Tài liệu: Sự bình thường và bất bình thường

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ sự bàn luận về nền văn hóa của người Alor và những tác động của nó, chúng ta có thể nhận ra một cách dễ dàng rằng những hành vi bình thường trong xã hội người Alor lại không bình thường dưới con mắt của hầu hết những người Mỹ
Sự bình thường và bất bình thường

Nội dung

Sự bình thường và bất bình thường

Từ sự bàn luận về nền văn hóa của người Alor và những tác động của nó, chúng ta có thể nhận ra một cách dễ dàng rằng những hành vi bình thường trong xã hội người Alor lại không bình thường dưới con mắt của hầu hết những người Mỹ. Năm 1954, một cậu bé thổ dân Ojibwa được gởi đến khoa điều trị tâm lý thuộc bệnh viện của đại học Minnesota vì lý do cậu ta luôn nghĩ và tin chắc là - con người có thể bị giết chết khi bị bắn bằng những vỏ sò, ốc ma thuật. Trước đó, cậu ta đã được ông nội chỉ dạy về những bí thuật thuốc men, còn gọi là Midewiwin của dân Ojibwa. Trong xã hội Ojibwa thì niềm tin của cậu bé là có thật và hoàn toàn bình thường. Chỉ đến khi bị đánh giá là trái ngược với những nhận thức của xã hội chúng ta, cậu ta bị cho là ''sai lầm, là người cõi trên'' và là một đối tượng cần phải điều trị tâm thần. Hallowell đã nhận xét rằng: Chia sẻ những niềm tin sai lầm đã thành truyền thống trong xã hội là một hiện tượng bình thường. Phát triển một hệ thống riêng tư sai lầm thành một hệ thống của mình mới là bất bình thường. Đây chính là chứng loạn thần kinh chức năng dạng nhẹ. Khi trở nên thái quá, con người có thể đánh mất cảm giác giao tiếp với trật tự thực tế của xã hội và trở thành chứng rối loạn tâm thần.

Một số trường hợp giao hợp có tính loạn luân của người Navaho, hoặc các trường hợp mà người Navaho tin rằng đó là loạn luân, được giáo sư Walter Dyk sưu tập nhằm chiếu rọi một tia sáng cũng như xác lập một định nghĩa có tính văn hóa về những người rối loạn tâm thần.[1] Trong từng trường hợp, người phạm vào việc giao phối loạn luân đều trở thành loạn thần kinh và bị một ám ảnh muốn tự tử bằng lửa. Ban đêm, khi những người khác say ngủ trong những túp lều đất, buông lỏng sự canh chừng thì những người tâm thần khốn khổ này tự thiêu cháy tay chân mình hoặc nằm úp bụng lên đám than hồng của lò sưởi. Trong mọi trường hợp, những người tâm thần này đều là lối khẳng định là họ đã phạm tội loạn luân. Người Navaho tin rằng tội loạn luân phải bị trừng phạt bằng chứng điên cuồng vì lửa. Các nhà tâm lý trị liệu đã dần hoàn toàn quen thuộc với thực tế này, tuy nhiên, những người loạn thần kinh hay loạn tâm thần này vẫn có thể bị thuyết phục rằng – xét về mặt hành động thực tế họ chưa bao giờ phạm tội đó. Rõ ràng những người loạn tâm thần Navaho với triệu chứng muốn tự hủy hoại bằng lửa là một bất bình thường có tính văn hóa; cũng hoàn toàn có khả năng là tội lỗi giao phối loạn luân theo sau cái phút lầm lạc tinh thần hơn là tạo ra giây phút lầm lạc đó.

Với phạm vi càng ngày càng mở rộng, những nhà tâm lý trị liệu đang luôn tìm kiếm những căn nguyên xã hội của các chứng loạn tâm thần. Ngay cả những người hành nghề chữa trị bệnh tật cũng đang mở rộng tầm nhận thức của mình bằng khoa nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh - từ những bệnh tật có vẻ như chỉ ở bên ngoài cơ thể có thể biến thành những trục trặc tâm lý xã hội. "Từ sự quan tâm đến cá nhân như một đơn vị sinh lý, các nhà tâm lý trị liệu đã tiến đến xem xét cá nhân như là một đơn vị xã hội... Khoa điều trị tâm lý như vậy không chỉ là một khoa học xã hội mà còn là một môn khoa học điều trị”.[2]

Nhân chủng học đã chứng minh rằng trong những giới hạn qui định "những người bất bình thường là những người không được những thiết chế của nền văn minh trợ giúp''.[3] Điều này còn có nghĩa là một người bất bình thường trong xã hội này có thể được chấp nhận là mẫu người lý tưởng trong một xã hội khác. Anh chàng Crasing Thunder (Bẻ Gãy Sấm Sét), con người duy thực của dân Winnebago có thể là một trật khớp đối với xã hội - bộ lạc của anh ta, cái xã hội mà nền văn hóa đòi hỏi những thực tiễn cụ thể tai nghe mắt thấy mới có khả năng thành đạt, nhưng anh ta lại được trang bị một nhân cách để trở thành một doanh nhân: cứng đầu, khéo léo, dám nghĩ dám làm và thành công. Những pháp sư xứ Siberie dứt khoát là có các kiểu nhân cách với loại thần kinh không ổn định. Họ là những người lãnh đạo và là những người có ảnh hưởng trong xã hội của họ. Trong xã hội chúng ta, họ sẽ bị xem là các thành phần lập dị quá khích nhất trong các phong trào điên khùng quái gở, những người mà các quan tòa chỉ xem như những ứng viên xứng đáng của... bệnh viện tâm thần.

Trong xã hội chúng ta, thói quen bệnh tật đồng tính nam bị nhìn với cảm giác phản đối khắc nghiệt và nặng nề. Những người bình thường trên toàn thế giới đều không chấp nhận và muốn loại bỏ hoàn toàn cái thói tật này. Sự xung đột với cảm giác tội lỗi, với ăn năn hối hận, và với sự thất vọng trong nhiều trường hợp, có thể biến con người đồng tính thành một bệnh nhân tâm thần mà không một phương cách nào có thể hồi phục lại cái nhân cách ban đầu mà anh ta đã từng có. Bệnh đồng tính luyến ái thường đi kèm với thái độ từ bỏ những vai trò xã hội bình thường của cả hai giới - nam cũng như nữ.

Trong nền văn hóa của thổ dân vùng đồng bằng, lối thoát cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan của các chàng trai tự cảm thấy không thể đáp ứng được những đòi hỏi của vai trò một chiến binh trong các cuộc chiến tranh xâm lấn lẫn nhau là phải sống trong tình trạng trai giả gái, phải ăn mặc y phục phụ nữ. Trong các buổi lễ trừ tà xua đuổi ma quỷ, chàng trai nghe mệnh lệnh từ một vài đấng thần linh bảo trợ nào đó rằng anh ta phải đóng vai một phụ nữ, phải ăn mặc quần áo phụ nữ và hoàn thành những công việc của phụ nữ.

Bởi mệnh lệnh này là một mệnh lệnh thiêng liêng và siêu nhiên cho nên việc ăn mặc quần áo phụ nữ là chẳng có gì xấu hổ. Thật vậy, mặc dù những người nửa-đàn-ông-nửa-đàn-bà thường bị lũ trẻ con nhìn với chút kỳ dị và sợ hãi nhưng họ vẫn được bọn trai trẻ kính trọng, tìm đến để xin xỏ thứ thuốc tình yêu dùng trong việc mồi chài, quyến rũ các cô gái mà chúng mơ ước. Như vậy những người giả gái của thổ dân vùng đồng bằng tuy tương đối hiếm hoi, nhưng không phải là những nhân cách bất bình thường bởi vì họ thực sự được hỗ trợ, chấp nhận trong nền văn hóa của xã hội họ.[4]

Những đòi hỏi luôn biến đổi trong nền văn hóa của xã hội và cách tiếp cận nền văn hóa có thể gây ra những xung đột nội tâm cá nhân và dẫn đến sự sụp đổ tinh thần.

Mead đã diễn đạt điều này một cách rất tinh tế, bằng cách chỉ đích danh vấn đề xung đột nội tâm ở tuổi vị thành niên mà không cần đi thẳng vào toàn bộ những cảnh ngộ oái oăm gây ức chế khổ đau, xuất phát từ sự mơ hồ vô định cũng như từ việc phải chọn lựa, quyết định trước những đòi hỏi luôn thay đổi mà nền văn hóa áp đặt lên và hầu hết là nhằm mục đích hạn chế, giam hãm con người. Mặc dù những thí dụ được Mead trích dẫn có vẻ như đã lỗi thời (bà ta viết năm 1928) nhưng quan điểm này vẫn tồn tại đến ngày nay:

Những con người trẻ trung trong xã hội chúng ta phải đối diện với những cộng đồng khác nhau, những cộng đồng có những niềm tin và những lối hành xử khác nhau mà theo đó mỗi cá nhân trong cộng đồng có thể tin cậy vào một số bạn bè hay thân thuộc nào đó. Như vậy, cha của một cô gái có thể là một tín đồ của giáo phái Trưởng Lão, một người theo chủ nghĩa đế quốc, một cựu chiến binh một người chống uống rượu, một người rất hâm mộ văn chương của Edmund Burke, một người luôn tuân thủ luật kinh doanh và thuế má, một người luôn nghĩ rằng vị trí của người phụ nữ là ở trong nhà - rằng các cô gái trẻ phải luôn mặc nịt ngực, không để vớ tụ xuống, không được hút thuốc, và ban đêm cũng không được cởi xe đi loanh quanh với các thằng nhãi nhóc. Nhưng mẹ của người cha (Bà Nội) lại có thể là người theo Tâm Giáo, một người tin tưởng vào cuộc sống cao đẹp, một người tán thành mạnh mẽ Bộ luật Liên Bang và chủ nghĩa Monroe, một người thích đọc Rabelais và thích xem các buổi trình diễn ca nhạc cũng như các cuộc đua ngựa. Nhưng cô gái, cháu bà ta là một người theo thuyết bất khả tri, một người ủng hộ nhiệt thành cho quyền lợi phụ nữ, một người theo chủ nghĩa quốc tế - đặt hết tất cả niềm kỳ vọng của mình vào thứ ngôn ngữ quốc tế Esperanto - một người say mê Bernard Shaw và tiêu phí hết thời gian rảnh rỗi của mình trong những cuộc vận động chống giết mổ động vật. Anh trai của cô ta, một người mà cô vô cùng thán phục, vừa mới trải qua hai năm ở đại học Oxford. Anh ta là người theo Anh Giáo, say mê tất cả những gì thuộc về thời Trung cổ, đã sáng tác những bài thơ thần bí, đọc Chesterton, và nguyện dùng cả đời mình để khám phá những bí mật đã mất của các tấm gương hoen ố cũ kỹ thời Trung cổ. Người cậu, anh trai của bà mẹ lại là một kỹ sư, một người theo chủ nghĩa duy vật cứng nhắc, chẳng bao giờ đọc Haeckel để rèn luyện tinh thần trong suốt thời tuổi trẻ, ông ta dè bỉu nghệ thuật, tin rằng chỉ có khoa học mới cứu rỗi được thế giới, chế giễu tất thảy mọi điều đã được nói ra hoặc suy nghĩ trước thế kỷ mười chín, và hủy hoại sức khỏe của mình trong các cuộc thử nghiệm về việc loại trừ giấc ngủ theo phương pháp khoa học. Người mẹ là một khuôn mẫu của tinh thần trầm lắng, bà ta rất say mê tư tưởng triết lý Ấn Độ, là người theo chủ nghĩa bất bạo động, là người không tham gia vào cuộc sống xã hội, và những cố gắng tận tụy của cô con gái cũng chẳng khuấy động được một chút nhiệt tình trong người bà ta. Và dường như tất cả mọi chuyện đều thuộc phạm vi của những người khác trong gia đình. Thêm vào đó, những nhóm đại diện, ủng hộ hoặc bảo vệ cho những sự nhiệt thành tiềm năng, cho sự trung thành được khơi gợi bởi bạn bè, thầy dạy hoặc những cuốn sách mà bà ta tình cờ đọc được dầu không thích hợp với người này người kia cũng trở thành đáng sợ đối với bà ta.[5]

Những người cuồng tín quá khích là những người có những thành kiến về một mức thang giá trị nào đó về cuộc sống, tôn giáo hoặc chính trị, bởi vì họ không thể tạo dựng cho mình một lộ trình len lách qua những mê cung rối rắm của những đòi hỏi không ngừng có tính xung đột lẫn nhau mà cuộc sống áp đặt. Họ thoát khỏi sự suy sụp bằng cách chui vào một trạng thái khác, thiếu tỉnh táo và thiếu lành mạnh hơn.

Những người chỉ được nuôi dưỡng theo truyền thống trong một nền văn hóa độc nhất có thể bị dẫn đến tình trạng gần như điên loạn trước vô số những đòi hỏi đối chọi nhau khi sống trong nền văn hóa khác, và như vậy nhân cách bị gãy đổ như thế nào là tình huống mà con người phải đối diện trước những đòi hỏi của hai hay nhiều hơn nữa các nền văn hóa không giống nhau. Đây là trường hợp của những người phải di cư đến một đất nước mới mẻ khác.

Như vậy, chúng ta thấy rằng không chỉ những xung đột văn hóa gia tăng đột biến làm nảy sinh những chứng loạn tâm thần, mà những cấu hình của các nền văn hóa cũng gây ra sự mất trí điên rồ nào đó.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2451-02-633535441995312500/Van-hoa-va-nhan-cach/Su-binh-thuong-va-ba...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận