thỏa mãn những mục tiêu của xã hội. Những xã hội chỉ đưa ra mà không kiểm soát được các phong tục tập quán độc hại thường phải gánh chịu cái số phận bi đát - sự sụp đổ. Giả sử quan niệm “tình dục là xấu xa, không thể song hành với cuộc sống lành mạnh” được chấp nhận và phổ biến rộng rãi trong tất cả mọi thành phần xã hội, thì hậu quả đương nhiên là mọi người sẽ có khuynh hướng chọn cuộc sống độc thân và xã hội chẳng bao lâu sẽ lụi tàn, với điều kiện tiên quyết thứ hai - Sinh sản những thành viên mới cho cộng đồng không được đáp ứng. Hiện tại, mối nguy hiểm lớn lao đang đe dọa tất cả chúng ta - nhân loại, là sự phát triển kỹ thuật có khuynh hướng gây ra những nguy hiểm chết người - việc sử dụng không kiểm soát được năng lượng nguyên tư trong chiến tranh.
Các nền văn hóa chính là những phương tiện mà con người sử dụng để tăng cường sự sinh tồn, nhưng chúng cũng bị giới hạn do những hạn chế về mặt sinh học hoặc xã hội.
Sau cùng, con người dù ở cương vị nào và đảm trách những công việc khác nhau đều phải xác định ý nghĩa của cuộc sống và giữ vững cái động lực sống. Loài người tự xưng mình là “nhân loại” vì con người hướng đến, tìm kiếm những tính chất nhân văn trong từng hành vi công việc của mình, cũng như từ đó đưa ra sự cam kết thích đáng đối với cuộc sống và xã hội trên tư cách là những sinh vật đã tiến hóa, và vẫn luôn trăn trở với câu hỏi: “tất cả, để làm gì?”