Tài liệu: Các ám hiệu và sự truyền thông

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Có nhiều cách truyền đạt thông tin không sử dụng ngôn ngữ. Những tiếng la hét, gào rú để cảnh báo, uy hiếp hoặc để biểu lộ sự thương yêu, sự thỏa mãn là những hình thức truyền thông không chỉ của con người
Các ám hiệu và sự truyền thông

Nội dung

Các ám hiệu và sự truyền thông

Có nhiều cách truyền đạt thông tin không sử dụng ngôn ngữ. Những tiếng la hét, gào rú để cảnh báo, uy hiếp hoặc để biểu lộ sự thương yêu, sự thỏa mãn là những hình thức truyền thông không chỉ của con người. Ví dụ, trong thế giới con người, một ánh mắt khinh bỉ cũng đã đủ để truyền tải ý nghĩa của nó mà không cần phải sử dụng đến lời nói. Các cử chỉ cũng là những hình thức truyền thông mặc dù chúng dường như luôn phải phụ thuộc vào các thói quen văn hóa đã định hình trước đó. Đối với người Mỹ, một cái gật đầu có nghĩa là đồng ý. Nhưng ở Trung Đông, một cái gật đầu đơn giản, rõ ràng lại không mang ý nghĩa đồng. Có thể nói một cách thẳng thắn và nhân loại có nhiều cách để truyền đạt thông tin, nhưng ngôn ngữ chính là phương tiện quan trọng hàng đầu.

Tất cả các hành vi xã hội đều tùy thuộc vào việc hiểu biết các ám hiệu: các sự kiện hoặc sự vật đều mang một ý nghĩa qui ước sẵn. Con người khi “đọc” các ám hiệu sẽ có phản ứng tương thích tùy theo những điều kiện chủ quan của bản thân: vị thế hành xử, tính cách, và tình huống hiện tại. Dù là loài vật hay con người, việc hiểu biết những ám hiệu là rất cần thiết để có thể tham gia hiệu quả vào bất cứ môi trường xã hội nào. Để có được cái nhìn nội tại về một nền văn hóa, chúng ta phải nhận biết được những ám hiệu của nền văn hoá đó như một người dân địa phương.[1] Ám hiệu ngôn ngữ là những ám hiệu được nói ra. Chúng có thể đạt đến những trình độ cao phức tạp - vượt xa bất kỳ hình thức truyền thông có được ở bất kỳ loài vật nào - nhờ vào khả năng tổng quát và trừu tượng hóa của con người. Thật là thú vị khi bạn biết rằng con người không có những cơ quan riêng biệt để phát triển khả năng phát âm của mình. Hầu hết các loài động vật có vú đều có thể phát âm, chúng đều có răng - lưỡi - và môi. Nhưng chỉ có con người mới kết hợp được những bộ phận trên để “sản xuất” ra những âm thanh của ngôn ngữ. Các loài khỉ không đuôi có những nét tổng quát rất giống con người: nét mặt, cấu trúc miệng, và có khả năng phát ra những âm thanh như con người. Tuy vậy, những tương quan gần gũi nhất với con người này lại chưa phát triển thành những khuôn mẫu phát âm. Đúng là cần một khả năng thích nghi đặc biệt để chuyển đổi từ âm thanh thành ngôn ngữ và đó chính là não bộ của loài người.

Văn hóa và ngôn ngữ, cả hai đều có thể học hỏi, hấp thu và và những thuộc tính riêng biệt của con người. Tất cả mọi người đều sống trong nền văn hóa, nhưng nền văn hóa của một người Anh hiện đại không giống với nền văn hóa của một người Zulu (một dân tộc châu Phi - ND). Tương tự, mọi người đều có ngôn ngữ của dân tộc mình, nhưng tiếng Anh không giống tiếng Zulu, tiếng Trung Hoa, hoặc tiếng Eskimo. Cũng như văn hóa, ngôn ngữ cũng biến đổi.

Nhưng văn hóa và ngôn ngữ không nhất thiết phải song hành chặt chẽ cùng nhau. Có nhiều dân tộc có nhiều thứ ngôn ngữ khó hiểu khác nhau vẫn cùng chia sẻ chung những truyền thống văn hóa giống nhau. Ví dụ như ở vùng Tây Nam nước Mỹ, trong những khu vực thổ dân da đỏ Pueblo, nền văn hóa của họ căn bản là giống nhau trong khi ngôn ngữ của họ chia thành bốn nhóm riêng biệt. Một người tộc Zuňi chỉ có thể hiểu được người Hopi khi anh ta đã học được tiếng Hopi. Hoặc ngược lại, những dân tộc có những nền văn hóa rất khác nhau vẫn có thể vượt qua những rào chắn dị biệt của văn hóa để thông hiểu và cảm nhận nhau qua cùng một thứ ngôn ngữ. Cũng một thí dụ với những thổ dân vùng Tây Nam Mỹ, phần lớn người Navaho đều chuyện trò thoải mái với những người láng giềng Apache, mặc dù giữa họ có những dị biệt cơ bản về văn hóa. Thú vị hơn nữa là cả những người Navaho và Apache vẫn có những giao tiếp và được cảm nhận dễ dàng ở xứ Alaska, cách xa cả hàng ngàn dặm. Những chủng tộc nói tiếng Athabascan như người Navaho, Apache và thổ dân Alaska dường như mới trải qua một đợt chuyển dịch di dân trong quá khứ rất gần đây, cho nên mức độ cảm nhận thông hiểu nhau giữa họ vẫn còn được duy trì. Và cũng rất rõ ràng là những nền văn hóa của cư dân vùng sa mạc Tây Nam Mỹ (những tộc thổ dân cùng chung một ngôn ngữ - ND) rất khác biệt với nền văn hóa của các dân tộc cực Nam rừng rậm.

Nhưng văn hóa và ngôn ngữ vẫn có thể liên kết với nhau theo những phương thức đặc biệt và tế nhị. Nguyên nhân dẫn đến việc hình thành ngôn ngữ của một dân tộc tùy thuộc vào một số hoàn cảnh lịch sử, hoặc vào những yếu tố như giao tiếp di dân, chiến tranh chinh phục, sự cô lập. Văn hóa và ngôn ngữ như là những hiện tượng nhân văn riêng biệt, vừa vận hành vừa song đôi với nhau theo cách thức của riêng chúng. Người ta không buộc phải sử dụng một ngôn ngữ theo cái kiểu cách nào đó của một nền văn hóa. Vẫn có những yếu tố về phát triển, hoặc về cấu trúc vừa liên quan đến ngôn ngữ vừa được áp dụng vào nền văn hóa, và sự song hành giữa ngôn ngữ và văn hóa có thể được xem xét trong từng quá trình riêng biệt.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2450-02-633535408702343750/Van-hoa-va-ngon-ngu/Cac-am-hieu-va-su-tru...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận