Tài liệu: Cấu trúc của ngôn ngữ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong khi bao nhiêu nghi vấn về nguồn gốc ngôn ngữ chỉ nhận được các câu trả lời mơ hồ, thì người ta vẫn có thể nói rất nhiều về bản chất của cấu trúc ngôn ngữ. Như chúng ta đã nói, ngôn ngữ là một hệ thống đã hoàn thành
Cấu trúc của ngôn ngữ

Nội dung

Cấu trúc của ngôn ngữ

Trong khi bao nhiêu nghi vấn về nguồn gốc ngôn ngữ chỉ nhận được các câu trả lời mơ hồ, thì người ta vẫn có thể nói rất nhiều về bản chất của cấu trúc ngôn ngữ. Như chúng ta đã nói, ngôn ngữ là một hệ thống đã hoàn thành. Ngôn ngữ là một cấu hình, là một toàn thể cân bằng chứ không là một tổng thể gồm nhiều thành phần. Mỗi ngôn ngữ có một ranh giới riêng và hiện ra như là một hiện tượng riêng biệt và súc tích. Thực ra, mỗi ngôn ngữ có những hình thái hoặc những phương thức mang dấu ấn địa phương và phản ánh những biến đổi khuôn mẫu của sự phát âm hoặc của cách sử dụng từ. Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn là tiếng Anh dù nó được nói ra bởi người miền Trung Tây hoặc người vùng Cực Nam nước Mỹ, nó vẫn là tiếng Anh dù người nói là dân quý tộc Anh xuất thân từ đại học Oxford hay là dân tài xế tắc-xi khu Đông Luân-Đôn. Cấu trúc của ngôn ngữ là nhất quán, trước sau như một. Mỗi ngôn ngữ đều có những ranh giới rõ ràng bất chấp những biến đổi mà nó buộc phải chấp nhận như là những thay đổi nội tại; khi những ranh giới này bị vượt qua, một ngôn ngữ mới có thể xuất hiện. Tiếng Anh và tiếng Đức chẳng hạn, liên hệ mật thiết với nhau vì có chung một hình thức sơ khai gần gũi và như là một kết quả đương nhiên - chúng không chỉ có chung nhiều từ ngữ mà còn giống nhau ở các thành phần ngữ pháp và cấu trúc văn phạm. Tuy có những tương quan lịch sử như vậy nhưng tiếng Anh và Đức vẫn hoàn toàn tách biệt với nhau, đến độ chỉ những nhà ngôn ngữ học được huấn luyện kỹ càng mới có thể phát hiện những tương đồng căn bản của chúng. Tiếng Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Ý cũng rất gần gũi nhau với những bộ khung văn phạm căn bản và các từ ngữ xuất phát từ gốc La-Tinh; tuy nhiên mỗi ngôn ngữ này lại có một hệ thống ký âm hoàn toàn khác nhau, người nói thứ tiếng này không thể hiểu một người nói thứ tiếng kia được.

Mỗi ngôn ngữ đơn lẻ đứng tách biệt như là một hiện tượng nhân văn riêng biệt. Nhà ngôn ngữ học bây giờ giống như các nhà nhân chủng học khi tiếp cận các nền văn hóa - phải hướng tầm nhìn về những hình thức khác nhau trong cách phát âm của con người, phải nhiều lần đặt ra những câu hỏi giống nhau để thu thập tư liệu cho mình. Một nền văn hóa cũng là một tổng thể mà người ta có thể danh chính ngôn thuận tìm kiếm những phạm vi chính xác của nó. Các nhà ngôn ngữ học tìm kiếm những hình thái phát âm có tính địa phương, các nhà nhân chủng học - trong nhu cầu tìm hiểu các quy luật, tức “ngữ pháp” của một nền văn hóa - hướng sự quan tâm của mình đến những biến đổi của các khuôn mẫu bị địa phương hóa. Khi xem xét cả về văn hóa và ngôn ngữ cũng cần có sự quan tâm thích đáng đến những khuôn mẫu cần phải dự đoán hoặc suy luận. Trên thực tế ngôn ngữ xuất hiện để mang lại những điển hình có tính thuyết phục mà nền văn hóa khó có thể cung cấp do bản chất của mình - không thể chấp nhận quá nhiều thay đổi. Con người luôn sẵn sàng và vui vẻ điền vào hoặc đoán những từ bị thiếu trong một câu đại loại như John and Mary are… to the movies (John và Mary chuẩn bị… xem phim). Ỏ đây dù người ta có chọn một trong các động từ go, walk, drive, or come (đi, bước, lái hoặc đến) hoặc một động từ khác trong nhiều lựa chọn khác, thì từ bản chất của toàn bộ câu nói người ta vẫn có thể đoán được động từ thêm vào sẽ có cái đuôi là ing. Cấu trúc chính xác của mỗi ngôn ngữ cho phép có các biến đổi, nhưng sự biến đổi không giống nhau trong từng hệ thống ngôn ngữ.

Khi suy nghĩ về ngôn ngữ cũng như suy nghĩ về nền văn hóa, thoạt tiên người ta có thể hỏi - hệ thống đó vận hành như thế nào? Khi hỏi như vậy chúng ta đã đặt ngôn ngữ vào vị trí cuối cùng mà không để ý đến nguồn gốc của ngôn ngữ - một sản phẩm đã hoàn thành và những mối tương quan của nó. Đứa bé hấp thu một ngôn ngữ của cộng đồng khi ngôn ngữ này được nói ra bởi những người xung quanh. Cấu trúc của tiếng Anh hiện đại khác với tiếng Anh thời kỳ Chaucer, nhưng người nói tiếng Anh đâu cần biết lịch sử của tiếng Anh. Cuồng phong (Hurricane) và xì gà (cigar) chỉ là hai từ tiếng Anh thông dụng, có ý nghĩa và có chức năng trong ngôn ngữ và người ta đâu cần phải biết chúng xuất phát từ ngôn ngữ bất thành văn của thổ dân da đỏ miền Tây nước Mỹ. Nhìn ngôn ngữ (hoặc văn hóa) như là một sản phẩm tối cần thiết, nhưng chưa hoàn thành và hỏi hệ thống (ngôn ngữ) vận hành như thế nào tại một thời điểm đã được xác định, tức là xem xét cái cấu trúc hoặc từng thành phần của chúng tương quan với nhau như thế nào để tạo nên cái tổng thể. Cách tiếp cận này có tính kết cấu hoặc đồng bộ. Trong cách nghiên cứu đồng thời, các ngôn ngữ được phân tích từng ngôn ngữ một trong cùng một thời điểm đã được xác định trong lịch sử.

Cách tiếp cận về lịch sử hoặc niên đại này đề ra nhiều loại câu hỏi rất khác nhau. Thay vì hỏi “ngôn ngữ vận hành như thế nào?” chúng ta hỏi “làm sao ngôn ngữ đạt được phương cách đó?” Nếu lịch sử tiếng Anh vẫn là một vấn đề đang còn phải tranh luận thì tiếng Anh thời Chaucer, thời Shakespeare - đã từng được xem là những hình thức trong sáng đầu tiên của tiếng Anh cũng cần phải đem ra xem xét lại. Hơn nữa, người ta còn mong muốn xem xét những thành phần của tiếng Anh liên quan như thế nào với tiếng Đức cổ, tiếng La-Tinh, tiếng Pháp vùng Normand hoặc với đại gia đình các thứ tiếng Ấn-Âu; và từ đó tiếng Anh, Đức, Pháp, La-Tinh, Nga và các ngôn ngữ hiện đại của Ấn-Độ đã hình thành ra sao.

Cả hai cách tiếp cận, đồng bộ hoặc niên đại đều thích hợp trong việc nhận thức quá trình tiến hóa của ngôn ngữ. Các tương quan lịch sử của ngôn ngữ có thể mang lại một đầu mối kết dính với các quan hệ văn hóa. Tương tự, để nắm bắt được một ngôn ngữ đúng như cách nó được nói ra - không những cần phải nói và hiểu mà còn phải thấy được ngôn ngữ đó dưới dạng cấu trúc toàn bộ của nó, và từ đó hướng tới một nhận thức lớn hơn: các nền văn hóa đã được tổ chức sắp xếp như thế nào?

Tính đồng bộ, kết cấu của ngôn ngữ học

Bất cứ ngôn ngữ nào cũng chứa đựng hàng loạt những khuôn mẫu riêng biệt. Bởi ngôn ngữ là nghe và nói, tiếp cận đầu tiên với một ngôn ngữ phải qua hệ thống âm vị mang nhiều ý nghĩa của ngôn ngữ đó (Tiếng Hy-Lạp: phonology, phono - âm thanh, logy - nghiên cứu).

Âm vị học. Mỗi ngôn ngữ đều có hàng loạt những âm thanh tiêu biểu. Có sắc thái và tính chất riêng biệt. Một âm thanh đơn lẻ hoặc một loạt âm thanh đơn lẻ của một ngôn ngữ có thể xuất hiện trong một ngôn ngữ khác. Dù được xem như là một hệ thống toàn bộ nhưng các thanh âm của một ngôn ngữ vẫn mang tính chất quán đáng kể. Khoa học ngôn ngữ sử dụng từ âm vị (phoneme, tiếng Hy-Lạp phonema = âm thanh) để chỉ những đơn vị thanh âm tiêu biểu của một ngôn ngữ. Một số ngôn ngữ, chẳng hạn tiếng Hawaii chỉ có một vài thanh âm cơ bản; trong khi đó tiếng Kwakiutl lại có quá nhiều thanh âm. Ít ngôn ngữ có được từ 45 đến 50 thanh âm căn bản, hầu hết đều có số lượng thanh âm căn bản dưới mức số lượng trên.

Như vậy, âm vị là đơn vị âm thanh nhỏ nhất của một ngôn ngữ. Nhưng thanh âm đơn lẻ, đứng một mình, chỉ là một điểm khởi đầu. Trong ngôn ngữ chuyên môn của con người thì âm thanh lại theo qui ước được phân loại thành nguyên âm và phụ âm trong một ngôn ngữ nào đó, không chỉ căn cứ vào hình thức kết hợp của chúng mà còn trên cách chúng được phát âm hoặc được nói. Âm thanh được ký hiệu là /t/ được hầu hết những người nói tiếng Anh phát âm bằng cách đặt chót lưỡi vào lợi sau của răng cửa trên (âm trên răng). Thanh âm bị ngắt lại không thể kéo dài, có nghĩa và /t/ khác với /s/ mặc dù /s/ được phát âm cũng gần như một vị thế của /t/ trong Anh ngữ. Như vậy, rõ ràng có nhiều loại thanh âm: âm ngắt, âm kéo dài, âm mũi, âm rung và tùy theo cách kết hợp khả dĩ của những loại âm này - như là những điểm xuất phát của việc phát âm - việc sử dụng lưỡi, môi, răng, độ rung, độ vang và những phần cứng hoặc mềm của vòm miệng - để phát ra những loại thanh âm khác nhau. Ký hiệu /t/ trong Anh ngữ cũng chẳng giống /t/ của các ngôn ngữ khác. Trong tiếng Tagalog, một ngôn ngữ của dân tộc Philippine, ký hiệu /t/ được phát âm với vị thế lưỡi chạm trực tiếp vào răng. Giữa tiếng Anh và tiếng Tagalog, sự khác biệt này là không bao nhiêu. Nhưng chuyện thường xảy ra do nuột ngôn ngữ có những dị biệt trong cách phát âm giữa âm-trên-răng và âm răng chẳng hạn như /t/, /s/, hoặc /n/ thường đưa đến nhiều sự nhầm lẫn, lúng túng - ít nhất là cho những người nói tiếng Anh. Bởi người nói tiếng Anh thường quen với âm đơn lẻ /t/ và thực sự không nhận ra được điểm khác nhau trong các điểm nhấn phát âm. Âm vị cá nhân cứng có thể cản trở không cho phép một người nhận biết được hai, ba hoặc bốn thanh âm /t/ ở các vị trí khác nhau.

Thanh âm của một ngôn ngữ cũng tuân theo một khuôn khổ sắp xếp có sẵn. Trong tiếng Anh, ký hiệu âm vị /sk/ là hoàn toàn tương hợp với âm chữ structure. Nhưng âm vị này vẫn có thể phát âm trong tiếng Tây Ban Nha trong đó nguyên âm khởi đầu phải đặt trước ký âm /s/ và theo sau đó là bất kỳ phụ âm nào - ví dụ như từ escuela (eskwela) của tiếng Tây Ban Nha có cùng gốc với từ school (ký âm: sku:l). Trong ngôn ngữ Bantu của châu Phi, từ ngữ thường bắt đầu với chữ /ng/ ví dụ như Ngbantu chẳng hạn. Điều này trái ngược với quy luật của chúng ta, một từ đơn trong tiếng Anh không bắt đầu như vậy và /ng/ thường chỉ ở cuối một dãy nhiều âm vị. Tương tự, không một ngôn ngữ nào kết hợp đầy đủ mọi thanh âm đang được sử dụng trong tất cả các thứ tiếng nói của nhân loại. Những thói quen đã ăn sâu bén rễ mạnh mẽ trong cách hình thành lối ăn nói, thường làm chúng ta rất khó khăn để nói được một ngoại ngữ như một người bán xứ. Cái khác nhau giữa âm /z/ và âm /th/ của chúng ta chỉ là vấn đề vài mi-li-mét vị trí của chiếc lưỡi. Khi phát âm /z/ đầu lưỡi vẫn còn dính với lợi của vòm răng trên. Với âm /th/ thì đầu lưỡi lại dính với răng. Liệu có được bao nhiêu người Pháp hay người Đức nói tiếng Anh thành công và thực hiện được sự thay đổi nhỏ bé này?

Hệ thống âm vị của ngôn ngữ rõ ràng có vẻ đơn giản nhưng cũng đầy những khó khăn, phức tạp. Thật vậy, số lượng thanh âm mà con người có thể tạo ra là có giới hạn, và con người cũng học hỏi theo những khuôn mẫu ngôn ngữ của cộng đồng. Nhưng khi những âm vị thứ cấp như dấu nhấn, trọng âm, lên giọng, xuống giọng[1] kéo dài nguyên âm, rung hay không rung, nói giọng cổ, giọng mũi, và nhiều yếu tố khác thêm thắt vào những khuôn mẫu cơ bản, chúng ta có thể nhận ra rằng không một ngôn ngữ nào là một hệ thống giản đơn cả.

Âm vị của một ngôn ngữ phải phù hợp và tương quan với ngôn ngữ đó như là một hệ thống. Các ngôn ngữ là những hệ thống văn hóa đã được xác định không chỉ trong các âm vị, mà còn trong những phương cách chúng kết hợp những phần tử cơ bản này lại với nhau theo một trật tự cấu trúc nhất định

Hình thái học và Cú pháp. Có thể có một số lợi ích khi so sánh một ngôn ngữ với một cơ thể (Thật ra, một số nhà nhân chủng học đã áp dụng phương cách này trong việc nghiên cứu văn hóa, mặc dù một số khác lại không chấp nhận sự so sánh này). Giả sử chúng ta đang xem xét trường hợp loài mèo nuôi. Dĩ nhiên, mèo là loài động vật có vú nhưng cũng là loài ăn thịt. Hơn nữa, thêm vào những đặc điểm để được xếp vào loại động vật có vú, mèo còn có đôi tai rất thính, một bộ răng sắc bén để cắn xé, một cái đuôi dài để giữ thăng bằng, bốn chân có móng có thể co vào hoặc giương ra và tốc độ di chuyển rất cao. Mèo có thể nhận ra những âm thanh rất đặc biệt. Nói chung, mèo là một minh chứng về sự thích nghi trong thế giới động vật, con người cũng được trang bị kỹ càng những dụng cụ, phương tiện để đáp ứng những nhu cầu sinh tồn.

Theo phương pháp loại suy, chúng ta có thể nói mèo là động vật toàn diện nhất so với tất cả động vật cùng loài, xét trên các khả năng đã được chuyên môn hóa để sinh tồn bằng những phương thức riêng của chúng. Trên bình diện hình thái sinh học hoặc cấu trúc thì những thành phần đã tạo nên toàn bộ một con vật như mèo chẳng hạn, là vô nghĩa và không ăn nhập gì đến đối tượng phải xem xét - cái toàn thể, con vật. Chó và mèo có những điểm tương đồng - cả hai đều là loài ăn thịt, chẳng hạn như vậy - nhưng giữa hai loài là một thế giới khác biệt. Một ngôn ngữ là một hệ thống toàn bộ. Ngôn ngữ cũng có một cấu trúc hoặc một hình thái. Đẩy sự suy luận đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nhận ra rằng những thành phần của ngôn ngữ cũng như các bộ phận của con mèo, kết hợp lại với nhau theo một cách riêng biệt nào đó và phản ảnh một loại thích nghi đặc biệt nào đó. Một số ngôn ngữ - không phải là tất cả - tạo nên những khái niệm đầy ý nghĩa của các động từ bằng cách đặt tên các sự vật hoặc các khái niệm hàm chứa ý nghĩa của hành động, nghĩa là ngay cả các danh từ - nguyên gốc đã phản ảnh tính hành động, tính cách động của ngôn ngữ. Ả-Rập và Do Thái là hai ngôn ngữ điển hình cho khuynh hướng loại này. Các ngôn ngữ khác, như nhiều ngôn ngữ Châu Âu chẳng hạn lại nghiêng về sự vật thay vì hành động. Trong tiếng Anh, bất cứ động từ nào cũng có thể chuyển thành danh từ. Trên thực tế, khuynh hướng trong ngôn ngữ Anh là dạy cho trẻ con tên của các sự vật trước tiên - cái đầu, cái miệng, mèo con, chó con và đại loại như vậy - rồi sau đó mới đến các động từ. Trái lại, trong ngôn ngữ Navaho đứa trẻ lại quen thuộc với những hành động trước ngồi, chạy, di chuyển… Trong tiếng Hoa, chúng ta có thể nói là chẳng có danh từ hoặc động từ gì cả. Các ý niệm phải diễn tả có liên quan đến một sự vật hay một hành động (danh từ hay động từ) hay không, tùy thuộc vào những quan hệ của chúng với những đối tượng liên hệ được diễn tả ngay trong cách nói. Giống như các loài động vật khác nhau về hình thái, các cấu trúc ngôn ngữ cũng biến đổi khác nhau theo các phương thức mà các bộ phận hình thành của chúng kết hợp với nhau. Có một sự khác biệt tương đối giữa loài chó và mèo, giữa các ngôn ngữ cũng vậy.

Hình vị của ngôn ngữ:  Nguyên tố căn bản của bất kỳ ngôn ngữ nào cũng là hình vị, các đơn vị hình vị kết hợp với nhau bằng những cách khác nhau để tạo nên các phần tử của cấu trúc hoặc của hình thái (ngôn ngữ) (Tiếng Hy- lạp: morphe = hình thành). Nếu âm vị là đơn vị căn bản của âm thanh thì hình vị là đơn vị căn bản của cấu trúc. Người biết nhiều ngôn ngữ thường chú tâm xác định các cấu trúc thực sự của một ngôn ngữ, giảm bớt những tiếng mào đầu thừa thãi so với nền tảng căn bản của các âm thanh. Lúc đó, người ta sẽ nhận ra rằng những sắp xếp âm thanh phải theo một khuôn mẫu, trong đó một chuỗi các loại yếu tố đã được xác định xảy ra. Những yếu tố này có thể là những chữ thực, mặc dù, một lần nữa những khó khăn của vấn đề cái gì tạo thành một từ của một ngôn ngữ lại được nêu ra. Thông thường, các cụm yếu tố này là những thành phần tạo nên các đơn vị được nổi bật nhờ các yếu tố âm vị thứ cấp tại các liên từ. Liên từ đơn giản chỉ là khoảng lặng giữa các từ. Câu The man is eating (Người đàn ông đang ăn) hình như muốn đòi hỏi các liên từ. Chắc chắn là không có sự ngắt quãng nào giữa /the/ và /man/ cho thấy là trong tiếng Anh mạo từ chỉ định hầu như là một tiếp đầu ngữ, nghĩa là theo sau nó phải có một phần tử nào đó. Giữa /man/ và /is/, giữa /is/ và /eating/ có một khoảng lặng nhỏ - giống như một chút ngại ngùng - chia cách các phần tử tách biệt nhau. Trong tiếng Pháp chẳng hạn, các liên từ không rõ ràng lắm; nhiều ngôn ngữ khác lại nhấn mạnh các liên từ. Vấn đề ở đây là bất cứ ngôn ngữ nào cũng có thể có những hình vị tự do (trong trường hợp này, các hình vị này tương đương với các từ) hoặc các hình vị giới hạn đã được bổ nghĩa theo một cách nào dó.

Để làm sáng tỏ thêm về hình vị, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn câu The man is eating. /man/ là một hình vị chính với mạo từ /the/; /is/ chỉ tình trạng xảy ra bởi một người hay một sự vật nào đó /eating/ gồm hai hình vị - hình vị gốc /eat/ và hình vị tiếp vị /ing/ để chỉ hành động đang xảy ra, đang tiếp diễn trong ngôn ngữ Anh. Lại như câu “Birds fly” cũng gồm nhiều hình vị /Birds/ mang ý nghĩa số nhiều bởi tiếp vị /z/[2], /fly/ là một hình vị đơn nhưng không giống như /fly/ trong nguyên mẫu động từ /to fly/ bởi nó bổ nghĩa cho chủ từ là danh từ số nhiều /birds/ ở phía trước; chủ từ ngôi vị thứ ba được ngầm hiểu ở đây. Trong trường hợp này, nhà ngôn ngữ học có thể xem đây là một hình vị “số không”, một hình vị phổ biến - trong đó không có biến tố nào mà chỉ có sự hòa hợp giữa danh và động từ trong ngữ cảnh của chúng.

Phải chăng phương cách để nghiên cứu một ngôn ngữ thật sự không giống như cách thức mà nhiều người trong chúng ta đang học hoặc nghiên cứu các ngôn ngữ - đó là phương thức hệ biến hóa, trong đó người ta sẽ gặp các khuôn mẫu như I hit, you hit, He hits? Thật ra, khi liệt kê và phân loại những hình vị của một ngôn ngữ người ta thường sử dụng một cái nhìn tổng quan về phạm vi tiềm ẩn của các biến điệu trong hệ thống toàn thể. Vì các ngôn ngữ được nhận ra khác nhau là tùy ở cách chúng ghép chung các ý tưởng như thế nào, cho nên cần phải “có cảm giác” về hệ thống bằng các phương tiện của hình thái học. Chính từ đây việc am hiểu các ám hiệu ngôn ngữ khởi đầu. Vì các ngôn ngữ vận hành khác nhau cho nên cũng cần phải cảm thụ được những hình vị và những ngữ cảnh mà các ngôn ngữ sử dụng. Việc dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác luôn luôn khó khăn. Liệu có thể nắm bắt hết tất cả sự tế nhị và có thể hiểu hết tất cả những gì được gởi gắm ở một tình huống cần phải vừa nhìn vừa nghe mới cảm thụ được trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ? Những phân tích hình vị quan tâm đến ngôn ngữ về mặt cấu trúc toàn bộ sẽ đưa ra một lối thoát cho vấn đề này...

Hơn nữa, ít người quan tâm về ý nghĩa của ngôn ngữ. Một hình vị dù sao cũng là một đơn vị có ý nghĩa, không chỉ trên mặt cảm giác mà còn có thể là một từ kèm theo những phản ứng xúc cảm tâm sinh lý mà những con chữ có thể khơi gợi, một hình vị xuất hiện trong những môi trường cùng với những hình vị khác để tạo ra những hình thái có ý nghĩa.

 Sau đây là một vài thí dụ trích từ một số ngôn ngữ chọn lọc có thể làm sáng tỏ quan điểm trên.

Đối với một người nói tiếng Anh, câu When I was going to the store, I saw a dog (Khi đang đi đến cửa hàng, tôi trông thấy một con chó) hình như hoàn toàn hợp lý và đơn giản. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngôn ngữ Ural-Altaic có nguồn gốc vùng Trung Á, thì lột ý tưởng như vậy lại được diễn tả với một cấu trúc khác hẳn, dùng những hình vị đơn lẻ chỉ có trong tiếng Thổ và không có một chút tương đồng nào với Anh ngữ. Câu Thổ Nhĩ Kỳ là: Magasine gittiğim zaman bia köpek gördüm. (Tại cửa hàng, giờ tôi đến con chó tôi thấy).

Tiếng Anh sử dụng mười một đơn vị chữ và nhiều hình vị hơn trong khi tiếng Thổ chỉ có năm hình vị. Những hình vị của tiếng Thổ như sau: /magasin/ có nghĩa là “cửa hàng”; tiếp vị ngữ /e/ nghĩa là “nơi mà việc, hành động hướng đến”; /gittiğim/ gồm hình vị gốc /git/ nghĩa là “đi”, và tiếp vị ngữ /*d(t)ik/ được đánh dấu hoa thị (*) bởi vì nó không bao giờ xuất hiện mà không có một đại danh từ kèm theo và chỉ một hành động diễn tiến trong quá khứ; và /im/ là chỉ một hành động thuộc về ngôi thứ nhất “I”, “my”; /zaman/ là “lúc”; /bir/ là “một” - mạo từ vô định; /köpek/ là “con chó” - một danh từ vô định (nếu là danh từ chỉ định the dog thì tiếng Thổ sẽ là köpeği - hình vị /i/ để chỉ một chủ thể xác định của một hành động); /gördüm/ gồm gốc là /göm/ có nghĩa là “thấy” thêm /d(t)/ chỉ một phần hành động và /um/ có nghĩa là hành động của ngôi thứ nhất.

Trong trường hợp này, ý nghĩa đích thực của cái câu tiếng Thổ ấy là gì? Người ta có thể áp đặt câu này vào tiếng Anh mặc dù thành một câu vô nghĩa sau: To (chỉ định) store my wenting time (vô định) dog I saw - Tại cửa hàng giờ tôi đến con chó tôi thấy. Một sự diễn dịch tinh vi cũng không cần trong trường hợp này vì câu tiếng Thổ Nhĩ Kỳ này vốn cũng có ý nghĩa như câu tiếng Anh. Chúng ta chỉ đơn giản chuyển tải sự dị biệt theo cách những ý tưởng ghép chung lại với nhau trong từng ngôn ngữ mà thôi.

Cú pháp Dù sao ngôn ngữ không chỉ là một loạt các hình vị xếp chung lại với nhau một cách lộn xộn. Thường thường, những hình vị có thể phải gò bó hoặc không theo một loại khuôn mẫu trật tự nào đó. Những khuôn mẫu này có thể rất nghiêm ngặt hoặc hoàn toàn phóng khoáng. Cú pháp là sự sắp xếp các phần tử của câu hoặc của cụm từ. Ngôn ngữ Anh bao hàm nhiều biến tố hoặc các biến thể hình vị dựa vào một cú pháp rất nghiêm ngặt. Ví dụ như khi nghe câu John and Mary to the movies went (John và Mary rạp chiếu bóng đi) người nghe nhận ra ngày có một sai lầm nào đó. Nhưng câu John went the movies to Mary and (John đi rạp chiếu bóng đến Mary và) lại không thể chấp nhận được vì xâm phạm thô bạo cả về ý nghĩa lẫn quy luật cú pháp tiếng Anh.

Một ngôn ngữ có thể không phải bị gò bó khi tùy thuộc vừa vào hình thái lẫn cú pháp. Chẳng hạn trong tiếng La tinh, các câu: Canis ursum videt, Videt ursum canis, Videt canis ursum, hoặc biến đổi sắp xếp như thế nào giữa ba từ này vẫn có nghĩa là “the dog sees the bear” (Con chó thấy con gấu). Sự xếp đặt từ ngữ cho thấy rõ ràng Con Chó là chủ thể của hành động Thấy và Con Gấu là bị nhìn thấy bổ từ. Tiếng Quan Thoại và tiếng Trung Quốc nói chung so với tiếng Anh hàm chứa sự hình tượng toàn diện hơn. Với tiếng Trung Quốc, cú pháp trở thành một đặc trưng rất cần thiết.

Như vậy, các ngôn ngữ biến đổi vô cùng - ngay cả trong thanh âm - về cấu trúc, hình thái và cú pháp của chúng. Một số nhà ngôn ngữ học cố gắng phân loại các ngôn ngữ dựa trên các loại hình thái và cú pháp, một quy trình tiện ích dùng để minh chứng cái qui mô tiềm ẩn và lớn lao của các khuôn mẫu ngôn ngữ nhân loại. Rõ ràng người ta không thể áp đặt cấu trúc ngôn ngữ của riêng mình vào một ngôn ngữ khác. Những gì được xây dựng dành cho ngôn ngữ Anh chưa chắc thích hợp với một ngôn ngữ khác, dù là một ngôn ngữ gần gũi và có tương quan.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy thật sự thích thú khi biết rằng những qui luật cứng nhắc về văn phạm, về hình vị, về cú pháp dùng để kiểm soát cách sử dụng một ngôn ngữ lại không do những nhà làm văn phạm làm ra. Chúng hình thành một cách vô tư từ bao thế hệ những người đã nói chúng, những người không cần ý thức cái việc mà họ đang làm. Hẳn đã có một thời những phương thức cơ bản được lập ra để làm cho những hình vị ngôn ngữ trở thành tinh xảo hơn và kết hợp với nhau hợp lý hơn, danh động từ của tình trạng tương lai cũng được thiết lập. những quy luật văn phạm đưa ra tính nhất quán cho cách phát âm và hợp nhất cách sử dụng những ký hiệu phát âm. Tuy nhiên, bất chấp tính chuyên chế nghiêm ngặt của các qui luật văn phạm, không một con người sơ khai nào có thể ăn nói đúng văn phạm được. Anh ta chỉ có thể nói bạn rằng một sự việc phải được nói theo cách này và không phải theo cách kia mà thôi. Chỉ những nhà ngôn ngữ học sành sỏi mới có thể phân tích một ngôn ngữ thành những qui luật diễn tả rạch ròi. Tuy nhiên, một người có đầu óc phân tích thông tin sắc sảo đang làm việc tại hiện trường lao động vẫn có thể phát hiện ra những qui luật cơ bản cho mình. Một thí dụ về điều này: khi tôi hỏi một người Shoshone rằng anh ta nói nhà tôi, nhà anh ta, nhà cô ta, nhà chúng tôi, nhà của họ như thế nào trong tiếng Shoshone, trong ngôn ngữ này /gani/ là hình vị có nghĩa là "nhà''. Trong các câu trả lời, mỗi chữ gani đều có một chữ đi trước thay đổi theo danh xưng tương ứng. Khi tôi viết những chữ này ra anh ta reo lên với một nét mặt rạng rỡ: “Vậy là cái hình /n/ này phải có một ý nghĩa gì đó của một người nào đó”. Để khẳng định điều này (anh ta vừa phát hiện ra cái tiếp ngữ chỉ sự sở hữu) anh ta chất vấn: “Vậy thì, ông nghĩ sao về điều đó? Tôi dùng tiếng Shoshone cả đời mà chưa bao giờ nhận ra rằng hình vị /n/ ở giữa một chữ có ý nghĩa là nó là của ai đó”.

Những qui luật của một ngôn ngữ được những người nói nó tuân theo một cách vô thức. Cách thông thường để học bất cứ ngôn ngữ nào là phải làm quen với những qui luật không cần nói ra, bằng cách sử dụng chúng chứ không phải là học các qui luật của ngôn ngữ đó.

Ngữ nghĩa: ý nghĩa của ý nghĩa. Mục tiêu ban đầu của ngôn ngữ dĩ nhiên là truyền thông. Vì vậy vấn đề về ý nghĩa luôn luôn là vấn đề mấu chốt. Ngữ nghĩa, “ý nghĩa của ý nghĩa” là mối quan tâm của các nhà ngôn ngữ học ở nhiều mức độ khác nhau.

Sự truyền thông tin giữa các nền văn hóa. Người ta không cần phải học một ngoại ngữ nếu không nhận ra rằng có những khái niệm không thể chuyển dịch được từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Ví dụ như tính từ gemütlich của tiếng Đức, tính từ này thường được dịch sang tiếng Anh là comfortable (thuận tiện, tiện nghi, tiện lợi). Nhưng đối với người nói tiếng Đức thì các ranh giới giữa gemütlich và thuận tiện - tiện nghi - tiện lợi là hoàn toàn khác nhau. Một chiếc ghế có thể là tiện nghi nhưng bản thân nó không bao giờ là gemütlich. Trong ngôn ngữ Anh tôi có thể thuận tiện thoải mái một cách tự nhiên mặc dù tôi còn cách ra tình trạng gemütlich. Chữ của tiếng Đức (một ngôn ngữ thực sự có tương quan lịch sử với tiếng Anh) chỉ trạng thái tinh thần của một con người, vì vậy “thuận tiện” nhấn mạnh hoàn toàn về một tình trạng tinh thần. Tinh thần của bạn bè thân hữu, của một hớp bia khỏe mạnh, của một khúc hát vui vẻ cũng gởi gắm trong từ Gemütlichkeit của người xứ Bavaria (thêm tiếp vị ngữ /keit/ để tạo thành danh từ), vì vậy tất cả ý nghĩa của từ comfort trong tiếng Anh không thể đáp ứng được ý nghĩa chỉ trạng thái tinh thần của từ tiếng Đức này.

Trong các ngôn ngữ, ý nghĩa luôn luôn là một vấn đề. Thực ra vấn đề này không chỉ nằm ở cấp độ những từ riêng lẻ mà còn trong dạng những định nghĩa cơ bản của cấu trúc ngôn ngữ. Nếu cho rằng tiếng Nga và tiếng Anh sử dụng các khái niệm nội tại khác nhau về thời gian – nghĩa là thời gian được diễn tả một cách khác nhau trong cấu trúc của hai ngôn ngữ - và điều này đã từng là một điều cơ bản gây nhiều ngộ nhận trên bình diện quốc tế. Dù vấn đề này có hiện diện hay không trong trường hợp đặc biệt này, nhưng rõ ràng những biến đổi cấu trúc của các ngôn ngữ cũng ngăn cản sự thông hiểu nhau giữa các nền văn hóa. Một trường hợp như thế cũng xảy ra giữa người Thổ dân da đỏ Pueblo nói tiếng Keresan của vùng new Mexico. Giả sử một nhà truyền giáo có sứ mệnh phải rao giảng cho dân tộc này một nhánh đặc biệt của tôn giáo mình. Trong ngôn ngữ Keresan này không một ý tưởng nào có thể diễn đạt mà không chứa đựng những hình vị, hoặc chỉ hành động được miêu tả từ kinh nghiệm mà người nói đã trải qua, hoặc từ những thông tin mà họ đã nghe nói. Nếu nhà truyền giáo dùng tiếng Keresan nói với người dân ở đó rằng lúc sơ khai Thượng Đế đã tạo ra Thiên đàng và quả đất, ông ta không thể dùng thể từ kinh nghiệm vì - he (Chúa) không hiện hữu ở đó. Ông ta chỉ có thể nhấn mạnh “tôi đã được rao giảng như vậy”.

Tính chất cảm xúc trong ý nghĩa.  Nhưng cái gì là ý nghĩa trong một ngôn ngữ? Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, mỗi người đều có một vốn từ vựng riêng, một cách nói riêng, những từ ngữ và cách diễn đạt ưa thích, một cách xây dựng hình ảnh hoặc ý tưởng riêng biệt - tất cả đều do từ ngữ gợi nên. Tất cả mọi người đều có thể đồng ý về định nghĩa “cái bàn” điều mà người nghe “thấy” được trong đôi-mắt-tâm-trí của họ có thể phản ảnh hàng loạt những hình ảnh khác nhau, tất cả những hình ảnh này dù sao cũng được chấp nhận là những cái bàn.

Lãnh vực của tâm lý ngôn ngữ học liên quan đến các vấn đề về tâm lý trong ngôn ngữ hãy còn trong giai đoạn non trẻ. Một vài đột phá cũng đã được thiết lập, đặc biệt là trong phạm vi học hỏi ngôn ngữ. Người nói mã hóa một cách nói, gởi đi và người nghe giải mã và trả lời. Hệ thống ngôn ngữ học đã được đồng hóa từ bản chất; các cách xử lý thích hợp thường liên quan mật thiết với tính cách cá nhân. Từ các trải nghiệm trong nền văn hóa, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng có những từ rỗng hoặc bẩn thỉu, hoặc chỉ thích hợp với một vài sự kiện xã hội nào đó và không thể thích hợp trong các trường hợp khác. Những tương phản này cho thấy sự có mặt một cách liên tục tính cách xúc cảm trong ngôn ngữ. Một ý tưởng chỉ có thể được diễn tả một cách trung thực nếu nó không phục vụ cho 1ợi ích riêng tư nào đó, hoặc không liên quan đến người nói và môi trường văn hóa của họ.

Ý nghĩa trong ngôn ngữ còn đặt ra một số vấn đề xa hơn. Một cách nói có ý nghĩa là gì? Việc trả lời câu hỏi này là tùy thuộc vào thành phần tham gia cũng như môi trường xã hội của cuộc đối thoại - ai có mặt, đàn ông hay đàn bà, địa vị xã hội cao hoặc thấp. Cách giải quyết vấn đề còn tùy thuộc những đòi hỏi của môi trường văn hóa.

Cuối cùng, bỏ qua một bên những yếu tố cảm xúc trong ý nghĩa, chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc thuần túy kinh điển của chính những từ đó là gì? Liệu người ta có diễn tả được chính xác những ý tưởng nguyên thủy của họ hay không? Thực tế là không, bởi các từ ngữ thường phải kèm theo một loạt những xử lý văn hóa bất thành văn bắt buộc khác. Tôi đâu buộc phải nói chính xác điều tôi suy nghĩ. Thật vậy, trong nền văn hóa của chúng ta cũng như hầu hết các nền văn hóa khác, sự cẩn thận và tế nhị là vô cùng cần thiết để tránh không đưa đến những vấn đề có thể gây tổn hại các mối quan hệ xã hội. Một số người Mỹ thường chọn từ “đi xa rồi” (passed away) thay vì dùng chữ "chết (dead), và rõ ràng nói kiểu “ngỏm củ tỏi rồi” (kicked the bucket) quả là quá khó nghe. Ý nghĩa do đó còn hàm chứa những giá trị xã hội và tâm lý. Có lẽ không một lãnh vực nào mà vấn đề ý nghĩa lại mang tính chết sống còn như trong ngôn ngữ chuyên môn của luật pháp. Trong lãnh vực này, sự chính xác trở nên tuyệt đối, các chuẩn mực luật pháp đã được luật hóa, được công bố và được thừa nhận - không chỉ bởi chính chúng ta mà bất cứ xã hội nào khác của nhân loại.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2450-02-633535411678437500/Van-hoa-va-ngon-ngu/Cau-truc-cua-ngon-ngu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận